Giáo hội Công giáo & truyền thông xã hội.

Thứ năm - 05/04/2012 04:40

-

-
Trước ảnh hưởng lớn lao của các phương tiện truyền thông xã hội tạo nên trong cuộc sống nhân loại, Giáo Hội Công Giáo đặc biệt lưu ý đến các lợi ích cũng như những tai hại khó lường được, do việc xử dụng chính đáng hay bất chính các phương tiện trên.
Giáo hội Công giáo & truyền thông xã hội
 
Một ít tư tưởng tóm lược những huấn dụ của Nghị Định Inter Mirifica Công Đồng Vatican II về Truyền Thông để kính tặng những ai đang muốn Sống Sứ Mạng Truyền Thông theo tinh thần của Công Đồng, phục vụ Giáo Hội và phục vụ Đất Nước.
 
Trước ảnh hưởng lớn lao của các phương tiện truyền thông xã hội tạo nên trong cuộc sống nhân loại, Giáo Hội Công Giáo đặc biệt lưu ý đến các lợi ích cũng như những tai hại khó lường được, do việc xử dụng chính đáng hay bất chính các phương tiện trên.
 
Trong tâm thức đó Công Đồng Vatican II đã tuyên bố Nghị định (Decretum) Inter Mirifica (IM) để chuyển đến Cộng Đồng Dân Chúa cũng như đến những ai thành tâm thiện chí, muốn tạo ra cho nhân loại một cuộc sống xã hội xứng đáng với nhân phẩm con người, những huấn dụ của các Nghị Phụ Công Đồng.
 
- "Giữa những khám phá kỹ thuật kỳ diệu, với ơn Chúa giúp đỡ, con người đã khai thác được từ các tạo vật được dựng nên nhờ tài năng của mình, Giáo Hội đón nhận và theo dõi với lòng ưu ái của người mẹ, những gì có liên hệ trực tiếp đến khả năng thiêng liêng của con người và cung cấp cho con người những phương thế khả dĩ mở rộng để truyền thông dễ dàng các tin tức đủ loại, các ý kiến và định hướng (IM, 1)."
 
Những gì chúng tôi vừa trích dịch trên là câu tuyên bố đầu tiên của Nghị Định Inter Mirifica của Công Đồng Vatican II về Các Phương Tiện Truyền Thông.
 
Giáo Hội đón nhận, với lòng ưu ái và chăm chú của người Mẹ, các khám phá mới của phương tiện truyền thông, vì biết rằng nếu con người biết dùng một cách chính đáng, các phương tiện truyền thông có khả năng phục vụ con người: cung hiến cho con người những phương thức giải trí, phát huy văn hóa, mở rộng tinh thần, cũng cố và mở mang Nước Chúa.
 
Nhưng đàng khác, Giáo Hội là người Mẹ cũng chăm chú ưu tư vì con người có thể xử dụng các khám phá mới trên không chính đáng, làm hại phương hại đến dự án mà Thiên Chúa thiết định cho con người và trở thành tổn hại cho con người.
 
Đó là lược tóm những gì Công Đồng Vatican II tuyên bố kế tiếp trong cùng một điều khoản của Nghị Đinh (IM, id.)
 
Chúng tôi không có ý dịch thuật và trình bày nguyên bản Nghị Định Inter Mirifica của Công Đồng Vatican II, bởi lẽ ai cũng có thể đọc và tra cứu được trong các tài liệu của Công Đồng.
 
Điều mà chúng tôi có ý ghi lại và trình bày những nét chính yếu huấn dạy của Công Đồng về các phương tiện truyền thông đối với
 
- những ai có trách nhiệm hướng dẫn,
 
- những ai hoạt động trong chức năng của mình,
 
- cũng như những ai được các phương tiện truyền thông nhằm chuyển cá
c sứ điệp, tin tức và ý kiến đến cho.
 
Sứ điệp giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo.
 
1 - Đối với các thành phần Giáo Hội:
 
Mục đích của Giáo Hội được Chúa Giêsu thiết lập nên là để đem ơn cứu rỗi đến cho tất cả mọi người. Giáo Hội được thúc đẩy để rao giảng Phúc Âm.
 
Với sứ mạng vừa kể, Giáo Hội nhận thấy rằng mình có bổn phận phải dùng các phương tiện truyền thông để rao giảng sứ điệp cứu rổi của Chúa Giêsu.
 
Đồng thời Giáo Hội cũng nhận thấy có bổn phận phải chỉ dẫn cho mọi người biết dùng đúng đắn các phương tiện vừa nói.
 
Do sứ mạng rao truyền Phúc Âm được Chúa giao phó, Giáo Hội xác tín rằng mình
 
- có quyền xử dụng
 
- và quyền sở hữu
 
các phương tiện được đề cập, không trừ phương tiện nào, cần thiết hoặc hữu ích để cung cấp cho con người một nền giáo dục Ki Tô giáo, cũng như cần thiết và hữu ích cho bất cứ hoạt động tông đồ nào khác của mình.
 
Điều đó cho thấy:
 
- ở đâu Giáo Hội bị hạn chế quyền sở hữu và quyền được xử dụng các phương tiện truyền thông để chu toàn sứ mệnh rao giảng Phúc Âm của mình là ở đó Giáo Hội đang bị đàn áp, tự do tôn giáo bị đàn áp, dầu cho các quyền tự do khác liên hệ đến đời sống tôn giáo có được nới rộng, tự do phụng tự chẳng hạn, nới rộng để đánh bóng bên ngoài, che giấu những mưu toan bất chính bên trong.
Sau khi xác nhận ích lợi của các phương tiện truyền thông cho sứ mạng rao giảng Phúc Âm của mình, Giáo Hội giao trọng trách cho các vị chủ chăn
 
- có phận sự giáo huấn
 
- và hướng dẫn các tín hữu để họ biết dùng mưu ích cho phần rỗi của mình, thăng tiến trọn hảo con người của mình, cũng như của cả gia đình nhân loại ( IM, 3)
 
Trong khi đó người tín hữu giáo dân cũng được Giáo Hội giao cho bổn phận phải biến các phương tiện truyền thông thành năng động bằng các giá trị Ki Tô giáo và nhân bản, để các phương tiện truyền thông có thể đáp ứng lại hoàn hảo các ước vọng của nhân loại và hợp với chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa ( IM, id.).
 
2 - Luật luân lý.
 
Điều tối cần cho những ai xử dụng các phương tiện truyền thông là nếu muốn xử dụng một cách chính đáng,
 
- họ phải biết những nguyên tắc luân lý
 
- và biết trung thành áp dụng ( IM, 4).
 
Đối với những ai có liên hệ đến:
 
- việc xử dụng các phương tiện truyền thông,
 
- người có nhiệm vụ hướng dẫn và kiểm soát,
 
- người sản xuất, người phổ biến cũng như người tiêu thụ, nói chung là tất cả mọi người, cần phải được hướng dẫn và đào đạo để có được lương tâm ngay chính, nhứt là đối với những vấn đ
ề liên hệ được bàn cải sôi động trong thời đại chúng ta (IM, id.)
.
3 - Quyền tự do truyền bá tư tưởng.
 
Vấn đề đầu tiên của quyền tự do truyền bá tư tưởng là vấn đề thu thập tin tức, ý kiến, hiểu biết và quảng bá.
 
Thông tin rất có ích lợi và đôi khi không thể thiếu, là điều hiển nhiên đối với nhu cầu của con người.
 
Nếu bản tính con người là bản tính vừa cá nhân, vừa xã hội, thì quyền thông tin và được tiếp nhận tin tức, kiến thức một cách trung thực là quyền căn bản đối với con người, để con người có thể trao đổi, học hỏi, làm giàu thêm kiến thức của cá nhân mình, giúp cho mình phát triển hoàn hảo con người của mình.
 
Do đó:
 
- bất cứ thể chế hay tổ chức nào kềm kẹp, hạn chế con người xử dụng các phương tiện truyền thông một cách bất chính
 
- là thể chế hay tổ chức chống lại bản tính và phẩm giá con người,
 
- trước khi là thể chế chống lại phương thức tổ chức Quốc Gia một cách dân chủ.
 
Việc kềm kẹp, hạn chế không những gồm:
 
- những khống chế, cầm đoán vật chất, cấm không cho quyền được xử dụng báo chí, truyền thanh, truyền hình, phim ảnh, kịch nghệ, tranh ảnh, điêu khắc, internet,
 
- mà còn gồm cả những công việc kiểm soát, cắt xén, thông tin không đầy đủ, bình luận có chủ ý bóp méo sự thật.
 
Tục ngữ La Tinh có câu:
 
"Dimidia veritas, veritas non est !" (Phân nửa sự thật, không phải là sự thật!)
 
Những phương thức:
 
- kềm kẹp, khống chế vật chất đối với việc xử dụng các phương tiện,
 
- cũng như kiểm soát, cắt xén, bình luận với chủ ý bất chính, làm sai lạc nội dung của sự thật, dần dần tạo nên tâm thức tai hại nơi con người, cách hành xử gian dối, có nói không, không nói có; và coi đó như là nền tảng luân lý tự nhiên.
 
Con người bị các phương tiện truyền thông hủy hoại, thay vì được giúp đỡ để phát triển hoàn hảo con người của mình và hành xử theo đường lối an bài của Thiên Chúa để tiến đến ơn cứu rỗi.

Những chủ thể kềm kẹp, khống chế và hạn chế con người qua các cách hành xử vừa kể
 
- có thể là một thể chế Quốc Gia, mà cũng có thể là một tổ chức truyền thông, một tờ báo, một tập san, đài phát thanh, truyền hình chẳng hạn.
 
Trách nhiệm
 
- làm cho con người không phát triển được hoàn hảo con người của mình,
 
- không đi đúng đường lối an bài của Thiên Chúa để được cứu rổi là trách nhiệm nặng nề đối với những ai liên hệ đến các phương tiện truyền thông, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thiêng liêng của con người: (IM, 1)
 
Và một khi con người luôn luôn bị lường gạt, áp chế, cấm cản không được phát biểu đúng đắn những gì mình suy nghĩ, con người sẽ không còn suy nghĩ những gì mình không được phát biểu nữa:
 
- "Một khi sợ không dám nói ra những điều mình suy nghĩ, dần dần người ta cũng sẽ không còn muốn suy nghĩ những điều mình không dám nói ra nữa ( Giovanni Sartori, Democrazia, Che Cosa è?, Milano, Rizzoli, 1994, 69)."
 
Như vậy khống chế, kềm kẹp, hạn chế, cắt xén, bóp méo sự thật của thể chế chính trị Quốc Gia cũng như của cơ quan truyền thông là thái độ
 
- vừa vi phạm quyền tự do ngôn luận để phổ biến tư tưởng,
 
- vừa vi phạm tự do tư tưởng, con người được tự do để suy tư.
 
Và một khi con người đã bị băng hoại, tổ chức xã hội chung sống của Quốc Gia sẽ không tránh khỏi phá sản luân lý cũng như vật chất.
 
Như vậy các phương thức khống chế và kềm kẹp, truyền thông không trung thực và đầy đủ sẽ tạo nên tai hại cho con người và phá hoại cuộc chung sống cộng đồng Quốc Gia.
 
Hiểu được như vậy, chúng ta sẽ hiểu được tại sao Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức đặt quyền tự do ngôn luận và được thông tin một cách trung thực vào phần những nguyên tắc căn bản để bảo vệ phẩm giá con người và nền tảng xây dựng Quốc Gia ( điều 1-19):
 
- "Mọi người có quyền diễn tả và phổ biến tự do ý kiến của mình bằng lời nói, chữ viết và hình ảnh; và có quyền tự do được thông tin, không ai có quyền cấm cản, từ những nguồn tin mà ai cũng có thể được. Quyền tự do báo chí và phổ biến tin tức qua đài phát thanh và phim ảnh ( những phương tiện tân tiến nhứt cho tới năm 1949) được bảo đảm. Không ai có thể thiết định bất cứ một sự kiểm duyệt cắt xén nào. Những quyền được kể trên có giới hạn trong những đạo luật tổng quát, nơi những điều khoản luật pháp liên hệ đến mục đích bảo vệ tuổi trẻ và quyền của con người được bảo vệ trong danh dự của mình" (Điều 5, đoạn 1 và 2 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).
 
Như vậy ngoài mục đích "Bảo vệ tuổi trẻ và quyền của con người được bảo vệ trong danh dự mình", một Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ như Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức không cho phép bất cứ ai và với bất cứ lý do gì "có quyền thiết định bất cứ một sự kiểm duyệt cắt xén nào".
 
Việc truyền bá trung thực và đầy đủ các dữ kiện và biến cố cho phép con người có được ý niệm, hiểu biết trọn vẹn và lâu dài để biến thành tư tưởng, ý kiến và loại trừ tư tưởng và ý thức hệ sai lạc với mưu đồ bất chính có thể phương hại đến con người.
 
Nhờ có được hiểu biết và ý kiến mỗi cá nhân có thể cộng tác một cách hữu hiệu cho công ích . Với ý muốn đồng thuận Cộng Đồng Quốc Gia chung nhau cộng tác tạo ra thịnh vượng và phú cường cho đất nước ( IM, 5 ).
 
4 - Tố cáo những sai trái luân lý.
 
Tố cáo:
 
- những sai trái luân lý,
 
- những sai trái của ý thức hệ độc tài,
 
- đàn áp con người, đê tiện hóa nhân phẩm, không những là:
 
* việc phải làm,
 
* mà còn đáng được khuyến khích và hỗ trợ để thực hiện.
 
Nhờ những người có lương tâm ngay chính đứng ra tố cáo những sai trái vừa kể, phương tiện truyền thông cung cấp cho con người sự hiểu biết chi tiếc và sâu sắc về chính mình, phát huy và vinh danh những nét huy hoàng của chân, thiện, mỹ (IM, 6).
 
Muốn được như vậy, đem lại những gì lợi ích cho tâm hồn con người và loại trừ những gì có hại, những ai có trách nhiệm với ngành truyền thông, cần phải hành động ngay chính theo sát các nguyên tắc luân lý,
 
- nhứt là đối với những vấn đề cần được trình bày một cách cẩn trọng
 
- hoặc những chủ đề có thể dễ khơi động những ước muốn không chính đáng nơi con người, bị tổn thương bởi nguyên tội (IM, 7).
 
5 - Đối với người tiêu thụ.
 
Nghị Định Inter Mirifica của Công Đồng Vatican II khuyến cáo người tiêu thụ
 
- nên khuyến khích, ủng hộ những tổ chức truyền thông có giá trị luân lý, văn hóa và nghệ thuật thực sự,
 
- cũng như khai trừ những tổ chức phổ biến những chủ đề có thể làm phương hại đến đời sống thiêng liêng của mình, hay có thể làm gương mù, gương xấu cho người khác.
 
- Loại trừ những tổ chức truyền thông cản trở những ai hành xử để đem lại thực sự những giá trị tốt lành vừa kể
 
- hay loại trừ những ai đồng lỏa , cổ vỏ, ủng hộ những kẻ hành xử với mục đích bất chính (IM, 9).

Ngoài ra Nghị Đinh cũng khuyên bảo người tiêu thụ, vì lương tâm ngay chính, đừng thiếu bổn phận kịp thời tố cáo với những ai có thẩm quyền những tổ chức truyền thông có đường lối hay ý thức hệ sai lạc, để giới thẩm quyền có biện pháp thích đáng (IM, id.).
 
Và sau cùng người tiêu thụ cũng có bổn phận, bằng những phương thế thích ứng, tạo cho mình lương tâm được soi sáng và ngay chính để
 
- có thể đối đầu lại những ảnh hưởng bất chính
 
- và hấp thụ được những giá trị tốt lành ( MCS, id.).
 
6 - Bổn phận nhà sản xuất và người hành nghề chức nghiệp.
 
Nhà sản xuất và những ai hành nghề chức nghiệp trong các phương tiện truyền thông phải ý thức đến trách nhiệm nặng nề của họ trong việc thực hiện và phổ biến.
 
Tin tức, ý kiến, đường lối mà họ phổ biến cũng như áp lực mà họ tạo nên qua phương tiện truyền thông:
 
- có thể hướng dẫn nhân loại trên con đường đoàn kết, liên đới, thương yêu, xây dựng
 
- cũng như đưa đến chia rẻ, ích kỷ, hận thù và diệt vong.
 
Họ phải biết làm thế nào để hòa hợp các yếu tố chính trị, kinh tế hay nghệ thuật để tạo nên công ích thay vì đưa đến ích kỷ, thoả mãn thú tính thấp hèn, đê tiện hóa nhân phẩm.
 
Những ai có liên hệ với truyền thông nên nhớ rằng phần lớn các độc giả và khán thính giả của họ là những người trẻ, cần được báo chí, phim ảnh, kịch nghệ cống hiến cho họ những đề mục giải trí lành mạnh và nâng cao tinh thần đến những lý tưởng cao đẹp (IM, 11).
 
Với chức năng của người hành nghề truyền thông, những người trong nghề nghiệp nên ủy thác cho những cộng sự viên đứng đắn và có thẩm quyền về những vấn đề tôn giáo, để có thể đề cập đến tôn giáo với sự tôn kính phải có ( IM, id.).
 
7 - Tác động của chủ chăn và tín hữu.
 
Thay vì khoán trắng cho ai khoái làm báo, nói trên đài phát thanh, truyền hình, hát cải lương , thì mặc kệ họ !, Công Đồng Vatican II kêu gọi mọi thành phần của Giáo Hội , không thể chần chờ thêm nữa, đều phải góp sức , thiện ý và lòng nhiệt thành để biến các phương tiện truyền thông thành những dụng cụ hữu hiệu phục vụ cho sứ mạng tông đồ ( IM, 13).
 
Có trong tay phương tiện truyền thông, người Ki Tô hữu có thể đề phòng:
 
- sáng kiến bất chính,
 
- băng hoại luân lý,
 
- tiêu diệt tôn giáo
 
- và đê tiện phẩm giá con người,
 
ở đâu và lúc nào họ cảm thấy phải can thiệp khẩn trương và kịp thời.
 
Các vị chủ chăn có bổn phận phải chu toàn trong lãnh vực nầy, dạy dỗ và hướng dẫn các tín hữu những gì giáo lý chỉ dạy để họ hành xử chính đáng và theo lương tâm ngay chính. Vì đây là bổn phận trong gánh nặng rao giảng Phúc Âm của qúy vị ( IM, id.).
 
Các vị chủ chăn có bổn phận dạy dỗ, soi sáng chúng ta, những người giáo dân, bằng tín lý và luân lý.
 
Nhưng chúng ta đừng có thái độ ấu trỉ, khoán trắng, đổ lên vai các vị tất cả gánh nặng mà Cộng Đồng Dân Chúa phải chung nhau gánh vác.
 
Đó là những gì Công Đồng Vatican II xác nhận trong Hiến Chế Lumen Gentium, ngay đang lúc Công Đồng còn đang nhóm họp năm 1962:

- "Các chủ chăn không phải là người được Chúa Giêsu thiết lập nên để nhận lãnh một mình tất cả trọng trách của sứ mạng cứu rỗi của Giáo Hội đối với trần gian , mà bổn phận cao cả của các Vị là chăn dắt các tín hữu nhận biết phận vụ và ân sủng của họ, để tất cả có thể đồng thuận hợp tác nhau vào công việc chung, mỗi người tùy theo khả năng của mình" ( LG , 30)."
 
Lãnh vực trần thế là lãnh vực của giáo dân, với thể thức và luật lệ hoạt động để thực hiện riêng biệt của mỗi lãnh vực.
 
Và các phương tiện truyền thông, Inter Mirifica (Giữa những khám phá kỳ diệu), thuộc lãnh vực trần thế.
 
Do đó người tín hữu giáo dân cần được các Vị Chủ Chăn dẫn dắt, soi sáng bằng tín lý và luân lý.

Và sau khi được dạy dỗ, với lương tâm ngay chính và khả năng chuyên môn, người tín hữu giáo dân hãy can đảm hành động với trách nhiệm của mình:
 
- "Thẩm quyền chuyên biệt của giáo dân, mặc dầu không chỉ độc quyền của họ, là lãnh vực chuyên môn và những hoạt động trần thế. Họ (người giáo dân) nên trông đợi ở các linh mục gương sáng và sức mạnh thiêng liêng. Nhưng họ đừng nghĩ rằng các vị chủ chăn của họ có thẩm quyền để có thể đưa ra cho họ một giải pháp thực tế và cấp tốc đối với mọi vấn đề, ngay cả đối với vấn đề quan trọng mà họ đang gặp phải, hay đó là sứ mạng của các Vị. Đúng hơn, được soi sáng bởi đức khôn ngoan Ki Tô giáo, chú ý một cách trung thực đến lời giảng dạy của Giáo Hội, chính họ nên đứng ra nhận lãnh trách nhiệm của mình" (Gaudium et Spes, 43).
 
Người giáo dân dấn thân trong ngành truyền thông phải tìm cách là những chứng tá của Chúa Ki Tô, bằng cách chu toàn công việc của mình với khả năng chuyên môn, trách nhiệm và tinh thần truyền giáo.
 
Họ cũng cộng tác trong các hoạt động mục vụ của Giáo Hội bằng kiến thức kỹ thuật, kinh tế, văn hóa và nghệ thuật, tùy theo khả năng của mỗi người ( IM, 13).

Một ít tư tưởng tóm lược những huấn dụ của Nghị Định Inter Mirifica Công Đồng Vatican II về Truyền Thông để kính tặng những ai đang muốn Sống Sứ Mạng Truyền Thông theo tinh thần của Công Đồng, phục vụ Giáo Hội và phục vụ Đất Nước.


Tiến sĩ Nguyễn Học Tập

Tiến sĩ Nguyễn Học Tập là một trí thức giáo dân đã sống ngay tại Roma từ nhiều thập niên qua. Ông từng là cựu học viên Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt ngay từ thời tiên khởi, Ông lấy tiến sĩ Chính trị học chuyên ngành Hiến Pháp tai ISTITUTO PEDRO ARRUPE, học viện chuyên khoa ĐẠI HOC GREGORIANA (Roma). Một tác giả đáng tin cậy và giàu hiểu biết. Một tinh thần luôn gắn bó với Quê hương và Giáo Hội Việt Nam.

Tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Học Tập

Nguồn tin: pop.ubmvgiadinh.org

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập509
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm506
  • Hôm nay71,846
  • Tháng hiện tại840,956
  • Tổng lượt truy cập58,126,825
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây