Sự hình thành cách ghi thanh điệu chữ Quốc ngữ

Thứ ba - 11/09/2018 05:10

-

-
Việc dùng các dấu phụ để ghi thanh điệu – hiện tượng lạ, khó đối vói những nhà truyền giáo châu Âu vào thế kỉ XVII, là sự sáng tạo, đóng góp đặc biệt của những người chế tác chữ Quốc Ngữ. Báo cáo này nhằm tìm hiểu lịch sử xuất hiện ở thời kì hình thành chữ Quốc Ngữ các dấu thanh...
Sự hình thành cách ghi thanh điệu chữ Quốc ngữ
 
Trong báo cáo này, tác giả đề cấp đến 3 nội dung: (1) Quan điểm về thanh điệu của những người đi tiên phong chế tác chữ QN; (2) Sự hình thành cách ghi thanh điệu và vai trò cá nhân một số nhà truyền giáo; (3) Dấu ấn phương ngữ tiếng Việt trong cách ghi thanh điệu. Báo cáo dựa trên các công trình kinh điển về lịch sử chữ Quốc Ngữ như “Từ điển Annam – Lusitan – Latinh”, “Ngữ pháp tiếng An Nam”, “Phép giảng tám ngày” và các công trình nghiên cứu lịch sử chữ QN của các tác giả trong và ngoài nước, như Đỗ Quang Chính, Nguyễn Khắc Xuyên, Haudricourt, A.G., Jacques, R. Báo cáo cũng dựa trên kết quả phân tích hệ thống thanh điệu Bắc Bộ (Hà Nội), Quang Nam (Điện Bàn), Bình Định (Hoài Nhơn) bằng máy tính.
 
 
Nhờ những công trình nghiên cứu gần đây trong nước và ngoài nước, chúng ta biết rằng, sự sáng tạo chữ Quốc Ngữ là một quá trình, từ những thập kỉ đầu của thế kỉ XVII, với sự tham gia của nhiều giáo sĩ Dòng Tên, trong sự cộng tác và đóng góp của nhiều người Việt [2,4,7,12,15]. Khoảng thời gian từ 1620- năm các giáo sĩ bắt đầu ghi chép bằng chữ QN đến năm 1651- thời gian xuất bản Từ điển Việt Bồ La và Phép giảng 8 ngày được xem là thời kì hình thành chữ Quốc Ngữ.[Đỗ Quang Chính]. Tư liệu để tìm hiểu chữ Quốc Ngữ thời kì này là các thư, báo cáo viết tay (gọi chung là tài liệu viết tay – TL) của các giáo sĩ truyền giáo ở Việt Nam: TL của Francisco de Pina [Roland jacques tr.20]; TL năm 1621 của Joao Roiz; TL năm 1621, TL năm 1626của Gaspar Luis; TL năm 1621, TL năm 1621 của Cristoforo Borri; TL năm 1625 và TL từ năm 1631 đến năm 1647 của Alexandre de Rhodes; TL năm 1632 và TL năm 1637 của Gaspar d’Amaral. Đặc biệt là bản viết tay “Manuductio ad linguam Tunckinensem” (Nhập môn tiếng Tonkin), chưa rõ tác giả, được Roland Jacques phát hiện và công bố gần đây. [4:tr.20].
 
Dựa vào dạng thức chữ Quốc Ngữ phản ánh trong các TL trên, Đỗ Quang Chính chia thời kì hình thành chữ Quốc Ngữ thành 2 giai đoạn: Giai đoan 1- từ 1620 đến 1626 và giai đoạn 2 từ 1631đến 1648. [2: tr. 19-20]. Những giáo sĩ đi đầu, có nhiều đóng góp ở thời kì này, được Roland Jacques gọi là những người đi tiên phong trong việc chế tác chữ QN.[4]
 
Việc dùng các dấu phụ để ghi thanh điệu – hiện tượng lạ, khó đối vói những nhà truyền giáo châu Âu vào thế kỉ XVII, là sự sáng tạo, đóng góp đặc biệt của những người chế tác chữ Quốc Ngữ.
 
Báo cáo này nhằm tìm hiểu lịch sử xuất hiện ở thời kì hình thành chữ Quốc Ngữ các dấu thanh (kí hiệu ghi thanh điệu) – một nét độc đáo của chữ QN. Một số vấn đề sau đây được đề cập trong báo cáo.
 
- Quan điểm về thanh điệu của những người đi tiên phong chế tác chữ QN
- Sự hình thành cách ghi thanh điệu và vai trò cá nhân một số nhà truyền giáo.
- Dấu ấn phương ngữ tiếng Việt trong cách ghi thanh điệu.
 
1. Quan điểm về thanh điệu tiếng Việt của những người tiên phong chế tác chữ Quốc Ngữ
 
Tiếng Việt khác với các ngôn ngữ châu Âu như tiếng Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan ở nhiều đặc điểm, trong đó đặc điểm rõ nhất là tiếng Việt là ngôn ngữ có thanh điệu. Theo quan điểm ngữ âm học hiện đại về thanh điệu, thanh điệu tiếng Việt trong chức năng khu biệt nghĩa, là sự khác biệt về cao độ (pitch) và chất giọng (voice quality), khi phát âm âm tiết. Về cao độ (khái niệm về cảm thụ, tương ứng với khái niệm tần số thanh cơ bản (F0), về vật lí), các thanh điệu có thể phân biệt về 1- đường nét (contour) – đó là diễn tiến (sự biến đổi) F0 trong thời gian phát âm âm tiết; 2- âm vực (pitch level) – đó là vùng cao độ mà ở đó một thanh điệu được thể hiện (tính từ điểm thấp nhất đến điểm cao nhất về cao độ). Chất giọng là khái niệm về mặt cảm thụ, tương ứng với khái niệm kiểu tạo thanh (Phonation type), xét về mặt sinh lí tạo sản lời nói. Kiểu tạo thanh là kiểu thức rung dây thanh, tạo nên sự khác biệt về trạng thái thanh môn và lượng dòng khí đi qua thanh môn, khi phát âm âm tiết.[5]
 
Khi các giáo sĩ châu Ấu mới tiếp xúc với tiếng Việt, việc phát âm đúng thanh điệu tiếng Việt là khó khăn lớn nhất đối với họ. Linh mục C. Borri đến Đàng trong năm 1618 thú nhận rằng, muốn hiểu và nói được tiếng Việt hoàn toàn phải dành ra 4 năm để học. Marini cho rằng, “dường như dân Việt bẩm sinh đã cómột cơ thể rất chính xác, được điều chỉnh thật đúng và hoà hợp hoàn toàn với trí óc cùng buồng phổi; phải nói là, theo tự nhiên, người Việt là nhạc sư, vì họ có tài phát âm một cách nhẹ nhàng và chỉ hơi biến thanh là đã khác nghĩa”.[2:tr.14]. Tháng 12 năm 1624, Linh mục Alexandre de Rhode từ Áo Môn đi tầu buôn Bồ Đào Nha vào Cửa Hàn đến Thanh Chiêm tức thủ phủ Quang Nam Dinh và học tiếng Việt tại đó. Về tiếng Việt ông viết: “Riêng tôi xin thú nhận rằng khi vừa tới đàng trong nghe người Việt nói chuyện với nhau, nhất là giữa nữ giới, tôi có cảm tưởng như mình nghe chim hót và tôi đâm thất vọng vì nghĩ rằng không bao giờ có thể học được tiếng Việt”. (Alexandre de Rhodes, 1653 tr. 72 ; dân theo 2 : tr. 12).
 
Theo Alexandre de Rhodes, Marini, Tissanier… thanh điệu tiếng Việt khó vì những lí do sau đây: Tất cả mọi tiếng đều là cách ngữ (không biến đổi hình thái theo chức năng ngữ pháp). 2-Cùng một tiếng phát ra một cách khác nhau, có thể chỉ nhiều nghĩa và thường lại có nghĩa đối ngịch nhau. 3. Thanh của mỗi tiếng, đôi khi rất nhẹ và khá tế nhị. 4. Cách phát âm: trong khi đọc một tiếng, người ta phải làm thế nào để hơi thở, môi, răng, lưỡi và họng cùng hoà hợp phát ra một tiếng vừa phải và chính xác. Cùng một tiếng, thêm, bớt, hay là uốn hạ thanh, đều làm cho nghĩa khác nhau. Alexandre de Rhodes đưa ra các ví dụ và thuật lại một số chuyện vui về người Tây phương phát âm thanh điệu tiếng Việt. [2]
 
Những ý kiến trên của các giáo sĩ đã nói khá chính xác về bản chất ngữ âm-âm vị học của thanh điệu Việt. Bản chất âm vị học của thanh điệu Việt – đơn vị ngôn điệu của âm tiết (tiếng) có giá trị khu biệt nghĩa, được gọi là thanh vị (toneme) được diễn giải: “Cùng một tiếng phát ra một cách khác nhau, có thể chỉ nhiều nghĩa và thường lại có nghĩa đối ngịch nhau”. Còn đây là bản chất ngữ âm của thanh điệu Việt: Đặc trưng về cao độ – đường nét F0 “Cùng một tiếng, thêm, bớt, hay là uốn hạ thanh, đều làm cho nghĩa khác nhau”; đặc trưng về thức tạo thanh – sự điều phối dòng khí khi phát âm âm tiết “Trong khi đọc một tiếng, người ta phải làm thế nào để hơi thở, môi, răng, lưỡi và họng cùng hoà hợp phát ra một tiếng vừa phải và chính xác”.
 
2. Sự hình thành cách ghi thanh điệu và vai trò cá nhân của một số nhà truyền giáo
 
Trong các tài liệu viết tay ở giai đoạn 1621-1626, chữ Quốc Ngữ xuất hiện không nhiều, được dùng chủ yếu để ghi các địa danh Việt Nam. Các từ tiếng Việt được viết liền; chưa có dấu ghi thanh điệu (dấu thanh). Ví dụ unsai (ông sãi), ungue (ông Nghè), Quinhin (Quy Nhơn), nuocman (Nước Mặn- cách Qui Nhơn 20 km về phía bắc), Bendâ (Bến Đá, Quy Nhơn), Bôdê địa danh ở nam Bến Đá (Quy Nhơn). [2]
 
Trong các tài liệu được viết từ 1631-1648, chữ Quốc Ngữ xuất hiện nhiều hơn, dạng chữ khá gần với chữ Quốc Ngữ trong các tài liệu xuất bản 1651. Về thanh điệu, trong các tài liệu thời kì này, xuất hiện các dấu thanh. Trong các tài liệu viết vào các năm 1636-1644, Alexandre de Rhodes đã dùng 3 dấu thanh: Sắc, Huyền, Ngã; ví dụ: cà, cã, cá, tlẽ (trẻ). Đặc biệt, trong các văn bản của Gaspar d’Amaral, dạng chữ và cách viết chữ Quốc Ngữ rất gần với chữ Quốc Ngữ trong Từ điền Việt- Bồ – La. [2,15]
 
Nhìn chung, việc sử dụng chữ Quốc Ngữ nói chung và dấu thanh nói riêng trong các văn bản được viết từ năm 1620 đến năm 1648 chưa ổn định và có sự khác nhau giữa các giáo sĩ trong việc sử dụng chữ Quốc Ngữ. Sự khác biệt này phản ánh mức độ đóng góp của từng người vào sự hoàn thiện chữ Quốc Ngữ. Chẳng hạn, có thể thấy sự khác biệt trong cách viết chữ Quốc Ngữ giữa Alexandre de Rhodes và Gaspar d’Amaral. Trong các bản viết tay, kể cả văn bản viết năm 1647 của Alexandre de Rhodes, cách viết chữ Quốc Ngữ còn “luộm thuộm”- như nhận xét của Đỗ Quang Chính, [2: tr. 49]. Nói riêng, việc sử dụng các dấu thanh của ông còn sơ giản, nhiều trường hợp không có dấu thanh, ví dụ, các địa danh: Baubom (Bầu Vom) , bochinh (Bố Chính), cai tlam, caitlam (Cát Lâm, gần Hội An), oũ nghe bo (Ông Nghè bộ – một chức quan).Trong các tài liệu viết vào các năm 1636-1644, khi sống ở Đàng Ngoài, nơi có 6 thanh điệu, Alexandre de Rhodes chỉ dùng 3 dấu thanh: Sắc, Huyền, Ngã và thường không chính xác; ví dụ: cà, cã (cả), cá, tlẽ (trẻ).
 
Đối chiếu việc sử dụng chữ Quốc Ngữ của Gaspar d’Amaral và Alexandre de Rhodes, chúng ta thấy ngay từ năm 1632, cách ghi chữ Quốc Ngữ của G. d’Amarral tốt hơn Alexandre d’Rhodes. Trong tài liệu năm 1632 và 1637, Gaspar d’Amaral đã dùng 5 dấu phân biệt 6 thanh và viết khá chính xác. Ví dụ: đàng tlaõ (đàng trong), đàng ngoày (đàng ngoài), nhà thượng đày (Nhà thượng đài), nhà phũ (nhà Phủ), oũ Khỏũ (ông Khổng-Khổng Tử), Vĩnh tộ (niên hiệu Vĩnh Tộ 1620-1628).
 
Đỗ Quang Chính nhận xét rằng, Alexandre de Rhodes vào năm1636, chưa ý thức được vai trò chữ Quốc Ngữ như Gaspar d’Amaral năm 1632. (Tr. 65). Như vậy, có thể nhận xét rằng, trước năm 1651, Gaspar d’Amaral sớm ý thức sự cần thiết của việc phiên âm tiếng Việt bằng các kí tự La Tinh và có những đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện cách viết chữ Quốc Ngữ nói chung và cách ghi 6 thanh điệu nói riêng. Xin lưu ý rằng, Gaspar d’Amaral chỉ ở Đàng Ngoài (cụ thể là Thăng Long, nơi có 6 thanh điệu khu biệt) 28 tháng rưỡi. Lần đầu ông đến Đàng Ngoài vào tháng 10 năm 1629; tháng 5 năm 1630, Ông rời Đàng ngoài đi Áo Môn. Tháng 2 năm 1631, Ông lại đến Thăng Long. Năm 1638, Ông trở lại Áo Môn; Năm 1645, khi từ Áo Môn sang Đàng Ngoài truyền giáo, tàu bị đắm gần Hải Nam, Ông bị chết. Còn A. de Rhodes ở Việt Nam 57 tháng (ở Đàng Trong 19 tháng từ tháng 12 năm 1624 đến tháng 7 năm 1626, ở Đàng ngoài 38 tháng, từ tháng 3 năm 1627 đến tháng 5 năm 1630).[2]
 
3. Dấu ấn phương ngữ trong cách ghi thanh điệu thời kì hình thành chữ Quốc Ngữ
 
Một vấn đề từ lâu đã được đặt ra là, trong sự ra đời của chữ QN, các địa phương như Thanh Chiêm Quảng Nam, Nước Mặn (Bình Định) thuộc Đàng Trong, nơi các giáo sĩ tiên phong đã sống, học tập, ghi chép, dùng tiếng Việt để giảng đạo có vai trò như thế nào trong sự hình thành chữ Quốc Ngữ? Có thể trả lời câu hỏi này bằng cách tìm hiểu dấu vết về từ vựng, ngữ âm của các thổ ngữ, phương ngữ được phản ánh trong chữ Quốc Ngữ ở thời kì hình thành chữ viết này. Trong phần này, chúng tôi cố gắng tìm hiểu dấu vết của các phương ngữ phản ánh qua việc miêu tả các thanh điệu, cách dùng các dấu thanh của các giáo sĩ.
 
Ở thế kỉ XVII, khi xứ Đàng Trong được thành lập, địa bàn tiếng Việt được mở rộng, tạo cơ sở cho sự hình thành phương ngữ Nam, từ đèo Hải Vân trở vào. Những cư dân di cư vào vùng đất mới có nguồn gốc chủ yếu từ Thanh Nghệ. Xét về ngôn ngữ, đặc biệt về thanh điệu, phương ngữ Nam chịu ảnh hưởng chủ yếu từ tiếng Thanh Hoá. Tiếng Quảng Nam được coi là giọng nói chuẩn của tiếng Đàng Trong. Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn đã ghi: Xứ Quảng “tiếng nói thì bình dị rõ ràng… kinh sư cũng lấy tiếng Quảng Nam làm chính”. Đại diện cho tiếng Đàng Ngoài là tiếng nói vùng đồng bằng Bắc Bộ, mà tiêu biểu là tiếng vùng kinh kì Thăng Long.
 
Về thanh điệu, phương ngữ Bắc Bộ phân biệt với phương ngữ Nam ở chỗ tiếng Bắc Bộ có 6 thanh điệu, tiếng Nam, tương tự tiếng Thanh Hoá, chỉ có 4 thanh, trong đó thanh Hỏi và thanh Ngã nhập một. Đồng thời, giữa 2 phương ngữ còn có sự khác biệt về đặc điểm ngữ âm-âm vị học của từng thanh điệu.
 
3.1.Hệ thống thanh điệu Bắc Bộ
 
Hệ thống thanh điệu Bắc Bộ gồm 6 thanh; đặc điểm âm vị học của các thanh trình bày ở bảng 1 dưới đây.
 
 
Bảng 1. Đặc trưng âm vị học hệ thanh điệu Bắc Bộ [6]
 
Dưới đây là đồ thị F0 sáu thanh điệu Bắc Bộ (Hà Nội).
 

Hình 1 : Đồ thị F0 6 thanh điệu phương ngữ Bắc Bộ
 
3.2. Hệ thống thanh điệu Quảng Nam, Bình Định
 
Hệ thống thanh điệu Quảng Nam và Bình Định chỉ gồm 5 thanh, do thanh Hỏi và Ngã nhập một. Từng thanh điệu ở mỗi hệ thống có thể khác nhau về đặc điểm ngữ âm học, nhưng thống nhất về đặc trưng âm vị học. 5 thanh điệu tiếng Quảng Nam (Điện Bàn) và Bình Định (Hoài Nhơn) được nhận diện bằng các tiêu chí âm vị học ở bảng 2 dưới đây
 
 
Bảng 2: Đặc trưng âm vị học 5 thanh điệu phương ngữ Nam (Quảng Nam, Bình Định)
 
Dưới đây là đồ thị F0 các thanh điệu Điện Bàn Quảng Nam
 

Hình 2: Đồ thị F0 5 thanh điệu Quảng Nam (Điện Bàn)
 
Dưới đây là đồ thị F0 thanh điệu Hoài Nhơn Bình Định
 

Hình 3: Đồ thị F0 5 thanh điệu Bình Định (Hoài Nhơn)
 
3.3. Hệ thống thanh điệu trong chữ Quốc ngữ
 
Trong “Báo cáo vắn tắt về tiếng An nam hay Đông kinh”, Alexandre De Rhodes khẳng định hệ thống thanh điệu được phản ánh trong chữ Quốc ngữ là hệ thống thanh điệu Bắc Bộ (Tonkin- Đông Kinh). Tác giả đã miêu tả rất ấn tượng các “giọng” (thanh điệu) và đặt tên cho từng giọng (thanh điệu). “Thứ nhất, giọng bằng là giọng phát âm không uốn tiếng chút nào. Thứ hai, giọng sắc là giọng phát âm bằng cách nhấn tiếng và đẩy tiếng ra giống như người biểu lộ cơn giận. Thứ ba là giọng trầm và phát âm bằng cách hạ thấp tiếng. Thứ tư là giọng uốn cong, được diễn tả bằng cách uốn cong tiếng phát ra từ đáy ngực, và sau đó được nâng lên một cách cao vang. Thứ năm là giọng được gọi là nặng trĩu hay cực nhọc, bởi vì giọng này được diễn tả bằng việc phát âm từ đáy ngực với sự nặng trĩu hay cực nhọc nào đó, và nó được ghi bằng dấu chấm dưới. Sau hết, giọng thứ sáu là giọng nhẹ, bởi vì nó được phát ra với việc uốn cong tiếng cách nhẹ nhàng, như khi chúng ta có thói quen hỏi , itane (phải vậy không)? và những tiếng giống như vậy, và bởi vậy, dấu hiệu này được ghi bằng dấu hỏi“. [15]
 
Qua đoạn trích dẫn trên, chúng ta nhận ra rằng, hệ thống thanh điệu được tác giả miêu tả như trên hoàn toàn trùng hợp với hệ thống thanh điệu tiếng Bắc Bộ hiện đại; nhất là, nếu chúng ta thay từ ngữ được tác giả dùng miêu tả những cảm nhận ngữ âm ở thế kỉ XVII của ông bằng các thuật ngữ ngữ âm học hiện đại. Chẳng hạn, có thể hiểu những miêu tả (cảm thụ ngữ âm học) của tác giả như: giọng bằng, giọng trầm, giọng uốn cong, giọng sắc, giọng uốn cong, và sau đó được nâng lên là các tiêu chí chỉ đường nét cao độ, tương ứng các thuật ngữ hiện đại: đường nét ngang (thanh Ngang), đường nét xuống (thanh Huyền), đường nét uốn (xuống lên– thanh Hỏi), đường nét lên (thanh sắc), đường nét gãy (thanh Ngã). Còn những miêu tả: không uốn tiếng chút nào, uốn cong tiếng phát ra từ đáy ngực, giọng nặng trĩu hay cực nhọc, phát âm từ đáy ngực phản ánh các tiêu chí chất giọng, tương ứng các thuật ngữ như chất giọng thường (thanh Ngang), chất giọng thanh quản hoá (thanh Hỏi, Ngã), chất giọng thanh môn hoá (tắc thanh môn – thanh Nặng).
 
Việc các nhà truyền giáo sử dụng các dấu ghi thanh điệu cũng có lí do. 4 trong 5 dấu thanh có nguồn gốc Hi Lạp gồm dấu Huyền, Sắc, Ngã, Nặng, dấu Hỏi có nguồn gốc La Tinh. Việc lựa chọn dấu (hình dáng đồ họa, vị trí đặt dấu) để ghi mỗi thanh điệu được căn cứ vào cách phát âm của thanh đó. Hình dáng (đồ hoạ) các dấu thanh phần nào phản ánh diễn tiến cao độ của thanh điệu mà tác giả cảm nhận miêu tả và khá tương đồng với đường nét F0 của các thanh điệu tiếng Bắc Bộ hiện đại (xem H. 1 Đồ thị F0 các thanh điệu tiếng Việt Bắc Bộ). Thanh Ngang có đường nét bằng phẳng, chất giọng thường (không đánh dấu về mặt âm vị học) được phản ánh bằng cách không ghi dấu (kí hiệu zero), dấu Huyền,về đồ hình, có đường nét đi xuống, phản ánh đường nét xuống thoai thoải của thanh Huyền; dấu Sắc có đường nét lên, phản ánh đồ thị F0 đi lên của thanh Sắc; dấu uốn cong, gãy (xuống – lên) tương đồng đường nét gãy của thanh Ngã. Dấu Hỏi (nghi vấn) được dùng, bởi vì thanh này có đường nét tương tự đường nét ngữ điệu hỏi trong tiếng Latinh. Trong khi 4 dấu Huyền, Sắc, Hỏi, Ngã được ghi trên con chữ nguyên âm, riêng dấu Nặng ghi dưới, bởi vì thanh này được phát âm với chất giọng đặc trưng giọng nặng trĩu hay cực nhọc,phát âm từ đáy ngực, do hiện tượng thanh môn hoá khi phát âm thanh này: âm tiết kết thúc đột ngột với tiếng tắc trong thanh hầu (hai dây thanh chập lại).
 
Như vậy, số lượng thanh điệu, việc miêu tả cách phát âm từng thanh điệu, sử dụng các dấu ghi thanh điệu (hình dạng đồ họa của dấu, cách đặt dấu…) phản ánh hệ thanh điệu Bắc Bộ thế kỉ XVII và tương đồng với hệ thanh Bắc Bộ hiện nay. Không tìm thấy dấu vết hệ thanh điệu phương ngữ Nam, cụ thể là hệ thanh điệu Quảng Nam (Điện Bàn) và Bình Định (Hoài Nhơn) trong việc miêu tả và sử dụng các dấu thanh của chữ Quốc Ngữ.
 
3.4. Hiện tượng lẫn lộn dấu Hỏi và Ngã
 
Sự khác biệt rõ rệt của hệ thống thanh điệu phương ngữ Nam (trong đó có tiếng Quảng Nam và Bình Định) so với phương ngữ Bắc Bộ là sự nhập một thanh Ngã và thanh Hỏi, dẫn đến kết quả phương ngữ này chỉ có 5 thanh. Chính tả chữ QuốcNgữ dựa trên cách phát âm tiếng Bắc Bộ, tức là có sự phân biệt Hỏi / Ngã. Điều này khiến những người nói phương ngữ Nam (cũng như tiếng Thanh Hóa) thường mắc lỗi chính tả trong các từ có thanh Hỏi hoặc thanh Ngã.
 
Ở các thập niên đầu thế kỉ XVII, khi sống ở Thanh Chiêm (Quảng Nam), Nước Mặn (Bình Định), các giáo sĩ tiếp xúc, học và nói theo tiếng nói vùng này, chỉ có 5 thanh, không phân biệt thanh Ngã và thanh Hỏi. Việc chỉ dùng 3 dấu Huyền, Sắc, Ngã để ghi 4 thanh, không có dấu phân biệt các thanh Hỏi/Ngã ở thời kì đầu và việc lẫn lộn hai dấu thanh này trong các tài liệu của các giáo sĩ chính là các dấu vết của phương ngữ Nam trong chữ Quốc ngữ. Trong các tài liệu viết các năm 1636-1644, khi đã ở Đàng Ngoài, Alexandre De Rhodes chỉ dùng 3 dấu Sắc, Huyền, Ngã, chưa có dấu Hỏi (dấu Hỏi thay bằng dấu Ngã), ví dụ:  (cà),  (cả, lớn),  (cá), tlẽ (trẻ), [2: tr.46]. Như trên đã nói, Gaspar d’Amaral chỉ ở Đàng Ngoài, trong các tài liệu của ông đã dùng 5 dấu phân biệt 6 thanh và ít có các lỗi về dấu ghi thanh điệu. Tuy nhiên, trong tài liệu viết tay của Ông năm 1632 và 1637 vẫn thấy lỗi Hỏi / Ngã. Ví dụ oũ Khỏũ (ông Khổng-Khổng tử), nhưng nhà phũ (nhà phủ). Trong Từ điển Annam-Lusitan-Latinh, ít thấy lỗi dấu thanh Hỏi/Ngã, như trường hợp bẩy (cái bẫy, cái cạm); bẩy chôật (bẫy chuột). [8]
 
4. Kết luận
 
4.1. Việc nhận thức đúng về thanh điệu, miêu tả chính xác và sử dụng các dấu phụ để ghi 6 thanh điệu là đóng góp quan trọng, độc đáo của những người chế tác chữ Quốc Ngữ.
 
4.2. Sự hình thành cách ghi thanh điệu chữ Quốc Ngữ là một quá trình, từ chỗ không ghi thanh điệu đến việc dùng 3 dấu thanh, cuối cùng sử dụng 5 dấu ghi 6 thanh điệu.
 
4.3. Trong số những người đi đầu trong việc chế tác chữ Quốc ngữ, Gaspar d’Amaral có nhiều đóng góp trong việc sáng tạo và sử dụng dấu ghi thanh điệu.
 
4.4. Hệ thống thanh điệu được phản ánh trong chữ Quốc ngữ là hệ thống thanh điệu Bắc Bộ thế kỉ XVII. Hệ thống này tương đồng với hệ thống thanh điệu Bắc Bộ hiện nay về số lượng thanh điệu, đặc điểm ngữ âm và âm vị học từng thanh điệu.
 
4.5. Việc không phân biệt thanh Hỏi Ngã ở thời kì đầu và sự lẫn lộn trong việc sử dụng 2 dấu thanh này là dấu vết của phương ngữ Nam (bao gồm Quảng Nam, Bình Định) trong chữ sự hình thành cách ghi thanh điệu chữ Quốc Ngữ.
 
NGUYỄN VĂN LỢI
Đăng lại từ báo cáo “Sự hình thành cách ghi thanh điệu chữ Quốc ngữ”
Đăng trên trang của Viện ngôn ngữ học (vienngonnguhoc.gov.vn)
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. Hoàng Thị Châu, 1989. Tiếng Việt trên các miền đất nước. Hà Nội: Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Đỗ Quang Chính,1972.Lịch sử chữ Quốc Ngữ. 1620-1659.Sài gòn, 1972.
3. Haudricout Andre G. De l’orgine des tone du Vietnamien. JA 242, 69-83.
4. Jacques, Joland. 1995. Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2007.
5. Nguyễn Văn Lợi & Edmondson, J.A. (1998). Tones and voice quality in modern northern Vietnamese: instrumental case studies. Mon-Khmer Studies Vol. 28, 1-18.
6. Nguyễn Văn Lợi. (2004). Đặc điểm ngữ âm – âm vị học của phụ âm tắc, hữu thanh, thở trong các ngôn ngữ ở Việt Nam và Đông Nam Á (trên bình diện đồng đại và lịch đại). Trong Những vấn đề ngôn ngữ học. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.
7. Nguyễn Văn Lợi. (2010). Phục nguyên Hệ thống ngữ âm tiếng Việt thế kỉ XVII (Trên cơ sở Ditionarium Annamiticum Lusitianum et Latinum (Từ điển Việt – Bồ Đào Nha – Latin) của Alechxandre de Rhodes). Từ điển học và Bách khoa thư,5 (7), 16-29.
8. Rhodes, Alexandre de, 1991. Từ điển Annam – Lusitan – Latinh, KHXH, Ha Nội, 1991.
9. Rhodes, Alexandre de, 1993. Phép giảng tám ngày. Nguyễn Khắc xuyên giới thiệu. Tủ sách Đại Kết.
10.Đoàn Thiện Thuật. 1977. Ngữ âm tiếng Việt. Hà Nội.
11. Thurgood, G. (2002). Vietnamese and tonogenesis: Revising the model and the analysis. Diachronica Volume 19 Issue 2, 333-363.
12. Hoàng Tiến, 1994. Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỉ 20. NXB Lao Động
13. Lê Ngọc Trụ,1961. Chữ Quốc ngữ từ thế kỉ XVII đến cuối thế kỉ XIX. Khảo cổ tập san.
14. Nguyễn Khắc Xuyên, 1959. Nguồn gốc chữ Quốc ngữ: chữ Quốc ngữ vào năm 1631. VHNS 42, 685-93.
15. Nguyễn Khắc Xuyên, 1993. Ngữ pháp của Đức Lộ 1651 Thời điểm.

Tác giả: Nguyễn Văn Lợi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập137
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm131
  • Hôm nay30,345
  • Tháng hiện tại568,384
  • Tổng lượt truy cập56,670,021
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây