Một linh mục CCSHuế giữa Buông Làng người Dân Tộc thiểu số.

Thứ hai - 04/07/2011 03:40

-

-
Trời ơi !! Thật bất ngờ khi biết LM Lê Văn Hải là CCS HT68. Tôi đã gặp LM Lê Văn Hải 2 lần tại Buông Làng Tầm Ngân.
Một linh mục CCSHuế giữa Buông Làng người Dân Tộc thiểu số.
 
Trời ơi !!
 
Thật bất ngờ khi biết LM Lê Văn Hải là CCS HT68. Tôi đã gặp LM Lê Văn Hải 2 lần tại Buông Làng Tầm Ngân .
 
Lần đầu vào tháng 01/2010 - tôi được 1 số bạn bè Cựu SV ĐH Đà Lạt hướng dẫn đến tặng quà cho Người Thượng tại Buông Làng Tầm Ngần - một Xứ Đạo Di Cư Mùa Hè Đỏ Lửa 72 dưới chân đèo Sông Pha. LM Hải sống  trong 1 căn phòng trông như 1 nhà kho chứa giường chiếu sách vở và những bình nước "tinh khiết" loại 20-30 lít mà LM Hải và vài cộng sự thiết kế chế biến để cung cấp nước uống cho người Buông Làng Tầm Ngân không phân biệt có đạo hay không. Ngôi Nhà Thờ bên cạnh thì cũ kỹ rêu phong vôi tường bong tróc loang lỗ được xây dựng từ hồi di cư chạy loạn.

LM Hải đã say sưa kể về nghề nghiệp của mình. Trước khi chịu chức LM, CCS HT68 này đã có 20 năm kinh nghiệm về nghề chăn bò, đánh bắt cá, đục đá xây dựng . . .
 
- "Các Anh biết không? Nghề bắt cá lúc ni không còn thịnh như hồi sau 75 - đơn giản vì người đánh bắt cá thì ngày càng nhiều mà cá thì không kịp . . .đẻ - Rứa là em chuyển sang nghề "đục đá": lên núi đục đá tảng ra thành những viên đá xây dựng rồi chuyển về bán cho người ta làm nhà - Em làm nghề ni được mấy năm thì . . .ho ra máu. Nghề ni vừa đục đẽo nặng nhọc vừa bụi bặm triền miên mà lại ăn uống thiếu thốn - lúc nớ an khoai sắn là chính - phổi thì chứa đầy bụi đá - mần răng mà không ho lao cho được! Bác Sĩ khuyên em phải "chuyển nghề" ngay nếu còn muốn sống sót để mần việc . . ."Tông Đồ" giúp người dân di cư và người buông làng địa phương. Rứa nhưng nghề đục đẽo đá ni cũng giúp ích cho em nhiều lắm. Rồi chút nữa em sẽ hướng dẫn các anh đến tham quan ngôi Nhà Thờ em đang xây dựng trong buông - cũng gần đây thôi - tất cả đá xây dựng đều do em "tự lo" - em hướng dẫn truyền nghề cho người dân kỹ thuật đục đẽo và cưa đá - mần như rứa thì vừa tạo cho họ nghề kiếm cơm nuôi sống gia đình mà Nhà Thờ thì có giá đá rẻ "tận gốc"  để "mần".
 
- . . ." BS cấm em mần nghề "đục đá" kể cả nghề "mần ruộng" vì nặng nhọc ảnh hưởng đến hai lá phổi đã quá te tua của em - Em cầu xin Chúa và nghĩ ra được nghề nhẹ nhàng đơn giản mà sau ni thấy rất hiệu quả đó là nghề . . .chăn bò. Không có tiền vốn mua bò, em xin nuôi bò rẽ[*] cho người địa phương. Thấy tướng tá em cũng hiền lành đáng tin cậy - người ni người tê ai cũng đồng ý cho em nuôi - Vừa chăn dăt vừa rút tỉa kinh nghiệm phương pháp nuôi bò - đàn bò ngày càng mập mạp nượt lông mượt lá ai thấy cũng mê - tất nhiên là em thì không những vừa "mê tít thò lò" cái nghề chăn bò "mới mẽ" này vừa thầm . . "hãnh diện" nữa . Chỉ sau vài năm là em đã trở thành "chủ sở hữu" một đàn bò riêng và trở thành "ông chủ" cho nuôi bò rẽ. Em hướng dẫn "truyền thụ nghề nuôi bò" cho người dân Buông Làng Tấm Ngân và giao bò cho họ nuôi rẽ - chỉ cho họ cả cách phối giống - Bò mẹ đẽ ra bò con, khi bò con trưởng thành thì họ được "sở hữu" bò con và chuyển giao bò mẹ cho người khác nuôi rẽ . . . Em luôn theo sát từng người nuôi bò và nay đán bò của em đã gần trăm con . .. Nhiều gia đình "sống được" có cơm ăn và cho con cắp sách đên trường là nhờ nghề "nuôi bò rẽ" của em . . ."
 
Vì có nhiều mục tiêu điểm đến trong chuyến đi nên định từ giã LM Hải để tiếp tục hành trình,  LM Hải nằn nì hướng dẫn chúng tôi đên thắm Nhà Thờ Tầm Ngân đang được xây dựng giữa Buông Làng cách đó "mấy cây số thôi mà !". Xiêu lòng trước cái nhiệt tình hừng hực lửa của LM Hải nhưng bụng thì hơi . . ."cực chẳng đã" và thầm phản ứng "vì răng không lấy tiền này để phát triển đàn bò tạo cho người dân "cái cơm - cái chữ" mà xây dựng mần chi ngôi Nhà Thờ Lớn ở tận trong . . .Buông hè !! . . ."
 
Ngôi Nhà Thờ Buông Tầm Ngân vào thời điểm này thì mới làm xong phần bê tông thô nhưng coi bề thế lắm. Khoảng chục nhân công cưa cưa đục đục đẽo đẽo từng viên đá. LM Hải tự tay lấy búa lấy đục biểu diễn vài đường trông rất "thiện nghệ" . . ."- Thợ ở đây do em đào tạo hết đó  .. ."

Dụng cụ trang thiết bị để xây dựng trên công trường từ cái palan cho đến xe đẩy rồi máy trộn bê tông cho đến cưa đục . . .đều do một tay LM Hải tự chế . . .
 
Vào tháng 4/2011 năm nay - trên lộ trình đi - chúng tôi lại ghé tạt vào thăm LM Hải. Vẫn trong căn phòng "nhà kho" bên cạnh ngôi Nhà Thờ Di Cư cũ kỹ đó - sau khi nhận ít quà cho người dân buông làng - LM Hải nói nói cười cười vui mừng: " . . .Tạ ơn Chúa - Nhà Thờ Tầm Ngân đã được xây dựng hoàn thành rồi các anh ơi !! Thôi mình vô ngay trong nớ đi mấy anh - sợ mấy anh không đủ thời giờ . . "
 
Ôi Trời ơi!! Không tưởng tượng nỗi vẻ bề thế của một ngôi Nhà Thờ Buông Làng. Hoa văn màu sắc hài hòa mang nét đặc trưng riêng biệt của Buông Làng người Dân tộc.
 
- " . . . Nhiều Người chê trách phê bình em mần Nhà Thờ cho người dân Tộc ở tận trong buông trong hốc núi thì mần làm chi cho lớn - Nhưng các anh biết không - Nhà Thờ ở đây còn mang dáng dấp của một ngôi Nhà Làng của người Dân Tộc - Người Dân Tộc rất hãnh diện về ngôi Nhà Làng của họ - họ có thể nhịn ăn nhiều ngày để dồn sức xây dựng tu bổ Ngôi Nhà Làng của họ như là một biểu trưng của sức sống dòng tộc - Người dân Buông Tầm Ngần sẽ sống- sẽ hãnh diện - sẽ ăn ngủ cùng với Ngôi Nhà Thờ Làng của họ . . . Kiểu dáng rồi tất cả các hoa văn và màu sắc chủ đạo của Nhà Thờ Buông Tầm Ngân đều mang nét đặc trưng mà Người dân tộc tiếp xúc sử dụng hằng ngày trong đời sống . . . "
 
- " . . .Em cố gắng khánh thành Nhà Thờ vào đầu tháng 7 - Em cố gắng hoàn tất sớm vì nghe đâu có thể em sẽ được . . ."SAI" đến một Giáo Xứ khác và tháng 7 này cũng là kỷ niệm 16 năm em được Thụ Phong Linh Mục . . .Các anh cố gắng đến với em nhé . . ."
 
Vào phút chia tay, LM Hải còn cố "níu kéo": " . . . Em đang vận động quyên góp xe đạp cho con em người Dân Tộc đi học - Học Trung Học thì phải đi xa cả chục cây số hay xa hơn nữa mới có trường - Không có xe để "đèo" nhau đi thì các em bỏ học thôi (2 em gần nhà có thể đi chung xe) . . ."
 
Anh Trưởng nhóm hứa sẽ quyên góp tặng 15 xe trong dịp khánh thành Nhà Thờ Tầm Ngân - nhưng lần này lại bị gãy tay, không thể lái xe đến với "Người Buông Làng Tầm Ngân" cùng anh em được rồi .
 
Rời Nhà Thờ Tầm Ngân Tôi cứ mãi xấu hổ về thái độ "phản ứng ngầm" khi nghe kế hoạch xây "Nhà Thờ" của LM Hải - Xấu hổ vì lòng dạ hep hòi và thiển cận trước cách sống và hành động đầy tính nhân văn của LM Hải. Đáng cảm phục biết bao tính nhân văn nơi LM Hải.
 
CCS HT68 LM Lê Văn Hải Giáo Xứ Buông Làng tầm Ngân ơi - cho Cảnh xưng tội nhé !!
 
Hẹn gặp lại và mong rằng chương trình xe đạp cho học sinh buông làng sẽ đạt được nhiều kết quả như mong muốn.
 

Mặt tiền ngôi nhà thờ Giáo Buôn Tầm Ngân đang chuẩn bị cho Lễ Khánh Thành.


Mặt bên.


Cung Thánh.
 
Đỗ Thắng Cảnh
-----------------------------------------------
Chú thích của BBT [*] : Từ “nuôi rẽ” (hay “nuôi rẹ”) là cách nói của người Quảng Trị. Mỗi ngày buổi sáng người nhận nuôi lùa bò vào rừng cho ăn cỏ, đến chiều thì lùa về chuồng của chủ. Người nuôi không được trả công nuôi bằng tiền mà được trả bằng bò con. Khi những bò cái trong đàn đẻ, lần đẻ thứ nhất thuộc phần chủ, lần đẻ thứ hai thuộc phần người nuôi. Đàn bò càng có nhiều bò cái thì người nuôi càng được hưởng lợi nhiều. Người nuôi có thể nuôi những con bò thuộc phần của mình ngay trong đàn của chủ cho đến khi hết hạn hợp đồng.

Tác giả: Đỗ Thắng Cảnh

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 30 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập371
  • Hôm nay98,693
  • Tháng hiện tại1,033,733
  • Tổng lượt truy cập58,319,602
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây