Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Chúa nhật Lễ Lá. Giải thích Lời Chúa

-

-

Phụng Vụ Chúa Nhật Lễ Lá tập trung vào một chủ đề duy nhất: “tưởng niệm cuộc Thương Khó của Đức Giê-su”, nhắc cho chúng ta nhớ rằng bằng con đường Thương Khó và Tử Nạn Đức Giê-su dẫn chúng ta đến sự sống.
CHÚA NHẬT LỄ LÁ

 
Phụng Vụ Chúa Nhật Lễ Lá tập trung vào một chủ đề duy nhất: “tưởng niệm cuộc Thương Khó của Đức Giê-su”.
 
Is 50: 4-7
Bài đọc I được trích từ tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị. Vị ngôn sứ cho chúng ta thoáng thấy dung mạo người tôi trung của Đức Chúa chịu đau khổ, nhạo báng, sĩ nhục, nhưng không một lời oán than, trái lại đặt trọn niềm tin tưởng vào một mình Thiên Chúa.
 
Pl 2: 6-11
Tiếp đó, chúng ta tiếp tục suy niệm mầu nhiệm hạ mình và tôn vinh của Đức Giê-su, được thánh Phao-lô họa lại trong thư gởi tín hữu Phi-líp-phê, dưới dạng một bài thánh thi ca ngợi Đức Ki-tô, đây là một lời chứng đáng chú ý về  niềm tin Giáo Hội tiên khởi.
 
Lc 22: 14-23: 56
Sau cùng, chúng ta sống lại cuộc Thương Khó của Đức Giê-su theo thánh Lu-ca, nhắc cho chúng ta nhớ rằng bằng con đường Thương Khó và Tử Nạn Đức Giê-su dẫn chúng ta đến sự sống.
 
BÀI ĐỌC I (Is 50: 4-7)
 
Bản văn này nói cho chúng ta về những xác tín của vị ngôn sứ. Vì luôn lắng nghe Thiên Chúa, chuyên tâm suy gẫm lời của Ngài, ông đã không tránh né sứ mạng của mình và biết lựa lời mà nâng đỡ những người bất hạnh. Ông đã không đón nhận bất kỳ lòng biết ơn nào, nhưng trái lại, đã phải hứng chịu muôn vàn ê chề nhục mạ: bị đánh đòn, chịu những lời mắng nhiếc phỉ nhổ. Nhưng người tôi trung này đã đặt trọn niềm tin tưởng vào Đức Chúa; ông “trơ mặt ra như đá”, nghĩa là “nhất quyết, không hề nao núng, vững như bàn thạch”. Thánh Lu-ca nói với chúng ta rằng “Chúa Giê-su trơ mặt ra như đá”, nghĩa là, Ngài nhất quyết lên Giê-ru-sa-lem để chịu cuộc khổ nạn của Ngài, tức là Ngài thu hết can đảm và khẳng định ý muốn của mình (Lc 9: 51).
 
1. Dung mạo người tôi trung:
 
Đây bài ca thứ ba trong bốn bài ca được gọi “bài ca về Người Tôi Trung của Đức Chúa” được gặp thấy trong tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị, vị ngôn sứ thời lưu đày Ba-by-lon, vào giữa thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên. “Người Tôi Trung” này được quy chiếu đến hoặc dân Ít-ra-en (vị ngôn sứ thường gọi họ là “người tôi trung của Đức Chúa”), hay một nhân vật biệt phân và đón nhận sứ mạng đặc thù. Vả lại, lời giải thích tập thể và lời giải thích cá nhân không loại trừ nhau; chúng chồng chéo lên nhau ở nhiều đoạn văn. Người tôi trung này hành xử một cách khiêm nhu (bài ca thứ nhất); ông được trao phó cho việc giải thoát dân Ít-ra-en và hoán cải muôn dân (bài ca thứ hai), ông phải hứng chịu những bách hại và nhục mạ (bài ca thứ ba), ông bằng lòng chịu chết một cách ô nhục, đoạn được tôn vinh (bài ca thứ tư).
 
Đây là một khúc quanh của Mặc Khải. Cho đến lúc đó những viễn cảnh Mê-si-a nhắm đến một dung mạo một vị vua vinh quang thuộc dòng dõi vua Đa-vít, Ngài sẽ thiết lập nền hòa bình và công lý. Ấy vậy, vào lúc này, dân Ít-ra-en không còn có vua, vương quyền Đa-vít đã bị tiêu tan trong cơn bảo táp; Đền Thờ Sa-lô-mon bị phá hủy, Giê-ru-sa-lem phải làm tôi và phần lớn dân cư bị lưu đày. Đây là giờ thuận tiện để loan báo một sứ điệp mới. Qua những linh tính của vị ngôn sứ, khoa sư phạm của Thiên Chúa tiến một bước tiến vĩ đại. Không phải những sấm ngôn thuở xưa về Đấng Mê-si-a thuộc dòng dõi vua Đa-vít bị hủy bỏ, nhưng điều mà những viễn cảnh mới cho thấy, chính là sự can thiệp của “một người được Thiên Chúa tuyển chọn”, “một người được Đức Chúa xức dầu tấn phong”, Đấng này sẽ hành động không ồn ào nháo nhiệt, bên ngoài có vẻ thất bại: đau khổ và chết, trước khi được tôn vinh.
 
2. Vị ngôn sứ chịu sỉ nhục:
 
Ở nơi nhân vật chịu nhiều nỗi truân chuyên này chúng ta dể dàng nhận ra chính vị ngôn sứ. Lãnh nhận sứ mạng an ủi những người lưu đày bất hạnh mệt mõi chán chường, ông đã không thể tránh khỏi thái độ vô ơn bạc nghĩa này. Ông đã cố giúp họ hiểu ý nghĩa của cuộc thử thách của họ, kêu gọi họ hoán cải, hứa với họ sự giải thoát; tuy nhiên, ông đã vấp phải thái độ không hiểu, ngờ vực và hung hăng của những người mà cuộc lưu đày dài lâu đã khiến họ nên chua chát đắng cay.
 
3. Người công chính chịu đau khổ:
 
Qua dung mạo của vị ngôn sứ, ẩn hiện dung mạo người công chính thập toàn. Bản văn có cung giọng Mê-si-a. Chúa Giê-su sẽ thực hiện sứ mạng được giao phó cho Ngài trong sự vâng phục hoàn hảo; Ngài sẽ mang Tin Mừng đến cho những người nghèo khổ và phiền muộn. Như vị ngôn sứ vô tội, Ngài sẽ đón nhận, thay vì những lời cám ơn, những đòn vọt, lăng mạ, nhục hình mà Ngài sẽ gánh chịu không hề nao núng “vì biết mình sẽ chẳng phải thẹn thùng hổ ngươi bẽ mặt”.
 
BÀI ĐỌC II (Pl 2: 6-11)
 
Đoạn thư của thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Phi-líp-phê này là một bài thơ, bằng văn xuôi có nhịp điệu, gồm sáu khổ thơ. Ba khổ thơ đầu vạch lại ba giai đoạn tự nguyện hạ mình của Đức Ki-tô, và ba khổ thơ còn lại, trái lại, ba giai đoạn được Chúa Cha tôn vinh.
 
Người ta không khỏi ngạc nhiên khi gặp thấy ở nơi cung giọng nồng nàn nhưng thân quen, những dòng thơ khôn sánh này, như tuôn trào từ ngọn bút. Người ta không biết phải chăng thánh Phao-lô là tác giả hay chỉ là người trích dẫn bài thơ này. Bài thơ này, bằng Hy ngữ, được phô diễn rất văn chương. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn phát hiện ở đây những ảnh hưởng của ngôn ngữ A-ram. Phải chăng có một bản văn bằng tiếng A-ram trước bản văn Hy ngữ này? Nếu vậy, chúng ta đang đứng trước một bài thánh thi phụng vụ của Giáo Hội tiên khởi. Dù sao chúng ta có ở đây một chứng liệu đáng chú ý, một trong những bản văn xưa về thần học Đức Ki-tô; nhất là nó mang đến một lời chứng có giá trị đầu tiên về đức tin tiên khởi vào cuộc sống tiền hữu của Chúa Giê-su, trước cả Tựa Ngôn của thánh Gioan.
 
1. Ba giai đoạn hạ mình:
 
1- Đức Giê-su, vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không nhất quyết đòi cho mình được ngang hàng Thiên Chúa.
 
2- Ngài tự hủy mình ra hư không và mặc lấy thân phận thấp hèn, nên giống phàm nhân, nghĩa là chia sẻ tất cả mọi yếu đuối của chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.
 
3- Ngài lại còn hạ mình đến nỗi bằng lòng chịu chết ô nhục trên thập giá.
 
2. Ba giai đoạn tôn vinh:
 
1- Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và ban tặng cho Ngài danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.

Chữ “danh hiệu” được hiểu theo nghĩa tuyệt đối: “Danh khả danh phi thường Danh”, nghĩa là danh hiệu này chỉ dành riêng cho một mình Ngài, đây là danh của “Đức Chúa”, mà theo truyền thống Do thái dành riêng để chỉ tên khôn tả của Thiên Chúa.
 
Danh hiệu “trổi vượt trên muôn vàn danh hiệu”, vì danh này trổi vượt, thậm chí trên muôn loài muôn vật trên trời dưới đất.
 
2- Muôn loài muôn vật phải phụng thờ Ngài.
 
“Để vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất, và trong cõi âm ty, muôn vật phải bái quỳ”. Không phải chỉ vì danh Giê-su, vì tên này khá phổ biến, đó là lý do tại sao tên này thường được đám đông xác định: “ông Giê-su thành Na-da-rét”; nhưng vì danh Giê-su đồng nhất với danh Đức Chúa như khổ thơ trước chỉ cho thấy.
 
“Cả trên trời dưới đất, và trong cõi âm ty”: chỉ toàn thể vũ trụ. Điều này muốn nói rằng, không chỉ nhân loại phải tôn thờ Ngài, nhưng còn muôn loài thọ tạo nữa. Đây là đề tài chúng ta sẽ gặp lại ở sách Khải Huyền: “Tôi lại nghe mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả đều tung hô: “Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chức tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời!” (Kh 5: 13).
 
3- Sau cùng, Thiên Chúa ban cho Đức Giê-su quyền tối thượng hoàn vũ, nghĩa là tước vị “Chúa”. Vì những người Ki tô hữu tiên khởi đã không ngần ngại ban tặng cho Đức Giê-su tước vị này mà Cựu Ước dành riêng cho Đức Chúa. Đây là lời tuyên tín đặc trưng tiên khởi; thánh Phao-lô nhấn mạnh nhiều lần, cũng như thánh Lu-ca trong sách Công Vụ, Thiên Tính của Ngài.
 
Câu cuối của bài thánh thi định rõ “để tôn vinh Chúa Cha”. Đây cũng là một nét thần học xứng đáng nhấn mạnh: siêu tôn Đức Giê-su đồng nghĩa tôn vinh Chúa Cha. Phụng Vụ Ki tô giáo sẽ theo đường hướng này: mọi lời chúc tụng dâng lên Đức Ki-tô đều là tôn vinh Chúa Cha.
 
3. Mẫu gương:
 
Thánh Phao-lô rất yêu quý các tin hữu Phi-líp-phê mà thánh nhân đã sáng lập vào năm 49-50 và là cộng đoàn Ki tô giáo đầu tiên trên đất Châu Âu. Phi-líp-phê là một thành phố quan trọng thuộc miền Ma-xê-đoan; thành phố này được đặt tên theo vua Phi-líp-phê, cha của đại đế A-lệ-xan.
 
Khi thánh nhân viết cho các tín hữu Phi-líp-phê, thánh nhân đang sống trong cảnh xiềng xích. Thánh nhân ước mong các tín hữu Phi-líp-phê thân yêu của ngài biết đồng tâm nhất trí với nhau, nhất là khiêm tốn tận đáy lòng. Vì thế, thánh nhân đưa ra cho họ mẫu gương của Đức Ki-tô.
 
TIN MỪNG (Lc 22: 14-23: 56)
 
BÀI THƯƠNG KHÓ ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ THEO THÁNH LU-CA
 
Như tất cả các thánh ký khác, thánh Lu-ca dành một phần lớn tác phẩm của mình cho bài Thương Khó Đức Giê-su Ki-tô. Vì thế chúng ta có bằng chứng theo đó Giáo Hội tiên khởi đã hiểu biến cố đồi Can-vê, không là một giai đoạn hổ ngươi bẽ mặt mà biến cố Phục Sinh xóa đi, nhưng rõ ràng là đỉnh cao công trình yêu thương của Thiên Chúa cho nhân loại. Sự thách đố của thập giá đã được những Ki-tô hữu tiên khởi đảm nhận, bất chất sự kỳ chướng gây ra cho người Do thái lẫn lương dân.
 
Bài tường thuật của thánh Lu-ca bộc lộ một cảm xúc mãnh liệt, tuy nhiên thánh ký tránh đề cập những chi tiết quá tàn bạo, nhưng chỉ gợi ý; khi đọc bài tường thuật của ông, người ta có thể không biết rằng Đức Giê-su đã bị đánh đòn và bị đội mảo gai. Mặt khác, chân dung mà thánh ký phác họa về Đức Giê-su hoàn toàn phù hợp với những gì ông đã mô tả về Ngài trước đó. Suốt lộ trình đau thương của Ngài, Đức Giê-su gieo rắc sự tha thứ, hòa giải và lòng xót thương. Sau cùng, người ta nhận ra rằng thánh ký, tác giả của sách Công Vụ sau này, rất quan tâm đến Giáo Hội: thánh ký muốn rằng bài Thương Khó của ông phải giúp cho người Ki-tô hữu gặp thấy ở nơi Đức Giê-su một mẫu gương noi theo cho đến phúc tử đạo.
 
ĐỨC GIÊ-SU LẬP PHÉP THÁNH THỂ (22: 14-20)
 
Chúng ta bắt đầu bài tường thuật của thánh Lu-ca với việc Chúa Giê-su lập phép Thánh Thể. Hai tình tiết đi trước việc thiết lập phép Thánh Thể:
 
- Các thượng tế âm mưu và thông đồng với ông Giu-đa, tên phản bội.
 
- Chúa Giê-su sai hai môn đệ, thánh Phê-rô và thánh Gioan, chuẩn bị bữa ăn Vượt Qua.
 
Thánh Lu-ca là một trong các thánh ký đã khôi phục tốt nhất việc thiết lập bàn tiệc Thánh Thể trong bối cảnh của bữa ăn Vượt Qua Do thái.
 
1. Lễ Vượt Qua Mới:
 
“Khi giờ đã đến”, tức là vào lúc mặt trời lặn, Chúa Giê-su và các Tông Đồ “ngồi vào bàn”. Từ lâu bữa ăn Vượt Qua không còn theo cách thức cựu trào nữa, nghĩa là “lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy” (Xh 12: 11), nhưng theo cách thức Hy-La, nằm duổi dài trên trường kỷ.
 
Bữa ăn Vượt Qua Do thái được người cha hay vị thủ lãnh của nhóm chủ trì, như cộng đồng nhỏ bé của Đức Giê-su cùng các môn đệ của Ngài. Người cha hay vị thủ lãnh có nhiệm vụ giải thích diễn tiến và ý nghĩa của các nghi thức, trả lời các câu hỏi. Vì thế Chúa Giê-su lên tiếng trước, trong và sau bữa ăn. Ngài xác định ý nghĩa các cử chỉ của Ngài; Ngài sắp biến đổi lễ Vượt Qua truyền thống thành lễ Vượt Qua Mới; vừa đoạn tuyệt vừa nối tiếp, vừa song đối sâu xa vừa có tính cách mới tận căn.
 
Ngay lập tức, Đức Giê-su đem lại cho nghi lễ sắc điệu của Ngài: lễ Vượt Qua này thể hiện một trong những ước muốn nồng nàn nhất tấm lòng của Ngài và nó mang một ý nghĩa cánh chung.
 
2. “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình”:
 
Chúa Giê-su đã bày tỏ mong ước này rồi: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bừng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12: 49-50). Đó là ngọn lửa tình yêu mà Ngài sẽ tỏ cho nhân loại thấy Thiên Chúa yêu thương họ đến độ nào.
 
3. Ý nghĩa cánh chung:
 
Lễ Vượt Qua Do thái tưởng niệm việc dân Do thái được giải thoát khỏi cảnh đời nô lệ bên Ai-cập, biến cố quyết định của lịch sử dân Ít-ra-en. Cuộc tưởng niệm này được hiểu như đảm bảo những lần Đức Chúa can thiệp trong tương lai, việc Đấng Mê-si-a ngự đến (ở bữa ăn Vượt Qua, một chỗ tượng trưng được dành riêng cho ngôn sứ Ê-li-a), cũng như ơn cứu độ vĩnh viễn (người ta nghĩ rằng ơn cứu độ này bất chợt đến vào đêm Vượt Qua). Như vậy, bữa ăn Vượt Qua Do thái là một trong những tiên trưng của bữa tiệc cánh chung mà Thánh Kinh mô tả để diễn tả niềm vui của những người công chính trong thế giới hậu lai như: “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc…Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn tang che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người” (I s 25: 6-8; 55: 1-3; Cn 9: 1-6).
 
Lễ Vượt Qua mà Chúa Giê-su chuẩn bị thiết lập mặc lấy dấu chỉ cứu độ “cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa”. Thánh Thể là lương thực cánh chung, bảo chứng cuộc sống đời đời.
 
4. Chén rượu thứ nhất:
 
Đức Giê-su đổi mới viễn cảnh này khi cầm chén rượu người ta đưa cho Ngài. Quả thật, bản văn viết: “Rồi Người nhận lấy chén”. Đức Giê-su chủ trì bữa ăn Vượt Qua. Chỉ một mình thánh Lu-ca kể ra chén rượu thứ nhất này.
 
Trong suốt bữa ăn Vượt Qua Do thái, có đến bốn chén rượu. Lời tạ ơn được đọc trên chén rượu thứ nhất, trước khi bữa ăn khởi sự, nhằm mục đích thánh hiến nghi lễ: Đức Giê-su dâng lời tạ ơn thứ nhất trên chén rượu này.
 
Tiếp đó, người ta ăn “rau diếp đắng”, đoạn đọc lời tạ ơn và cùng ăn bánh không men.
 
5. Đọc lời tạ ơn trên bánh:
 
Lúc đó, Đức Giê-su dâng lời tạ ơn trên bánh, nhưng Ngài biến đổi nghi thức: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”. Bản văn của thánh Lu-ca rất gần với bản văn của thánh Phao-lô. Chỉ hai người kể ra “Anh em hãy làm như Thầy vừa làm mà tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11: 24).
 
6. Chén rượu cuối bữa ăn:
 
“Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy”. Những lời theo sau ở đây vẫn còn tương tự với những lời mà thánh Phao-lô trích dẫn (1Cr 11: 25). Chén rượu mà Chúa Giê-su dâng lời tạ ơn có thể là chén thứ tư, chén mà người ta uống ngay khi bữa ăn được hoàn tất, trước khi đọc các Thánh Vịnh 113-118, để nói lên Giao Ước Mới và phân biệt rõ nét Chén Máu của Ngài với các chén khác.
 
Chúa Giê-su loan báo cho các môn đệ Ngài cái chết dữ dội của Ngài, Ngài chết như một hiến lễ: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em”.
 
DIỄN TỪ TỪ BIỆT (22: 21-38)
 
Trái với thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô, nhưng như thánh Gioan, thánh Lu-ca tường thuật bài diễn từ của Chúa Giê-su như diễn từ từ biệt, dưới hình thức của những lời loan báo, dặn dò và hứa hẹn.
 
1. Loan báo Giu-đa phản bội:
 
Trước tiên, Đức Giê-su loan báo rằng một người trong họ sẽ phản bội Ngài. Đây là nét chung cho cả bốn sách Tin Mừng: thánh Lu-ca đặt lời loan báo này sau bữa ăn, thánh Gioan thì trong bữa ăn, còn thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô thì trên đường đến vườn Cây Dầu. Chỉ mình thánh Gioan trích dẫn Tv 41: 10: “Kẻ đã cùng chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (Ga 13: 18). Thánh Lu-ca chỉ dành cho lời loan báo này chỉ ba dòng mà không đưa ra bất kỳ sự xác định nào, vì thánh ký không thích trì hoãn trên những cử chỉ ô nhục. Lời than thở: “Khốn cho kẻ nào nộp Con Người” không là lời kết án, càng không là lời nguyền rủa. Đó chỉ là một ánh nhìn đượm buồn trên người bạn lầm đường lạc lối này.
 
“Đã hẳn Con Người ra đi như đã ấn định”, nghĩa là cuộc Thương Khó của Đức Giê-su đã được ấn định bởi kế hoạch của Chúa Cha. Chúng ta không gặp thấy bản văn Kinh Thánh nào mà Chúa Giê-su có thể ám chỉ đến, nhưng phải nhớ rằng Đức Giê-su đã thường liên kết mật thiết dung mạo Con Người với dung mạo Người Tôi Trung. Vả lại, bài học phục vụ đến rất đúng lúc như một lời quở trách gởi đến các môn đệ Ngài.
 
2. Lý tưởng phục vụ:
 
Sau một thoáng xúc động vì lời loan báo một người trong họ sẽ phản bội Thầy, các ông, vẫn chứng nào tật nấy, tranh cãi sôi nổi với nhau xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất.
 
Đức Giê-su nhắc lại cho họ giáo huấn mà Ngài không ngừng nhắc đi nhắc lại: kẻ rốt hết sẽ là người làm đầu, ai trở thành bé mọn như con trẻ sẽ đi vào Nước Trời, vân vân. Kẻ lớn nhất phải nên như người phục vụ: “Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ”. Người ta nghĩ rằng thánh Gioan đặt việc rửa chân vào bữa ăn này, Đức Giê-su mặc lấy y phục người nô lệ, khăn thắt ngang lưng, để cúi xuống trước mỗi vị Tông Đồ.
 
3. Xa-tan trở lại:
 
Sự phản bội của Giu-đa không là cuộc tấn công duy nhất của các thế lực sự dữ. Chúng ta gặp thấy ở đây một trong những tuyến phát triển của Tin Mừng Lu-ca, cuộc tấn công này xuất hiện ngay từ câu chuyện Cám Dỗ trong hoang địa: ở đó Đức Giê-su chiến thắng Xa-tan và cuộc chiến thắng khởi đầu này bao quát toàn bộ sứ mạng của Ngài; nhưng Xa-tan chờ đợi giờ của nó (Lc 4: 13). “Xa-tan đã nhập vào Giu-đa” (Lc 22: 3). Ngoài ra “Xa-tan đã xin được sàng các Tông Đồ như người ta sàng gạo” (Lc 22: 31), tức là đưa các ông vào một cuộc thử thách cam go đối với đức tin của các ông. Chính thánh Phê-rô sẽ vấp ngã.
 
4. Lòng nhân từ của Thiên Chúa:
 
Chúng ta lưu ý đến lòng nhân từ của Đức Giê-su; Ngài gợi lên cuộc tấn công của Xa-tan này chỉ sau khi đã trấn an các Tông Đồ của Ngài; Ngài nói với họ về cuộc thử thách này, khi nhấn mạnh rằng rốt cuộc họ sẽ chiến thắng: “Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan. Vì thế, Thầy sẽ trao vương quốc này cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được dồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự tòa xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en”, tức là dân Thiên Chúa.
 
Đối với thánh Phê-rô cũng thế, để thánh nhân khỏi phải quá buồn phiền, Đức Giê-su công bố cho ông, trước khi tiên báo ông sẽ chối Thầy: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh”.
 
Chỉ một mình thánh Lu-ca gợi lên ngay từ giây phút này uy quyền mà Đức Giê-su ban cho thánh Phê-rô trên Nhóm Mười Hai, và đảm bảo rằng lời cầu nguyện của Ngài sẽ phù trợ đức tin của Giáo Hội.
 
Thánh Phê-rô cực lực biện bác, nhưng Chúa Giê-su nói trước cho thánh nhân biết nội trong đêm nay ba lần ông sẽ chối Thầy, nhưng Ngài cũng giúp cho thánh nhân hiểu trước rằng Ngài sẽ bỏ qua cho ông. Đây là một trong những trang Tin Mừng ghi đậm nét lòng nhân từ của Thiên Chúa.
 
5. Giờ chiến đấu quyết liệt:
 
Đoạn Chúa Giê-su với một nghị lực đáng kinh ngạc cho các môn đệ mình hiểu rằng giờ chiến đấu quyết liệt đã đến. Không còn ra đi không hành trang như trước đây Ngài đã truyền lệnh cho họ, nhưng phải trang bị vũ khí chống lại sự thù hận khủng khiếp. Chúa Giê-su nói bằng ngôn ngữ biểu tượng về khí giới thiêng liêng.

Bây giờ sấm ngôn Is 53: 12 sắp được ứng nghiệm: “Người bị liệt vào hàng phạm pháp. Thật vậy, những gì đã chép về Thầy sắp được hoàn tất”. Thánh Lu-ca là thánh ký duy nhất áp dụng bản văn ngôn sứ I-sai-a đệ nhị về người tôi trung chịu đau khổ vào cuộc Thương Khó của Chúa Ki-tô. Chúa Giê-su bước đi trong khi hoàn toàn ý thức rằng mình bị bêu xấu cho đến mức bị liệt vào hàng những kẻ phạm pháp và phải chịu chết một cách ô nhục. Ngài thử truyền đạt điều này cho các môn đệ, nhưng các ông lại hiểu theo nghĩa vật chất, vì thế họ trình cho Ngài hai thanh gươm. Chúa Giê-su, thất vọng, cắt ngang: “Đủ rồi!”.
 
CƠN HẤP HỐI TẠI NÚI Ô-LIU (22: 39-46)
 
Bài tường thuật của thánh Lu-ca thì ngắn gọn: thánh ký bỏ qua nhiều chi tiết được thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô cung cấp, chỉ để tâm đến lời cầu nguyện, lời cầu nguyện căng thẳng của Chúa Giê-su, lời cầu nguyện mà Ngài khuyên bảo các môn đệ ngay từ đầu và được lập lại ở phần cuối; một kỷ thuật đóng khung có ý nghĩa.
 
Chẳng có gì phải ngạc nhiên: thánh Lu-ca là thánh ký của lời cầu nguyện; chính thánh nhân ghi nhận thái độ thường hằng này của Chúa Giê-su: “Ban ngày, Đức Giê-su giảng dạy trong Đền Thờ; nhưng đến tối, Người đi ra và qua đêm tại núi gọi là núi Ô-liu” (21: 37). Chúa Giê-su không thay đổi thói quen của mình; hơn nữa, Ngài biết rõ rằng Ngài đang đối mặt với nguy hiểm. Vào chiều hôm đó, các môn đệ theo Ngài; Ngài bận lòng trước hết về họ; họ đã thật sự không ý thức về cơn kỳ chướng kinh khiếp đang chờ đợi họ. Ngài bảo các ông: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”. Chính Ngài tách riêng một mình mà cầu nguyện.
 
1. Chúa Giê-su cầu nguyện:
 
Thánh Lu-ca viết: “Chúa Giê-su quỳ gối cầu nguyện”. Thái độ này không thông thường: dân Do thái cũng như dân Hy-lạp và dân Rô-ma đứng cầu nguyện; tuy nhiên, Cựu Ước nhiều lần kể ra thái độ quỳ cầu nguyện này (2Sb 6: 13; Đn 6: 11). Đây cũng là thái độ cầu nguyện Ki-tô giáo được nhiều lần ghi nhận trong sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 9: 40; 20: 36; 21: 5).
 
Trong suốt buổi cầu nguyện dài lâu này, Chúa Giê-su đã có thể thay đổi tư thế. Tuy nhiên, thánh Lu-ca thích kể việc Chúa Giê-su quỳ cầu nguyện hơn “sấp mình xuống mà cầu nguyện” như Mát-thêu hay Mác-cô.
 
Lời cầu nguyện của Đức Giê-su ở vườn Ô-liu nhắc nhớ Kinh Lạy Cha mà Ngài đã dạy cho các Tông Đồ. Đức Giê-su thân thưa với Cha Ngài với trọn niềm tin tưởng của người con thảo; nhưng thân phận con người khiến Ngài xao xuyến: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con”. “Chén” là hình ảnh Kinh Thánh chung chung được liên kết với ý tưởng trừng phạt, “chén cơn thịnh nộ của Thiên Chúa”, chén dành cho số phận của những người tội lỗi. Khi chấp nhận uống chén này, thay cho những người tội lỗi, Chúa Giê-su sẽ cho phép họ được uống chén cứu độ: chén máu Thánh Thể, tức là máu Ngài đổ ra cho họ.
 
2. Thiên sứ:
 
“Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người”. Đây là nét riêng của thánh Lu-ca.
 
Đây là câu trả lời của Chúa Cha cho tấm lòng hiếu thảo của Đức Giê-su. Điểm nhấn này rất gần với Tin Mừng Gioan; quả thật, theo Tin Mừng Gioan, Chúa Cha đã chưa bao giờ yêu mến Chúa Con cho bằng khi Chúa Con chịu cuộc Tử Nạn của mình. Một tình tiết song đối được gặp thấy chính xác trong Tin Mừng Gioan. Chúng ta biết rằng thánh Gioan không tường thuật cơn hấp hối của Chúa Giê-su ở vườn Ô-liu, nhưng phải nói là thánh nhân cho một sự tham dự trước cơn hấp hối này: khi những người Hy-lạp bày tỏ ước muốn được gặp Chúa Giê-su, thái độ của họ làm Ngài xao động. Lương dân đến với Ngài; Ngài sắp chết cho tất cả họ: “Tâm hồn Thầy xao xuyến…Lạy Cha xin cứu con khỏi giờ này…Bây giờ có tiếng từ trời vọng xuống: ‘Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!’. Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói: ‘Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy!’” (Ga 12: 27-28).
 
3. Mồ hôi lẫn với máu:
 
“Mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất”. Chi tiết này gây chú ý cho thánh Lu-ca, thầy thuốc. Nó chỉ cho thấy nỗi đau cùng cực của Chúa Giê-su. Mỗi Ki tô hữu tự hỏi chính mình: phải chăng việc thấu hiểu nỗi đau khổ kinh khiếp và cái chết là nguyên nhân duy nhất gây nên nỗi phiền muộn bao la của Đức Giê-su, hay còn có nỗi đau đớn lớn lao do tội lỗi của con người? Ở đây chúng ta đi vào trong mầu nhiệm.
 
4. Cầu nguyện không ngừng:
 
Sau khi cầu nguyện, Chúa Giê-su trở lại các môn đệ và Ngài gặp thấy họ đang ngủ. Thánh Lu-ca viết một cách độ lượng: “họ ngủ vì buồn phiền”. Chúa Giê-su lại khuyên họ cầu nguyện, “kẻo sa chước cám dỗ”.

Họ đã không cầu nguyện đủ; họ khó mà cưỡng nỗi chước cám dỗ, và chẳng mấy chốc nữa, tất cả họ sẽ trốn chạy mà bỏ rơi Đức Giê-su. Bên kia các môn đệ, thánh Lu-ca nghĩ đến tất cả những Ki tô hữu. 
 
ĐỨC GIÊ-SU BỊ BẮT (22: 47-53)
 
Bài tường thuật của thánh Lu-ca không khác mấy với các bài tường thuật khác, ngoại trừ vài sắc thái.
 
1. Nụ hôn của Giu-đa:
 
Thánh Lu-ca từ chối ghi lại nụ hôn của Giu-đa bằng những ngôn từ thô thiển; thánh ký chỉ gợi ý: “Hắn lại gần Đức Giê-su để hôn Người”; tiếp liền ngay sau đó là lời của Đức Giê-su: “Giu-đa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?”. Trong khi đó thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô viết: “Rồi hắn hôn Người”; còn thánh Gioan không kể ra nụ hôn của Giu-đa.
 
Chúa Giê-su gọi đích danh người môn đệ phản bội này nhằm cố ý giúp hắn ý thức về cử chỉ bỉ ổi của hắn; Đức Giê-su xưng mình “Con Người”, tước hiệu mà Ngài đã luôn luôn sử dụng khi tiên báo cuộc Thương Khó của mình, nhằm lay động, nếu có thể, những tâm tư tình cảm của tên phản bội.
 
2. Chém đứt tai tên đầy tớ của thượng tế:
 
Tình tiết chém đứt tai tên đầy tớ thượng tế đều được cả bốn Tin Mừng tường thuật. Thánh Lu-ca xác định tai bị chém đứt là tai bên phải. Những phần thân thể bên phải được xem là cao cả hơn bên trái. Nhưng chỉ mình thánh Lu-ca tường thuật Chúa Giê-su chữa lành tai của hắn. Đức Giê-su đã cư xử kẻ thù của Ngài như thế đó…Thánh Lu-ca là thầy thuốc, vì thế ông có một tấm lòng nhạy cảm.
 
3. Các thượng tế và kỳ mục:
 
Thánh Lu-ca không kể đám đông cầm gậy gộc và gươm giáo. Trái lại, ông lưu ý đến sự hiện diện của các thượng tế, lãnh binh Đền Thờ cũng như kỳ mục. Việc lãnh binh Đền Thờ có mặt ở đây là chuyện thường tình để điều hành việc bắt giữ. Nhưng những nhân vật vị vọng, như các thượng tế và kỳ mục, đêm hôm lặn lội đi bắt Ngài thì đáng ngạc nhiên. Thánh ký muốn vạch mặt chỉ tên những người chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Ki-tô ngay từ giây phút bắt giữ Ngài.
 
Đức Giê-su vạch ra cho thấy việc ra tay Ngài vào ban đêm là hành động không quang minh chính đại, bởi vì hằng ngày Ngài công khai giảng dạy cho dân chúng trong Đền Thờ; nếu muốn bắt Ngài thì quá dể dàng, cần gì phải lén lút bắt Ngài như vậy. Nhưng cách thức bắt Ngài như thế rõ ràng cho thấy có một sự thông đồng với Giu-đa: “Giu-đa ưng thuận và tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su cho họ, lúc không có đám đông” (Lc 22: 6), trong khi các thượng tế và kỳ mục muốn hoản cuộc bắt giữ cho đến sau ngày lễ, kẻo gây náo loạn trong dân (Mt 26: 5). Thánh Lu-ca còn kể thêm: “Nhưng đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm”. Chúng ta gặp lại bóng tối của Xa-tan.
 
THÁNH PHÊ-RÔ CHỐI THẦY (22: 54-62)
 
“Họ bắt Đức Giê-su”. Chỉ vào lúc này thánh Lu-ca mới kể việc bắt giữ Đức Giê-su, trong khi thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu đặt việc bắt giữ liền ngay sau Giu-đa ôm hôn Ngài. Thánh Lu-ca muốn chứng tỏ rằng cho đến lúc đó Đức Giê-su tự do, làm chủ biến cố, vạch cho thấy những sai trái của tên phản bội và của những kẻ đến bắt Ngài, ra lệnh cho các môn đệ và chữa lành kẻ bị thương. Tin Mừng Gioan cũng đưa ra một quan điểm như thế, nhưng chỉ cho thấy Đức Giê-su bị trói. Thánh Lu-ca không bao giờ nói việc Đức Giê-su bị trói.

“Họ điệu Người đến nhà vị thượng tế”. Vị thượng tế này không được nêu tên, chắc hẳn là Cai-pha, vị thượng tế đương nhiệm. Chỉ một mình thánh Gioan kể ra việc Chúa Giê-su bị điệu ra trước Kha-nan, vị thượng tế mãn nhiệm, bố vợ của Cai-pha. “Còn thánh Phê-rô thì theo xa xa”; thánh Phê-rô cẩn trọng giữ một khoảng cách nào đó. Tuy nhiên, vào đêm xuân, khí trời thì lạnh. Thánh Phê-rô thấy những người canh gác đã nhóm một bếp lửa giữa sân nên đến gần để sưởi ấm. Dưới ánh lửa bập bùng, thánh nhận dể bị nhận dạng và vì thế ông bị tra hỏi đến ba lần.
 
Bài tường thuật Lu-ca về việc thánh Phê-rô chối Thầy không khác mấy với các bài tường thuật của các thánh ký khác, tuy nhiên thánh Lu-ca không diễn tả mức độ tăng dần của việc thánh Phê-rô ba lần chối Thầy liên tiếp, nhưng nêu lên cường độ kịch tính một cách đặc biệt bởi cái nhìn gây xúc động của Chúa Giê-su trên vị Tông Đồ, cái nhìn của Ngài khiến thánh Phê-rô xao động. Tiếng gà gáy nhắc cho thánh nhân nhớ lại lời của Chúa Giê-su. Thánh nhân ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.
 
ĐỨC GIÊ-SU BỊ ĐÁNH ĐẬP (22: 63-65)
 
Trong khi chờ đợi, Đức Giê-su bị giao lại vào tay những kẻ canh giữ, chúng nhục mạ Ngài và đánh đập Ngài; chúng chế nhạo Đấng đã xưng mình là “ngôn sứ”. Thánh Lu-ca không nhấn mạnh những chi tiết của màn bỉ ổi và đau buồn này; thánh ký tránh kể ra những cái tát tai và những khạt nhổ vào mặt.
 
PHIÊN TÒA DO THÁI (22: 66-71)
 
Đức Giê-su cần phải ra trước tòa án Do thái. Giả như Ngài bị giao nộp trực tiếp vào chính quyền Rô-ma, Ngài sẽ bị đồng hóa với những người ái quốc và được hưởng triều thiên tử đạo. Điều quan trọng trước tiên là làm mất uy tín của Ngài trước mắt toàn dân Ít-ra-en.
 
1. Thượng Hội Đồng:
 
Thượng Hội Đồng Giê-ru-sa-lem là tòa án tối cao của người Do thái. Giới học giả tranh luận về thẩm quyền của Thượng Hội Đồng này; dù thế nào đi nữa về lãnh vực tôn giáo, ba trường hợp chính buộc phải xét xử ở Thượng Hội Đồng này: thờ ngẫu tượng, một ngôn sứ giả, hay một vị thượng tế phạm một tội danh nào đó. Tước hiệu “ngôn sứ” sẽ là trung tâm của phiên tòa xét xử Đức Giê-su trước Thượng Hội Đồng, trong khi tước hiệu “vua” sẽ là trung tâm của phiên tòa Rô-ma trước quan tổng trấn Phi-la-tô.
 
Thượng Hội Đồng gồm có bảy mươi thành viên không tính vị thượng tế, người chủ trì Thượng Hội Đồng này; lời tuyên án của Thượng Hội Đồng chỉ có giá trị nếu hội đủ ít nhất hai mươi ba thành viên. Xem ra có nhiều hơn khi Chúa Giê-su bị điều ra trước Thượng Hội Đồng.
 
2. Hai tước vị của Ngài:
 
Thánh Lu-ca chỉ tường thuật một phiên tòa Thượng Hội Đồng, phiên tòa xảy ra vào ban ngày. Thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu gợi lên một phiên tòa trước, phiên tòa xảy ra vào ban đêm. Theo luật, trong trường hợp nghiêm trọng, Thượng Hội Đồng phải nhóm họp hai lần cách nhau khoảng hai mươi bốn tiếng, ngỏ hầu những người xét xử có đủ thời gian để suy nghĩ. Phiên tòa thứ hai phải khẳng định hay hủy bỏ quyết định của phiên tòa thứ nhất chứ không có quyền tăng thêm bản án. Thánh ký không trì hoãn ở nơi những hình thức nực cười của phiên tòa mà bản án đã được định sẵn trước rồi; ông muốn hướng sự chú ý đến con người của Đức Giê-su, nơi hai tước vị của Ngài: Đấng Mê-si-a và Con Thiên Chúa. Khác với thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu, thánh Lu-ca phân biệt rất rõ hai tước vị này, như thánh ký đã làm lần đầu tiên, vào biến cố Truyền Tin. Sự phân biệt này nói lên nỗi bận lòng của một sử gia. Tác giả sách Công Vụ sau này biết rằng khi Giáo Hội được phát triển, nhất là ở môi trường lương dân, tước vị Do thái: “Mê-si-a” được bảo tồn ở nơi tước hiệu Hy-lạp: “Ki-tô”, nhưng điểm nhấn chính được đặt trên tước vị “Con Thiên Chúa” của Đức Giê-su, tức là nhận ra Thần Tính của Ngài.
 
Đối với câu hỏi về tước vị Mê-si-a của Ngài, Đức Giê-su trả lời bằng cách làm cho những người xét xử Ngài hiểu rằng tước vị này không tương hợp chút nào với những gì họ nghĩ: nó không thuộc trần thế, nhưng siêu việt vì “Từ nay, Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng”. Cũng như thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu, thánh Lu-ca liên kết sấm ngôn Đa-ni-en và Thánh Vịnh 110, cả hai đều loan báo việc con vua Đa-vít sẽ được tôn vinh bên hữu Đức Chúa.
 
Đối với câu hỏi về tước vị Con Thiên Chúa của Ngài, Đức Giê-su trả lời bằng cách biến đối thủ của Ngài thành người công bố chân lý: “Đúng như các ông nói, chính tôi đây”. Tại thánh Mác-cô, Đức Giê-su trả lời rõ ràng: “Phải, chính thế”.
 
3. Bản án:
 
Thượng Hội Đồng chỉ có thể tuyên án khi dựa vào tối thiểu hai lời chứng ăn khớp với nhau. Thánh Lu-ca để cho hiểu rằng điều kiện này không hội đủ. Sau lời công bố của Đức Giê-su, các thành viên Thượng Hội Đồng gào lên: “Chúng ta cần gì lời chứng nữa? Chính chúng ta vừa nghe miệng hắn nói!”. Thánh Lu-ca không nói về việc kết án, ông cũng không kể ra lời tuyên án: “Hắn đáng chết!”; thánh ký sẽ không nói ở bất cứ nơi nào rằng Đức Giê-su đã bị kết án, bởi vì lời tuyên án của Thượng Hội Đồng thì bế tắt. Tòa án này đã mất đi quyền thi hành án tử. Chính quyền Rô-ma đã lấy đi quyền này khỏi người Do thái. Vì thế, để có thể giết Ngài, phải tìm thấy một lý do không là tôn giáo nhưng chính trị, vì thế phải cậy nhờ đến quan tổng trấn Rô-ma.
 
PHIÊN TÒA RÔ-MA (23: 1-5)
 
Thánh Lu-ca nêu bật việc chuyển biến từ lãnh vực tôn giáo sang lãnh vực chính trị; thánh ký trích dẫn những lời buộc tội mà các thành viên Thượng Hội Đồng nêu lên để ép buộc Phi-la-tô phải can dự: tên Giê-su này sách động quần chúng phá rối trị an; hắn chống đối việc nộp thuế cho hoàng đế, hơn nữa, hắn còn xưng mình là Đấng Mê-si-a, là Vua nữa.
 
Phiên tòa tôn giáo dựa trên một nền tảng xác thực nào đó: Đức Giê-su công bố mình vừa là Đấng Mê-si-a vừa là Con Thiên Chúa, đó là những lời phạm thượng dưới quan điểm của những người xét xử Ngài. Phiên tòa chính trị sẽ dựa trên những lời chứng gian. Phi-la-tô khó mà khỏi nghi ngờ, ông sẽ khẳng định sự vô tội của Đức Giê-su đến ba lần (như trong Tin Mừng Gioan).
 
Quan tổng trấn đặt câu hỏi chủ chốt liền ngay với Đức Giê-su: “Ông là Vua dân Do thái sao?”. Chỉ tham vọng này thôi cũng đủ chính quyền Rô-ma trừng trị nghiêm khắc. Đức Giê-su tránh trả lời trực tiếp; tuy nhiên, câu trả lời của Ngài rõ ràng mang sắc thái khẳng định: “Chính ngài nói đó”, ngầm hiểu: “Tôi là vua, nhưng không theo như cách ngài nghĩ”.
 
Thánh Lu-ca tóm tắt rất ngắn gọn phiên tòa của Đức Giê-su trước Phi-la-tô; vả lại, thánh ký chia phiên tòa này ra làm hai phần, bởi việc áp giải Đức Giê-su đến trước mặt vua Hê-rô-đê.
 
Ngay từ cuộc nói chuyện đầu tiên, Phi-la-tô tin rằng những lời buộc tội là vô căn cứ. Các thượng tế liền đáp lại: “Hắn đã xúi dân nổi loạn, đi giảng dạy khắp vùng Giu-đê, bắt đầu từ Ga-li-lê cho đến đây”. Địa danh “Ga-li-lê” gợi cho quan tổng trấn một lối thoát. Bởi vì Đức Giê-su là người Ga-li-lê, ông giao lại cho Hê-rô-đê, tiểu vương miền Ga-li-lê. Vào lúc đó, Hê-rô-đê có mặt ở Giê-ru-sa-lem để tham dự lễ Vượt Qua.
 
ĐỨC GIÊ-SU RA TRƯỚC MẶT VUA HÊ-RÔ-ĐÊ (23: 6-12)
 
Việc Đức Giê-su ra trước mặt vua Hê-rô-đê là một tình tiết riêng của thánh Lu-ca. Lập luận pháp lý mà Phi-la-tô viện dẫn được các bản văn khẳng định. Chúng ta biết rằng miền Ga-li-lê không có cùng quy chế chính trị như miền Giu-đê. Chính quyền Rô-ma đã để cho miền Ga-li-lê một tiểu vương cai trị, lúc đó là Hê-rô-đê An-ti-pát, một trong những người con của Hê-rô-đê đại đế.
 
Động cơ duy nhất của Phi-la-tô là làm tròn những yêu sách của luật thì đáng nghi ngờ; vả lại luật không đòi buộc như thế; nhưng chắc chắn ông bằng lòng chia sẻ trách nhiệm về một công việc tinh tế với chính quyền Do thái. Phi-la-tô nắm bắt cơ hội để xoa dịu vị tiểu vương mà quan hệ giữa hai người vốn rất hiềm thù. Thêm nữa, Phi-la-tô hy vọng vị tiểu vương này tìm ra một giải pháp, vì Hê-rô-đê nổi tiếng là một nhân vật xảo quyệt (Đức Giê-su đã gọi vị tiểu vương này là “con cáo già”: Lc 13: 32).
 
Hê-rô-đê bày tỏ một sự hiếu kỳ không đúng chỗ và hỏi Ngài dồn dập. Với thái độ như thế, Đức Giê-su không thèm trả lời. Bị thương tổn, Hê-rô-đê khinh dể Ngài ra mặt nên ra lệnh cho thị vệ khoác cho Ngài một chiếc áo rực rỡ để chế giễu tham vọng vương quyền của Ngài. Chi tiết này phù hợp với thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu khi miêu tả bọn lính tráng khoác cho Đức Giê-su một tấm áo điều mà chế giễu Ngài. Hê-rô-đê không tuyên án, rồi cho giải Ngài lại cho tổng trấn Phi-la-tô. “Ngày hôm ấy, vua Hê-rô-đê và tổng trấn Phi-la-tô bắt đầu thân thiện với nhau”. Phải chăng thánh ký thấy ở đây lời tiên báo về sự hòa giải giữa người Do thái và dân ngoại trong những cộng đoàn Ki tô hữu tiên khởi?
 
ĐỨC GIÊ-SU LẠI RA TRƯỚC PHI-LA-TÔ (23: 13-25)
 
Đức Giê-su lại bị điệu ra trước Phi-la-tô nhưng không còn có đối thoại nữa giữa tổng trấn và Đức Giê-su. Lối thoát của tấn thảm kịch được diễn ra giữa chính quyền Rô-ma và giai cấp lãnh đạo Do thái; chính ở nơi giai cấp lãnh đạo này mà thánh ký sắp quy những trách nhiệm nặng nề nhất.
 
Phi-la-tô triệu tập các thượng tế và các thủ lãnh dân chúng; ông cao giọng công bố Đức Giê-su vô tội và tố cáo những lời buộc tội gian trá chống lại Đức Giê-su. Bài tường thuật Lu-ca rất gần với bài tường thuật Gioan. Tuy nhiên, để xoa dịu giai cấp lãnh đạo Do thái, vị tổng trấn loan báo một cách đê hèn rằng ông sẽ ra lệnh trừng trị Ngài cho dù ông vừa mới công bố Ngài vô tội và hứa sẽ thả Ngài. Thánh Lu-ca chỉ kể ra sự nhục hình đòn vọt một cách gợi ý chứ không miêu tả chi tiết. Như thánh Gioan, thánh Lu-ca tách riêng việc đánh đòn mà ý định của nó chỉ nhằm ngăn ngừa, chứ không như thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu xem việc đánh đòn như điều kiện tiên quyết của việc đóng đinh trên thập giá.
 
Nhưng các giai cấp lãnh đạo nhất quyết đòi hỏi án tử của Ngài cho bằng được: “Giết nó đi, thả Ba-ra-ba cho chúng tôi”. Thánh Lu-ca không cung cấp bất kỳ lời giải thích nào về yêu sách này; ông giả sử rằng tập tục này ai cũng biết cả, theo đó vào dịp lễ Vượt Qua, người Do thái yêu cầu phóng thích một tù nhân, chắc chắn để tưởng niệm ngày giải thoát khỏi Ai-cập. Chính quyền Rô-ma thuận theo truyền thống Ít-ra-en.
 
Trái với thánh Mác-cô (15: 11) và thánh Mát-thêu (27: 20), thánh Lu-ca không kể ra tiếng gào thét của đám đông, cũng như áp lực của các thượng tế trên đám đông, bởi vì thánh ký không làm loãng đi trách nhiệm của dân Ít-ra-en. Còn Phi-la-tô, ông luôn luôn cho rằng  những lời buộc tội là bất công, cuối cùng đành phải nhượng bộ, thả Ba-ra-ba, kẻ bạo động và sát nhân, và trao nộp Đức Giê-su, người vô tội, “theo ý họ muốn”. Thánh Lu-ca không muốn nói rằng Phi-la-tô giao cho các thượng tế tế và các thủ lãnh dân chúng việc hành hình Đức Giê-su, vì đối với người Do thái cuộc hành hình phải là ném đá chứ không đóng đinh vào thập giá, nhưng thánh ký muốn nói rằng cuối cùng, ý muốn của họ đã thắng.
 
ĐƯỜNG LÊN “ĐỒI SỌ” (23: 26-31)
 
Bốn bài tường thuật về phần cuối của tấn thảm kịch này rất phù hợp với nhau, ngoài trừ vài tiểu tiết. Cả bốn bài tường thuật đều mực thước, thậm chí ngắn gọn. Đặc biệt thánh Lu-ca theo đuổi ý muốn của mình là không nhấn mạnh những khía cạnh quá bi thương; thánh ký thổi vào những trang Tin Mừng của mình một hơi mát thanh bình như thử để quét sạch mọi điều ghê tởm. Lòng xót thương của Thiên Chúa thống trị trên sự thù hận của con người, lòng sám hối của kẻ gian phi phát xuất từ cái nhìn của anh trên Đức Ki-tô hấp hối, đám đông đến xem thay đổi từ thái độ bàng quang đến đấm ngực ăn năn; Đức Giê-su hơi tàn lực tận cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ gây nên cái chết của Ngài, hứa cõi đời đời cho tên gian phi hối cải, phó dâng linh hồn trong tay Chúa Cha.
 
1. Ông Si-mon thành Ky-rê-nê:
 
“Khi điệu Đức Giê-su đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Si-mon, thành Ky-rê-nê, đặt thập giá trên vai cho ông vác theo sau Đức Giê-su”.
 
Thánh Lu-ca không xác định ai trưng dụng người qua đường này, nhưng cách diễn tả rất gợi ý: “họ đặt thập giá trên vai cho ông vác theo sau Đức Giê-su”. Thánh ký rõ ràng ám chỉ đến những lời của Đức Giê-su: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14: 27). Ông Si-mon thành Ky-rê-nê chắc chắn là một người Ki tô hữu hiện đang sống giữa cộng đoàn Ki tô hữu; dù thế nào, thánh Mác-cô trích dẫn tên của các con ông như những nhân vật rất quen thuộc trong Giáo Hội tiên khởi.
 
2. Khóc thương thành Giê-ru-sa-em:
 
“Dân chúng đi theo Người đông lắm”. Chúng ta gặp lại cũng một từ vựng được dùng để chỉ dân chúng thiện cảm này. “Trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc”. Những người phụ nữ này làm chứng về sự vô tội của Đức Giê-su theo cách của họ. Thánh Lu-ca là thánh ký nêu lên nhiều nhất những gương mặt phụ nữ.
 
“Đức Giê-su quay lại”, tại thánh Lu-ca, cử chỉ này loan báo một sứ điệp quan trọng hay một giây phút quyết định (Lc 14: 25). Lúc đó, Đức Giê-su tiên báo cho các bà cuộc sụp đổ thành thánh Giê-ru-sa-lem sắp đến: “Đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu…”. Tình tiết này, riêng của Lu-ca, song đối với tình tiết mà thánh ký đã đặt vào giây phút Chúa Giê-su chuẩn bị vào thành thánh Giê-ru-sa-lem: khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương thành khi nghĩ đến việc thành bị tàn phá thành bình địa, vì thành đã không nhận biết thời giờ nó được Thiên Chúa viếng thăm (Lc 19: 41-44). Khi ra khỏi thành thánh, Đức Giê-su cũng có những cảm xúc như vậy.
 
Thánh Lu-ca đặt trên môi miệng Chúa Giê-su ngôn từ của các ngôn sứ: “Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem” gợi nhớ những hô ngữ của ngôn sứ I-sai-a và ngôn sứ Da-ca-ri-a; “Vì này đây sẽ tới những ngày” là cách nói rất tâm đắc của ngôn sứ A-mốt và được ngôn sứ Giê-rê-mi-a lấy lại; cách nói này báo trước những tai ương hoạn nạn. “Phúc thay đàn bà hiếm hoi”: Đức Giê-su đã diễn tả cùng tư tưởng với lời tiên báo khác về cuộc sụp đổ thành Giê-ru-sa-lem (Lc 21: 23).
 
Sau cùng, lời trích dẫn này mượn của ngôn sứ Hô-sê: “Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Đổ xuống chúng tôi đi!, và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi!”, lời cầu nguyện khốn cùng này được lấy lại trong sách Khải Huyền để diễn tả sự khủng khiếp của ngày Chung Thẩm.
 
Chúa Giê-su hoàn tất lời tiên báo của Ngài khi nhắc lại câu cách ngôn: “Cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế (cây không phải bị đốt cháy, ám chỉ đến cái chết bất công của Ngài), thì cây khô héo sẽ ra sao?”. Nói cách khác, nếu người công chính bị đày đọa cho đến chết, thì người ta sẽ cư xử với những tội nhân như thế nào?
 
KHỔ HÌNH THẬP GIÁ (23: 32-33)
 
“Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá”. Địa danh này gợi lên một đồi trọc, không cây cối. Nơi hành hình được định vị ngoài thánh thánh. Vùng đất thành thánh, được bao bọc chung quanh, là một khu vực thánh không được xác nạn nhân làm ô uế. Nhưng nơi hành hình này gần cửa thành Giê-ru-sa-lem, vì chính quyền muốn những khách bộ hành trông thấy những nạn nhân hấp hối để răn đe.
 
Trên đồi hành hình, Chúa Giê-su bị đóng đinh giữa hai tên gian phi. Sự kiện được cả bốn Tin Mừng tường thuật. Sự nhục nhã càng tăng thêm đối với Đức Giê-su, nhưng đó là số phận mà Thiên Chúa dành cho người tôi trung thập toàn của Ngài “bị liệt vào hàng tội nhân” (Is 53: 12). Trên đường từ Bữa Tiệc Ly đến vườn Ô-liu, Đức Giê-su đã nhắc lại sấm ngôn này cho các môn đệ Ngài: “Cần phải ứng nghiệm nơi bản thân Thầy lời Kinh Thánh này” (Lc 22: 37).
 
LÒNG XÓT THƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA (23: 34-43)
 
 “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.
 
Thánh Lu-ca là vị thánh ký duy nhất truyền đạt cho chúng ta lời khẩn nguyện của Đức Giê-su cho các lý hình, và cho tất cả những ai đã nhúng tay vào cái chết của Ngài.
 
1. Lời khẩn nguyện:
 
Toàn bộ Tin Mừng Lu-ca chuẩn bị cho lời cầu nguyện cao cả về sự tha thứ này. Thánh Lu-ca đã không giữ lại tiếng kêu thống thiết của Đức Giê-su: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”, tiếng kêu bi thương xuất phát từ nỗi cô độc cùng cực. Thánh ký chuộng nêu lên lời khẩn cầu đầy lòng xót thương. Đức Giê-su đã dạy hãy yêu thương kẻ thù và Ngài bảo chúng ta đọc trong Kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ cho chúng con, như chúng con cùng tha kẻ có nợ chúng con”. Đức Giê-su dâng hiến một mẫu gương cho các người Ki tô hữu và đặc biệt cho Các Thánh Tử Đạo (x. Cv 7: 60).
 
Đối diện với tình yêu và sự tha thứ, thánh Lu-ca phác họa sự thù hận và lòng căm thù. Những chi tiết mà họ phô bày không là giai thoại; chúng ta đọc thấy ẩn hiện ở nơi những bản văn ngôn sứ : Dcr 12: 10: “Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu”, và Tv 22, lời cầu nguyện dài của người công chính chịu đau khổ trong đó chúng ta đọc thấy: “Bọn ác đó trong ngoài vây bủa, chúng đâm con thủng cả chân tay, xương con đếm được vắn dài; chúng đưa cặp mắt cứ hoài ngó xem. Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn” (Tv 22: 17-19).
 
2. Dân chúng đứng nhìn:
 
Thánh Lu-ca đã không nói đến dân chúng vào lúc xét xử Chúa Giê-su; bây giờ thánh ký giới thiệu họ trên Đồi Sọ, trong thái độ tôn kính và trung thành. Thánh Lu-ca không nói đám đông (plethos), nhưng dân chúng (laos); có một dị biệt tinh tế giữa hai từ vựng này. Qua từ vựng “dân chúng” thường có hậu ý Giáo Hội, thánh ký mời gọi dân Thiên Chúa chiêm ngắm mầu nhiệm thập giá.
 
Thánh Lu-ca đối lập thái độ dân chúng với thái độ của những giai cấp lãnh đạo, họ cười nhạo và đắc thắng (thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô còn thêm những người qua đương).
 
3. Binh lính cũng chế nhạo Người:
 
Lần đầu tiên thánh Lu-ca nói về binh lính Rô-ma và những lời chế giễu của họ; thánh ký đã không gợi lên mũ gai và trò bỉ ổi của họ. Những binh lính đưa giấm cho Đức Giê-su uống; sự kiện được cả bốn Tin Mừng tường thuật, đặc biệt ở Tin Mừng Gioan cử chỉ này được giải thích rõ hơn: Đức Giê-su vừa nói: “Ta khát”.

Bọn lính làm như vậy một cách vô tình mà không biết bản văn ngôn sứ. Quả thật, người ta đọc thấy ở thánh vịnh 69 lời phàn nàn của một người công chính, nạn nhân vì lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa: “Lời thóa mạ làm tim này tan vỡ, con héo hắt rã rời. Nỗi sầu riêng, mong người chia sớt, luống công chờ, không được một ai; đợi người an ủi đôi lời, trông mãi trông hoài mà chẳng thấy đâu! Thay vì đồ ăn , chúng trao mật đắng, con khát nước, lại cho uống giấm chua” (Tv 69: 21-22).
 
4. Vua dân Do thái:
 
Một tấm bảng viết “vua dân Do thái” được treo trên đỉnh thập giá. Sự kiện được cả bốn thánh ký ghi nhận. Thánh Gioan xác định rằng nó đã được Phi-la-tô ra lệnh viết. Quan tổng trấn Rô-ma biết rõ rằng tước hiệu này chỉ là cái cớ; nhưng để biện minh cho bản án tử hình, trong bản báo cáo của ông trình lên hoàng đế, tội khi quân rõ ràng phải đặt lên hàng đầu.
 
5. Người gian phi sám hối:
 
Tình tiết này riêng của thánh Lu-ca. Đức Giê-su thực hiện sứ mạng đầy lòng xót thương của Ngài cho đến giây phút sau cùng. Tấm lòng khiêm hạ của hối nhân được đáp trả bởi ân ban soi sáng. Người gian phi nhận ra ở nơi Đức Giê-su tước vị Mê-si-a vương đế của Ngài. Lời khẩn cầu của hối nhân này: “Xin nhớ đến tôi” là lời mở đầu kinh nguyện Do thái của những người hấp hối: “Lạy Đức Chúa, xin nhớ đến tôi”.
 
Đức Giê-su trả lời cho anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”. Lời khẳng định của Đức Giê-su rất trang trọng: “Tôi bảo thật anh” thánh Lu-ca hiếm khi sử dùng cách nói này.. Từ ngữ “hôm nay” tại Tin Mừng Lu-ca luôn luôn được liên kết với ý tưởng cứu độ.
 
Trong niềm tin Do thái giáo, “Thiên Đàng” gợi lên một chốn bồng lai cực lạc ở đó những người công chính sau khi qua đời chờ đợi sự phục sinh; từ này được hoán chuyển với cách nói: “vào lòng ông Áp-ra-ham” mà thánh Lu-ca gợi lên trong dụ ngôn người giàu có và anh La-da-rô nghèo khổ: “Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham” (Lc 16: 22).
 
Đức Giê-su cho người gian phi sám hối hiểu rằng từ nay chính Ngài đón tiếp những người công chính và đưa họ vào “Thiên Đàng”. Thánh Lu-ca không tìm cách xác định giây phút Đức Giê-su phục sinh, khi định vị biến cố này ngay sau cái chết của Đức Giê-su. Không ai biết chính xác giây phút Đức Giê-su phục Sinh, đừng nhầm lẫn với giây phút khám phá ngôi mộ trống (giữa cái chết của Đức Giê-su và việc các người phụ nữ đến viếng mộ, ngày sa-bát đã trôi qua).
 
Nhưng thánh Lu-ca ghi lại bài tường thuật của mình theo những viễn cảnh Ki-tô giáo. Đừng quên rằng thánh ký vừa là môn đệ vừa là bạn đồng hành của thánh Phao-lô. Đoạn Tin Mừng này gặp lại tư tưởng của vị Tông Đồ, được diễn tả trong thư gởi cho các tín hữu Phi-líp-phê (Pl 1: 21-23), cũng như trong thư thứ hai gởi cho ông Ti-mô-thê (2Tm 4: 8): người Ki tô hữu qua đời được đoàn tụ với Đức Ki-tô. Trong sách Công Vụ, thánh ký sẽ cho thấy rằng thánh Tê-pha-nô, ngay từ trước khi bị ném đá, “thấy trời mở ra” (Cv 7: 56).
 
CÁI CHẾT CỦA ĐỨC GIÊ-SU (23: 44-49)
 
“Bây giờ đã gần tới giờ thứ sáu (tức mười hai giờ trưa), thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất”. Không loại trừ bầu trời thường trở nên âm u vào mùa xuân, nhưng việc gợi lên trước tiên là Kinh Thánh: những dấu chỉ vũ trụ loan báo hay thường đi theo những cuộc can thiệp của Thiên Chúa vào Lịch Sử (x. Xh 10: 22; vân vân). Các ngôn sứ đã biến các dấu chỉ này thành nét đặc trưng của ngày tận thế, ví dụ như Am 8: 9-10: “Trong ngày ấy, Ta sẽ truyền cho mặt trời lặn giữa trưa, và khiến cho mặt đất tối sầm giữa lúc ngày đang sáng….Ta sẽ làm cho đất này chịu tang như người ta chịu tang đứa con một”. Cái chết của Đức Giê-su khai mở kỷ nguyên cánh chung, nghĩa là kỷ nguyên phán xét; từ nay kỷ nguyên này sẽ được đặt dưới dấu chỉ trung gian của Ngài.
 
1. Bức màn trướng trong Đền Thờ:
 
Thánh Lu-ca là thánh ký duy nhất đặt việc “bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa” trước cái chết của Đức Giê-su. Bức màn trướng này, hoặc bức màn người ta giăng trước tiền đường để che phần bên trong Đền Thờ khỏi những người ở trên sân tiền đình, hay bức màn trướng phân cách phần còn lại của Đền Thờ với Nơi Cực Thánh ở đó chỉ vị thượng tế mới có thể đi vào, mỗi năm một lần, để thực hiện nghi thức xóa tội. Xem ra bức màn trướng này mà thánh Lu-ca nghĩ đến, khi nối tiếp tác giả thư gởi cho các tín hữu Do thái: nhờ máu Ngài đã đổ ra, Đức Giê-su khai mở cho nhân loại lối vào bên Thiên Chúa trong cung thánh trên trời (Dt 10: 19-20).
 
Dù thế nào, biểu tượng thì rõ ràng. Đền Thờ Giê-ru-sa-lem đã không còn đóng vai trò của mình; việc Thiên Chúa tuyển chọn không còn ưu tiên cho dân Ít-ra-en; nó được dâng hiến cho hết mọi người. Đền Thờ đích thật của Thiên Chúa sẽ là thân thể của Đức Giê-su Phục Sinh, như chính Ngài đã loan báo.
 
2. Lời cầu nguyện cuối cùng:
 
“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”.
 
Tại thánh Lu-ca, cuộc đời của Đức Giê-su được hoàn tất trên lời cầu nguyện, trong khi thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô ghi nhận “một tiếng kêu lớn” của Đức Giê-su hấp hối, còn thánh Gioan đặt trên môi miệng của Đức Giê-su như những lời sau cùng: “Thế là đã hoàn tất!”, nhưng thánh Gioan nói thêm khi nối kết với thánh Lu-ca: “Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí”.
 
Lời cầu nguyện này được trích từ Tv 31 ở trong số kinh nguyện truyền thống ban chiều. Chúa Giê-su thân thưa với Cha Ngài, nhưng lời cầu nguyện hấp hối của Ngài cũng định vị Ngài vào trong sự hiệp nhất với dân Ngài.
 
3. Lời chứng của viên bách quản:
 
Viên bách quản Rô-ma, đứng canh dưới chân thập giá, “cất tiếng tung vinh Thiên Chúa” : “Người này đích thật là người công chính”.
 
Lời chứng của viên bách quản được cả ba Tin Mừng Nhất Lãm kể lại, với vài biến thể; cách diễn tả của Lu-ca xem ra gần với sự thật nhất; viên bách quản nhận ra sự vô tội của Đức Giê-su. Tiếng reo vui của viên bách quản là lời tôn kính đầu tiên mà lương dân tỏ bày cho Đức Ki-tô; lời này loan báo chiều kích ơn cứu độ phổ quát, đồng nghĩa với việc tấm màn trướng trong Đền Thờ bị xé ra làm hai.
 
4. Thái độ dân chúng:
 
“Toàn thể dân chúng đã đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về”. Đây là cử chỉ tang chế, nhưng cũng là nghi thức ăn năn, dấu chỉ sám hối. Chỉ một mình thánh Lu-ca cho dân chúng thái độ này.
 
5. Những người thân quen:
 
Thánh Lu-ca cũng là thánh ký duy nhất kể ra sự hiện diện của những người thân quen: “Đứng đằng xa, có những người quen biết Đức Giê-su”. Thật ra, thánh ký nhạy bén trước tất cả những gì có thể làm giảm bớt những đau khổ của Đức Giê-su.
 
“Đứng đàng xa”: ngôn từ có âm hưởng Kinh Thánh khiến chúng ta nghĩ đến Tv 38, thánh vịnh này gợi lên nỗi cô độc của người tôi trung trong cảnh khốn cùng: “Con bị tai ương, người thân kẻ nghĩa chẳng tới gần, bà con ruột thịt cũng đứng xa” (Tv 38: 12).
 
6. Những phụ nữ xứ Ga-li-lê:
 
Thánh Lu-ca không quên kể ra sự hiện diện của những người phụ nữ xứ Ga-li-lê trên Đồi Sọ. Những người phụ nữ này đã luôn luôn đồng hành với Đức Giê-su, đã lấy của cải của mình mà giúp đỡ Ngài (Lc 8: 2-3).
 
MAI TÁNG ĐỨC GIÊ-SU (23: 50-56)
 
Theo phong tục tập quán Rô-ma, để việc răn đe có tác dụng, phải phơi bày thi thể của nạn nhân trong nhiều ngày. Luật Do thái thì hoàn toàn khác: không được để mặt trời lận trên xác chết của nạn nhân, nhưng phải chôn cất trước khi đêm xuống (Đnl 21: 22). Ngoài ra, buổi chiều hôm đó lại là ngày sa-bát, ngày người ta phải kiêng cử mọi công việc. Vì thế, phải vội vả chôn cất ngay kẻo không kịp.
 
1. Ông Giô-xếp thành A-ri-ma-thê:
 
“Khi ấy có một người tên là Giô-xếp, thành viên của Thượng Hội Đồng”. Thánh Mát-thêu nói với chúng ta, “ông là một người giàu sang”; còn thánh Mác-cô nói ông là “thành viên có thế giá của hội đồng”; trong khi Lu-ca lại nói ông là “một người lương thiện, công chính”, thánh ký thích đặt ưu tiên những giá trị luân lý. Với tư cách thành viên của Thượng Hội Đồng, “ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng”. Đây là điều chỉ dẫn quý báu: vì thế việc kết án Đức Giê-su không được mọi thành viên đồng thuận. Ông xuất thân từ A-ri-ma-thê, một thành phố duyên hải xứ Giu-đê. Ông định cư ở Giê-ru-sa-lem và đã cho đục ngôi mộ trong núi đá, ở một thuở vườn (Ga 19: 40) bên cạnh Đồi Sọ.
 
2. Cuộc mai táng Đức Giê-su:
 
Người môn đệ kín đáo này can đảm đến xin Phi-la-tô cho phép hạ thi hài Đức Giê-su xuống khỏi thập giá để mai táng. Phi-la-tô chấp thuận theo luật Do thái, có lẽ vì ông quan niệm rằng nhập gia tùy tục; hơn nữa ông tin rằng Đức Giê-su vô tội.
 
Như vậy, Đức Giê-su, khi còn ấu thơ, đã được ẳm trong tay cụ già Si-mê-ôn, “một người công chính và sùng đạo”, “ông những mong chờ niềm an ủi của dân Ít-ra-en” (Lc 2: 25); bây giờ, khi chết, được ẳm trong tay ông Giô-xếp, “một người lương thiện công chính”, “ông vẫn mong chờ Nước Thiên Chúa”.
 
“Ông hạ xác Người xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào trong ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ”. Hoa trái đầu mùa không phải thuộc về Thiên Chúa sao?
 
3. Ánh sáng Giê-ru-sa-lem:
 
“Hôm ấy là áp lễ, và ngày sa-bát bắt đầu ló rạng”.
 
Trong Tin Mừng Lu-ca, có những yếu tố khó lường mà tác giả giải thích với một độ nhạy bén gần với độ nhạy bén của thánh Gioan. Vào lúc Đức Giê-su được đặt vào ngôi mộ, mọi nhà trong thành thánh Giê-ru-sa-lem bắt đầu lên đèn. Nét đặc trưng này nêu bật tính xác thực lịch sử hơn cái ý nhị của lời văn, nhưng nhất là nó có giá trị dấu chỉ. Khi Đức Giê-su bị bắt, Ngài tuyên bố: “Đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm” (Lc 22: 53). Khi Đức Giê-su chết, bây giờ là những tia sáng đầu tiên, tia sáng của ơn cứu độ, tia sáng hy vọng, những điềm báo cho vầng sáng phục sinh.
 
4. Những người phụ nữ ân cần:
 
Phận sự của các bà là chuẩn bị dầu và thuốc thơm để chăm lo thân xác của Ngài. Vì thế, những người phụ nữ xứ Ga-li-lê theo chân Đức Giê-su này để ý đến nơi đặt thi thể Ngài trong ngôi mộ; họ sẽ trở lại sau ngày sa-bát, thực hiện công việc đạo đức của họ. Trong khi chờ đợi, họ tuân giữ ngày hưu lễ.
 
5. Ngày sa-bát, ngày hưu lễ:
 
Thánh Lu-ca chấm dứt bài tường thuật của mình trên viễn cảnh của ngày hưu lễ. Chắc chắn mọi công việc phải ngừng lại đó là lý do giải thích tại sao những nghi thức tang chế còn dang dỡ, và vì thế các bà vội vả đến mồ khi trời vừa tảng sáng. Nhưng thánh Lu-ca kín đáo gợi ý rằng Đức Giê-su đã bước vào nơi an nghỉ, vì thế việc mai táng Ngài vào lúc sắp bắt đầu ngày sa-bát mặc một ý nghĩa. Ngay từ đầu, sau khi hoàn tất công trình sáng tạo của Ngài, Thiên Chúa nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy. Công trình của Đức Giê-su không phải là một cuộc tạo dựng mới sao? Công trình này được hoàn tất. Chúa Giê-su vào nơi an nghỉ của Thiên Chúa, giai đoạn mầu nhiệm trước khi Ngài phục sinh.
 
BA TẤN THẢM KỊCH
 
Ba tấn thảm kịch chồng chéo lên nhau trong cuộc Thương Khó của Đức Giê-su: trước hết, tấn thảm kịch của việc dân Ít-ra-en từ chối, rồi đến tấn thảm kịch của vị Thiên Chúa làm người, sau cùng tấn thảm kịch của tội lỗi.
 
1. Dân Ít-ra-en từ chối:
 
Đức Giê-su đã không ngừng công bố một sứ điệp khó khăn; Ngài đã phá đổ những thành kiến, lên án chủ nghĩa duy luật và thói giả hình. Sự ghen tuông, đoạn sự thù hận đã liên kết với nhau chống lại Ngài. Những người lãnh đạo tôn giáo đã không chấp nhận nhận ra Ngài là Đấng Mê-si-a, vì Ngài không đáp ứng hình ảnh mà họ tự mình tưởng nghĩ ra. Việc họ kiên tâm tiêu diệt Ngài đã dẫn đến cái chết, nhưng không đến cái chết như họ suy tính: Đức Giê-su đã chiến thắng sự chết, nhưng do việc làm của họ, dân Ít-ra-en, dân được ký thác Lời Hứa, đã thôi không còn nữa. 
 
2. Tấn thảm kịch của vị Thiên Chúa làm người:
 
Khi đón nhận kiếp phàm nhân như chúng ta, Đức Giê-su đã chấp nhận thân phận tử biệt sinh ly của chúng ta. Ngài đã đảm nhận vận mệnh con người trong mọi chiều kích đau khổ khủng khiếp. Những hoàn cảnh lịch sử đã khiến Ngài phải hứng chịu khổ hình tàn bạo nhất được sử dụng vào thời Ngài sống. Số phận này ở trong kế hoạch của Thiên Chúa: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10: 18-19). Đây là cử chỉ yêu thương tận mức, Đức Giê-su đã muốn thuộc vào số những người bị tra tấn, những người bị hành hình, những người tử đạo, ngỏ hầu những ai phải chết trong những đau đớn cùng cực nhất, và những ai phải chịu đau khổ về thể lý cũng như luân lý, đều gặp thấy ở nơi cuộc Thương Khó của Ngài niềm an ủi tuyệt vời. Cũng phải ghi nhận rằng ở đâu có sự hiện diện của Thiên Chúa ở đó có muôn vàn ân phúc. Ở đâu có những đau khổ được liên kết với Ngài, ở đó Ngài sẽ ban muôn vàn ân sủng.
 
3. Tấn thảm kịch của tội lỗi:
 
“Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội”. Đức Giê-su cho cái chết của Ngài ý nghĩa này.
 
Tuy nhiên, lời này đưa chúng ta vào mầu nhiệm: “Mầu Nhiệm Cứu Chuộc”. “Người cứu chuộc” (goel) là người phục hồi phẩm giá cho một thành viên trong gia tộc phải lâm vào cảnh bần cùng, và chuộc lại nếu người ấy phải sa vào vòng nô lệ vì nợ nần. Đây là ý nghĩa đặc biệt của từ Hy-bá mà chúng ta dịch “Đấng Cứu Chuộc”.
 
Dù được Kinh Thánh soi sáng, biết bao vấn đề gợi lên trong tâm trí chúng ta. Tội lỗi là gì? Một sự xúc phạm đến Thiên Chúa rất mực tốt lành, Thiên Chúa-Tình Yêu, Ngài đã không muốn nhân loại một mình phải gánh chịu mọi hậu quả tội lỗi của mình. Ngài đã sai Con Ngài đến để chia sẻ gánh nặng tội lỗi và xóa đi mọi vết nhơ của tội. Đó là lý do tại sao Thánh Giá là “vinh quang” của Thiên Chúa, như thánh Gioan nói.

Tác giả: Lm Hồ Thông HT68

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây