9 câu hỏi lớn về máy bay QZ8501 mất tích bí ẩn

Thứ hai - 29/12/2014 10:45

-

-
Vụ chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không AirAsia mất tích bí ẩn trên vùng biển Java của Indonesia có nhiều điểm tương đồng với thảm họa hàng không khi máy bay Airbus A330 mang số hiệu 447 của hãng Air France gặp nạn ở Brazil năm 2009.
9 câu hỏi lớn về máy bay QZ8501 mất tích bí ẩn
 
Sự mất tích bí ẩn của chuyến bay QZ8501 đã đặt ra cho dư luận những câu hỏi lớn.
 
Ngày 29/12, lực lượng tìm kiếm cứu nạn Indonesia đang dốc toàn lực quần thảo trên vùng biển phía đông đảo Belitung để tìm kiếm chiếc máy bay QZ8501 của hãng hàng không AirAsia mất tích bí ẩn từ hôm Chủ nhật với 162 người trên khoang.
 
Chiếc máy bay này đột nhiên biến mất trên màn hình radar của đài kiểm soát không lưu Jakarta chỉ một thời gian ngắn sau khi cất cánh mà không phát đi tín hiệu cấp cứu nào, để lại đằng sau những câu hỏi lớn.
 
1. Điều gì có thể đã diễn ra?
 
Hiện vẫn chưa thể chắc chắn về điều gì đã xảy ra với chiếc máy bay, nhưng các chuyên gia đều nhất trí rằng nó phải diễn ra vô cùng bất ngờ và đột ngột. Chiếc máy bay QZ8501 biến mất khi đang bay ở giai đoạn bay bằng, giai đoạn được cho là an toàn nhất đối với cả hành trình, và chỉ 10% số tai nạn hàng không từ năm 2004 đến 2013 xảy ra ở giai đoạn này.
 
Việc QZ8501 bay qua một khu vực đang diễn ra nhiều cơn bão nhiệt đới cũng là yếu tố cần xem xét đến. Máy bay Airbus A320 được trang bị hệ thống máy tính phức tạp có thể tự động điều chỉnh trước các trận gió mạnh hoặc thời tiết phức tạp.
 

QZ8501 biến mất khi đang ở giai đoạn bay ổn định và an toàn nhất
 
Tuy nhiên một khi thời tiết xấu kết hợp với sai sót của phi công có thể gây ra thảm họa cho máy bay, giống như những gì đã diễn ra đối với chuyến bay 447 của hãng Air France năm 2009 trên Ấn Độ Dương.
 
Một giả thuyết khác được đặt ra là hiện tượng mỏi của kim loại sau nhiều lần cất hạ cánh đã gây ra trục trặc kỹ thuật trên máy bay, đặc biệt là trong khu vực khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Tuy nhiên, khả năng này rất ít xảy ra vì chiếc Airbus A320 mất tích mới chỉ hoạt động được 6 năm và có 13.600 lần cất hạ cánh.
 
Cuối cùng, cũng có thể đã xảy ra tấn công khủng bố hoặc là một vụ tự sát của phi công, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng nào chứng tỏ hai khả năng này diễn ra.
 
2. Phi công đã nói gì với kiểm soát viên không lưu?
 
Lần liên lạc cuối cùng giữa phi công với đài kiểm soát không lưu diễn ra lúc 6:13 sáng 28/12 (giờ địa phương), khi phi công “yêu cầu tránh mây bão bằng cách rẽ trái và tăng độ cao lên 10.360 mét”. Radar tiếp tục bắt được tín hiệu của máy bay suốt 3 phút sau đó, thế rồi mọi thứ biến mất.
 

QZ8501 mất tín hiệu radar chỉ 3 phút sau lần liên lạc cuối cùng
 
Không một lời cầu cứu nào được phi công phát đi trước khi máy bay mất tích, tuy nhiên các phi công được huấn luyện phải tự mình xử lý tình huống khẩn cấp trước khi thông báo với đài kiểm lưu.
 
3. Máy bay QZ8501 có thể bay bao xa?
 
Vì đây là một chặng bay ngắn, nên chiếc Airbus A320 không mang theo nhiều nhiên liệu. Theo tài liệu của sân bay, QZ8501 chở theo hơn 8 tấn nhiên liệu lúc cất cánh, đủ để bay trong khoảng hơn 3 giờ, thế nên chiếc máy bay này không thể bay được quá xa như máy bay MH370.
 
4. Việc bay qua một cơn bão nhiệt đới ở độ cao 10.300 mét như thế nào?
 
Những chiếc máy bay khi bay qua các cơn bão nhiệt đới thường trải qua hiện tượng nhiễu loạn không khí nghiêm trọng, và máy bay sẽ trồi lên thụp xuống, rung lắc, thậm chí là quay tròn. Bên trong buồng lái, các vật dụng có thể bay tứ tung, hành khách trong khoang có thể bị hất tung, và có thể bị say máy bay.
 
5. Phi công có thể làm gì để tránh bão?
 
Nếu có thể, phi công sẽ tìm mọi cách để bay vòng qua cơn bão, dù như vậy quãng đường của họ sẽ tăng lên và nhiên liệu bị tiêu hao nhiều hơn.
 

Máy bay có thể bị rung lắc nghiêm trọng khi bay qua cơn bão
 
Máy bay A320 được trang bị hệ thống radar có thể cung cấp các thông tin thời tiết có độ chính xác cao. Phi công có thể phát hiện cơn bão đang hình thành từ khoảng cách 160 km, giúp họ có đủ thời gian để tính toán phương án bay vòng hoặc xuyên qua nó. Việc máy bay dân dụng bay chệch so với đường bay định sẵn khoảng 160 km cũng không phải là hiếm gặp.
 
6. Trần bay an toàn của A320? Điều gì xảy ra nếu nó vượt trần bay an toàn?
 
A320 có thể đạt độ cao tối đa là 11.800 mét, độ cao được coi là an toàn trước khi sức nâng của nó giảm dần. Giới hạn bay của nó là 12.800 mét, tuy nhiên từ độ cao 11.300 mét trở lên, máy bay có thể bắt đầu gặp một số vấn đề về thân, hàng hóa và hành khách, tùy thuộc vào nhiệt độ ngoài trời và trọng lượng máy bay.
 
Hệ thống máy tính trên máy bay phải tính toán điều kiện trọng lượng và nhiệt độ hiện tại để đưa ra trần bay hợp lý. Nếu vượt quá trần bay hợp lý này, máy bay có thể rơi vào “góc quan tài” và mất kiểm soát, hoặc có thể bị giảm áp nghiêm trọng.
 
7. Airbus A320 có phải là loại máy bay an toàn?
 
Airbus A320 được coi là “ngựa ô” của những chặng bay ngắn. Cũng giống như máy bay Boeing 737, loại máy bay 2 động cơ này được sử dụng để kết nối những thành phố trong chặng bay từ một đến năm giờ đồng hồ.
 
Trên thế giới hiện nay có tổng cộng 3.606 chiếc A320 đang hoạt động, và loại máy bay này cũng đạt kỷ lục về mức độ an toàn với tỉ lệ tai nạn chết người chỉ là 0,14 trên một triệu lần cất cánh.
 
8. Máy bay biến mất khỏi màn hình radar như thế nào?
 
Hiện vẫn chưa rõ các kiểm soát viên không lưu Indonesia nhìn thấy gì trên màn hình khi chiếc máy bay biến mất. Nhà chức trách Indonesia không nói rõ họ chỉ mất tín hiệu radar thụ động phát ra từ thiết bị phát đáp của máy bay hay cả tín hiệu do radar chủ động thu lại từ sóng phản xạ từ máy bay.
 

Hiện vẫn chưa rõ QZ8501 bị mất tín hiệu trên màn hình radar như thế nào
 
Nếu một máy bay vỡ tung trên bầu trời hoặc bị mất điện, tín hiệu radar thụ động có thể bị mất, nhưng máy bay vẫn hiển thị trên màn hình của radar chủ động. Tuy nhiên nếu máy bay hạ nhanh độ cao với tốc độ 1.800 mét/phút (tốc độ rơi của các máy bay gặp nạn), tín hiệu của radar chủ động cũng sẽ mất theo.
 
Thông thường các đài kiểm soát không lưu chỉ trang bị radar thụ động thu tín hiệu từ bộ phát đáp của máy bay, trong khi radar chủ động thường được các lực lượng quân sự sử dụng để giám sát bầu trời.
 
9. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
 
Hiện 3 nước Indonesia, Singapore, Malaysia và Úc đang thực hiện chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn gần đảo Belitung trên biển Java. Dựa trên giả định rằng chiếc máy bay không chuyển hướng quá xa so với đường bay ban đầu, lực lượng tìm kiếm sẽ sớm phát hiện xác máy bay để có thể tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra.
 
Các điều tra viên cũng sẽ tìm hiểu dữ liệu trong hộp đen để biết được chính xác những gì đã xảy ra trong buồng lái và máy bay vào những giờ phút cuối cùng. Hộp đen của máy bay được gắn bộ phát tín hiệu trong khoảng cách khoảng 8 km, giúp lực lượng tìm kiếm có thể phát hiện ra vị trí của nó.
 
Trí Dũng (Theo AP)
Nguồn tin: http://danviet.vn/thoi-su/9-cau-hoi-lon-ve-may-bay-qz8501-mat-tich-bi-an-524133.html

Máy bay QZ8501 gặp nạn vì “góc quan tài”?
 
Góc quan tài là độ cao mà vận tốc tối thiểu của máy bay chạm ngưỡng vận tốc tối đa, khiến máy bay rơi vào tình trạng không thể kiểm soát nổi.
 
Vụ chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không AirAsia mất tích bí ẩn trên vùng biển Java của Indonesia có nhiều điểm tương đồng với thảm họa hàng không khi máy bay Airbus A330 mang số hiệu 447 của hãng Air France gặp nạn ở Brazil năm 2009.
 
Theo các chuyên gia hàng không, những sai sót của phi công được cho là nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa trong vụ tai nạn của Air France 447, và chiếc QZ8501 cũng trải qua một chuỗi sự kiện giống hệt như máy bay của Air France trước khi chiếc máy bay này đâm xuống Đại Tây Dương.
 

Mảnh vỡ của chiếc Air France 447 được tìm thấy trên Đại Tây Dương
 
Toàn bộ 228 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn của Air France 447, tất cả đều là hậu quả của việc máy bay rơi vào những cơn bão nhiệt đới trong quá trình bay.
 
Trong vụ tai nạn ở AirFrance 447, sau khi gặp sự cố trong điều kiện mưa bão, chiếc máy bay của hãng Air France vọt lên độ cao bất thường, giống như chiếc QZ8501 tăng độ cao trước khi mất tích, khi phi công quyết định tăng độ cao từ 9.700 mét lên 11.500 mét.
 
Theo thông tin từ hãng AirAsia, chiếc máy bay mất tích của họ đã tìm cách thay đổi hành trình bay để tránh một vùng thời tiết xấu mà họ quan sát được.
 
Phi công của chiếc QZ8501 đã liên lạc với đài kiểm soát không lưu, đề nghị tăng độ cao của máy bay và rẽ trái để tránh một vùng thời tiết phức tạp. Chỉ vài phút sau, chiếc máy bay bất ngờ biến mất trên màn hình radar của đài kiểm soát không lưu Jakarta.
 

Vị trí chiếc máy bay QZ8501 mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu
 
Quyết định tăng độ cao của phi công đã khiến những chuyên gia có kinh nghiệm thắc mắc, bởi nó có thể khiến máy bay bay qua những cơn bão hình thành ở độ cao 12.000 mét vốn cực kỳ nguy hiểm.
 
Những dữ liệu ban đầu cho thấy sau khi tăng độ cao, chiếc Airbus A320 này đã giảm vận tốc xuống mức thấp đến nỗi gần như đứng yên, và điều này khiến các chuyên gia hàng không nghi ngờ rằng hệ thống máy tính trên máy bay đã hiển thị tốc độ sai do hiện tượng đóng băng các cảm biến vận tốc bên ngoài máy bay.
 
Dù tối tân đến đâu, không chiếc máy bay nào có thể bay qua những đám mây bão cực lớn bên trong tâm của những cơn bão. Những luồng gió thẳng đứng tại khu vực này có thể gây ra sức hủy diệt đối với cả những chiếc máy bay lớn nhất.
 
Các radar thời tiết hiện đại ngày nay có thể giúp phi công bay vòng qua các cơn bão để giúp họ thoát nạn trong gang tấc. Tuy nhiên nhiều phi công đã phàn nàn rằng sức ép về kinh tế và nhiên liệu từ các hãng hàng không giá rẻ đã buộc họ phải cắt giảm tính năng hiện đại này.
 
AirAsia là một hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng ở khu vực, và không loại trừ khả năng hệ thống radar thời tiết trên máy bay đã không giúp được phi công trong việc bay vòng tránh các cơn bão đang hình thành trên biển.
 
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng việc quyết định tăng độ cao lên gần mức trần cho phép của máy bay cũng có thể gây ra nguy cơ máy bay bị “khựng” và rơi xuống bởi một hiện tượng đặc biệt gọi là “góc quan tài”.
 
Theo thuật ngữ của ngành hàng không, khoảng độ cao khiến cho máy bay dễ có nguy cơ bị mất tốc độ và rơi vào tình trạng không thể kiểm soát được này gọi là “góc quan tài” (coffin corner), và mỗi loại máy bay lại có một loại “góc quan tài” riêng.
 

Hình ảnh minh họa về "góc quan tài" của máy bay
 
Một phi công của Vietnam Airlines từng giải thích: “Ở mỗi độ cao, máy bay luôn phải giữ vận tốc trong khoảng từ tốc độ tối thiểu đến tốc độ tối đa. Khi càng lên cao, biên độ giữa tốc độ tối thiểu và tốc độ tối đa càng bị thu hẹp, và khi hai mốc này bằng nhau, máy bay sẽ không thể kiểm soát được. Lúc đó, phi công phải hạ độ cao để có thể kiểm soát lại được máy bay”.
 
Vụ tai nạn máy bay của hãng Air France 447 đã làm thay đổi quy trình huấn luyện phi công trên thế giới, trong đó các hãng hàng không nhấn mạnh vào việc nhận ra những hạn chế của hệ thống máy tính kiểm soát phần lớn thời gian bay của máy bay và quay trở lại với khả năng tự xoay xở của phi công trong các tình huống khẩn cấp.
 
Chuyên gia hàng không Charles Bremner của Úc cho rằng nếu phi công vẫn quá phụ thuộc vào công nghệ và hệ thống máy tính trên máy bay, việc các cảm biến tốc độ bị đóng băng và việc tăng độ cao lên “góc quan tài” có thể khiến máy bay rơi vào tình trạng không thể kiểm soát và rơi nhanh chóng.
 
Hiện lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Indonesia đang dốc toàn lực để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích, nhưng điều kiện địa hình và khí hậu phức tạp đang cản trở đáng kể nỗ lực của họ. Gần 2 ngày sau khi QZ8501 mất tích, hiện vẫn chưa có bất cứ thông tin nào về số phận của các hành khách và phi hành đoàn trên máy bay.
 
Trí Dũng (Theo AFP, News.com)
Nguồn tin: http://danviet.vn/thoi-su/may-bay-qz8501-gap-nan-vi-goc-quan-tai-524034.html

Tác giả: Trí Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập358
  • Hôm nay87,907
  • Tháng hiện tại1,267,419
  • Tổng lượt truy cập58,553,288
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây