Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Cha Tôi 1. Chương 4. Thư Luân Lưu

-

-

Tư tưởng chỉ đạo quan trọng nhất của Ngài được tìm thấy qua các “Thư Luân Lưu”. Đây là những cái nhìn trực giác nhưng rất thực tế để giúp mọi người trong giáo phận thấy trước và chuẩn bị tinh thần trước hiện tình của đất nước và Giáo Hội.
Cha Tôi
Phần 1: Vui Mừng, Gian Truân và Hy Vọng
Chương 4



THƯ LUÂN LƯU

Tuy nhiên, tư tưởng chỉ đạo quan trọng nhất của Ngài được tìm thấy qua các “Thư Luân Lưu”. Đây là những cái nhìn trực giác nhưng rất thực tế để giúp mọi người trong giáo phận thấy trước và chuẩn bị tinh thần trước hiện tình của đất nước và Giáo Hội. Tất cả có 6 “Thư Luân Lưu”:
 
1. Tỉnh Thức và Cầu Nguyện (1968)
2. Vững mạnh trong Đức Tin, tiến lên trong An Bình (1969)
3. Công Lý và Hòa Bình (1970)
4. Sứ mạng Chúa Kitô là sứ mạng của chúng ta (1970)
5. Kỷ Niệm Ba Trăm Năm (1971)
6. Năm Thánh Canh Tân và Hòa Giải (1973)
 
Dựa vào bối cảnh lịch sử của đất nước hay thời điểm của Giáo Hội, những thư luân lưu này được viết ra như những lời thân tình của một người cha trong gia đình, muốn chia sẻ những thao thức ưu tư của mình, để giúp con cái vững mạnh tiến lên trong cuộc sống. Mỗi thư luân lưu đều có một sứ điệp riêng, với những hướng dẫn mục vụ thực tế. Thư “Tỉnh Thức và Cầu Nguyện” giúp mọi người nhận định hoàn cảnh xáo trộn của xã hội và gia đình. Những giá trị luân lý và giáo dục đang bị đảo lộn. Vì thế, mọi người cần phải tỉnh thức để nhận diện sự thật và ý thức trách nhiệm của mình, trách nhiệm của một người có đức tin. Nhờ đó, họ có thể làm chứng nhân trong môi trường sống của mình. Và muốn được như vậy, trước hết mỗi người cần được ơn Chúa nâng đỡ qua đời sống cầu nguyện.
 
Thư “Vững mạnh trong Đức Tin, tiến lên trong An Bình” thức tỉnh mọi người về hiểm họa do đời sống vật chất hưởng thụ gây nên, cũng như về những thế lực, học thuyết đang tìm mọi cách phá hoại Giáo Hội. Tuy nhiên, nếu mọi người biết can đảm sống đức tin, yêu mến và vâng lời Hội Thánh để dấn thân làm đẹp xã hội đất nước, họ sẽ đứng vững trước mọi thử thách và góp phần kiến tạo một nền hòa bình chân chính cho quê hương.
 
Thư “Công Lý và Hòa Bình” nhắc nhở mọi người Công Giáo về bổn phận đem Giáo Hội vào trong thế giới để có thể xây dựng một xã hội công bằng và an bình, bằng việc phát triển con người toàn diện trong tinh thần bác ái huynh đệ và tôn trọng lẫn nhau.  
 
Thư “Sứ Mạng Chúa Kitô là Sứ Mạng của chúng ta” thúc đẩy giáo dân tham gia vào việc truyền giáo của Giáo Hội. Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội vì thế mọi người Kitô hữu đều có bổn phận truyền giáo. Truyền giáo có nhiều cách thức: bằng cầu nguyện hy sinh, bằng đời sống gương mẫu, bằng công cuộc phát triển…Vì thế, không ai có quyền thoái thác bổn phận ưu tiên hàng đầu này.
 
Thư “Kỷ Niệm Ba Trăm Năm” ôn lại biến cố Đức Cha Lambert de la Motte đặt chân đến giáo xứ Chợ Mới, Nha Trang, ngày 1.09.1671, khởi đầu cho việc phát triển Giáo Hội Đàng Trong. Nhưng đó cũng là cao điểm của những cuộc bách hại liên tục khiến cho nhiều Giám Mục, linh mục, thầy giảng, nữ tu, giáo dân đã phải chết vì đức tin. Khi ôn lại biến cố “Ba Trăm Năm” này, Ngài muốn nhắc nhở mọi người hãy sống đức tin vững mạnh như các bậc tiền nhân và đồng thời cũng can đảm tiếp tục sứ mệnh truyền giáo như các ngài.
 
Thư “Canh Tân và Hòa Giải” khuyến khích mọi người ý thức và hiểu rõ ý nghĩa của Năm Thánh trong Giáo Hội. Đây là thời giờ của ân sủng. Muốn được như vậy, mỗi người phải khiêm tốn nhìn nhận những yếu kém của mình, quyết tâm canh tân cuộc sống đạo để trở thành những Kitô hữu đúng nghĩa, và nỗ lực hòa giải, nối kết với mọi người không phân biệt tôn giáo, để rồi cùng nhau Phúc Âm hóa xã hội. Một xã hội đang bị những học thuyết Vô Đạo, Tục Hóa, Thế Gian và chính trị hóa đầu độc và làm băng hoại.
 
Mỗi thư luân lưu đều có một sứ điệp riêng, một giáo huấn cụ thể. Điều này thật tự nhiên và dễ hiểu. Nhưng với cái nhìn tổng hợp, chúng ta sẽ  khám phá ra được đường lối và ý hướng liên kết của Ngài trong tất cả 6 bức thư luân lưu này. Thật vậy, toàn bộ thư luân lưu của Ngài được chia làm hai giai đoạn:
 
Giai đoạn chuẩn bị: gồm Thư “ Tỉnh Thức và Cầu Nguyện” và Thư “Vững mạnh trong Đức Tin tiến lên trong An Bình” và Thư “Công Lý và Hòa Bình”.
 
Giai đoạn hành động: gồm ba bức thư luân lưu còn lại: “Sứ mạng Chúa Kitô là sứ mạng của chúng ta”, “Kỉ Niệm Ba Trăm Năm”, và “Canh Tân và Hòa Giải”
 
Mặc dầu được thôi thúc bởi ước muốn đem Giáo Hội vào trong thế giới, được biểu lộ qua khẩu hiệu “Vui Mừng và Hy Vọng” Ngài đã không vội vàng hành động khi vừa mới đến nhận Giáo Phận Nha Trang, nhưng kiên nhẫn huấn luyện để mọi người trong giáo phận cùng ý trức và được chuẩn bị kĩ càng trước khi cùng nhau thực hiện sứ mạng này. Điều này được Ngài bộc lộ trong phần đầu của thư luân lưu thứ tư. Ngài viết: “Để chuẩn bị anh chị em đón nhận sứ mạng truyền giáo, những năm trước đây, qua các bức thư luân lưu: tôi đã kêu gọi anh chị em “Tỉnh thức và cầu nguyện”; “Vững mạnh trong đức tin’’; “Phát triển theo đường lối công lý và hoa bình”. Tại sao phải chuẩn bị như vậy ?
 
Thưa vì nếu không tỉnh thức, không thể nhận định chính xác được.
 
Nếu không cầu nguyện, không thể hoạt động hữu hiệu; vì không ơn Chúa chúng ta không làm gì được.
 
Nếu không vững mạnh trong đức tin, làm sao chúng ta đem ánh sáng đức tin cho người khác được.
 
Nếu không giúp phát triển con người toàn diện, thì con người Công Giáo chưa trở nên dụng cụ hữu hình để Chúa Kitô đóng vai trung gian của Ngài được. Nghĩa là chưa có thể rao giảng Tin Mừng cho mọi người một cách hữu hiệu được.
 
Việc chuẩn bị như vậy bao gồm hai lãnh vực:
 
Lãnh vực siêu nhiên: tỉnh thức, cầu nguyện và củng cố đức tin.
 
Lãnh vực trần thế: tham gia vào việc kiến tạo hòa bình và công bằng xã hội bằng cách phát triển con người toàn diện.
 
Một khi đã được chuẩn bị đầy đủ như thế, người giáo dân mới có thể đứng vững trước những học thuyết và trào lưu xấu, đồng thời công cuộc truyền giáo và Phúc Âm hóa môi trường xã hội mới mang lại nhiều kết quả tốt đẹp được.
 
Nhiệt huyết tông đồ của Đức Cha Nguyễn Văn Thuận được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vui mừng đón nhận và ân cần khuyến khích cũng như chúc lành qua bức Tông Thư gởi cho Ngài nhân dịp kỷ niêm ba trăm năm Đức Cha Lambert de la Motte đặt chân đến Nha Trang.
 
BỨC TÔNG THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAOLÔ ĐỆ LỤC
 
Gửi Tôn Huynh đáng kính: F.X. NGUYỄN VĂN THUẬN, Giám mục Nha Trang
 
Một tưởng niệm vui mừng đã đến, giữa những nghịch cảnh và tai biến mà vùng trách nhiệm mục vụ phải gánh chịu, ấy là kỷ niệm 300 năm Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte, Giám mục Hiệu Tòa Berythe, do vị tiền nhiệm của Năm Thánh là Đức Giáo Hoàng Clêmentê  IX  đặt làm đại diện Tông Tòa Nam Việt và Giám quản Tông Tòa Miền Nam Trung Hoa, đặt chân đến thành phố Nha Trang.
 
Suốt dọc 300 năm, nhờ  ơn Chúa phù giúp, Hội Thánh của phần đất được vun trồng và chăm tưới bằng bao công lao khó nhọc đã tăng triển tốt đẹp và đã thu gặt được nhiều kết quả phong phú. Ta cũng được biết nơi đây đời sống Kitô giáo nẩy nở dồi dào, nơi đây đông đảo những người nghe tiến Chúa gọi dâng mình sống đời linh mục và tu sĩ, cũng như nơi đây dân Thiên Chúa can đảm trung thành với Giáo huấn tối cao của Tòa Thánh. Vì thế ngày nay càng được xác nhận chân thực hơn lời thánh Augustinô đã nói: “Ca đoàn Chúa Kitô đã hiện hiện diện khắp mặt đất. Ca đoàn Chúa Kitô vang dội từ đông sang tây”  ( Chú giải thánh Vịnh 149)
 
Thế nên địa phận Nha Trang do Tôn Huynh lãnh đạo đã làm một việc đáng tán thưởng khi dành Một Năm để Tạ Ơn về những kết quả tốt đẹp của hạt giống Đức Tin, do công khó của các Thừa sai gieo vãi. Thật là hợp lý khi chúng ta nhìn vào quá khứ để rút ra và tận dung những bài học bổ ích, nhìn vào hiện tại để mưu đạt đến kết quả tối đa, và nhắm đến tương lai để tìm những phương thế thích hợp, khã dĩ công hiệu hóa tột độ các công cuộc Tông đồ.
 
Ta hoàn toàn tin tưởng các cuộc Lễ long trọng nầy đang góp phần mở rộng nước Thiên Chúa và “Ca đoàn Chúa Kitô” tức làn sóng Đức tin như cung điệu nhịp nhàng cũng sẽ vang dội ở miền này. Trong niềm cảm thông sâu xa của tâm hồn, Ta cũng tham gia các nghi lễ long trọng nay. Ta cũng xác nhận với Tôn Huynh, với giáo sĩ, tu sĩ và toàn thể giáo dân là Ta đang hiện diện tại đây bằng tâm trí, cũng chia sẻ những niềm vui thiêng liêng, những đau khổ cùng những hy vọng, nhờ đó mọi tín hữu được nâng đỡ và Ta cũng dâng lên Thiên Chúa lời cầu khẩn tha thiết xin ơn Trên tuôn đổ dư đầy trên dân chúng cư ngụ trong vùng Nha Trang này.
 
Tôn Huynh đáng kính,
 
Ước gì Phép lành Tòa thánh cùng với lòng trìu mến Ta gởi đến Tôn Huynh và toàn thể những người do Tôn huynh chăm sóc sẽ đảm bảo cho các hồng ân trên.
 
Ban tại Rôma, bên cạnh đền Thánh Phêrô, ngày 18 tháng 11 năm 1971, năm thứ 9 của triều đại Ta
 
Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục
 
***

Giám mục Nha Trang
1967-1975

 
Cũng trong dịp này, Đức Hồng Y Agnello Rossi, Bộ Trưởng Bộ Truyền Giáo, đã viết thư chia sẻ niềm vui với Ngài và Giáo Phận Nha Trang, đồng thời bày tỏ niềm tin tưởng, với những quan tâm và cố gắng hoạt động của mọi thành phần dân Chúa, công việc truyền giáo của giáo phận sẽ đạt được nhiều kết quả tốt trong tương lai.
 
 
Thư Đức Hồng Y Agnello Rossi
Bộ Trưởng Bộ Phúc Âm Hóa
 
Rôma, ngày 6 tháng 11 năm 1971
 
Trọng kính Đức Cha,
 
Dịp lễ kỷ niệm 300 năm ngày đại diện Tông Tòa tiên khởi là Đức Cha Lambert de la Motte, Giám mục hiệu tòa Berythe đặt chân lên phần đất Nam Việt, trong niềm phấn khởi trào dâng, tôi gởi đến Đức Cha khả kính những lời khen ngợi nồng nhiệt với tất cả lòng ngưỡng mộ sâu xa và ưu ái đặc biệt của tôi.
 
Trong khung cảnh trang trọng thế này, làm sao diễn đạt những tâm tình vui thỏa dào dạt trong tôi! Tôi tạm gọi lại những trang vàng của lịch sử truyền giáo của quê hương cao quí của Đức Cha, vì ở đó hiện rõ lòng yêu thương tha thiết nước Việt của Đức Cha Lambert cũng như ở đó, hậu lai có thể truy nhận Đức tin vững mạnh của giáo dân Địa phận Nha Trang luôn tỏ ra xứng đáng là con cháu của các bậc tiền nhân mà chúng tôi luôn ca tụng và ngưỡng mộ. Đức Cha “Lambert de la Motte” không thể nào quên được ngày thụ phong Giám Mục đã gắn liền nơi Ngài vinh dự làm vị đại diện Tông tòa Tiên Khởi của Miền Nam Việt. Dầu bận rộn với bao công việc giữ Ngài ở lại đất Xiêm, mắt Ngài không ngừng chuyển hướng về Vương quốc của Hiền Vương vì Ngài muốn thiết lập lại Huế, kinh đô chúa Nguyễn trung tâm truyền giáo của Ngài.
 
Điểm khiến tôi xúc động hơn cả khi đọc lại những trang sử này, chính là gương can đảm anh hùng của hai vị Linh mục Việt, mặc áo Xiêm, khẩn nài Đức Cha Lambert đừng để giáo đoàn Việt Nam đã thiếu chủ chăn sau ngày từ trần của hai vị đại diện của Ngài.
 
Mười năm trôi qua, mười năm chờ đợi giây phút đặt chân lên phần đất trách nhiệm mình là Nam Việt. Ai dò dò được đường lối của Chúa Quan Phòng? Làm sao diễn đạt được ước vọng nồng cháy nung náu con tim của các tín hữu ao ước một chủ chăn?
 
Và ngày mong đợi đã đến: vị Giám mục tiên khởi đã được vui mừng tiếp đón giữa một “Cộng đoàn chừng 800 tín hữu”, tổ phụ thuộc dòng giống Đức tin của giáo dân Địa phận Nha Trang sau này, mang trọng trách người kế vị các Thánh Tông đồ, người đến với họ mang theo con tim tràn đầy nhiệt huyết, di sản quí báu thừa hưởng nơi đất Mẹ, chỉ mưu tìm phần rỗi cho các linh hồn.
 
Những tài liệu về các hoạt động truyền giáo bấy giờ tại Nam Việt còn ghi: “Một thầy giảng và chỉ mình Thầy thôi đã dạy dỗ và rửa tội đến 2.400 người trong vòng chưa đầy một năm”. Nói chi đến sự cộng tác tích cực của bổn đạo vào việc truyền bá Phúc âm vừa nhận lãnh, sự hiện diện của 3 linh mục địa phương và các thầy giảng tại hội nghị đầu tiên do Đức Cha triệu tập vào ngày 19 tháng giêng 1672, lòng quảng đại của các bậc phụ huynh dâng 12 người con cho theo Đức Cha Lambert qua Xiêm (Thái Lan) dọn mình làm Linh mục. Những sự kiện đó minh chứng hùng hồn sức sống tiềm ẩn dồi dào của cộng đoàn Kitô hữu này.(1)
 
Ba thế kỷ đã trôi qua: Ánh sáng Phúc âm mỗi ngày lan rộng. Đức tin lãnh nhận mỗi ngày ăn rễ sâu thêm. Ngày 24/11/1960, Nha Trang được chính thức nâng lên hàng Địa phận Chánh Tòa. Từ ngày này Hội Thánh được trao phó cho hàng giáo sĩ bổn quốc với con số hiện tại là 134 Linh mục, cho hàng trăm nam nữ tu sĩ cũng như cho bao Thầy giảng và giáo dân dấn thân vào hoạt động truyền giáo trong Địa phận.
 
Trong nhịp độ tăng tiến, do mọi người góp phần kiến tạo phải nhấn mạnh đặc biệt sự đóng góp tích cực và quan trọng của các thành phần giáo dân mà ngày nay “trong ý hướng phong phú hóa mãnh liệt hoạt động Tông đồ của dân Thiên Chúa, công đồng chăm chú hướng về họ và nhắc (2) họ nhớ lại vai trò chuyên biệt và tối cần thiết của họ trong sứ mệnh truyền giáo của Hội Thánh”. Và ai có thể lường được mức độ biểu hiện của sức sống truyền giáo ấy, từ những ngày đầu nơi khu vực nổi tiếng này của nước Việt và đã mang lại bao kết quả phong phú!
 
 “Năm Tạ Ơn” do Đức Cha để xướng trong thư Luân Lưu với chương trình :
 
- Nhìn quá khứ với tất cả với tất cả lòng khâm phục tạ ơn.
 
- Nhìn hiện tại với tất cả ý chí tìm kiếm không ngừng.
 
- Nhìn tương lai với tâm hồn hăng say tin tưởng, nhờ ơn Chúa chắc chắn sẽ là một năm dồi dào sinh lực cho Địa phận, cho quê hương và cho cả Hội Thánh.
 
Quá khứ: chính là “Hội Thánh của Chúa Kitô có Thánh Truyền, Thánh Sử và các Công đồng, các Tiến Sĩ và các Vị Thánh” và với quê hương của Đức Cha, quá khứ đó còn là những bậc anh hùng, những vị Thánh Tử Đạo.
 
Hiện tại: Chính là “thế giới ngày hôm nay với những đau thương, tang tóc, những tội ác nhưng cũng đừng quên những thành công kì diệu, những giá trị, những đức tính…”
 
Tương lai: là đây :trong lời kêu gào khẩn cấp của các dân tộc đòi hòi công bình hơn, trong ý chí mưu tìm hòa bình, trong khát khao một nếp sống khả quan hơn: Chính nếp sống mà Hội Thánh Chúa Kitô có thể và muốn cung cấp cho họ”. (3)
 
Qua bao năm, Hội Thánh “âu lo hoạt động đầy đủ để trẻ trung hóa khuôn mặt của mình, để đáp ứng hữu hiệu hơn ý nhiệm của Đấng sáng lập, của Đấng hằng sống, của Đức Kitô muôn đời tươi trẻ (4) Chính từ cuộc kiểm điểm đời sống quan trọng này mà Đức Cha đã vạch mở tương lai cho Địa phận nhà.
 
Với trọn tấm lòng chân tình, Thánh bộ “Phúc âm hóa” hiệp thông với lời nguyện tạ ơn của toàn thể giáo dân Địa phận Nha Trang thân yêu và khẩn nài Thiên Chúa tuôn xuống mọi ơn lành cho các dự định Tông đồ của vị chủ chăn, cho nhiệt tâm tông đồ quảng đại của các cộng sự viên của Đức Cha, để thực thi đến nơi đến chốn, làm cho Lễ Kỷ niệm 300 năm đánh dấu ngày vị Đại Diện Tông tòa đầu tiên đặt chân lên phần đất Nam Việt trở thành cơ hội ghi thêm một bước tiến mới của biên cương nước Chúa.
 
Kính thưa Đức Cha đáng kính,
 
Xin Đức Cha nhận nơi đây lòng ngưỡng mộ sâu xa và những tâm tình chân thành và quý mến của tôi.
 
Hồng Y Agnello Rossi
Tổng Giám Mục Sergio Pigneloli
Tổng Trưởng (ký tên)
Tổng Thư Ký (ký tên) 
------------------------------------------------- 
(1) Roma và các Giáo đoàn ở Đông Dương Thế kỷ XVII, quyển I trang 327.
(2) Sắc lệnh “Hoạt động tông đồ” lời dẫn nhập.
(3) Giới thiệu các sứ điệp của Công Đồng Vatican II, ngày 8/12/1965.
(4) Sứ điệp của Công Đồng cho giới trẻ.

 
*** 
 
Ngoài ra, nhân dịp này Ngài cũng viết thư cám ơn Giáo Phận Contances, Pháp vì đã cống hiến cho Giáo Hội Việt Nam một người con ưu tú là Đức Cha Lambert de la Motte. Nhờ những hy sinh can đảm của Đức Cha Lambert mà hạt giống đức tin được phát triển một cách mạnh mẽ tại Giáo Phận Nha Trang và khắp miền nam Việt Nam. Sau đây là bức thư trả lời của Đức Giám Mục Giáo Phận Contances:
 
Thư của Đức Giám Mục Vicquart
Cai Quản Địa Phận Quê Hương Của Đức Cha Lambert de la Motte
 
Kính thưa Đức Cha
 
Tôi đã nhận được thư ngày 10/10/1971 của Đức Cha và tôi hết lòng cảm ơn sự lưu ý tế nhị và quý báu Đức Cha dành cho chúng tôi.
 
Ngày 30/11 tới đây, chúng tôi sẽ hợp lòng với Đức Cha dâng lên lời cảm tạ về những diệu kỳ Thiên Chúa đã thể hiện nơi địa phận Đức Cha, đồng thời cũng van nài Chúa thương liên tục phù giúp trong hiện tại và tương lai.
 
Tôi đã nhờ Cha Lục Sự địa phận viết một bài đăng trên báo “Semaine Religieuse” về Đức Cha Lambert de la Motte để toàn thể giáo dân Địa phận Contances thông công với Đức Cha cử hành long trọng kỷ niệm tông đồ trọng đại này.
 
Kính thưa Đức Cha
 
Cùng với lời cầu chúc sứ mệnh tông đồ của Đức Cha ngày thêm phong phú, xin Đức Cha nhận nơi đây lòng quý mến, tôn trọng và chân thành của tôi đối với Đức Cha trong Chúa Kitô.
 
Ký tên
Mgr. Vicquart
 
***
 
Có thể nói rằng những bức “Thư Luân Lưu” này đã cô đọng được tư tưởng định hướng và đường lối hành động có kế hoạch của Ngài, đồng thời cũng giúp hiểu được những hoạt động liên tục của Ngài trong giáo phận Nha Trang. Việc huấn luyện Hội Đồng Giáo Xứ, các Phong Trào Cursillo, Công Lý Hòa Bình, Focolare dành cho giáo dân và thanh niên; huấn luyện, đào tạo chủng sinh, các khóa Tu Nghiệp dành cho linh mục, canh tân dòng tu, gởi các linh mục, tu sĩ đi du học… tất cả đều để chuẩn bị cho một mục đích tối quan trọng của toàn thể Giáo Hội: đó là việc truyền giáo. Ngài chuẩn bị cho mọi thành phần dân Chúa, từ linh mục, tu sĩ đến giáo dân qua việc huấn luyện, giảng dạy, mời gọi, để tất cả cùng ý thức và quyết tâm thực thi sứ mạng của Chúa Kitô là đem Chúa đến cho lương dân và Phúc Âm hóa môi trường. Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít. (Mt 9,37) Điều này càng đúng hơn ở Giáo Phận Nha Trang. Vì thế, Ngài không muốn có nhiều thợ gặt, nhưng còn phải là những thợ giỏi. Ngài thường dùng lại lời cha Benoit, Đấng sáng lập Dòng Xitô Phước Sơn: “Cu- li nhiều mà thợ thì ít” để chia sẻ những thao thức của Ngài với những cộng tác viên gần gũi nhất. Ngài nói: “Tôi không muốn huấn luyện công chức, tôi muốn cán bộ”. Nghĩa là muốn những người “chiến sĩ tâm huyết” (ĐHV số 309) dám quên mình vì lý tưởng, để dấn thân hoàn toàn cho việc tông đồ. Ngài thường nhắn nhủ với các linh mục: “Đừng ham đại chúng đừng vụ số đông, hãy xác tín vấn đề cán bộ: quần chúng lộn xộn, rời rạc, chỉ cần một cán bộ đủ khuấy động, đủ khơi dậy rồi. Cán bộ là hồn, là bộ óc, là xương sống của quần chúng”.(ĐHVsố 338)
 
Để giúp người cán bộ giữ được mãi tinh thần dấn thân, Ngài liên tục tổ chức những buổi tĩnh tâm cho từng phong trào, từng giới vì Ngài muốn tất cả cán bộ trong giáo phận ý thức việc tông đồ phải đặt nền tảng trên đời sống siêu nhiên, đời sống cầu nguyện kết hợp với Chúa. Các phong trào chỉ cung cấp một vài phương cách hay chỉ dẫn riêng biệt để giúp người cán bộ tìm về gốc ngọn của hồn tông đồ: đó là Thiên Chúa. Như vậy, không một phong trào nào được độc quyền đại lý việc tông đồ. Nhưng tất cả cùng góp tay vào công viêc chung của Giáo Hội: đem mọi người về với chúa. Ngài nhận xét về não trạng độc quyền của các phong trào, hội nhóm một cách dí dỏm: “Việc tông đồ nhằm đưa người vào Hội Thánh, không phải để lập những Hội Thánh riêng của nhóm này, nhóm nọ, dòng này, dòng kia. Chưa rối đạo, nhưng rối việc đạo lắm” (ĐHV số 320). Và ngay chính mỗi người cán bộ cũng không được giữ độc quyền làm việc tông đồ, nhưng biết san sẻ tinh thần đó cho những người kế tiếp. Điều này được Ngài viết lại trong cuốn Đường Hy Vọng: “Ánh sáng tông đồ của con phải truyền sang những lớp tông đồ khác cho đến lúc thế gian từ u tối tràn ngập hào quang. Làm tông đồ cho tông đồ” (ĐHV số 305). Nghĩa là sẵn sang giúp cho người khác tiến lên, chấp nhận ý kiến khác biệt để họ được trưởng thành cả nhân cách và hồn tông đồ. Ngài khuyến khích: “Thực là khó! Nhưng con phải quyết tâm giúp người khác:
 
- Biết vùng dậy
- Biết suy tư
- Biết tổ chức
- Biết chiến đấu
- Biết chống lại ý con khi cần,

con sẽ hạnh phúc vì anh em cùng thăng tiến với con" (ĐHV số 593).
 
Những điều Ngài nhắn nhủ trên đây lại càng thiết yếu đối với hàng linh mục giáo sĩ mà Ngài luôn yêu thương một cách đặc biệt. Những khóa Tu Nghiệp được mở ra chính là để giúp linh mục giáo sĩ cập nhật và trẻ trung hóa tinh thần tông đồ, nhờ đó công việc mục vụ luôn được khởi sắc và hiệu quả hơn. Ngài cũng thấy trước Giáo Hội Việt Nam có thể sẽ gặp một cơn khủng hoảng về ơn thiên triệu trong tương lai, nên cố gắng chuẩn bị có nhiều linh mục đủ, để đáp ứng nhu cầu của giáo phận trong thời kì khủng hoảng này. Nhưng ưu tiên của Ngài vẫn luôn là muốn có một hàng linh mục, giáo sĩ thật đạo đức, có khả năng và sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì Giáo Hội và công việc truyền giáo. Như vây, trong hoàn cảnh nào, linh mục cùng với cán bộ giáo dân đều có thể vượt qua được những thử thách khó khăn để giúp mọi người giữ vững đức tin và tiếp tục sứ mạng truyền giáo.
 
Nói chung, sau 8 năm để hết tâm huyết vào việc huấn luyện và phát triển, Giáo Phận Nha Trang được thăng tiến về mọi mặt: lượng cũng như phẩm. Với đường lối rõ ràng, phương cách thực tế, mô phạm sáng suốt cùng với tính tình bình dân, gần gũi và lòng yêu thương chân thành, Ngài đã thúc đẩy được mọi người: linh mục, tu sĩ, giáo dân, cùng với Ngài hợp tác phát triển giáo phận và hăng say truyền giáo. Lẽ dĩ nhiên, đoạn đường này không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Ngài cũng đã gặp nhiều hiểu lầm, chống đối từ mọi phía. Một phần là vì các cộng sự viên của mình không muốn thay đổi, ngại khó. Một phần vì những quyền lợi riêng tư của họ. Nhưng rồi với sức mạnh của lời cầu nguyện, với những hy sinh âm thầm và tấm lòng bao dung tha thứ, Ngài đã giúp họ hiểu và thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi cuộc sống một cách tốt hơn.

Tác giả: Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền HT63

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây