Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (18)

-

-

Câu chuyện tàu Titanic cũng là một tấm gương về tỉnh thức mà Phúc Âm hôm nay nhấn mạnh đến. Chính lúc con người tưởng rằng an toàn nhất lại là lúc nguy hiểm nhất. Vì thế, chúng ta cần phải chuẩn bị tâm hồn mình sẵn sàng luôn để đón chờ giờ Chúa đến. Lúc đó, ngày Chúa đến sẽ không như một tai họa nhưng là buổi gặp mặt tràn đầy niềm vui.
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (18)
 
 
 
Bài 121: Gương mù
Thứ hai 11-11-1991 - Tuần 32 Thường Niên
 
Lc 17, 1-6; Kn 1, 1-7
 
Bài Phúc Âm hôm nay nói về việc làm gương mù cho kẻ bé mọn. Vậy kẻ bé mọn mà Phúc Âm nói đến là hạng người nào?
 
Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, kẻ bé mọn ở đây không phải là các con nít, nhưng chính là những người bị xã hội khinh chê, ghét bỏ. Một cách rõ hơn, đó là những cô gái điếm, những người thu thuế, những kẻ đui mù, bệnh tật, phong hủi, què quặt, những người quê mùa, thiếu học thức, nghèo khổ... Tuy nhiên, chính những hạng người bị xem không ra gì này lại trở thành đối tượng yêu thương của Chúa Giêsu. Ngay trong bài giảng đầu tiên, tại Hội Đường Nazarét, Chúa Giêsu đã dùng những lời của Tiên Tri Isaia: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Sai tôi đi rao giảng cho những người nghèo khó...” để ám chỉ đến sự quan tâm đặc biệt của Chúa dành cho hạng người bé mọn này.
 
Thật vậy, Chúa Giêsu luôn tỏ quan tâm đến hạng người này và Ngài nghiêm khắc với những kẻ làm gương xấu cho hạng hèn mọn kia sa ngã. Chúa nói: “Thà buộc cối đá vào cổ mà quẳng xuống biển còn hơn.” Điều này muốn nói rằng hậu quả của việc làm gương xấu rất ghê rợn, đến mức phải nhấn chìm kẻ làm gương xấu ấy xuống tận đáy biển, nghĩa là phải diệt tận gốc để khỏi gây nguy hại những người hèn mọn khác. Qua đó, ta thấy lòng yêu thương của Chúa dành cho kẻ hèn kém, quê mùa, bất hạnh thật lớn lao. Và hôm nay, lễ kính Thánh Martinô, tình yêu thương này của Chúa lại được vị Thánh này sống một cách anh hùng. Thật vậy, Martinô đúng là vị Thánh của yêu thương vì Ngài đã dâng hiến cả cuộc đời để phục vụ và giúp đỡ những người bất hạnh.
 
Nhiều người lầm tưởng Martinô là người Pháp, vì Ngài làm Giám Mục thành Tour, một tên quen thuộc của nước Pháp. Nhưng thực ra Martinô lại là người Hungaria, sinh sống ở một làng giáp với nước Áo. Từ đầu, Martinô là một người ngoại giao. Ngài đi lính và có dịp tìm hiểu đạo Công Giáo. Lúc đó, Ngài chỉ là người dự tòng, chưa được rửa tội. Một lần, đang khi cỡi ngựa đi trên đường, Ngài thấy một người đang co ro vì rét và lạnh. Cảm động, Ngài dừng ngựa và xuống đến gần người ấy, rút kiếm cắt đôi chiếc áo choàng của mình và đưa cho người ấy một nửa.
 
Chính đêm đó, trong giấc mơ, Chúa Giêsu hiện ra với nửa chiếc áo kia của Martinô. Chúa khen Martinô biết nhận ra Chúa trong người nghèo và sống tình thương yêu như Chúa đã dạy. Sau đó, Martinô xin từ giả quân đội, đi tu tại Pháp, làm linh mục rồi được chọn làm Giám Mục thành Tour. Với chức vụ này, Ngài lập dòng để giúp đỡ những người bất hạnh, lang thang, khốn khổ. Suốt cuộc đời làm giám mục, Ngài đã chứng tỏ là một vị chủ chăn đầy yêu thương, luôn quan tâm săn sóc đoàn chiên mình. Dân Pháp tôn kính Ngài, và Ngài gần gũi với họ đến nỗi ít người biết được Ngài không phải là người Pháp.
 
Martinô đã trở nên thánh nhờ biết nhìn thấy Chúa Giêsu trong những người bất hạnh, như lời Chúa phán: “Hễ các con làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất là các ngươi đã làm cho chính Ta.” Như vậy, Thánh Martinô thật sự làm gương cho chúng ta về cách biết nhìn ngắm sự vật bằng con mắt siêu nhiên. Chính đây là điểm khác biệt giữa người thánh và người thường vì các Thánh thấy cái mà người khác không thấy và nghe được điều mà người ta không thể nghe.
 
Yêu thương và tha thứ cũng là đề tài mà hôm nay Chúa Giêsu nhắc tới. Hãy yêu thương anh em và hãy sẵn sàng tha thứ cho họ dù một ngày có bảy lần họ lỗi phạm, xong lại hối hận thì hãy tha cho họ.
 
Yêu thương và tha thứ chính là sứ điệp Tin Mừng. Xin Chúa cho chúng ta hết thảy biết yêu thương nhau và sẵn sàng tha thứ cho nhau. Amen.
 
 
Bài 122: Đạo đức thật
Thứ ba 12-11-1991 - Tuần 32 Thường Niên
 
Lc 17, 7-10; Kn 2, 23-3, 9
 
Chúa Giêsu qua bài Phúc Âm hôm nay dạy chúng ta biết cần phải có thái độ nào khi làm việc cho Chúa. Công việc bình thường hay công việc đạo đức đều được thúc đẩy bởi một trong ba yếu tố sau đây: hoặc vì của cải, vì nhiệm vụ hay vì tình yêu.
 
Vì của cải. Thông thường, ai làm việc gì cũng đều phải tính đến đồng lương mình sẽ được. Đó là lẽ công bằng và hợp lý. Và người ta cũng đòi hỏi đồng lương của mình phải xứng đáng. Lương nhà khoa học, nhà giáo, người công nhân, nông dân... đều khác nhau. Nếu lương không cân xứng, người ta sẽ đòi tăng lương. Đòi tăng mà không được thì đình công để làm áp lực buộc ông chủ phải tăng lương cho mình.
 
Vì nhiệm vụ. Có nhiều loại nhiệm vụ khác nhau: nhiệm vụ đối với xã hội, với tổ quốc... Người làm việc vì nhiệm vụ, thường không quan tâm đến lương bổng, nên dù lương cao hay thấp cũng cố gắng làm cách chu đáo. Và khi đã hoàn thành, có ai khen, họ cũng chỉ vui vẻ trả lời: tất cả vì nhiệm vụ thôi.
 
Vì tình yêu. Đây là thái độ cao quí hơn cả. Một người mẹ dù còn trẻ tuổi, nhưng vì yêu con, sẽ không ngại thức khuya hằng đêm để chăm sóc đứa con đau yếu, và sẵn sàng hy sinh tất cả cho con mà không bao giờ kể công. Người mẹ cũng chẳng bao giờ trông chờ một đồng lương nào qua việc ấy. Hơn nữa, cũng vì yêu con, người mẹ sẵn sàng chịu đói khổ, vất vả... để con được sung sướng. Cũng thế, khi hai người bạn quý mến nhau, chẳng những họ sẵn sàng giúp đỡ nhau khi cần thiết, nhưng còn thấy trước được những nhu cầu của nhau để giúp đỡ. Cũng như người con hiếu thảo biết đoán trước ý muốn hay nhu cầu của cha mẹ và cố gắng thực hiện để làm vui lòng cha mẹ, người bạn chân thành cũng biết quan tâm, lo lắng, giúp đỡ bạn mình cho dù có phải hy sinh chính mình. Vì thế, sẽ bị coi là xúc phạm tình bạn nếu một người dùng tiền bạc để bù lại những giúp đỡ chân thành của người kia.
 
Cuộc đời linh mục của chúng con sau này cũng vậy. Đừng bao giờ phàn nàn, than trách công việc nặng nhọc của mình trước mặt giáo dân. Họ sẽ coi thường nếu chúng con than thở vì công việc quá nặng nhọc, mệt mỏi, hay không đáng công gì, hoặc tiền lễ ít không đủ sống... Nếu nghĩ như thế, chúng ta đã đánh giá công việc mục vụ của mình bằng tiêu chuẩn tiền bạc, vật chất. Thật sai lầm!

Tinh thần làm việc của linh mục phải đúng như lời Phúc Âm dạy: “Tôi chỉ là đầy tớ vô dụng, và tôi đã làm điều mà tôi phải làm.” Điều này tốt nhưng chưa đủ. Linh mục không những chỉ làm việc vì bổn phận, trách nhiệm nhưng còn vì tình yêu Chúa thúc đẩy nữa. Làm việc vì yêu mến Chúa. Cha đã gặp và nói chuyện với một sĩ quan người Pháp tại Montmatre, nơi có đặt Mình Thánh Chúa suốt ngày đêm do phép Tòa Thánh từ năm 1870 để mọi người trên thế giới từ khắp nơi có thể đăng ký về chầu. Ông sĩ quan này là một trong những người chẳng những đã đăng ký theo định kỳ để chầu Mình Thánh Chúa tại đây, mà còn sẵn sàng chầu thay cho người khác. Chỉ cần gọi điện thoại là ông đi chầu thay ngay. Ông nói: “Bao năm tôi đã sống cho mình, nay tôi phải làm gì đó để phục vụ Chúa.”
 
Người có lòng yêu mến Chúa sẵn sàng làm bất cứ việc gì cho Chúa, cho Giáo Hội mà không quan tâm đến lương bổng hay giờ giấc. Nếu chúng ta biết làm việc Chúa vì tình yêu chứ không phải do bổn phận hay tiền tài, chúng ta chắc chắn sẽ được bình an và hạnh phúc. Amen.
 
 
Bài 123: Đức tin – Cứu rỗi
Thứ tư 13-11-1991 - Tuần 32 Thường Niên
 
Lc 17, 11-19; Kn 6, 1-11
 
Bài Phúc Âm hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu chữa lành 10 người bị bệnh phong cùi và đã làm cho toàn dân kinh ngạc về quyền năng của Ngài.
 
Xét về tính cách xã hội, nếu những người phong cùi ngày nay đều được tập trung vào một chỗ cách ly để khỏi lây nhiễm người khác và tiện cho việc điều trị, những người cùi thời Chúa Giêsu lại càng bị cô lập hơn. Thật vậy, trong xã hội Do Thái ngày xưa, người phong hủi bị gạt ra ngoài xã hội không phải chỉ vì chứng bệnh ghê tởm, hay lây này mà còn bị coi là kẻ có tội, bị Chúa phạt. Và vì bệnh cùi là một chứng bệnh nan y, nên chỉ có phép lạ mới có thể làm cho họ khỏi bệnh. Vì thế, khi chữa những người phong cùi được lành, Chúa Giêsu đã được toàn dân ngưỡng mộ. Tuy nhiên, đó không phải là điều Chúa nhắm đến khi làm phép lạ. Mục đích của việc Chúa làm phép lạ là đưa người bệnh đến với ơn cứu rỗi. Và bài Phúc Âm hôm nay nói rõ điều ấy.
 
Khoa chú giải Thánh Kinh đưa ra bốn điểm cần lưu ý về bài Phúc Âm này: sự cầu khẩn – phép lạ – một người trở lại – và sau cùng là ơn cứu rỗi.
 
Đứng trước một Thiên Chúa cao cả, con người chúng ta cảm thấy mình tội lỗi và cầu xin được thứ tha. Một cách nào đó, chúng ta như những người bị bệnh phong cùi trong bài Phúc Âm hôm nay khẩn thiết cầu xin Chúa. Họ đã cầu khẩn với niềm tin tuởng Chúa sẽ thương chữa lành: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi với.” Với lời cầu tha thiết ấy, Chúa Giêsu đã đến với họ và chữa lành họ khi bảo họ đi trình diện thầy tư tế theo luật Mô-sê. Tất cả đều được chữa lành bệnh phong cùi.
 
Thế nhưng, 9 người Do Thái trong số đó sau khi được chữa lành và được các thầy tư tế chứng thực để cho quyền trở về sống với cộng đoàn, đã không trở lại để cám ơn Ngài và thay đổi cuộc sống. Thay đổi cuộc sống mới là điều Chúa muốn khi làm phép lạ. Chúa muốn họ được ơn cứu chuộc, nhưng họ chỉ muốn trở về tình trạng cũ: làm thành viên trong cộng đoàn Do Thái. Vì thế, 9 người này chỉ khỏi bệnh cùi phần xác, nhưng không khỏi bệnh phần hồn.
 
Tuy nhiên, một người ngoại đạo được chữa lành đã quay lại tìm Chúa dể cám ơn và đón nhận sứ điệp của Chúa. Ngài nói rất rõ: “Anh hãy đứng dậy. Đức tin của anh đã cứu anh.” Người ngoại này từ tình trạng không biết gì về Chúa, đã trở thành người biết Chúa và tin theo Chúa hoàn toàn. Anh ta được ơn cứu rỗi của Chúa.
 
Như vậy, Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta nhận ra sự quan trọng trong việc thấu hiểu và đón nhận sứ điệp của Chúa để nhờ đó luôn biết thực thi thánh ý của Ngài trong cuộc sống.
 
Hôm nay, lễ kính Thánh Alberto. Ngài là người Đức, sinh trưởng trong một gia đình giàu có, lại học hành thông minh và đẹp trai nữa. Anh em trong gia đình thường nhắc bảo: “Nếu Alberto không được dìu dắt đúng đường, chắc Alberto sẽ hỏng mất.” Chính Ngài cũng lo lắng về mình như vậy. Thế rồi, Ngài gặp được cha linh hướng tin cậy. Cha linh hướng đề nghị Ngài vào dòng tu. Và Ngài đã nghe lời cha linh hướng, bỏ tất cả tương lai để vào sống trong dòng. Sau đó, Ngài được chọn làm Giám Mục. Nhưng chỉ hai năm sau, Ngài lại xin trở về nhà dòng vì thấy mình không hợp với chức vụ ấy. Trong dòng, Ngài viết nhiều sách vở quý giá về khoa học thiên nhiên cũng như các sách đạo đức khác. Chính Ngài là thầy dạy của Thánh Toma Aquino, Tiến Sĩ của Giáo Hội. Và sau khi Ngài qua đời, người ta thấy ở trong phòng Ngài có cả sơ đồ, và dự tính tạo ra một con người mà ngày nay gọi là Robot. Đó là một điều táo bạo thời bấy giờ. Ngài tài giỏi tới mức người ta gọi Ngài là phù thủy, thầy phép.
 
Thánh Alberto Cả đã được Đức Giáo Hoàng Pio XII nâng lên bậc Hiển Thánh và đặt làm quan thầy các đấng giảng dạy và khoa học tự nhiên.
 
Từ một người bình thường, Thánh Alberto đã đi tìm Chúa và đã gặp Ngài. Và Chúa đã dùng sự tài giỏi, khôn ngoan của Alberto để giúp Giáo Hội, bênh vực Giáo Hội và làm chứng nhân cho Giáo Hội. Ngay tại Pháp, một quảng trường lớn được xây dựng để kỷ niệm các học giả, bác học nổi tiếng trên thế giới, cũng được lấy tên là: quảng trường Thánh Alberto.
 
Lạy Chúa, xin giúp chúng con sẵn sàng đón nhận sứ điệp Tin Mừng của Chúa và hăng say đi tìm Chúa trong suốt cuộc đời. Amen.
 
 
Bài 124: Nước Chúa ở giữa chúng ta
Thứ năm 14-11-1991 - Tuần 32 Thường Niên
 
Lc 17, 20-25; Kn 7, 22-8, 1
 
Bài Phúc Âm hôm nay lại tiếp tục nói về Nước Trời. Muốn hiểu tường tận về ý nghĩa của Nước Trời, chúng ta cần phải phân tích kỹ lưỡng ba chủ đề chính của bài Phúc Âm hôm nay: Con Người đến - Con Người đến phải chịu đau khổ - và Nước Thiên Chúa ở giữa chúng ta.
 
Chủ đề Con Người đến. Thật ra, đây không phải là một tư tưởng mới mẻ trong Kitô Giáo. Ngay trong đạo Do Thái, từ ngàn năm trước dân tộc này đã trông đợi Con Người đến. Ngày đó được tiên báo như ngày của tai họa với biển động, núi đổ, quân thù vây hãm... Và đúng lúc đó, Con Người sẽ đến để giải thoát họ.
 
Chủ đề Con Người đến phải chịu đau khổ. Cái mới mẻ của Kitô Giáo về quan niệm Con Người là chính Con Người sẽ chịu nhiều đau khổ và chết trước khi giải phóng nhân loại. Con Người sẽ sống lại và tái tạo một thế giới mới. Điều này khẳng định công cuộc cứu chuộc là một sự biến đổi.
 
Chủ đề Nước Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Người ta thường tranh luận Nước Thiên Chúa ở chỗ này, chỗ nọ, nhưng Lời Chúa hôm nay nói rõ Nước Thiên Chúa ở ngay trong lòng con người. Như hạt cải bị chôn vùi dưới lòng đất, Nước Thiên Chúa cũng được gieo vào tâm hồn chúng ta và từ từ hạt giống Nước Trời sẽ đâm chồi lớn lên, phát triển và trổ sinh hoa trái.
 
Chúa Giêsu chính là Con Người mà Cựu Ước đã tiên báo và nhắc nhở dân Do Thái đợi chờ ngày Ngài xuất hiện. Ngài đã đến trần gian, chịu đau khổ, chịu chết và cuối cùng phục sinh để tái tạo sự sống mới. Chính sự sống ấy là mầm sống của Nước Chúa đã được gieo vào trong lòng mỗi người chúng ta, liên kết chúng ta lại trong tình yêu thương bác ái.
 
Xin Chúa cho chúng ta biết đón nhận hy sinh trong cuộc đời, để kết hiệp cùng với hy tế trên bàn thờ của Chúa Giêsu mà dâng lên Đức Chúa Cha. Xin cho mọi người biết vun đắp cho hạt giống Phúc Âm nảy mầm trong lòng họ, để nước Chúa hiện diện ngay ở trần gian này. Amen.
 
 
Bài 125: Tỉnh thức
Thứ sáu 15-11-1991 - Tuần 32 Thường Niên
 
Lc 17, 26-37; Kn 13, 1-9
 
Trong những ngày cuối năm phụng vụ, Giáo Hội hướng lòng chúng ta về biến cố cánh chung, tức ngày tận thế. Theo cái nhìn này, thế giới sẽ được kết thúc viên mãn trong Đức Kitô khải hoàn, vinh thắng qua Lễ Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ trụ. Chính Ngài đã lấy máu mình để thiết lập một dân mới, tức là Giáo Hội.
 
Như chúng ta thấy, vào những tuần cuối năm phụng vụ, Giáo Hội lần lượt mừng kính lễ Các Thiên Thần, lễ Các Thánh, và lễ Các Linh Hồn nơi Luyện Ngục, để nhắc nhở chúng ta, những kẻ còn đang sống ở trần gian này, phải sẵn sàng tỉnh thức trong lúc chờ Chúa đến, kẻo như thời ông Noê và thời ông Lót, dân chúng cứ sống ăn chơi, hưởng thụ, không ý thức rằng tai họa sẽ ập đến bất ngờ. Phải tỉnh thức luôn và sống công chính. Đó là điều kiện để được cứu rỗi. Chính Abraham cũng đã dựa vào lý luận này để nài nỉ xin Chúa tha án phạt cho Sôđôma. Ông mặc cả với Chúa là nếu tìm được 50 người công chính trong thành thì xin Chúa tha hình phạt. Chúa đồng ý... Và cuối cùng Abraham hạ xuống chỉ còn 10 công chính để xin Chúa tha cho dân thành Sôđôma. Chúa cũng đồng ý luôn. Nhưng rất tiếc là cả thành Sôđôma không còn ai là người công chính. Ở đây chúng ta thấy sự liên hệ giữa Thiên Chúa và Abraham như tình Cha con. Chúa thương và lắng nghe, chấp thuận lời Abraham cầu khẩn. Nhưng tai họa vẫn xảy đến vì cả dân thành Sôđôma sống trong tội lỗi.
 
Thánh Luca cho chúng ta thấy cần phải sẵn sàng luôn để đón Chúa đến. Kiểu nói đừng xuống lấy đồ vật dưới nhà, nhắc bảo chúng ta phải dứt khoát từ bỏ của cải để được cứu độ. Cũng vậy, hình ảnh ngoái đầu nhìn lại thành Sôđôma của vợ ông Lót, nhắc bảo chúng ta đừng luyến tiếc thế gian kẻo phải bị án phạt đời đời.
 
Từ sau Thế Chiến Thứ II, nghĩa là từ năm 1945 tới nay, câu chuyện chiếc tàu Titanic bị chìm tại Bắc Đại Tây Dương, gần nước Mỹ, vẫn được nhiều người nhắc đến. Đây là chiếc tàu hiện đại đầu tiên với kỹ thuật máy móc tối tân nhất, kiên cố nhất, được đóng để vượt Đại Tây Dương, nối liền Âu Châu và nước Mỹ. Trên tàu chở 1600 người, đại đa số là những người sang trọng và có thế giá. Vào một đêm kia, khi tới Bắc Đại Tây Dương, thình lình tàu Titanic đâm vào một tảng băng lớn. Chúng con biết, nếu đầu tảng băng nhô lên mặt nước một phần, nghĩa là tảng băng đó còn ngầm ở dưới nước chín phần. Lúc đó, trên tàu Titanic, người ta đang nhảy múa, ăn uống, chơi bời... Không ai ngờ rằng chiếc tàu bảo đảm, an toàn như vậy mà bây giờ bị nước biển tràn vào vì đụng vào tảng băng. Mọi người hốt hoảng nhốn nháo tìm phao và xuồng nhỏ để thoát thân. Nhưng số xuồng cứu hộ không đủ nên chỉ có một số ít người sống sót... Theo luật hàng hải, ông thuyền trưởng phải là người rời tàu cuối cùng. Vì thế, ông cùng với ban nhạc của tàu Titanic và một số người đứng chào vĩnh biệt trên boong tàu trong khi ban nhạc đánh bài cuối cùng: “Lạy Chúa, chúng con mong được ở gần Chúa” và chiếc tàu chìm dần.
 
Câu chuyện tàu Titanic cũng là một tấm gương về tỉnh thức mà Phúc Âm hôm nay nhấn mạnh đến. Chính lúc con người tưởng rằng an toàn nhất lại là lúc nguy hiểm nhất. Vì thế, chúng ta cần phải chuẩn bị tâm hồn mình sẵn sàng luôn để đón chờ giờ Chúa đến. Lúc đó, ngày Chúa đến sẽ không như một tai họa nhưng là buổi gặp mặt tràn đầy niềm vui. Amen.

Tác giả: Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây