“Chuyện vặt”!

Thứ ba - 03/05/2011 22:13

---

---
Một triết gia có nói: “Một hòn đá đặt đúng chỗ có thể chuyển hướng cả dòng sông”, đủ thấy rằng: Cuộc đời không thể xem thường bất cứ cái gì là chuyện vặt cả.

“Chuyện vặt”

Một triết gia có nói: “Một hòn đá đặt đúng chỗ có thể chuyển hướng cả dòng sông”, đủ thấy rằng: Cuộc đời không thể xem thường bất cứ cái gì là chuyện vặt cả.

Thứ nhất đau mắt, thứ nhì rắt răng”, bị đau mắt thì phải nhỏ thuốc, giữ gìn khăn mặt sạch sẽ, kiêng bụi bặm; bị rắt răng thì phải lấy tăm từ từ nhẹ nhàng xỉa cho kỳ được.

Người phương Tây đã đặt ra phương châm xuyên suốt cuộc sống rằng: Hãy đối mặt với vấn đề. Nếu bạn lảng tránh vấn đề thì vấn đề sẽ gặp lại bạn một cách nghiêm trọng hơn nhiều.

Người Trung Quốc thì nói: “Hãy đứng dậy từ chỗ mình ngã xuống”, nghĩa là gặp bất kỳ vấn đề nào người ta đều phải biết vượt qua chính vấn đề đó, chứ không phải ngã chỗ này đứng dậy từ chỗ khác.

Vậy thì cái gì cũng thành vấn đề và phải giải quyết hay sao? Sống cố chấp nhặt nhạnh việc to - việc nhỏ như vậy thì sao sống nổi?

Nhìn một cỗ máy, hoặc như chiếc tivi trong nhà, chúng ta thấy gì? Có phải mọi linh kiện phải hoàn chỉnh thì chiếc máy mới vận hành trơn tru. Để ý đến việc nhỏ là bổn phận chu toàn, chứ không phải chấp nhặt không bỏ qua việc gì. Để dễ hiểu chúng ta cần phân biệt hai hướng:

1. Người ta, ai ai cũng vậy, dù chồng, dù vợ, hay con cái đều phải biết chu toàn mọi việc từ nhỏ đến lớn. Nhìn người từ đầu đến chân, tóc tai bù xù, quần áo nhầu nhĩ, giầy dép lem nhem bẩn thỉu, thì làm sao có thể là người đáng tin về nhân cách. Người Việt vẫn nói: “Cái răng cái tóc là góc con người”, muốn phản ánh rằng, cái răng, cái miệng sẽ phản ánh con người mình đó, chớ có xem thường.

Lại còn có cụm từ “đứng đắn”, nghĩa đen là, đi đứng ngay ngắn, ngồi không xiêu vẹo ngả ngớn, mới có thể đảm bảo đó là người đứng đắn. Đức Khổng Tử còn nói: Trải chiếu xiêu vẹo thì không ngồi, đó là muốn rèn luyện người ta muốn đứng đắn thì trước hết phải ngay ngắn mọi sự.

2. Nhưng về đức độ lượng thì người ta phải bao dung quảng đại, chín bỏ làm mười, thậm chí một bỏ làm mười, như người Trung Quốc nói: “Cắn răng chịu thiệt, đứng vững gót để làm người”.

Ở đời, ai ai chẳng muốn cạnh tranh bon chen giành cái tốt, phần hơn cho mình. Nhưng khi chịu thiệt, người ta cắn răng chịu đựng, như thế mới là bản lĩnh.

Chuyện vợ - chồng cũng vậy, nhường một câu, hai câu, chín câu thì gia đình êm ấm: Bên thẳng thì bên phải chùng. Hai bên cùng thẳng thì cùng đứt dây.

Nhưng trái lại, nhiều khi người ta ăn miếng trả miếng nhau, rỉa rói, đốp chát từng câu một, nói ra cho hả, cho thỏa thích, nói cho nhanh không việc gì phải nhịn cho mệt, kết quả là người ta chỉ thích sống tùy tiện, vui thì cười, tức thì xả cho bõ, rồi “giận mất khôn”, “tiếng bấc ném đi tiếng chì ném lại”, thế là gia đình êm ấm chao đảo trong chớp mắt.

Mở đầu bữa cơm, chưa kịp ăn đến hai lưng, đã thấy cảnh ném nồi, quăng mâm, đập bát, khua môi múa mép liến thoắng. Ngôn ngữ đạp nhau chan chát, và có cả tiếng chân tay múa võ huỳnh huỵch đi quyền, rồi tiếng la “Ôi làng nước ơi!”.

Giờ đây có rất nhiều nơi đang cảnh báo nạn bạo hành, vũ phu của các ông chồng, thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ còn chưa đủ, ông phăm phăm chạy vào sau nhà, đem nào gậy, nào dao ra sát phạt vợ.

Người Việt từ xưa đã truyền:

“Nhất cần thiên hạ vô nan sự

Bách nhẫn gia trung hữu thái hòa”

(Tức là: hãy cần cù, thiên hạ chẳng việc gì khó, hàng trăm sự nhẫn nhục thì gia đình bình yên).

Hướng thứ nhất là chu toàn việc nhỏ. Nhiều cặp vợ chồng cãi nhau chỉ vì việc bật ti vi, chàng thích xem bóng đá, nàng thích xem cải lương, chuyển kênh qua, chuyển lại, rồi cãi cọ nhau; rồi “cái sảy nảy cái ung”, chuyện nọ xọ chuyện kia, thế là xung đột bắt đầu.

Vậy thì nguyên nhân có phải là do chuyển kênh tivi không? Không phải, sâu xa bên trong sự việc, nó biểu hiện cả lòng ích kỷ của con người, lòng ích kỷ đó còn bế tắc hơn cả cách giải quyết, tại sao anh chồng không mặc áo vào và bảo em ở nhà xem cải lương đi, anh sang ông hàng xóm xem nhờ bóng đá vậy.

Thế mà có cô vợ vẫn chẳng biết điều, lại còn rít lên: “Anh đừng lấy cớ đi chơi, anh hãy ở nhà”.

- Vậy thì em hãy bật bóng đá cho anh xem!

- Không bóng đá bóng đanh gì cả, xem cải lương, không thì tắt ti vi đi, cũng chẳng được đi đâu hết, nếu thích lên giường đi ngủ.

Qua một chuyện nhỏ như vậy, chúng ta thấy gì? Có phải cô vợ vừa ích kỷ, vừa võ đoán, vừa thu vén tất tần tật theo ý mình. Có thể ông chồng bị dồn đến chân tường sẽ vùng lên.

Hướng thứ hai là hướng nhẫn nhục nhường nhịn. Nhưng nhẫn nhục không phải là cam chịu mà phải biết đối mặt, giải quyết vấn đề. Vấn đề được giải quyết thì mới hết, chứ không thể hết bằng cách xuê xoa tảng lờ đi.

Để hiểu chuyện nhỏ và chuyện lớn, chúng ta có thể nhớ lại một câu nói: “Đừng bao giờ quên những ai giúp ta dù chỉ là một việc rất nhỏ; nhưng đừng bao giờ nhớ cái mình giúp cho người dù lớn thế nào”.

Về phía bản thân, tức bổn phận của mình, mỗi chúng ta đều phải làm từ những việc nhỏ nhất, giống như trồng cây hạnh phúc, chăm rễ, nâng lá, tỉa cành, bắt sâu, hứng hoa, đỡ quả; và việc làm đó được tiến hành một cách tự nguyện  mà chẳng bao giờ cần ghi nhớ cả.

Nhưng về phía bạn đời, ta hãy đại lượng bỏ qua từ việc nhỏ nhất, đến việc to nhất, coi như không có; nhưng không bỏ qua trong tinh thần xuê xoa, mà vào lúc nào thuận lợi vui vẻ nhất ta hãy khéo léo đem vấn đề ra giải quyết.

Chẳng hạn giống như việc bật ti vi, vào lúc có tiền, chàng có thể đề nghị với nàng: “Ta nên mua thêm một chiếc ti vi nữa, để em xem cải lương còn anh xem bóng đá”. Có thể nàng sẽ bảo: “Thôi mua thêm chiếc nữa làm gì cho tốn, vả lại em ngồi xem một mình cũng buồn lắm. Anh cứ bật ti vi mà xem bóng đá. Còn em sẽ xem anh reo hò...”.

Khi người ta biết sẻ chia thì ở đời cái gì cũng là chuyện nhỏ. Trái lại nếu người ta chỉ ích kỷ, muốn người khác luôn phải vì mình thì việc gì cũng hóa thành lớn - khó mà giải quyết...

Theo Tùng Châu

Gia đình & Xã hội 

Tác giả: Tùng Châu

Nguồn tin: Báo Dân Trí.

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập232
  • Hôm nay27,293
  • Tháng hiện tại847,952
  • Tổng lượt truy cập56,949,589
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây