Để trẻ em không còn chết đuối

Thứ ba - 31/05/2011 11:49

-

-
Có một cách để phòng chống đuối nước - một cách giúp mọi người có thể sống sót nếu chẳng may bị rơi xuống nước, dù họ chưa hề biết bơi. Và đó là kỹ thuật “Bơi tự cứu” hay “Bơi sống sót”.
Để trẻ em không còn chết đuối
 
Người bơi giỏi vẫn có thể bị đuối nước, trong khi người không biết bơi có thể thoát khỏi cửa tử của thủy thần? Đó là nhờ học bơi và ứng xử bằng trí khôn.
 
Thống kê năm 2010 của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cho thấy tỷ lệ trẻ đuối nước tại Việt Nam cao nhất so với các nước trong khu vực. Trung bình mỗi ngày có 10 trẻ tử vong vì lý do này, chủ yếu ở độ tuổi 7-15.
 
Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho thấy tỷ suất đuối nước ở trẻ em nước ta cao gấp 10 lần các nước phát triển. Trong đó, hơn một nửa số trường hợp bị đuối nước xảy ra trong các hoạt động ngoài trời khi trẻ chơi gần nhà. Trẻ em ở nông thôn chết đuối nhiều hơn thành thị.
 
Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm E-Bơi, Hà Nội cho biết, khi một người bị chất dịch (thường là nước) tràn vào mũi miệng làm cho không thở được thì sẽ bị đuối nước. Đuối nước lâu, não thiếu oxy, người sẽ bị chết ngạt. Như vậy, chết đuối là do nước sặc vào đường hô hấp gây phản ứng co thắt dẫn tới ngạt thở, gây tử vong.
 
Theo ông Tuấn, người ta vẫn nghĩ chết đuối là do không biết bơi. Nếu không muốn chết đuối, phải xuống nước học một kiểu bơi nào đó, ví dụ bơi ếch, bơi sải, bơi ngửa... Thực tế, nhiều người, kể cả biết bơi, thậm chí bơi giỏi, nhưng vì chủ quan, hoặc chuột rút, hay mắc sẵn các bệnh nào đó... vẫn có thể bị đuối nước; và lại có cả trẻ em chết đuối ở những nơi nước nông không bơi được như ngã úp mặt vào xô, chậu, chum vại chứa nước trong nhà.
 
Biết các kỹ thuật phòng chống chết đuối sẽ giúp cả người lớn và trẻ nhỏ yên tâm hơn mỗi khi ở môi trường sông nước. Ảnh: Minh Thùy.
 
Hơn nữa, khi dân số ngày càng tăng, điều kiện cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cho việc học bơi còn thiếu, khi an toàn giao thông đường thuỷ chưa đảm bảo, hàng năm vẫn sẽ có nhiều người chết đuối, nhất là trẻ em.
 
Vì vậy, theo ông Tuấn, ngoài việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống chết đuối với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, cần một cách khác để phòng chống đuối nước - một cách giúp mọi người có thể sống sót nếu chẳng may bị rơi xuống nước, dù họ chưa hề biết bơi. Và đó là kỹ thuật “Bơi tự cứu” hay “Bơi sống sót”.
 
Ông Tuấn cho biết, kỹ thuật “Bơi tự cứu” rất đơn giản, không tốn kém, ai cũng có thể tập dượt trước cả trong tư duy lẫn thực hành để sử dụng khi chẳng may bị rơi xuống nước.
 
Với phương pháp này, người không biết bơi, khi rơi xuống nước vẫn có thể sống sót nhờ thực hiện 4 bước sau đây:
 
- Bình tĩnh nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở (có thể lấy tay bịt mũi) để phổi không bị sặc nước, trở thành cái phao cứu sinh đẩy người nổi dần lên.
 
- Tiếp tục thả lỏng người để nước đẩy lên sát mặt nước trở về tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu.
 
- Dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước hoặc cũng có thể quạt nước xiên, đẩy người bơi đi dễ dàng bởi trong nước người trở nên nhẹ hơn so với trên cạn.
 
- Khi chuyển động lên xuống, tới trước hãy nhớ trên mặt nước, há miệng to thở vào nhanh và sâu, dưới mặt nước ngậm miệng, thở ra từ từ bằng mũi, hoặc bằng mồm.
 
Theo ông Tuấn, với cách này, người ta có thể tồn tại dưới nước khá lâu, chờ người đến cứu, hoặc lợi dụng dòng chảy để chuyển vào chỗ nông hơn. Và tất cả những bước trên đều có thể luyện tập dần dần trên cạn và có thể giáo dục cho trẻ từ khi còn ở trường mầm non.
 
Nhìn nhận về kỹ thuật bơi tự cứu trong việc phòng chống đuối nước, nhất là cho trẻ em, ông Nguyễn Trọng An, phó cục trưởng Cục chăm sóc và bảo vệ trẻ em cho biết, đây là một cách đi đúng, và cần phối hợp song song giữa luyện tập trên cạn và dưới nước.
 
Ông An cho biết, những năm qua, giảm số trẻ bị đuối nưới luôn là một trong những mục tiêu cấp thiết ở nước ta. Nhiều tổ chức phi chính phủ cũng đã vào cuộc giúp đỡ chúng ta thực hiện mục tiêu này, song, hiện trạng trẻ đuối nước cao vẫn chưa được khắc phục.
 
Thực tế, Bộ giáo dục đào tạo cũng đã phát công văn yêu cầu dạy bơi để phòng chống đuối nước cho học sinh ngay từ cấp tiểu học, song vẫn chưa thấy sự chuyển biến nào đáng kể, mà nguyên do chính vẫn là thiếu bể bơi, thiếu người dạy bơi.
 
Ông An cho rằng, thực ra, một trong những vấn đề cản trở nằm ở chỗ nhiều người quá cầu toàn trong việc dạy bơi cho trẻ: phải có bể bơi đạt tiêu chuẩn, nước phải đảm bảo chất lượng...
 
"Nếu muốn cơ sở vật chất thật tốt mới học bơi, dạy bơi thì quá khó với một nước nghèo như chúng ta. Trong khi, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện việc này bằng những cách đơn giản hơn, như học bơi trên cạn, học bơi bằng những bể đơn giản, giá rẻ có giá đỡ, có thể xả nước vào, sử dụng trong 5 năm như đã làm mô hình thí điểm ở Đà Nẵng, hoặc sử dụng lồng bơi có thể mang đi mang lại như ở đồng bằng sông Cửu Long", ông An nói.
 
Ông cho rằng, tại thời điểm này, giúp trẻ biết bơi, có kiến thức phòng chống chết đuối, quan trọng hơn việc quan tâm xem bể bơi thế nào tốt, chất lượng nước phải thế nào mới cho con đến...
 
Thơ phòng chống chết đuối của Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm E-Bơi, Hà Nội

Để phòng chết đuối bạn ơi,
E-Bơi xin dặn mấy lời sau đây:
Đừng lên đò chở quá đầy!
Đừng đi bơi lội giữa ngày bão giông!
Trẻ nhỏ bơi, người lớn trông,
Ao, chuôm rào kín thì không việc gì.
Suối, hồ, sông biển … hiểm nguy,
Học sinh, trẻ nhỏ chớ đi một mình.
Mặt nước bằng phẳng, lặng thinh,
Nhưng bao tai họa đang rình đợi ta.
Hố sâu, đất sụp, bùn sa…
Gặp nơi như thế, sẽ là nguy thôi.

Ăn no đừng tắm bạn ơi,
Dạ dày nó “kiện”, “chuột” thời “rút” gân.
Tập bơi nên chọn chỗ gần,
Nước nông, quen thuộc, khi cần kêu to.
“Qua sông thì phải luỵ đò”,
Áo phao nên mặc để cho an toàn.
Thi bơi, nhảy cắm, đùa càn,
Nơi nước sâu, xiết xin ngàn lần không.
Thấy người gặp nạn nơi sông,
Nếu không bơi giỏi thì không nên liều.
Nhanh chân, nhanh miệng ta kêu,
Gọi người đến cứu là điều khôn ngoan.
Vui chơi nhưng phải an toàn,
Không nhảy xuống nước khi toàn mồ hôi.
 
Những hiểu lầm về kỹ thuật 'bơi tự cứu' phòng chết đuối
 
Sau bài viết “Không biết bơi vẫn có thể thoát chết đuối”, nhiều độc giả bày tỏ sự thắc mắc, nghi ngờ rằng đây chỉ là lý thuyết suông. Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, tác giả của phương pháp "Bơi tự cứu" đã giải thích rõ hơn những thắc mắc này.

"Bơi tự cứu" - theo tiến sĩ Tuấn - là một phương pháp giúp mọi người, kể cả người chưa biết bơi có thể sống sót hoặc kéo dài thời gian sống (trong khi chờ người cứu) nếu chẳng may gặp tai sông nước. Tuy nhiên, nhiều độc giả cho rằng khi đã hoảng loạn vì rơi xuống nước, làm sao có thể bình tĩnh để thực hiện các bước "bơi tự cứu"? Hay người 'bơi tự cứu' được thì đã là người bơi giỏi! Dưới nước không tập được thì trên cạn tập thế nào?...

Về những băn khoăn này, tiến sĩ Tuấn giải đáp như sau:

1. Người không biết bơi rơi xuống nước đã mất bình tĩnh, làm sao nhớ được 4 bước của kỹ thuật “Bơi tự cứu”?
 
Nếu không được chuẩn bị trước cả về kiến thức, tâm trí lẫn kỹ năng thoát hiểm, không ai có thể giữ được bình tĩnh khi rơi vào tình huống này. Quan trọng nhất là phải chuẩn bị các phương án ứng phó với tai nạn.

Để giữ bình tĩnh thực hiện “Bơi tự cứu”, ngay bây giờ, khi còn ở trên cạn, phải học để “Biết mình”, tức là tìm hiểu xem tạo hóa đã ban cho ta cái gì để phòng chống chết đuối. Nếu ngồi chờ tới lúc tai nạn xảy ra mới nghĩ, thì sẽ không nghĩ gì được nữa.

Tạo hóa cho ta “Trí khôn” để giúp ta không làm những điều không nên làm. Nguyên tắc vàng trong phòng chống chết đuối là “Bình tĩnh thì nổi - Hoảng loạn thì chìm”. Người không biết bơi càng vùng vẫy ngoi lên thì càng nhanh chìm xuống, bởi vùng vẫy làm phải thở nhiều hơn, mà như vậy càng nhanh sặc, nhanh chìm. Nếu bình tĩnh nín thở, thả lỏng cơ bắp, nước sẽ đẩy ta nổi lên sát mặt nước, tới gần sự sống hơn (ôxy) do tác dụng của lực đẩy Archimedes (khối lượng riêng trung bình của cơ thể và khối lượng riêng của nước xấp xỉ nhau).

Tạo hóa cũng cho ta hai lá phổi chứa 3-6 lít không khí để làm phao cứu sinh giúp nổi thêm. Trong nước người nhẹ đi, nên có thể sử dụng chân tay làm mái chèo quạt nước đẩy đầu lên thở, bơi đi.

Sau “Biết mình” là cần “Biết nước”. Nước vừa là bạn lại có thể là thù; có thể làm điểm tựa hay vật cản trong hoạt động bơi lội; nước có thể nâng ta lên hoặc dìm ta xuống tùy thuộc vào cách ta tác động vào nó. Lực cản của nước rất lớn, nên càng vùng vẫy, càng nhanh mất sức. Chỉ khi “Biết nước” hiểu rõ về nước, người ta mới biết cách giữ bình tĩnh để hành xử khôn ngoan khi bị rơi xuống nước.

Ngoài “Biết mình”, “Biết nước”, còn cần “Biết bản chất hoạt động bơi lội” để quạt tay, đạp chân hiệu quả; để thả nổi dễ dàng, để bơi được xa, được lâu mà không tốn sức. Bơi chỉ là múa trong nước, nếu không biết bản chất hoạt động bơi lội, không nắm được nhịp điệu, cường độ (cương - nhu), nếu không tập múa trên cạn cho “nhuyễn”, xuống nước làm sao múa được?

Không nắm được bản chất các động tác bơi lội là một trong nhiều nguyên nhân khiến bao người học bơi từ khóa này sang khóa khác, từ năm này sang năm khác mà không bơi được.

Trong tai nạn chết đuối, nước là kẻ địch, là “Thần chết”. Không biết mình, không biết địch, không biết sử dụng vũ khí (cơ thể) thì ra trận phần thua đã cầm chắc. Tiếc rằng, tập dượt, đề phòng, ứng phó với sự cố, rủi ro là một nội dung quan trọng của “Quản lý rủi ro”, rất phổ biến ở nước ngoài, nhưng lại chưa được biết tới nhiều ở Việt Nam.
 
Thường xuyên thực hành các phương pháp bơi tự cứu trên cạn, mọi người có thể thoát chết đuối
khi chẳng may rơi xuống nước. Hình minh họa: Vũ Minh Chinh, E-Bơi.

 
2. Tự tập luyện trước kỹ thuật “Bơi tự cứu” thế nào?

Trước hết là chữa bệnh sợ nước và học cách thở với nguyên tắc: Trên mặt nước há to miệng thở vào, còn dưới mặt nước, thở ra từ từ bằng mũi hoặc bằng miệng. Có thể tập chay - không có nước, hoặc có thể úp mặt vào chậu nước để tập. Lưu ý là trẻ nhỏ dưới 15 tuổi chỉ được tập thở với chậu nước khi có người lớn trông coi, giám sát.

Tiếp đó, học cách nín thở dưới nước, cũng với một chậu nước nhỏ. Có thể tập thở khi tắm sen, khi dội nước lên đầu; có thể cảm nhận sự mất trọng lượng trong nước nhờ nằm vào bồn tắm đầy nước; có thể cảm nhận lực cản của nước khi lội trong con phố ngập từ đó tìm cách di chuyển trong nước nhẹ nhàng hơn, ít mất sức hơn; có thể tìm ra cách quạt nước hiệu quả giúp nhô đầu lên thở khi rơi xuống nước bằng cách nhúng và chuyển động bàn tay trong chậu nước với hướng, tốc độ chuyển động, tiết diện bàn tay khác nhau; có thể kéo và thả dây chun, lò xo... để biết thế nào là cương, là nhu... Có muôn vàn cách để làm chủ kỹ thuật “Bơi tự cứu” ngay trên cạn nếu muốn.
 
Luyện tập cách hít thở và thả nổi rất quan trọng trong phương pháp bơi tự cứu.
Hình minh họa: Vũ Minh Chinh, E-Bơi.
 
3. "Bơi tự cứu" phải chăng chính là cách "đứng nước"?

“Đứng nước” là thuật ngữ thông dụng trong môn thể thao bóng nước, trong hoạt động cứu hộ, bơi lội quốc phòng. Người đứng nước, dùng hai chân đạp nước liên hồi để thân người nhô cao, tạo điều kiện cho hai tay tự do hoạt động để bắt, ném bóng, sửa chữa, cứu nạn, mang vũ khí, quân trang quân dụng... “Đứng nước” khá khó, ngay cả với người biết bơi.

Với “Bơi tự cứu” thì chân (tay) chỉ cần đạp hay quạt nước nhẹ nhàng, cốt giữ cho phần đầu, miệng có lúc nào đó nhô khỏi mặt nước để thở là được. “Bơi tự cứu” vì thế không tốn sức và gần với thả nổi nhiều hơn.

4. Tại sao lại nên học bơi tự cứu trên cạn chứ không phải dưới nước?

Đầu óc con người khó có thể tập trung làm tốt nhiều việc cùng lúc, vì vậy với bao động tác cần thực hiện cùng lúc để không bị chìm, bị sặc đã làm cho việc học bơi dưới nước trở nên quá khó đối với nhiều người. Tập trung vào thở thì quên mất tay nên quạt thế nào; tập trung được vào tay thì lại quên chân, quên thở... Càng lớn tuổi, khả năng bắt chước, làm theo động tác mẫu càng kém. Trẻ nhỏ, trí óc non nớt, học theo bản năng, xuống nước vài buổi là biết bơi, trong khi người lớn tuổi học cả tháng, cả năm vẫn không bơi được. Đó là do, người lớn, với trí óc phát triển, học với tư duy logic dễ hơn học bắt chước, làm theo máy móc. Chả thế, trẻ nhỏ học nói tiếng Anh dễ, người già học ngữ pháp dễ, viết tốt hơn, nhưng nói kém hơn.

Học bơi trên cạn có thể chia các động tác, kỹ năng bơi lội thành các mảnh nhỏ, rất nhỏ để tập tuần tự đến “nhuyễn” rồi lắp ghép chúng từng bước với nhau. Tập thành thạo thở, quạt tay, đập chân, rồi ghép thở với tay, thở với chân, tay với chân... và cuối cùng thành một vũ điệu của Thở - Tay - Chân trên cạn. Việc phát hiện, chỉnh sửa các động tác sai khi tập trên cạn cũng dễ hơn dưới nước rất nhiều. Trên cạn đã làm không đúng, dưới nước sao có thể làm đúng?

5. Để thoát chết đuối, học bơi luôn thì hơn?

Học bơi có nhiều lợi ích, nhưng biết bơi không đủ để phòng chống chết đuối, để không bị chết đuối. Nhiều người bơi giỏi vẫn chết đuối, và trẻ em có thể bị đuối nước ngay trong xô nước, chum vại... ở chỗ nước nông không bơi được. Khi lên đò thuyền chở nặng, không an toàn về kỹ thuật, không mặc áo phao, nếu thuyền bị đắm, lật, khả năng sống sót của người biết bơi và không biết bơi trong khối đông hoảng loạn đó là như nhau.

Để không bị chết đuối thì phòng chống chết đuối, tránh xa nơi nguy hiểm quan trọng hơn học bơi.

Minh Thùy

Xem clip học bơi trườn sấp (nguồn Youtube):
 

Tác giả: Minh Thùy

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập205
  • Hôm nay58,187
  • Tháng hiện tại752,457
  • Tổng lượt truy cập58,038,326
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây