Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


ĐTC Biển-đức 16: Người Lội Ngược Giòng

-

-

Ngày 16 tháng 4 này là ngày sinh nhật thứ 90 của cựu Giáo Tông Biển-đức XVI. Nhân dịp này, mời độc giả nhìn lại một đôi nét chấm phá về tư tưởng của nhà thần học lớn của Giáo Hội.
ĐTC Biển-đức 16: Người Lội Ngược Giòng
 
Ngày 16 tháng 4 này là ngày sinh nhật thứ 90 của cựu Giáo Tông Biển-đức XVI. Nhân dịp này, mời độc giả nhìn lại một đôi nét chấm phá về tư tưởng của nhà thần học lớn của Giáo Hội.
 
Nur gegen Strom erreicht man die Quelle.
Muốn tới nguồn nước, phải lội ngược giòng (ngạn ngữ nước Đức).
 
Ngày 19.04.2005 hồng i người Đức Joseph Ratzinger được bầu vào trách vụ lãnh đạo Giáo Hội công giáo hoàn vũ. Khi nghe kết quả bầu cử, truyền thông thế giới tỏ ra ngỡ ngàng với nhiều lo ngại. Tại chính quê hương của vị tân cử, khá nhiều người, kể cả người công giáo, dao động và có phần thất vọng.
 
Thế giới phấn chấn với một triết gia hành động Gio-an Phao-lô thế nào, thì lại hoang mang lo lắng trước một nhà thần học Biển-đức âm thầm nhỏ nhẹ chừng nấy. Là vì người ta cho rằng, vị tân giáo chủ là con người bảo thủ, thiếu thức thời, phản tiến bộ. Người ta lo sợ, con người đó sẽ đưa Giáo hội vào ngõ cụt, bế tắc!
 
Do đâu giáo chủ Biển-đức bị/được thiên hạ nhìn dưới những đặc tính như thế?
 
Và đâu là nội dung của những cái “bảo thủ“, “thiếu thức thời“, “phản tiến bộ“ đó, theo lối nhìn của người Âu Mĩ?
 
Có nắm được những điểm này, chúng ta sẽ dễ dàng xác định gia tài tri thức của Biển-đức, mới hiểu được những gì ngài đang nói và mới nhìn ra được con đường ngài đang đi.
 
Tại sao “bảo thủ“ và “bảo thủ „ trong í nghĩa nào?
 
Đức thánh cha Biển-đức xuất thân từ miền nam nước Đức, vùng ruộng đồng và sông núi bang Bayern. Dân Bayern xưa nay vẫn nổi tiếng bảo thủ, ngang ngạnh và tự coi mình đặc biệt hơn các tộc khác sống trên nước Đức. Thêm nữa, ngài đã trải qua hơn 20 năm dạy thần học tín lí căn bản, rồi kế đó là 20 năm nắm vai trò trưởng Bộ đức tin với nhiệm vụ canh giữ kho tàng đức tin của Giáo hội. Vì xuất xứ và hành trạng đó, rất nhiều người, kể cả trong Giáo hội, nghĩ rằng, ngài hẳn phải là người bảo thủ, khó thoả hiệp.
 
Nhưng điểm sau đây giải thích rõ hơn về lí do được gọi là “bảo thủ“ của ngài: Công đồng Vatican II và những gì xẩy ra sau đó, đặc biệt cuộc nổi loạn 68 của thanh niên Âu Mĩ. Đấy là những biến cố quyết định khiến cho giáo sư Ratzinger, lúc đó mới ngoài 30 tuổi và là thần tượng tiến bộ của sinh viên và giới trẻ lúc đó, dứt khoát chọn cho mình một con đường đi riêng, con đường mà người đời gọi là ngược lại tiến bộ, bi quan với khoa học kĩ thuật, nghịch lại hướng đi của lịch sử – tắt lại: con đường lội ngược dòng.
 
Thế hệ trí thức trẻ hậu chiến âu mĩ lúc này đang gặp khủng hoảng, mất hướng. Hai cuộc thế chiến và những hậu quả của chúng đã khiến họ đâm ra nghi ngờ mọi giá trị hiện tại, cụ thể là các giá trị ki-tô giáo. Họ chẳng tìm ra lối thoát nào nữa nơi Kitô giáo. Thành ra họ đổ xô nhau chạy theo thuyết mác-xít. Họ tin đó là chìa khoá có thể mở được mọi bế tắc của họ và của thế giới. Khuôn mặt đức Giê-su, đối với họ, không còn là biểu tượng lí tưởng nữa, vì các nhà thần học duy sử và duy khoa học đã tước đi hết nét linh thiêng nơi Người. Với đầu óc thượng tôn lí trí và khoa học, người ta không còn chấp nhận thần tính thiên chúa nơi đức Ki-tô cùa Phúc Âm nữa, mà chỉ muốn coi Người như một nhân vật lịch sử trần tục. Cũng vì vậy mà Người giờ đây bị các sinh viên ở Tübingen mang ra đấu tố. Họ nhân danh chủ thuyết mác-xít kết án Người và Giáo hội của Người là kẻ đồng loã với đế quốc thực dân tư bản bóc lột!
 
Thất vọng trước không khí quá khích đó, giáo sư Ratzinger bỏ Tübingen, về đại học Regensburg.
 
Còn nội tình Giáo hội công giáo, lúc đó, một mặt đang phấn chấn trước những làn gió mát canh tân của Công đồng, mặt khác những mâu thuẫn về đường lối giờ đây càng lúc càng rõ nét. Trước Công đồng, người ta kêu gào phải đổi mới: không đổi mới là chết! Nhưng giờ đây mở ra rồi, người ta lại tranh luận: Con đường đổi mới sẽ dẫn về đâu, đâu là nội dung của đổi mới?
 
Trước, trong và sau Công đồng giới thần học chia thành hai cánh. Cả hai đều đòi Giáo hội phải cải tổ để mở ra với thế giới, để lấy lại thế công đã mất của mình trong thế giới. Nhưng họ đã không đồng í nhau về nội dung cải tổ. Một bên cho rằng cải tổ là “xoá  bàn làm lại“, nghĩa là bỏ đi những cơ chế và truyền thống cồng kềnh xưa cũ hết nhựa sống, để có thể nhẹ nhàng đi vào thế giới tiến bộ. Cánh này xem Công đồng là cánh cửa mở ra một hướng đi mới. Theo họ, nếu cần, làm lại một Giáo hội mới. Phía kia, ngược lại, coi cải tổ là làm mới lại cái đang có, qua đó Giáo hội có được khuôn mặt hiện đại để phát huy tác dụng tích cực hơn. Cánh này lí luận, cải tổ có nghĩa là sửa cái đang có cho thành hữu hiệu hơn mà vẫn không mất bản chất của nó, chứ bỏ cái cũ để làm một cái hoàn toàn mới thì đâu gọi được là đổi mới. Cánh này, trong đó có giáo sư Ratzinger, xem Công đồng là bảng chỉ đường để Giáo hội truyền thống dựa theo đó mà hướng tới, chứ không phải là cánh cửa mở ra một hướng đi hoàn toàn mới khác. Công đồng, theo họ, là sự tiếp nối của truyền thống, chứ không phải là đoạn tuyệt với những cái đang có. Giáo sư Ratzinger cực lực chống lại quan điểm “xoá bàn làm lại”.
 
Và đó là nguyên do thứ nhất Joseph Ratzinger được/bị mang dấu ấn “bảo thủ“.
 
Sở dĩ phải triệu tập Công đồng, là vì Giáo hội gặp khủng hoảng đức tin. Nhưng đâu là nguyên do khủng hoảng?  Cánh “xoá bàn làm lại“ coi cơ chế kồng kềnh, nặng phẩm trật, thiếu phóng khoáng, cũng như những truyền thống thiếu sức sống của Giáo hội là những trở ngại chính. Giáo sư Ratzinger trái lại, cho rằng, Giáo hội khủng hoảng chủ yếu là do người ta không còn nhìn ra được í nghĩa cao đẹp của truyền thống nữa. Và nhất là, cuộc khủng hoảng hiện nay, theo ngài, là một cuộc tổng khủng hoảng đức tin chung, khởi đi từ thế kỉ ánh sáng và tiếp theo đó là thời kì thượng tôn lí trí khoa học cách đây 300 năm.
 
Thế kỉ ánh sáng là thời kì nền khoa học kĩ thuật, nhờ lí trí của con người, đã đạt được những bước tiến ngoạn mục, khiến con người choá mắt nghĩ rằng, khoa học kĩ thuật sẽ giải quyết được mọi nhu cầu của họ. Con người cả quyết tin vào khả năng lí trí vạn năng của mình và nghĩ rằng, mình chả cần gì tới Thiên Chúa nữa. Họ coi khoa học kĩ thuật, là cái do họ làm ra, mới là chân lí tối thượng. Chỉ có chân lí khoa học kĩ thuật mới là đúng đắn tuyệt đối. Và họ còn đi đến kết luận: Ở đâu có lí trí và khoa học, ở đó chẳng cần tôn giáo và Thiên Chúa. Đấy là căn nguyên sâu xa nhất của cuộc khủng hoảng đức tin hiện nay.
 
Từ những nhận thức đó, giáo sư Ratzinger tập trung tim óc vào hai nỗ lực chính nhằm phá vỡ những nguyên nhân tạo ra khủng hoảng đức tin trong thế giới hiện đại:
 
1. Để hoá giải nguyên do khủng hoảng thứ nhất – không còn nhìn ra í nghĩa truyền thống – ngài cố gắng làm sống dậy kho tàng truyền thống đẹp trong Giáo hội, bằng cách đưa ra ánh sáng những nét đẹp của chúng và mặc cho chúng những tấm áo mới phù hợp với ngôn ngữ và lối hiểu thời đại. Vì thế, cả cuộc đời với kho công trình tri thức đồ sộ của ngài, ta không thấy giáo chủ Biển-đức đi vào những đề tài mới lạ hay thời thượng. Trái lại, ngài kiên trì cặm cụi đào bới lên í nghĩa sâu xa và tươi mát của nào là những kinh Tin Kính (ĐTKTG), kinh Lạy Cha, dấu thánh giá, nghi lễ phụng vụ (phụng vụ là một đề tài ruột của Biển-đức), (các tông thư về) đức cậy, đức mến… Và hiện nay là các bài giáo lí hàng tuần trong ngày tiếp khách thập phương trong sảnh đường Phao-lô 6.
 
2. Để hoá giải căn nguyên thứ hai – bỏ Chúa vì cả tin vào khoa học kĩ thuật – ngài vận dụng những nghiên cứu, hiểu biết sắc sảo của mình để chứng minh cho con người thấy rằng, lí trí khoa học và đức tin có thể song hành với nhau; chúng không loại trừ nhau, trái lại chúng cần nhau, bổ sung cho nhau. Chỉ có khoa học kĩ thuật mà thôi thì không đủ. Khoa học kĩ thuật chỉ nói lên được một khía cạnh của chân lí, nó không phải là chân lí toàn diện. Theo cái nhìn của đức thánh cha, trong ngàn năm thứ nhất, con người nhìn mọi sự hoàn toàn dưới ánh sáng tạo dựng của Thiên Chúa. Bước sang ngàn năm thứ hai, họ bắt đầu quay lưng lại với Trời và rốt cuộc chỉ muốn nhìn xuống Đất, vì họ tin rằng, với lí trí và cuốc xẻng khoa học kĩ thuật của họ, họ có thể biến Đất thành Trời. Và nhân loại chúng ta hiện nay đang ở cuối giai đoạn chỉ biết có Đất mà quên Trời này. Vì vậy, giáo chủ Biển-đức không ngừng kêu gọi, cảnh giác con người, nhất là con người âu châu, phải í thức được giới hạn của lí trí và khoa học của mình, phải í thức được cơn mê lầm chọn Đất quên Trời hiện tại của mình.
 
Vì quan điểm thiếu tin tưởng hoàn toàn vào khoa học này mà giáo chủ Biển-đức bị tiếng là người bi quan trước tiến bộ nhân loại, là người “thiếu thức thời“, “phản tiến bộ“.
 
Cũng theo Đức Thánh Cha, khi khoa học kĩ thuật thiếu đạo đức hướng dẫn, thì khoa học kĩ thuật sẽ làm hại con người. Nó sẽ gây điêu linh cho nhân loại, như ta đã thấy qua hai cuộc thế chiến khủng khiếp vừa qua, và nếu không khéo, sẽ thấy nơi những lạm dụng kinh hoàng trên bình diện sinh học sắp tới. Nếu lí trí con người đẩy Thiên Chúa ra lề, không chấp nhận một thẩm quyền siêu việt trên con người, thì cuộc sống trần thế chắc chắn sẽ trở thành địa ngục. Lúc đó, các í thức hệ man rợ (phát-xít, quốc-xã, cộng-sản) sẽ nhảy ra thay thế Thiên Chúa. Lúc đó, tương quan con người sẽ dựa trên luật mạnh được yếu thua. Lúc đó, mọi chuyện sẽ bị tương đối hoá và cuộc sống hết í nghiã. Và hậu quả sẽ là tự do giết thai nhi, tự do an tử, tự do li dị, vứt bỏ định chế gia đình nam nữ, tự do xâm phạm tình dục trẻ em, tự do tạo phôi vô tính (cloning)…
 
Những tư tưởng trên đây ta đọc được trong Đức Tin Ki-tô Giáo. Hôm Qua Và Hôm Nay. Đây là tác phẩm bản lề của giáo chủ Biển-đức. Một tác phẩm có thể nói rất mới và táo bạo. Nó làm đảo lộn cả một truyền thống thần học đương đại của Giáo hội. Một đàng, cuốn sách trao cho ta những hiểu biết sâu xa cốt lõi về những gì phải tin của một ki-tô hữu. Mặt khác nó nêu bật lên những hạn chế và bế tắc của chân lí khoa học kĩ thuật. Để từ đó chúng ta xác tín rằng, muốn có được một cuộc sống trọn đầy, chúng ta phải cần đến cái chân lí toàn diện. Chân lí này vừa phải có Trời mà cũng có Đất. Và chân lí này, kì cùng ra, là một quà tặng nhưng không của Thiên Chúa ban, chứ không phải là cái do đầu óc khoa học của ta làm ra được.
 
Mà không chỉ trong tác phẩm bản lề đó và trong các tông thư của ngài viết mới đây mà thôi. Những tư tưởng trên đây ta còn thấy bàng bạc trong khối lượng tri thức đồ sộ với hơn 120 cuốn sách vừa tự viết vừa đóng góp bài vở của ngài. Một gia sản mà kí giả Peter Seewald, người phỏng vấn hồng i Ratzinger để làm nên cuốn “Muối Cho Đời“, “Thiên Chúa Và Trần Thế“ (và sau này) “Ánh Sáng Thế Gian“ cho rằng, Biển-đức 16 là nhà thần học lớn của thế kỉ, có thể sánh với một Tôma ở Aquinô thời Trung cổ. Còn giáo sư Siegfried Wiedenhöfer phát biểu trong ngày ra mắt “Quỹ hội Joseph Ratzinger/Giáo chủ Biển-đức XVI“ (13.11.08), một Quỹ hội quốc tế do môn sinh của Biển-đức thành lập, như sau: “Joseph Ratzinger là một trong số nhà thần học có nhiều sáng tạo nhất của thời hiện đại, mà cũng có thể là của cả lịch sử thần học“.
 
Tạm kết. Ngày 29.06.1951 tại nhà thờ chính toà ở Freising, giáo phận München, có một lễ phong chức linh mục lớn và trang trọng. Đây là cuộc phong lớn đầu tiên sau chiến tranh (Thế chiến II) trong tổng giáo phận, với trên 40 tân chức. Khi vị tổng giám mục chủ phong già yếu vừa đặt tay trên đầu một ứng viên trẻ, bỗng dưng không biết từ đâu trên nóc cung thánh một con chim sơn ca vụt bay sà xuống đậu trên bàn thánh và hót líu lo một tràng dài thánh thót. Cả thánh đường chật ních phút chốc như lây niềm vui của chim. Người thanh niên 24 tuổi nhỏ con được đặt tay đó là Joseph Ratzinger. Biến cố này chính hồng i Ratzinger đã ghi lại trong cuốn hồi kí của ngài, viết nhân dịp ngài 70 tuổi, như một kỉ niệm trước khi xin từ giã Rôma (lần thứ nhất) để trở về cuộc đời hưu trí với bút sách. Khi ghi lại chuyện này, ngài nhắc nhở người đọc chớ có tin dị đoan. Nhưng đồng thời ngài cũng cho hay, lúc đó ngài cảm nhận cánh chim sa và tiếng hót rộn ràng của nó như là một lời khuyến khích từ Trên: Joseph ơi, con đã chọn đúng con đường. Hãy cứ thế mà vững bước trên con đường đã chọn!

 
 
Trong phong ba bão táp đang đổ xuống trên Giáo hội và trên chính Đức Thánh Cha hôm nay, chúng ta hãy cầu cho ngài tiếp tục nghe và sống được tâm tình tiếng sơn ca của gần 60 năm trước.

Nguồn tin: phongtraogiaodan.org

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây