Còn có ý nghĩa gì cho những sự sống ấy không?

Thứ hai - 21/02/2011 06:51

Người già.

Người già.
Có những sự sống xem chừng quá thảm ở xung quanh ta. Và nhiều khi ta bất chợt tự hỏi sao Chúa không cất họ đi cho rồi! Sau đây là một vài chia sẻ, nhân trăn trở của một nữ tu từng dấn thân nhiều năm trong sứ vụ săn sóc người già.

CÓ CÒN Ý NGHĨA GÌ CHO NHỮNG SỰ SỐNG ẤY KHÔNG? 

Có những sự sống xem chừng quá thảm ở xung quanh ta. Và nhiều khi ta bất chợt tự hỏi sao Chúa không cất họ đi cho rồi! Sau đây là một vài chia sẻ, nhân trăn trở của một nữ tu từng dấn thân nhiều năm trong sứ vụ săn sóc người già: “T.P. mến, nhóm của Chị đang chia sẻ về đề tài “À l’étape d’une vie dépendante, une vie religieuse toujours signifiante.” Không biết T.P. có ý kiến gì về đề tài này không? Cho xin với nhé. Khi làm việc suốt ngày với các Soeurs bị lẫn, không biết làm sao để hiểu thấu được Chúa muốn gì trên cuộc sống những người đó T.P. ạ. Nằm một chỗ, ngày qua ngày, không còn biết gì, chẳng nói năng gì, chỉ biết có ăn mà thôi!!! Ở gia đình, mình chỉ thấy một người; giờ ở đây thì cả mấy chục người như thế. Thật là một mầu nhiệm không thể hiểu được...”

Chị L. mến,

À l’étape d’une vie dépendante, une vie religieuse toujours signifiante” (Ở giai đoạn đời sống lệ thuộc, một đời tu luôn mãi còn ý nghĩa) là một đề tài rất thời sự và gợi mở. Nó liên quan đến thần học luân lý, thần học linh đạo, và cả thần học đời tu – dù ở đây chúng ta không có ý ‘sa đà’ vào các thứ sách vở thần học. Đối tượng của suy tư ở đây là đời tu ở tuổi xế chiều, với tất cả sự suy kiệt tàn tạ của thân xác và tâm thần. Có còn ý nghĩa gì cho những sự sống ấy không? Cách riêng trong công việc hằng ngày của Chị L. thì đây đúng là dấu hỏi nóng bỏng và triền miên day dứt. 

Nhưng dấu hỏi này không chỉ thuộc riêng đời tu. Nó là của phận người. Và dấu hỏi cũng không chỉ gắn liền với những người già liệt giường thoi thóp, đôi khi sống ‘đời thực vật’. Nó cũng bật lên từ bao số phận khác nữa. Ta nghĩ đến những người (đôi khi còn rất trẻ) tật nguyền lê lết, những người phung hủi, những người bị hội chứng ‘Down’, những người vốn là quái thai từ trong bụng mẹ... Nhiều nhiều lắm!

Thật dễ nghĩ rằng đó là gánh nặng khủng khiếp cho chính bản thân họ và cho người khác. Và xét theo một quan điểm, thì quả thực đó là gánh nặng, đôi khi là rất nặng. 

Nhưng cũng từ trong thực tế, ta thấy rất nhiều người đảm nhận gánh nặng này (của chính mình hay của thân nhân mình) một cách rất đỗi anh hùng. Không hẳn họ là Kitô hữu. Cũng không hẳn họ thấu hiểu đạo lý Kitô giáo. Chúa Thánh Thần soi sáng trong lương tâm họ và họ tin rằng đó là gánh nặng đáng đảm nhận, chứ không duy chỉ là phải đảm nhận vì không có chọn lựa nào khác. 

Có còn ý nghĩa gì cho những sự sống ấy không? 

Với Kitô giáo, câu trả lời trước hết sẽ là ở chính sự sống, sự sống của con người. Sự sống con người là quà tặng tuyệt đỉnh mà Chúa dựng nên dưới gầm trời này. Đó là sự tham dự cao nhất và là phản ảnh rõ nhất sự sống của Thiên Chúa trong vũ trụ này. Vì thế Thánh Kinh nói con người là “hình ảnh của Thiên Chúa” và con người “chỉ kém thiên thần một tí”. Là quà tặng, trước sau nó vẫn thuộc về Thiên Chúa chứ không thuộc về con người (Thiên Chúa không chỉ tạo nên tôi một lần, mà Ngài không ngừng tạo nên tôi từng phút giây – nếu một lúc nào Ngài ‘quên’ tôi, lập tức tôi không còn hiện hữu nữa, hóa hư không!) 

Trong tư cách là quà tặng tuyệt đỉnh của Thiên Chúa và là hình ảnh của Thiên Chúa, sự sống con người mang trong mình nó phẩm giá bất khả xâm phạm. Và đây không phải là phẩm giá của chỉ tinh thần hay linh hồn thiêng liêng thôi. Đây là phẩm giá của con người toàn thể (hồn-xác). Hồn và xác không phải là hai phần gộp lại làm nên con người, mà là hai chiều kích của con người duy nhất, con người toàn thể. Thân xác là sự thể hiện hữu hình của hồn, và hồn là chiều kích siêu việt, cánh chung của thân xác. Vì thế thân xác con người mang trong mình nó trọn vẹn phẩm giá của nhân vị. Điều này không chỉ nói về những thân xác trẻ khỏe đẹp đầy tràn sức sống, sức làm việc - mà vẫn đúng y như vậy đối với những thân xác người liệt giường thoi thóp, hay cùi hủi xấu xí, hay bé bỏng mong manh đến mấy đi nữa. Ta hiểu tại sao không được phá thai, không được chủ động cho chết êm dịu, không được thí nghiệm trên thân xác người sống, không được tự tử hay tự hủy hoại thân thể, không được giết người hay hủy hoại thân thể người, không được buông tuồng dâm dục, vân vân và vân vân... Vì tất cả những điều đó đều xúc phạm đến phẩm giá thân xác của mình hay của người, và do đó xúc phạm đến phẩm giá nhân vị của mình hay của người. Ta cũng hiểu tại sao “thân xác loài người ngày sau sống lại”!

Nhưng sự sống của con người (một cách hữu hình, thì đó là sự sống của thân xác) không phải có ý nghĩa ở chỗ cấm ta không được xúc phạm cách này hay cách khác. Không được làm điều này điều nọ, đấy chỉ là mặt tiêu cực. Ý nghĩa đích thực của sự sống con người nằm ở phía tích cực hơn nhiều: Là hình ảnh của Thiên Chúa và được cứu chuộc bởi Đức Kitô, con người sống là để cho Thiên Chúa (Cha, Con và Thánh Thần) sống trong mình, để yêu mến, kết hiệp với Chúa và tôn vinh Chúa.

Tình yêu này, sự kết hiệp này và sự tôn vinh Chúa này không bao giờ đạt đến trọn vẹn ở dưới gầm trời, vì thế mỗi phút giây của cuộc đời vẫn là một cơ hội để con người yêu mến Chúa hơn, kết hiệp với Chúa và thuộc về Chúa hơn, tôn vinh Chúa hơn. Mỗi phút giây hiện tại có giá trị vô song và có giá trị quyết định, vì tình yêu chỉ có nghĩa là yêu trong hiện tại (nếu tôi đã yêu bạn mấy chục năm mà giờ đây tôi không còn yêu bạn nữa, thì có nghĩa gì cho bạn lúc này? Với người ta cũng vậy, mà với Chúa cũng vậy). Ta cũng không thể võ đoán để xác quyết rằng những người dường như mất trí hay gần chết kia không còn có khả năng yêu mến, kết hiệp với Chúa và thuộc về Chúa nhiều hơn đấy nhé. Đây là mầu nhiệm, là ‘bí mật’ giữa họ với Chúa, và ta không thể dễ dàng ăn ốc nói mò.

Thật vậy, điều vĩ đại nhất mà con người có thể làm được, đó là thuộc về Chúa trong niềm tin cậy mến, chứ không phải là bất cứ công trình nào khác, dù có lấp biển vá trời. Thuộc về Chúa có nghĩa rằng Chúa là tất cả, còn tôi thực ra chỉ là hư không. Xem chừng khi con người bị tước đi nhiều nhất những điểm tựa, khi con người trở thành hoàn toàn bất lực, hoàn toàn phụ thuộc, thì con người dễ thuộc về Chúa hơn trong niềm khiêm cung sâu thẳm đó chứ, phải không? Trong lịch sử Giáo Hội, nhiều vị thánh đã thuộc về Chúa không phải bất chấp bệnh hoạn mà là nhờ qua bệnh hoạn (gần đây nhất có lẽ là Chiara Luce Badano, cô gái mới mất hồi năm 1990, lúc 19 tuổi, và mới được tuyên Chân Phước cuối tháng 7.2010). Thánh Têrêsa Lisieux của Chị L. cũng là một minh họa hùng hồn cho tình yêu Chúa và sự kết hiệp với Chúa nhờ qua bệnh hoạn đó chứ, phải không?

Cuối cùng, trong đời sống cộng đoàn (nơi diễn tả ưu tiên nhất chiều kích tương quan xã hội của mọi con người), chúng ta vẫn nói rằng yêu thương nhau bao hàm cho và nhận. Nhiều khi ta chỉ nhấn mạnh khía cạnh cho mà quên mất rằng nhận cũng là cách để yêu thương. Và nói cho cùng, cả cho lẫn nhận mới làm nên yêu thương. Sự sống con người bắt đầu từ giai đoạn bào thai, giai đoạn chỉ đón nhận, 100% phụ thuộc vào một sự sống khác (của người mẹ). Dần dà, em bé lớn lên, tập tành biết cho chứ không chỉ nhận. Khi đau ốm, hoạn nạn, hoặc khi về già, nhiều trường hợp người ta lại trở về tình trạng hoàn toàn phải biết đón nhận, hoàn toàn phụ thuộc vào người khác để sống. Âu cũng là điều tự nhiên thôi. Càng là điều tự nhiên, và càng không có gì mặc cảm, khi đương sự đã trải qua một quãng đời dấn thân cống hiến cho người, cho đời. Xuân hạ thu đông của trời đất thì xoay vần, hết chu kỳ này đến chu kỳ khác. Còn kiếp người trên dương thế chỉ có một chu kỳ thôi. Người già ở trong mùa đông, thật tự nhiên, vì họ đã từng trải qua mùa xuân, thu, hạ...

Khi con người ở trong hoàn cảnh bất lực nhất, chênh vênh chới với nhất, thì con người dễ nên giống với Đức Giêsu bị ghim trên cây gỗ nhất, một Giêsu cảm thấy dường như mình bị bỏ rơi ngay cả bởi chính Cha. Nhưng đó cũng là lúc mà Đức Giêsu sắp đạt đến hy tế trọn vẹn cho Cha và cho con người. Đó là lúc mà Đức Giêsu diễn tả tình yêu và sự thuộc về Cha cách tột cùng nhất. Giây phút nào của cuộc đời cũng là một hồng ân vô giá. Giây phút nào của cuộc đời cũng là một tiếng gọi huyền linh!

Vài chia sẻ trong nhất thời với Chị L. vậy. Chị tìm bù đắp thêm nhé. Mến chúc Chị được ơn thưởng thức “mầu nhiệm” qua công việc phục vụ mỗi ngày.

THIÊN PHONG (20.2.2011) 

Tác giả: THIÊN PHONG

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập632
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm630
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại970,841
  • Tổng lượt truy cập57,072,478
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây