Làm thế nào để linh mục có tương quan tốt với giáo dân?

Thứ ba - 21/01/2014 02:51

-

-
Nếu trong tương quan với giáo dân, linh mục không có đức ái mục vụ thì mối quan hệ đó sẽ trở nên rời xa và lạnh nhạt vô cùng. Đức ái mục vụ đòi hỏi linh mục phải tôn trọng hết mọi người, vui vẻ hoà nhã và niềm nở đón tiếp họ trong tình yêu thương...
Làm thế nào để linh mục có tương quan tốt với giáo dân?
 
Thánh Gioan tông đồ đã viết: “Nếu ai nói: “tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy”(1Ga 4,20). Tình yêu mến Thiên Chúa phải được linh mục thể hiện thông qua sự phục vụ và yêu thương đoàn chiên của ngài. Hay nói cách khác, chính khi linh mục chu toàn tốt thừa tác vụ linh mục và đức ái mục vụ là lúc ngài chứng tỏ mối hiệp thông với Thiên Chúa cách mật thiết nhất.
 
1. Đức ái mục vụ (pastoral charity)
 
Đức Chân phước Gioan Phaolô II đã nói: “Nguyên lý nội tại, nguyên nhân thúc đẩy và hướng dẫn đời sống thiêng liêng của linh mục, xét như đã nên đồng hình dạng với Đức Kitô Đầu và Mục Tử, chính là Đức ái mục vụ, thông phần vào đức ái mục vụ của Đức Kitô Giêsu: đó là ơn nhưng không của Chúa Thánh Thần và, đồng thời về phía linh mục, là sự dấn thân và lời mời gọi để đáp trả tự do và có trách nhiệm.”[4]
 
Chính việc thể hiện đức ái trong khi thi hành công việc mục vụ và trong đời sống của mình mà linh mục thể hiện được căn tính của mình và làm cho người giáo dân nhận thấy Đức Giêsu hiện diện trong con người của linh mục. Một linh mục thực thi đức ái mục vụ tốt sẽ có được tương quan tốt với giáo dân và ngược lại. Nếu trong tương quan với giáo dân, linh mục không có đức ái mục vụ thì mối quan hệ đó sẽ trở nên rời xa và lạnh nhạt vô cùng. Đức ái mục vụ đòi hỏi linh mục phải tôn trọng hết mọi người, vui vẻ hoà nhã và niềm nở đón tiếp họ trong tình yêu thương. Linh mục phải thể hiện được sự gần gũi, thân thiện với giáo dân để khi tiếp xúc với linh mục, họ cảm thấy được sự thoải mái, dễ chịu và nể phục ngài. Linh mục cần tỏ ra mình là một con người thân thiện, gần gũi với con chiên. Ngài phải hạ mình xuống để ra đi và đến với con chiên. Điều này chúng ta dễ gặp thấy nơi mẫu gương của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô nói: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
 
Linh mục là hiện thân của Đức Giêsu Kitô, là Alter Christus (nghĩa là một Đức Kitô khác). Vì thế, linh mục phải hành động như Đức Giêsu Kitô để đến với đàn chiên và với từng con chiên để thăm nom, chăm sóc từng con một. Con nào đói, ngài cho ăn; con nào khát, ngài cho uống; con nào rách rưới, ngài cho áo mặc;[5] con nào bị sói dữ đe doạ, ngài xả thân bảo vệ[6]; con nào lạc lối, ngài cất công đi tìm và vác trên vai mang về.[7] Có như thế, linh mục mới thể hiện được vai trò mục tử của mình. Với ý hướng đó, Công đồng Vaticano II nhắn nhủ: “Các linh mục phải lãnh đạo làm sao để không tìm tư lợi, nhưng tìm lợi ích cho Chúa Giêsu Kitô; các ngài hợp tác với giáo dân và sống giữa môi trường của họ theo gương Thầy, Ðấng đến ở giữa mọi người “không để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình thay cho nhiều người” (Mt 20,28)”.[8]
 
Bên cạnh đó, đức ái mục vụ cũng đòi hỏi nơi người linh mục sự bao dung tha thứ trước lầm lỗi của con chiên ngài và tạo điều kiện cho họ được trở về hoà nhập với đàn chiên. Ngài cần tránh sự ác cảm hay hiềm khích cá nhân với giáo dân, kẻo dẫn tới sự thịnh nộ và giận dữ. Linh mục không nên sử dụng nhà thờ và toà giảng lễ để trút giận, chửi bới người này người nọ hay một tổ chức nào đó. Bởi lẽ, nhà thờ và toà giảng là những nơi để tôn vinh Thiên Chúa và chia sẻ Lời của Người; đồng thời tránh gây gương mù gương xấu và ấn tượng xấu cho những giáo dân tốt lành.
 
2. Đối thoại
 
Cũng như đức ái mục vụ, trong vấn đề đối thoại, linh mục cũng phải là người đi bước trước. Ngài phải là người khởi xướng trong tất cả các cuộc đối thoại. Bởi lẽ, người giáo dân rất e ngại và dè chừng khi gặp gỡ linh mục. Xét về phẩm trật, cơ cấu trong Giáo Hội được xét theo kiểu “trên phán xuống” như chế độ quân chủ. Nghĩa là, mọi quyết định đều được “trên phán xuống và dưới thực hiện”. Tuy nhiên, các linh mục không nên sử dụng quyền hành này. Mọi cái đều có mặt trái của nó. Trong vấn đề mục vụ, linh mục rất cần sự phản hồi từ phía giáo dân mới có thể có cái nhìn toàn diện và phong phú để đưa ra một quyết định đúng đắn.
 
Việc đối thoại mà linh mục thực hiện phải được định hướng bởi giáo huấn của Giáo Hội: “Các ngài phải sẵn lòng lắng nghe giáo dân, cứu xét các nguyện vọng của họ trong tinh thần huynh đệ, nhìn nhận kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của họ trong các lãnh vực khác nhau của hoạt động nhân sinh, để cùng với họ có thể nhận biết những dấu chỉ của thời đại. Trong khi nghiệm xem các tinh thần có phải từ Thiên Chúa đến hay không, các ngài phải lấy tinh thần đức tin mà khám phá, vui mừng mà nhận biết, và chuyên cần phát triển những đặc sủng muôn hình của giáo dân, từ đặc sủng nhỏ bé nhất đến đặc sủng cao cả nhất.”[9]
 
Cùng ý hướng đó, Đức Gioan Phaolô II nhắc nhở: “Noi gương Đức Giêsu là Đấng “biết được những điều chất chứa trong lòng người”, linh mục cần phải có khả năng hiểu biết sâu xa lòng trí con người, trực giác được những khó khăn và những vấn đề, tạo điều kiện dễ dàng cho việc gặp gỡ và đối thoại, đạt được lòng tin cậy và sự cộng tác, phát biểu được những phán đoán lành mạnh và khách quan.”[10]
 
2.1 Lắng nghe
 
Như thế, theo Công đồng Vaticano II, muốn cho việc đối thoại được diễn tiến tốt đẹp thì linh mục trước hết phải biết lắng nghe. Điều này rất phức tạp và bị bóp méo về ý nghĩa đích thực của nó trong đời sống hiện nay. Nhiều linh mục không chịu lắng nghe giáo dân. Lại có nhiều linh mục có lắng nghe nhưng chỉ lắng nghe theo kiểu “một chiều” rồi đưa ra những “phán quyết” không đúng sự thật, nhiều khi rất sai lầm. Cũng có nhiều linh mục lắng nghe nhiều người, nhưng hầu như đều là từ những người ưa nịnh hót, bóp méo sự thật. Một số linh mục cũng đã biết lắng nghe từ nhiều phía, bao gồm cả những ý kiến bất đồng với mình; tuy nhiên, các ngài lại phẫn nộ, nhiều khi trù dập ý kiến ấy ngay từ khi nó mới được đưa ra. Do đó, khi đối thoại, linh mục cần biết lắng nghe trong khôn ngoan, với lòng bác ái và khiêm nhường. Ngài sẵn sàng lắng nghe mọi phản hồi từ phía giáo dân, rồi từ từ xem xét và đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
 
2.2 Ghi nhận và cứu xét các nguyện vọng của giáo dân
 
Ngoài ra, trong đối thoại, linh mục cần biết nhìn nhận, xem xét và tôn trọng các ý kiến, nguyện vọng cũng như khả năng của giáo dân. Bởi lẽ, khi một người đưa ra ý kiến của mình mà không được người khác chấp nhận hoặc tôn trọng thì thử hỏi, sau đó người ấy có còn dám và muốn đề xuất ý kiến nữa không? Linh mục cần thể hiện cho người đối thoại với mình biết rằng, ngài sẵn sàng lắng nghe họ, trao đổi với họ và họ có quyền được nói lên ước nguyện của mình. Nhất là đối với người nghèo, những người “thấp cổ bé họng” trong xã hội, linh mục cần đến với họ để thấu hiểu họ hơn và để họ có cơ hội nói lên tiếng nói của mình. Có như vậy, linh mục dễ đạt được lòng tin nơi người khác và công việc mục vụ của ngài cũng sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, trong nhiều giáo xứ, giáo dân khó có tiếng nói của mình, hoặc là linh mục khó nghe được những lời sự thật, vì những lời được đưa tới ngài phần lớn là những lời xuyên tạc, bóp méo sự thật hay tâng bốc. Vì vậy, linh mục cần phải có sự khôn ngoan sáng suốt trong nhận định để cảnh giác và phát hiện những lời xu nịnh; đồng thời cũng cần khuyến khích, cổ võ những lời chân thật, góp ý trong yêu thương và xây dựng từ phía giáo dân. Khi người giáo dân thấy được sự cần thiết của những lời đóng góp của mình và được cha xứ khuyến khích thì họ không ngần ngại và thường xuyên góp ý xây dựng hơn. Qua đó, mối liên hệ giữa linh mục và giáo dân ngày thêm bền chặt hơn.
 
2.3 Đồng hành
 
Linh mục cần lấy đức ái mục vụ mà cư xử với giáo dân trong khi đối thoại với họ. Ngài phải yêu thương và tôn trọng họ, sẵn sàng tha thứ, rộng mở tâm hồn mình để đón nhận họ và trở nên hoà hợp với họ. Đối thoại chính là đồng hành cùng nhau. Thánh Augustino đã nói: “Đối với anh em, tôi là giám mục; cùng với anh em, tôi là Kitô hữu”.[11] Như vậy, giám mục hay linh mục chỉ là những chức vụ được Chúa Giêsu lập nên để đồng hành và dẫn dắt các Kitô hữu về với Thiên Chúa mà thôi. Đồng hành là cùng bước đi. Linh mục không thể đồng hành với giáo dân nếu ngài xa lạ với họ; cũng như, mục tử không thể chăn dắt đoàn chiên nếu chiên thì ở đồng hoang còn mục tử thì ở nhà hay “đi du lịch” hoặc đang “vui hưởng thái bình” ở một nơi nào đó. Thiết nghĩ, để đồng hành tốt với giáo dân, linh mục phải sống cùng và sống cho giáo dân. Ngài phải “đến ở với” họ, lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ mọi nỗi vui buồn, mọi khó khăn và nâng đỡ họ trong đức tin, trong đời sống đạo, về tinh thần lẫn vật chất (nếu có thể), như lời Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Edekiel: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.” (Ed 34,15-16)
 
3. Linh mục phải trở nên gương mẫu cho giáo dân
 
Linh mục là “người chăn dắt các linh hồn”.[12] Linh mục không chỉ đưa về cho Thiên Chúa nhiều linh hồn bằng lời giảng dạy, công việc mục vụ…., nhưng còn bằng chính gương sáng trong đời sống của ngài.
 
3.1 Trong đời sống của ngài
 
Linh mục được mời gọi trở nên đồng hình dạng với Đức Kitô Đầu và Mục Tử[13], do đòi hỏi của việc thánh hiến qua Bí tích Truyền chức thánh. Vì thế, linh mục phải trau dồi đời sống của mình sao cho trở nên chuẩn mực và giống như Đức Kitô, và cốt lõi của đời sống ấy chính là đời sống thiêng liêng. Mọi cử chỉ, hành động và sinh hoạt của linh mục luôn được giáo dân xem xét và phản ánh. Linh mục phải trở nên tấm gương cho giáo dân noi theo, phản chiếu khuôn mẫu của Đức Giêsu Kitô, hầu níu kéo được nhiều linh hồn về với Thiên Chúa. Đó chính là điều mà Công đồng Vaticano II nhắm tới, khi nhận định: “Mục đích mà các Linh Mục theo đuổi trong chức vụ và đời sống các ngài là phải tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa Cha trong Chúa Kitô. Vinh danh này hệ tại việc mọi người đón nhận công trình của Thiên Chúa đã được hoàn tất trong Chúa Kitô một cách ý thức, tự do và biết ơn, lại biểu lộ công trình đó trong suốt cuộc đời mình. Vì thế, khi cầu nguyện và tôn thờ cũng như khi giảng thuyết, khi dâng Hy Lễ Thánh Thể và làm các Bí Tích cũng như khi thi hành những thừa tác vụ khác giúp người ta, các Linh Mục đều qui hướng về việc làm vinh danh Thiên Chúa hơn, đồng thời giúp con người tiến tới trong đời sống thiêng liêng.”[14]
 
Linh mục phải thể hiện được sự chuẩn mực từ trong mọi nếp sống đời thường của mình cho đến trong việc cử hành các bí tích. Một linh mục không thể giữ đúng giờ giấc nếu ngài cứ hay trễ giờ. Một linh mục thường xuyên trễ giờ dâng lễ, giáo dân phải đọc hết kinh này đến kinh khác, không thể quát nạt và nặng lời với những giáo dân đi lễ muộn.
 
Trong công tác mục vụ của mình, linh mục cần biết dành ưu tiên cho những giá trị cốt lõi. Ngày nay, nhiều linh mục bị cuốn vào sự bộn bề của công tác mục vụ, xây dựng nhà thờ, trường giáo lý, tổ chức các hội đoàn…. mà quên mất nhiệm vụ chính yếu của mình là cử hành các bí tích, nhất là Bí tích Thánh thể. Do đó, nhiều cha không muốn giảng hoặc giảng rất hời hợt, đối phó, không sâu sắc vì không được chuẩn bị, nên không thể mang lại nhiều lợi ích thiêng liêng cho các tín hữu tham dự thánh lễ. Lại có nhiều cha lấy lý do bận việc này việc nọ mà không có thời gian để đi thăm hỏi và cho những người già cả, bệnh tật trong xứ rước lễ .v.v… Một linh mục như vậy làm sao có thể nên tấm gương cho giáo dân noi theo. Vì thế, họ sẽ có cái nhìn không tốt về người linh mục, dẫn tới sự xa cách dần trong mối tương quan với các linh mục.
 
Ngoài ra, linh mục cũng cần chú trọng và đề cao đức khó nghèo và sự đối xử bình đẳng với mọi thành phần trong giáo xứ. Ngài không nên thiên tư thiên vị, không nên đề cao người này, hạ giá người kia, vì như thế dẫn tới sự ganh tị và chia rẽ nhau trong giáo dân. Ngài phải chú trọng nhiều hơn đến người nghèo, kẻ bé mọn và người ốm đau bệnh tật, để ủi an và nâng đỡ họ; vì Giáo Hội được thiết lập là cho họ (xem Mt 19,14). Cũng do đòi hỏi của thánh chức linh mục, linh mục phải giữ đức khó nghèo. Đó là lối sống giản dị trong ăn mặc, sử dụng tiền của và gần gũi với giáo dân. Một linh mục ăn tiêu xa xỉ, đi xe hơi dùng đồ đắt tiền, trong khi giáo dân nghèo khổ, túng cực thì không thể hoà hợp với giáo dân, không thể có tương quan tốt với họ được.
 
3.2 Điều hành giáo xứ
 
Năng lực lãnh đạo hay khả năng điều hành giáo xứ cũng là yếu tố rất cần thiết cho linh mục cải thiện mối tương quan với giáo dân. Vì thế, linh mục ngoài việc là một thừa tác viên các bí tích còn phải là một nhà lãnh đạo tài tình. Trong một giáo xứ, sẽ luôn xảy ra sự xung đột, mâu thuẫn giữa các cá nhân hay tổ chức, cũng như có nhiều ý kiến trái, quan điểm ngược nhau…. mà nếu không phải là một người có khả năng lãnh đạo tốt, thì linh mục gặp rất nhiều khó khăn. Linh mục Trần Anh Thụ khẳng định: “Sự xung đột giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân với tổ chức là điều không thể tránh khỏi. Người lãnh đạo giỏi là người phải biết học các biện pháp chuyển hóa sự xung đột thành sự tiến bộ. Lối lãnh đạo từ trên xuống theo kiểu xưa không mang tính đối thoại nhưng mang tính độc tài cai trị. Đó cũng là biểu lộ một thái độ yếu kém trong lãnh đạo. Những người lãnh đạo kiểu này thường không tin vào khả năng của mình, không tin khả năng của người khác. Cho nên họ kiểm soát tất cả và sử dụng bạo động vì họ không tin vào phương tiện đối thoại.”[15]
 
Theo lối nói này, thì nếu muốn lãnh đạo tốt, linh mục không nên áp dụng lối cai trị độc tài, chuyên quyền, áp đặt hoặc là quá bảo thủ nữa; thay vào đó, phải có một sự khôn ngoan, khéo léo, tinh tế, mềm dẻo trong việc điều hành. Một trong những khó khăn trong công tác mục vụ của mình, là nhiều linh mục thường muốn huấn luyện, nhào nắn hay xây dựng người giáo dân theo một khuôn mẫu nhất định như mình muốn. Ngài không chấp nhận sự khác biệt, đa diện và phong phú trong tính cách của con người giáo dân. Điều này dẫn tới việc ngài sẽ mau chóng chán nản vì giáo dân rất khó thích ứng và giáo dân thì khó chấp nhận một linh mục như thế.
 
Một linh mục có tài lãnh đạo là người không ôm đồm, toàn quyền và dành lấy mị việc về mình. Trái lại, ngài biết chia nhỏ từng công việc và với tài trí khôn ngoan của mình, cắt đặt những cộng sự viên để họ san sẻ và cùng làm việc với mình. Ngài cũng sẵn sàng đối thoại, lắng nghe và ghi nhận lời góp ý xây dựng từ phía giáo dân và những người cộng tác với mình, nhất là hội đồng mục vụ giáo xứ. Nhờ đó, ngài có cái nhìn tổng quát và cụ thể về mọi vấn đề, để rồi đưa ra những quyết định chính xác và hợp lý nhất. Đức Tổng Giám mục Josip Bozanic of Zagreb, Croatianhận định: “Các linh mục phải “xác tín và là mẫu mực về nhân bản lẫn đức tin; biết quân bình trong tình cảm, nhậy bén trước những nhận định, trước các ý kiến, biết nối kết và dồi dào khả năng liên đới và đối thoại, có tinh thần xây dựng và thiện tâm cùng làm việc chung với người khác. Như thế các ngài tránh được nguy cơ độc đoán, tinh thần ‘làm vua một cõi’ dễ bề làm phân tán cộng đoàn hơn là hiệp nhất.”[16]
 
Trong giáo xứ, linh mục nên thành lập các đoàn thể công giáo tiến hành, các nhóm tổ, các khối giáo dân, học sinh để mọi thành phần dân Chúa có thể tham gia vào nếp sống sinh hoạt của giáo xứ; qua đó, họ cũng được đào luyện và tập cộng tác với nhau trong từng hội đoàn. Ngoài ra, các linh mục cũng cần phải chú trọng đến việc mục vụ giới trẻ, vì đây là nòng cốt tương lai của Giáo Hội, giáo xứ. Điều này cũng góp phần không nhỏ giúp cho linh mục gây được tầm ảnh hưởng nhất định trong lòng con chiên của mình.
 
Nói tóm lại, cũng như Chúa Giêsu đã làm mọi việc để tìm vinh danh cho Thiên Chúa Cha thế nào; thì trong đời sống của mình, linh mục phải quy mọi sự về cho vinh quang Thiên Chúa như vậy[17]. Sách Đức tin của người Công giáo nhận định: “…vinh quang Thiên Chúa là sự toàn thắng sự thiện. Sự thiện toàn thắng tức là hạnh phúc cho thụ tạo. Đối với Thiên Chúa, tìm vinh quang cho mình cũng là minh chứng tình yêu.“[18] Trong thừa tác vụ của mình, linh mục tìm vinh quang cho Thiên Chúa bằng cách níu kéo được nhiều linh hồn về với Người. Muốn đạt được điều đó, trước hết linh mục phải có mối tương quan tốt với giáo dân. Mà muốn có tương quan tốt, linh mục phải thấm nhuần và thực hành được lời khuyến dụ của Đức Gioan Phaolô II: “Để cho thừa tác vụ của linh mục được dễ tin hơn và dễ đó nhận hơn xét theo phương diện nhân bản, linh mục cần phải trau dồi nhân cách của mình sao cho mình trở nên một “nhịp cầu” chớ không phải một “chướng ngại vật” cho tha nhân trong việc gặp gỡ Đức Giêsu Kitô Đấng cứu chuộc loài người.”[19] Khi tự trau dồi cho mình một đời sống nhân bản và đời sống thiêng liêng tốt đẹp, linh mục có thể trở nên gần gũi, đồng cảm, sống cùng và sống cho giáo dân; và trên hết, dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh, đồng hành với họ tiến về quê Trời.
 
 Lê Ân Mai 
---------------------------------------------------------
[4] Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis, số 23.
[5] Xem Mt 25,35-46.
[6]XemGa 10,1-14.
[7] Xem Lc 15,4-7.
[8] Công đồng Vaticano II, Presbyterorum Ordinis, số 9.
[9] Công đồng Vaticano II, Presbyterorum Ordinis, số 9.
[10] Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis, số 43.
[11] Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis, số 20, trích từ Augustino, Sermo, 340,1.
[12]XemGa 21,15-17.
[13] Xem Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis, số 21.
[14] Công đồng Vaticano II, Presbyterorum Ordinis, số 2.
[15] Trần Anh Thụ, Đối thoại giữa linh mục và giáo dân, http://hskt-hhtm.com.
[16] Nguyễn Hữu Quảng, Nghệ thuật sống chức linh mục ngày nayhttp://caimon.co.cc.
[17]XemGa 17,1-8.
[18] Jean Deveaux, phỏng dịch bởi Duy Ân Mai, OFM, Đức tin của người Công giáo, (TpHCM: Tủ sách Đại kết, 1992), trang 70.
[19] Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis, số 43.

Tác giả: Lê Ân Mai

Nguồn tin: daichungvienvinhthanh.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập722
  • Hôm nay82,483
  • Tháng hiện tại994,747
  • Tổng lượt truy cập57,096,384
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây