Văn Miếu Huế.

Chủ nhật - 14/08/2011 10:39

-

-
Nói đến Văn Miếu, hầu như tất cả mọi người đều nghĩ đến văn Miếu ở thủ đô Hà Nội, và ít ai biết đến có một Văn Miếu ở Huế. Khách du lịch sau khi thăm các lăng tẩm, Đại Nội, cũng chỉ lên tới chùa Thiên Mụ rồi quay lui, mặc dù Văn Miếu Huế cách chùa Thiên Mụ chưa đến 1 km.
Văn Miếu Huế
 
Nói đến Văn Miếu, hầu như tất cả mọi người đều nghĩ đến văn Miếu ở thủ đô Hà Nội, và ít ai biết đến có một Văn Miếu ở Huế. Khách du lịch sau khi thăm các lăng tẩm, Đại Nội, cũng chỉ lên tới chùa Thiên Mụ rồi quay lui, mặc dù Văn Miếu Huế cách chùa Thiên Mụ chưa đến 1 km. 
 
 
Văn Miếu Huế
 
Văn Miếu hay Văn Thánh là cách gọi tắt của một ngôi miếu: Văn Thánh Miếu, ngôi miếu thờ vị Thánh về văn - người được hậu thế tôn vinh là Vạn Thế Sư Biểu (người thầy của muôn đời): Khổng Tử. Ngôi miếu này thường có nhiều tên gọi khác: Tiên Sư Miếu, Khổng Tử Miếu, Chí Thánh Miếu, hoặc có nơi gọi là Chí Thánh Tiên Sư Miếu. Tất cả các nước có nền văn hóa Hán và coi trọng Nho học đều có lập Văn Miếu để thờ đức Khổng Tử.
 
Ở nước ta, việc lập miếu thờ đức Khổng Tử sớm nhất được sử sách ghi lại là vào năm Canh Tuất (1070) dưới triều Lý. Vua Thánh Tông nhà Lý cho lập Văn Miếu tại Kinh thành Thăng Long, đắp tượng Khổng Tử cùng các học trò của ông là Chu Công, Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử để thờ. Văn Miếu này được xem là nơi thờ Khổng Tử đầu tiên của nước ta.

Các triều đại kế tiếp như Trần, Hồ rồi Hậu Lê vẫn duy trì miếu thờ Khổng Tử của nhà Lý. Đến thời vua Lê Thánh Tông bắt đầu cho dựng bia ghi tên Tiến sĩ , khởi đầu từ khoa thi dưới triều vua Lê Thái Tông. Tổng số bia còn đến hiện nay là 83 tấm. Dưới triều Nguyễn công trình mang tính điển lễ này vẫn được bảo quản giữ gìn, và vì Thăng Long Hà Nội không còn là kinh đô nên nơi đây trở thành Văn Miếu riêng của Hà Nội.

Trong thời kỳ các chúa Nguyễn mở mang khai phá phương Nam, Văn Miếu cũng được thiết lập ở Phú Xuân và được xem như Văn Miếu riêng của xứ Đàng Trong, Văn Miếu đầu tiên được chúa Nguyễn Phúc Chu cho xây dựng vào năm 1691, tại làng Triều Sơn, nay là Triều Sơn Tây, phường Hương Sơ, thành phố Huế. Đến năm 1766, chúa Nguyến Phúc Thuần dời vào làng Lương Quán, nay thuộc phường Thuỷ Biều, Thành phố Huế. Đến năm Canh Dần (1770) dưới triều của Định Vương Nguyễn Phúc Khoát, Văn Miếu được dời đến xã Long Hồ, (nay là xã Hương Hồ, huyện Hương Trà).

Sau khi Gia Long lên ngôi vua, Văn Miếu của cả triều đại và cũng là của toàn quốc được chính thức xây dựng vào năm 1808. Miếu được xây dựng uy nghi đồ sộ, nằm bên bờ sông Hương, thuộc địa phận thôn An Bình, làng An Ninh, phía Tây Kinh thành Huế (nay thuộc Phường Hương Long, Thành phố Huế). Ngôi miếu cũ được giữ lại để làm Khải Thánh Từ (tức miếu thờ cha mẹ của Khổng Tử).
 
Văn Miếu Huế nhìn từ sông Hương
 
Việc xây dựng Văn Miếu được tiến hành từ ngày 17 tháng 4 đến ngày 18 tháng 9 năm 1808, dưới thời Vua Gia Long. Các công trình kiến trúc chính đều xây trên mặt bằng ngọn đồi cao gần 3m so với nền đất xung quanh. Trước mặt là dòng sông Hương, phía sau là làng mạc, núi đồi lan ra từ rặng Trường Sơn bọc lấy đằng sau Văn Miếu. Các công trình được x trong mặt bằng hình vuông mỗi cạnh chừng 160m. Xung quanh có xây la thành bao bọc. Khi còn nguyên vẹn, tất cả chừng 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ, đều được xây dựng bằng gỗ lim và các vật liệu đắt giá khác.

Bên ngoài, từ cổng Đại Thành Môn nhìn vào, ngay chính giữa là ngôi đại điện thờ Khổng Tử, tên gọi là Đại Thành Điện. Những tên gọi này thống nhất cho tất cả Văn Miếu ở trung ương và địa phương, kể cả những Văn Miếu ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản... những công trình tương tự như vậy đều có tên gọi như nhau.
 

Cổng Đại Thành Môn
 

Điện Đại Thành là kiến trúc trọng yếu của Văn Miếu, toàn bộ được dựng trên một nền cao, dài chừng 32m, rộng 25m. Cấu trúc của ngôi đại điện theo lối trùng thiềm điệp ốc truyền thống của Huế. Ở hai bên trước điện Đại Thành, dựng hai ngôi nhà đối diện nhau là Đông Vu và Tây Vu đều bảy gian.

Trước sân miếu, có hai nhà bia gọn gàng xinh xắn, bên phải có tấm bia khắc bài văn bia ”Thánh Tổ Nhân Hoàng đế dụ: Cung giám bất đắc liệt tấn thân” (Thánh Tổ Nhân Hoàng đế (vua Minh Mạng) dụ về việc Thái Giám không được liệt vào hạng quan lại); bia ở nhà bia bên trái khắc bài văn bia “Hiến Tổ Chương Hoàng đế dụ: Ngoại thích bất đắc thân chính” (Hiến Tổ Chương Hoàng đế (vua Thiệu Trị) dụ về việc bà con bên ngoại của vua không được tham gia chính quyền).

Ra khỏi cổng Đại Thành của Văn Miếu, bên trái có xây Hữu Văn Đường; bên phải xây Dị Lễ Đường. Đây là những ngôi nhà kiểu một gian hai chái dùng để vua quan nghỉ chân sửa soạn lễ phục trước khi vào tế ở Miếu. Phía trước là hai dãy gồm 32 tấm bia tiến sĩ dựng thành hai dãy ở hai bên sân đối diện nhau.
 
 
Hai dãy trường lan với những tấm bia đá có kích thước và hình dáng khác nhau ghi lại những thịnh suy của lịch sử nhưng tất cả đều nói lên việc học bao giờ cũng được coi trọng
 
32 tấm bia đá khắc tên 293 vị Tiến sĩ từ khoa thi đầu tiên (1822) đến khoa thi cuối cùng (1918) của triều Nguyễn.
 
Tất cả 32 bia đều có rùa đội bia và làm bằng đá thanh cẩm thạch. Các tấm bia dựng trên lưng rùa xếp thành 2 hàng, mỗi hàng 16 cái: Bia lớn nhất cao 1,15m, rộng 0,85m; Rùa đá con lớn nhất dài 1,35m, rộng 0,77m, cao 0,60m. Bia tiến sĩ ở đây không cao lớn bằng bia ở Văn Miếu Hà Nội nhưng đều đặn hơn, dạng thức, trang trí khác hơn. Trên 32 tấm bia này đã khắc tên, tuổi, quê quán của 293 vị Tiến sĩ triều Nguyễn, bắt đầu từ khoa thi đầu tiên năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đến khoa thi cuối cùng vào năm Khải Định thứ 4 (1919).  Trong số các vị tiến sĩ lưu danh ở đây, có những tên tuổi như Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn, Đinh Văn Chất, Nguyễn Thượng Hiền, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng... (Trong thời trị vì của vua Gia Long, triều đình chưa mở các kỳ thi Hội, mới chỉ có các khoa thi Hương nên tại đây chưa dựng bia tiến sĩ).
 
Một tấm bia trên lưng rùa đá
 
Trước cổng Văn Miếu, gần bờ sông lại có cửa Linh Tinh Môn gồm bốn trụ xây bằng gạch, phần trên trang trí pháp lam. Tấm biển ở giữa phía trước có đề bốn chữ Hán lớn “Đạo Tại Lưỡng Gian” (đạo giữa trời đất); mặt sau đề bốn chữ Hán tương đương “Trác Việt Thiên Cổ” (vượt cao ngàn xưa). Hai bên khu vực trước cổng Văn Miếu có tấm bia “Khuynh cái hạ mã” (nghiêng lọng xuống ngựa).
 
Cửa Linh Tinh Môn nhìn từ phía bên trong ra
 
Đối với việc thờ phụng, triều Nguyễn cho lập bài vị bằng gỗ (còn gọi linh vị, mộc chủ, thần chủ) để thờ và buộc tất cả các địa phương nơi nào thờ Khổng Tử bằng hình tượng đều phải thay thế bằng bài vị mộc chủ, còn các tượng thì phải lựa chọn nơi sạch sẽ chôn đi. Đây là một cách nhìn khá đặc biệt của triều Nguyễn. Họ cho rằng thờ bằng hình tượng là thiếu trang trọng, thiếu lễ độ đối với người đã khuất, cho nên ngay cả bàn thờ các vua Nguyễn cũng không hề thờ bằng hình tượng.

Văn Miếu Huế là một di tích lịch sử quý giá, đánh dấu thời kỳ hưng thịnh của Nho giáo - thời kỳ vương triều Nguyễn dùng Nho học làm phương tiện trợ giúp đắc lực để thiết lập quyền thống trị trên toàn đất nước.
 

Tác giả: Nguyễn Văn Liêm

 Tags: văn miếu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập733
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm732
  • Hôm nay140,599
  • Tháng hiện tại1,052,863
  • Tổng lượt truy cập57,154,500
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây