Đi tìm nguồn gốc của tình hình suy thoái đạo đức trong xã hội (2)

Thứ hai - 22/10/2012 03:57

-

-
Đâu là những nguồn gốc sâu xa của tình trạng xuống cấp và suy thoái đạo đức trong xã hội Việt Nam ngày nay? Bài này đề ra một giả thuyết để trả lời cho câu hỏi này bằng cách dựa trên khái niệm hệ thống và khái niệm “tự trị” của Immanuel Kant.
Đi tìm nguồn gốc của tình hình suy thoái đạo đức trong xã hội (2)

Phần 1: TẠI ĐÂY

Sau đây, chúng tôi sẽ đề cập đến vế thứ hai của giả thuyết của chúng tôi.
 
6. Nguồn gốc định chế: tình trạng “nhà nước hóa” xã hội dân sự
 
Dựa trên quan điểm của lối phân tích hệ thống mà GS Hoàng Tụy đã trình bầy, nếu hiểu “hệ thống xã hội” vĩ mô bao gồm nhà nước và xã hội dân sự thì chúng tôi cho rằng, xét về mặt định chế, có hai sự “trục trặc” lớn và kéo dài trong mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội dân sự cũng như trong bản thân cấu hình của bộ máy nhà nước, đó là: (a) tình trạng “nhà nước hóa” xã hội dân sự, tức là nhà nước không để cho xã hội dân sự được hình thành và lớn mạnh một cách bình thường; và (b) tình trạng rạn nứt và trục trặc ngay trong bộ máy nhà nước cũng như trong trật tự luật pháp mà nhà nước phải đảm nhiệm cho xã hội. Sự trục trặc thứ nhất là nguồn gốc sâu xa, còn sự trục trặc thứ hai là nguyên nhân trực tiếp càng đẩy nhanh đà trượt vào vòng xoáy suy thoái đạo đức trong xã hội.
 
6.1. Hiện tượng nhà nước hóa
 
Sau năm 1975, do quan niệm duy ý chí và ấu trĩ về một mô hình xã hội đồng nhất, nguyên khối (monolithique) của chủ nghĩa xã hội theo phương thức quản lý tập trung quan liêu và hành chính bao cấp, xu hướng nhà nước hóa đã nhanh chóng chiếm lĩnh mọi lĩnh vực xã hội trên quy mô cả nước. Nhất nhất cái gì cũng phải thuộc về nhà nước hoặc tập thể, do nhà nước trực tiếp nắm và “quản” (tức là quản lý), kể từ cây kim sợi chỉ cho tới đủ mọi thứ cơm áo gạo tiền.[64] Thị trường và “tư nhân” bị nhìn dưới con mắt đầy nghi kỵ và là đối tượng phải cải tạo. Không còn công ty tư nhân, do đó cũng không có chỗ cho nhà kinh doanh cũng như tinh thần kinh doanh. Hầu hết các cơ sở kinh tế lẫn văn hóa-xã hội đều được quốc doanh hóa, kể cả nhà trường và bệnh viện…
 
Hậu quả của mô hình tổ chức xã hội theo xu hướng nhà nước hóa ấy nhanh chóng bộc lộ những khuyết tật nghiêm trọng, gây ra cuộc khủng hoảng kéo dài về mặt kinh tế, làm thui chột sáng kiến và sự chủ động cá nhân xét về mặt xã hội, và gây ra những hậu quả tiêu cực về mặt tâm lý, nhân cách và văn hóa. Tình hình ấy đã dẫn đến một bước ngoặt quyết định là công cuộc đổi mới kể từ năm 1986.
 
Quá trình đổi mới trong những năm ấy cũng là quá trình thay đổi về mặt định chế, nhưng chủ yếu chỉ diễn ra mạnh trong lĩnh vực các định chế kinh tế. Các doanh nghiệp tư nhân từng bước được khôi phục kể từ cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990 trở đi, khi nhà nước thừa nhận trở lại vai trò của thị trường và của khu vực kinh tế tư nhân, trả lại cho người dân quyền tự do kinh doanh, quyền mở công ty, và kêu gọi thu hút đầu tư từ tư bản nước ngoài. Các doanh nghiệp nhà nước cũng đã có những bước lột xác sang cơ chế tự chủ kinh doanh. Dù vậy, cho đến nay vẫn còn tồn tại những vấn đề quan trọng cần tiếp tục cải tổ như các ý kiến mà nhiều chuyên gia kinh tế đã nêu, nhất là đối với các tập đoàn kinh tế, điển hình như vụ Vinashin.
 
Tuy nhiên trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa và xã hội, kể từ khi đổi mới vào năm 1986 cho đến nay, xu hướng nhà nước hóa vẫn còn khá nặng nề và chưa thực sự bộc lộ quá trình lột xác như chúng ta thấy diễn ra trong lĩnh vực kinh tế. Xu hướng nhà nước hóa này có thể được nhận diện ở mấy bình diện sau đây.
 
Trước hết là ngay trong các cơ sở công lập: Quy chế quản lý của nhà nước đối với các nhà trường, bệnh viện, các cơ sở văn hóa, viện nghiên cứu… thuộc khu vực công lập cho đến nay vẫn còn nặng tính chất hành chính quan liêu và chưa thể hiện quan điểm coi những định chế này như thuộc về xã hội dân sự. Trong lĩnh vực giáo dục chẳng hạn, chính tình trạng “hành chính hóa” nhà trường về mặt tổ chức và “chính trị hóa” nhà trường về mặt tư tưởng đã khiến cho nhà trường nghiễm nhiên biến thành một thứ cơ quan nhà nước hay cơ quan chính trị chứ không còn là một tổ chức giáo dục, và từ đó làm biến dạng chức năng sư phạm của nhà trường và nhà giáo, không tôn trọng đầy đủ quyền tự chủ sư phạm của người thầy. Cũng giống như bệnh viện là tổ chức thuộc định chế y tế, bản chất của nhà trường là thuộc về định chế giáo dục chứ không thuộc về định chế chính trị như nhà nước (vốn có chức năng cai trị xã hội). Do đó, nhà trường hay bệnh viện đều thuộc về khu vực xã hội dân sự và mang tính độc lập tương đối với nhà nước xét về mặt chức năng của mình (mặc dù đó có thể vẫn là một trường học công lập hay một bệnh viện công lập của nhà nước). Chính sách “cởi trói” về mặt hạch toán tài chính trong các cơ sở công lập trong thời gian qua nếu có thì lại diễn ra trong khuôn khổ chủ trương “xã hội hóa” ngay trong nội bộ định chế công lập, và vì thế hậu quả không tránh khỏi là nhiều tổ chức rơi vào xu hướng tư nhân hóa trá hình, dẫn đến tình trạng nửa dơi nửa chuột, tức là công không ra công, tư không ra tư. Những vấn nạn như vấn đề học phí trong trường công, chuyện dạy thêm học thêm, trường công lập “chất lượng cao”, khu vực “dịch vụ” trong bệnh viện, chuyện chân trong chân ngoài của bác sĩ… vẫn tồn tại kéo dài như gà mắc tóc một cách nhức nhối đối với công luận mà trong khi đó đồng lương chính thức của nhà giáo và bác sĩ cũng không cải thiện được bao nhiêu.
 
Còn trong khu vực tư nhân, mặc dù đã có chủ trương “xã hội hóa” các lĩnh vực giáo dục, y tế, thể thao… từ cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000, nhưng trong thực tế, những cơ sở mới ra đời của tư nhân còn khá ít ỏi, do vẫn còn vô vàn những rào cản từ chính các cơ quan nhà nước làm nản lòng những người có thiện chí muốn bỏ vốn ra đầu tư.
 
Một khía cạnh nữa của xu hướng nhà nước hóa cần nói đến ở đây là hầu hết các đoàn thể xã hội đã từ lâu rơi vào tình trạng hành chính hóa, cơ quan đoàn thể cũng không khác gì cơ quan nhà nước, cán bộ đoàn thể cũng hưởng lương từ ngân sách nhà nước và vì thế cũng được coi không khác gì công chức. Cho đến nay, người dân bình thường không dễ gì mà lập được một hiệp hội tư nhân theo sáng kiến và thiện chí của mình; những cuộc thảo luận không có hồi kết về bản dự thảo luật về quyền lập hội cho thấy tư duy nhà nước hóa và tư duy ôm đồm bao biện của nhà nước vẫn còn nguyên vẹn, chẳng hạn khi mà bản dự thảo luật đòi hỏi mỗi hội phải có cơ quan “chủ quản”. Ngay một định chế quan trọng đáng lý thuộc khu vực xã hội dân sự như các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là báo chí, cho đến nay cũng vẫn hoàn toàn bị nhà nước hóa.
 
Hiện tượng nhà nước hóa trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa và xã hội mà chúng tôi mô tả sơ lược trên đây không chỉ có tác dụng trói tay và làm thui chột những ý tưởng đột phá có thể có một cách vô cùng phong phú trong xã hội, mà còn là tiền đề dẫn đến những hiện tượng tiêu cực và xuống cấp lâu nay về đạo đức. Điển hình như trong hai lĩnh vực thiết thân nhất đối với người dân là giáo dục và y tế, chính môi trường tranh tối tranh sáng nhập nhằng giữa công và tư đã là mảnh đất sinh sôi những hiện tượng xói mòn luân lý nghề nghiệp của nhà giáo và thầy thuốc, đồng thời khiến cho cả phụ huynh và bệnh nhân lẫn giáo viên và bác sĩ đều trở thành vừa là nạn nhân không mong muốn, vừa là thủ phạm bất đắc dĩ của những hiện tượng lo lót, chạy chọt, giấu giếm, đi cửa sau… Còn trong lĩnh vực truyền thông đại chúng, thân phận nhà nước hóa đã khiến cho báo chí không chu toàn được cả sứ mệnh thông tin trung thực lẫn sứ mệnh giám sát quyền lực mà công chúng kỳ vọng theo truyền thống “văn dĩ tải đạo” của cụ Đồ Chiểu.
 
Xét về mặt định chế xã hội, nguồn gốc dẫn đến tình trạng suy thoái đạo đức không chỉ là hiện tượng nhà nước hóa các cơ sở của xã hội dân sự, mà còn bao hàm một hiện tượng trực tiếp hơn, đó là tình trạng rạn nứt ngay trong trật tự luật pháp mà chúng ta có thể thấy ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.
 
6.2. Tình trạng rạn nứt trong trật tự luật pháp
 
Một bộ máy nhà nước lành mạnh là một tổ chức trong đó các quyết sách phải được thực thi một cách nghiêm minh, nhất quán từ trên xuống dưới mà không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của cá nhân người công chức hay người lãnh đạo. Đó cũng là một bộ máy có những cơ chế kiểm soát nội bộ và vận hành hiệu nghiệm để ngăn chặn được nạn tham nhũng ngay từ bên trong và để mỗi khi gặp vấn đề trục trặc thì không cần phải nhờ cậy đến một “đấng minh quân” thì mới giải quyết được. Tình trạng hành xử võ đoán, ra lệnh tùy tiện, muốn nói gì thì nói hay xử thế nào cũng được mà không đếm xỉa gì tới luật pháp… như vừa xảy ra gần đây ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) bộc lộ một tình trạng rạn vỡ đáng báo động trong bộ máy nhà nước. Hiển nhiên là điều này không chỉ gây ra thiệt hại cho người dân và làm mất lòng tin nơi người dân, mà còn phản ánh một thứ ung nhọt đang làm mục ruỗng chính bản thân bộ máy nhà nước.
 
Người dân ở bất cứ xã hội nào cũng đều luôn luôn cần một môi trường luật pháp rành mạch, công minh và vững chắc để được bảo vệ an toàn. Khi hệ thống công lý và các định chế bảo vệ trật tự trị an không vận hành suôn sẻ, nhất là khi mà những hành động phạm pháp không bị trừng trị thích đáng thì tình hình này có nguy cơ làm cho người dân mất lòng tin vào hiệu lực của bộ máy công quyền. Và từ đó có nhiều khả năng dễ xảy ra tình trạng một số cá nhân chọn lựa phương thức hành động “tự xử lý”, tức là tự giải quyết với nhau mỗi khi gặp tình huống xung đột nào đó, thay vì đáng lý phải nhờ cậy đến các cơ quan công quyền nhà nước vốn mang chức năng độc quyền trong lĩnh vực bạo lực trấn áp tội phạm trong một xã hội hiện đại. Một vài vụ điển hình như vụ đánh chết người trộm chó ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội (Pháp luật Việt Nam, 9-11-2010), vụ bắt cóc và tra tấn để đòi nợ ở Hà Đông (VTC News, 31-5-2011), vụ chủ cây xăng thuê giang hồ đánh đuổi người bán hàng rong ở thị xã An Nhơn, Bình Định (Sài Gòn Giải phóng, 7-3-2012), hay vụ chủ nợ thuê giang hồ thiêu sống con nợ vì món nợ 4.000 đô-la (Tuổi trẻ, 30-3-2012). Hiện tượng “tự xử lý” bột phát như vậy thường được gọi là hiện tượng “tư hình” (justice privée), cũng tương tự như cách hành xử thách đấu súng tay đôi của những tay cao bồi miền Viễn tây Hoa Kỳ mà chúng ta thường thấy trên phim ảnh.
 
Khi người ta chứng kiến ngày càng nhiều chuyện bất bình thường trở thành “bình thường” (như tệ phong bì, đút lót, mãi lộ, trấn lột…), khi cái xấu, cái tiêu cực và cái ác ngày càng lan tràn, thì điều khó tránh khỏi là người ta cảm thấy hoang mang (ít ra vào lúc đầu), để rồi sau đó khi buộc lòng phải “sống chung” với nó (vì muốn cưỡng lại cũng không được) thì riết rồi người ta cũng đâm ra quen với nó. Nguy cơ cần suy ngẫm ở đây là: nguy cơ bình thường hóa cái bất thường, không chỉ về mặt cấu trúc xã hội mà cả về mặt chủ quan nơi tâm thức cá nhân người dân và kể cả (hay nhất là) nơi cá nhân công chức. Sống trong tình trạng này, nhiều người có thể căm ghét nó lúc đầu, nhưng rồi do quá mệt mỏi với nó nên đâm ra bàng quan với nó. Đó là chưa kể có những kẻ tận dụng sự tranh tối tranh sáng ấy để thủ lợi, kẻ thì chủ động cố ý làm điều sai trái, kẻ thì đành “nhắm mắt đưa chân” vì vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm chẳng đặng đừng của tình trạng này… Cuối cùng hệ quả nghịch lý của tình trạng này là kẻ vi phạm lại được lợi, còn người lương thiện thì lúc nào cũng thua thiệt. Trong một xã hội như vậy mà không mất lòng tin thì mới là chuyện lạ.
 
Lê Thị Tuyết Ba cho rằng những biểu hiện suy thoái đạo đức trong xã hội “bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do pháp luật chưa đầy đủ hoặc thiếu chặt chẽ và việc thi hành pháp luật còn chưa nghiêm, chưa công bằng”, bởi lẽ pháp luật chính là “cơ sở xã hội, cơ sở pháp lý cho việc hình thành và phát triển ý thức đạo đức”.[65]
 
Bao lâu mà trật tự luật pháp không xử lý được tình trạng rạn nứt của chính mình (xảy ra nhiều nhũng nhiễu và tham ô tràn lan đến mức bị coi là “quốc nạn”) và chưa mang đầy đủ tính chất dân chủ và lý tính (còn nhiều bất hợp lý, mâu thuẫn trong các văn bản pháp quy lẫn những quyết định mang tính tùy tiện và trù dập đối với người dân thường hay người tố cáo tham nhũng…) thì hiệu quả xuống cấp đạo đức lây lan trong xã hội là điều khó lòng ngăn cản.
 
Nhà báo Tống Văn Công cho rằng chính tình hình “quyền lực nhà nước không bị kiểm soát, hạn chế, không có nền tư pháp độc lập, không có báo chí tự do, đã khiến cho đảng viên, cán bộ lợi dụng chức quyền làm giàu bất chính, nổi bật là tình trạng chiếm đoạt nhà cửa, đất đai, ghê gớm hơn là hình thành những ‘nhóm lợi ích’ lũng đoạn chính sách nhà nước”.[66] GS Hoàng Tụy cũng đưa ra nhận định có phần tương tự: “Do quyền lực tập trung quá đáng mà không có cơ chế kiểm soát hữu hiệu, tiếng là thể chế dân chủ nhưng nặng về dân chủ hình thức, luật pháp không nghiêm minh, khiến tham nhũng, tội phạm có điều kiện hoành hành cả ở những nơi lẽ ra phải gương mẫu và trong sạch nhất. Bộ máy hành chính qua nhiều lần ‘cải cách’ ngày càng đồ sộ mà vẫn quan liêu, xa dân, hành dân là chính. Nhiều quan lớn trong bộ máy không ngớt rao giảng đạo đức mà thật ra lối sống đồi trụy, chỉ chăm chăm lợi dụng chức quyền mưu lợi vinh thân phì gia.”[67] Đứng trước tình hình này, cơ chế hiện hành dường như đã tỏ ra bất lực bởi lẽ theo lời Thiện Ý “chủ nghĩa tập thể tạo ra thói vô trách nhiệm: nhiều sãi không ai đóng cửa chùa. Của chùa mạnh ai nấy xâu xé. Mọi hư hỏng sai lầm không quy được cho cá nhân nào chịu trách nhiệm.”[68]
 
Sự bất ổn và trục trặc nghiêm trọng trong trật tự luật pháp phản ánh một sự bất ổn và trục trặc ngay trong cấu hình thiết kế của bộ máy nhà nước. Theo GS Hoàng Tụy, “có thể nói hầu hết những gì khó khăn, bê bối, trì trệ, suy thoái, hư hỏng, kéo dài trong mấy chục năm qua, suy cho cùng, có nguồn gốc liên quan tới những khuyết tật hệ thống của thể chế chính trị”.[69] Theo chúng tôi, đó chính là do chưa xác lập được (hay chưa muốn xác lập) một hệ thống nhà nước theo đúng những nguyên tắc của một nhà nước pháp quyền hiện đại.
 
7. Thay lời kết
 
Sự tha hóa của con người trong lĩnh vực đạo đức – hiểu theo nghĩa không còn là mình với tư cách là con người có ý chí tự do – lẽ tất nhiên không bắt đầu từ việc vượt đèn đỏ hay việc ngồi lấn chỗ của người khuyết tật trên xe buýt. Nhưng sự suy thoái của đạo đức và sự rạn nứt của luật pháp quả là có thể khởi sự từ những chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt như vậy.
 
Lâu nay, một số người hay lên tiếng cổ xúy cho những mục tiêu lớn lao của thời đại, những câu chuyện đại tự sự của quốc gia, dân tộc. Đấy quả là những điều cần kíp và thích đáng. Nhưng điều cấp thiết cũng không kém là cần thúc đẩy sự thay đổi từ những chuyện nhỏ, từ cá nhân, và nhất là bắt đầu từ bên trong nội tâm mỗi con người. Từ những chuyện như không đi ngược chiều hay vượt đèn đỏ (như các cháu mẫu giáo vẫn đang phải học!), lượm một mẩu rác dưới chân, khóa một vòi nước đang chảy phí phạm, biết chào hỏi, cám ơn và xin lỗi vào những lúc cần thiết… Tuy ai cũng biết nhưng dường như người ta dễ quên rằng hễ không làm được chuyện nhỏ thì khó lòng làm nên chuyện lớn. Nhiều khi chính những khẩu hiệu đại ngôn dễ khiến người ta xem thường và bỏ quên những phẩm chất đạo lý nền tảng của bất cứ cuộc sống xã hội nào. Và chính do vậy mà xu hướng “chính trị hóa” cũng là một trong những căn nguyên sâu xa đưa đến tình trạng tha hóa hay vong thân.
 
Nhưng để có thể có được sự thay đổi trong cá nhân và trong nội tâm mỗi cá nhân thì điều thiết yếu, xét trên phạm vi xã hội, lại là phải khởi sự sự thay đổi từ chính các định chế xã hội, mà trước hết là những định chế giáo dục và văn hóa.
 
Chúng tôi cho rằng trong triết lý đạo đức hay triết lý giáo dục nói riêng và triết lý tổ chức xã hội nói chung, nhất thiết cần phải tiến hành một sự cải tổ căn bản để làm sao thoát ra khỏi một nền đạo đức “ngoại trị” nhằm khôi phục được một nền đạo đức dựa trên nguyên tắc tự trị của mỗi cá nhân con người, bắt đầu từ đứa trẻ mới cắp sách đến trường. Nghĩa là nhất thiết cần bãi bỏ ngay tình trạng áp đặt về tư tưởng do xu hướng “chính trị hóa” gây ra, tức là cần tiến hành một công cuộc “thế tục hóa” lĩnh vực đạo đức và tư tưởng,[70] chấm dứt tình trạng bạo lực về tư tưởng (tạm sử dụng khái niệm violence symbolique của nhà xã hội học Pháp Pierre Bourdieu), để chuyển sang thái độ tôn trọng và cổ xúy ý thức đạo đức cá nhân, lương tâm, đề cao ý thức nghĩa vụ, lương tâm chức nghiệp, và tinh thần tự quản, tự quyết định của mỗi chủ thể, dựa trên ý chí tự do của mỗi chủ thể luân lý. Bởi lẽ một xã hội lành mạnh và hiện đại không chỉ cần có những công dân biết tôn trọng luật pháp, mà còn kỳ vọng có những chủ thể luân lý thực sự trưởng thành và tự do. Chúng tôi hoàn toàn tán đồng ý tưởng của Thiện Ý: “Hãy trở lại với đạo đức làm người chứ không phải làm ông thánh.”[71] Trong hệ thống giáo dục, nhất là hệ thống giáo dục phổ thông, chúng tôi cho rằng cần xác lập tư tưởng ưu tiên dạy làm người, tức là đào tạo ra những con người tự do, biết độc lập suy nghĩ, có khả năng phê phán, thông qua một nền giáo dục đặt nặng trên tư tưởng khai minh (đối lập với tư duy giáo điều) và nhân bản (đối lập với óc duy lợi, thực dụng).
 
Đề cập đến lương tâm và ý thức trách nhiệm của từng cá nhân trong cuộc sống xã hội, Georg Lukács (1885-1971), nhà triết học mác-xít người Hungary, đã dựa trên nguyên tắc phổ quát hóa của mệnh lệnh nhất quyết của Kant để khai triển ý tưởng về luân lý và nhấn mạnh rằng trong hành vi luân lý, “cá nhân phải hành động như thể bước ngoặt của vận mệnh thế giới tùy thuộc vào sự hành động hoặc không chịu hành động của cá nhân mình.”[72]
 
Nhìn vào xã hội xét như một hệ thống, GS Hoàng Tụy cho rằng sau “công cuộc đổi mới mà nhờ đó đất nước đã vượt qua khủng hoảng để hồi sinh kỳ diệu trong thập kỷ 90”, thì ngày nay “éo le lịch sử lại đặt thế hệ chúng ta đứng trước tình huống tương tự như 25 năm trước. Bên cạnh những thành tựu bắt nguồn từ đổi mới, trong thời gian 5-7 năm gần đây đã xuất hiện nhiều sai lầm, thất bại đưa đất nước đến những khó khăn hết sức nghiêm trọng. Những gì tích cực mà đổi mới có thể đem lại đều đã đạt tới giới hạn. Nhiều lỗi hệ thống ở tầng sâu trước đây còn khuất nay bắt đầu lộ diện.”[73]
Sự suy thoái về đạo đức, sự rạn nứt của trật tự luật pháp và sự khủng hoảng về lòng tin hiện nay thực ra phản ánh một sự khủng hoảng trong bản thân mô hình tổ chức đời sống xã hội vốn đã bị nhà nước hóa và chính trị hóa một cách nặng nề. Theo chúng tôi, đấy chính là những “lỗi hệ thống” nếu nói theo ngôn từ của GS Hoàng Tụy.
 
Để có thể vượt qua tình trạng khủng hoảng này, không có câu trả lời nào khác ngoài yêu cầu bức thiết phải khôi phục và mở rộng không gian của một xã hội dân sự lành mạnh, thực sự mang tính độc lập, tự mình đảm đương lấy các lĩnh vực dịch vụ xã hội của mình, và nhà nước chỉ cần làm nhiệm vụ quản lý chủ yếu về mặt chính sách và hành chính.
 
Đồng thời, để có thể hình thành được một xã hội dân sự lành mạnh, không có con đường nào khác ngoài con đường xây dựng cấu hình nhà nước theo mô hình của một nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa của từ này mà hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều đã chấp nhận, đặt nền tảng trên những tư tưởng dân chủ, công bằng, và văn minh.
 
Để kết thúc, chúng tôi muốn nhấn mạnh trở lại đến khái niệm tự trị trong lý thuyết đạo đức học của Kant bằng cách trích dẫn một đoạn của Oskar Negt, nhà triết học mác-xít người Đức, trong đó ông nhấn mạnh đến khoảng trống về luân lý ở các nước Đông Âu vốn là xã hội chủ nghĩa trước đây do coi thường ý thức luân lý cá nhân và làm cho ý thức này bị xói mòn: “Một bộ phận di sản rất nguy hiểm và đầy hậu quả của triết học Hegel (…) là khi lương tâm và trách nhiệm bị tách rời ra khỏi tính tuyệt đối vô điều kiện của trách nhiệm cá nhân-hiện tồn. (…) Sự xói mòn của ý thức luân lý cá nhân là nguyên nhân trầm trọng khiến cho hiện nay, ở các nước Đông Âu hình thành một khoảng không về luân lý, trong đó thị trường tư bản chủ nghĩa [hoang dại] đã có thể xâm nhập vào mà không gặp phải bất kỳ rào cản nào.”[74]
 
Phải chăng tình trạng suy thoái đạo đức trong xã hội Việt Nam ngày nay cho thấy chúng ta cũng đang lâm vào một tình thế bi đát tương tự như các nước Đông Âu?
 
Tài liệu tham khảo
 
1. AKOUN André, Pierre Ansart, Dictionnaire de sociologie, Paris, Le Robert, Seuil, 1999.
2. BOUDON Raymond, François Bourricaud, Dictionnaire critique de la sociologie, 2e édition, Paris, Presses Universitaires de France, 1986.
3. Bùi Văn Nam Sơn, “’Phê phán lý tính thực hành’ và sự phản tư đạo đức học”, trong Immanuel Kant, Phê phán lý tính thực hành (Kritik der praktischen Vernunft) (Đạo đức học) (1788), Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2007, trang xi-lx.
4. FENOUILLET Fabien, “La motivation à l’école”, bài trong trang web Apprendre autrement aujourd’hui (www.cite-sciences.fr).
5. HEGEL Georg Wilhelm Friedrich, Hiện tượng học tinh thần (Phänomenologie des Geistes) (1807), Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, Hà Nội, Nxb Văn học, 2006.
6. Hoàng Tụy, Tái cấu trúc và sửa lỗi hệ thống, ngày 5-1-2012, trang mạng Viet-Studies, http://www.viet-studies.info/kinhte/HoangTuy_TaiCoCau.htm
7. Hoàng Tụy, Vì một nền giáo dục trung thực, lành mạnh và hiện đại, trong Diễn từ nhận giải Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh (2007-2010), Nxb Tri thức, Hà Nội, 2011.
8. KANT Immanuel, Fondements de la métaphysique des moeurs (Đặt cơ sở cho môn siêu hình học về luân thường) (1785), traduction nouvelle avec introduction et notes par Victor Delbos, Paris, Delagrave, 1960.
9. KANT Immanuel, Groundwork of the Metaphysic of Morals (Đặt cơ sở cho môn siêu hình học về luân thường) (1785), translated and analysed by H. J. Paton (1948), New York, Harper Perennial, Modern Thought, 2009.
10. KANT Immanuel, Phê phán lý tính thực hành (Kritik der praktischen Vernunft) (Đạo đức học) (1788), Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2007.
11. MORIN Edgar, La méthode 6. Éthique, Paris, Ed. du Seuil, 2004.
12. Lê Thị Tuyết Ba, Vai trò của pháp luật đối với việc hình thành và phát triển ý thức đạo đức ở nước ta hiện nay, Tạp chí Triết học, số 10, 2006.
13. Ngô Quân, Ý nghĩa hiện đại của đạo đức tôn giáo Trung Quốc, Phạm Thanh Hằng dịch, Tạp chí Triết học, số 1, 2010.
14. Nguyễn Đình Tường, Một số biểu hiện của sự biến đổi giá trị đạo đức trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay và giải pháp khắc phục, Tạp chí Triết học, số 6, 2002, tr. 19-22.
15. Nguyễn Thị Khoa, Đạo đức gia đình trong nền kinh tế thị trường, Tạp chí Triết học, số 4, 2002.
16. Nguyễn Thị Thọ, Bạo hành gia đình nhìn từ góc độ đạo đức, Tạp chí Triết học, số 12, 2008.
17. Thiện Ý (bút danh của Tống Văn Công), Vì sao đạo đức băng hoại, ngày 21-3-2009, trang mạng Talawas, http://www.talawas.org/?p=1154
18. Tống Văn Công, Vì sao tội ác lên ngôi?, ngày 9-9-2011, trang mạng Viet-Studies, http://viet-studies.info/kinhte/TongVanCong_ViSaoToiAc.htm
19. Trần Hữu Quang, Hướng đến một khái niệm khoa học về xã hội dân sự, Tạp chí Khoa học xã hội, số 4 (140), 2010, trang 10-23.

[1] Nguyễn Thị Khoa, Đạo đức gia đình trong nền kinh tế thị trường, Tạp chí Triết học, số 4, 2002. Xem thêm Nguyễn Thị Thọ, Bạo hành gia đình nhìn từ góc độ đạo đức, Tạp chí Triết học, số 12, 2008.
[2] Xem Cao Tuấn, Sức mạnh kháng thể, Người lao động, 8-9-2011.
[3] Hoàng Tụy, Tái cấu trúc và sửa lỗi hệ thống, ngày 5-1-2012, Viet-Studies.info
[4] Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Nghị quyết liên tịch số 01 về việc “quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” tại cuộc họp do Bộ Công an và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 28-7-2008, “nguyên nhân làm nảy sinh tội phạm và tệ nạn xã hội là do một bộ phận giới trẻ hiện nay ảnh hưởng tiêu cực của lối sống thực dụng, hưởng thụ, ăn chơi đua đòi, đạo đức xã hội bị xuống cấp. Trong khi đó công tác quản lý, giáo dục thanh thiếu niên từ gia đình còn xem nhẹ, một số bộ phận thanh thiếu niên hư hỏng chủ yếu là do cha mẹ và những người lớn thiếu gương mẫu…” (xem Hoàng Khương, Người lớn thiếu gương mẫu, giới trẻ dễ hư hỏng, Tuổi trẻ, 30-7-2008).
[5] Xem Kiều Hải, Cần ý thức về sự thiêng liêng của hai chữ ‘con người’” (phỏng vấn nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn), Sinh viên Việt Nam, 15-10-2008, http://www.svvn.vn/vn/news/quiz/1053.svvn
[6] Anomie (phi quy chuẩn) là một khái niệm nổi tiếng được xướng xuất bởi nhà xã hội học người Pháp Émile Durkheim (1858-1917), một trong những người được coi là ông tổ của ngành xã hội học (chú thích của chúng tôi, T.H.Q.).
[7] Nguyễn Thị Oanh, Báo động đỏ với những ‘Vedan xã hội”, Tuổi trẻ, 24-9-2008.
[8] Xem Edgar Morin, La méthode 6. Éthique, Paris, Ed. du Seuil, 2004, tr. 9.
[9] Xem Hoàng Tụy, Tái cấu trúc và sửa lỗi hệ thống, ngày 5-1-2012, Viet-Studies.info
[10] Hoàng Tụy, bài đã dẫn.
[11] Xem thuật ngữ Systémisme trong André Akoun, Pierre Ansart, Dictionnaire de sociologie, Paris, Le Robert, Seuil, 1999, tr. 522-523.
[12] Raymond Boudon, François Bourricaud, Dictionnaire critique de la sociologie, 2e édition, Paris, Presses Universitaires de France, 1986, tr. 602-603.
[13] Hoàng Tụy, bài đã dẫn.
[14] Bùi Văn Nam Sơn, “’Phê phán lý tính thực hành’ và sự phản tư đạo đức học”, trong Immanuel Kant, Phê phán lý tính thực hành (Đạo đức học) (1788), Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2007, tr. xii.
[15] Xem Bùi Văn Nam Sơn, bài đã dẫn, tr. xiii.
[16] Bùi Văn Nam Sơn, bài đã dẫn, tr. xii.
[17] Kant phân biệt giữa hai thuật ngữ “lý tính thuần túy” và “lý tính thực hành”. Mặc dù cả hai cũng đều là một lý tính mà thôi, nhưng nói tới lý tính thuần túy là nói đến lĩnh vực triết học nhận thức lý thuyết nhằm trả lời cho câu hỏi “Tôi có thể biết gì?”, còn nói tới lý tính thực hành là đề cập tới lĩnh vực “triết học thực hành”, tức là khoa học về cái thực hành hay về hành động của con người nhằm trả lời cho câu hỏi “Tôi phải làm gì?” (xem thêm Bùi Văn Nam Sơn, bài đã dẫn, tr. xi-xii).
[18] Bùi Văn Nam Sơn, bài đã dẫn, tr. xiii.
[19] Immanuel Kant, Hướng đến nền hòa bình vĩnh cửu (1795), B71. Dẫn lại theo Bùi Văn Nam Sơn, bài đã dẫn, tr. xxx.
[20] Immanuel Kant, Groundwork of the Metaphysic of Morals (Đặt cơ sở cho môn siêu hình học về luân thường) (1785), translated and analysed by H. J. Paton, New York, Harper Perennial, Modern Thought, 2009, tr. 108.
[21] I. Kant, Groundwork…, sách đã dẫn, tr. 109.
[22] I. Kant, Groundwork…, sách đã dẫn, tr. 108.
[23] I. Kant, Groundwork…, sách đã dẫn, tr. 109.
[24] I. Kant, Groundwork…, sách đã dẫn, tr. 108.
[25] Immanuel Kant, Phê phán lý tính thực hành (Đạo đức học) (1788), Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2007, tr. 139.
[26] I. Kant, Groundwork…, sách đã dẫn, tr. 114.
[27] I. Kant, Groundwork…, sách đã dẫn, tr. 127.
[28] I. Kant, Phê phán…, sách đã dẫn, chú thích ở tr. 3.
[29] I. Kant, Phê phán…, sách đã dẫn, tr. 160.
[30] I. Kant, Phê phán…, sách đã dẫn, tr. 56.
[31] I. Kant, Phê phán…, sách đã dẫn, chú thích ở tr. 2-3.
[32] Bùi Văn Nam Sơn, bài đã dẫn, tr. xii.
[33] I. Kant, Phê phán…, sách đã dẫn, tr. 202.
[34] “Luật” ở đây không được hiểu theo nghĩa là luật pháp nhà nước, mà hiểu theo nghĩa tổng quát là điều gì quy định người ta bó buộc phải làm mà nếu không tuân thủ thì bị chế tài, kể cả chế tài vật chất lẫn chế tài tinh thần. Cụm từ “luật luân lý” hay “quy luật luân lý” mà Kant sử dụng cần được hiểu theo nghĩa vừa nêu.
[35] I. Kant, Phê phán…, sách đã dẫn, tr. 115.
[36] I. Kant, Phê phán…, sách đã dẫn, tr. 167.
[37] I. Kant, Phê phán…, sách đã dẫn, tr. 167.
[38] I. Kant, Phê phán…, sách đã dẫn, tr. 161-162.
[39] Bùi Văn Nam Sơn, bài đã dẫn, tr. xxxiii.
[40] Bùi Văn Nam Sơn, bài đã dẫn, tr. xli.
[41] Bùi Văn Nam Sơn, bài đã dẫn, tr. xxxiii.
[42] Xem Bùi Văn Nam Sơn, bài đã dẫn, tr. xlvi-xlvii.
[43] I. Kant, Phê phán…, sách đã dẫn, tr. 65.
[44] Xem Bùi Văn Nam Sơn, bài đã dẫn, tr. xxxvi.
[45] I. Kant, Phê phán…, sách đã dẫn, tr. 140.
[46] I. Kant, Phê phán…, sách đã dẫn, tr. 161.
[47] I. Kant, Phê phán…, sách đã dẫn, tr. 60.
[48] I. Kant, Phê phán…, sách đã dẫn, tr. 229.
[49] Thiện Ý, “Vì sao đạo đức băng hoại”, ngày 21-3-2009, Talawas.org
[50] Thiện Ý, bài đã dẫn.
[51] Xem Thu Hà, Thủ tướng giữ bản thảo cho nhà triết học (bài phỏng vấn ông Việt Phương), Tuổi trẻ, 4-6-2006.
[52] Xem bài Xung quanh hai báo cáo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau: Nguyễn Ngọc Tư bị ‘kiểm điểm nghiêm khắc’ vì điều gì?, Tuổi trẻ, 21-4-2006.
[53] Xem bản kiến nghị của GS Hoàng Tụy và một số nhà giáo, nhà khoa học về việc chấn hưng, cải cách và hiện đại hóa giáo dục, Tuổi trẻ Online, 3-9-2004.
[54] L.E. Deci, R.M. Ryan, Intrinsic Motivation and Self-Determination in Human Behavior, New York, London, Plenum Press, 1985. Dẫn lại theo Fabien Fenouillet, “La motivation à l’école”, bài trong trang web Apprendre autrement aujourd’hui (www.cite-sciences.fr).
[55] L.E. Deci, R.M. Ryan, sách đã dẫn.
[56] Xem Nguyên Ngọc, Quốc sách và quyết sách, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 31-8-2006, tr. 18-19.
[57] Xem Lưu Thủy, bài phỏng vấn GS Hoàng Tụy, Chấn hưng giáo dục trong tình hình mới, tạp chí Tia sáng, số 15, tháng 8-2006, tr. 30.
[58] Thiện Ý, bài đã dẫn.
[59] Tùy bút của Nguyễn Khải, dẫn lại theo Thiện Ý, bài đã dẫn.
[60] Trần Thượng Tuấn, ‘Tư duy’ chỉ tiêu, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 7-9-2006, tr. 22.
[61] Phước Vinh, Giáo dục tụt hậu, học đường ‘ô nhiễm’, Tuổi trẻ Online, 15-11-2004.
[62] Xem Cao Hòa, Đạo đức học sinh xuống cấp: Báo động ‘đỏ’, Tuổi trẻ Thủ đô, 30-9-2008.
[63] Tống Văn Công, Vì sao tội ác lên ngôi?, ngày 9-9-2011, Viet-Studies.info
[64] Xem thêm loạt bài rất sinh động với tên chủ đề là “‘Đêm trước’ đổi mới” của Hàng Chức Nguyên, Xuân Trung, Quang Thiện, Nguyễn Minh Nhị và Đặng Phong đăng trên tờ Tuổi trẻ trong mười số liên tiếp ra vào đầu tháng 12-2005.
[65] Lê Thị Tuyết Ba, Vai trò của pháp luật đối với việc hình thành và phát triển ý thức đạo đức ở nước ta hiện nay, Tạp chí Triết học, số 10, 2006.
[66] Tống Văn Công, bài đã dẫn.
[67] Hoàng Tụy, bài đã dẫn.
[68] Thiện Ý, bài đã dẫn.
[69] Hoàng Tụy, bài đã dẫn.
[70] Chúng tôi mượn thuật ngữ “thế tục hóa” của GS Hoàng Tụy khi ông nói về nhu cầu cải tổ trong hệ thống giáo dục như sau: “Đã sang thế kỉ 21 nhưng giáo dục của ta vẫn giữ nhiều quan niệm cổ hủ như thời phong kiến Nho giáo hay thời Trung cổ ở châu Âu, nặng tính giáo điều kinh kệ, vì nhằm mục tiêu thiển cận biến con người thành một phương tiện sử dụng vào các mục đích tôn giáo hay chính trị, hơn là hoàn thiện con người như là một chủ thể tự do. Phương Tây đã có thể nhanh chóng bước lên giai đoạn phát triển văn minh công nghiệp hiện đại trong khi phương Đông còn ngủ dài trong văn minh nông nghiệp chính là nhờ họ đã sớm thế tục hóa giáo dục. Thiết nghĩ một giải pháp tương tự cũng cần nghiên cứu cho nhà trường Việt Nam để bước vào kinh tế tri thức thời nay” (“Vì một nền giáo dục trung thực, lành mạnh và hiện đại”, diễn từ của GS. Hoàng Tụy trong buổi nhận giải Giáo dục 2010 của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh trong Diễn từ nhận giải Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh (2007-2010), Nxb Tri thức, Hà Nội, 2011, tr. 133-134).
[71] Thiện Ý, bài đã dẫn.
[72] Georg Lukács, Taktik und Ethik (Sách lược và đạo đức), 1919. Dẫn lại theo Bùi Văn Nam Sơn, trong Georg Wilhelm Friedrich Hegel, Hiện tượng học tinh thần (1807), Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, Hà Nội, Nxb Văn học, 2006, phần chú giải của Bùi Văn Nam Sơn ở trang 882.
[73] Hoàng Tụy, bài đã dẫn.
[74] Oskar Negt, Kant und Marx, Eine Epochengespräch (Kant và Marx, một cuộc đối thoại gác lại mọi định kiến), Göttingen, 2003, tr. 56-57. Dẫn lại theo Bùi Văn Nam Sơn, trong G. W. F. Hegel, sách đã dẫn, tr. 882. (Chúng tôi chân thành cám ơn nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn đã giúp chúng tôi lưu ý đến hai đoạn trích dẫn trên đây của Georg Lukács và của Oskar Negt. – T.H.Q.)

Thời Đại Mới, Tạp chí nghiên cứu & thảo luận, số 24 tháng 03/2012
 

Tác giả: Trần Hữu Quang

Nguồn tin: www.lamhong.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập602
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại937,485
  • Tổng lượt truy cập57,039,122
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây