Hành hương về Roma. Phần 5

Thứ năm - 26/09/2013 21:07

-

-
Dự định của anh em CCS Huế khi đến với Lễ Kết thúc Hồ sơ phong Chân phước là trao tặng khoảng 200 CD có nhan đề “Vui Mừng và Hy Vọng” cho những người tham dự ngay trong buổi hòa nhạc này. CD này là những sáng tác của các thành viên Gia đình CCS Huế, gồm có Đức Ông Nguyễn Quang, cha Trần Khôi tức Trọng Nhân, các anh...
Hành hương về Roma. Phần 5
 
Sau khi từ Roma trở về, có nhiều anh em CCS và giáo dân trong giáo xứ tò mò hỏi tôi: Tòa Thánh tài trợ chi phí cho anh em tham dự như thế nào?
 
Thắc mắc đó cũng hợp lý, vì một chuyến đi như thế tốn kém hàng mấy nghìn đô-la. Ở Italia người ta không sử dụng đô-la, chỉ dùng đồng Euro. Tôi chỉ cười và nói: Tất cả mọi người tham dự đều phải bỏ tiền túi! Đúng ra cần phải nói thêm có nhiều anh em CCS Huế vừa tham dự lại còn hảo tâm đóng góp một phần chi phí để Hội đồng Tòa Thánh CL&HB và giáo phận Roma tiến hành Án phong Chân phước. Việc điều tra và tiến hành Án phong cho ngài rất tốn kém, cần sự hợp tác đóng góp của rất nhiều cá nhân và tổ chức. Về phía Gia đình CCS Huế có mối liên quan đặc biệt: Ngài là bề trên TCV, là một vị Ân sư đã thổi vào nền giáo dục chủng viện một bầu khí mới trong việc đào tạo linh mục. Đối với người đã bước chân vào chủng viện thì nhiều hay ít, nền giáo dục đó đã ảnh hưởng đến nhân cách của mỗi người suốt cả cuộc đời. Vì thế, trong báo cáo giữa nhiệm kỳ mới đây, anh Nguyễn Cả, trưởng Ban Điều hành Gia đình CCS Huế Hải ngoại đã nêu con số 16.200 USD, từ những đóng góp của anh em cho tiến trình phong Thánh. Trong Thư Mời có lời cám ơn đến 6 cơ quan và tổ chức, trong đó có Gia đình CCS Huế. Thật là một vinh dự.
 
Do vấn đề an ninh, khách mời chỉ nhận được Thư Mời qua email, và sẽ nhận Thư Mời chính thức khi đến Roma. Đây là khó khăn mà tôi gặp phải trong vấn đề xin cấp visa. Thật may là khoảng 3 tuần trước Lễ Kết thúc Hồ sơ, bà Tiến sĩ Luisa Melo, một thành viên của Hội đồng Tòa Thánh Công lý & Hòa bình, người điều hành Lễ Kết thúc Án phong Chân phước, đã gửi cho tôi bản sao Dichiarazione, do ĐGM Mario Toso ký và chứng thực của Bộ Ngoại giao Tòa Thánh (được gửi cho Tòa Đại sứ Italia tại Hà Nội), nhờ vậy tôi đã làm visa thuận lợi và nhanh chóng.
 
Từ Điện Latêranô đến buổi Hòa nhạc và giới thiệu Sách Đức Cố Hồng Y.
 
Tham dự những ngày này, tôi có cảm giác mình đang thuộc về một Gia đình đặc biệt: Gia đình Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Đây là một Gia đình đặc biệt vì không có ranh giới về màu da, sắc tộc, ngôn ngữ, hay địa lý… lại hiểu được và gắn bó với nhau nhau nhờ cùng chung một con đường thiêng liêng: Con đường Vui Mừng và Hy Vọng.
 
Thời gian bữa ăn trưa tại Điện Latêranô kéo dài cho đến khoảng hơn 3 giờ chiều. Mọi người vừa ăn uống vừa trò chuyện, người quen tìm gặp gỡ, người lạ hỏi thăm nhau…, chụp hình lưu niệm cho lần gặp gỡ đáng nhớ.

 





Bức liễn nghệ thuật có chữ THUẬN được mang đến từ Việt Nam.
 
Ở đằng kia, anh Việt Hải, phóng viên Đài Truyền hình SBTN say sưa phỏng vấn người này đến người khác.

 


 
Cụ Hoàng Minh Châu, được người con gái là chị Hoàng Minh Hồng đưa từ Huế đến Roma. Cụ tỏ ra sung sướng, xúng xính rạng ngời trong chiếc áo dài thượng thọ màu vàng. Qua tiếp xúc, tôi biết được cụ là thân sinh của CCS Huế  Hoàng Minh Hoàng, bạn cùng lớp HT69 với tôi. Hoàng Minh Hoàng cùng tôi thuộc số những người cuối cùng bị buộc phải rời khỏi chủng viện Mùa Giáng sinh năm 1979. Sau đó, Hoàng và một số anh em theo cha cựu bề trên Phêrô Nguyễn Hữu Giải lên truyền giáo ở vùng Tây Nguyên. Thời gian đó tôi nghe tin có mấy anh em mất tại đó vì bệnh sốt rét ác tính, trong đó có Hoàng.

 

Anh Nguyễn Cả (Denver, Colorado), Cụ Hoàng Minh Châu và con gái, chị Hoàng Minh Hồng, đến từ Huế.
 
Cụ Châu là người bạn học của Đức Cố HY trong những năm tiểu học với nhiều kỷ niệm. Cụ là chủ nhà may Minh Châu rất lớn ở đường Trần Hưng Đạo gần cầu Trường Tiền tại cố đô Huế suốt nhiều thập kỷ trước năm 1975. Những ai đã gặp cụ, không bao giờ quên được nụ cười nhân ái, hiền hậu. Trọn đời, cụ đã đóng góp nhiều tâm huyết, công sức và tiền bạc vào công việc truyền giáo tại Giáo phận Huế. Cụ đến Roma lần này là lần đầu và có lẽ là lần cuối trong cuộc đời, với niềm ao ước mãnh liệt được tham dự vào Lễ Kết thúc Hồ sơ phong Chân phước cho người bạn và gặp gỡ Đức Giáo Hoàng. Khi khởi sự viết bài này, tôi nhận được email của chị Hoàng Minh Hồng bày tỏ niềm sung sướng và mãn nguyện của Cụ, với niềm hy vọng nhờ đó Cụ sống được đến ngày Đức Cố HY được nâng lên hàng Đấng Đáng Kính và Chân phước, Cụ sẽ lại đến Roma tham dự. Cụ ngỏ ý ao ước có được bản in cuốn sách Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận phiên bản 3 do Gia đình CCS Huế phát hành. Xin Chúa đáp ứng mọi nguyện vọng của Cụ.
 
Anh Nguyễn Cả cũng giới thiệu anh chị Nguyễn Văn Thành PX55, anh có bà con bên ngoại với Đức Cố HY. Tôi thấy anh đang vui vẻ chụp hình lưu niệm với Bà Thu Hồng, anh chị Vĩnh Tiến và nữ ca sĩ Quế Thanh. Anh Vĩnh Tiến là con Cụ Bửu Tề, chú họ của Đức Cố HY.

 
 
Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền, đang làm việc ở Hội đồng Tòa thánh Công lý và Hòa Bình, vội vã tìm gặp mấy anh em chúng tôi, mừng rỡ nhưng cũng ngỏ lời xin lỗi vì mấy ngày qua công việc quá bận rộn nên không thể sắp xếp thời gian để anh em gặp gỡ tâm sự với nhau.

 

Anh Nguyễn Cả, Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể và Đức Ông Phan Văn Hiền.


Đức Ông Phan Văn Hiền và anh Vũ Quang Hà, đến từ Sàigòn.


Đức Ông Phan Văn Hiền và anh Lê Văn Hùng, đến từ Ninh Thuận.
 
Tôi tình cờ làm quen với Ông Bà Jean-Marie Schmitz, khá lớn tuổi, đến từ Pháp, qua sự giới thiệu của Đức Ông Phan Văn Hiền. Ông bà Schmitz cho tôi biết, họ là những người rất gần gũi với Đức Cố HY PX Nguyễn Văn Thuận khi ngài còn sống, đến bây giờ vẫn luôn ấn tượng và khắc sâu hình ảnh của ngài. Khi ông đưa cho tôi cái “carte visite” để tiện liên lạc, tôi hơi ngạc nhiên về cái tên Schmitz có vẻ là cái tên của người Đức hơn là người Pháp, ông cười giải thích vì ông sinh ra và lớn lên ở vùng Alsace. À ra thế! Alsace, hiện nay là một vùng đất của Pháp, có thủ phủ là Strasbourg, rất nổi tiếng về rượu vang trắng. Alsace nằm trên bờ Tây sông Rhin, tiếp giáp với Đức và Thụy Sĩ. Lịch sử Alsace có nhiều biến động, khi thì thuộc đế quốc La Mã, khi thì thuộc Pháp, khi lại thuộc Đức. Khi chiến tranh Pháp-Phổ xảy ra (1870), Alsace và Lorraine được sát nhập vào lãnh thổ của Đức. Tình trạng này kéo dài cho đến khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần 1 (1918). Do hoàn cảnh lịch sử, Alsace in đậm dấu ấn văn hóa Đức.

 



Lm Nguyễn Huệ, đến từ Xuân Lộc, và ông Schmitz.
 
Buổi hòa nhạc và giới thiệu sách về Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận diễn ra vào lúc 16g ngày 05/7 tại Thính đường Đại học Giáo hoàng Antonianum. Thính đường này nằm ngay bên cạnh Tiểu Vương cung Thánh đường Thánh Antôn Pađôva, và cũng được quản lý bởi các tu sĩ dòng Phan Sinh. Cha bề trên của Antonianum là cha Ambrôsiô Nguyễn Văn Sĩ, OFM. Khoảng hơn 3g chiều, chúng tôi lại phải đi bộ từ Điện Latêranô để đến Thính đường. Bản đồ Google cho thấy khu vực này khá gần nhau, đi bộ mất chừng 10 phút.

 
 
Thính đường được trang bị khá hiện đại, từ sân khấu, bàn ghế và hệ thống âm thanh, ánh sáng. Trong phòng điều khiển âm thanh có bố trí người thông dịch ra các thứ tiếng Anh, Pháp, Việt. Chúng tôi được phát mỗi người một headphone có thể điều chỉnh chọn lựa để nghe dịch ra ngôn ngữ mình muốn. Người điều khiển chương trình và các thuyết trình viên hầu hết đều nói tiếng Ý. Quá trình thông dịch không được suôn sẻ lắm, theo nhận xét của riêng tôi và một số người, phần dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp khá tốt, riêng phần dịch ra tiếng Việt thì thấy có nhiều lúng túng…

 
 
Người điều khiển chương trình là Tiến sĩ Silvio Daneo, người Ý. Chủ tọa là Đức HY Peter Turkson, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình. Các thuyết trình viên: Đức HY Bernard Law, người Mỹ; Đức GM Mario Toso, người Ý, thư ký Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình; Tiến sĩ Francis-Vincent Anthony, linh mục dòng Don Bosco, người Ấn độ.

 
 
Khoảng 200 khách mời tham dự, đặc biệt có sự hiện diện của Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam.

 






 
Cuốn sách được Đức HY Peter Turkson giới thiệu có tựa đề: “Lettere Pastorali sulle orme del Concilio Vaticano II (Các Thư Mục vụ theo vết Công đồng Vaticanô II), gồm các Thư Mục vụ của Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận, được dịch ra tiếng Ý.
 
Sau đó các thuyết trình viên giới thiệu các chi tiết nổi bật trong cuộc đời và tư tưởng thể hiện qua các tác phẩm của Đức Cố HY. Xen kẻ giữa các bài thuyết trình là những chia sẻ cảm nghiệm của một số khách mời về Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận.
 
Cây Thánh giá của Đức Cố HY cũng được tân trang và giới thiệu cho mọi người. Tôi nhận thấy Đức HY Bernard Law và Đức Cha Giuse Võ Đức Minh đã kính cẩn hôn cây thánh giá này.

 
 
 
Giải thưởng mang tên Đức HY Thuận năm nay được trao cho linh mục Phaolô Nguyễn Thanh Sang, một linh mục trẻ thuộc giáo phận Mỹ Tho. Cha Phaolô Nguyễn Thanh Sang tốt nghiệp Thạc sĩ Thần học Luân lý năm 2006 tại Học viện Công giáo Paris. Năm 2013, ngài lấy bằng Tiến sĩ Thần học Luân lý trong lĩnh vực chính trị xã hội cũng tại Học viện này.
 
Cha Phaolô đã có bài phát biểu cám ơn bằng tiếng Pháp.

 
 
Nước Italia có thể được mệnh danh là cái nôi văn hóa của châu Âu. Trong những ngày lưu lại tại đây, chúng tôi đã đi thăm các công trình kiến trúc, điêu khắc và hội họa nổi tiếng, như Đền Thánh Phêrô, được tái thiết và hoàn tất vào năm 1614; Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô được hoàn tất vào năm 324; Đền Thánh Phaolô Ngoại Thành được tái xây dựng vào năm 1840, v.v…
 
Italia cũng là nơi sản sinh rất nhiều thiên tài âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc... hàng đầu thế giới. Trong buổi hòa nhạc, chúng tôi được thưởng thức nhiều bản giao hưởng được biên soạn cho dàn nhạc ngũ tấu: Bản “Quintet n.1” của Giuseppe Maria Cambrini, bản “L’Ideale” của Francesco P. Tosti (giọng ca soprano do nữ ca sĩ Maria Salvini trình diễn), bản “Valzer di Musetta” của Giacomo Puccini, bản “Trois Pièces Brèves” của Jacques Ibert (người Pháp), bản “Petite Offrande Musicale” của Nino Rota, bản “Ancient Hungarian Dances” của Ferenc Farkas (người Hungary), bản “The eternal source of light divine” của Georg F. Hänel (người Anh gốc Đức), bản “Alleluia” của Wolfgang A. Mozart (người Áo), giọng ca soprano do nữ ca sĩ Maria Salvini trình diễn.
 
Dàn nhạc ngũ tấu gồm các nghệ sĩ người Ý: Livia Scweizer (flute), Edoardo Falciani (oboe), Francesca Lelli (horn), Daniel Collazo (basson) và Irene Marraccini (clarinet).

 
 
Sau màn trình diễn của nữ ca sĩ xinh đẹp Maria Salvini, một ca sĩ người Việt, Quế Thanh, đã trình diễn rất thành công và để lại dấu ấn trong lòng khán thính giả qua bài “Con có một tổ quốc”, lời của Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận, linh mục Đỗ Bá Công phổ nhạc, trên nền nhạc được phối sẳn và phát qua hệ thống âm thanh. Quế Thanh vừa là ca sĩ, nhạc sĩ, vừa là nhà soạn nhạc, sản xuất chương trình. Cô từng là ca trưởng ca đoàn Seraphim, thuộc giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại giáo phận Arlington, Virginia, USA. Cô cũng là giọng ca solo của nhiều nhà thờ và sân khấu lớn. Cô là người sáng lập và điều khiển nhóm Tâm Tình Ca trong chương trình Ánh Sáng Tin Mừng của đài truyền thanh Bắc Virginia…

 



Ca sĩ Quế Thanh
 
Tâm sự với tôi, Quế Thanh cho biết cô rất ao ước về thăm Việt Nam sau mười mấy năm xa cách. Hiện nay do đang làm việc cho chính phủ Mỹ nên cô chưa được phép, chồng cô cũng có một thời gian phục vụ trong quân đội Mỹ, nay đã giải ngũ; các con của cô cũng còn quá nhỏ, nhưng hy vọng vài năm nữa, sau khi nghỉ làm việc cô sẽ có cơ hội đưa các con về thăm quê hương.

 

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng nói lời cám ơn.
 
Cuối buổi hòa nhạc, sau khi bà Nguyễn Thị Thu Hồng, em ruột của Đức Cố HY, ngỏ lời cám ơn đến Hội đồng Tòa thánh Công lý và Hòa Bình, Giáo phận Roma, các tổ chức và các khách mời tham dự, đại diện Gia đình Cựu Chủng sinh Huế được giới thiệu và mời lên sân khấu. Đây là một vinh dự cho Gia đình CCS Huế được xuất hiện trên sân khấu trong một sự kiện trọng đại như thế này. Đức Ông Phêrô Nguyễn Quang, thay mặt Gia đình CCS Huế phát biểu cảm tưởng bằng tiếng Anh. Đức HY Peter Turkson, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình cũng được mời lên để nhận tấm ngân phiếu và 4 cuốn sách “Tôi Tớ Chúa Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận, được in đặc biệt có bìa cứng và tiêu đề sách mạ vàng, do NT Lê Thiện Sĩ AN47 biên soạn và Gia đình CCS Huế phát hành. Anh Nguyễn Cả và tôi lo trao quà tặng cho Đức HY Peter Turkson nên không chú ý những gì Đức Ông Phêrô Nguyễn Quang phát biểu, nhưng ngày hôm sau, Đức HY Bernard Law, người Mỹ, chủ động bắt tay Đức Ông Nguyễn Quang với lời khen ngợi: “You spoke so well last night!” (Hôm qua ngài nói hay quá!).

 



Đức HY Peter Turkson, chủ tịch Hội đồng CL&HB nhận sách và tấm ngân phiếu của Gia đình CCS Huế.

 
Dự định của anh em CCS Huế khi đến với Lễ Kết thúc Hồ sơ phong Chân phước là trao tặng 200 CD có nhan đề “Vui Mừng và Hy Vọng” cho những người tham dự ngay trong buổi hòa nhạc này. CD này là những sáng tác của các thành viên Gia đình CCS Huế, gồm có Đức Ông Nguyễn Quang, cha Trần Khôi tức Trọng Nhân, các anh Trần Hữu Thuần, Nguyễn Cả, Dương Thế Phong, Nguyễn Đức Thủy, Trần Xuân Hòa, Tùng Linh… và lần đầu tiên giới thiệu các giọng ca thế hệ F1 Gia đình CCS Huế như Diễm Hương, Khánh Hà, Văn Mạnh, Khương Duy, Xuân Phương (tất cả các em hiện đang ở Huế)… Có lẽ giọng ca của các cháu còn mộc mạc, chưa thể so được với các ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng đã để lại nhiều cảm xúc cho người nghe. Điều quan trọng là các cháu đã cố gắng hết sức để đóng góp phần nhỏ bé của mình tiếp bước thế hệ cha ông sống và giúp mọi người nên thánh trên con đường Vui Mừng và Hy Vọng.

 
 
Một thoáng buồn khi những chiếc vali mang 200 CD này cùng với 2 vali hành lý khác của anh Nguyễn Cả và Đức Ông Nguyễn Quang bị thất lạc trong hành trình bay từ Denver đến Italia. Vậy là ý định tặng CD cho khách mời trong buổi hòa nhạc trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Tuy nhiên anh em vẫn lạc quan nói với nhau: Chắc chắn Đức HY PX muốn làm theo cách của ngài! Vậy ta cứ phó thác cho ngài thôi!
 
Chủ trương của Gia đình CCS Huế là phổ biến linh đạo của Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận trong Đại Gia đình CCS Huế và trên toàn thế giới, đồng thời hỗ trợ tối đa trong khả năng của mình để đóng góp cho tiến trình phong Thánh cho ngài. Đó là lý do khiến anh em chúng tôi hiện diện trong ngày những ngày này tại Roma, với tất cả tâm tình và cả bằng hành động, tích cực tham gia vào những sự kiện của Giáo Hội hoàn vũ trong tiến trình công nhận đời sống thánh thiện của ngài. Nếu được Giáo hội công nhận, Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận là người Việt Nam đầu tiên (và là người châu Á thứ 2, sau
nữ tu Alphonsa Muttathupadathu người Ấn độ) được tuyên phong hiển thánh mà không phải tử vì đạo.
 
Trong những ngày này, tôi suy nghĩ về thiện chí của rất nhiều anh em trong Gia đình CCS Huế. Có người đóng góp không phải một lần mà nhiều lần về tiền bạc; có người miệt mài, cặm cụi để hoàn thành cách tốt nhất, đầy đủ nhất, đẹp đẽ nhất, sáng tạo nhất những sản phẩm nhằm phổ biến và tôn vinh ngài; có người vận động không biết mệt mỏi để nhiều người phải hướng về ngài, với lời cầu thiết tha dâng lên Thiên Chúa mong sớm thấy ngài được tôn phong vinh hiển… Từ con tim đến hành động, đó là tất cả những gì Gia đình CCS Huế đã, đang và sẽ tiếp tục thể hiện đối với Người Tôi Tớ Chúa Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận.
 
(Còn tiếp)

Tác giả: Lê Văn Hùng HT69

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập112
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm111
  • Hôm nay21,774
  • Tháng hiện tại559,813
  • Tổng lượt truy cập56,661,450
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây