Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng – Kỳ III: Định mệnh

-

-

Vua Croesus là một nhà vua quyền lực và giàu có của vương quốc Lydia. Một ngày nọ, nhà vua được hiền giả Hy Lạp Solon diện kiến. Croesus đã phô trương cuộc sống xa hoa của mình với Solon, rồi hỏi ông rằng: “Ai là người hạnh phúc nhất trên thế giới?“
Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng – Kỳ III: Định mệnh
 

"Ai là người hạnh phúc nhất trên thế giới?" - Liệu tiền bạc và quyền lực có thể vượt qua định mệnh? (Ảnh tổng hợp)
 
Ai là người hạnh phúc nhất?” là câu hỏi mà người xem phải suy ngẫm mỗi khi chứng kiến những tác phẩm Phục Hưng về nhà vua Croesus, hiền giả Solon và định mệnh…
 
Solon nói về định mệnh
 
Vua Croesus là một nhà vua quyền lực và giàu có của vương quốc Lydia. Một ngày nọ, nhà vua được hiền giả Hy Lạp Solon diện kiến. Croesus đã phô trương cuộc sống xa hoa của mình với Solon, rồi hỏi ông rằng: “Ai là người hạnh phúc nhất trên thế giới?
 

Bức “Crésus et Solon” từ thế kỷ 17 – Liệu hạnh phúc có phải là tài sản?
(Họa sĩ: Claude Vignon)
 
Hiểu ý của nhà vua, Solon trả lời lại rằng ông đã chứng kiến ít nhất ba người hạnh phúc hơn Croesus. Đó là Tellus, một người lính chết trận vì đất nước. Đó là anh em Kleobis và Biton ra đi an lành trong lòng mẹ, sau khi làm tròn bổn phận của những người con.
 

Bức “Kleobis und Biton” năm 1649 miêu tả câu chuyện về Kleobis và Biton, hai người con hiếu thảo đã thay bò kéo xe chở mẹ là Cydippe, một nữ tu sĩ, tới lễ hội thờ Thần Hera. Hài lòng trước sự hiếu thảo của hai anh em, nữ Thần Hera đã cho phép cả hai rời khỏi thế giới trần tục một cách thanh thản trong đền thờ bà, và ban cho họ cuộc sống bất tử (Họa sĩ: Nicolas-Pierre Loir)
Solon tiếp tục nói với Croesus rằng, nhà vua không nên đánh giá hạnh phúc của một người còn đang sống, vì không ai có thể biết trước được định mệnh.
 
Một đế quốc hùng mạnh sẽ bị hủy hoại
 
Cảm thấy bị xúc phạm trước những lời từ đáy lòng của Solon, Croesus đã đuổi ông đi. Tuy nhiên, nhà vua bắt đầu thật sự thấy được định mệnh, khi con trai ông bị chết trong một tai nạn. Nhưng đó chưa phải là tất cả…
 
Cảm thấy không hài lòng với đế quốc Ba Tư hùng mạnh được cai trị bởi vua Cyrus, Croesus quyết định tổ chức một cuộc chiến tranh. Trước khi gây chiến, Croesus cầu xin lời tiên tri từ Thần Apollo. Ông nhận được lời sấm truyền rằng: Nếu đánh Ba Tư, nhà vua sẽ hủy hoại một đế quốc hùng mạnh.
 

Bức “Cyrus Hunting a Boar” mô tả cảnh nhà vua Cyrus hùng mạnh đang đi săn lợn rừng. Bức tranh được đặt trong cung điện của vua Louis XIV (Họa sĩ: Claude Audran II)
Vững tâm với câu trả lời đó, Croesus gây chiến với Ba Tư. Tuy nhiên, nhà vua xứ Lydia lại trở thành kẻ bại trận. Và đế quốc hùng mạnh mà ông hủy hoại lại chính là vương quốc của bản thân mình. Vợ ông, nàng Critias, đã tự sát sau khi kinh thành Sardis thất thủ.
 
Croesus cầu xin chư Thần
 
Sau khi chiếm được Lydia, nhà vua Cyrus băn khoăn về số phận của Croesus và cuối cùng đã ra lệnh cho quân lính đưa Croesus lên giàn lửa. Khi nhìn thấy lửa bốc lên, kẻ bại trận mới chợt vỡ lẽ, và ngẩng mặt lên trời kêu ba tiếng: “Solon! Solon! Solon!” Thấy sự việc kỳ lạ, vua Cyrus tò mò tìm hiểu, và được nghe kể về cuộc nói chuyện với hiền giả Solon của Croesus. Nhà vua chợt thấy hình ảnh của mình bên trong kẻ bại trận, và vội vàng sai người dập lửa. Tuy nhiên lúc này, lửa đã cháy quá lớn.
 

Bức “Croesus and Solon” từ thế kỷ 18 – Liệu hạnh phúc có phải là quyền lực,
tiền bạc và cung tần mỹ nữ (Họa sĩ: Johann Georg Platzer)
 
Bấy giờ, Croesus chợt nhớ tới chư Thần, và cầu xin Thần Apollo giúp đỡ. Bầu trời vốn trong veo không một gợn gió ngay lập tức nổi mây đen cuồn cuộn, và một cơn mưa lớn đổ xuống dập tắt giàn lửa. Biết rằng các vị Thần không muốn nhìn thấy Croesus chết, vua Cyrus vui vẻ tha tội cho Croesus, và phong cho ông làm cố vấn thân cận của mình. Croesus đã tận tụy phục vụ Cyrus, và cả con trai Cyrus là Cambyses.
 
Định mệnh
 
Sau khi trải qua biến cố lớn của cuộc đời, Croesus đã từng trở nên vô cùng chán nản. Ông cảm thấy bị lừa dối bởi lời sấm truyền. Được vua Cyrus cho phép, Croesus tới đền thờ Delphi và than phiền về nỗi nghi hoặc của mình.
 
Người nữ tu sĩ trông coi ngôi đền đã trách mắng Croesus vì dám nghi ngờ Thần linh, đồng thời cũng nói cho ông biết sự thật về số phận của mình. Theo đó, sự sụp đổ của vương triều Lydia là do những tội lỗi mà tổ tiên Croesus tích tụ lại trong quá khứ, và thất bại của Croesus chính là định mệnh.
 

Bức “Solon and Croesus” từ thế kỷ 17 – Liệu hạnh phúc có phải là tiền bạc, quyền lực
và thỏa mãn dục vọng? (Họa sĩ: Gerard van Honthorst)
 
Chỉ có điều vì Croesus đã quá mê mờ và tự tin trong việc thấu hiểu ý nghĩa của lời sấm truyền nên ông đã quyết định đánh Ba Tư, và thất bại một cách thê thảm nhất.
 
Câu chuyện về nhà vua Croesus, hiền giả Solon và định mệnh là một chủ đề rất được quan tâm thời Hy Lạp cổ. “Hạnh phúc của Croesus” đã trở thành một ẩn dụ về sự thất thường của nàng Tyche, vị nữ Thần mù cai quản vận may và thịnh vượng. Khi miêu tả câu chuyện này trong tranh vẽ, các họa sĩ Phục Hưng thường thể hiện hạnh phúc trong mắt nhà vua Croesus một cách tỉ mỉ. Đó là quyền lực quyết định sống chết của người dân, là tiền bạc trang sức ngập tràn, là dục vọng với những cung tần mỹ nữ, v.v... Có lẽ, họ muốn nói với người xem rằng, những hạnh phúc vật chất đó thật bấp bênh nếu con người không có một nội tâm thanh thản.

Tác giả: Quang Minh

Nguồn tin: trithucvn.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây