Sự hiện hữu của người kitô hữu, một hiện hữu “được kêu gọi”?

Thứ hai - 10/12/2012 19:39

-

-
Tùy theo nền thần học giáo dân mà người ta khai triển, tôi muốn cho thấy rằng, kết quả là sẽ có một lối sử dụng đặc biệt thuật ngữ “ơn gọi”. Tôi xin tiến hành trong ba phần, tương ứng với ba khuôn mẫu thần học của sứ mệnh của giáo dân mà người ta từng khám phá vào thế kỷ XX.
SỰ HIỆN HỮU CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU, MỘT HIỆN HỮU “ĐƯỢC KÊU GỌI” ?
 
“Dựa vào điều gì mà sự hiện hữu của người kitô hữu có thể được gọi là một hiện hữu “được kêu gọi” ?” Đó là nhan đề nơi bản cuối cùng của chương trình mà quý vị đang có trong tay. Nơi một trong những bản trước đây, quý vị hẳn đã đọc thấy : “Dựa vào điều gì mà đời sống giáo dân có thể được gọi là một hiện hữu “được kêu gọi” ?” Đối với tôi, sự thay đổi nhan đề cho thấy những sự tiến triển và, cách nào đó, sự lờ mờ đã đánh dấu thần học về giáo dân. Tùy theo nền thần học giáo dân mà người ta khai triển, tôi muốn cho thấy rằng, kết quả là sẽ có một lối sử dụng đặc biệt thuật ngữ “ơn gọi”. Tôi xin tiến hành trong ba phần, tương ứng với ba khuôn mẫu thần học của sứ mệnh của giáo dân mà người ta từng khám phá vào thế kỷ XX. Hệ thống kiểu mẫu (typologie) được khai triển bởi các nhà thần học này, nhất là J. Grootaers [1], mượn cấu trúc của nó nơi bài thuyết trình của Đức Hồng y Feltin vào năm 1950 về một nửa thế kỷ sứ vụ tông đồ. Người ta phân biệt ba thời kỳ :
 
I. Thời kỳ gọi là “những việc làm” (œuvres);
II. Thời kỳ thần học giáo dân;
III. Thời kỳ từ Công đồng Vatican II đến hôm nay.
 
Đối với mỗi một giai đoạn này, chúng tôi sẽ thử xác định ngắn gọn thần học giáo dân đang nổi bật và tiếp đến việc sử dụng thuật ngữ “ơn gọi” tương ứng với nó. Mọi hệ thống kiểu mẫu chắc chắn đều là giảm trừ, dù nó rất gợi ý !

 
 
I. Thời kỳ những việc làm
 
A. Thần học giáo dân hiện hành
 
Thời kỳ đầu tiên này lên đến thế kỷ XIX. Dù ở trong một nền thần học rất giáo sĩ, nhưng nó đánh dấu một sự thức tỉnh giáo dân không thể chối cãi. Ở đây chỉ cần trích dẫn một vài tên tuổi cũng đủ, như Ozanam, Louis Veuillet, Montalembert, Léon Harmel…Kiểu mẫu hành động của các giáo dân này khá khác nhau nhưng những tên tuổi này không nên che khuất rằng, cách chung chung, thời kỳ này có nền tảng những gì mà người ta gọi là “những việc làm”, nghĩa là những thể chế kiểu truyền thống dựa trên nền tảng giáo xứ. Thần học giáo dân thời này cho rằng chính hàng giáo phẩm là người nắm giữ sứ mệnh và giáo dân có thể, trong trường hợp tốt nhất, tham gia, cộng tác vào sứ mệnh này. Giáo dân là thừa tác viên dụng cụ của hàng giáo phẩm. Nền thần học này nhắm bảo vệ Giáo Hội khỏi những nguy hại của thế kỷ và vun trồng một nền văn hóa phản ứng lại văn hóa đang thịnh hành (contre-culture). Thời kỳ này cũng được gọi là thời kỳ “phòng giữ” (préservation) và “bảo tồn” (conservation).
 
B. Ơn gọi
 
Hai yếu tố chính yếu cần được nêu lên ở đây.
 
Trước tiên, trước thời kỳ này, sự hiện hữu của người kitô hữu đã được xem như là được kêu gọi. Quả thật, việc chỉ rõ mọi đời sống kitô hữu như là một sự hiện hữu được kêu gọi, như là một ơn gọi, ít nhất có trước thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Trong bài chú giải Mt 22, thánh Tôma đã bảo vệ luận đề này bằng cách trích dẫn dựa vào thánh Gioan Kim Khẩu : “Hãy đi khắp các nẻo đường…những nẻo đường là tất cả nghề nghiệp của thế gian này, như triết gia, binh lính…Ngài nói “Hãy đi khắp các nẻo đường…” để kêu gọi những người thuộc mọi hoàn cảnh đến với đức tin [2].”
 
Và vả lại Y. Congar nhận xét : “Đặc biệt đáng chú ý những tu sĩ rao giảng, thậm chí những nhà tu đức và những nhà thần bí đã trình bày ý tưởng ơn gọi này cho mỗi người, trong hoàn cảnh của nó, và ý tưởng về sự thánh thiện trong bổn phận bậc sống được thực hiện “nhân danh Thiên Chúa”, tức là trong sự vâng phục yêu thương thánh ý của Ngài. Đặc biệt, người ta nhận thấy nơi Eckhart và nơi Tauler, cùng chính ý tưởng mà chúng tôi trình bày : Khi hoán cải trở về với Thiên Chúa, con người một lần nữa lãnh nhận từ Người cái thế giới, mà được dâng lại cho Người như là bổn phận và phục vụ. Ở đây Tauler minh nhiên nói về ơn kêu gọi hay ơn gọi (ruof) của Thiên Chúa [3]. Thật đã thích hợp để nhắc lại sự kiện lớn này mà đối chọi với việc dùng thuật ngữ “ơn gọi”  cho giáo dân vào đầu thế kỷ XX.
 
Vào thời này, thật khó để tìm ra những bản văn liên quan đến vấn đề ơn gọi riêng của giáo dân, hay thậm chí những cách dùng phạm trù ơn gọi cho những người không phải là linh mục hay tu sĩ. Một nghiên cứu có hệ thống Documantation catholique từ năm 1919 đến 1929 cho thấy rằng, trong các bảng thống kê, nó luôn luôn hệ tại ơn gọi linh mục và những bản văn bàn về giáo dân không bao giờ nói về ơn gọi.
 
Trái lại, đây là những gì người ta tìm thấy về sứ mạng của giáo dân trong môt bức thư mùa chay vào năm 1920 của Đức Cha Landrieux, giám mục Dijon : “Các giáo dân có vai trò của họ trong giáo xứ. Càng quan trọng bao nhiêu việc cha sở giữ cương vị của mình, người đứng đầu, vì ngài là mục tử giữa lòng Giáo Hội, là lãnh đạo đại gia đình, thì ngài càng phải khôn ngoan tin tưởng dành cho các tín hữu sứ mệnh của họ bấy nhiêu. Họ phải hợp tác, cộng tác như những thành viên của cộng đoàn. (…) Có lẽ chúng ta nên trách cứ chúng ta cách nào đó về điểm này. Chúng ta đã không luôn luôn biết làm cho họ lưu tâm đến công việc của chúng ta, cũng chẳng làm cho họ hiểu rằng những lợi ích tôn giáo của họ chỉ làm một với những lợi ích của chúng ta. (…) Cha sở cầm lái luôn luôn, và những sự tận tâm phụ giúp cho ngài đều là phụ thuộc, như trong gia đình, về đạo làm con [4].”
 
Bằng một cách khác, trong cuộc hội thảo của cha J. Leclercq, có nhan đề “Về vai trò của linh mục và giáo dân nơi những việc làm” [5], người ta nhận thấy đặc tính phụ thuộc của giáo dân nhưng cũng thấy sự hội nhập mặc nhiên của họ trong một nền thần học về ơn kêu gọi : “Là linh mục, đó là một sự nghiệp, thậm chí còn hơn cả một sự nghiệp, đó là một bậc sống ; đối với linh mục, thiên chức linh mục của ngài tương ứng với những gì mà đối với giáo dân là nghề nghiệp và tổ ấm của họ.” Bởi thế, nếu người ta không nhận thấy sự đề cập minh nhiên đến một ơn gọi, thì dường như sự hiện hữu của người giáo dân đã được hiểu như là một sự hiện hữu được kêu gọi.
 
II. Thời kỳ thần học giáo dân
 
A. Thần học giáo dân hiện hành
 
Nền thần học giáo dân thứ hai, mà xứng đáng với danh hiệu thần học giáo dân hơn, là nền thần học nảy sinh từ một suy tư thần học đổi mới trong những năm 1950-1960 [6] dưới ngòi bút của những khuôn mặt lớn của công đồng Vatican II : Y. Congar, K. Rahner [7], Đức Cha Philips, Đức Cha J. Leclercq và E.Schillebeeckx [8]. Nền thần học này dựa vào một sự phân chia nền tảng giữa thế giới và Giáo Hội, hướng ngoại và hướng nội, thậm chí giữa lãnh vực trần trần thế và lãnh vực thiêng liêng. Có nguy cơ làm méo mó, người ta có thể nói rằng những tác giả này sẽ dành riêng Giáo Hội, hướng nội và lãnh vực thiêng liêng, cho hàng giáo sĩ và thế giới, hướng ngoại và lãnh vực trần thế, cho các giáo dân. Nền thần học này, mà người ta nhận thấy những giới hạn hậu nghiệm hơn, vẫn cho thấy một sự thủ đắc quan trọng bằng việc dành cho giáo dân một xác quyết tích cực : lãnh vực ưa thích của họ là thế giới. Như thế người ta vượt qua lối mô tả hoàn toàn tiêu cực hệ tại chỉ thấy nơi người giáo dân cái không phải là giáo sĩ. Người giáo dân hoàn toàn được liên kết với sứ mệnh của Giáo Hội, bằng một sự xác quyết đặc biệt. Cũng thế Y. Congar đã nói trong cuốn Những cột mốc cho một nền thần học giáo dân của mình: “ Đối với người giáo dân, nói theo cách Kitô giáo, những gì hệ tại quy chiếu về Đấng Tuyệt Đối, đó là chính thực tại của những yếu tố của thế gian này [9].” Tính song cực giữa thế giới và Giáo Hội này được diễn đạt tinh tế và người ta thừa nhận rằng ở bên trong Giáo Hội, người giáo dân có thể mang đến một đóng góp chủ động, nhưng luôn luôn bằng vào sự hội nhập của mình trong trần thế [10]. Chính nền thần học này đã thắng thế trong Công giáo Tiến hành và mặt khác, sẽ khơi lên cuộc khủng hoảng ủy nhiệm (crise du mandat) đúng lúc mà việc điều chỉnh giữa trách nhiệm của hàng giáo phẩm và trách nhiệm của giáo dân trong sứ mệnh đang diễn ra.
 
B. Ơn gọi
 
Thật thú vị nhận xét rằng cuốn Những cột mốc cho một nền thần học giáo dân của Y. Congar có tám trang rõ ràng được dành cho “ơn gọi”. Những trang này trước hết chú tâm cho thấy rằng tất cả hiện hữu của người kitô hữu là một hiện hữu được kêu gọi, với khẩu hiệu sau : “Người ta có thể nói : tất cả là ơn gọi như Bernanos nói : “Tất cả là hồng ân” [11].” Và Congar nói tiếp : “Mọi người đều có một ơn gọi bởi vì trên mỗi người đều có một thánh ý Thiên Chúa, được sắp đặt cho việc thực hiện kế đồ này. Thánh ý này có thể được biểu lộ theo cách đặc thù nhưng, theo lệ thường, đối với mỗi người, nó được thể hiện trong những sở thích mà người ấy thừa kế về tính tình của mình, về giáo dục của mình, trong những hoàn cảnh của cuộc sống của mình, trong ơn kêu gọi mà, cách minh nhiên hay mặc nhiên, những người khác nói với mình,… [12]”
 
Nhưng Y. Congar không dừng ở đó, ngài sẽ khai triển một lý thuyết về ơn gọi hoàn toàn ăn khớp với thần học giáo dân của ngài. Quả thế, ngài phân biệt trật tự tạo dựng (créationnel) với trật tự ơn gọi (vocationnel). Đối với ngài, trật tự tạo dựng tương ứng với mười một chương đầu tiên của sách Sáng Thế Ký, lúc mà Thiên Chúa tự tỏ lộ như là nguyên ủy của mọi sự. Trật tự ơn gọi bắt đầu với chương 12 và lời Thiên Chúa mời gọi Abraham ra khỏi quê hương xứ sở của mình, “trật tự của dự định ân sủng mà lịch sử của nó làm tròn Thánh Kinh và được thực hiện ngày nay trong Giáo Hội [13].” Và tác giả của chúng ta nói tiếp : “Đối với chúng tôi, dường như sự phân biệt hai trật tự này có sự ứng dụng của nó trong vấn đề ơn gọi và tự nó mang lại một ánh sáng nào đó. Như thế, người ta sẽ thấy một ơn gọi theo nghĩa rộng, ơn gọi thuộc về trật tự tạo dựng và Quan Phòng phổ quát của Thiên Chúa, rồi một ơn gọi theo nghĩa chặt, được sắp xếp cách riêng và trực tiếp cho việc thực hiện dự định ân sủng, thuộc về một sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa [14].” Congar không bao giờ nói cách rõ ràng rằng trật tự tạo dựng là thuộc phạm vi của ơn gọi giáo dân và trật tự ơn gọi là thuộc phạm vi ơn gọi giáo sĩ, nhưng cách tinh tế hơn ngài nói rằng “các ơn gọi để phục vụ trực tiếp dự định ân sủng” là “cấp thiết”, chúng “được tổ chức về mặt xã hội trong Giáo Hội” và “cấu thành một bậc sống thánh thiêng đặc biệt”. Congar không loại bỏ thuật ngữ “ơn gọi” đối với trật tự tạo dựng, thậm chí ngài dựa vào “một quan niệm rất tích cực về các ơn gọi tạo dựng của người kitô hữu.” Đó chính là một nền thần học hoàn toàn ăn khớp với nền thần học giáo dân. Y.Congar nói tiếp : “Như đã làm, người ta có thể nói về chức năng Ađam của công trình tạo dựng và chức năng Kitô của công trình cứu độ, với điều kiện trước hết là làm rõ các mối liên hệ của chức năng đầu tiên với chức năng thứ hai, và tiếp đến, không phân chia chúng riêng cho giáo dân và riêng cho giáo sĩ : vì nếu các nhiệm vụ tạo dựng hay chức năng Ađam là thuộc phận sự của họ cách đặc biệt hơn, thì chúng tìm thấy ý nghĩa cuối cùng của chúng trong Chúa Kitô, và không ngăn cản giáo dân có phần trong chức năng cứu chuộc và trong những nhiệm vụ của Giáo Hội, như chúng tôi  đã cho thấy [15].”
 
Ở đây, người ta không thể tranh cãi về tính thích đáng của sự phân biệt này. Chúng ta chỉ cần nhấn mạnh sự loại suy cấu trúc giữa thần học giáo dân và thần học ơn gọi là đủ. Một mặt, người ta nhận thấy một sự phân biệt giữa Giáo Hội và thế giới và, mặt khác, giữa trật tự ơn gọi và trật tự tạo dựng. Trong trật tự này cũng như trong trật tự kia, Y. Congar nhận thấy những nguy cơ mà ngài phải củng cố sự phân biệt này cho đến độ thực hiện một sự tách rời.
 
III. Thời kỳ Công đồng Vatican II và những thời kỳ tiếp theo sau
 
A. Thần học giáo dân hiện hành
 
Từ năm 1957, G. Philips [16] sẽ mở rộng nền thần học này mà sẽ dẫn đến Công đồng. Trước tiên, ông bao gồm giáo dân trong ơn gọi chung được mọi kitô hữu chia sẻ, bao gồm cả các linh mục, nó hệ tại “chứng tỏ một đời sống kitô hữu toàn vẹn” và, tiếp đến, ông nêu lên đặc tính của giáo dân bằng sự chuyên môn hóa của họ nơi lãnh vực trần thế.
 
Nhưng kiểu mẫu thần học thứ ba chỉ là ở tình trạng phôi thai trước Công đồng. Chính từ Công đồng mà nền thần học này lộ ra, nhất là trong Hiến chế Lumen Gentium, cho dầu, cách tự nhiên, tất cả các văn kiện của Công đồng đều liên quan đến giáo dân. Cần phải thừa nhận rằng, ở Công đồng Vatican II, nền thần học giáo dân đã bùng nổ cách vô tiền khoáng hậu.
 
Chuyên viên giáo luật người Áo H. Heimerl [17] đã đề nghị một hệ thống kiểu mẫu của các quan niệm giáo dân khác nhau mà người ta tìm thấy ở chương IV của Lumen Gentium, hệ thống kiểu mẫu được lấy lại cách rộng rãi bởi những nhà chú giải khác. Trước tiên, khái niệm giáo dân của Giáo Hội được xây dựng trên một yếu tố chung (générique) mà người giáo dân chia sẻ với mọi kitô hữu : họ là thành phần của Dân Thiên Chúa. Người ta gặp lại nền tảng chung này ở đầu số 31 của Lumen Gentium : “Dưới danh xưng giáo dân, ở đây người ta hiểu toàn bộ các kitô hữu (…), về phần họ, thực thi sứ mệnh mà là sứ mệnh của tất cả dân kitô hữu.” Thêm vào nền tảng chung này là những yếu tố đặc thù phân biệt những khái niệm khác nhau về giáo dân.
 
    + một khái niệm giáo dân tiêu cực và “đơn cực” (unipolaire) : Ở đây, giáo dân được định nghĩa như là người không phải là giáo sĩ. “Đơn cực” là vì nó chỉ đối lập với một phạm trù duy nhất, trái với quan niệm sau đây.
 
    + Một khái niệm giáo dân tiêu cực và “song cực” (bipolaire) : Ở đây giáo dân không chỉ là người không phải giáo sĩ, nhưng còn là không phải tu sĩ. Người ta cũng tìm thấy định nghĩa này ở đầu số 31 của Lumen Gentium : “Dưới danh xưng giáo dân, ở đây người ta hiểu toàn bộ các kitô hữu không phải là thành viên của chức thánh và của bậc sống tu sĩ được thừa nhận trong Giáo hội (…).”
 
    + Một khái niệm tích cực cốt yếu : giáo dân có một vai trò tích cực và chủ động trong Giáo Hội. “Theo cách thế của mình, giáo dân cộng tác với linh mục trong việc phụng tự chung của Giáo Hội, họ lãnh nhận các bí tích bằng cách cộng tác vào đó cách cá nhân, họ làm việc chung với hàng giáo phẩm chỉ huy và hướng dẫn, để xây dựng thân thể Chúa Kitô [18].” Người ta nhận thấy điều đó trong Công đồng : “Các chủ chăn biết rõ tầm quan trọng của đóng góp của giáo dân cho thiện ích của toàn thể Giáo Hội (LG 30).”
 
    + Một quan niệm tích cực hiện sinh : “Đặc tính trần thế là đặc tính riêng biệt và đặc thù của giáo dân. (…) Ơn gọi riêng của giáo dân hệ tại việc tìm kiếm triều đại Thiên Chúa xuyên qua việc quản lý các sự việc trần thế mà họ xếp đặt theo ý Thiên Chúa (LG 31b).”
 
Cho dầu hệ thống kiểu mẫu này là có thể tranh cãi – và nó đã như thế – H. Heimerl cho phép chúng ta khám phá ra rằng chương IV của Lumen Gentium không bao gồm một nền thần học giáo dân thống nhất. Người ta tìm thấy ở đó những dấu vết của cái nhìn dựa vào tính song cực cấu thành thần học của những năm 50-60 trong đường hướng của các Cột mốc của Congar nhưng cũng nhận thấy sự khơi mào cho một nền thần học mới.
 
Chúng tôi cũng ghi nhận rằng số 31 của Lumen Gentium không đề nghị một định nghĩa nhưng là một mô tả về giáo dân. Sau khi đã xác định rõ rằng Công đồng ở đây không muốn hủy bỏ những xung đột các trường phái hay ý kiến, bản Relatio thêm (người ta không thể rõ ràng hơn) : “Ulterius Concilium non proponit definitionem ’ontologicam’ laici, sed potius descriptionem “typologicam [19].” (tạm dịch : Xa hơn, Công đồng không đề nghị một định nghĩa “hữu thể học” về giáo dân, nhưng đúng hơn là một mô tả “kiểu mẫu”)  Bởi thế, không nên cứng nhắc hóa những gì chỉ là một mô tả và giữ cho nó đặc tính hiện sinh của nó, theo như từ ngữ của Heimerl đã dùng [20].
 
Để không tự mâu thuẫn, việc mô tả của LG 31 giả thiết một sự thay đổi mối tương quan của Giáo Hội với tính thế tục. Tính thế tục này không thể là “cái bên ngoài” của Giáo Hội nữa, nó nên được hội nhập vào một tầm nhìn toàn thể của sứ vụ của Giáo Hội. Đó không còn là sự đối lập giáo sĩ-giáo dân tạo nên cơ cấu nhưng là sự sáp nhập mọi kitô hữu trong sứ mạng của Giáo Hội đối với thế giới.
 
B. Ơn gọi
 
Những hệ quả liên quan đến cách quan niệm ơn gọi này là rõ ràng. Chúng ta sẽ tìm thấy chúng nơi Công đồng Vatican II cũng như nơi Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng của Đức Gioan Phaolô II về “ơn gọi và sứ mạng của giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới”, Christifideles laici, ngày 30/12/1988.
 
Ở đây, trước tiên cần lưu ý có một sự bùng nổ trong cách dùng thuật ngữ “ơn gọi” (vocation). Nó được dùng 15 lần trong Lumen Gentium để chỉ ơn gọi nói chung, ơn gọi nên thánh, ơn gọi chức thánh, ơn gọi riêng cho giáo dân, ơn gọi của các đôi vợ chồng. Trong Tông huấn Kitô hữu giáo dân (Christifideles laici), nó được dùng 74 lần với cùng sự đa dạng ngữ nghĩa. Đối với những thuật ngữ “tiếng gọi” (appel) hay “gọi” (appeler), người ta tìm thấy chúng 40 lần trong Lumen Gentium và hơn 80 lần trong Christifideles laici.
 
a) Một ơn gọi chung của người kitô hữu
 
Trong các bản văn này, đó là vấn đề về một ơn gọi kitô hữu nói chung, tương ứng với định nghĩa chung về giáo dân. Sự mới mẻ của kitô giáo là nền tảng và là danh hiệu về sự bình đẳng của tất cả mọi người chịu phép Rửa trong Chúa Kitô, của tất cả thành phần của Dân Thiên Chúa, như Lumen Gentium 32 nhắc nhở : “Cùng chung một phẩm giá của những chi thể vì đã được tái sinh trong Chúa Kitô, cùng một ân huệ được làm con cái, một ơn gọi trở nên trọn lành, một ơn cứu độ và một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia.” Bằng vào phẩm giá chung của phép Rửa này, người tín hữu giáo dân đồng trách nhiệm về sứ mạng của Giáo Hội, cùng với tất cả thừa tác viên chức thánh và với các tu sĩ nam nữ.
 
Người ta gặp lại ơn gọi chung này trong Christifideles laici. Số 2 của Tông huấn xác định ngay ơn kêu gọi chung cho tất cả các kitô hữu trong đó có các giáo dân. Nó xác định điều đó bằng cách chú giải câu nổi tiếng này của Tin Mừng Mt 20, 3-4 : “Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho của tôi”.” Và bản văn chú giải : “Cả các anh nữa, hãy đi”. Lời kêu gọi không chỉ được nói với các mục tử, các linh mục, các tu sĩ nam nữ ; nó được mở rộng cho mọi người : các tín hữu giáo dân, cả họ nữa, đều được Chúa mời gọi cách cá nhân, từ Ngài họ lãnh nhận một sứ mệnh cho Giáo Hội và cho thế giới.” Số 3 của Christifideles laici nhấn mạnh rõ rằng ơn gọi theo nghĩa rộng này bao gồm một chiều kích nội tại và ngoại tại : “Chắc chắn tiếng Chúa vang vọng trong mỗi kitô hữu, nơi thâm tâm của họ. Quả thế, mỗi người đã được đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô nhờ đức tin và các bí tích khai tâm Kitô giáo, được tháp nhập vào Giáo Hội như một chi thể sống động, và là chủ thể tích cực trong sứ mệnh cứu độ của Giáo Hội. Tiếng Chúa cũng được truyền đạt xuyên qua các biến cố của lịch sử Giáo Hội và nhân loại” và bản văn trích dẫn rộng rãi Gaudium et Spes 11.
 
Chính nơi ơn gọi chung của người kitô hữu này mà ơn gọi nên thánh phổ quát – dĩ nhiên là chúng tưong đương với nhau - được lồng vào.
 
Christifideles laici (số 16, ctcnd) lấy lại những đường hướng chỉ đạo của chương V của Lumen Gentium : “Trong Giáo Hội, tất cả mọi người, chính vì là thành phần của Giáo Hội, đều lãnh nhận và vì thế chia sẻ ơn gọi chung nên thánh. Không hề có sự khác biệt nào so với các thành phần khác của Giáo Hội, các tín hữu giáo dân đương nhiên được kêu gọi nên thánh: “Tất cả những ai tin vào Chúa Kitô, dù thuộc bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống kitô hữu và tiến đến sự trọn lành đức ái” (x. LG 40); “Bởi thế, tất cả tín hữu của Chúa Kitô đều được mời gọi và bó buộc theo đuổi sự thánh thiện và sự hoàn thiện của bậc sống của họ” (LG 42). Ở đây hệ tại một yếu tố chung đặc thù cho mọi kitô hữu.
 
b) Một ơn gọi riêng
 
Nhưng đồng thời, Công đồng, cũng như Christifideles laici, nhắm đến một ơn gọi riêng cho giáo dân, như tựa đề của Thượng hội đồng năm 1987 cho thấy : “Ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới hai mươi năm sau Công đồng Vatican II.”
 
Bởi thế, phẩm giá chung nhờ phép Rửa mặc lấy nơi người tín hữu giáo dân một hình thái mà phân biệt họ, chứ không phân ly, với linh mục, với tu sĩ nam nữ. Công đồng Vatican II đã chỉ ra rằng hình thái này nằm trong đặc tính trần thế : “Đặc tính trần thế là đặc tính riêng biệt và đặc thù của giáo dân.” Đó đã là khái niệm hiện sinh tích cực.
 
Và số 15 của Christifideles laici khẳng định : “Quả thế, phép Rửa không rút họ ra khỏi thế gian (…) nhưng nó trao cho họ một ơn gọi có liên hệ đích thực với hoàn cảnh của họ trong thế gian : Quả thế, các tín hữu giáo dân được “Thiên Chúa kêu gọi để, dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những trách vụ của mình, và trước hết để biểu lộ Chúa Kitô cho người khác  bằng chứng tá của đời sống rạng ngời lòng tin cậy mến của họ” (LG 11). Như thế, đối với các tín hữu giáo dân, hiện hữu và hành động trong thế gian là một thực tại không chỉ thuộc nhân chủng học và xã hội học, nhưng còn là và đặc thù thuộc về thần học và Giáo hội. Quả thế, trong hoàn cảnh ở giữa thế gian của họ, Thiên Chúa biểu lộ kế đồ của Người và thông ban cho họ ơn gọi đặc thù “tìm kiếm triều đại Thiên Chúa xuyên qua việc quản lý các sự việc trần thế mà họ xếp đặt theo ý Thiên Chúa” (LG 11). Đó là ơn gọi riêng của giáo dân.
 
c) Những ơn gọi đặc biệt (spéciale) hay đặc thù (spécifique)
 
Christifideles laici không dừng lại nửa chừng như thế, vì trong ơn gọi riêng của giáo dân, nó phân biệt những “ơn gọi đặc biệt”, như ở số 49 : “Ý thức về những ân huệ và trách nhiệm riêng biệt của phụ nữ, cũng như ơn gọi đặc biệt  của họ, đã được phát triển và được đào sâu trong thời kỳ hậu Công Đồng (…).”  Ơn gọi của người nữ được lấy lại ở số 52 bằng thuật ngữ “ơn gọi đặc thù”.  Bản văn của Christifideles laici còn tiến bộ hơn ở số 56 của mình khi nói trong danh nghĩa của “những ơn gọi giáo dân đa dạng”. Người ta đọc thấy ở đầu chính đoạn văn này : “Sau cùng, sự đa dạng phong phú của Giáo Hội còn thể hiện ở ngay trong mỗi bậc sống. Như vậy, trong bậc sống giáo dân cũng có những “ơn gọi” khác nhau, nói cách khác, có những con đường thiêng liêng và tông đồ khác nhau liên quan đến từng tín hữu giáo dân. Trong lòng một ơn gọi “chung” của giáo dân, trổ sinh những ơn gọi giáo dân “riêng biệt” ”. Chẳng hạn người ta nhấn mạnh đến sự trổ sinh của các tu hội đời khác nhau.
 
Kết thúc phần thứ ba này, cần phải công nhận rằng người ta gặp lại những khuôn mặt muôn vẻ của nền thần học về sứ mệnh của giáo dân được khai triển ở Vatican II, được thể hiện thành biết bao “ơn gọi”: một ơn gọi kitô hữu nói chung, một ơn gọi riêng, những ơn gọi giáo dân đặc thù.
 
Sự gợi lại nhanh chóng này cho thấy rằng ý nghĩa của thuật ngữ “ơn gọi” được áp dụng hoặc là cho giáo dân hoặc là cho sự hiện hữu của người kitô hữu nói chung về thực chất được gắn kết với nền thần học giáo dân hay về sự hiện hữu của người kitô hữu mà người ta khai triển. Có vội vàng lắm không khi kết luận rằng nền thần học về ơn gọi của chúng ta, trong lãnh vực đặc biệt này, tương ứng với nền thần học về giáo dân của chúng ta? Chẳng phải là cũng như thế đối với thừa tác vụ chức thánh và nền thần học về ơn gọi của nó?
 
Lm. Laurent VILLEMIN, giáo sư tại Học viện Công giáo Paris
———————–
1] J. Grootaers, “Le laïc au sein de l’Eglise communion“, Pro Mundi Vita, 106, 1986/3, p. 9.
[2] Catena Aurea, in Mattheum XXII, 6-9, Marietti, p. 319-320.
[3] Y. Congar, Jalons pour une théologie du laïcat, Paris, Cerf, 1953, p. 600.
[4] DC, 1920/3, 287.
[5] DC, 1926/15, 542.
 [6] Trong P. Guilmot, La fin d’une Eglise cléricale, Paris, Cerf, 1969, tác giả mô tả sự ló hiện của nền thần học này trong bối cảnh Pháp từ cuối cuộc xung đột thế giới lần hai.
[7] K. Rahner, “L’apostolat des laïcs”, Nouvelle Revue Théologique, n°1, 1986, 3-32.
[8] E. Schillebeeckx, La Mission de l’Eglise, Ed. CEP, Bruxelles, 1969. Tác phẩm này là một tập những bài viết căn bản của tác giả. Chương II đặc biệt bàn về đề tài mà chúng tôi quan tâm ở đây.
[9] Y. Congar, op. cit., p. 45.
[10] Trong E. Schillebeeckx, “La définition typologique du laïc chrétien selon Vatican II”, in L’Eglise de Vatican II, tome III, Paris, Cerf, 1966, p. 1030, tác giả cho rằng có một yếu tố tách rời các nền thần học này. Một số cho rằng yếu tố đặc thù tích cực mà là đặc tính của giáo dân là phẩm chất thành viên của Giáo Hội của họ, số khác cho rằng đó là sự can hệ của họ trong cách tổ chức của thế giới.
[11] Y. Congar, op. cit., p. 599.
[12] ibid., p. 600.
[13] ibid., p. 602.
[14] ibid., p. 602.
[15] ibid., p. 606.
[16] G. Philips, La mission de l’Eglise, document de base pour le Congrès Mondial de l’apostolat des laïcs, Rome, 1957.
[17] H. Heimerl, “Concepts de laïc dans la Constitution sur l’Eglise de Vatican II”, Concilium, 13, Mars 1966, 117-126.
[18] H. Heimerl, ibid., p. 119.
[19] G. Alberigo et F. Magistretti, Constitutionis dogmaticae “Lumen gentium” synopsis historica, Bologna, ISR, 1975, p. 467-468.
[20] Người ta sẽ tham khảo cách thú vị nghiên cứu có tính cách phả hệ về sự mô tả giáo dân trong LG 31 trong E.Schillebeeckx, “La définition typologique…”, art. cit., p. 1013-1033.
 
Nguồn : VILLEMIN, Laurent, “L’existence chrétienne, une existence “appelée” ?”, trong  Théologie de la vocation, Colloque de l’Institut Catholique de Paris (février 2001), Revue Jeunes et Vocations, 3e trimestre, số 102, tr.51-57.
 
Lm. Phêrô Võ Xuân Tiến chuyển ngữ

Tác giả: Lm. Laurent VILLEMIN

Nguồn tin: xuanbichvietnam.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập569
  • Hôm nay70,648
  • Tháng hiện tại891,307
  • Tổng lượt truy cập56,992,944
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây