Tinh thần phục vụ của Linh mục.

Thứ năm - 29/09/2011 09:14

-

-
Bài chia sẻ với linh mục đoàn dịp tĩnh tâm tháng 9/2011 tại giáo phận Bùi Chu.
Tinh thần phục vụ của Linh mục
 
Bài chia sẻ với linh mục đoàn dịp tĩnh tâm tháng 9/2011 tại giáo phận Bùi Chu
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 9,31-35)

“Khi ấy, Chúa Giêsu dạy các môn đệ rằng: ‘Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại’. Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Capharnaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: ‘Dọc đường anh em bàn tán điều gì vậy?’ Các ông làm thinh, vì khi đi đường các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi nhóm Mười hai lại mà nói: ‘Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người’”. Đó là Lời Chúa.

Người giáo dân sẽ nghĩ như thế nào, khi Đức Giáo hoàng và các Đức Giám mục cãi nhau?! Thế mà HĐGM đầu tiên trên thế giới đã cãi nhau! Các đấng cãi nhau ngay ngoài đường về vấn đề quyền bính trước mặt Đức Giêsu, nhưng Ngài đã nín nhịn. Về tới nhà Ngài mới hỏi: “Dọc đường anh em bàn tán với nhau chuyện gì thế?” Chúa hỏi là ‘bàn tán’ cho nó nhẹ nhàng thôi, chứ thực ra là các cụ nhà mình vừa cãi nhau một trận cũng tương đối đấy!

Cụ Giám mục Giacôbê đã có kinh nghiệm về sự cãi nhau, ghen tương là không tốt, là nguy hiểm, nên trong thư cụ viết cho bà con ta như sau: “Đâu có ghen tương và tranh chấp, đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa… Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải bởi điều này sao: là chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em: anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ghen ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột nhau, gây chiến với nhau” (x. Gc 3,16; 4,1-2).

Tại sao các Thánh Tông đồ lại cãi nhau để tranh giành quyền bính, vai vế cao thấp, mà lại không ai dám tranh nhau về việc phục vụ? Mạnh Tử cho rằng: “nhân chi hoạn, tại hiếu vi nhân sư”, nghĩa là: cái bệnh của người đời là hay thích làm thầy thiên hạ. Cha Henri Nouwen đã nói: “Chúng ta đã không ngừng bị cám dỗ dưới quyền lực thay thế cho tình yêu. Chúa Giêsu đã trải qua cơn cám dỗ ấy một cách vô cùng đau thương, từ sa mạc đến thập giá. Còn lịch sử dài và đau thương của Giáo Hội là lịch sử của những con người chọn lựa quyền lực thay cho tình yêu, chọn lựa thống trị thay cho thập giá, chọn lựa làm lãnh đạo thay cho được lãnh đạo”. Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm và mời gọi người môn đệ thân yêu của mình là Timôthê hãy can đảm: “Con hãy làm việc lao nhọc và chịu đựng như là một người lính tốt của Chúa Kitô” (2 Tm 2,3).

Nhưng theo Chúa Giêsu, quyền bính và phục vụ phải gắn liền với nhau làm nên bản chất người môn đệ. Chúa Giêsu luôn phải vất vả dạy lại bài học và môn học khó nhất trên đời, nhưng lại là môn học phổ thông nhất (giống như văn hoá phổ cập), đó là môn học yêu thương phục vụ: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Thánh Phêrô đã ngỡ ngàng vì Thầy quỳ xuống rửa chân cho mình và tất cả anh em. Nhưng Chúa đã nói trước rằng: “Thầy sống giữa anh em như người đầy tớ”. Môn học này người ta phải học cả đời mà không có ngày ra trường, mãn khoá; vì thực sự học tới chết mà vẫn không xong, không đạt kết quả để đến khi vào thiên đàng vẫn bị loại ra cả đống! Quả thật đây là môn khó học, khó dạy và khó thực hành nhất trên đời. Nó nằm trong chương trình quy hoạch tổng thể bao trùm mọi công việc của người môn đệ mà Chúa Giêsu luôn đòi hỏi gay gắt, quyết liệt.

Theo Chúa, bao gồm cả sự cho đi tận tuyệt, trọn vẹn. Chúa không đòi hỏi chúng ta phải là con người siêu việt. Điều đòi hỏi đơn giản là người ta trước hết phải nhận biết những yếu đuối của mình để được cứu chuộc: “Sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9).

Để hiểu được Chúa Giêsu thì cần phải chịu đau khổ với Ngài, theo Ngài bằng sự từ bỏ con người của mình. Ai thực sự hiểu được Chúa Giêsu, người đó chính là vị tử đạo, tử đạo không chỉ bằng lời nói mà còn bằng những hành động nữa, người đó đã quảng diễn cuộc đời của mình cho đến cuối cùng. Chúng ta sẽ được hoà nhập vào mầu nhiệm của Chúa Giêsu trong chiều kích chúng ta sẵn sàng chịu đau khổ với Ngài, và lúc đó chúng ta sẽ không hổ thẹn về Ngài và về những lời Ngài.

Chính vì người ta quên mất mình là môn đệ Chúa Kitô nên cứ mải mê phấn đấu đạt được những tiêu chuẩn kiểu thời đại thực dụng. Chính vì đánh mất hương vị của tình yêu đích thực nên người ta ra sức tìm những vỏ bọc hời hợt, giả tạo để che lấp. Dáng dấp của sự phục vụ hôm nay có mang theo nhiều thứ tinh vi khôn lường của ma quỷ. Có khi người ta còn hy sinh nhiều hơn cho kế hoạch ấy mà lại cứ tưởng là đang phụng sự Chúa! Biết bao nhiêu sự tranh đấu, tranh chấp, dấn thân sai mục tiêu. Đức hồng y Carlo Martini nói: “Điều cơ bản là không phải đấu tranh tới chỗ đổ máu, mà là tìm được sự hoà thuận và những đường lối thích hợp”.

“Nguy cơ cho giáo hội ngày nay không phải là vì bách hại mà là đánh mất hương vị của mình, thiếu những người làm chứng rõ rằng thánh giá, toàn thánh giá trong Chúa Kitô có thể nên vinh hiển, nguồn mạch cứu độ” (ĐHY. Josef Tomko giảng tại Đài Loan 23/11/2009). Chúng ta đánh mất hương vị của mình khi chối từ đau khổ; khi không dám ghé vai vác thập giá được trao ban ngoài ý muốn.

Những thứ chủ nghĩa và các mối quan hệ công chúng trong xã hội hiện đại hôm nay đang làm chao đảo và điên đảo con người. Tính ‘hợp pháp tinh vi’ của quyền hành và sự hưởng thụ cá nhân đang lôi kéo chúng ta xa rời tâm tình dấn thân phục vụ và sự hy sinh vô vụ lợi của người tông đồ. Những sự bao che, ngụy biện của một ‘lương tâm có vấn đề’ đang lấn lướt cuộc sống bình an của chúng ta từ hành vi cử chỉ nhỏ nhặt cho tới những ứng xử hằng ngày. Thánh Augustinô nhận định: “Trong đời sống người kitô hữu, có một cuộc chiến đấu giữa hai thứ tình yêu: yêu Thiên Chúa cho đến từ bỏ bản thân mình và yêu bản thân cho đến nỗi chối bỏ Thiên Chúa”. Đó là sự thật luôn được chứng minh cụ thể.

Thánh Têrêsa Avila nói: “Chúa không cần việc làm của chúng ta, Người chỉ muốn tình yêu thúc đẩy những công việc ấy”. Còn Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu thì nói: “Thiên Chúa chẳng cần đến việc làm của chúng ta nhưng Người khát tình yêu của chúng ta”. Thiên Chúa không chờ đợi nơi chúng ta những việc làm, những hoạt động, sản phẩm của một việc lành nếu không làm vì tình yêu. Thánh Gioan Thánh Giá bảo: “Tình yêu luôn biết lợi dụng tất cả, điều lành cũng như điều dữ”. Tình yêu biết lợi dụng những cảm động cũng như những khô khan, những tư tưởng cũng như những trống rỗng, nhân đức cũng như tội lỗi.

Thực trạng của đời sống tu trì hôm nay, cái làm cho người ta ngại sống không phải là nếp sống khó nghèo mà là những chuyện khác. Chuyện khác đó là những đối diện trực tiếp trong các mối tương giao con người trong một thời đại đang quan niệm tự do dân chủ, tự do nhân quyền; khiến mình dù trong bậc tu cỡ nào cũng phải đòi cho bằng được một chút quyền mà quên mẫu gương Thầy Giêsu: “Dù là Thiên Chúa nhưng không nhất thiết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa... đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá”. Đó là điều chính yếu trong đời dâng hiến phải có, nếu không chỉ là lối sống vô nghĩa hay sống để lừa đảo, tranh giành hơn thua với nhau mà thôi.

Liên Hội đồng Giám mục Á Châu năm 2000 đã đưa ra cái nhìn khái quát về người linh mục hôm nay là: con người của sự đối thoại, con người của sự thiêng thánh; con người trưởng thành và con người khiêm tốn phục vụ. Vì thế, Chúa Giêsu dạy: “Giả như có làm xong việc thì cũng hãy nói: chúng tôi là đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm công việc bổn phận đấy thôi”.

Giáo dân càng ngày càng đòi hỏi sự phục vụ của chúng ta ở mức độ cao. Và xem ra tương quan cuộc sống con người hôm nay nhiều khi được nhìn như một siêu thị để mà chọn lựa và bình phẩm hàng hoá. Do đó, đôi khi người giáo dân cắm cúi đi tìm nơi người tu hành một sự nâng đỡ vật chất và chỉ coi đó là tiêu chuẩn cao để đánh giá bậc tu hành. Đó là điều sai lầm. Cần phải chỉnh đốn và giáo dục cho họ ý thức lại cho đúng. Bởi nó sẽ dẫn tới hậu quả không tốt cho họ và cho chính nhà tu hành. Quả thật, cũng có phần đáng sợ khi cuộc sống chỉ coi nhau như món hàng hay sự giá trị về mặt kinh tế: khi nào còn tốt thì sử dụng khi hết hạn thì vất đi. Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II chia sẻ: “Sự ác trong thời đại chúng ta trước hết hệ tại ở chỗ hạ giá và tầm thường hoá tính độc đáo duy nhất nền tảng của mỗi một con người. Cái ác này không chỉ ở trên bình diện đạo đức nhưng sâu xa hơn, trên bình diện hữu thể. Đối diện với cái ác này, cái ác mà những hệ tư tưởng vô thần cổ súy, chúng ta phải chống lại, không chỉ bằng những tranh biện vô bổ nhưng phải tìm cách ‘khôi phục’ huyền nhiệm về con người như một ngôi vị” (Hiệp Thông số 64/2011, tr.171).

“Giáo Hội phục vụ tất cả những gì làm nên cuộc sống con người, trong lao động, trong gia đình, trong xã hội, để tất cả được hoàn thành trọn vẹn cho lợi ích của con người. Đó không phải là một chiến thuật để lôi kéo họ về với Giáo Hội. Nhưng đó là một dịch vụ Kitô giáo (service Chrétien) để cho con người được sống và được hạnh phúc tràn đầy. Với danh hiệu đó, người kitô hữu, giáo dân và linh mục phải có mặt và hoạt động trọn vẹn và chân thành trong chính cuộc sống của thế giới” (Hồng y François Marty).

Người ta kể về cha Mesrchler như sau: “Cho đến phút cuối cùng, ngài vẫn làm việc không mệt mỏi, bút viết luôn cầm trong tay. Ngài là một bạn đồng nghiệp luôn có những câu đối đáp dí dỏm, một người bạn luôn có lời ủi an, một người biết cầu nguyện trong thinh lặng và kiên trì, một mẫu gương đơn sơ như trẻ em, một sự vô tư trọn vẹn. Ngài không bao giờ tìm tư lợi cho bản thân trong bất cứ điều gì”.

Nói về việc đề cao linh mục, một người hỏi cha Gioan Maria Vianney: “Nhưng thưa cha xứ, tuy vậy có rất nhiều vị tử tế trong hàng giáo phẩm chứ? Ngài nói: ‘Bạn nói sao? dĩ nhiên là có nhiều người lương thiện giữa chúng tôi chứ. Nếu không có ở đó, lạy Chúa Trời cao cả, thì ở đâu mới có?’ Nhưng muốn dâng thánh lễ, phải là một Sêraphim. Nếu người ta biết được thánh lễ là gì người ta sẽ lăn ra chết đấy. Chúng ta chỉ có thể hiểu được hạnh phúc được dâng thánh lễ ở trên trời mà thôi. Hỡi bạn! nguyên nhân của mọi thảm hoạ và của sự sa sút nơi các linh mục là vì người ta không chú ý đến thánh lễ. Vô phúc thay! Vị linh mục thật đáng chê trách khi dâng lễ như làm một việc tầm thường. Có những vị đã bắt đầu thật tốt, thật sốt sắng trong vài tháng! Và sau đó… Ôi! khi mình nghĩ tới Thiên Chúa cao cả của chúng ta đã muốn giao công việc ấy cho những tên khốn nạn như chúng ta! Cái tai ác, là chính những tin tức thế giới ấy, những câu chuyện ấy, báo chí, chính trị ấy, người ta nhét đầy đầu rồi sau đó người ta đi dâng thánh lễ, đọc kinh nhật tụng. Ao ước lớn của tôi là rút về Fourvière không còn lo lắng về ai nữa, và sau khi đã cầu nguyện thật sốt sắng, đi thăm bệnh viện. Ôi được vậy, tôi sẽ sung sướng biết bao! Nhưng bạn này, đừng mất tin tưởng. Nhưng nghe này! Đọc sách nhật tụng thì nhẹ như lông hồng! Cái làm hư hỏng các linh mục là cứ mãi đi thăm nhau. Lâu lâu thăm viếng một anh bạn linh mục để giúp nhau, để xưng tội thì tốt. Nhưng cứ chạy xuôi chạy ngược, vô phúc thay! Bạn còn là phụ phó tế, ôi! Phúc cho bạn! một khi đã là linh mục rồi người ta chỉ còn thì giờ để khóc than sự khốn nạn của mình! Để trở nên thánh phải là điên rồ. Điều khiến chúng ta, những linh mục không nên thánh được chính là thiếu suy nghĩ. Chúng ta không chịu hồi tâm lại và chẳng còn biết mình làm cái gì nữa. Điều chúng ta cần đó là sự suy nghĩ, tâm niệm, sự kết hiệp với Thiên Chúa. Khốn thay một linh mục thiếu mất tính nội tâm! Nhưng muốn vậy phải có sự thanh thản, im lặng, tĩnh tâm bạn ạ! Tĩnh tâm! Chính trong cô tịch mà Thiên Chúa thường ngỏ lời. Đôi khi tôi nói với Đức cha Devie: ‘Nếu Đức cha muốn hoán cải giáo phận của mình, ngài phải biến tất cả các cha xứ của ngài thành những vị thánh. Phương tiện để sống tốt đối với một linh mục là sống như ở chủng viện. Nhưng đâu phải lúc nào cũng làm được’” (Gioan Maria Vianey, Cha sở họ Ars, tr. 73).

Xưa nay, rất nhiều người đã công phu cố gắng phác họa chân dung người linh mục với tất cả vẻ đẹp, sự sang trọng, thánh thiêng và quý giá của nó. Khi suy nghĩ những dòng suy niệm này, con cũng đã cố gắng bỏ ra rất nhiều thời gian để vẽ tiếp thêm mấy cái râu ria cho chân dung linh mục hôm nay xem có phù hợp không. Con thấy đời sống linh mục càng ngày càng phức tạp, rắc rối, luôn bị giằng co, khó xử, bên cạnh những mối liên hệ và những cái nhìn sau đây trong bài phát biểu của Fouad Twal, Thượng phụ Latinh Giêrusalem:

“- Con người càng ngày càng dễ độc ác hơn với nhau và khó tha thứ…
- Người ta khó đón nhận những đổ vỡ.
- Sự pha trộn của các khía cạnh tốt xấu trong các lãnh vực ngày càng nhiều và tinh vi do khuynh hướng toàn cầu hoá.
- Các quyền lực xem ra bế tắc trong vấn đề giải quyết các mối xung đột.
- Các lực lượng của chủ nghĩa cực đoan đang phát triển và có nhiều người đi theo, ủng hộ.
- Những khả năng cho một giải pháp công bằng đang nhanh chóng suy giảm.
- Ở đâu người ta cũng tìm cách tránh né cô đơn và sự thật kể cả ngay trong lương tâm của mỗi người. Hậu quả là những lối sống buông thả, tự do, cuồng nhiệt, thác loạn, cạnh tranh, giành giật, hư đốn…”.

Những sự khủng hoảng phát sinh từ sự bế tắc đó. Cho nên, các linh mục cần phải thường xuyên đi tìm chỗ “tầm quất, massage” cho linh hồn mình để cho nó đỡ đi! Nơi Chúa Giêsu hiển hiện rõ nét của những mối ưu tư này. Có khi Ngài phác họa, loan báo; có khi Ngài ra tay, dấn thân cao độ; có khi Ngài tìm nơi chốn, người cộng tác thích hợp; có khi Ngài áp dụng phương pháp thi hành: sự cứng rắn hay mềm dẻo tùy hoàn cảnh, tình huống. Hằng ngày Chúa Giêsu vẫn phục vụ chúng ta như một nhân viên massage, tầm quất tuyệt vời! Ngài “massage, tầm quất” linh hồn chúng ta bằng sự an ủi, vỗ về, nâng niu, chiều chuộng, nũng nịu để cho chúng ta được nghỉ ngơi thư giãn phần hồn, nếu Ngài không chiều chuộng như thế thì chúng ta đã chết hết rồi!

Dịp hội ngộ linh mục tại Rôma ngày kết thúc Năm thánh Linh mục 2010, ĐTC Bênêđictô XVI nhắn nhủ các linh mục đừng cố gắng làm đủ mọi việc, nhưng nên chú trọng trên những lãnh vực chính yếu đó là: cử hành bí tích, rao giảng thật tốt, giúp đỡ người thiếu may mắn. Ngài cũng nhắn nhủ các linh mục đừng quên củng cố đời sống tâm linh, và khi cần thiết phải biết tìm thấy can đảm và khiêm nhu để nghỉ ngơi (Hiệp Thông số 59, tr. 59). Thiếu tinh thần hiệp thông cũng làm cho tinh thần phục vụ bị giảm sút; có khi dẫn tới sự khủng hoảng và những lệch lạc nghiêm trọng. Linh mục rất cần có thời gian để phục hồi chức năng, tập huấn, thường huấn, bồi dưỡng, bổ túc bằng sự tĩnh tâm, để trong cầu nguyện mới biết rằng: đôi khi phải hành động, đôi lúc chỉ nên đón nhận. Đôi khi phải nghỉ ngơi, đôi lúc phải chiến đấu. Thời gian này, chúng ta cần nhắc lại câu nói của thánh Augustinô: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”; và của thánh Phanxicô Salêsiô: “Lạy Chúa, con chỉ là củi khô: xin Chúa hãy châm lửa!”.

Thinh lặng trong sự cô đơn, kể cả thất bại trở thành cần thiết cho tâm hồn biết suy nghĩ và tận dụng nó như một ân ban. Ân ban đó chính là cuộc gặp gỡ thân mật riêng tư hơn với Thiên Chúa: “Khi nào ta đánh mất đi sự đụng chạm với sự hiện diện của Đấng Cứu Chuộc yêu thương, thì khi ấy cuộc sống sẽ trở nên một gánh nặng không thể chịu đựng được, và ta sẽ chỉ thấy phải xoá đói giảm nghèo, phải vạch mặt bất công, phải chiến thắng bạo động, phải chấm dứt chiến tranh và phải xoá bỏ cô đơn. Tất cả những thứ ấy đều là những vấn đề nghiêm trọng và kitô hữu phải cố gắng giải quyết; tuy nhiên, khi quan tâm của ta không còn xuất phát từ việc ta đích thân gặp gỡ Đức Kitô hằng sống nữa, ta sẽ thấy một sức nặng khủng khiếp” (Henri Nouwen, Chỉ có một điều cần thôi, tr. 29tt).

“Cuộc sống nào không có một nơi vắng vẻ, nghĩa là, cuộc sống nào không có một trung tâm thanh vắng, sẽ dễ dàng bị hủy diệt. Khi chỉ biết bám vào những kết quả của các hoạt động của ta như một cách duy nhất để khẳng định chính mình, ta sẽ trở nên ích kỷ và lo âu; và sẽ có khuynh hướng nhìn anh chị em mình như những kẻ thù phải xa tránh, chứ không phải là những bạn hữu ta đang chia sẻ những ân huệ của sự sống. Trong sự thinh lặng nội tâm, ta có thể dần dần lật tẩy sự ảo tưởng của tính tham lam, và sẽ khám phá ra ngay tại cõi lòng của mình rằng ta không phải là những gì ta có thể chinh phục, mà chỉ là những gì đã được ban cho ta. Mình có thể nghe tiếng của Đấng đã nói với mình trước khi mình biết nói lên lời, đã chữa lành cho mình trước khi mình có thể giơ tay kêu cứu, đã giải thoát mình từ lâu trước khi mình có thể giải thoát kẻ khác, và đã yêu thương mình trước khi mình có thể yêu thương tha nhân. Mình khám phá ra rằng những gì mình là quan trọng hơn những gì ta có, và bản thân ta giá trị hơn mọi thành quả của ta; ta khám phá ra rằng sự sống của ta không phải là một gia tài cần bảo vệ, nhưng là một quà tặng cần được chia sẻ. Chính lúc chia sẻ ấy mà ta nhận ra rằng những lời nói có tính chữa lành ta nói ra không phải là của ta, nhưng là những lời được ban cho ta; tình yêu ta có thể diễn tả là một phần của tình yêu vĩ đại hơn; và cuộc sống mới ta đem đến không phải là gia tài phải bám lấy mà chỉ là một quà tặng được đón nhận” (Henri Nouwen, Sđd, tr. 39).

“Thời đại này mời gọi chúng ta phải lo ngại về sự lan rộng của bóng tối, sự bành trướng của cái ác, sự sai lầm của ‘cái tôi’, sự lạm dụng của quyền lực, sự hưởng thụ của ích kỷ của cá nhân… đang đe dọa và lấn át đời sống chứng nhân của chúng ta. Làm thế nào để đương đầu, làm sao để giải gỡ những bế tắc cho một xã hội, một tổ chức, một cơ quan, một cá nhân khi mà nền tảng của họ đã không được thấm nhuần tinh thần Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô? Chính trong Thiên Chúa mà ta tìm được đồng loại và khám phá ra trách nhiệm của ta đối với họ. Thậm chí ta có thể nói rằng chỉ trong Thiên Chúa đồng loại của ta mới trở nên đồng loại đích thật, chứ không phải là một cái gì đó bám vào sự độc lập của ta, và chỉ trong và nhờ Thiên Chúa ta mới có thể phục vụ” (Henri Nouwen, Sđd, tr. 79). Đối với chúng ta, làm việc cho công lý hoà bình và trở nên những người hoạt động đích thật theo nghĩa tốt của từ ngữ ấy, chính là làm mà không phải vì ta cần chứng minh cho mình hoặc cho ai khác rằng ta đáng yêu. Nhưng, vì chính ta đụng chạm được tư cách là con yêu dấu của Thiên Chúa mà ta tự do hành động theo sự thật, ta hoạt động cho công lý hoà bình bất cứ khi nào ta thấy cần và khước từ bất công. Nếu như Thiên Chúa săn sóc ta, thì điều rất quan trọng là ta cũng phải săn sóc Thiên Chúa trên trần gian này! Thiên Chúa trở nên một Thiên Chúa vấp ngã, đã ngã gục trên thập giá, đã chết cho ta, và đã hoàn toàn cần đến tình yêu thương. Thiên Chúa đã làm thế để ta có thể gần gũi Ngài (cũng như người ta dễ gần gũi người hèn mọn hơn người cao sang). Thiên Chúa, Đấng yêu thương ta là một Vị Thiên Chúa trở nên mỏng dòn, lệ thuộc trên thập giá.

Sự vươn lên và vươn ra thế giới, xã hội và con người hôm nay cũng kéo theo cả căn tính và sứ vụ của linh mục nữa. Đôi khi chúng ta muốn bắt chước cho kịp thời đại. Đôi khi chúng ta cũng muốn hội nhập, hoà nhập. Đôi khi chúng ta cũng muốn chạy đua về phương tiện, phương pháp, phương hướng như một công chức nhà nước… Người trẻ có cơ hội này hơn người già. Người đi sau thích ứng dụng hơn người đi trước. Giáo Hội và xã hội có những lãnh vực, phương diện cần hợp tác, nhưng có những thứ phải độc lập hoàn toàn. Ranh giới đạo, đời, Giáo Hội, xã hội, tinh thần, vật chất, thánh thiêng, phàm tục… nhiều khi rất khó phân biệt, rất dễ lẫn lộn, và có khi bị đảo lộn! Chính con người chúng ta làm cho nó bị đảo lộn. Linh mục phải giữ được sự thăng bằng trước hết từ trong chính tâm hồn và căn phòng riêng của mình. Không có bậc sống nào đòi hỏi phải có một sự hài hoà và kết hợp chặt chẽ, một bên là các nhân đức bản thân và bên kia là các bổn phận nghiệp vụ cho bằng bậc linh mục. Đức cha Bùi Tuần viết: “Cái nguy hiểm của người môn đệ Chúa Kitô hôm nay là đang thích hưởng thụ ở chế độ cao”. Người trẻ thích hưởng thụ hơn người già. Cũng có người già tranh thủ hưởng thụ kẻo hết đời! Sự tinh vi, tinh tế của ma quỷ quả là thế. Chính chúng ta cũng có lúc muốn biện minh theo chiều hướng của ma quỷ và sự dữ. Lối sống lành mạnh và quân bình trong đời sống tận hiến rất khó và rất quan trọng. Thách đố biết giữ lấy sự quân bình đã là anh hùng lắm rồi.

Đức Giám mục Tổng thư ký xuất sắc của HĐGM tiên khởi là thánh Gioan Tông đồ đã dám viết về người bạn của mình là ông Giám mục Giuđa đang giữ chức Chủ tịch UBBAXH trong câu chuyện xức dầu thơm tại Bêtania như sau: “Y (Giuđa) giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung chứ không phải là để lo cho người nghèo” (Ga 12,5-6). Cũng may Giuđa chết trước Gioan, chứ nếu ông mà đọc được điều này thì Gioan cũng bị khốn khổ đấy!

Hãy bắt chước thánh Phaolô mà thú nhận rằng: “Thật vậy, tất cả chúng ta nữa, xưa kia chúng ta cũng ngu xuẩn, không vâng lời, lầm lạc, làm nô lệ cho đủ thứ đam mê và khoái lạc, sống trong gian ác và ganh tị, đáng ghét và ghen ghét lẫn nhau. Nhưng Thiên Chúa đã cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại. Không phải vì tự sức chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần để chúng ta được tái sinh và đổi mới” (Tt 3,3-5). Thánh nhân còn lặp lại điều ấy trong thư gửi tín hữu Êphêsô: “Tất cả chúng tôi xưa kia cũng thuộc hạng người đó, khi chúng tôi buông theo các đam mê của tính xác thịt, thi hành những ước muốn của tính xác thịt và của trí khôn. Bẩm sinh chúng tôi là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như những người khác. Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã Người cũng cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ” (Ep 2,3-6).

Tìm nghe lại tiếng gọi từ lương tâm, tiếng gọi từ trách nhiệm, tiếng gọi từ sứ vụ tông đồ, tiếng gọi từ thánh chức, tiếng gọi vì phần rỗi đời đời sẽ là những động lực cơ bản, cần thiết giúp chúng ta suy nghĩ hằng ngày. Đồng thời cũng là những thách đố cho sứ vụ tông đồ và cũng là bản xét mình thường xuyên để cập nhật vậy. Amen.
 

Tác giả: LM Phêrô Bùi Trọng Khẩn

Nguồn tin: Vietcatholicnews

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập437
  • Hôm nay60,968
  • Tháng hiện tại1,210,003
  • Tổng lượt truy cập58,495,872
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây