10 yếu tố làm cho Tổ chức Bác ái Công giáo thực sự mang tính Công giáo.

Thứ bảy - 26/05/2012 04:24

-

-
Không phải cứ cung cấp thực phẩm cho những người nghèo càng nhiều càng tốt là đủ, nhưng chúng ta phải đánh thức lương tâm của công chúng về lý do tại sao có nhiều người phải chịu cảnh đói nghèo trong những quốc gia giàu có, và làm thế nào có thể thay đổi được tình trạng này, khởi đi từ cá nhân, cộng đồng và cả chính phủ nữa.
10 yếu tố làm cho Tổ chức Bác ái Công giáo thực sự mang tính Công giáo
 
 
1. Phục vụ bác ái có cội rễ trong Kinh Thánh
 
Những công việc chúng ta làm có cội rễ sâu xa trong Kinh Thánh. Trong bản Kinh Thánh Do Thái, trung tâm của quan điểm Thánh Kinh về công bằng chính là sự chăm lo cho các bà góa, trẻ mồ côi và người ngoại kiều. Đáp lại nhu cầu của họ là một trách nhiệm đặc biệt đối với người Do Thái. Thực hiện công bằng như thế là tiêu chuẩn đánh giá  họ có hiểu tương quan của họ với Chúa và với nhau hay không.
 
Những công việc hiện nay của các Tổ chức Bác ái Công giáo (CC) trên toàn thế giới tiếp tục ưu tiên phục vụ những đối tượng trên: phụ nữ, trẻ em nghèo, các cá nhân bị loại trừ vì là lao động nước ngoài, di dân và tị nạn; họ khác nguồn gốc, hoặc họ bị thiểu năng, HIV/AIDS, hoặc lý do nào khác khiến họ bị gạt ra bên lề. Những con người này được đối xử ra sao là yếu tố cho thấy sự công bằng của xã hội ấy, và cho biết chúng ta có hiểu xác tín này hay không: tất cả mọi người đều là con của một Thiên Chúa – Đấng cúi mình quan tâm đến những thân phận nhỏ bé nhất trong chúng ta.
 
Giáo huấn của Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh điều này. Trong bối cảnh ngày phán xét mà Tin Mừng thánh Mathêu chương 25 trình bày, Chúa Giêsu cho các môn đệ biết rằng thế gian sẽ bị phán xét tùy theo cách họ đối xử với Ngài nơi những người đói khát, vô gia cư, đau yếu, bị cầm tù và nghèo khổ. Giáo huấn này còn được xác định mạnh mẽ hơn trong bối cảnh của chương 13 Tin Mừng theo thánh Gioan, khi Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, và dạy họ làm như Ngài đã làm; như một người đầy tớ mẫu mực của Hội Thánh được nhấn mạnh trong Giáo huấn của Công đồng Vatican II.
 
2. Công việc phục vụ là một phần thống nhất của toàn thể Hội Thánh Công giáo từ 2000 năm qua
 
Khi Hội thánh tiên khởi được thành lập, các tông đồ đối diện với một thách đố đe dọa chia rẽ cộng đoàn Kitô giáo mới này. Vấn đề đặt ra là các Kitô hữu gốc Hy lạp than phiền rằng các bà góa của nhóm họ không nhận được phần chia sẻ của cải chung. Các tông đồ đã đặt để 7 Phó tế, với nhiệm vụ chuyên biệt là đảm bảo cho công bình được phản chiếu trong đời sống của cộng đoàn, và các bà góa, các trẻ em được chăm sóc.
 
Mục vụ chăm sóc cho những người khốn khổ đã được quan tâm trong các tu viện lớn của thiên niên kỷ I; các tu sĩ chăm sóc cho các trẻ mồ côi, người bệnh tật, già yếu, các du khách và người nghèo. Từ các tu viện, sứ vụ chăm sóc ấy được lan tỏa đến các thành phố, khi các nam nữ tu sĩ thiết lập các viện mồ côi, nhà dưỡng lão, dưỡng bệnh, trạm dừng chân, nhiều trung tâm chăm sóc sức khỏe và phục vụ xã hội khác. Sau đó, các tổ chức giáo dân bắt đầu mở rộng và dấn thân trong công việc này, như các hội của thánh Vinhsơn Phaolo.
 
Nhiều vị thánh lớn khác cũng được biết đến trong sứ vụ chăm sóc người nghèo hèn khốn khổ như: thánh Phanxicô Assisi, thánh Clara, thánh Phêrô Clave, thánh Catarina thành Siena, thánh Elizabeth Anna Seton…
 
3. Bác ái Công giáo cổ võ sự thánh thiêng của sự sống và phẩm giá con người.
 
Lý do tối hậu cho việc phục vụ của chúng ta là niềm tin vào sự thánh thiêng của con người và phẩm giá đời sống con người. Điều này được thể hiện trong những việc phục vụ sự sống, chăm sóc người già yếu.
 
Trong khi xã hội có thể loại trừ những người ốm đau, thiểu năng, nghèo đói… thì Bác ái Công giáo phải đến với họ trong sự kính trọng nhân phẩm, là gốc rễ của giáo huấn xã hội Công giáo. Trong khi xã hội có thể loại trừ những người bị tù đày hay không có giấy tờ hợp pháp, chúng ta phải đề cao phẩm giá của họ, nâng cao chất lượng đời sống và tìm hiểu những nhu cầu của họ để trợ giúp. Đức Giêsu Kitô đã không từ chối một ai, Ngài đụng chạm để chữa lành, Ngài đồng bàn với người tội lỗi và thu thuế. Bác ái Công giáo cũng vậy, phải biết tiếp nhận ngay cả những thành phần mà xã hội chính trị làm ngơ hoặc trừng phạt.
 
Theo truyền thống triết học và thần học của cộng đoàn tín hữu, với yếu tố trung tâm là sự thánh thiêng và phẩm giá con người, Bác ái Công giáo được hình thành nên từ những giá trị và tiêu chuẩn đạo đức vững chắc. Trong số đó nổi bật là một sự ưu ái cho những người nghèo, như ĐTC Gioan Phaolo II đã nêu lên, và nhiều người khác đã đề cập trong bản chất công việc phục vụ, trong những lãnh vực làm việc của các văn phòng, khi sử dụng các bảng đối chiếu chi phí và bênh vực cho công lý xã hội.
 
4. Đức Giám Mục Giáo phận có thẩm quyền trên các hoạt động Bác ái Công giáo
 
Dù cho giáo phận, giáo xứ, dòng tu hay những nhà hoạt động  giáo dân thiết lập nên thì các hoạt động bác ái Công giáo vẫn có căn tính Công giáo chính thức trong tương quan với Hội Thánh và Giám mục địa phận.
 
Đức Giám mục chịu trách nhiệm về giáo huấn của Giáo hội và Giáo luật trong các hoạt động bác ái thuộc giáo phận. Dù được tổ chức theo luật dân sự hay giáo luật, các tổ chức Bác ái Công giáo có trách nhiệm hoạt động phù hợp với các giáo huấn và giá trị của Giáo hội. Khi có nhiều tổ chức đa dạng, Đức Giám mục giáo phận được xác định có tư cách pháp lý để thực hiện trách nhiệm thuộc giáo quyền trong những hoạt động tông đồ.
 
5. Bác ái Công giáo tôn trọng niềm tin tôn giáo của những người chúng ta phục vụ
 
Nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng các tổ chức Bác ái Công giáo phục vụ mọi người thuộc mọi tín ngưỡng. Họ càng ngạc nhiên hơn khi hầu hết các tổ chức không lấy số thống kê về việc gia nhập tôn giáo của những người đến với họ.
 
Điều này cho thấy một quyết tâm phục vụ cho toàn thể cộng đồng, một thói quen đã có từ thế kỷ IV. Theo gương Chúa Giêsu Kitô, sự đáp ứng của chúng ta hướng đến các gia đình và cá nhân đang cần trợ giúp: người đói nghèo, vô gia cư, thất vọng, gặp khó khăn, yếu đuối mà không phân biệt niềm tin tôn giáo. Đó là chính sứ vụ của Chúa Giêsu, Ngài đã chữa lành cho con gái của một người phụ nữ xứ Canaan, theo Tin Mừng Mathêu chương 15, và người đầy tớ của viên Đại đội trưởng theo Tin Mừng Luca chương 7.  
 
Chúng ta là người Công giáo thực sự khi biết tôn trọng niềm tin của người khác. Rất nhiều người đến với các tổ chức Bác ái Công giáo vì những nhu cầu đặc biệt… họ không tìm kiếm hoặc chưa cần đến việc gia nhập tôn giáo, và những ủy ban của chúng ta cũng không nhằm mục tiêu ấy.
 
Việc phục vụ của chúng ta phản ánh sự tôn trọng nhân phẩm, tự do tôn giáo, đại kết mà CĐ Vatican II kêu gọi. Nhiều người đến với tổ chức Bác ái Công giáo vì: một bữa ăn nóng, một nơi an toàn để trú ngụ, một toa thuốc, một nơi định cư ở một quốc gia mới, nguồn vốn để tái xây dựng sau một thiên tai… ĐTC Gioan Phaolo II đã nói với các thành viên trong cuộc họp tại San Antonio năm 1986: “để việc phục vụ được lâu dài và bền bỉ, hãy sa1ng tạo và can đảm, hãy bỏ qua sự khác biệt sắc tộc và tôn giáo, anh chị em sẽ nghe được lời cảm ơn của Chúa Giêsu: Các con đã làm cho chính Ta”.
 
Vào ngày 18.04.1997, ĐTC đã đề cập đến vai trò của hoạt động bác ái với Ủy ban Giáo hoàng “Cor Unum”: “Hoạt động bác ái là một phương thế hùng hồn của việc loan báo Tin Mừng, vì nó minh chứng tinh thần cho đi và hiệp thông do Thiên Chúa khơi dậy, Ngài là Đấng đã tạo nên mọi người nam nữ”.
 
Nhưng động lực đầu tiên của việc cho đi của người Công giáo là phục vụ Đức Kitô trong người nghèo, đau khổ, là cổ võ công lý, hòa bình, sự thăng tiến của đoàn con cái Thiên Chúa.

“Những hành động trợ giúp, cứu trợ phải được định hướng bằng một tinh thần phục vụ và cho đi nhưng không, vì lợi ích của mọi người, chứ không phải với mục tiêu thu nhận thêm tín đồ”.
 
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, tổ chức Bác ái Công giáo cũng tài trợ cho những chương trình đặc biệt của Cộng đồng Công giáo, bao gồm việc chuẩn bị hôn nhân, tư vấn, sinh hoạt và huấn luyện của các giáo xứ, các trường Công giáo hoặc những sinh hoạt đặc thù khác.
 
6. Bác ái Công giáo nhận ra rằng trong các hoạt động, cần có sự chú ý đến nhu cầu thể lý, tinh thần và thiêng liêng.
 
Trong một số hoạt động, cần phải nhận ra và đáp ứng những nhu cầu thể lý, tinh thần và thiêng liêng cho những người chúng ta phục vụ. Những chương trình điều trị nghiện ngập, tư vấn hôn nhân và gia đình, cứu trợ thiên tai và những việc phục vụ khác đều cần phải có sự quan tâm đến con người toàn diện.
 
Chúng ta làm việc này bằng nhiều cách với sự tôn trọng niềm tin tôn giáo của mỗi cá nhân. Những nơi trú ngụ cho người vô gia cư thường tạo cơ hội cho việc chia sẻ niềm tin và hy vọng, cách cầu nguyện, cách diễn tả niềm tin vào quyền lực siêu nhiên. Một vài trung tâm và ký túc xá cũng tạo cơ hội cho ơn gọi giáo sĩ, tùy thuộc vào ước muốn của những người được phục vụ.
 
Việc tư vấn hôn nhân và gia đình cũng phải thực hiện tùy theo niềm tin và thang giá trị của những người có liên quan. Các tư vấn viên phải nhận ra và khẳng định được tầm quan trọng của chiều kích thiêng liêng nơi những người mình phục vụ, mà không áp đặt niềm tin tôn giáo trên họ
 
7. Bác ái Công giáo có tương quan đặc biệt với Giáo phận Công giáo và các giáo xứ.
 
Bác ái Công giáo có chương trình chính thức để hỗ trợ và khích lệ các giáo xứ thực hiện sứ vụ cộng đoàn và những nhu cầu cần thiết.
 
Các tổ chức trợ giúp các thành viên trong giáo xứ sống ơn Thánh Tẩy bằng cách dấn thân cho người nghèo và khốn khổ. Họ cung cấp những gì thuộc về chuyên môn, huấn luyện, hỗ trợ và khích lệ các việc phục vụ trong giáo xứ như: tủ để thức ăn, chăm sóc những người già yếu, bệnh tật, tổ chức cộng đoàn và các giáo xứ, thực hiện trách nhiệm chăm sóc cộng đoàn đức tin và thậm chí tạo mạng lưới làm việc cho công bằng xã hội; họ trợ giúp các giáo xứ trong việc sống bí tích thánh tẩy, dấn thân cho người nghèo, khốn khổ. Như vậy, họ giúp các mục tử và giáo xứ đảm nhận trách nhiệm hình thành, chăm sóc cộng đoàn tín hữu. Họ cũng rộng mở với những tác vụ khác qua bàn tay, con tim của hàng ngàn người trong các giáo xứ để thực hiện những kế hoạch chung như: các bếp ăn mở rộng, tài trợ cho các gia đình tị nạn, thăm viếng tù nhân.
 
Bác ái Công giáo cũng cộng tác với các vị lãnh đạo trong giáo phận bằng cách thực hiện hoặc cộng tác với các văn phòng, các chương trình được Giáo hội hỗ trợ, như các chiến dịch Thăng tiến con người chống lại nghèo đói, đời sống gia đình và các chương trình tôn trọng sự sống, các tổ chức giới trẻ, các văn phòng công lý và hòa bình…
 
Bác ái Công giáo hỗ trợ Giáo hội Công giáo đảm nhận những khía cạnh khác liên quan đến sứ vụ của Giáo hội trong cộng đồng rộng lớn và giúp hoàn thành nhiệm vụ của mỗi ban nhằm phục vụ người nghèo khổ, cổ võ xã hội công bằng, nối kết mọi người để giải quyết các vấn đề của cộng đồng.
 
8. Bác ái Công giáo làm việc trong sự đồng hành năng động với các tổ chức tôn giáo và cộng đồng dân sự.
 
Suy tư về giáo huấn của Công đồng Vatican II, Bác ái Công giáo bày tỏ sự sẵn sàng và trách nhiệm của Giáo hội Công giáo để chung tay làm việc với các tôn giáo bạn, với những người thành tâm thiện chí để phục vụ các nhu cầu của cộng đồng.
 
Chúng ta thường xuyên hỗ trợ những dịp gây quỹ rộng lớn trong cộng đồng vì lợi ích của Bác ái, và cũng được cả các tôn giáo khác, các tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ. Chúng ta nối kết trong các nhu cầu khẩn cấp của cộng đồng, khai triển những lời đáp ứng mới, các cộng đoàn giáo dục và nối kết những mối quan tâm của cá nhân lẫn tập thể vì lợi ích chung.
 
9. Bác ái Công giáo cổ võ một sự hợp tác tập thể - cá nhân năng động với các tổ chức chính phủ trong mọi cấp độ.
 
Giáo hội Công giáo có một truyền thống giáo huấn lâu đời và mạnh mẽ về trách nhiệm của chính phủ trong việc cổ võ công ích và bảo vệ người yếu đuối, trách nhiệm của người Công giáo là những công dân năng động, biết đóng thuế để hỗ trợ nhà nước và tham dự cách năng động vào đời sống xã hội.
 
Trong ánh sáng của những giáo huấn này, Bác ái Công giáo đã tìm kiếm và chấp nhận cộng tác với các thành phố, quốc gia, tiểu bang, chính quyền; chúng ta đón nhận quỹ của chính phủ để cung cấp cho cộng đồng, trong những công việc phù hợp với sứ mệnh của chúng ta. Các hình thức cộng tác này dưới dạng hợp đồng trong một số hoạt động đặc thù như: giáo dục, chăm sóc đặc biệt, xây dựng nhà ở… Chính phủ cung cấp tài chính; chúng ta góp thêm vốn, thiện nguyện, các giá trị, sự tín nhiệm của cộng đồng, và dấn thân phục vụ trong các cộng đồng địa phương, các gia đình nghèo khổ.
 
10. Bác ái Công giáo hòa hợp giữa việc bảo vệ người nghèo khổ, giáo dục phổ quát về công bằng xã hội với việc phục vụ các cá nhân, gia đình và cộng đồng.
 
Trong suốt thế kỷ vừa qua, Giáo hội Công giáo đã lên tiếng nhiều hơn trong việc phải thay đổi các vấn đề kinh tế, chính trị. Sự thay đổi này thích hợp với những đòi hỏi của công bằng xã hội, để đáp lại nhu cầu của toàn thể cộng đồng, với một sự quan tâm đặc biệt cho người nghèo và đau khổ nhất.
 
Bác ái Công giáo, theo hướng dẫn của Vatican và các Giám mục, đang làm việc cho một xã hội công bằng hơn, đó là một phần sứ mệnh của chúng ta. Không phải cứ cung cấp thực phẩm cho những người nghèo càng nhiều càng tốt là đủ, nhưng chúng ta phải đánh thức lương tâm của công chúng về lý do tại sao có nhiều người phải chịu cảnh đói nghèo trong những quốc gia giàu có, và làm thế nào có thể thay đổi được tình trạng này, khởi đi từ cá nhân, cộng đồng và cả chính phủ nữa. Bác ái Công giáo địa phương hiểu rằng việc bảo vệ, lên tiếng và làm việc cho công bằng xã hội là một phần thiết yếu của sứ mệnh chúng ta nhằm chăm sóc cho các cá nhân, các gia đình và cộng đồng đang cần đến.
 
Rev. Fred Kammer, SJ –  Chủ tịch Bác ái Xã hội Hoa Kỳ 1992 – 2001
Anna Thanh Huyền, FMA chuyển ngữ

Tác giả: Rev. Fred Kammer, SJ

Nguồn tin: www.caritasvietnam.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập509
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm505
  • Hôm nay71,846
  • Tháng hiện tại848,895
  • Tổng lượt truy cập58,134,764
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây