3 ngày công tác triển khai chương trình Khuyến Học Con Đường Sáng - Caritas Slovakia tại Gp. Huế

Chủ nhật - 29/07/2012 12:52

-

-
Đến 3 giờ chiều, chúng tôi cũng đến được cố đô Huế. Cám ơn cha Phêrô Trần văn Quí, GĐ.Caritas Huế, và hai cha Têphanô Nguyễn Hữu, cha sở giáo xứ Linh Thủy và cha Antôn Nguyễn Ngọc Hà, cha sở giáo xứ Tiên Nộn đã đón đoàn chúng tôi tại VP. Caritas Huế...
3 NGÀY CÔNG TÁC TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN HỌC
CON ĐƯỜNG SÁNG - CARITAS SLOVAKIA
TẠI GP. HUẾ
 
Sau thời gian làm việc tại Gia Lai-Kontum, từ ngày 6 tháng 7 đến ngày 10 tháng 7, hai anh em chúng tôi (bác Thông và bác Thiện) lấy vé xe để đi Huế. Thật may mắn, sáng hôm nay trời dịu mát lại không mưa. Chúng tôi rời bến xe Kontum lúc 7g15 mà hình ảnh các trẻ em người dân tộc đáng thương hãy còn in sâu trong ký ức của chúng tôi. Con đường từ Kontum đi Huế dài trên 400 km. Chiếc xe 15 chỗ chạy theo con đường Hồ Chí Minh ngoằn ngoèo như rắn lượn đang len lỏi chui qua vùng rừng núi vắng vẻ. Xa xa mới có một làng mạc hay thị trấn dân cư thưa thớt.
 

Đến 3 giờ chiều, chúng tôi cũng đến được cố đô Huế. Cám ơn cha Phêrô Trần văn Quí, GĐ.Caritas Huế, và hai cha Têphanô Nguyễn Hữu, cha sở giáo xứ Linh Thủy và cha Antôn Nguyễn Ngọc Hà, cha sở giáo xứ Tiên Nộn đã đón đoàn chúng tôi tại VP. Caritas Huế, được đặt trong khuôn viên TGM Huế. Trung tâm mục vụ của giáo phận cũng tọa lạc nơi đây. Chúng tôi trao đổi ngay về nội dung của chương trình khuyến học “Con Đường Sáng- Caritas Slovakia” và lên lịch làm việc cho 2 ngày sắp tới tại giáo xứ Linh Thủy và Tiên Nộn. Trong cuộc gặp gỡ này, cha Giám đốc Caritas Huế đã trao quyền quản lý 2 đơn vị cho hai cha sở. Hai vị này sẽ làm việc và giải quyết mọi vấn đề liên quan tới chương trình trực tiếp với VP Caritas Việt Nam. Công việc thật thuận lợi. Cha Giám đốc Caritas đã lo liệu cho chúng tôi chỗ nghỉ đêm tại TTMV GP Huế.

Ngày 11-7-2012, sau khi dự thánh lễ lúc 5g30 tại nhà nguyện của TTMV, do cha Giám đốc TTMV cử hành, cha GĐ Caritas Huế tốt bụng cho hai anh em chúng tôi mượn chiếc xe gắn máy của ngài để làm phương tiện di chuyển trong 2 ngày sắp tới. Bác Thông có tiếng là thổ địa của vùng đất “thần kinh” là người điều khiển xe để đi đến những địa điểm cần đến. Sau bữa ăn điểm tâm “bún bò Huế” tại một quán bên đường gần TTMV, chúng tôi lên đường và sau gần 1 giờ chúng tôi đến giáo xứ Linh Thủy, cách Tp. Huế độ 20 km.
 
LINH THUỶ ngày 11-7-2012
 
Linh Thủy là một họ đạo nằm sâu trong khu vực “Phá Tam Giang”, nơi hội tụ của 3 cửa sông đổ ra biển, thuộc xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà thờ Linh Thủy trông khang trang, được xây dựng kiên cố, có tháp chuông giữa mặt tiền nhà thờ, được bố trí hài hòa trong một khuôn viên rộng vừa đủ. Phía sau nhà thờ là nhà giáo lý, nơi dành cho 3 sơ ở,  làm việc và nhà cha sở. Khi chúng tôi đến, các sơ đang lu bu với đám trẻ mẫu giáo. Cha sở cho biết, hiện tại giáo xứ có khoảng 200 giáo dân mà một số đang còn trong tình trạng vợ đạo chồng ngoại hoặc ngược lại. Con cái thì có đứa được rửa tội, có đứa chưa... Tổng số hộ chưa quá 70. Trước năm 1975, địa bàn của giáo xứ Linh Thủy rộng hơn, số giáo dân lên đến 2000, nhưng thời gian sau này giáo xứ được chia ra làm nhiều họ đạo lại có một số gia đình giáo dân bỏ vùng đất tổ tiên, tìm đến những vùng đất khác trù phú hơn để lập nghiệp. Chúng tôi đã gặp và tiếp xúc với  nhiều người gốc Huế và Quảng Bình lập nghiệp ở vùng đất Gia Lai trù phú, khi chúng tôi công tác tại xã Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

 

Sau dăm ba câu chuyện tại nhà xứ, lúc bấy giờ đã quá 9 giờ sáng, cùng với cha sở, anh thanh niên mà cha sở đã chọn làm người đồng hành với 10 học sinh của đơn vị và 2 chúng tôi, lên đường để thăm 10 em mà cha sở và người đồng hành đã chọn để tham gia chương trình. Chúng tôi phải đi bằng xe máy, vì ở đây dân cư thưa thớt, xa xa mới có một thôn tập trung độ vài chục hộ gia đình. Điều chúng tôi lấy làm lạ là trên đoạn đường từ thôn này sang thôn kia có nhiều nghĩa trang, trong đó nhiều nhà mồ to lớn, trang trí lộng lẫy. Nhiều nhà mồ còn rộng rãi khang trang hơn cả những nhà của người sống. Qua việc thăm viếng các trẻ trong các hộ gia đình, chúng tôi được biết đây là một xã mà dân một số thôn sống nghề nông và một số thôn sống nghề biển. Nhưng dù sống nghề nông hay sống nghề biển thì đa số người dân ở đây trông vất vả và nếp sống không khấm khá gì cho lắm. Đất nông nghiệp thì nhỏ hẹp và cằn cổi. Mỗi nhân khẩu được nhà nước địa phương cấp cho 1 sào đất (=500m2). Số đất nhiều ít tùy theo số nhân khẩu trong hộ. Ít có hộ có được 10 sào (0,5 ha). Nơi đây chỉ làm được 2 vụ/năm. Một vụ trúng mùa và một vụ phải tùy theo thời tiết tốt xấu. Vụ được mùa thì năng suất 1 sào cũng chỉ được khoảng 200 kg thóc (=10 giạ). Đối với những hộ sống nghề biển mà chúng tôi có dịp tiếp xúc cũng không khấm khá gì hơn. Khu vực này ít có ghe lớn đi biển, mà chỉ là ghe nhỏ nên không thể đánh bắt xa bờ. Người có ghe nhỏ cũng như người “đi bạn” trên những ghe nhỏ chỉ có thể đánh bắt cách bờ độ 10 km, nên họ cũng không thu được bao nhiêu sau mỗi chuyến đi biển. Chúng tôi đã cố gắng đi thăm đủ 10 học sinh của đơn vị Linh Thủy. Gia cảnh của em nào cũng đáng thương. Chúng tôi ngậm ngùi không biết nói sao với em Nguyễn Thị Thảo, sinh ngày 10.5.1995. Năm nay em 17 tuổi, năm tới vào lớp 9, mà em chỉ cao không quá 1m. Em là chị cả trong gia đình, còn 3 em nữa, trong đó chỉ có 1 đứa cao, còn 2 đứa kia cũng thấp như em, tuy cha mẹ của em có tướng tá cao to.
 


 
Chúng tôi sẽ cố gắng can thiệp để em có thể nhận một xuất học bổng để sau này có thể giúp em tìm được một nghề thích hợp.

Một điều chúng tôi lấy làm phấn khởi là học sinh vùng này ham học và phụ huynh dù hoàn cảnh kinh tế khó khăn cũng hứa cố gắng cho con đến trường. Đây là niềm hy vọng mà chương trình mong muốn.
Trời đã quá trưa, nhưng cha sở, người đồng hành và hai anh em chúng tôi cố gắng thăm cho đủ 10 em. Về đến nhà xứ, đồng hồ đã chỉ 1giờ hơn, chúng tôi được cha sở đãi cho một bữa cơm với những con cá đặc sản của vùng “Phá Tam Giang”, bữa cơm không linh đình, nhưng chắc chắn là một bữa ăn đặc biệt hơn những ngày thường của cha xứ. Buổi chiều, chúng tôi trở về Huế trong cơn nắng nóng của vùng đất mà thời gian này trong năm phải hứng chịu những trận gió Lào khô khan và nóng bỏng. 
 
TIÊN NỘN, ngày 12.7.2012

Sau thánh lễ và bữa điểm tâm cũng tại quán ăn ngày hôm qua, chúng tôi lại lên đường bằng xe máy để đến giáo xứ Tiên Nộn, cách TP Huế chỉ độ 7-8 km. 8 giờ sáng là chúng tôi đã có mặt tại giáo xứ Tiên Nôn, thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Xã Phú Mậu nằm ở bờ Nam sông Hương, nơi đây có nước ngọt quanh năm nhờ có đập La Ỷ ngăn dòng nước mặn nên cảnh quan xanh tươi, dịu mát. Đây là một xã thuần nông. Trên đường dẫn vào làng, hai bên là đồng ruộng xanh tươi, lúa đang làm đòng. Có nơi lúa đã bắt đầu trổ bông.
 
Sau dăm ba câu chuyện tại nhà xứ, cha Antôn Nguyễn Ngọc Hà (tay cầm nón lá), cô giáo Lệ (đeo kính râm), người sẽ đồng hành với các học sinh của đơn vị và 2 anh em chúng tôi bắt đầu đi thăm 10 học sinh của đơn vị và gia đình của các em.

(Cha Nguyễn Ngọc Hà, Cô giáo Lệ  và Bác Thiện, giữa là 3 mẹ con cháu Đoàn thị Ánh Tuyết (được tham gia chương trình). Hình chụp  trước cửa nhà của cháu Ánh Tuyết.)
 
Tại Huế cũng như các tỉnh duyên hải miền Trung là khu vực phải hứng chịu nhiều trận bão lũ hằng năm, do đó nhà của người giàu hay nghèo đều phải kiên cố mới có thể đương đầu với phong ba bão tố. Chính quyền cũng đã cố gắng xóa bỏ nhà tạm bợ. Đã là một xã thuần nông nên hầu như hộ nào cũng có ruộng, nhưng cánh đồng ở đây cũng rất hẹp, nên mỗi nhân khẩu chỉ được nhận hơn nửa sào đất (khoảng 330m2), thành ra hầu như không có hộ nào có nhiều đất để canh tác. Nhờ vào nguồn nước ngọt mà nơi đây năng suất khá hơn ở Linh Thủy: một sào (500m2) có thể thu hoạch được từ 300 đến 400 kg thóc (15 đến 20 giạ/công). Nếu hộ nào có được một nghề khác như nghề mộc, nghề hồ, nghề thủ công... thì số thóc thu hoạch được giữ lại mới đủ ăn quanh năm. Những hộ gia đình mà chúng tôi ghé thăm hầu như gặp hoàn cảnh khó khăn gần giống nhau.

Chúng tôi phải dùng xe máy để đến thăm mấy em sống ở một thôn khác, cách nhà thờ Tiên Nộn độ 3 km, nơi đây có một họ lẻ của Tiên Nộn.

 


 
Gia đình cháu Hồ Thị Thanh Huyền, sinh ngày 9/8/2002, học lớp 5, để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng nhất. Cháu có 1 chị là Hồ Thị Thanh Tuyền sinh năm 1998 (lớp 9), 1 em trai và một em gái nhỏ (4 anh chị em). Bố làm nghề mộc, mẹ làm nội trợ.

 

Khi chúng tôi đến 4 anh chị em đều có mặt. Chúng tôi hỏi tên cô chị cả tên là gì, cô bé học lớp 9 này thay vì trả lời thì khóc sướt mướt và chạy vào phòng trốn. Thì ra bà mẹ cho chúng tôi biết ý định của 2 ông bà sẽ cho cháu nghỉ học vào năm sau vì hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Gia đình này không có đất canh tác. Cả nhà 6 miệng ăn chỉ trông vào nghề mộc của bố, nhưng chỉ làm hoàn toàn thủ công, không có máy móc gì hỗ trợ cả. Sau khi trò chuyện một lúc, bố mẹ em hứa sẽ cố gắng tiếp tục cho em đi học vào năm sau, em mới chịu ra chụp hình cùng chúng tôi. Hy vọng phần học bổng dành cho đứa em có thể giúp được cô chị tiếp tục đến trường. Chúng tôi đã thăm đủ 10 em học sinh được đề nghị tham gia chương trình.

Mặt trời cũng đã qua quá đỉnh đầu. Đoàn chúng tôi trở về nhà xứ và dùng với cha xứ một bữa cơm trưa. Cũng là cá, nhưng là cá sông Hương, thật ngon và thân tình. Khoảng 3 giờ chiều, trời vẫn chưa dịu nắng, nhưng đành phải trở lại Huế thôi!
 
Ngày 13-7-2012

Sáng hôm nay anh em chúng tôi không có thánh lễ, vì cha GĐ TTMV phải dâng lễ cho một nhà dòng. Như thường lệ, cha GĐ Caritas Huế sáng nào cũng lên VP Caritas giáo phận. Chúng tôi gặp ngài và trình báo cho ngài kết quả làm việc 2 ngày với giáo xứ Linh Thủy và Tiên Nộn. Mọi việc đều êm xuôi. Ngài vui vẻ ký một số giấy tờ cần thiết. Chúng tôi cám ơn ngài đã tạo những điều kiện thuận lợi để chúng tôi hoàn thành công tác một cách tốt đẹp.

Từ biệt cha GĐ mới 9 giờ sáng, hai anh em lang thang trong thành phố Huế. Trưa hôm nay anh em chúng tôi được cha Dương Quỳnh, cha sở nhà thờ chính tòa Phú Cam và cũng là cha chính của TGP Huế mời cơm. Cha Quỳnh là người họ hàng với bác Thông mà cũng là bạn đồng môn gần gũi của tôi. Sau 41 năm chúng tôi mới gặp lại nhau, thế mà 2 anh em vẫn còn nhận ra nhau. Thật là vui!

14 giờ chiều chúng tôi lên taxi ra phi trường. Đoạn đường khá xa. 18g45 máy bay cất cánh và sau 1 tiếng đồng hồ chúng tôi đã có mặt tại sân bay TSN, Tp. Hồ Chí Minh. Cuộc hành trình công tác đã kết thúc tốt đẹp.
 
Ngày 20 tháng 7 năm 2012
Caritas Việt Nam

Tác giả: Caritas Việt Nam

Nguồn tin: www.caritasvietnam.org

 Tags: cám ơn, cố đô

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập717
  • Hôm nay144,357
  • Tháng hiện tại1,056,621
  • Tổng lượt truy cập57,158,258
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây