Thực hư chuyện “Chỉ với một cây kim, ta có thể cứu được mạng người.”

Thứ sáu - 16/09/2011 11:05

-

-
Gần đây, nhiều người gửi cho nhau một bài viết hướng dẫn cách sơ cứu người thân thoát khỏi cơn đột quỵ bằng một cây kim. BBT xin đăng những ý kiến đa chiều để rộng đường thảo luận.
  Thực hư chuyện “Chỉ với một cây kim, ta có thể cứu được mạng người.”
 
Gần đây, nhiều người gửi cho nhau một bài viết hướng dẫn cách sơ cứu người thân thoát khỏi cơn đột quỵ bằng một cây kim. BBT xin đăng những ý kiến đa chiều để rộng đường thảo luận.
 
 
Chỉ với một cây kim, ta có thể cứu được mạng người

Kính thưa quí vị, có thể quí vị đã có đọc những dòng chữ này rồi, nhưng chúng tôi muốn trích dịch ra tiếng Việt Nam và phổ biến rộng rãi, trong hy vọng có thể cứu được mạng người trong cơn nguy cấp, khi chờ đợi được các chuyên viên Y-Tế săn sóc.

Chỉ cần một ống tiêm thuốc (loại dùng xong rồi phế thải, bằng nhựa), hoặc một cây kim may là chúng ta có thể cứu mạng một bệnh nhân đang bị chứng tai biến mạch máu não (stroke). Việc cứu chữa thật đơn giản và dễ dàng một cách lạ lùng và hữu hiêu.

Chúng ta chỉ cần một phút để đọc tài liệu này, và các điều ghi trong tài liệu quả là những hướng dẫn tuyệt vời.

Xin quí vị ghi nhớ hoặc lưu giữ tài liệu này để sẵn sàng áp dụng, vì biết đâu, một ngày nào đó quí vị sẽ dùng đến để cứu sống mạng người.

Cô Irene Liu kể chuyện: “Cha tôi bị tê liệt và chết sau đó vì Ông là bệnh nhân của bệnh tai biến mạch máu não. Ước chi tôi biết được thủ thuật này từ trước. Khi tai biến mạch máu não xảy ra, tất cả những tia huyết quản nhỏ trong não bộ sẽ từ từ vỡ ra sau đó.”

Khi có bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, chúng ta phải giữ bình tĩnh, đừng cuống quít. Ðiều quan trọng nhất là ÐỪNG BAO GIỜ DI CHUYỂN NẠN NHÂN, bất kỳ là họ đang bị nạn ở đâu. Vì nếu nạn nhân bị di chuyển, các tia huyết quản trong não bộ sẽ vỡ rạ. Từ từ giúp bệnh nhân ngồi thẳng dậy, và chúng ta có thể bắt đầu công việc “rút máu.”

Nếu quí vị có sẵn một ống tiêm thuốc, thì tốt nhất, nếu không thì một cây kim may, hay một cây kim gút, cũng có thể giúp chúng ta được.

1- Trước hết chúng ta hãy hơ nóng kim bằng lửa (bật lửa, đèn nến) để sát trùng, rồi dùng kim để chích trên mười đầu ngón tay.

2- Chúng ta không cần tìm một huyệt đặc biệt nào cả, chỉ cần chích vào đầu ngón tay, cách móng tay độ một ly (milimetre).

3- Chích kim vào cho đến khi có máu rỉ ra.

4- Nếu máu không chảy, nên nặn đầu ngón tay cho đến khi thấy máu nhỏ giọt.

5- Khi máu đã chảy từ cả mười đầu ngón tay, thì chờ vài phút, bệnh nhân sẽ tỉnh dậy.

6- Nếu mồm bệnh nhân bị méo, thì chúng ta phải nắm hai (lỗ) tai của bệnh nhân kéo mạnh, cho đến khi hai tai đều ửng màu đỏ.

7- Châm vào dái tai (ear lobe) hai mũi mỗi bên cho đến khi máu nhỏ giọt từ mỗi dái tai. Sau vài phút, bệnh nhân sẽ tỉnh lại. Chúng ta hãy kiên tâm chờ cho đến khi bệnh nhân hoàn toàn hồi tỉnh và không có một triệu chứng nào khác thường mới mang bệnh nhân đến bệnh viện.


Nếu nạn nhân được chuyên chở vào bệnh viện sớm hơn, có thể những dằn sóc của xe cứu thương sẽ làm cho các mao quản (capillaries) trong não bộ bị vỡ ra. Nếu sau khi đó mà họ còn có thể đi đứng được, thì đúng là do phúc đức của Tổ Tiên họ.

Cô Liu nói tiếp: “Tôi học cách cứu chữa qua cách làm xuất huyết này từ một Ðông Y tên Hà Bảo Ðịnh (Ha Bu-Ting). Ngoài ra, tôi còn có cơ hội áp dụng phương pháp này nữa. Vì thế nên tôi khẳng định là phương pháp hữu hiệu 100%. Năm 1979, tôi đang dạy tại Ðại Học Fung-Gaap tại Ðài Trung. Một buổi trưa nọ, tôi đang giảng bài trong lớp, thì một Giáo Sư khác chạy sổ vào lớp học của tôi, vừa thở vừa nói ‘Cô Liu, đến gấp dùm, ông Giám Sự của chúng ta đang bị tai biến mạch máu não’

Tôi chạy lên lầu 3 ngay tức thì và thấy ông Giám Sự của chúng tôi là Trần Phúc Tiên, mặt mày nhợt nhạt, tiếng nói ngọng nghịu, và mồm thì méo xệch qua một bên, Ông hội đủ tất cả những triệu chứng của một người đang bị tai biến mạch máu não. Tôi bảo một người sinh viên đang thực tập tại Ðại Học, đến Dược phòng bên ngoài mua cho tôi một ống tiêm, và dùng kim tiêm để châm đầu mười ngón tay của ông Trần, cho đến khi mỗi đầu ngón tay có một giọt máu cỡ hạt đậu. Sau vài phút, mặt ông Trần đã nhuận sắc trở lại, và mắt ông cũng đã bắt đầu có thần. Nhưng mồm ông thì vẫn méo, nên tôi kéo hai tai ông cho đến khi hai tai đều đỏ vì máu đọng, rồi châm vào mỗi bên dái tai hai mũi để hai giọt máu tươm ra.

Khi hai giọt máu hai bên dái tai được rỉ ra, một phép lạ đã xảy ra. Chỉ nội trong vòng từ 3 đến 5 phút, mồm ông ta đã từ từ trở lại hình dạng nguyên thủy, và tiếng nói của ông cũng trở lại bình thường. Chúng tôi để ông nghỉ ngơi một lúc, rồi rót cho ông một tách nước trà nóng rồi đưa ông đi đến bệnh viện Ngụy Hoa gần đó. Ông nghỉ ngơi tại bệnh viện một đêm, rồi hôm sau lại trở về nhiệm sở làm việc. Sau đó mọi việc đều bình thường.Ông không có triệu chứng nào nguy hại sau đó. Trái lại các nạn nhân của bệnh tai biến mạch máu não thường khó trở lại bình thường, vì các tia máu trong não bộ bị vỡ trong khi xe cứu thương di chuyển họ đến bệnh viện. Kết quả là không thể làm cho họ vãn hồi lại trạng thái cũ.”

Theo các thống kê, thì hiện nay, bệnh tai biến mạch máu não là nguyên nhân giết chết người ta hàng thứ nhì. Những người may mắn thì có thể sống còn, nhưng phải mang tật nguyền suốt đời. Ðó là một tai họa khủng khiếp có thể xảy đến cho một cá nhân. Nếu chúng ta có thể ghi nhớ phương pháp cho xuất huyết trên đây, để có thể giúp đở những nạn nhân của căn bệnh quái ác này, để áp dụng tức thời trên nạn nhân, thì chỉ trong một thời gian ngắn, bệnh nhân sẽ tỉnh lại và được phục hồi 100%.

Chúng tôi hy vọng là quí vị có thể phổ biến tài liệu này để bệnh tai biến mạch máu não không còn là một căn bệnh giết người như hiện nay nữa.

NGUYÊN NHÂN VÀ NHỮNG ĐIỀU KIỆN DẪN ĐẾN TBMMN

1- Nguyên nhân:

- Những người bị cao huyết áp.
- Xơ vữa động mạch: Thường ở những người béo mập, những người nghiện bia, rượu, hút thuốc lá...
- Những người bị các bệnh về tim, mạch (hẹp, hở van tim, van động mạch chủ, động mạch phổi...)

2- Điều kiện (còn gọi là nguyên nhân tức thời để TBMMN dễ xảy ra)

- Tình trạng thần kinh căng thẳng (tức giận, lo âu, buồn vui quá độ...)
- Say bia, say rượu, say thuốc lá.
- Nhiễm lạnh đột ngột (khi tắm, bị gió lùa).

NHỮNG DẦU HIỆU BÁO TRƯỚC KHI BỊ TBMMN

- Nhức đầu: Đây là dấu hiệu thường có nhất, hay xuất hiện về đêm, nhức nửa đầu (thường ở bên sẽ bị tổn thương). Cơn nhức đầu có thể thoáng qua hoặc kéo dài.

- Chóng mặt, ù tai, buồn nôn, nhiều khi bị xung huyết ở vùng mặt (bầm tím).

- Rối loạn ngôn ngữ: Nói khó, nói ngọng, không hiểu lời.

- Tê bì hoặc dị cảm nửa người (bên sẽ bị liệt).

- Thoáng mất ý thức, thoáng quên, thoáng điếc, thoáng ngất.

Tất cả những dấu hiệu trên có thể chỉ thoáng qua rồi mất cho nên người bệnh không lưu ý. Nhưng có khi ngay sau đó người bệnh rơi vào tình trạng TBMMN (hôn mê).

NHỮNG TRIỆU CHỨNG CỦA TBMMN

1- Nếu nặng:

Tự nhiên bệnh nhân bị xây xẩm mặt mày rồi ngã vật ra, mê man bất tỉnh, thở khò khè. Liệt nửa người, ỉa đái dầm dề. Những trường hợp này rất nặng, dễ dẫn đến tử vong sau ít giờ.

2- Nếu nhẹ:

Bệnh nhân cảm thấy nói khó, tê bì nửa người, tay chân khó vận động và dần dần không thể chủ động được nữa, tình trạng tinh thần vẫn còn tỉnh táo. Bệnh có thể dừng ở đây rồi phục hồi dần dần. Song nhiều khi trở thành nặng như trên.

 
Hướng       dẫn này khác gần như hoàn toàn so với nguyên tắc sơ cứu tai biến mạch máu não “nhập viện càng sớm càng tốt” đã được y văn ghi nhận.

PGS.TS Ngô Đăng Thục, giảng viên chính bộ môn thần kinh, Đại học Y Hà Nội cho biết, tại Việt Nam chưa có cơ sở y tế nào áp dụng biện pháp điều trị tai biến mạch máu não bằng kỹ thuật trên. “Tôi cũng chưa từng nghe cách điều trị tai biến mạch máu não nào bằng cách dùng kim chích máu ở đầu ngón tay hay chân cả. Trước một thông tin còn chưa có chứng cứ khoa học, tốt nhất người bệnh không nên làm theo”, ông Thục lưu ý.

Đồng tình với ý kiến này, PGS.TS Đỗ Doãn Lợi, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, kiêm Phó giám đốc Viện Tim mạch Quốc gia nói: “Muốn có kết luận một phương pháp điều trị nào đó tốt hay không cần có công trình nghiên cứu khoa học”. Ông Lợi cũng cho biết thêm, bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, quan trọng nhất là cần xác định tai biến do nguyên nhân nào. Hiện ở Việt Nam, người bị tai biến đều phải đưa vào bệnh viện xác định nguyên nhân, tuỳ thuộc mức độ, bác sĩ sẽ có cách điều trị hiệu quả. Ông Lợi khẳng định: “Cách rút máu bằng kim như thế chẳng có tác dụng gì với tai biến mạch máu não”.

Theo TS Nghiêm Hữu Thành, giám đốc bệnh viện Châm cứu Trung ương, dùng kim châm lên đầu ngón tay có thể chữa được một số bệnh như cao huyết áp. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng dùng được mà phải có chỉ định của bác sĩ. Ngay tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, số người dùng cách điều trị này cũng rất ít. Còn dùng kim châm đầu ngón tay cho chảy máu để chữa tai biến mạch máu não thì bệnh viện này chưa áp dụng. “Tôi cũng chưa từng nghe kim châm đầu ngón tay cho chảy máu có thể chữa được tai biến mạch máu não”, ông Thành khẳng định.


Xin xem tiếp bài dưới đây:
 
Bị đột quỵ không nên sơ cứu ở nhà

Trên 90% người bệnh đột quỵ đến Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP.HCM) khi đã qua “thời gian vàng” điều trị bệnh. Gần đây, nhiều người gửi cho nhau một bài viết hướng dẫn cách sơ cứu người thân thoát khỏi cơn đột quỵ bằng một cây kim.

Cách sơ cứu phản khoa học

Chị C.T., ở Q.Tân Phú (TP.HCM), kể mẹ chị tham gia một câu lạc bộ gồm 100 người thì mọi thành viên trong câu lạc bộ đều chuyền cho nhau bài viết này. Người nào cũng coi đây như một “bí quyết” để sơ cứu người thân khi lỡ gặp phải cơn đột quỵ. Mẹ chị T. đã gửi bài viết này qua email cho chị T. với lời dặn: “Mẹ gửi cho con tài liệu này, con giữ lại, in ra hoặc ghi nhớ vì tai biến như thế này là chuyện người già rất dễ mắc phải. Nếu con có được kinh nghiệm như tác giả của bài viết này thì con sẽ giúp được cho ba mẹ rất nhiều”.

Bài viết này có đoạn: “Hãy giữ bệnh nhân ngồi yên một chỗ rồi lấy kim chích cho máu ở mười đầu ngón tay chảy ra. Khi chích kim vào mà máu không chảy ra hãy dùng các ngón tay của bạn để nặn ra. Khi tất cả mười đầu ngón tay đều có máu chảy ra, hãy chờ vài phút người bệnh sẽ hồi tỉnh.
Trong trường hợp người bệnh bị méo miệng, hãy kéo hai tai của người bệnh đến khi cả hai tai đều đỏ lên. Sau đó chích vào dái tai đến khi mỗi dái tai chảy ra hai giọt máu, sau đó vài phút bệnh nhân sẽ hồi tỉnh”.

Bài viết còn phân tích sự nguy hiểm của bệnh đột quỵ và khuyên mọi người hãy giữ một cây kim thật sạch cất ở chỗ thuận tiện nhất trong nhà để cứu người bị đột quỵ. Khi có người bị đột quỵ thì dù người bệnh đang ở đâu cũng không được di chuyển vì nếu bị di chuyển các mạch máu sẽ bị vỡ ra. Bài viết còn dặn người nhà phải chờ người bệnh ở trạng thái bình thường mới chở người bệnh đến bệnh viện vì nếu đưa đi cấp cứu ngay, xe chạy bị xóc sẽ làm các mạch máu của người bệnh vỡ ra...

Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, phó khoa bệnh lý mạch máu Bệnh viện Nhân Dân 115, nhận xét cách sơ cứu bệnh nhân bị đột quỵ như trên là hoàn toàn phản khoa học. Khi có người thân bị đột quỵ mà sơ cứu như vậy là vô tình lấy mất đi thời gian vàng điều trị bệnh đột quỵ. Trong khi khoảng thời gian vàng này liên quan mật thiết đến tính mạng và sự phục hồi của bệnh nhân sau này vì một phút trôi qua sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não của người bệnh mất đi.

Mất thời gian vàng!

Theo thống kê của Bệnh viện Nhân Dân 115, mỗi năm tại bệnh viện này tiếp nhận hơn 5.000 bệnh nhân bị đột quỵ, trong đó hơn 90% bệnh nhân đến bệnh viện khi đã qua thời gian vàng được tính là ba giờ sau khi xảy ra cơn đột quỵ. Nguyên nhân do bệnh nhân không nhận biết được bệnh đột quỵ, điều trị bằng những biện pháp dân gian ở nhà trước, đưa đến bệnh viện ngay nhưng bệnh viện ban đầu lại không có khả năng điều trị... Khi đến bệnh viện điều trị muộn, bệnh nhân sẽ bị liệt vận động, sống cuộc sống thực vật, thậm chí tử vong...

Trường hợp của anh N.N.T., 37 tuổi, ở Q.7, TP.HCM, là một ví dụ. Ngày 17-1, anh T. nhập viện Bệnh viện Nhân Dân 115 trong tình trạng hôn mê. Vợ anh T. kể lại tối hôm trước khi xảy ra cơn đột quỵ, anh T. đi đánh quần vợt về và đi ngủ bình thường. Đến khoảng 3g sáng anh gọi vợ đưa anh đến bệnh viện và không nói được nữa.

Vợ anh T. trước đó cũng đã đọc tài liệu hướng dẫn cách sơ cứu người bị đột quỵ bằng cây kim nên đã lấy kim châm mười đầu ngón tay cho chồng. Sau đó, chị mới đưa anh đến cấp cứu tại một bệnh viện gần nhà. Do không có khả năng điều trị nên bệnh viện này lại chuyển anh T. đến Bệnh viện Nhân Dân 115. Tại đây, các bác sĩ đã xác định do người bệnh đến muộn nên vùng não đã bị chết. Bệnh nhân sẽ phải sống đời sống thực vật trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời.

Trong dân gian hay lan truyền nhiều phương pháp điều trị bệnh đột quỵ như cạo gió, cắt lể... được nhiều người tin dùng. Bác sĩ Huy Thắng lý giải trước khi có cơn đột quỵ thật sự, một số bệnh nhân có một hoặc nhiều cơn đột quỵ nhẹ hay còn gọi là những cơn thiếu máu thoáng qua. Cơn thiếu máu thoáng qua xảy ra do tình trạng ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não. Các triệu chứng xảy ra nhanh chóng và chỉ kéo dài từ vài phút đến vài giờ.

Sau đó, bệnh nhân trở lại bình thường. Nếu áp dụng các phương pháp dân gian để điều trị cho những trường hợp này, người thân và bệnh nhân lại lầm tưởng là phương pháp dân gian này đã cứu sống được bệnh nhân. Tuy nhiên, cơn thiếu máu thoáng qua chính là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh lý đột quỵ thật sự sẽ xảy ra ngay sau đó. Do vậy, người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức, tránh những nguy hiểm có thể xảy ra.

Bác sĩ Huy Thắng cho biết những năm gần đây y học hiện đại đã có thể điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân bị đột quỵ. Nếu được điều trị sớm, kịp thời ngay sau khi khởi phát triệu chứng, những bệnh nhân đột quỵ có thể phục hồi chức năng vận động. Vì vậy, khi thấy người thân có những dấu hiệu bị đột quỵ, người nhà cần nhanh chóng đưa người bệnh tới ngay bệnh viện có khả năng điều trị, không nên sơ cứu tại nhà hay áp dụng bất kỳ một phương pháp dân gian nào điều trị, làm mất thời gian vàng của bệnh nhân.

Những dấu hiệu của đột quỵ
 
- Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra một bên cơ thể, ví dụ yếu liệt tay và chân trái).

- Đột ngột không nói được, giọng nói bị thay đổi (nói ngọng, khó nghe) hoặc bệnh nhân nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói.

- Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt.

- Đột ngột nhức đầu dữ dội.

- Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn (đặc biệt khi chóng mặt đi kèm với bất kỳ triệu chứng trên).

Cách phòng ngừa đột quỵ là phải kiểm soát được các yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ. Đó là những người mắc bệnh cao huyết áp, hút thuốc lá, bệnh tim mạch, nghiện rượu, béo phì, tiểu đường, sử dụng thuốc ngừa thai (chỉ nên uống khi có chỉ định của bác sĩ), tình trạng căng thẳng, stress.

Một số bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ:

- Bệnh viện Nhân Dân 115
- Bệnh viện Nhân Dân Gia Định
- Bệnh viện Chợ Rẫy
- Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương...
 
Theo Tuổi Trẻ

Tác giả: Tổng hợp

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập800
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm797
  • Hôm nay169,366
  • Tháng hiện tại1,466,836
  • Tổng lượt truy cập58,752,705
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây