Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Cha Tôi 1. Chương 3. Công việc mục vụ tại Kansas.

-

-

Ngài chấp nhận “sẵn sàng hy sinh cho Hội Thánh và hy sinh vì Hội Thánh” (ĐHV số 265) bởi vì Ngài ý thức một cách tận cùng, thái độ đúng đắn của một người “Công Giáo trăm phần trăm” là “yêu mến Hội Thánh, vâng lời Hội Thánh, trung thành với Hội Thánh, cầu nguyện cho Hội Thánh”. (ĐHV số 253).
Cha Tôi.
Phần 1: Vui Mừng, Gian Truân và Hy Vọng
Chương 3



CÔNG VIỆC MỤC VỤ TẠI KANSAS

Sau ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời năm 1986, cùng với cha Chưởng Ấn, tôi đến nhà xứ Thánh Đa Minh tại thành phố Garden City để trình diện với Đức Ông chánh xứ. Tôi được đón tiếp một cách niềm nở. Công việc mục vụ của tôi chính thức bắt đầu.
 
Đức Giám Mục chỉ định tôi phụ trách tất cả các cộng đoàn công giáo Việt Nam trong giáo phận ở 4 thành phố: Garden City, Dodge City, Liberal và Great Bend. Cuối mỗi tuần, tôi phải làm việc mục vụ cho 3 cộng đoàn. Hai cộng đoàn Garden City và Dodge City có thánh lễ mỗi tuần vì có đông giáo dân. Liberal được tôi đến 3 tuần trong một tháng và tuần còn lại dành cho Great Bend vì nơi đây chỉ có 5 gia đình Công Giáo. Tính chung mỗi cuối tuần tôi phải lái xe khoảng 400 cây số để làm việc mục vụ cho 3 cộng đoàn. Người dân Việt Nam ở đây đa số làm việc trong các hãng thịt bò. Một công việc theo phương pháp dây chuyền không đòi hỏi phải biết nhiều Anh Văn và chuyên môn. Chỉ cần chịu khó và khéo tay. Hai đức tính sau này thì hầu như người Việt Nam nào cũng hội đủ nên họ dễ dàng được nhận vào làm việc.
 
So sánh với những người không có chuyên môn, đây là công việc được trả lương khá cao, nhưng chẳng mấy ai nghĩ mình sẽ làm suốt đời ở đây, vì khí hậu quá khắc nghiệt: Mùa hè quá nóng, và mùa đông lại quá lạnh. Hơn nữa, đây là một tiểu bang chuyên về nông nghiệp và chăn nuôi, không có nơi giải trí như những thành phố lớn ở các tiểu bang khác. Nhưng đó cũng là niềm tự hào của người dân Kansas. Tôi đã đọc được điều này trên một tấm bảng lớn với hàng chữ như sau: “Một người dân Kansas nuôi được thêm 4 người và chính bạn nữa”. Vì thế , đa số những người Việt ở đây đều có ý định chỉ làm một thời gian ngắn, dành dụm kiếm một số vốn rồi đi nơi khác làm ăn, vừa để con cái có điều kiện học hành hơn. Họ vẫn thường mỉa mai với nhau, đây là xứ khỉ ho bò rống thay vì khỉ ho cò gáy. Tôi cảm thấy thương những người cha người mẹ đã đem gia đình đến đây định cư. Họ hy sinh chính bản thân mình vì tương lai của con cái. Làm lụng khổ cực nhưng không bao giờ quên thúc giục, khuyên bảo con cái cố gắng học hành.
 
Sau hai tháng làm việc, tôi đi thăm tất cả các gia đình Công Giáo Việt Nam trong các cộng đoàn và hiểu rõ những khó khăn cũng như những nhu cầu họ ao ước. Tất cả đều muốn con cái mình biết nói và đọc cho được tiếng Việt. Thế là lớp Việt ngữ được khai giảng. Đức Ông chánh xứ dễ dàng cho phép sử dụng các phòng ốc của trường học giáo xứ. Và lớp học được mở rộng cho tất cả mọi em thiếu nhi, không phân biệt lương giáo vì tôi nghĩ đây cũng là một phương cách tốt để làm việc truyền giáo, làm việc tông đồ. Qua lớp việt ngữ này, những gia đình lương giáo xích lại gần nhau và hiểu nhau hơn. Phần thưởng đầu tiên Chúa dành cho tôi đó. Ngài thưởng cho những lao nhọc và hy sinh của tôi. Những hy sinh mà người khác cho là ngu dại và điên rồ.
 
Thật vậy, khi nghe tin tôi quyết định đi Kansas để làm mục vụ cho người Công Giáo Việt Nam nơi đây, đa số những người quen biết tôi tỏ vẻ vui mừng vì thấy tôi chính thức có công việc Mục Vụ sau nhiều năm chờ đợi, nhưng một số khác cho rằng tôi quyết định sai lầm, dại dột. Họ viện dẫn lý do khí hậu, môi trường hoạt động để thuyết phục tôi thay đổi ý kiến. “Kansas là xứ khỉ ho cò gáy. Ở đó chẳng có gì vui. Khí hậu quá nóng và quá lạnh sẽ không chịu nổi. Công việc quá nặng nề, phải kiêm nhiệm nhiều cộng đoàn. Xa gia đình sẽ dễ cảm thấy cô đơn...”. Tất cả những điều này tôi đã thấy trước, đã cân đo một cách chín chắn sau những lần cầu nguyện sốt sắng. “Lạy Chúa, Chúa biết rõ con, Chúa biết tất cả những yếu kém và giới hạn của con. Nhưng con tin tưởng vào tình thương và sức mạnh của Chúa. Con cám ơn Chúa vì đã thương gìn giữ con an toàn trên Biển Đông để con được sống cho đến ngày hôm nay. Một ơn quá lớn đối với con. Sự sống của con thuộc về Chúa, con sẵn sàng chấp nhận gian khổ vì phần rỗi của anh chị em con. Xin ban cho con ơn can đảm và sự khôn ngoan để con luôn biết tiến tới dù khó khăn và thách đố đang chờ con. Xin cho con biết làm mọi sự vì vinh danh Chúa. Chúc tụng danh Chúa đến muôn đời. Alleluia!”. Nhờ đó tôi vẫn giữ được sự bình an trong quyết định của mình.
 
Tôi nhớ lại những lời dặn dò của Cha tôi: “Tránh gian khổ, con đừng mong làm Thánh” (ĐHV số 702) và Ngài khuyên bảo: “Gian khổ nặng nề nếu con khiếp sợ trốn tránh, gian khổ dịu dàng nếu con can đảm chấp nhận” (ĐHV số 717). Chính Ngài đã làm gương cho tôi: Luôn chấp nhận Thánh Giá, chấp nhận gian khổ một cách can đảm. Không bao giờ trách móc, giận hờn, than thở. Nhưng luôn tha thứ và bỏ qua (ĐHV số 700).
 
Ngày 7 tháng 5 năm 1975, Ngài âm thầm từ bỏ Giáo Phận Nha Trang để vào Sài Gòn, theo lệnh bổ nhiệm của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI. Cuộc đời gian khổ của Ngài cũng bắt đầu từ đó. Ngài không thể ở trong Tòa Giám Mục Sài Gòn vì lúc nào cũng có một nhóm thanh niên nam nữ, do một số các linh mục và nữ tu cấp tiến xúi giục, mang biểu ngữ đứng bên ngoài lớn tiếng yêu cầu Ngài phải trở lại Nha Trang. Vì thế, Ngài phải di chuyển chỗ ở nhiều lần từ Giáo Xứ Xóm Chiếu đến Đại Chủng Viện Thánh Giuse. Không nơi nào Ngài ở được lâu. Vào chiều ngày 14 tháng 8, một ngày trước khi Ngài bị bắt giữ và đưa ra quản chế tại giáo xứ Cây Vông, Nha Trang, một số linh mục và nữ tu cấp tiến đến gặp riêng Ngài tại Đại Chủng Viện Sàigòn với lời hăm dọa Ngài sẽ bị tù tội nếu không tự ý trở về giáo phận cũ. Và Ngài trả lời một cách can đảm: “Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm tôi vào Sàigòn. Tôi phải vâng lời Đức Thánh Cha dù phải bị gian khổ. Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi”.
 
Ngài chấp nhận “sẵn sàng hy sinh cho Hội Thánh và hy sinh vì Hội Thánh” (ĐHV số 265) bởi vì Ngài ý thức một cách tận cùng, thái độ đúng đắn của một người “Công Giáo trăm phần trăm” là “yêu mến Hội Thánh, vâng lời Hội Thánh, trung thành với Hội Thánh, cầu nguyện cho Hội Thánh”. (ĐHV số 253). Đối với Ngài, đây là những đau khổ lớn nhất mà Ngài phải chịu đựng do chính “những người, đáng lý phải thông cảm và có phận sự bênh vực gây nên” (ĐHV số 705). Cũng vì trả lời cương quyết như vậy, Ngài bị xem là cố chấp, không thức thời, điên dại. Nhưng Ngài lại xem đó là sự khôn ngoan chân thật, khôn ngoan của Chúa Giesu chịu đóng đinh: “Khôn ngoan Thập Giá mà Thánh Phaolô đã sống và chia sẻ với giáo đoàn Côrintô. “... Chúa Giêsu chịu đóng đinh là sự khôn ngoan từ trời; Ngài đã làm một cuộc cách mạng chói sáng, không thể che đậy được, với một mãnh lực không thể kiềm hãm được...” (ĐHB số 555).
 
Khi có dịp nhìn lại khoảng thời gian đầy thử thách này, Ngài chỉ mỉm cười một cách an bình vì xem đó là hồng ân Chúa gởi đến để thanh luyện và thánh hóa. Với giọng nói dịu dàng, Ngài nhắc đến cuộc đời của cha Maximillianô Kolbe, được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nâng lên bậc hiển thánh vào ngày 17 tháng 10 năm 1982. Khi Ngài vẫn còn bị quản chế ở Giang xá: “Cha Thánh Kolbe là ‘đứa con điên của Mẹ Maria’. Lòng sùng kính Mẹ Maria chính là động cơ thúc đẩy “cơn điên” của Ngài, khiến cho Ngài yêu thương những hạng người nghèo khổ, bị bỏ rơi một cách ‘điên cuồng’, và cuối cùng ‘điên dại’ chết thay cho một người bạn tù. Còn Cha, Cha chưa được cái diễm phúc ‘điên dại’ như Ngài. Nhưng được điên dại vì Đức Kitô là một hồng phúc lớn lao”. Chính Ngài cũng đã viết một tập sách nhỏ mang tựa đề “Sứ điệp của Cha Thánh Maximillanô Kolbe”, thuật lại cuộc đời hy sinh gian khổ và sứ điệp yêu thương của thánh nhân để giúp con cái Ngài nhận ra giá trị tông đồ bằng hy sinh đau khổ trong cuộc sống.
 
Cuộc đời đầy hy sinh đau khổ nhưng luôn tràn trào yêu thương và tha thứ của Ngài cũng đã giúp tôi vượt qua những hiểu lầm, vu khống bất công mà người khác vô tình hay hữu ý đã gán ghép cho tôi. Và điều làm cho tôi đau khổ hơn hết là lời vu khống tố cáo tôi là “linh mục giả”. Họ suy diễn rằng sau năm 1975 tôi không còn tiếp tục tu học ở Đại Chủng Viện Huế và năm 1980, năm tôi chịu chức linh mục, không có chủng sinh nào được chịu chức ở Huế cả. Và họ còn hăm dọa sẽ tố cáo tôi với Đức Giám Mục Mỹ. Tôi đau khổ chịu đựng không một lời oán trách. Những người này có lý của họ. Và tôi nghĩ chắc họ cũng có ý tốt muốn Giáo Hội khỏi bị những lạm dụng như đã xảy ra ở nhiều nơi. Tôi tha thiết cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa muốn gì nữa đây. Chúa biết thiện chí của con. Chúa biết rõ những cố gắng hy sinh khi con chấp nhận đến làm việc ở đây. Tại sao giờ Chúa lại để con vào một hoàn cảnh rắc rối như vậy? Có phải Chúa muốn thanh luyện con qua những thử thách đau khổ này không? Con xin dâng lên Chúa tất cả những lời vu khống này, Chúa liệu thu xếp cho con. Còn bây giờ, xin Chúa ban cho con biết can đảm chấp nhận để con được bình an và hăng hái tiếp tục tiến tới, con cám ơn Chúa”. Tâm hồn tôi tràn ngập bình an và Chúa đã thu xếp chuyện của tôi một cách tài tình hơn những gì tôi chờ đợi.
 
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, một trong những người tố cáo tôi có dịp trở về thăm gia đình ở Nha Trang và nhờ đó biết sự thật về tôi. Khi trở về lại Kansas, chính người này lại đứng ra bênh vực tôi. Chúa làm mọi sự cách lạ lùng.
 
Thật ra, việc tôi quyết định vào Chủng Viện Sao Biển Nha Trang sau năm 1975 một phần lớn cũng do chính những lời khuyên của Ngài. Hôm đó, ngày 15 tháng 4 năm 1975, từ Vĩnh Linh, Cam Ranh, nơi gia đình tôi từ Đà Nẵng mới vào tạm trú được hơn 1 tuần, tôi ra Nha Trang gặp Ngài. Khung cảnh Tòa Giám Mục vẫn không có gì thay đổi. Ngài tiếp tôi một cách thân tình như mọi lần.
 
- Úi chao! Hiền vô đây khi mô rứa (khi nào vậy), có khỏe không? Ủa, bệnh hay sao mà xanh vậy?
 
Tôi trả lời:
 
- Con và Gia đình vào Vĩnh Linh được hơn tuần nay. Con bị bệnh sốt rét vì không hạp thủy thổ. Bây giờ đỡ rồi. Thế là Ngài vào phòng lấy đưa cho tôi một lọ thuốc ký ninh (quinine) trị sốt rét, và thuốc bổ rồi chỉ tôi cách dùng. Tôi cảm động cám ơn Ngài.
 
Ngài hỏi thăm về cuộc sống của gia đình tôi ở Vĩnh Linh, về dự tính trong tương lai, rồi khuyến khích tôi can đảm theo đuổi ơn gọi. Năm đó tôi mới bắt đầu năm thần học thứ 1 sau 3 năm triết học tại Đại Chủng Viện Xuân Bích Huế (Saint Sulpice) và một năm giúp xứ tại Kẻ Văn, nơi cha Trần Văn Phước quản nhiệm. Tôi lo lắng trình với Ngài về hoàn cảnh khó khăn của gia đình: cha tôi chắc sẽ không còn có việc làm nữa, mẹ tôi mất sớm, các em còn nhỏ và đang ở lứa tuổi còn học sinh, không thể làm việc gì. Tôi hỏi Ngài: “Cha nghĩ con có nên ở nhà một thời gian giúp ổn định cuộc sống gia đình trước, rồi sau đó vào lại chủng viện tiếp tục học không?” Ngài trả lời dứt khoát: “Không nên. Đừng mất thời gian. Con phải đi tựu trường ngay khi chủng viện mở cửa lại. Phải hoàn tất chương trình học của con trước vì sau này không biết có còn được học nữa hay không. Nếu gia đình con định cư ở đây, không về lại Đà Nẵng thì con xin tiếp tục học ở Nha Trang. Ở đâu cũng là phục vụ Hội Thánh. Còn chuyện gia đình con, cứ để cho Chúa lo liệu. Ngài luôn quảng đại hơn mình nhiều. Ngài cũng kể cho tôi nghe về những khó khăn mà Giáo Hội Đông Âu sau năm 1945 đã phải chịu đựng rồi kết luận: “Chúa Thánh Thần vẫn luôn ở với Hội Thánh. Trong mỗi hoàn cảnh, Ngài có cách hướng dẫn phù hợp riêng để Hội Thánh tiếp tục sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Không gì có thể phá đổ Hội Thánh vì chính Chúa đã hứa như vậy với Thánh Phêrô” (Mt 16,18).
 
Ăn trưa xong, tôi xin phép Ngài về lại Vĩnh Linh. Ngài chúc lành, và dúi vào tay tôi một nắm tiền vừa nói: “Cố gắng nghe. Can đảm giữ vững tinh thần. Cha gởi lời thăm Ba của con và các em”. Thật chân tình!
 
Lời Ngài khuyên hôm đó giúp tôi quyết định can đảm bỏ lại tất cả những công việc, dự tính còn dang dở, vượt qua những ưu tư, lo lắng về gia đình để trở lại tiếp tục học ngay khi chủng viện Sao Biển Nha Trang vừa mở cửa lại cho các lớp thần học vào tháng 6 năm 1975. Nhờ đó tôi được “hộ khẩu” thường trú trong chủng viện và hoàn tất chương trình thần học. Vào mùa hè năm 1978, đa số các anh em chúng tôi ở Chủng Viên Sao Biển Nha Trang được Đức Giám Mục chỉ định đến giúp việc tại các giáo xứ. Tôi được đưa về Giáo Xứ Cây Vông, nơi cha đã bị quản chế từ ngày 16 tháng 8 năm 1975 đến ngày 18 tháng 3 năm 1976. Một sự trùng hợp thật lạ lùng!
 
Ý thức được nhu cầu và tầm quan trọng của việc tông đồ truyền giáo trong lãnh vực văn hóa, sau khi mở lớp Việt Ngữ cho tất cả các em thiếu nhi không phân biệt tôn giáo, tôi tiến hành xuất bản tờ đặc san cho tất cả mọi người Việt Nam trong giáo phận, mang tên Hướng Dương. Đặc san này được mọi người lương giáo hưởng ứng một cách tích cực và nỗ lực đóng góp bài vở vì cùng xem đó là tờ báo của chính mình. Những ngày lễ hội truyền thống, những ngày lịch sử oai hùng, những danh nhân của dân tộc, cũng như những biến cố quan trọng trong cuộc sống, được chúng tôi, những nhà văn “cây nhà lá vườn” ghi lại và diễn tả với hết tâm tình. Thời điểm đó, chúng tôi phải tự đánh máy và sắp xếp trình bày từng trang báo, trước khi đem đi chụp bản kẽm in thành tập. Và mặc dầu đặc san chỉ xuất bản hai tháng 1 lần, tôi và ban biên tập, nhất là anh Cao Xuân Thịnh, được xem là đệ tử ruột của tôi, đã mất nhiều thì giờ và công sức mỗi lần ra báo. Tuy nhiên, mỗi khi nhìn thấy tời báo được hoàn tất, thấy mọi người cầm đọc cách nâng niu, tôi lại cảm thấy được an ủi và hăng hái tiếp tục.
 
Nhưng trên hết, động lực căn bản đã nâng đỡ tôi vượt qua những khó khăn, mệt nhọc này là ý hướng tông đồ. Chính động lực tông đồ đã giúp tôi bỏ qua những chỉ trích, dèm pha có ác ý, quên đi “cái tôi” của mình để vui vẻ mời gọi và khuyến khích những người cộng tác. Tôi nhớ lời Cha nhắn nhủ trong cuốn Đường Hy Vọng: “Cái ‘tôi’ của con càng bành trướng, việc tông đồ càng thất bại. Cái ‘tôi’ của con càng tan biến, việc tông đồ càng kết quả” (ĐHV số 302). Đúng thật. Tờ báo trở thành mối dây liên kết giữa những người Việt Nam lại với nhau. Những tị hiềm, nghi kị giữa những người khác tôn giáo nhờ đó mà vơi dần. Và Công Giáo được mọi người nhìn với nhiều mỹ cảm.
 
Được sự nâng đỡ cụ thể đầy yêu thương của tôi, ca đoàn của giáo xứ phát triển về mọi mặt. Nhưng tôi không ngừng lại ở đó. Dần dần tôi giúp cho giáo dân và các ca viên hiểu vai trò của ca đoàn không chỉ đóng khung trong nhà thờ nhưng phải biết dấn thân vào xã hội phục vụ tất cả mọi người trong cộng đồng, nhờ đó nhiều người có thể nhận ra được lòng yêu thương của Thiên Chúa. Từ đó, ca đoàn Công Giáo trở thành trụ cột trong những buổi lễ cộng đồng. Tất cả đều phấn khởi. Sung sướng nhất là ca viên vì biết được mình đang góp phần vào công cuộc truyền giáo của Giáo Hội.
 
Song song với việc tông đồ trong lãnh vực văn hóa, tôi nỗ lực nâng cao trình độ hiểu biết và cách sống đạo của người giáo dân. Trước hết, tôi khuyến khích mỗi gia đình công giáo nên có một cuốn Kinh Thánh. Nhưng ở đây không có nhà sách Công Giáo Việt Nam. Tôi phải vận động những người thân ở Orange County, California, nơi có đông người Việt, để nhờ họ gởi sách qua. Và Bác Ly, thuộc phong trào Thánh Linh đã hăng hái mua và biếu không nhiều sách Thánh Linh cho tôi, nhờ đó mà việc học hỏi và sống Lời Chúa trong giáo xứ được hình thành. Tiếp đến, tôi tổ chức những buổi đọc kinh tối luân phiên từng gia đình để tôn vinh Mẹ Maria. Và sau cùng thành lập Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể cho tất cả các em thiếu nhi trong giáo xứ để giúp các em ngay từ nhỏ biết sống tinh thần đồng đội, sống yêu thương phục vụ và nhất là biết yêu mến Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể.
 
Thời đó, trong giáo xứ có nhiều thanh niên sống một mình không có cha mẹ người thân. Họ cảm thấy thật cô đơn trống vắng vì thiếu tình cảm gia đình nên đâm đầu vào chuyện cờ bạc nhậu nhẹt để tìm quên lãng và giết thời gian. Nhà thờ cũng ít khi thấy mặt họ vì họ nghĩ Chúa quên mất họ rồi. Nghe ông chủ tịch giáo xứ trình bày hoàn cảnh bi đát này, tôi thật xúc động. Tôi nghĩ đến ngụ ngôn “Người Con Hoang Đàng” hay đúng hơn dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” trong phúc âm của Thánh Luca (Lc 15, 11-32) và cảm thấy bị thôi thúc phải đi tìm những thanh niên đáng thương này. Không thể chờ đợi lâu được nữa. Tôi tìm đến những quán cà phê và billard, nơi tập trung của nhóm thanh niên. Lần đầu tiên gặp tôi, cả chủ quán người Công Giáo và nhóm thanh niên đều ngạc nhiên. Họ không thể tưởng tượng được một linh mục lại có thể vào chỗ này. Chỗ mà họ nghĩ chỉ dành riêng cho họ. Tôi đến chào chủ quán, tôi nói rõ mục đích của mình và xin ông hợp tác. Và qua chủ quán, tôi biết rõ hoàn cảnh của từng thanh niên và dần dần tìm cách giúp họ lấy lại niềm tin vào Chúa và cuộc sống. Một số đông quyết định trở lại nhà thờ, tham gia ca đoàn, giúp dạy Việt Ngữ và sinh hoạt với thiếu nhi. Một số khác trở thành bạn đồng hành của tôi mỗi cuối tuần khi tôi phải lái xe đi làm mục vụ ở những cộng đoàn xa. Họ đã tìm lại được tình thương của Chúa. Còn tôi, tôi xác tín hơn vào đường lối yêu thương của Ngài. Chúa yêu thương mọi người. Điều quan trọng là đừng bao giờ bỏ cuộc. Cha vẫn thường khuyên bảo tôi điều đó: “Đừng thấy khó mà nản lòng. Hãy tự hỏi mình: Việc của Chúa hay việc của tôi? Chúa làm hay tôi làm?” (ĐHY số 299). Chính Chúa làm hết mọi sự.
 
Những ngày trong tuần, tôi làm việc mục vụ cho giáo xứ Mỹ. Ngoài những công việc bình thường trong một giáo xứ. Đức Ông chánh xứ đặc biệt chỉ định tôi giúp giáo lý và dâng lễ mỗi tuần hai lần cho các em học sinh ở trường tiểu học của giáo xứ. Đây là dịp tốt để tôi làm quen và học hỏi thêm cách thức làm việc mục vụ ở đất nước này. Tôi đã trình bày với Đức Ông chánh xứ trong buổi gặp đầu tiên: “Thưa Đức Ông, con là linh mục Việt Nam. Học và chịu chức ở Việt Nam. Con chưa bao giờ làm việc trong một giáo xứ Mỹ. Xin Đức Ông thương chỉ dạy cho con”. Và Ngài đã tận tình vẽ cho tôi từng bước một đầy yêu thương và kiên nhẫn. Và tôi sung sướng học theo Ngài vì muốn: “Học để biết. Học để canh tân. Học để phục vụ. Học để yêu mến” như cha thường nhắc nhở (ĐHV số 560).
 
Tôi dạy giáo lý cho các em với tất cả con tim và sự cố gắng của mình. Tôi dùng phương pháp đối thoại, sử dụng tranh ảnh nhiều màu sắc, đánh đúng thị hiếu và sở thích của các em khi đề cập đến các tài tử và ca sỹ nổi tiếng, nên lớp học giáo lý và thánh lễ dành riêng cho các em sinh động hẳn lên. Lớp nào cũng mong được tôi đến dạy giáo lý. Và mỗi lần vào lớp nào, việc đầu tiên của lớp trưởng là đóng cửa lại để khỏi làm rộn ràng chia trí những lớp học xung quanh. Một lớp giáo lý sống động, vui nhộn, đầy tiếng cười. Cha mẹ của các em phần nhiều chưa gặp tôi vì họ chỉ đi đến nhà thờ ngày Chúa Nhật, ngày mà tôi phải dành trọn cho các cộng đoàn Việt Nam. Nhưng qua những gì các em thuật lại mỗi khi học giáo lý và tham dự Thánh Lễ ở trường về, họ biết ơn và cám ơn tôi thật nhiều vì đã giúp cho con em họ được hiểu và sống đạo ngay từ gia đình.
 
Vào ngày lễ cám ơn thầy cô, tất cả các em đều viết thư cho tôi với những lời thật cảm động. Nhưng tôi thích nhất và không bao giờ quên lá thư thật ngắn của một em lớp 6 với mấy hàng chữ sau đây:
 
Cha Hiền thân mến,
Cha có thể làm một bác sỹ giỏi
Cha có thể trở thành một luật sư nổi tiếng
Cha cũng có thể làm một anh hề tài danh
Nhưng Cha lại chọn làm linh mục để giúp chúng con
Vì thế chúng con hết lòng cám ơn Cha.
 
Tôi cảm động đến lặng người. Phần thưởng Chúa ban thật quá lớn. tôi không xứng đáng được như vậy. Tất cả đều do tình thương của Chúa. Tôi ngạc nhiên sung sướng hơn khi đọc những lời của Sơ Hiệu trưởng viết về lớp giáo lý của tôi trên tờ báo địa phương: “Thật khó mà tưởng tượng có thể tạo nên được một lớp giáo lý sống động, vui nhộn, hữu ích, hấp dẫn và lôi cuốn tất cả các em học sinh trong thời đại này. Thế mà Cha Hiền, một linh mục Việt Nam đã làm được điều đó tại trường tiểu học của giáo xứ Thánh Đa Minh tại Garden City này”.
 
Tôi muốn la lên thật lớn: “Tạ ơn Chúa”. Và tôi cũng không quên cám ơn những người đã huấn luyện dạy dỗ tôi có được như ngày nay: cha mẹ tôi, các thầy dạy của tôi, nhất là các cha giáo ở Tiểu Chủng Viên và Đại Chủng Viên, các bậc đàn anh và đặc biệt hơn cả, cám ơn Cha. Ngài không những chỉ dạy, khuyên bảo mà còn làm gương cho tôi trong công việc mục vụ tông đồ.
 
Trích CHA TÔI 1
Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền

Tác giả: Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây