Lớp TCV Phú Xuân 1957. Phần 2.

Thứ năm - 27/05/2010 17:12

Lớp TCV Phú Xuân 1957. Phần 2.

Lần trước, tôi có dịp ghi vài kỷ niệm khó quên với các bậc ân sư dạy ở TCV Phú Xuân. Bây giờ, tôi xin kể thêm một vài mẫu chuyện khác.

Lớp TCV Phú Xuân 1957. Phần 2.

GIỜ HỌC PHÁP VĂN

Dạy Pháp Văn là cha Đôminicô Nguyễn Văn Nghĩa. Niên học 1957-1958 là năm ngài dạy đầu tiên. Sách học do chủng viện cấp, bìa màu đỏ, là cuốn Le Francais par la Méthode Directe. Mỗi tuần học 16 giờ, ban sáng lẫn ban chiều. Ngài kể ít câu chuyện vui như sau:

Thời kỳ Pháp thuộc, đa số học sinh con ông cháu cha đều ở nội trú. Một hôm, ông Thanh Tra Học Chánh đi thanh tra một trường ở Huế. Đến nơi, không thấy học sinh đâu cả, ông hỏi mấy người làm công trong trường: Où les élèves? Họ trả lời: Lê dê léo. Mẹo dồng lô. Xanh cu tô. Prô mơ néo. (Les élèves, maison  l'eau, cinq couteaux, Promenade)!

Một chuyện khác: Một hành khách mua vé máy bay. Hành khách hỏi có vé đi Paris ngày nào?

Cô bán vé trả lời.

L'un dit: Mardi, Mercredi.

Je dit: Vendredi

Et same dit: Dimanche!

Chữ étranger, féminine là étrangère. Khi dùng étrangère! có dấu than, cha Nghĩa giảng Ôi lạ quá, đàn bà có râu!

Trong sách, có một bài mà tôi thích nhất là Une aventure extraordinaire. Hai thầy trò đi săn, bị lạc trong khu rừng, tối đến không tìm ra lối về. May mắn, xa xa, thầy trò thấy một ngọn đèn rồi tìm đến xin tá túc qua đêm. Sau khi họ gõ cửa, chủ nhà mời vào. Thầy trò thấy trong nhà treo đủ mọi thứ khí giới như súng dài, súng ngắn, dao, kiếm, cung, tên... Thầy trò hồi hộp, lo sợ và nghĩ rằng đây là ổ cướp. Tuy nhiên chủ nhà tiếp đãi ân cần, tử tế.

Trong lúc chủ và khách trò chuyện, chén thù chén tạc, một người giúp việc ghé vài tai chủ nói nhỏ gì đó. Ông chủ ra dấu bằng hai ngón tay. Người tớ trả lời cũng nho nhỏ, đủ để khách nghe: Tuer tous les deux? Chủ nhà gật đầu. Thầy trò nghe mà ớn lạnh, đinh ninh sẽ bị giết cả hai! Một lát sau, người giúp việc đem lên mâm thức ăn nóng hổi, có hai con gà quay, vàng cháy thơm phức. Hai thầy trò hoảng hồn. Ôi, ông chủ nhà tốt bụng!

Ngoài việc dạy Pháp Văn cho lớp PX57, vào chiều chủ nhật hằng tuần, đôi lúc ngài dẫn chúng tôi đi dạo thăm các GX phụ cận như Phủ Cam, Kim Long, hay vào Cửa Ngọ Môn... Đặc biệt cha Nghĩa rất tôn sùng Đức Mẹ. Ngài kêu gọi các con linh hồn của ngài gia nhập Đạo Binh Đức Mẹ, tức Hội Legio Mariae, làm quân binh tán trợ. Mỗi ngày sau thánh lễ tại nhà thờ, lúc thinh lặng cầu nguyện là lúc chúng tôi âm thầm đọc kinh Catena, tức là kinh Kìa Bà Nào.

Tôi có một kỷ niệm đáng ghi nhớ với ngài hồi tôi lên 8 tuổi. Sau khi thụ phong linh mục vào năm 1951, cha Nghĩa được Đức Cha bổ nhiệm về làm Phó Xứ Phủ Cam, cùng với cha Nguyễn Văn Trúc (RIP). Hai cha phó phải tự túc cơm nước. Vì vậy, bà ngoại tôi nấu cơm cho các ngài mỗi ngày hai bữa ăn vào ban trưa và tối. Cậu tôi có nhiệm vụ đem cơm lên nhà cha sở cho các ngài và tôi hân hạnh được xách cà mèn nhiều lần. Tôi không nhớ rõ thời gian bao lâu, chỉ biết chờ các cha ăn xong, lo dọn dẹp và đem cà mèn về. Gặp lại cha Nghĩa tại chủng viện, tôi rất vui mừng vì đã quen biết ngài.

Cha già Nguyễn Văn Nghĩa đã dạy chúng tôi môn Pháp Văn rất kỹ. Ngài chú trọng Analyse Grammaticale và soạn thảo bí quyết chia động từ qui tắc và bất qui tắc rất dễ nhớ. Bây giờ ngài đang trên giường bệnh tại GX Ba Ngòi, Cam Ranh. Chúng tôi quý mến cha và hằng cầu nguyện cho vị ân sư đáng kính.

 GIỜ HỌC TOÁN LÝ HÓA

Dạy Toán Lý Hóa là cha giáo Lê Văn Mẫn. Đây là môn học mà đa số chủng sinh ít thích, vì khô khan, không hấp dẫn. Ngoại trừ một số chú giỏi toán thì học môn này dễ dàng. Riêng tôi dốt đặc từ tiểu học đến trung học. Mỗi lần thi Trung Học Đệ Nhất Cấp hay Đệ Nhị Cấp, về môn này, tôi cầu mong làm đúng một câu là mãn nguyện. Tôi chỉ biết giải phương trình bậc hai mà thôi. Mặt khác, cha giáo Mẫn thường hay nghỉ dạy vì ốm yếu, sức khỏe không được tốt.

CHA BỀ TRÊN PHAOLÔ LÊ VĂN ĐẨU

Thời kỳ chúng tôi, gọi là cha Bề Trên, không như sau này có chú gọi là cha Giám Đốc. Cha Bề Trên Phaolô Lê Văn Đẩu không dạy lớp, mà chỉ có giờ Kinh Giáo. Giờ Kinh Giáo hằng tuần vào tối thứ năm trước giờ Chầu Mình Thánh Chúa ở Nhà Thờ và sau đó là cơm tối. Đó là giờ mà cha dạy các chú chúng tôi cách ăn, ở, luật lệ trong chủng viện. Mỗi lần lên lầu, không được chạy, nhảy 2, 3 bậc thang cấp. Nhưng phải đi khoan thai từng bước một. Vào nhà vệ sinh, người trong kẻ ngoài không nói chuyện với nhau...Cha Bề Trên hay nói tếu, nhất là có biệt tài nhái tiếng các vùng quê như Di Loan, Đất Đỏ...để chọc ghẹo các chú nhỏ như chúng tôi.

Hằng tháng, các cha họp Công Đồng. Tối thứ năm sau đó, cha Bề Trên đến phòng họp chung, rao điểm học vấn và hạnh kiểm của từng chú. Điểm 5/5 là tốt. Chú nào nhận điểm 5/4 hoặc 4/4 là có vấn đề, hôm sau sẽ vào gặp ngài để biết có lỗi luật điều gì. Ai mà cứ tiếp tục nhận dưới 5/5 vài ba tháng là sẽ... khăn gói lên đường Ta Ru, nghĩa là Tu Ra, Ra Tu. Có đôi chú cảm thấy đời sống tu trì không thích hợp, mạnh dạn trình bày cùng cha Bề Trên là con xin về! Thông thường Cha Bề Trên không cho chú đó về ngay, mà còn hội ý các cha Giáo, nhất là cha linh hồn (linh hướng) của riêng chú đó trước khi quyết định. Các chú giã từ chủng viện thường diễn ra vào các kỳ nghỉ lễ như Tết gọi là Petite Vacance hoặc kỳ nghỉ hè, Grande Vacance.

Việc tu luyện được đào tạo và sàng lọc rất kỹ lưỡng về mọi phương diện, lãnh vực. Tôi rời TCV Phú Xuân vào dịp Tết năm 1960 với lý do học vấn kém, chứ không phải như cha Hồ Khanh đã chia sẻ trong thánh lễ Giỗ ĐHY F.X. dịp Đại Hội vừa qua là Chúa không chọn những người thông minh, đạo đức! Ngày đó, cha Bề Trên Anrê Bùi Quang Tịch đã ân cần nhắn nhủ tôi: Cho chú về ngoài mà đi học có lẽ dễ chịu hơn. Ở Nhà Trường, thấy chú vất vả quá. Khi nào cảm thấy muốn vào lại, cha sẽ nhận chú lại. 50 năm đã trôi qua, tôi vẫn còn nhớ trong lòng lời nói của một đấng Bề Trên sao mà êm ái dịu dàng.

Trở lại với cha Bề Trên Đẩu, bề ngoài thấy cha điềm đạm, vui vẻ và hay pha trò. Nhưng ngài rất nóng tính và đôi lúc dễ giận hờn, chúng tôi gọi là " lẫy ". Có một lần vào tối thứ năm, trong lúc chờ đợi cha Bề Trên đến dạy giờ Kinh Giáo như thường lệ, các chú lớp PX53, 55 và 57 chúng tôi làm gì đó có vẻ ồn ào. Cha bước vào cửa và la to: Nhà học chi mà như cái chợ. Ai làm gì thì làm! Rồi ngài bỏ đi. Vậy là các chú ngồi yên cho đến giờ vào nhà thờ Chầu Thánh Thể.

Rồi trên đoạn đường từ nhà học vào nhà thờ, các chú đinh ninh cha Bề Trên đã về phòng, lại nói chuyện xầm xì. Không ngờ ngài đứng trên tầng đờn của nhà thờ, lại lớn tiếng la chúng tôi. Vậy là các chú nín thinh, vào nhà thờ im lặng viếng Thánh Thể. Đến giờ ăn tối, thường lệ cha Bề Trên bấm chuông là dấu hiệu cho chúng tôi được phép nói chuyện. Ngược lại, một chú sẽ lên chỗ đọc sách và mọi người vừa ăn vừa lắng tai nghe. Lần đó, cha Bề Trên đã phán:

Không đọc sách làm gì. Ai muốn làm gì thì làm. Thế là các chú đã trải qua một bữa cơm tối căng thẳng, không nói chuyện mà cũng không có ai đọc sách.

Quê hương của cha Bề Trên Lê Văn Đẩu là GX An Vân, xã Hương An, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngày 16/8/2010 vừa qua, một người học trò năm xưa của ngài, cùng lớp PX57 với chúng tôi là Lm Anrê Nguyễn Văn Phúc được về coi sóc GX của vị Thầy đáng kính.

CHA BỀ TRÊN ANRÊ BÙI QUANG TỊCH

Anh em lớp PX57 chúng tôi diễm phúc được đón nhận cha tân Bề Trên Anrê Bùi Quang Tịch vào niên học 1958-1959. Nhưng hầu hết quý niên trưởng An Ninh đã biết rất nhiều về ngài. Có lẽ cha Anrê Tịch là vị ân sư và là Bề Trên gần gũi, gắn bó nhiều nhất với CCS Huế chúng ta: Giáo sư TCV An Ninh từ năm 1930 đến 1945, rồi Bề Trên TCV An Ninh từ năm 1945 đến 1953. Nay ngài lại làm Bề Trên TCV Phú Xuân từ năm 1958 đến 1961, tổng cọng 26 năm đào tạo các chú thành linh mục tương lai, là một công ơn vô cùng to lớn.

Cha Tịch có bộ râu mép rất đẹp. Khi đi, dáng vẻ của ngài nghiêng nghiêng một bên. Ngài có hàm răng giả, là điều bình thường với lứa tuổi của chúng tôi lúc này. Nhưng vào thời kỳ đó, tuổi trẻ chúng tôi thấy mà ghê, những lúc ngài gỡ hàm răng giả ra khỏi miệng và ngâm vào ly nước lạnh. Da mặt ngài thường bị lột, nghe đâu lý do ngài dùng xà phòng xấu, có nhiều acid. Đó là vì ngài sống kham khổ, dùng các thứ rẻ tiền. Chiếc áo dòng của ngài cũ rích, đã bạc màu.

Ngài đã sống cuộc đời đơn sơ, nghèo hèn, làm gương cho các chú chúng tôi. Sau này, ngài đã xin chuyển qua Dòng Xitô để phù hợp lý tưởng của ngài.

Cố Lm Anrê Bùi Quang Tịch có một đời sống đạo đức thánh thiện đặc biệt mà trong Năm Thánh Linh Mục, HĐGMVN đã chọn ngài như một vị linh mục tiêu biểu của Giáo Hội Việt Nam. Nhiều bài báo đã ca tụng đức độ và gương sáng của ngài. Rất tiếc, bản thân tôi không biết nhiều cũng như không đủ khả năng để viết về ngài.

Kính lạy quý cha Bề Trên, quý cha giáo và các giáo sư đã dạy dỗ chúng con nên người. Những chỉ dạy, giáo dục quý báu của quý bậc ân sư đã giúp chúng con hành trang lên đường vào đời. Có chú nay đã được lãnh thiên chức linh mục, có chú nay là giáo dân như chúng con, nhưng không nhiều thì ít cũng có được chút vị trí đứng giữa lòng giáo hội và xã hội. Chúng con xin cúi đầu tạ ơn và xin tha thứ nếu như chúng con đã có những gì làm buồn lòng quý cha, quý ân sư. Nguyện xin Thiên Chúa sớm đưa linh hồn quý cha Bề Trên, quý cha giáo và các giáo sư được ở bên cạnh Ngài trên thiên đàng, nhờ lời cầu bàu của Hiền mẫu Lavang, Thánh bổn mạng Tôma Trần Văn Thiện và nhờ lời chuyển cầu của Tôi Tớ Chúa ĐHY F.X. Nguyễn Văn Thuận.

Trần Văn Mỹ PX57
North Carolina 

Tác giả: Trần Văn Mỹ PX57

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 43 trong 11 đánh giá

Xếp hạng: 3.9 - 11 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập579
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm574
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại959,342
  • Tổng lượt truy cập57,060,979
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây