Tin sốc về truyền thông bóng đá: VFF bán sạch thương quyền truyền thông.

Chủ nhật - 15/01/2012 03:17

-

-
Không khỏi giật mình khi phát hiện VFF không chỉ bán bản quyền truyền hình bóng đá cho AVG, mà các loại hình truyền thông như báo in, báo mạng, phát thanh... đều bị bán sạch!
Tin sốc về truyền thông bóng đá: VFF bán sạch thương quyền truyền thông.
 
Không khỏi giật mình khi phát hiện VFF không chỉ bán bản quyền truyền hình bóng đá cho AVG, mà các loại hình truyền thông như báo in, báo mạng, phát thanh... đều bị bán sạch!
 
Truyền thông thể thao VN bị “trói”
 
Tìm hiểu về nội dung bản hợp đồng bán bản quyền truyền hình giữa Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) với Tập đoàn truyền thông An Viên (AVG), chúng tôi giật mình vì thấy câu chuyện không chỉ dừng ở bản quyền truyền hình. Nó lớn hơn nhiều khi bao trùm toàn bộ loại hình truyền thông như báo in, Internet, truyền thanh...
 
Đài truyền hình VTC bị ban tổ chức sân Lạch Tray mời ra khỏi sân trong trận
V.Hải Phòng - Navibank Sài Gòn cuối tuần qua - Ảnh: Quang Minh
 
Trong văn bản 1105 của VFF do chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ ký ngày 30-12-2011 gửi Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) nhằm thuật lại toàn bộ quá trình làm việc để dẫn đến bản hợp đồng của VFF với AVG có nêu nội dung: “Ngày 8-12-2010, VFF đã ký hợp đồng số 08/HĐ/2010/VFF-AVG, theo đó cho phép AVG độc quyền khai thác bản quyền truyền hình các giải bóng đá tại VN từ năm 2010-2030”. Nhưng sự thật không chỉ như vậy, mà hợp đồng 08 này, do ông Trần Quốc Tuấn ký, đã bán thương quyền truyền thông bóng đá VN cho AVG, chứ không chỉ bản quyền truyền hình.
 
Thương quyền là gì?
 
Trao đổi với Tuổi Trẻ về hợp đồng VFF đã ký với AVG, ông Trần Quốc Tuấn cho biết khi đó ông chỉ là người được VFF cử làm đại diện để ký với AVG. Tất cả những vấn đề liên quan đến nội dung hợp đồng, chuyển giao thương quyền, theo ông Tuấn, hiện nay phải hỏi ông Nguyễn Trọng Hỷ và ông Lê Hùng Dũng. Tuy nhiên mọi nỗ lực để liên lạc với ông Hỷ và ông Dũng đều bất thành.
Ở phần phạm vi hợp tác trong bản hợp đồng 08/HĐ/2010/VFF-AVG nêu rõ: “Thương quyền có nghĩa là tất cả các quyền ghi âm, ghi hình, sản xuất và sở hữu bản ghi âm, ghi hình, quyền công bố, phát sóng, khai thác doanh thu dưới mọi hình thức và trên mọi phương tiện như truyền hình, Internet, thiết bị thông tin cố định và di động và quyền khai thác doanh thu trên báo, tạp chí, sách...”.
 
Đọc phần định nghĩa về thương quyền trong bản hợp đồng, chúng ta thấy rõ câu chuyện không chỉ dừng lại ở lĩnh vực truyền hình, mà AVG nắm bản quyền chi phối toàn bộ các lĩnh vực liên quan đến truyền thông. Nghĩa là báo viết, báo mạng, phát thanh... đều bị chi phối bởi bản hợp đồng này.
 
Cũng trong hợp đồng, ở điều 2 (phạm vi hợp tác), khoản 5 về thương quyền của bên B (AVG) đối với các giải bóng đá và các sự kiện và thông tin bên lề theo hợp đồng này sẽ chỉ bị giới hạn bởi các trường hợp sau: Trong đó ở phần (ii) ghi “quyền được trích dẫn tối đa 10% thời lượng bất kỳ trận đấu nào trong các giải bóng đá, quyền đưa tin viết bài về các giải bóng đá...”. Một luật sư giải thích điều này có nghĩa là các phương tiện truyền thông chỉ được trích dẫn tối đa 10% thời lượng bất kỳ trận đấu nào trong các giải bóng đá ở VN khi đưa tin, viết bài.
 
Từ nay đến năm 2030, khi các giải đấu thật sự hay, thu hút được đông đảo người hâm mộ, các loại hình báo chí chứ không riêng gì truyền hình khi muốn đưa tin, viết bài đều phải xin phép hoặc mua bản quyền từ AVG.
 
Cả làng truyền thông thể thao VN đã bị “trói” theo bản hợp đồng của VFF với AVG chứ không riêng gì truyền hình!
 
Trách nhiệm thuộc về Bộ VH-TT&DL
 
Các ông bầu đang lãnh đạo VPF khẳng định chỉ mới các giải Super League, V-League (hạng nhất trước đây), Cúp quốc gia, họ sẽ thu trên 70 tỉ đồng/ba năm theo chuyện bán bản quyền truyền hình. Còn nếu được trọn gói bóng đá VN như VFF bán cho AVG, trong đó đặc biệt quan trọng là các trận đấu của các đội tuyển quốc gia, chắc chắn số tiền sẽ cao hơn nữa.
 
Vậy mà VFF chỉ nhận 6 tỉ đồng + tăng 10% mỗi năm!
 
Ấy vậy mà VFF không chỉ bán bản quyền truyền hình, mà bán luôn cả thương quyền truyền thông!
Tại sao VFF lại bán thương quyền truyền thông bóng đá VN với giá rẻ mạt như vậy? Trước đây, đã có lúc chúng tôi không cho rằng số tiền 6 tỉ đồng/năm là rẻ, vì trước đó VFF thu tiền từ truyền hình thấp hơn thế nhiều (cụ thể gần 4 tỉ đồng cho năm 2010). Nhưng nay khi phát hiện VFF không chỉ bán bản quyền truyền hình mà bán cả thương quyền truyền thông, quả tình cái giá 6 tỉ đồng + tăng 10% mỗi năm là quá thấp.
 
Nhưng nói đi cũng phải nói lại cho đầy đủ, phần lỗi chính trong việc bán rẻ này không chỉ thuộc về mỗi mình VFF, mà trách nhiệm chính ở Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT&DL). Trong văn bản 1105 của VFF đã tường thuật rõ ràng thực hiện theo chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL. Vì vậy không chỉ có mỗi mình VFF, nhiều liên đoàn khác cũng bán trọn gói thương quyền truyền thông cho AVG. Cụ thể, chúng tôi xem xét hợp đồng của Liên đoàn Điền kinh VN với AVG thì thấy giống gần y chang hợp đồng của VFF với AVG!
 
VFF (và một số liên đoàn khác) đã không dũng cảm như Liên đoàn Quần vợt VN thẳng thắn nói không với chỉ đạo của bộ về việc ký hợp đồng bán bản quyền truyền thông quần vợt cho AVG, với lý do “mất quá nhiều mà được chẳng bao nhiêu”!
 
***
 
Chính do mọi việc xuất phát từ Bộ VH-TT&DL, nên vừa qua các ông bầu lãnh đạo VPF đã không có niềm tin khi thanh tra bộ này vào cuộc thẩm định hợp đồng của VFF với AVG. Họ đã phải “kêu cứu” đến Thủ tướng và hi vọng mọi việc sẽ được sáng tỏ.
 
HUY THỌ
 
Luật sư Lê Thanh Sơn - điều hành Văn phòng Luật sư AIC:
VFF vi phạm Luật dân sự
 
Luật sư Lê Thanh Sơn - Ảnh: K.X.
 
Đó là khẳng định của luật sư Lê Thanh Sơn về việc VFF bán bản quyền truyền hình và chuyển nhượng toàn bộ thương quyền, sự kiện thông tin của các giải bóng đá quốc gia, quốc tế được tổ chức tại VN cho AVG.
 
Theo giấy chứng nhận sở hữu thương quyền truyền hình bóng đá năm 2012 được ông Nguyễn Trọng Hỷ - chủ tịch VFF - ký ngày 9-12-2011, VFF xác nhận: “AVG là đơn vị sở hữu thương quyền và khai thác bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp, các giải bóng đá quốc gia khác, các giải bóng đá quốc tế và trận đấu riêng lẻ được tổ chức tại VN và các sự kiện thông tin bên lề liên quan tới các giải bóng đá và trận bóng đá trong năm 2012. AVG là đơn vị chính thức và duy nhất được ký kết các thỏa thuận về bản quyền truyền hình và các giải bóng đá, trận bóng đá với các cơ quan truyền thông, đối tác có mong muốn truyền hình trực tiếp các trận, giải bóng đá và các sự kiện thông tin bên lề”.
 
Cụ thể, thông tin bên lề ở đây được hiểu là các thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp đến các giải, trận đấu như họp báo, lễ khai mạc, lễ trao giải, bầu chọn VĐV... Thương quyền được hiểu là tất cả các quyền ghi âm, ghi hình, sản xuất và sở hữu các bản ghi âm, ghi hình, quyền công bố, phát sóng, khai thác doanh thu dưới mọi hình thức và trên mọi phương tiện như báo hình, Internet, báo in... Theo ông Sơn, việc chuyển nhượng thương quyền và các thông tin bên lề của VFF cho AVG ngoài vấn đề bản quyền truyền hình là sự lạm quyền và vi phạm nghiêm trọng Luật dân sự.
 
Ông Sơn phân tích: Các giải bóng đá quốc tế và các trận đấu riêng lẻ quốc tế của đội tuyển VN được tổ chức tại VN, thương quyền do các tổ chức quốc tế quản lý. Việc AFF, AFC, FIFA cho VFF khai thác bao nhiêu phần trăm thương quyền trong các trận đấu này là quyền của họ chứ làm sao VFF có quyền bán cái đó trước cả sự cho phép của các tổ chức này cho AVG. Ví dụ, trong trận đấu giữa tuyển VN và Olympic Brazil năm 2008 trên sân Mỹ Đình, khi đó toàn bộ thương quyền là do đối tác quản lý hết chứ VFF không có quyền.
 
Liên quan đến các sự kiện thông tin bên lề mà VFF cho AVG độc quyền khai thác, theo ông Sơn, với văn bản này khi các đơn vị truyền thông như báo hình, báo viết muốn khai thác cũng phải xin ý kiến hoặc trả tiền cho AVG. “Đây là sự lạm quyền của VFF, cho thấy VFF bán những thứ không phải quyền sở hữu của VFF. Các cơ quan truyền thông như đài truyền hình, đài phát thanh, báo in, báo điện tử... có quyền khai thác các thông tin bên lề như họp báo, phỏng vấn các cầu thủ, HLV tại các trận đấu, giải đấu... và đây là quyền chung chứ không phải sở hữu của ai. Tuy nhiên VFF lại tự coi mình là chủ sở hữu hợp pháp tất cả sự kiện thông tin bên lề liên quan đến các trận, giải bóng đá tại VN và bán cho AVG. Như vậy VFF vi phạm Luật dân sự. Theo giấy chứng nhận này của VFF, nếu báo Tuổi Trẻ, báo VietNamNet... muốn tham gia đưa tin về các sự kiện thông tin bên lề liên quan đến bóng đá VN cũng phải xin phép hoặc trả tiền cho AVG” - ông Sơn nói.
 
Theo quy định điều lệ VFF, tất cả các đội bóng dự Super League hay hạng nhất đều là đồng sở hữu với VFF về bản quyền truyền hình. Khi VFF muốn ký hợp đồng bán bản quyền truyền hình cho một đối tác, VFF phải có được sự đồng ý của tất cả các CLB (trên cơ sở VFF phải cung cấp cho các CLB nội dung dự thảo hợp đồng để CLB biết), nếu không có giấy tờ đó thì hợp đồng này vô hiệu.
 
* Người ký hợp đồng với AVG của VFF là nguyên tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn. Vậy ai là người của VFF phải đứng ra nhận trách nhiệm với hợp đồng này?
 
- Hợp đồng này không phải của ông Tuấn, ông Tuấn chỉ là đại diện của VFF đứng ra ký hợp đồng này với AVG. Hiện nay chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ là người phải đứng ra giải quyết, nhận trách nhiệm với hợp đồng này. VFF không thể lấy điều lệ VFF ra để làm căn cứ ký hợp đồng với AVG như VFF phân tích, mà phải lấy các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện. Nên nhớ lúc này không chỉ VPF có quyền khởi kiện hợp đồng mà tất cả 28 CLB đều có quyền khởi kiện.
 
* Theo công văn của VPF gửi Thủ tướng ngày 12-1, VPF cho biết khi ký hợp đồng với VFF, AVG vẫn chưa có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực truyền hình theo quy định của pháp luật?

- Đây là vi phạm về mặt chủ thể. AVG ký hợp đồng tại thời điểm khi mà AVG chưa phải là tổ chức được phép ký hợp đồng đó theo quy định của pháp luật hiện hành thì hợp đồng này vô hiệu toàn phần chứ không phải một phần. Tôi nghĩ dù đoàn thanh tra có biện hộ kiểu gì thì cũng phải hủy hợp đồng của VFF với AVG, vì cả VFF và AVG đều vi phạm pháp luật.
 
K.XUÂN
 

Tác giả: Theo Báo Tuổi Trẻ

Nguồn tin: thethao.tuoitre.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập304
  • Hôm nay71,846
  • Tháng hiện tại815,299
  • Tổng lượt truy cập58,101,168
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây