Huế: Còn đâu cồn Hến?

Thứ tư - 28/09/2011 09:29

-

-
Cồn Hến thơ mộng, cơm hến xứ Huế với vị cay tê đầu lưỡi đã trở thành nỗi nhớ của người xa Huế. Những mai này, có khi cái tên cồn Hến chỉ còn là ký ức khi sông Hương không còn hến. Ngày ấy, trong làng có những gia đình ba đời làm hến như ông Vọng, chú Cường, chú Hương...
Huế: Còn đâu cồn Hến?
 
Cồn Hến thơ mộng, cơm hến xứ Huế với vị cay tê đầu lưỡi đã trở thành nỗi nhớ của người xa Huế. Những mai này, có khi cái tên cồn Hến chỉ còn là ký ức khi sông Hương không còn hến.
 
Ngày ấy, trong làng có những gia đình ba đời làm hến như ông Vọng, chú Cường, chú Hương... Cuộc sống tất bật quanh năm nhưng no ấm, sung túc. Trẻ con sinh ra vừa mở mắt đã thấy bóng mẹ cha lui cui bên lò luộc hến, nghe mùi hến, nghe tiếng vỏ hến vỡ rào rạo bên tai.
 
Nỗi niềm con hến
 
Thế rồi dân địa phương xung quanh chứng kiến người làng cồn phất lên vì hến cũng đua nhau sắm thuyền, vợt đi cào hến mà chẳng ai nghĩ xa xôi rằng hến cứ vơi dần rồi cạn kiệt lúc nào không hay.

Trước năm 2007, khi chưa có đập Thảo Long - con đập ngăn mặn dài nhất Việt Nam dòng nước trên thượng nguồn đổ về hằng năm, ốc hến đua nhau trồi lên. Mỗi năm hai bận, mùa nước ngọt thì người làng cồn làm hến, sang mùa nước lợ nước biển dâng lên thì đi mò giắt (một loài có họ hàng với hến nhưng nhỏ và vỏ mỏng hơn). Chỉ cần sắm một con đò và dụng cụ cần thiết, nếu chăm chỉ ngày ngày cào hến bán cũng đủ nuôi sống một gia đình bốn miệng ăn. Phần đông con cháu làng cồn ít học. Lớp trẻ sau này số ít cũng nối tiếp cha ông giữ nghề nhưng chỉ làm được dăm năm thì hến cũng cạn kiệt.
 
Hơn 10 năm trước, chỉ cần cho thuyền chạy thong dong một vòng trên sông Hương, trong chốc lát cũng đã chất đầy một thuyền. Người dân khi ấy mạnh ai nấy làm mà không phải giành giật nhau bởi hến nhiều vô kể. Trung bình mỗi chiếc đò máy cỡ vừa chở được 10 bao, cỡ ba tạ hến, sau khi luộc thu được 40-50 kg hến xác. Giá mỗi kilôgram ngày trước chỉ từ 10.000 đến 15.000 đồng, nay loại nhỏ nhất cũng lên đến 40.000-50.000 đồng/kg.
 
Từ khi người dân chuyển sang đánh bắt bằng thuyền máy, năng suất cao gấp nhiều lần mò bằng tay và cào tre nên hến chưa kịp sinh sôi đã “tiệt”. Người ta phải đến những khu vực xa hơn như đoạn ngã ba Sình, các sông suối hoặc quanh vùng đầm phá Tam Giang mới mong tìm được hến. Mỗi lần thuyền nổ máy, người cào đứng trên mũi thuyền, nổ máy điều khiển hướng thuyền chạy. “Chỉ cần ba ngày làm liên tục, cộng với từ hai đến ba chiếc đò máy là “quét” gọn hết hến sống trong phạm vi một cây số quãng đường sông, còn nếu cào bằng tay thì cỡ vài tháng có khi chưa hết hến” - một người dân cào hến lâu năm ở đây cho biết.
 
 
Bến đò cồn Hến.
 
Làng cồn Hến bây giờ chỉ còn sót lại hai, ba người đàn ông vẫn kiên trì bám trụ với nghề, lâu lâu dong thuyền ra sông Hương cào bắt. Còn phần đông các hộ đã bán đò chuyển sang làm nghề khác. “Bữa tui mua cái đò nớ chừ tính thành tiền cũng gần 20 triệu đồng, rứa mà cách đây ba tháng bán được có 7 triệu đồng chớ mấy” - ông Nguyễn Khánh nhắc lại. Ông là người duy nhất trong làng Cồn đến giờ vẫn còn giữ lại chiếc cào hến bằng tre dựng ở góc nhà. 61 tuổi, da ngăm đen vì nắng nhuộm, móng tay móng chân cũng tướm vàng hết cả bởi hơn 30 năm nhọc nhằn với nghề.
 
Ông Hiền, một người cào có thâm niên không giấu được nỗi buồn sau khóe mắt: Phải liên tục di chuyển địa điểm làm ăn, hết xuôi về hạ nguồn rồi ngược lên thượng nguồn sông Hương mới hy vọng tìm được hến mà lời lãi chẳng được bao nhiêu nên nhiều hộ gia đình không còn thiết tha với nghề cào hến nữa.
 
Nặng lòng với nghề cha ông
 
Người cồn Hến vẫn còn nặng lòng với nghề lắm, như thể con hến vận vào đời họ. Dù hến có cạn kiệt, cả những con đường đất xưa kia vốn ngập đầy vỏ hến nay không còn nhiều nhưng những lò hến vẫn còn đó, vẫn nghi ngút khói than mỗi ngày.
 
Nhưng nạn khai thác cát bừa bãi dưới đáy sông Hương đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự sinh sôi phát triển của hến, giắt. Sà lan, đò máy vô tư dùng bơm rút cát, đục, khoét đáy nham nhở khiến lòng sông Hương bị thương nặng, loang lổ hàng trăm hố trũng chỗ lõm, chỗ lồi. Trung bình mỗi ngày ước tính có khi con người tận thu được hơn 400 m3 cát. Khai thác vô độ, thiếu quy hoạch đã khiến nước sông Hương bị ô nhiễm nghiêm trọng. Không ít thuyền của dân phường hến bị lật hoặc bị tai nạn thương tâm. Người làng cồn vẫn thi thoảng nhắc lại chuyện buồn của gia đình ông Mãi ở xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, đi cào hến bị chìm thuyền vì vướng phải hố ếch sâu hoắm dưới lòng sông Hương… Ông Nguyễn Văn Gập - Hội Chủ phường hến Vỹ Dạ, trầm ngâm: “Cả làng bây giờ chỉ còn chín lò sản xuất thủ công, vẫn thu mua và gom, luộc hến mỗi ngày. Con số này khiêm tốn quá chừng so với khoảng thời gian chục năm trước đó, khi về làng bước tới đâu cũng nghe lạo xạo tiếng vỏ hến dưới chân”.
 
Lò hến chị Nở, một trong những lò còn bám trụ đến giờ. Ảnh: YÊN AN
 
Khi được hỏi, giả sử tương lai nếu chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế ngưng hẳn được việc khai thác cát sạn trái phép trên lòng sông Hương, trả lại môi sinh cho loài hến thì liệu người dân nơi đây có quay lại với nghề này, ông Khánh nhìn xa xăm ra bờ sông: “Hến là trời sinh. Tui nghĩ chờ cho hến sinh sôi lại cũng mất 5-10 năm nữa, mà thế hệ cha ông chúng tôi ngày xưa làm nghề này chừ cũng chết hết rồi, bọn trẻ cũng kiếm nghề khác thu nhập cao hơn chứ chẳng ai nghĩ tới việc đi cào hến cho cực thân mô...”. Nói đoạn, ông lại thẫn thờ nhìn ra bờ sông rồi tiếp: “Thực ra, cào hến chỉ là một nghề mưu sinh, nếu đánh bắt có chừng mực thì không hẳn gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan TP như một số người nói…”.
 
Chú Gập cũng trăn trở: “Ước muốn làm lại như trước đây thì không thể rồi, giờ chỉ mong mỗi con dân xứ cồn Hến còn giữ lại phong tục tế lễ cầu nghề hằng năm chứ tương lai thì ‘‘đứt rồi’’.
 
Nói là vậy nhưng trong sâu thẳm những người gắn bó với nghề hến lâu năm vẫn tâm niệm: Phải giữ gìn cái nghề sông nước đã nuôi dưỡng họ lớn lên bên bờ sông Hương thuở bé. Người dân cồn Hến vốn mộc mạc, giản dị, nói ít nhưng nghĩa nhiều. Tiếp xúc với họ, thấy ai cũng chỉ thỏ thẹt đôi ba câu đơn giản. Chị Nở, chủ một lò hến ở đường Ưng Bình, bộc bạch:
 
“Sinh nghề tử nghiệp. Cái nghề ni hắn cực thì cực thiệt nhưng mà không có chuyện tụi tui bỏ nghề mô, cha ông để lại hàng trăm năm ni rồi mà”.
 
Tôi chia tay cồn Hến trở về khi ráng chiều vừa buông, mơ hồ cảm nhận dường như đâu đó sau lũy tre làng Cồn vẫn còn những con người kiên gan bám trụ với nghề, vẫn vịn vào đời hến nhỏ lênh đênh mà hát lên câu ca của xứ cồn xưa…
 
Mua hến nơi khác để giữ nghề
 
Cồn Hến được đặt tên chính thức vào đầu niên hiệu Gia Long (1802-1820). Cồn có diện tích hơn 30 ha, nằm về phía trái kinh thành Huế, là một ốc đảo nổi lên giữa sông. Hai bên là dòng phì nhiêu phù sa, thuận lợi cho tôm cá sinh sôi nảy nở. Ban đêm, dân địa phương thường soi đèn đốt đuốc đi đơm cá, cất tôm nên nơi này còn có tên khác là cồn Soi.
 
Cồn Hến nhìn từ trên cao. Ảnh: YÊN AN
 
Từ 1975 đến trước 1999 được xem là giai đoạn nghề hến thịnh nhất. Cồn Hến khi ấy có gần bốn chục chiếc thuyền ngày ngày xuôi dòng Hương làm ăn. Từ năm 2000 trở lại đây, người dân cồn Hến phải thu mua từ các nguồn bên ngoài, ở các địa phương xa hơn như làng Vĩnh Tu, làng Thuận Hòa (Huế) và nhiều nhất vẫn là từ Quảng Trị vào.
 
Thuyền chở hến từ các nơi khác về cồn Hến đều bằng đường sông. Hến sống được bỏ vào thùng xốp hoặc đóng bao rồi theo thuyền chạy dọc sông Bồ về ngã ba Thanh Phước, có khi cập bến ngay dưới chân cầu Phú Lưu - cây cầu nhỏ dẫn vào cồn Hến để người dân tiện đến lấy mang về lò. Hến làng cồn trước đây còn được chuyển vào các tỉnh, thành xa hơn như Đà Nẵng, TP.HCM... nhưng nay gần như chấm dứt hẳn.
 
 
 
 

Tác giả: Yên An

 Tags: huế, cồn hến

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập229
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm228
  • Hôm nay44,216
  • Tháng hiện tại678,802
  • Tổng lượt truy cập57,964,671
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây