Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Ý nghĩa Lễ Phục Sinh.

-

-

Năm 2012, Lễ Phục Sinh vào Chúa Nhật 8 tháng 4. Lễ Phục Sinh là ngày đại lễ rất quan trọng trong niên lịch Phụng Vụ Kitô-Giáo nói lên sự hiệp nhất và tuyên xưng đức tin của Giáo Hội. (Chia sẻ của NT Trần Văn Trí AN43)
MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ PHỤC SINH

 
Ý NGHĨA LỄ PHỤC SINH
 
Năm 2012, Lễ Phục Sinh vào Chúa Nhật 8 tháng 4. Lễ Phục Sinh là ngày đại lễ rất quan trọng trong niên lịch Phụng Vụ Kitô-Giáo nói lên sự hiệp nhất và tuyên xưng đức tin của Giáo Hội.
 
Hiệp nhất Kitô-hữu trong Đức Tin
 
Trước tiên, về ngày tháng: Tất cả các Giáo Hội Kitô đều mừng Lễ Phục Sinh vào Chúa Nhật. Nhưng ngày tháng có thể khác nhau vì các Giáo Hội Tây Phương (Tin Lành, Công Giáo, Anh Giáo) theo lịch Grêgôriô hay dương lịch như hiện nay, do Đức GH Grêgôriô XIII (1572-85) ban hành năm 1582, nên Lễ Phục Sinh vào Chúa Nhật trong khoảng từ 22 tháng Ba và 25 tháng Tư. Trái lại, Giáo Hội Chính Thống và các Giáo Hội Đông Phương (kể cả Công Giáo Đông Phương) theo âm lịch Julian, mừng Lễ Phục Sinh vào Chúa Nhật trong khoảng từ 4 tháng Tư và 8 tháng Năm.
 
Vì thế, phần lớn Lễ PhụcSinh trong Giáo Hội Tây và Đông Phương đều vào Chúa Nhật, nhưng ngày và tháng có thể khác nhau. Ví dụ năm 2012: các Giáo Hội Tây Phương (Công Giáo, Tin Lành, Anh Giáo), Lễ Phục Sinh ngày 8-4; còn Giáo Hội Đông Phương (như Chính Thống Giáo) 15-4. Nhưng cũng có năm cùng ngày tháng, như 2011, Lễ Phục Sinh vào Chúa Nhật 24 th. 4.
 
Tuy vậy, chính yếu Lễ Phục Sinh nêu cao Hiệp Nhất Kitô-Giáo trong đức tin: Tất cả các Giáo Hội Kitô cùng xác tín một niềm tin về Chúa Giêsu phục sinh đã có từ Hội Thánh tiên khởi, được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính các Thánh Tông đồ: “Chúa Giêsu Kitô ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại.” Sau đó, ông Phêrô cùng đứng chung với mười một Tông đồ rao giảng: “Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại” (Cv 2: 24).
 
Vào khoảng trước thập niên 60, Tông đồ Phaolô giảng cho người Do Thái Tin Mừng:
 
Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta khi làm cho Đức Giêsu sống lại” (Cv 13: 33).
 
Ngoài ra, theo Giáo Lý, vào năm 56, Tông đồ Phaolô đã viết cho giáo hữu Côrintô rằng:
 
Tôi đã truyền đạt cho anh chị em những gì mà bản thân tôi đã nhận được, đó là Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta theo Lời Thánh Kinh, Ngài đã được mai táng trong mồ, Ngài đã sống lại theo lời Thánh Kinh” (1Cr 15: 3-4).
 
Lễ Phục Sinh, tuy ngày (hoặc cả tháng) khác nhau nhưng, giữa các Giáo Hội không tranh cãi, mà trái lại, từ trước đến nay có nhiều cố gắng hướng đến đồng nhất về ngày lễ giữa các Giáo Hội Kitô thể hiện qua ước mong nêu lên, chứ không xảy ra tranh cãi hay có ý kiến mâu thuẩn. Cụ thể, trong ba thế kỷ đầu việc mừng kính Đức Kitô phục sinh chính yếu dựa vào Lễ Vượt Qua theo lịch Do Thái Giáo khi Chúa Giêsu “dùng bữa tiệc ly với các tông đồ trước khi chịu nạn chịu chết.” Có nơi ngày Lễ Phục Sinh chỉ cần sau 14 th. Nissan căn cứ vào Lễ Vượt Qua. Trong khi tại Giáo Hội Rôma, hằng năm Đức GM Victor mừng Lễ Phục Sinh vào Chúa Nhật sau Lễ Vượt Qua. Đến thế kỷ thứ tư, khi hoàng đế Constantinô I hay Constantinô Cả trở lại đạo Chúa, đã triệu tập Công Đồng Ni-xê-a (Nicaea) năm 325, với 318 giám mục tham dự, hướng đến việc mừng Lễ Phục Sinh như Giáo Hội Rô-ma vào Chúa Nhật sau Lễ Vượt Qua của Do Thái, hay sau Xuân Phân (21 tháng 3) hằng năm.
 
Tuyên xưng của Phụng Vụ Thánh Giáo Lý
 
Phụng Vụ Thánh đề cao hiệp nhất và Giáo Lý gọi “mầu nhiệm Phục Sinh là chân lý chóp đỉnh của đức tin” (GL, 638). Theo Công Đồng Vaticanô II, “Từ ngày Hiện Xuống, ngày Giáo Hội xuất hiện nơi trần gian với các giáo hữu kiên tâm theo lời giáo huấn của các Sứ Đồ, cùng nhau qui tụ để cử hành mầu nhiệm phục sinh, loan truyền sứ điệp cứu rỗi để mọi người nhận biết một Thiên Chúa duy nhất và chân thật, cùng Đấng Ngài sai là Chúa Giêsu Kitô” (Phụng Vụ, 6, 9).
 
Lễ Phục Sinh nêu rõ liên hệ giữa Do Thái Giáo và Kitô-Giáo, như trong Sách lễ Rô-ma, Lễ Phục Sinh là “Pascha Resurrectionis”, hoặc “Dominica Resurrectionis” với Pascha có nghĩa Lễ Vượt Qua của Do Thái Giáo và Dominica là ngày của Chúa đi theo Resurrectio (Phục Sinh).
 
Bài ca Tiếp Liên hay “Victimae paschali” của Thánh Lễ trong ngày, cũng nêu cao liên hệ giữa “Hy Lễ Vượt Qua” và “Đức Kitô Phục Sinh”: “Các Kitô-hữu hãy tiến dâng lời khen ngợi hy lễ Vượt Qua. Chiên con đã cứu chuộc đoàn chiên mẹ: Đức Kitô vô tội đã hòa giải tội nhân với Chúa Cha. Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ, tướng lãnh sự sống đã chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị. Tôi đã thấy mồ Đức Kitô đang sống và vinh quang của Đấng phục sinh.”
 
Giáo Lý dạy: “Sự Phục Sinh là chân lý chóp đỉnh của đức tin về Chúa Kitô, là điều được tin và sống như chân lý trung tâm trong cộng đoàn Kitô-giáo nguyên thủy; được truyền đạt như chân lý nền tảng bởi Truyền Thống, được xác định bởi các tài liệu Tân Ước, được giảng dạy như thành phần chủ yếu của mầu nhiệm Vượt Qua cùng với mầu nhiệm Thánh Giá (GLý, 638).
 
Mạc khải của Thánh Phaolô Tông Đồ
 
Thánh Phaolô, Tông đồ soi dẫn cho các giáo hữu qua thư gởi các giáo đoàn từ gốc Dân Ngoại:
 
“Tôi là Phaolô, bởi ý Thiên Chúa, được làm Tông đồ của Đức Kitô Giêsu” (1Cr, 1: 1; Ep 1:1)
 
“Tôi là Phaolô, Tông đồ không phải do loài người, cũng không phải nhờ một người nào, nhưng bởi Đức Giêsu Kitô và Thiên Chúa là Cha, Đấng đã cho Người từ cõi chết chỗi dậy” (Gl,1: 1)
 
Về Chúa Giêsu phục sinh liên hệ đến lời rao giảng và đức tin, Thánh Phaolô công bố:

Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng… Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hảo huyền, và anh em hãy còn sống trong tội lỗi của anh em” (1Cr, 15: 14-17)

Niềm tin duy nhất của Kitô-hữu: “Không có Phục Sinh thì không có Kitô-Giáo” (GLý, 639).
 
Giáo Hội tiếp tục rao giảng
 
Xác tín của Thánh Tông đồ về mầu nhiệm Phục Sinh được Đức GH. Bênêđíctô XVI diễn giải:
 
Nếu Chúa Giêsu không sống lại thì sự tử nạn của Đức Kitô mất hết ý nghĩa cao trọng thiêng liêng. Như thế, Thập giá chỉ là bi kịch khổ hình và Đức Kitô chịu chết đã làm cuộc sống trở thành phi lý. Trái lại, mầu nhiệm Phục Sinh chứng tỏ Người chịu nạn chịu chết “đã được mai táng và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Thánh Kinh” (1Cr 15: 4)
 
Toàn bộ Tin Mừng của Thánh Phaolô khởi đi và đạt đến mầu nhiệm của Người mà Chúa Cha đã cho chỗi dậy từ kẻ chết. Đức Kitô phục sinh là sự kiện căn bản Tông đồ Phaolô dựa vào để tuyên xưng “Người là Đấng đã chịu chết và chứng tỏ lòng yêu thương vô hạn của Thiên Chúa đối với con người; Đấng đã chỗi đậy và sống ở giữa chúng ta.”
 
Như thế, tuyên xưng của Thánh Phaolô minh chứng truyền thống đức tin vào mầu nhiệm phục sinh đã có từ Kinh Thánh về Chúa Giêsu chịu chết, được mai táng và ngày thứ ba đã chỗi dậy, mà Phaolô là người lãnh nhận và truyền lại: “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh” (1Cr 15: 3-4).
 
“Tóm lại, dù tôi hay các vị khác rao giảng, thì chúng tôi đều rao giảng như thế” (1Cr 15: 11). 
 
Nhờ Phục sinh, phép Rửa Tội mới có giá trị: “Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta đuợc dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm, 6: 4-5).
 
Nếu Chúa Giêsu không phục sinh thì không có sự sống đời đời vì “cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong” (1Cr 15: 18).
 
Như vậy, chúng ta là những kẻ đáng thương hại vì “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời nầy mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15: 18-19).
 
Phải tin vào Đức Giêsu Kitô phục sinh để được cứu rỗi:
 
“Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm 10: 9).
 
Chiều sâu Phụng vụ Phục Sinh
 
Thánh Truyền hướng dẫn: Từ Giáo Hội tiên khởi, người tín hữu được khai tâm để nhận biết Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa duy nhất mà dân ngoại lầm lẫn với bụt thần. Lễ Phục Sinh tiếng Anh “Easter” có nghĩa liên hệ về bụt “Eastre” hay thần “Bình Minh và Mùa Xuân”. Vì thế, nhiều tín hữu Kitô ngoài Công Giáo, như Tin Lành, Báp-tít, Mê-tô-đít, Chính Thống, v.v.., tin Chúa Giêsu Kitô sống lại, tổ chức nghi thức mừng Phục Sinh lúc “bình minh”, ở nơi cao thoáng hướng về nhìn thấy “Mặt Trời mọc”.
 
Vì là “lễ trọng trên hết các lễ trọng”và “Chúa Nhật Phục Sinh là Chúa Nhật vĩ đại” (GLý, 1169), nên Lễ Phục Sinh là điểm tựa để thực hiện Niên Lịch Phụng Vụ mỗi năm.

Phụng Vụ Thánh khai triển ý nghĩa hiệp nhất Kitô-hữu vì Giáo Hội gọi “mầu nhiệm Phục Sinh là chân lý chóp đỉnh của đức tin” (GLý, 638). Trong Chính Thống Giáo, bài ca Phụng Vụ Bi-giăng-tin tuyên xưng “Lễ Phục Sinh là lễ trọng tôn vinh mầu nhiệm Chúa Kitô sống lại từ cõi chết” (GLý, 638). Hoặc theo Công Đồng Vaticanô II: “Từ ngày Hiện Xuống, ngày Giáo Hội xuất hiện nơi trần gian với các giáo hữu kiên tâm theo lời giáo huấn của các Sứ Đồ, cùng nhau qui tụ để cử hành mầu nhiệm phục sinh, loan truyền sứ điệp cứu rỗi ... để mọi người nhận biết một Thiên Chúa duy nhất và chân thật, cùng Đấng Ngài sai là Chúa Giêsu Kitô” (PhVụ, 6, 9).
 
Về mầu nhiệm Phục Sinh, Giáo Lý khai triển chiều sâu đức tin, từ Thánh Truyền đến Thánh Kinh: “Sự Phục Sinh là chân lý chóp đỉnh của đức tin về Chúa Kitô, là điều được tin và sống như chân lý trung tâm trong cộng đoàn Kitô-giáo nguyên thủy; rồi được truyền đạt lại như chân lý nền tảng bởi Truyền Thống, được xác định bởi các tài liệu Tân Ước, được giảng dạy như thành phần chủ yếu của mầu nhiệm Vượt Qua cùng với mầu nhiệm Thánh Giá” (GLý, 638).
 
Chúa Giêsu Kitô phục sinh là nền tảng đức tin Kitô giáo vì, nếu không có Phục Sinh thì Phúc Âm không còn là Tin Mừng vì rao giảng và đức tin trở nên vô ích. Các Bài Đọc và Tin Mừng theo Thánh Gioan, hướng vào chiều sâu Phục Sinh, vào Chúa Giêsu đồi mới khiến các môn đệ, từ mồ an táng đến trong phòng hội hay trên đường Ê-mau, đều không nhận ra Chúa Giêsu.
 
Sống mầu nhiệm Phục Sinh là sống giới răn Yêu Thương, nền tảng Kitô-Giáo, như Chúa Giêsu dạy bảo: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga, 13: 14)
 
Trần Văn Trí (Phục Sinh 2012)

Tác giả: Trần Văn Trí AN43

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây