Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Cầu Nguyện Hy Vọng - Tập 8

-

-

Tập 8 “Cầu Nguyện Hy Vọng” gồm 31 bài suy niệm – cầu nguyện của Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận.
Cầu Nguyện Hy Vọng - Tập 8
 
Tập 8 “Cầu Nguyện Hy Vọng” gồm 31 bài suy niệm – cầu nguyện của Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận.
 
Bấm vào hình bên dưới để tải tài liệu về máy (tài liệu có định dạng PDF):

 

1. Di chúc thứ hai của Chúa Giêsu
là Mẹ Maria

 
Uớc muốn cuối cùng của Chúa Giêsu
       trước khi lìa đời
       được xem như chính di chúc của Ngài.
Trên Thánh Giá,
Chúa Giêsu trối Mẹ Maria cho Thánh Gioan:
Này là Mẹ của con” (Ga 19, 27) ngay trước khi
       hoàn tất chương trình Chúa Cha giao phó:
Con phó linh hồn trong tay Cha” (Lc 23, 46) 
 
Như vậy, trong chính giây phút quan trọng đó,
Chúa Giêsu đã nghĩ tới Chúa Cha, Mẹ của Người
       và các môn đệ, tức là con người.
Ngài trao phó sự sống cho Chúa Cha,
       trao phó chính người Mẹ yêu dấu cho các môn đệ,
       và trao phó các môn đệ cho Mẹ của Ngài.
Tất cả nói lên tình yêu
       và sứ mạng cứu rỗi của Chúa Giêsu.
 
Ngài biết rõ chúng ta
       đã có Thiên Chúa là người Cha,
       có chính Ngài như người anh em,
       nhưng chưa có người mẹ.
Vì thế, Ngài không nói với Thánh Gioan:
Đây là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc,
       hay là Đấng Trung Gian
       hoặc Nữ Vương của con.
Nhưng chọn một tên gọi rất gần gũi, thân mật:
Đây là Mẹ của con.
 
Thật ra, đối với Ngài,
       không ai thân thiết,
       và được Ngài yêu mến, quý trọng
       cho bằng chính Mẹ Maria.
Và Ngài cũng đã xác nhận
       sự xứng đáng tuyệt vời của Mẹ, 
       không phải vì Mẹ đã sinh ra Ngài, nhưng vì luôn
        “Nghe và giữ lời Thiên Chúa” (Lc 8, 21)
 
Như người mẹ trong gia đình
       luôn yêu thương và gần gũi với con cái,
Mẹ Maria vẫn tiếp tục săn sóc,
       nâng đỡ chúng ta, là con cái của Mẹ.
Còn gì hạnh phúc hơn!


2. Tại sao Chúa Giêsu
trối Mẹ Ngài cho chúng ta?

 
Chúa Giêsu biết rõ tất cả chúng ta
       là những người tội lỗi, yếu đuối, bất xứng,
       cần tình thương của một người mẹ
       để nâng đỡ, khuyến khích.
Vì thế, Ngài trối lại Mẹ Maria cho chúng ta.
 
Là người mẹ, Mẹ Maria luôn gần gũi với con cái.
Không ai có thể hiểu con cái cho bằng người mẹ.
Cũng không ai yêu thương con bằng người mẹ.
Một tên cướp gian ác
       có thể lìa bỏ người vợ, hay người cha ruột,
       nhưng không bao giờ
       từ bỏ người mẹ sinh ra mình.
Người mẹ có một trực giác yêu thương
       bén nhạy không ai bằng.
Con cái cảm thấy
       hoàn toàn tin tưởng người mẹ của mình,
       nên dễ tỏ bày mọi chuyện buồn vui,
       ngay cả lỗi lầm của mình.
Đối với con cái, người mẹ
       vừa là “thầy cô”, vừa là bạn,
       vừa là bác sĩ, là giáo lý viên,
       vừa là vị linh hướng...
 
Thiên Chúa không thể hiện diện khắp nơi
       để trực tiếp yêu thương con người,
       nên Ngài dựng nên các bà mẹ,
       và đã trối Mẹ Maria cho nhân loại.
Thiên Chúa cũng không thể trực tiếp can thiệp
       vào tất cả mọi sự,
       nên đã gởi các bà mẹ đến trần gian.
 
Chúa Giêsu đã cứu rỗi nhân loại.
Nhưng để thực hiện tốt đẹp
       việc cứu rỗi cho một linh hồn,
Ngài gởi Mẹ của Ngài đến giúp.
Và cho đến tận thế,
       đôi khi Chúa Giêsu cũng lại gởi Mẹ của Ngài
       đến trần gian một cách hữu hình,
       để nhắc nhở và khuyến khích
       con người tìm về với Chúa.
 
Để chọn người cộng tác vào việc cứu chuộc,
Chúa Giêsu đã có thể
       dùng một phương thế khác tùy ý Ngài.
Nhưng Ngài đã dùng phương cách tuyệt diệu này,
       là chọn Mẹ Maria, Mẹ của Ngài.
Ngài đã không đổi ý,
       và sẽ không bao giờ
       thay đổi di chúc chính thức của Ngài. 
 
Mẹ Maria can đảm
       lãnh nhận trách nhiệm từ Chúa Giêsu
       để tiếp tục yêu thương,
       nâng đỡ, khuyến khích chúng ta.
Và cách tốt nhất
       để chúng ta đáp trả tình thương của Mẹ
       là vâng lời, tin tưởng và yêu mến Mẹ hết lòng.
 
 
3. Số độc đắc
 
 “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó
       vì họ được Nước Thiên Chúa” (Lc 6, 20)
Khi rao giảng,
Chúa Giêsu thường nói đến Nước Thiên Chúa
       để đối chiếu lại với những gì thuộc về trần gian,
       và khuyên bảo mọi người nỗ lực làm mọi cách 
       để đạt cho bằng được
       nước hạnh phúc vĩnh cửu này.
 
Nếu Chúa Giêsu
       sống vào thời điểm của chúng ta,
       có lẽ Ngài sẽ so sánh Nước Thiên Chúa
       với hình ảnh “vé số độc đắc”.
 
Trúng số độc đắc vẫn luôn
       là một thích thú ngạc nhiên bất ngờ.
Số độc đắc đem lại
       niềm vui lớn lao cho người trúng vì:
              - cảm thấy mình được may mắn
              - cuộc sống sẽ được thoải mái
              - không còn phải lo nghĩ
       tới chuyện cơm áo hàng ngày.
 
Còn hơn người trúng số độc đắc,
       người được Nước Thiên Chúa
       có niềm vui sâu đậm hơn vì:
              - cảm thấy mình được Chúa thương
       một cách nhưng không
              - được sự sống của chính Chúa ngay từ bây giờ
              - được bảo đảm hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa
 
Vé số độc đắc đang ở trong tay con.
Đừng khờ dại làm mất vé số đó.
Và niềm vui của người trúng số độc đắc
       phải luôn tỏ hiện
       trên khuôn mặt và cách sống của con.
Đừng để người khác
       khi nhìn vào khuôn mặt của con,
       họ lại tưởng rằng con đang đi đám ma!


4. Lời tâm sự của Cha M. Kolbe
 
Vào một buổi chiều thanh thản,
Cha M. Kolbe nghiêm chỉnh
       chia sẻ với các đệ tử của mình:
“Chắc chắn, cha sẽ vào Nước Trời”
Và vì thế, Cha M. Kolbe luôn sống bình an.
Không gì có thể làm cho Ngài hoảng sợ,
       kể cả cái chết.
 
Với ánh sáng của đức tin, chúng ta biết rằng
       mình cũng đang được sống trong ân sủng,
       giống như cuộc đời của Cha M. Kolbe.
Vậy tại sao chúng ta lại buồn sầu?
Tại sao lại sợ hãi,
       lo lắng vì những chuyện không đâu?
 
Được sống trong ân sủng còn gì vui sướng hơn!
Vì được bảo đảm sẽ trúng số độc đắc Nước Trời.
Vé số độc đắc vẫn còn trong tay.
Số tiền độc đắc chưa lãnh ra,
       nên càng ngày sẽ càng sinh lợi thêm,
       nếu chúng ta biết đầu tư
       bằng chính yêu thương chia sẻ với người nghèo.
 
Chúa Giêsu nói đến Nước Thiên Chúa
       không phải như một lời hứa ở tương lai.
Nhưng như một thực tại ngay từ bây giờ:
Quoniam ipsum est Regnum Coelorum” (Lc 6, 20) 
 
Đó là món quà quá lớn mà Thiên Chúa Cha
       đã thương ban cho con một cách nhưng không.
Con hãy tạ ơn Ngài và trân trọng gìn giữ
       để niềm vui Nước Trời
       luôn hiện diện trong con.
 
 
5. Chia sẻ
 
Nói “chia sẻ”, chúng ta nghĩ ngay tới việc
       chia sẻ cơm ăn, áo mặc,
       đồ dùng cần thiết cho người nghèo.
Trong thực tế,
       nhiều người chia sẻ với trái tim lạnh lùng,
       hoặc tệ hơn là tay trái cho đi một xu
       nhưng tay mặt lại quơ vào một đống.
 
Một nước giàu viện trợ cho một nước nghèo.
Không phải vì có lòng thương giúp đỡ.
Nhưng để được tự do khai thác, bóc lột
       thâu lại lợi nhuận gấp trăm,
       gấp ngàn lần số tiền đã “cho”.
Đó là một kiểu ăn cướp,
       một loại băng đảng có tổ chức và hợp pháp.
 
Con người cần “chia sẻ”.
Nhưng trên hết và trước hết,
       họ cần được chia sẻ niềm hy vọng,
       vì họ đang sống trong cảnh tuyệt vọng.
Họ cần niềm hy vọng để sống.
Hy vọng được sống trong hòa bình.
Hy vọng được sống trong an toàn, bảo đảm.
Một niềm hy vọng cụ thể.
Không phải chỉ có trên lý thuyết hay bản thống kê.
Nhưng một niềm hy vọng đầy năng động,
       đẩy mọi nỗ lực tiến đến việc thực hiện điều ước mơ.
 
Con người cần chia sẻ đối thoại.
Không phải loại đối thoại bằng vũ khí,
       bằng hăm dọa, hay thỏa hiệp để cùng có lợi.
Nhưng bằng tình huynh đệ chân thành,
       nhờ đó thêm hiểu biết và tôn trọng nhau. 
 
Con người cần chia sẻ yêu thương.
Không phải loại yêu thương xa vời, quá lý tưởng.
Nhưng là một tình thương cụ thể.
Người chia sẻ phải biết mang lấy trong “da thịt” mình
       chính nỗi đau của người khác,
       để có thể cảm thông và tìm mọi cách
       để đưa họ ra khỏi cảnh cùng khốn đó.
 
Đó chính là những chia sẻ
       mà Chúa Giêsu đã làm gương cho con,
       khi Ngài xuống trần gian để cứu chuộc con.
Con hãy tập bắt chước “chia sẻ” giống như Ngài.


6. Có gì để chia sẻ?
 
Chia sẻ là một tương quan huynh đệ
       giữa người cho và người nhận.
- Nếu không biết chia sẻ vật chất,
       lợi dụng và bóc lột sẽ nhen nhúm.
- Nếu không biết chia sẻ bằng con tim,
       hận thù sẽ bùng nổ.
- Nếu không biết chia sẻ bằng đối thoại,
       chiến tranh sẽ bộc phát.
- Nếu không biết chia sẻ
       bằng yêu thương và hiệp nhất,
       chia rẽ và ăn miếng trả miếng sẽ kéo dài bất tận.
 
Mỗi ngày 24 giờ trên 24 giờ,
       dù mắt ta không thấy,
       bầu trời vẫn đầy dẫy những làn sóng được phát ra
       để cổ võ chiến tranh, hận thù và bạo lực,
       trong khi những làn sóng kêu gọi yêu thương,
       kêu gọi hòa bình, hiệp nhất, vẫn còn quá ít ỏi.
 
Chúng ta không thể chờ đợi được nữa.
Đừng thoái thác mình không có gì để chia sẻ.
Hãy bình tâm lại và suy nghĩ.          
Và phải bắt tay vào việc ngay lập tức.
Bắt đầu bằng những việc nhỏ nhưng đầy ý nghĩa.
Những việc trong khả năng và tầm tay của chúng ta.
 
Hãy tính xem chung quanh con,
       bao nhiêu người đang cần được chia sẻ.
Hãy nhìn lại những người con quen thân,
       bao nhiêu người có khả năng chia sẻ.
Con sẽ làm cho mọi người ý thức
       và tất cả sẽ làm thành một dòng sông chia sẻ,
       chảy tràn đến những nơi
       đang có người cần được chia sẻ.
Như thế, cộng đoàn và xã hội con đang sống
       chắc chắn sẽ đầy tình người hơn,
       và cũng tràn đầy tình Chúa hơn.


7. Vài tư tưởng nhỏ
 
Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã bật mí
       về nguyên tắc hành động trong cuộc đời Ngài:
Chỉ cần một vài tư tưởng nhỏ với tầm vóc lớn”.
Cuộc đời của Ngài thật giản dị, trong sáng.
Ngài đã dùng những tư tưởng nhỏ
       để làm nên chuyện lớn.
 
Với ý tưởng “cập nhật hóa”, “hợp thời”,
Ngài đã thực hiện được Công Đồng Vatican II,
       thổi luồng gió mới vào Hội Thánh,
       mà thành quả vẫn còn tồn tại đến bây giờ,
       và các nguyên tắc chỉ đạo
       vẫn tiếp tục được khai triển.
Cũng với ý tưởng “cập nhật hóa” đó,
Ngài đã canh tân hệ thống làm việc
       tại Giáo Triều Roma được hữu hiệu hơn.
Ngài vẫn thường nói:
Hội Thánh không phải 
       chỉ cần được đổi mới một lần là xong.
Nhưng Hội Thánh cần phải đổi mới luôn mãi”.
 
Trong cuộc hành trình theo Chúa và sống đức tin,
       chuyện quan trọng không phải là
- những chương trình vĩ đại
- những lời tuyên bố “dao to búa lớn”
       nhưng thiết yếu làm cho cuộc sống của mình
       đầy tinh thần của Tin Mừng.
 
Chỉ cần sống một điểm nhỏ của Tin Mừng:
       hiền lành, khiêm nhường, hy sinh… cũng đủ làm cho
       toàn bộ cuộc sống mình đầy Tin Mừng.
Nhiều vị Thánh cũng chỉ sống như thế.
Con đừng cao vọng mình “nhân đức” hơn các Thánh!


8. Tư tưởng nhỏ của Các Thánh 
 
Trong lịch sử của Giáo Hội,
       nhiều vị Thánh cũng đã được Thiên Chúa soi sáng
       tiếp tục thực hiện công cuộc cứu chuộc của Chúa,
       với những tư tưởng đơn sơ, nhỏ bé
       mang tinh thần của Tin Mừng.
Thánh Phanxicô Assisi được thúc đẩy với ý tưởng:
        “Hãy bán của cải đi và cho người nghèo” (Mt 19, 21)    
Thánh Augustinô với châm ngôn:
        “Hãy yêu mến, rồi làm gì thì làm
Thánh Ignatiô sáng lập Dòng Tên:
        “Vì vinh danh Chúa
Thánh Don Bosco lo về giới trẻ:
        “Xin cho tôi các linh hồn” (Gen 14, 21)   
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu:
        “Hãy trở nên như trẻ nhỏ” (Mt 18, 3)
 
Các tư tưởng nhỏ này của các Ngài
       đã đem lại sinh khí cho Hội Thánh,
       không phải chỉ trong thời của các Ngài,
       nhưng ngay cả cho con người ngày nay,
       và sẽ còn kéo dài mãi mãi.
Những tư tưởng nhỏ này không bị lỗi thời,
       vì mang tinh thần của Tin Mừng,
       tinh thần của Chúa Giêsu.


9. Tư tưởng nhỏ làm nên việc lớn 
 
Trong thời đại chúng ta ngày nay,
       cũng không thiếu những người tiếp tục
       chọn những tư tưởng nhỏ làm châm ngôn
       cho cuộc sống và hoạt động của mình.
Trong số đó,
       có Mẹ Têrêsa Calcutta với ý tưởng: “Bác ái
       để đến với những người nghèo khổ nhất.
Còn Chị Chiara Lubich,
       sáng lập Phong Trào Focolare
       lại chú trọng đến tư tưởng đơn sơ:
Chúa Giêsu ở giữa chúng ta
       để nối kết tất cả mọi người lại với nhau.
 
Những tư tưởng nhỏ này của các ngài
       cùng với nhiều vị sáng lập cộng đoàn,
       và phong trào khác nữa đã
              - đổi mới Hội Thánh
              - canh tân thế giới
       và tiếp tục thu hút nhiều người
              - dấn thân vào sứ mạng truyền giáo
              - phục vụ những người cùng khổ
              - xây dựng tình huynh đệ chân thành
              - mang lại hy vọng ở tương lai
       cho con người và thế giới.
Họ chính là những nhà cách mạng tình thương,
       tiếp tục sứ mạng cứu chuộc của Chúa Giêsu,
       để phát triển nền “văn minh tình thương”
       cho toàn thế giới.
Chúa cũng mời gọi con cộng tác vào sứ mạng này.
Ngài không muốn con làm người quan sát viên đâu.


10. Cập nhật hóa
 
Đức Thánh Cha Gioan XXIII,
       một con người bình dân,
       đã dùng những lời nói đơn sơ mà Ngài thường gọi là
“Tư tưởng nhỏ với tầm vóc lớn”
       để canh tân bộ mặt của Hội Thánh trong thế kỷ XX.
Đây thật sự là
       một cuộc cách mạng “đổi mới” của Hội Thánh
       được bắt đầu từ năm 1960.  
 
Giáo Hội là Dân Thiên Chúa
       đang trên đường tiến về Nước Trời.
Nhưng đoàn dân này không đi trên mây trên mưa.
Họ vẫn tiến đi
       với đôi chân trên mặt đất như mọi người.
Vì thế, Hội Thánh không thể tách biệt,
       xa lạ với nhân loại,
       xa lạ với những thực tại trần thế.
Trái lại,
Hội Thánh phải luôn mang trong trái tim mình,
       ước muốn hiệp thông với toàn thể nhân loại,
       muốn chia sẻ buồn vui, đau khổ,
       cũng như niềm hy vọng với tất cả mọi người.
 
Tất nhiên,
Hội Thánh không có tham vọng “bao thầu” 
       mọi phạm vi khoa học, nghệ thuật, kinh tế,
       hay là truyền thông, kỹ nghệ, thương mại…
Nhưng Hội Thánh có bổn phận trên tất cả
       những lãnh vực liên quan tới cuộc sống con người:
Tôi mắc nợ người Hy lạp cũng như người man-di,
người thông thái cũng như người dốt nát
(Roma 1, 14),
       nhất là khía cạnh tình thương, như Thánh Phaolô
       vẫn thường nhắc nhở, khuyến khích:
“Anh em đừng mắc nợ gì ai,
       ngoài món nợ tương thân tương ái;
       vì ai yêu người, thì đã chu toàn lề luật” (Rm 13, 8)
 
Yêu thương vẫn luôn “cập nhật” trong mọi thời đại,
       ở mọi hoàn cảnh và môi trường. 
Yêu thương không bao giờ lỗi thời.  


11. Bắt được làn sóng
 
Hội Thánh phải ở trên cùng làn sóng
       với con người thời đại.
Phải biết lắng nghe tiếng nói của thế giới,
       biết nói cùng ngôn ngữ với con người thời nay.
Nhờ đó, Tin Mừng mà Hội Thánh rao giảng
       mới dễ đi sâu vào lòng mọi người.
Hội Thánh cần phải
       mang chiều kích của con người,
       để có thể hiểu được
       điều con người ước mong, chờ đợi.
Bằng không,
Hội Thánh sẽ trở nên xa lạ với con người,
       vì không thông cảm được
       với những khó khăn tinh thần,
       cũng như vật chất mà họ đang phải đương đầu.
 
Vậy Hội Thánh phải như thế nào?
- Một Hội Thánh
       của thời Hang Toại Đạo im lìm bất động?
- Một Hội Thánh
       của thời Trung Cổ đầy vinh quang?
- Một Hội Thánh
       của thời Công Đồng Triđentinô nghiêm khắc?
- Hay là muốn Hội Thánh
       như những phong trào ngày nay:
              Hội Thánh của Hollywood phim trường?
              Hội Thánh của nhạc Pop thời trang?
 
Muốn cập nhật hóa,
Hội Thánh phải liên kết cách hài hòa
Chúa Giêsu vĩnh cửu
       và con người hữu hạn của thời đại.
Thiếu Chúa Giêsu,
Hội Thánh sẽ mất đi tính cách “cập nhật hóa”
       và chỉ còn là một tổ chức điều hành tạm thời,
       cứ ù lì không tiến thêm được bước nào cả.
 
Chiều sâu của việc cập nhật hóa này
       là tiếp tục thực hiện
Mầu Nhiệm Nhập Thể của Chúa Giêsu,
       làm cho sự hiện diện của Ngài có mặt khắp mọi nơi,
       đáp ứng với nhu cầu của con người thời đại.
 
Chúng ta sẽ mắc phải lỗi lầm lớn
       khi làm cho Chúa Giêsu trở nên xa lạ,
       hoặc làm cho bộ mặt Ngài bị lu mờ, biến thái,
       hay cắt xén bớt sứ điệp của Ngài.  
 
Điều cần thiết để cập nhật hóa,
       là làm cho chân dung của Ngài được tỏ hiện:
Xin phục hồi chúng con, 
       xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời
       để chúng con được ơn cứu độ” (Tv 79, 4.8) 
Xin tỏ cho chúng con tình thương của Chúa
       và ban ơn cứu độ cho chúng con” (Tv 84, 8)
Nhờ đó, qua cuộc sống của chúng ta,
       mọi người nhận ra được
       khuôn mặt đích thực của Chúa Giêsu.
 
Những khủng hoảng trong Hội Thánh
       không phải vì Chúa,
       nhưng vì chính chúng ta đã không tiếp tục
       thực hiện Mầu Nhiệm Nhập Thể của Ngài,
       và che mất luôn
       chính khuôn mặt thật của Chúa Giêsu.


12. Trả lại vai trò của giáo dân
 
Trong Hội Thánh ngày nay,
       danh từ “giáo dân” được dùng cách chung chung
       để chỉ những người tín hữu Công Giáo.
Danh từ này có vẻ tiêu cực,
       vì chữ “giáo dân” được dùng như để phân biệt
       với một tầng lớp “cao hơn” trong Hội Thánh:
       hàng giáo sĩ, tu sĩ.
 
Các Thánh Tông Đồ ngày trước,
       được Chúa Giêsu dạy dỗ, đã có một quan niệm
       rõ ràng, chính xác và đứng đắn
       về những người tín hữu này.
Thánh Phêrô gọi họ là
Giống nòi được tuyển chọn, 
       là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, 
       dân riêng của Thiên Chúa” (1Pr 2, 9)  
Còn Thánh Phaolô không ngần ngại
       gọi họ là “Các Thánh” (Rm 12, 13)
 
Tại An-ti-ô-khi-a,
       các tín hữu lần đầu tiên được gọi là
Kitô hữu” (Cv 11,26)
Kiểu gọi này có sắc thái tích cực,
       vì hàm chứa tất cả thần học,
       truyền thống tông đồ về ơn gọi, sự xứng hợp
       và cả sứ mạng của những người này. 
 
Nếu trở về nguồn, chúng ta cần phải phục hồi
       vị trí của người tín hữu trong Hội Thánh.
Qua bao nhiêu thế kỷ,
       những người này đã trở nên thụ động,
       thiếu trách nhiệm,
       cũng chỉ vì họ “được” chỉ dạy như thế.
 
Chúa Giêsu ngày xưa
       đã chọn riêng 12 vị Tông Đồ.
Nhưng Ngài vẫn luôn gần gũi
       với tất cả những kẻ tin theo Ngài:
Marta, Lazarô, Mađalêna
       và đặc biệt với Cha Mẹ của Ngài.
Tất cả đều đã được Chúa
       giao cho một trách nhiệm riêng
       và họ đã hoàn tất cách tốt đẹp.
Mađalêna được chọn làm người đầu tiên
       loan báo tin vui Chúa sống lại cho các Tông Đồ,
       một mầu nhiệm nền tảng làm nên Hội Thánh.
 
Công cuộc truyền giáo ngày nay
       đòi hỏi sự đóng góp tích cực
       của mọi thành phần dân Chúa.
Hãy trả lại cho người tín hữu
       vai trò tích cực ngay từ đầu.
Họ sẽ đem lại mùa xuân mới cho Hội Thánh.


13. Dân Chúa  
 
Vai trò của người tín hữu rất quan trọng
       vì chính họ là “Dân Thiên Chúa”,
       là “Hội Thánh”.
Họ đã chọn Mathias
       làm Tông Đồ thế chỗ Giuđa phản bội.
Họ cũng đã chọn Stêphanô làm vị phó tế.
Giáo Hội tiên khởi
       không có nhiều Giám Mục, linh mục, tu sĩ.
Công việc của Hội Thánh
       được trao phó cho người tín hữu,
       là “hàng tư tế vương giả”.
 
Ngày nay, Dân Chúa,
       dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần
       cũng có thể dấn thân một cách có trách nhiệm
       vào những lãnh vực
       mà hàng giáo sĩ, tu sĩ nhiều khi bó tay.
Họ có thể trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu
       trong môi trường chính trị, kinh tế,
       khoa học, xã hội, văn hóa…
       nhờ đó làm cho thế giới được “thánh hóa”.
 
Bằng cuộc sống chứng nhân,
       họ tiếp tục sứ mạng nhập thể của Chúa Giêsu
       và làm cho hiệu quả
       của Mầu Nhiệm Tử Nạn-Phục Sinh
       đến được với tất cả mọi người.
Hơn nữa, họ cũng có thể
       trở thành những người cộng tác tích cực
       với các linh mục, tu sĩ
       trong các công việc mục vụ.
Như thời Giáo Hội sơ khai,
       chính họ sẽ “giải phóng” các linh mục, tu sĩ
       khỏi những bận rộn lặt vặt,
       để chú tâm vào việc chính yếu
       như các Tông Đồ ngày xưa,
       được các phó tế phụ giúp để
        “chuyên lo cầu nguyện 
       và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6, 4) 
 
Như thế, công việc chung của Hội Thánh
       sẽ không còn tính cách “giáo sĩ trị”.
Nhưng sẽ trở nên trách nhiệm chung
       của toàn Dân Thiên Chúa.


14. Đèn sáng
 
Ánh sáng là chủ đề đầu tiên
       được Thánh Gioan Tông Đồ chọn
       để trình bày việc nhập thế của Chúa Giêsu:
Người là sự sống, 
       và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
       và bóng tối đã không diệt được ánh sáng
        (Ga 1, 4.5)
 
Chúng ta, những người tin theo Chúa
       được gọi là con cái sự sáng,
       và trở thành những ngọn đèn
       tiếp tục mang ánh sáng vào thế giới.
 
Ngọn đèn của chúng ta
       không thể tự mình sáng lên được.
Vì đây là những ngọn đèn năng lượng mặt trời,
       chỉ cháy sáng lên được
       khi lấy năng lượng từ Thiên Chúa là Mặt Trời.
 
Mỗi người trong chúng ta đều có khả năng
       nhận và tỏa ánh sáng ra chung quanh.
Càng gần Mặt Trời Thiên Chúa,
       năng lượng thâu nhận được càng dồi dào
       và ánh sáng tỏa ra cũng mạnh hơn.
 
Cũng như một ngọn đèn yếu ánh sáng
       vì không đủ điện hoặc bị vật cản che khuất,
       ngọn đèn của chúng ta cũng sẽ yếu ớt
       nếu chúng ta chưa từ bỏ được
       những tính xấu làm cản trở ơn Chúa.
 
Tất cả chúng ta là những ngọn đèn
       chạy bằng năng lượng Mặt Trời.
Là những “mặt trời, ngôi sao tí hon”
       có thể di chuyển dễ dàng,
       chúng ta tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu,
       đem ánh sáng vào tận hang cùng ngõ hẻm,
       để làm cho thế giới này tràn ngập ánh sáng.
 
Con thử xem lại ngọn đèn của con còn sáng không?


15. Chúa giàu lòng thương xót
 
Thiên Chúa là tình yêu.
Chúa Giêsu
       cũng đã yêu thương con người đến tận cùng.
Trong giờ phút hấp hối trên Thánh Giá,
Ngài càng bày tỏ
       tình thương này một cách sâu đậm hơn:
- Với Chúa Cha:
        “Lạy Cha, 
       con xin phó thác hồn con trong tay Cha” 
        (Lc 23, 46)   
- Với Mẹ của Ngài:
        “Thưa Bà, này là con Bà” (Ga 19, 26)   
- Với con người, đặc biệt với kẻ tội lỗi:
        “Đây là mẹ của con” (Ga 19, 27)
        “Lạy Cha, xin tha cho họ” (Lc 23, 34)
        “Hôm nay, anh sẽ được 
       ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23, 43)
   
Chính trong giờ phút đau thương này,
Chúa Giêsu càng làm tỏ hiện
       lòng thương xót của Thiên Chúa
       mà dân Do Thái ngày xưa đã cảm nghiệm được:
Lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng,
giàu tình thương với mọi kẻ kêu xin” (Tv 85, 5)
Bởi Chúa luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa” (Tv 129, 7) 
 
Lòng thương xót Chúa trước sau như một.
Hôm qua, hôm nay
       và mãi mãi vẫn luôn nguyên vẹn,
       không bao giờ giảm bớt cường độ.
Đó là niềm an ủi khuyến khích
       và là hy vọng của chúng ta.


16. Ai thương xót người…
 
Phúc cho ai xót thương người
       vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5, 7)
 
Cuộc đời và sứ điệp của Chúa Giêsu
       luôn tràn đầy yêu thương.
- Tìm con chiên lạc mất (Lc 15, 4-7)  
- Phải tha thứ 70 lần 7 (Mt 18, 22)   
- Lòng nhân hậu của người cha
       đối với đứa con hoang đàng (Lc 15, 11-32)
- Tha nợ cho người mắc nợ
       không có gì để trả (Mt 18, 23-35)      
- Thương những người tội lỗi
       như Da-kêu, Mađalêna… (Lc 19, 1-10)
- Thương bà góa thành Na-in
       có người con bị chết (Lc 7,  11- 17)    
- Cho La-da-rô sống lại (Ga 11, 1- 44)       
- Không kết án người đàn bà ngoại tình (Ga 8, 11)  
- Vẫn chấp nhận Phêrô làm đầu nhóm
       ngay cả sau khi chối Chúa (Ga 21, 15-17)      
- Làm phép lạ hóa bánh
       để nuôi dân đang đói (Mc 8, 2)
- Mục tử nhân lành
       thí mạng vì đàn chiên (Ga 10, 15)
- Xét xử con người
       dựa trên hành động yêu thương (Mt 25, 31-46)
     
Nghiền ngẫm cuộc đời và sứ điệp của Chúa Giêsu,
       con sẽ hiểu được tình thương cao cả
Thiên Chúa dành cho con và mọi người,
       và sẽ mang lại cho con niềm vui và an ủi.
Nhưng lòng thương xót Chúa
       cũng thúc bách con tiến lên trong yêu thương.
Vì nước của Thiên Chúa đầy lòng thương xót,
       không phải là chỗ định cư
       của những người không biết xót thương.


17. Những hướng đổi mới
trong Hội Thánh

 
Nhiệm vụ của Hội Thánh là trung thành thực hiện
       những chỉ dẫn mà Công Đồng Vatican II đã đề ra.
 
Công Đồng là một món quà của Chúa Thánh Thần.
Vì thế cần phải nghe theo
       sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần,
       được Ngài bày tỏ
       qua việc cầu nguyện và suy niệm chân thành,
       cũng như qua việc tìm tòi nghiên cứu
       một cách khiêm tốn và vâng phục.
 
Có hai hạng người muốn Hội Thánh đổi mới:
- Hạng cấp tiến
- Hạng tổng hợp (Integralism)
 
Hạng cấp tiến:
- Muốn Hội Thánh đổi mới
       theo chiều hướng thích nghi vào thế giới.
Vì thế, họ chủ trương để thay đổi,
       cần phải hy sinh tất cả những gì trong Hội Thánh
       xem ra không phù hợp với thế giới ngày nay:
- hy sinh phụng vụ và luân lý Kitô giáo,
- hy sinh các tổ chức Hội Thánh
       và ngay cả nội dung tín lý.
Kiểu đổi mới này thật nguy hiểm.
Vì không để ý gì đến bản chất của đức tin,
       đến nguồn gốc
       và những đặc tính thiết yếu của Hội Thánh
       như sự trung tín, hiệp nhất và hoàn vũ.
Thành quả của sự đổi mới này
       chỉ hời hợt bên ngoài, tạm thời,
       như một phong trào, một kiểu thời trang,
       chỉ lôi kéo được những người nhẹ dạ.
Họ chạy theo thật nhanh,
       nhưng bỏ đi lại càng nhanh hơn.
 
Đối với những người
       muốn có một sự đổi mới nghiêm chỉnh,
       họ cảm thấy nghi ngờ, vì đổi mới như vậy
Hội Thánh sẽ không còn tính cách truyền thống nữa.
Và có nguy hiểm làm cho:
       - những Kitô hữu tốt lành bị sai lạc
       - những người có thiện chí lìa xa Hội Thánh
       - giới trẻ bị hoang mang
       không biết đâu là con đường phải theo.
 
Thay đổi mà mất luôn bản chất của mình
       không phải là sự canh tân chính đáng.


18. Những hướng chính đáng
 
Một sự canh tân đúng nghĩa chỉ có
       khi những thay đổi
       không làm mất đi bản chất của Hội Thánh.
 
Chiều hướng của những người
       chủ trương thay đổi tổng hợp,
       mong muốn Hội Thánh thay đổi luôn
       để đáp ứng với những thao thức,
       những nhu cầu của thời đại,
       nhưng vẫn giữ bản chất,
       truyền thống của mình.
Họ cố gắng đào sâu thần học,
       nghiên cứu cách diễn tả phụng vụ,
       để có thể đi sâu
       vào tâm thức của con người thời nay.
Họ hoàn toàn tôn trọng
       tính cách truyền thống đặc thù của Hội Thánh
       và xác tín vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần
       trong những quyết định của hàng Giám Mục
       liên kết với Đấng kế vị Thánh Phêrô,
       giống như thời các Tông Đồ.
 
Đức Thánh Cha Gioan XXIII nói:
Công Đồng là mùa xuân của Hội Thánh.
Công Đồng giống như một cửa sổ mở sẵn 
       để ngọn gió mát tràn vào Hội Thánh
 
Mùa xuân làm đổi mới Hội Thánh,
       chứ không phải cắt xén bớt. 
Và ngọn gió mát của Chúa Thánh Thần
       làm cho Hội Thánh trẻ trung,
       vững tiến với những chiều kích mới,
       chứ không làm cho Hội Thánh
       trở thành xa lạ và biến chất. 
 
Đây là những hướng chính đáng
       cho việc canh tân Hội Thánh trong mọi thời đại.  
Vì nếu không, Hội Thánh sẽ không còn
       là “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”
       như lời khẳng định
       của Kinh Tin Kính từ thời các Tông Đồ.


19. Vui buồn 
của người môn đệ Chúa Giêsu

 
Thật, Thầy bảo thật anh em:
       anh em sẽ khóc lóc than van,
       còn thế gian sẽ vui mừng” (Ga 16, 20)  
 
Chúa Giêsu thường dùng kiểu nói đối chọi:
“Các con, tức Hội Thánh, và thế gian”.
 
Các môn đệ buồn sầu vì:
       - cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong thế gian
       - bị thế gian ghét bỏ
       vì không cùng não trạng với thế gian
       và vì thế gian chỉ thích những ai thuộc về mình.
 
Thế gian vui mừng vì:
       - Chúa Giêsu đã đi khỏi thế gian
       - cuộc sống của họ
       không còn bị Chúa Giêsu phê phán, chỉ trích
       - Giáo Hội của Chúa Giêsu
       liên tục bị bắt bớ, đau khổ
 
Nhưng nỗi lo buồn của các môn đệ sẽ biến mất
khi được gặp lại Chúa Giêsu:
        “Thầy sẽ gặp lại anh em,
       lòng anh em sẽ vui mừng;
       và niềm vui của anh em,
       không ai lấy mất được” (Ga 6, 22)
 
Nếu niềm vui chân chính là có Chúa ở cùng,
       thì người môn đệ không bao giờ mất niềm vui
       vì đã được Chúa hứa:
        “Thầy ở với các con mọi ngày 
       cho đến tận thế” (Mt 28, 20)     


20. Biến buồn thành vui
 
Mặc dầu buồn sầu vì phải xa cách Chúa,
       và phải ở lại trong thế gian
       với nhiều chống đối, ghét bỏ,
       các môn đệ cảm nhận được
       một niềm vui tràn ngập, 
       vì chính nhờ sự xa cách thể lý này
       mà các ông được tự do
       một cách trưởng thành hơn (Ga 8, 32)
 
Trước hết, các ông cảm thấy được tự do
       gặp gỡ Chúa Giêsu phục sinh bất cứ lúc nào,
       vì cái chết không có quyền hạn gì trên Ngài.
Chúa Giêsu bất tử
       giờ đây luôn hiện diện với các ông. 
 
Các môn đệ cũng vui mừng,
       vì xác tín qua lời cầu nguyện,
       các ông được liên kết mật thiết với Thiên Chúa,
       với Chúa Giêsu, Thầy kính yêu của mình.
Niềm vui của các môn đệ càng tràn đầy
       vì sau cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu,
       các ông không cần phải thắc mắc
       như thời Ngài còn sống (Ga 16, 12-15)
       nhưng đã hiểu được toàn bộ sự thật
       về cuộc đời của Chúa Giêsu (Ga 20, 20),
       đồng thời cũng hiểu được rõ ràng
       về sứ mạng của mình,
       trong hiện tại cũng như thời sau hết. 
 
Không những không còn thắc mắc, hoang mang
       nhưng bây giờ các môn đệ còn vui mừng,
       vì có thể trả lời những câu hỏi của tất cả mọi người,
       về ý nghĩa cuộc sống và ơn cứu chuộc của Chúa.
Chính nhờ thế,
       nỗi buồn thảm tưởng chừng như tuyệt vọng
       của các môn đệ vì Chúa Giêsu không còn ở trần gian,
       trở thành niềm vui hạnh phúc tràn đầy.


21. Lương thực hằng ngày
 
Lương thực và khó nhọc là hai điều gắn liền
       với cuộc sống thường nhật của con người.
Chúa Giêsu biết rõ việc này.
Ngài muốn chúng ta:
- Xin Chúa Cha ban lương thực hằng ngày
Nhưng Ngài cũng dạy chúng ta:
- Ngày nào có cái khổ cho ngày ấy (Mt 6, 34)
Cuộc sống con người luôn đối đầu
       với hai sự kiện chính yếu này.
Muốn có cơm bánh,
       con người phải lao nhọc làm lụng.
Và lao nhọc làm cho con người sợ hãi.
 
Tuy nhiên, là người tin Chúa,
       chúng ta cần biết giới hạn lại
       những lo âu mỗi ngày của mình.
Cần phải thấy trước
       tương lai của mình một cách khôn ngoan.
Và cần tin tưởng phó thác tất cả
       vào bàn tay nhân từ của Thiên Chúa là Cha.
 
Những điều sẽ xảy ra ngày mai
       sẽ không giống như mình nghĩ tưởng hôm nay.
Cũng vậy, những gì mình lo sợ hôm nay
       chưa chắc ngày mai sẽ xảy đến cho mình.
 
Tốt hơn hết là luôn chuẩn bị sẵn sàng
       để đón nhận cách vui vẻ với tâm tình tạ ơn
       tất cả những gì Chúa gởi đến.
Như thế, mình sẽ không còn lo âu, sợ hãi
       hoặc quá vui mừng, kích động
       với sự việc, biến cố xảy ra. 
Nhưng luôn tin tưởng, đơn sơ chấp nhận tất cả.
Vì biết mọi sự đều là hồng ân của Chúa.
 
Nhờ đó, biết luôn cảm tạ Chúa
       vì những niềm vui hiện tại
Và can đảm đương đầu
       với mọi khó khăn của mỗi ngày.        
Chúa vẫn luôn là người Cha dạt dào yêu thương.


22. Chúa Giêsu làm gì trên thánh giá?
 
Trên thánh giá, Chúa Giêsu
       không thể tiếp tục đi loan báo Tin Mừng,     
       không thể tiếp tục rao giảng..
Tắt một lời, Ngài không thể làm gì được nữa.
Ngài trơ trọi một mình.
Không sách phụng vụ, không nhà nguyện, bàn thờ
       không bánh thánh, chén rượu thánh,
       không hoa, không nến
       cũng không có tiếng đàn, tiếng nhạc gì cả.
 
Ngài đau khổ tột cùng từ thể xác đến tâm hồn.
Tất cả xảy đến trong âm thầm.
Đôi tay Ngài cũng không thể đưa lên chúc phúc
       vì đã bị đóng đinh dính chặt vào thánh giá.
 
Đối với những người không hiểu biết,
Chúa Giêsu hoàn toàn bất động,
       chẳng làm nên tích sự gì,
       ngoại trừ đau khổ tiếp tục vụt tăng.
Nhưng Mẹ Maria hiểu, Chúa Cha hiểu
       chính trong giây phút đó,
Chúa Giêsu đang cử hành Thánh lễ của Ngài,
       cử hành Hy Tế cứu chuộc,
       đích điểm của việc Ngài nhập thế.
 
Từ đó, tôi hiểu ra được
       những đau khổ ngập tràn tôi đang gánh chịu
       chính là món quà Chúa đặc biệt thương ban.
Khi tôi không thể làm gì được nữa,
Khi tôi không thể rao giảng, dạy dỗ, giải tội…
Khi tôi không có đủ phương tiện
       để dâng một thánh lễ bình thường.
Khi tất cả đều ở trong cô đơn, đau khổ, bị bỏ rơi…
Tôi vẫn còn một khả năng trổi vượt:
       đó là cử hành Thánh lễ.
Và vẫn có thể thực hiện được điều quan trọng,
       ý nghĩa nhất trong cuộc đời:
       đó là sự hy sinh.
 
Khi Chúa Giêsu
       không còn làm được gì nữa trước mặt trần thế,
Ngài đã làm tất cả, làm điều chính yếu:
       ơn cứu chuộc.
Cũng thế, khi tôi càng bị bỏ rơi, bị lột trần…
       tôi càng trở nên mạnh mẽ, xinh đẹp,
       vì được thần linh hóa,
       được nên giống Chúa Giêsu,
       được Mẹ Maria ôm vào lòng
       như Con của Mẹ ngày xưa.
Chính lúc đó,
       tôi dâng Thánh Lễ với Chúa Giêsu và Mẹ Maria.
Thay vì lời kinh trong sách phụng vụ,
       tôi dâng lên
       những lời cuối cùng của chính Chúa Giêsu.
Thay vì bàn thờ,
       chính thân xác rã rời, khổ đau của tôi
       như xác thân của Chúa Giêsu trên Thập Giá,
       làm nơi tế lễ.
Thay vì bánh rượu thánh,
       chính linh hồn, chính máu của tôi,
       và những đau đớn thật sự của tôi, làm nên của lễ.
 
Chưa bao giờ tôi có thể nói
       một cách nghiêm chỉnh rằng mình thật sự
       liên kết mật thiết với Chúa Giêsu như lần này.
Chính Chúa là sự ủi an,
       là sức mạnh đưa tôi lên cao.
Giúp tôi nhận ra được cái giá trị vĩnh cửu
       nơi thân xác bất động, im lìm, vô tích sự
       của chính tôi trong lúc này.
 

23. Kinh nghiệm
Chúa Giêsu chịu đóng đinh

 
Tôi đã từng sống giữa những người không tin Chúa.
Một cách tế nhị, họ xem Thánh Giá
       như là một biểu tượng tôn giáo của chúng ta.
Nhưng đại đa số,
       chỉ thấy Thánh Giá là một miếng gỗ vô nghĩa.
Hay tệ hơn, họ xem đó là một cớ vấp phạm.
 
Nhưng đối với tôi, người tin Chúa,
Thánh Giá có nghĩa gì?
Thánh Giá trở nên một phần của cuộc sống.
Là Vật Thánh. Ai xúc phạm sẽ phạm tội.
 
Trong lịch sử,
       người Kitô hữu đã nhiều lần bảo vệ Thánh Giá.
Và thực tế,
Thánh Giá trở thành đối tượng của thờ phượng.
Với một số người, nhất là người phụ nữ, 
Thánh Giá trở thành đồ trang sức.
Một số khác,
       có vẻ hơi mê tín dị đoan với việc mang Thánh Giá.
Và ở trong một họ đạo,
       gia đình Công Giáo nào cũng phải treo Thánh Giá.
 
Đối với một số người,
Thánh Giá chỉ có một giá trị hời hợt bên ngoài.
Họ chẳng mấy khi nói về Thánh Giá,
       bởi vì chưa nhận ra và cũng chưa cảm được
       ý nghĩa thâm sâu của Thánh Giá. Tại sao?
Chỉ vì họ chưa phải là người Kitô Hữu thật sự.
 
Làm sao có thể tưởng tượng
       một Chúa Kitô không có Thánh Giá đi kèm.
Không có Thánh Giá,
       không thể có Chúa Kitô Cứu Thế
Và cũng không thể có người Kitô Hữu. 
 
Một số khác khá hơn, xem Thánh Giá
       như là vật tưởng niệm về Chúa Giêsu,
       giúp nhớ lại những đau khổ Ngài đã chịu.
 
Thật ra,
Thánh Giá không phải là một điều dễ hiểu.
Đó là một hình ảnh quá đẹp,
       quá thần thánh, quá nhân bản,
       nhưng cũng quá khó hiểu
       cho trí óc hạn hẹp của con người.
Tại sao Chúa Giêsu
       lại phải chịu đóng đinh trên Thánh Giá
       để chứng tỏ tình yêu của mình?
Không có cách nào khác sao? Thật điên rồ!
 
Thế giới ngày nay chối từ Thánh Giá,
       xem đó là một điều không may, rủi ro,
       khiến cho tôi nhiều lần
       cũng muốn chạy theo thị hiếu của mọi người.
Nhưng Chúa Giêsu
       lại khuyến khích tôi sống cách khác.
Trước tiên,
Ngài muốn tôi sống theo gương của Ngài:
       chấp nhận vác Thánh Giá, chết trên Thánh Giá,
       và đóng đinh chân tay mình vào Thánh Giá.
Sau nữa, Ngài muốn tôi thực hành lời của Ngài:
Ai muốn theo Ta, 
       hãy vác Thập Giá của mình mà theo Ta” (Mt 10, 37) 
 
Mỗi ngày tôi đều gặp phải Thánh Giá của cuộc sống.
Nếu tôi cùng đồng hành với Chúa Giêsu,
       tôi sẽ có đủ sức lực, can đảm để vác Thánh Giá
       và khám phá ra
Thánh Giá chính là món quà an bình,
       là niềm vui, là ánh sáng và tình yêu…
Vì qua Thánh Giá,
       tôi gặp được chính sự sống của Chúa Giêsu Kitô.


24. Các Thánh đã hiểu
 
Tình yêu con người phản ảnh một cách nào đó
       tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa Cha.
Nếu tình thương của cha mẹ dành cho con cái,
       hay tình thương giữa vợ chồng,
       cũng đã được xem là tốt đẹp,
       thì tình yêu của Thiên Chúa
       lại càng quá tuyệt hảo.
 
Để đánh giá tình yêu một cách đúng mức,
       chúng ta không nên giới hạn tình yêu
       vào những cảm xúc bên ngoài.
Trên hết, tình yêu thật là những hy sinh
       dành cho người mình thương mến,
       giống như tình yêu tự hiến
       của Chúa Giêsu được thể hiện qua Thánh Giá.
Các Thánh đã hiểu
       và kinh nghiệm được tình yêu này:
       chính Thánh Giá là chìa khóa mở cửa,
       đưa con người đến Thiên Chúa.
 
Nơi các Thánh,
Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Ngài cho nhân loại.
Nơi các Thánh,
Thiên Chúa thiết lập một nhân loại mới,
       đặt nền tảng trên tình yêu.
Và nơi các Thánh,
Thiên Chúa biểu dương quyền lực của chính Ngài,
       quyền lực bằng tình yêu.
 
Thánh Giá chính là phương tiện cần và đủ
       để thiên tính đi vào nhân tính,
       để Thiên Chúa đi vào con người.
Nhờ đó,
       con người trở nên thành phần của Thiên Chúa,
       và có thể bước qua cuộc sống trần gian này
       để vào Nước Trời.
 
Tôi cần phải vác thập giá của mình,
       với ý thức sâu xa rằng
       tất cả mọi ân huệ đều đến từ Thánh Giá.
Các Thánh đã hiểu rằng,
       nếu không có Thánh Giá,
       không ai có thể làm thánh.
Nói cách khác, muốn làm thánh,
       cần phải đón nhận thánh giá.
Thế giới ngày nay vẫn còn khốn khổ,
       chỉ vì cứ mãi luẩn quẩn đi tìm một tình yêu dễ dãi.
Họ chưa nhận ra được sự thật này:
       tình yêu thật
       luôn gắn liền với thánh giá, với hy sinh.
 
Bao lâu con còn ngại hy sinh,
       sợ thánh giá của cuộc sống,
       con chưa thể hiểu được tình yêu,
       và cũng chưa biết Thiên Chúa.


25. Điều kiện để theo Chúa
 
Chúa Giêsu đã nói một cách rõ ràng,
       điều kiện để theo Ngài
       là vác thập giá của mình,
       tức là những bổn phận hằng ngày trong cuộc sống.
 
Làm người, ai cũng có những bổn phận riêng.
Người Kitô hữu hay người bên lương
       đều có bổn phận.
Vậy khác nhau ở chỗ nào?
Chính cách thức vác thập giá
       làm nên sự khác biệt đó.
Hoặc làm theo cách thức một người Kitô hữu,
       nghĩa là làm như cách Chúa Giêsu đã làm,
       hoàn toàn tùng phục ý định của Chúa Cha.
Hoặc làm như một người không tin Chúa Kitô,
       tìm cách giải quyết mọi việc
       theo khả năng và khôn ngoan của mình,
       rồi luẩn quẩn, bực tức
       khi gặp sự việc ngoài tầm tay.
 
Rõ ràng hơn, làm theo cách người Kitô hữu
       là hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Giêsu,
       và để tùy Ngài soi sáng hướng dẫn đường đi.
Đó chính là sự khác biệt căn bản
       giữa hành động của người Kitô hữu và lương dân.
 
Điều kiện theo Chúa Giêsu thật dễ dàng.
Không bao giờ
Ngài đòi hỏi quá khả năng của mỗi người.
Cũng chẳng đòi hỏi bằng cấp,
       chuyên môn đặc biệt.
Nhưng chỉ cần một điều kiện duy nhất
       là chu toàn bổn phận của mình.
 
Nếu con chỉ quan tâm đến những việc vĩ đại,
       mà quên mất bổn phận
       xem ra tầm thường của mình,
       con chỉ theo chính con, theo danh vọng,
       đeo đuổi tiếng tăm cho riêng con,
       chứ không phải theo Chúa.


26. Ít người chấp nhận điều kiện
 
Mặc dù điều kiện theo Chúa thật đơn giản,
       thực tế cho thấy
       ít người chấp nhận điều kiện này.
Vác thập giá của mình,
       đương đầu với khó khăn bên ngoài từ phía kẻ thù,
       cũng như trở ngại bên trong
       do chính bạn bè, người thân của mình gây nên,
       xem ra không mấy hấp dẫn, lôi cuốn.
Thậm chí, nhiều người còn lo sợ
       và muốn dứt khoát
       chối từ thánh giá dưới mọi hình thức.
 
Còn chúng ta thì sao? Cũng sợ thập giá chăng?
Chắc chắn chúng ta sẽ không hãi sợ,
       nếu chúng ta ý thức rõ mình là đồ đệ của ai,
       đồ đệ của Đấng đã chịu đóng đinh.
Con đường của chúng ta
       là con đường thánh giá “Via Crucis”.
Và cuối chặng đường này
       là chịu đóng đinh trên đồi Calvario.
Nếu chúng ta sẵn sàng chấp nhận sự thật này,
       không gì có thể làm cho chúng ta sợ hãi.
 
Vác thập giá còn có nghĩa là,
       chúng ta không còn thuộc về cho riêng mình nữa.
Nhưng thuộc về đại gia đình của Chúa Giêsu,
       với phương pháp, phương tiện,
       và cách thức hành động khác biệt.
Tắt một lời, đó là kiểu cách của Chúa Giêsu,
       một cách thế siêu nhiên,
       vượt trên lý luận của con người.
 
Tất nhiên, chuyện này không dễ
       nếu chúng ta làm một cách đơn độc.
Nhưng Thiên Chúa không bỏ chúng ta.
Không gì có thể thoát ra ngoài ý định của Ngài,
       ý định của một người Cha đầy yêu thương,
       luôn quan tâm săn sóc chúng ta từng giây phút,
       như lời Thánh Vịnh mô tả:
Lạy Chúa, cao cả thay tấm lòng nhân hậu,
Chúa dành cho kẻ kính sợ Ngài,
       và thi thố trước mặt phàm nhân
       cho ai tìm đến Ngài nương náu” (TV 30, 20)
Tin tưởng vào tình thương của Chúa,
       chúng ta sung sướng vác thập giá đi theo Ngài.
 

27. Mẹ Maria 
đứng dưới chân Thánh Giá

 
Có hai điều làm tôi suy nghĩ:
- Cơn bão táp của khổ đau
       bị chận đứng nơi Mẹ Maria
- Đời của Mẹ luôn liên kết mật thiết
       với Chúa Giêsu.
 
Mẹ Maria khấn giữ mình đồng trinh,
       một quyết định duy nhất, lạ thường
       trong xã hội Giu-đê-a thời đó:
Vì tôi không biết đến người nam” (Lc 1, 34).
 
Mẹ Maria là người Mẹ độc nhất
       đã sinh con mình trong máng cỏ chiên lừa.
 
Mẹ Maria là người Mẹ duy nhất được tiên báo
       sẽ bị lưỡi đòng đâm thâu vì con mình (Lc 2, 35).
Và lời tiên báo này đã được thực hiện
       khi Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá,
       nhìn con mình bị lưỡi đòng
       đâm thâu cạnh sườn (Ga 19, 34).
 
Mẹ Maria là người Mẹ duy nhất,
       biết rõ con mình là Thiên Chúa,
       vẫn chấp nhận sống nghèo khó,
       lao động vất vả tại Nagiaret.
 
Mẹ Maria là người Mẹ duy nhất
       luôn đồng hành, gần gũi với con mình,
       trong suốt ba năm con mình miệt mài rao giảng,
       khi vui cũng như khi buồn lo, đau khổ,
       trong cầu nguyện thiết tha.
 
Mẹ Maria là người Mẹ duy nhất
       ê chề đau khổ trên đường thánh giá.
 
Mẹ Maria là người Mẹ duy nhất
       đứng bên cạnh thánh giá nhục nhã
       của con mình trên đồi Calvê.
Vì thế,
Mẹ chính là Mẹ của Giáo Hội: Maria Ecclesiae
 
Mẹ Maria là người Mẹ duy nhất đã cầu nguyện,
       đã chứng kiến những vinh quang
       cũng như những bách hại của các Tông Đồ
       trong những ngày đầu tiên của Hội Thánh.
Vì thế,
Mẹ chính là Mẹ của nhân loại: Maria Hominis.
 
Mẹ đã đứng vững được
       trước bao nhiêu bão táp của cuộc đời,
       trước những khổ đau chồng chất,
       chỉ vì Mẹ đã liên kết mật thiết với Chúa Giêsu,
       và hoàn toàn vâng phục thánh ý của Thiên Chúa.
 
Mẹ đã thật sự sống một cách anh hùng
       tiếng xin vâng “Fiat” đầy mạo hiểm,
       để trở thành mẫu gương tuyệt vời
       cho tất cả chúng ta.


28. Một mình Mẹ
 
Mẹ Maria quyết tâm học hỏi
       để sẵn sàng sống hy sinh,
       và chu toàn bổn phận làm Mẹ của mình.
Mẹ Maria học hỏi để biết chịu đựng đau khổ,
       và để biết yêu thương
       trong suốt cuộc đời của Mẹ.
 
Nhờ đó, chỉ một mình Mẹ Maria
       có thể hiểu được mầu nhiệm ơn cứu chuộc,
       hiểu được thánh ý của Chúa Cha,
       để chấp nhận đường khổ giá cách can đảm,
       và hiểu được ý nghĩa của việc đồng công cứu chuộc.
 
Chỉ một mình Mẹ can đảm
       đứng vững dưới chân Thánh Giá: “Stabat
       dưới sức nặng của đau khổ ê chề,
       nhờ Mẹ liên kết mật thiết với Chúa Giêsu, con Mẹ.
 
Thiên Chúa có thể làm được mọi sự.
Với tiếng “Fiat”,
Mẹ hoàn toàn để Chúa hành động trong Mẹ.
Và Chúa Thánh Thần
       đã hoạt động trong suốt cuộc đời của Mẹ.
Nên công việc của Mẹ
       cũng là công việc của chính Thiên Chúa.
Vì thế,
       khi đứng bên cạnh Thánh Giá của Chúa Giêsu,
Mẹ thực hiện chính ý muốn của Thiên Chúa,
       và trở thành Đấng Đồng Công Cứu Chuộc duy nhất,
       trong sứ mạng cứu rỗi nhân loại của Thiên Chúa.
 
Trước những khó khăn của cuộc sống,
       chúng ta cũng có thể đứng vững: “Stabat
       nếu chúng ta cũng biết học
       và sống “Fiat” như Mẹ Maria.
 

29. Đừng đổ tội cho kẻ khác
 
Nhìn vào bản đồ thế giới, con ngạc nhiên
       thấy gần hai phần ba tổng số nhân loại
       vẫn còn sống trong cảnh nghèo đói,
       sống không xứng với phẩm giá con người.
Đối với họ, tự do, bình đẳng, cơm no, áo ấm
       vẫn còn là những điều ước mơ
       như trong chuyện thần tiên.
 
Con tự đặt câu hỏi tại sao và tìm cách trả lời.
Có thể vì đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt.
Có thể vì quản lý kém, điều hành thiếu hiệu năng.
Có thể vì người dân không chịu khó làm việc.
Hoặc vì nạn nhân mãn, đất hẹp người đông.
 
Nhưng nếu con bình tâm suy nghĩ thêm một chút.
Tất cả những lý do trên chỉ là phụ thuộc.
Văn minh, kỹ thuật ngày nay có thể bù đắp.
Nguyên nhân chính của sự nghèo đói ngày nay,
       là kiểu bóc lột tinh vi
       của nước giàu trên nước nghèo,
       của người giàu quyền, giàu của
       trên kẻ không tiếng nói.
 
Nếu con thành thật với lương tâm mình,
       con sẽ hoảng hốt khám phá ra,
       chính mình cũng đang góp phần
       vào tình trạng nghèo đói đó.
Bởi vì con đã không làm gì để giúp họ.
Hay chỉ làm tùy hứng, tùy lúc, nửa chừng xuân.
Con vẫn ngoảnh mặt làm ngơ
       với người nghèo chung quanh con.
Con vẫn giả lờ
       trước tiếng kêu cầu bình đẳng, công lý.
 
Đừng tìm cách đổ tội cho kẻ khác.
Những lý do con nại ra
       chẳng lừa được Chúa đâu.
Chúa luôn đứng về phía người nghèo,
       người bị bỏ rơi.
Bao lâu còn có mặt những người này,
       con không thể phớt tỉnh, nằm yên trong vỏ ốc.
 

30. Tất cả đều mới
 
 “Hãy tạo cho mình một trái tim mới 
       và một thần khí mới” (Ed 18, 31)
Này đây, Ta sáng tạo trời mới, đất mới” (Is 65, 17)         
Này là máu Thầy, máu Giao Uớc mới” (Mt 26, 28)   
Phải mặc lấy con người mới,
       con người đã được sáng tạo 
       theo hình ảnh của Thiên Chúa” (Ep 4, 27)
Này đây, Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21, 5) 
 
Vũ trụ thiên nhiên chung quanh chúng ta
Mặc dù đã tồn tại hàng triệu năm,
       vẫn tiếp tục đổi mới mỗi ngày.
Sự đổi mới này của vũ trụ
       nhằm phục vụ lợi ích của con người,
       và nói lên quyền năng
       cũng như tình yêu của Đấng Tạo Hóa.
 
Nhưng sự đổi mới bên trong của con người
       thì đáng kể hơn những đổi mới của vũ trụ,
       của khoa học, nghệ thuật và văn hóa...
Đổi mới thì luôn tiếp tục
       và không gì có thể ngăn chận lại được.
Nơi con người, sự đổi mới được đánh giá
       tùy theo tính chất và mức độ
       thực hành thánh ý của Thiên Chúa,
       cho vinh danh của Ngài
       và lợi ích của chính chúng ta.
 
Ý tưởng kỳ diệu này giúp chúng ta
       không những khám phá ra
       điều mới lạ trong cuộc sống,
       nhưng còn đòi hỏi chúng ta
       phải đổi mới luôn,
       cho phù hợp với ý muốn của Chúa,
       nhất là phù hợp với tình yêu thương.
 
Yêu thương không bao giờ giậm chân tại chỗ.
Yêu thương cũng không phải
       là những công thức cứng nhắc, bất biến.
Trái lại, yêu thương luôn đổi mới và sáng tạo.
Nhìn vào tình yêu của Chúa dành cho con người,
       ta sẽ nhận ra được
       tình thương của Ngài luôn mới mẻ. 


31. Nếu không mới từ bên trong
 
Đổi mới bên ngoài chỉ có ý nghĩa
       khi đồng thời có sự đổi mới bên trong.
Vì như vậy, chúng ta mới thật sự
       có “Trời mới, đất mới”.
Thiếu sự đổi mới bên trong,
       những thay đổi bên ngoài
       chỉ là những hình thức trống rỗng...
       không thể đem lại ơn ích thật sự
       cho phần rỗi của chúng ta.
 
Chúa Giêsu đã đổi mới toàn bộ thế giới
       bằng chính máu của mình.
Ngài lấy cái chết của mình 
       để chuộc tội lỗi người ta đã phạm 
       trong thời gian giao ước cũ, 
       và đem lại cho những ai 
       được Thiên Chúa kêu gọi, 
       quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu 
       mà Thiên Chúa đã hứa” (Dt 9, 15)  
 
Một sự đổi mới tốt đẹp hơn được tìm thấy
       nơi thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu,
       là Hội Thánh.
Một thân thể sáng láng,
       làm cho thế giới cũng được đổi mới.
 
Chính Chúa Giêsu là nguyên lý của sự đổi mới,
       là sức sống, là tinh thần làm đổi mới mọi sự
       nơi thân thể mầu nhiệm này.
Bổn phận của mỗi người Kitô hữu
       là trở nên tác nhân của sự đổi mới.
Trước hết, họ đổi mới ngay nơi chính mình,
       trong tế bào của riêng mình,
       để từ từ lan ra đến mọi người chung quanh.
 
Con hãy tự vấn:
Tôi có phải thật sự là tác nhân đổi mới
       hay chính tôi lại làm cản trở sự đổi mới?
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa là nguyên lý của mọi sự đổi mới.
Xin Chúa hãy đổi mới con theo ý Chúa muốn.
Để qua chính con người của con,
Chúa tiếp tục đổi mới mọi người,
       đổi mới xã hội, đổi mới tạo vật, 
       và đổi mới Hội Thánh.
Và như thế,
       tất cả sẽ trở thành “Trời mới, đất mới”.
Nơi đó, “Không còn sự chết, không còn tang tóc,
       không còn kêu than, đau khổ….
Và chính Người 
       sẽ là Thiên Chúa ở cùng họ” (Kh 21, 3)

Tác giả: Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây