Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Hồ sơ hủy hoại môi trường của Formosa trên thế giới kinh khủng như thế nào?

-

-

Formosa nhận giải "Hành tinh đen" năm 2009. Đây là một giải do Ethecon - tổ chức bảo vệ môi trường ở Đức dành cho những cá nhân/tổ chức "đóng góp" vào việc phá hủy môi trường.
Hồ sơ hủy hoại môi trường của Formosa trên thế giới kinh khủng như thế nào?
 
Formosa nhận giải "Hành tinh đen" năm 2009. Đây là một giải do Ethecon - tổ chức bảo vệ môi trường ở Đức dành cho những cá nhân/tổ chức "đóng góp" vào việc phá hủy môi trường.
 
Đừng vào hùa ném đá Formosa chỉ vì "bài Hoa". Formosa là tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Đài Loan, là nhà sản xuất sản phẩm hóa dầu hàng đầu thế giới.
 
Được biết Formosa đầu tư khoảng 10 tỷ Mỹ kim vào dự án Vũng Áng - Hà Tĩnh, và dự án được cả các bên thứ ba quan tâm đầu tư.
 
Công ty JFE, nhà sản xuất thép lớn thứ hai của Nhật, tuyên bố có thể tham gia đầu tư khoảng 27 tỷ yên (220 triệu Mỹ kim) vào dự án này (Reuter, 30/7/2015).
 
Đó là dự án quy mô rất lớn ở Việt Nam. Không thể phủ nhận ý nghĩa của dự án này đối với kinh tế Việt nam, nhưng để có thông tin đa chiều, bài viết này tập hợp các thông tin về vi phạm môi trường của Formosa trên phạm vi thế giới.
 
Công nghiệp hóa, với nhiều nước đang phát triển, nhất là Trung Quốc, thường đi liền với tàn phá môi trường. Nhưng xét rộng ra thì ở đâu cũng vậy, nhiều tập đoàn tư bản thường sẵn sàng hy sinh môi trường, hy sinh lợi ích của cộng đồng vì lợi nhuận của mình.
 
Vấn đề là cộng đồng phải có các cơ chế (luật pháp, chính quyền, báo chí, các tổ chức xã hội dân sự…) để ngăn ngừa, giảm thiểu sự tàn phá môi trường do công nghiệp hóa gây ra và tự bảo vệ mình.
 
Tôi mong muốn bất kỳ nhà đầu tư nào từ nước ngoài đến Việt Nam cũng phải trình bày được những “hồ sơ môi trường” sạch sẽ, bất kể họ đến từ nước nào.
 
Ethecon, một tổ chức bảo vệ môi trường ở Đức, đã lập ra các giải hàng năm “Hành tinh xanh” tặng cho các cá nhân/tổ chức có thành tích vượt trội trong bảo vệ môi trường thế giới.
 
Song song với đó là giải “Hành tinh đen”, cho những cá nhân/tổ chức đóng góp nhiều vào việc phá hủy môi trường thế giới.
 
Trong danh sách nhận giải “Hành tinh đen” có mặt các nhân vật nổi trội như công ty Monsanta (tác giả của chất độc da cam), Công ty điện lực Tokyo (chủ của nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị vỡ cách đây mấy năm)…
 
Formosa và CEO của nó là ngài Lee Chih-Tsuen nhận giải Hành tinh đen năm 2009. Bà Diane, người nhận giải Hành tinh xanh năm 2006, đã bay sang Đài Loan để trao giải tận tay người nhận.
 

Formosa và CEO của nó là ngài Lee Chih-Tsuen nhận giải Hành tinh đen năm 2009. Ảnh: Internet.
 
Tập đoàn Formosa, tên tiếng Anh là Formosa Plastics Group (FPG), là một tổ hợp công nghiệp đa ngành của Đài Loan (hóa dầu mỏ, chất dẻo, công nghệ sinh học, nhà máy phát điện, máy móc điện tử, quang sợi, công nghiệp ô tô…).
 
Cùng với các thành tựu rất lớn đóng góp vào công nghiệp hóa Đài Loan, tập đoàn này cũng mang nhiều tai tiếng về vi phạm môi trường tại chính Đài Loan cũng như một số nước khác.
 
Tại Đài Loan, các nhà khoa học ĐH Quốc Gia Đài Loan đã công bố về ô nhiễm các chất gây ung thư và phá hủy mô gan, do công nghệ cracking dầu mỏ của Formosa tại Yulin.
 
Trụ sở của Formosa từng bị người biểu tình phản đối vi phạm môi trường (Nhật báo Đài Bắc, 24/2/2014).

Tại Hoa Kỳ, ở các bang Texas và Louisiana, các nhà máy của Formosa bị phát hiện xả các chất độc như 1,2-dichloroethane (EDC), dioxin và chroroform… vào đất và nước ngầm, kể cả xuống sông Mississippi.
 
Năm 2009, Formosa bị EPA (Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa kỳ) “phạt dân sự” số tiền là 2,8 triệu Mỹ kim, đồng thời bị buộc phải bỏ ra 10 triệu Mỹ kim để khắc phục các vấn đề gây ô nhiễm môi trường tại các bang Texas và Louisiana.
 
Hồ sơ môi trường của Formosa cộm cán đến nỗi đã trở thành ví dụ minh họa trong bộ sách giáo khoa Luật Môi trường của Barry Hill tại Hoa Kỳ (Environmental Justice, Legal Theory and Practice, Barry Hill, 3rd Edition, 2014).
 
Tại Campuchia năm 1998, Formosa dính dáng đến một cả một vụ bạo loạn chết người. Năm đó, Formosa “xuất khẩu” sang Campuchia 3000 tấn rác nhiễm thủy ngân, do tàu Chang-Shun vận chuyển vào cảng Sihanoukville.
 
Rác gồm những khối nén, bọc trong bao nhựa khá dày. Người dân quanh vùng đổ xô đến bãi rác, thấy những tấm nhựa này có thể dùng làm tấm lợp nhà. Họ dùng dao, dùng tay, thậm chí dùng răng cắn bóc các bao nhựa nhiễm độc.
 
Chỉ vài ngày sau, nhiều người bị sốt, tiêu chảy. Một công nhân bến cảng làm việc dọn dẹp hầm tàu Chang-Shun phải nhập viện và chết ngay trong ngày. Khi tin tức lộ ra rằng rác này chứa thủy ngân, người dân trong vùng tức giận đập phá các công sở.
 

Chất thải độc hại của Formasa Plastic được đựng trong những thùng chứa thô sơ,
không được rào chắn ở một bãi rác thải tại Sihanoukville, Campuchia năm 1999.
Ảnh: Internet.
 
Hàng chục ngàn người hoảng sợ rời bỏ thành phố trong đó khoảng 10000 người định tiến về Phnom Penh. Cuộc bạo loạn này đã làm chết thêm 5 người nữa.
 
Trong vụ này, Việt Nam đã cấp tốc viện trợ cho Campuchia 500 bộ quần áo và mặt nạ phòng độc để giúp tẩy độc. Formosa sau đó bị buộc phải nhận lại toàn bộ số rác nhiễm độc thủy ngân này.
 
Đáng chú ý, Formosa là nhà sản xuất nhựa PVC lớn nhất thế giới. Do sử dụng thủy ngân trong quá trình sản xuất ra chất xút để dùng cho sản xuất PVC, họ có thể đã tích lũy lại hàng ngàn tấn rác độc mà không nơi nào nhận chứa chấp.
 
Và cũng đáng chú ý nữa, là trong các vụ scandal môi trường ở nước ngoài, lãnh đạo Formosa đã tìm cách che giấu hoặc giảm nhẹ các tai họa do họ gây ra cho dân địa phương, thậm chí mua chuộc các nhà chức trách địa phương.
 
Tại Mỹ, trong vụ kiện ở tiểu bang Louisiana, nhóm luật sư thay mặt cư dân khu vực bị thiệt hại vạch rõ Formosa không những đã không cảnh báo người dân về tác hại của các chất thải với môi trường và sức khỏe.
 
Mà họ còn dấu nhẹm rằng trước đó họ đã bị phạt nhiều triệu Mỹ kim vì các vụ vi phạm bên bang Texas.

Trong vụ Sihanoukville ở Campuchia, người phát ngôn Formosa nói rằng rác gửi theo tàu Chang-Shun chỉ nhiễm thủy ngân “hơi vượt mức quy định một chút” (0,2 PPM).
 
Nhưng khi Campuchia gửi mẫu đi xét nghiệm tại nước ngoài, tất cả cả mẫu đều cho kết quả nhiễm thủy ngân ở mức nguy hiểm.
 
Kết quả xét nghiệm tại Hong Kong cho thấy chỉ số này là 10971 PPM! Chính phủ Campuchia cũng tố cáo Formosa đã đút lót số tiền tổng cộng là 3 triệu Mỹ kim cho các quan chức địa phương, và có khoảng 30 vị đã bị chính phủ treo giò trong vụ này.


TS Trần Bắc Hải (từ Úc)
Nguồn: http://ttvn.vn/doi-song/ho-so-huy-hoai-moi-truong-cua-formosa-tren-the-gioi-kinh-khung-nhu-the-nao--82016254151119244.htm
 
Ngoài nước thải độc, cứ 1 tấn thép ra lò ở Formosa, sẽ thải ra hơn nửa tấn chất thải rắn, 2,3 tấn khí độc, gây bụi kim loại và mưa axit.
 
Sản xuất thép là một trong những ngành được cảnh báo về nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Với công suất 10,5 triệu tấn/năm, Formosa có thể cho ra hơn 31 triệu m3 nước thải độc hại và 6 triệu tấn chất thải rắn nếu các chất thải không được xử lý.
 
Hiện tượng cá chết hàng loạt hay mới đây, 1 thợ lặn tại vùng biển Vũng Áng đã tử vong dấy lên mối quan ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường trong ngành sản xuất thép.
 
Trả lời trên Vietnamnet, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Đúc Luyện kim Việt Nam cho biết: Công nghệ khu liên hợp gang thép của Formosa tại Vũng Áng sử dụng là công nghệ lò cao.
 
Theo phương pháp này, quặng sắt phải nghiền ra thành bột cùng với than, trộn với than coke rồi đốt trong lò cao ở nhiệt độ trên 2.000°C, tạo ra gang lỏng. Sau đó đưa gang lỏng vào lò và thổi khí oxy để đốt carbon thừa.
 
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng phương pháp này tiêu thụ nhiều than và sinh ra xỉ, khí dioxyd carbon và nhiều bụi. Trong quặng sắt còn chứa nhiều hóa chất rất độc hại khác như chì, arsen (thạch tín), lưu huỳnh, phốt pho. Cùng với đó, công đoạn luyện than coke cũng phát thải nhiều chất độc hại ra môi trường.
 
Theo số liệu thống kê từ Hội Đúc Luyện kim Việt Nam, để sản xuất được một tấn thép thô bằng công nghệ lò cao, sẽ phải thải ra hơn 585 kg chất thải rắn, trong đó có 455 kg xỉ. Đồng thời, mỗi tấn thép thô sản xuất còn tạo ra 3 m3 nước thải độc hại.
 
Với công suất 10,5 triệu tấn thép/năm (giai đoạn 1), Formosa có thể cho ra hơn 31 triệu m3 nước thải độc hại và 6 triệu tấn chất thải rắn nếu không qua xử lý.
 
Ngoài ra, lượng khí thải ra từ việc sản xuất 1 tấn thép thô có 2,3 tấn CO2, cùng các loại khí CO, SO2, NOx, bụi và bụi kim loại....
 
Vì vậy, trong các vùng luyện kim, khí quyển bị nhiễm bẩn thường chiếm tỷ lệ gần 60%. Nếu các loại khí thải này không được xử lý tốt, các hóa chất chứa trong đó sẽ gây ra mưa axít, cùng với bụi kim loại, sẽ gây nguy hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng trong khu vực. Nhìn chung, sản xuất thép là ngành công nghiệp không thân thiện với môi trường, nên phải chú ý kiểm soát chặt khâu xử lý ô nhiễm.
 
Bên cạnh đó, việc xử lý chất thải chỉ hiệu quả với những lò cao dung tích trên 3.000 m3.
 
Dung tích lò cao của Formosa vượt trội so với các doanh nghiệp thép nội của Việt Nam, nhưng cũng chỉ ở mức 2.000 m3.
 
Quan trọng nhất, chi phí xử lý khí thải, chất thải rắn và nước thải khá tốn kém. Và để tiết kiệm chi phí, không phải doanh nghiệp nào cũng tuân thủ việc xử lý chất thải đúng quy định trước khi xả thải ra môi trường.
 
Trường hợp của Vedan trước đây là một ví dụ. Công ty này đã xả thẳng ra sông Thị Vải và phải 14 năm sau, khi có hiện tượng cá chết hàng loạt, vấn đề xả thải gây ô nhiễm môi trường của Vedan mới được phanh phui.

 
Bảo BảoNguồn: http://ttvn.vn/kinh-doanh/ngoai-nuoc-thai-doc-cu-1-tan-thep-ra-lo-o-formosa-se-thai-ra-hon-nua-tan-chat-thai-ran-2-3-tan-khi-doc-gay-bui-kim-loai-va-mua-axit-52016254194923577.htm
 

Tác giả: Tổng hợp. Theo Trí Thức Trẻ

Nguồn tin: ttvn.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây