Rón rén và rổn rảng.

Thứ bảy - 01/10/2011 10:31

-

-
Rón rén và rổn rảng là hai… khuynh hướng đối nghịch nhau trong danh xưng, cách nói, thái độ sống. Nếu rón rén có vẻ khiêm tốn thì rổn rảng có vẻ khoa trương. Thế nhưng cả hai cách đó đều đem lại một hệ quả đáng buồn là khiến người ta nhìn không đúng bản chất sự vật.
Rón rén và rổn rảng
 
Rón rén và rổn rảng là hai… khuynh hướng đối nghịch nhau trong danh xưng, cách nói, thái độ sống. Nếu rón rén có vẻ khiêm tốn thì rổn rảng có vẻ khoa trương. Thế nhưng cả hai cách đó đều đem lại một hệ quả đáng buồn là khiến người ta nhìn không đúng bản chất sự vật.
 
Những nhân vật trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung thường có một ngoại hiệu trước cái tên của họ. Ngoại hiệu ấy thông thường nói về nguồn gốc xuất thân, tính cách con người hay sở trường và trình độ võ công. Ngoại hiệu không phải là tên gọi nhưng hơn cả tên gọi; qua ngoại hiệu, người ta hiểu được một phần con người.
 
Những nhân vật chân tài thực học thì chỉ có cái tên. Trong trường hợp họ có ngoại hiệu thì cái ngoại hiệu ấy rất khiêm tốn, nghĩa là rất rón rén. Thí dụ Hoa Sơn Lệnh Hồ Xung, Minh giáo Trương Vô Kỵ, Tiêu Tương dạ vũ Mạc Đại tiên sinh… Tiêu Tương dạ vũ (Mưa đêm trên bến Tiêu Tương) là tên một khúc hát. Dùng tên một khúc hát làm ngoại hiệu là muốn nói con người của mình rất cô đơn, lặng lẽ và buồn như tiếng mưa đêm.
 
Ngược lại, nhiều nhân vật không ra gì thì tự đặt cho mình cái ngoại hiệu rất rổn rảng. Ngoại hiệu rổn rảng có nghĩa là ngoại hiệu nổ như pháo Dương Châu. Thí dụ Quá tam quyền (Đánh không quá ba quyền địch thủ đã chết), Nhất kiếm chấn thiên nam (Một kiếm trấn giữ trời nam), Thần quyền vô địch (Thần quyền không có địch thủ), Túy bất tử (Uống say không chết)… Những tay có ngoại hiệu rổn rảng như vậy đánh nhau thường thua thiên hạ. Đặt cho mình một ngoại hiệu rổn rảng như vậy là vì người ta muốn lòe bịp cuộc đời. Cuộc sống của chúng ta cũng có tình trạng rón rén và rổn rảng đó.
 
Trong hoạt động hành chánh công quyền, không biết tự bao giờ đã hình thành một thứ ngôn ngữ rất đỗi rón rén. Nghe thứ ngôn ngữ đó, người ta không khỏi buồn cười. Một cơ quan bị thanh tra lòi ra nhiều cái dở, cái xấu thì được kết luận “Còn nhiều tồn tại”. Một đơn vị cấp trên thiếu trách nhiệm quản lý, để cho cấp dưới làm bậy thì chỉ tự nhận mình là “Chưa sâu sát về công tác chỉ đạo”. Một lãnh đạo bất tài để cho đơn vị mình bị thụt két, nội bộ chia năm xẻ bảy, làm ăn càng ngày càng mạt thì tự nhận “Trình độ quản lý còn có mặt hạn chế”. Một cơ quan tham ô như giặc, lãng phí như nước, ăn cắp như ranh thì khi tự kiểm vẫn chỉ rón rén thú nhận “Còn một số mặt tiêu cực cần khắc phục”.

 
Trong trạng thái ngôn ngữ rón rén, người ta dùng những cụm từ hoa mỹ để giảm cái xấu, cái dở, cái tệ hại xuống. Người ta không dám gọi đích danh cái xấu đó. Cho nên, một số thuật ngữ xưa như ông Bành Tổ “tồn tại, còn hạn chế, chưa tích cực, chưa sâu sát” vẫn được lặp đi lặp lại trong báo cáo, diễn văn, kết luận xử lý, thừa nhận khuyết điểm hay tự kiểm. Người ta vẫn quen dùng các thuật ngữ đó bởi đã quen với sự xử lý nương tay, ỷ lại vào sự quen biết. Ấy bởi vì nhân vật nào bị kỷ luật thì mất ghế này có thể ngồi ghế khác, hết cơ quan này có thể đi sang cơ quan kia. Một người không có khả năng lãnh đạo vẫn có thể đi qua bốn cơ quan khác nhau làm… lãnh đạo.
 
Trong thời bao cấp, ta thường nghe một thứ ngôn ngữ rất rổn rảng. Anh nông dân cày trâu đã quen, lần đầu được leo lên chiếc máy cày, cày vòng vòng đám ruộng. Vậy là anh được báo chí và đài phát thanh ca ngợi là “Vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật”. Lái máy cày thì cứ nói đại là lái máy cày cho dễ hiểu, có khoa học kỹ thuật gì cho lắm ở đây mà vươn lên làm chủ? Còn nhớ có một lần trong đời, bần đạo được phong tới chức… tổ trưởng, dẫn hai chục anh em thanh niên đi đào mười hai thước kênh cuối cùng để dẫn nước vào ruộng lúa. Tính ra, hai người chỉ đào trên một mét kênh;  việc ấy chỉ diễn ra trong nửa giờ. Năng suất ấy là một thứ năng suất tồi nhất thiên hạ. Ấy vậy mà có một ông xã vẽ cái băng to tổ nái “Hạ quyết tâm dứt điểm công trình thủy lợi” căng ngay trên ruộng. Nghĩ ra thật khá buồn cười.
 
Ai cũng có thể biết trong bóng đá quốc tế chỉ có một khẩu hiệu duy nhất là Fair Play. Chơi đẹp trong bóng đá là tất cả những gì mà mỗi trận bóng, mỗi cầu thủ cần phải thể hiện trên sân để đúng với tinh thần văn hóa - thể thao - nhân văn rực rỡ của nó. Bất cứ quốc gia nào cũng tôn trọng tinh thần Fair Play. Bóng đá thời bao cấp của chúng ta không thế. Ngày đó, ta sáng tạo ra cụm từ “Phong cách thể thao xã hội chủ nghĩa”. Xã hội chủ nghĩa (Socialiste) là tính từ, nhằm chỉ cái gì mang thuộc tính của chủ nghĩa xã hội (Socialisme). Cho nên, chế độ xã hội chủ nghĩa, con người xã hội chủ nghĩa, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa… là những ngữ danh từ rất nghiêm túc. Cách đá bóng là một phong cách chung của thể thao, tự nó trung tính. Ta thêm cho nó tính từ xã hội chủ nghĩa làm gì? Không một nước tư bản nào có nền bóng đá tiên tiến sáng tạo ra cụm từ “Phong cách thể thao tư bản chủ nghĩa” cả. Vậy ta sáng tạo ra “Phong cách thể thao xã hội chủ nghĩa” e có dư quá chăng?
 
Điều đáng buồn nhất là ngày đó người ta tổ chức bán độ, mua điểm công khai; đá với nhau trên sân hết sức thô bạo. Có những trận đá cuội, bỏ ngỏ khung thành cho bên kia đá vào để chia điểm khiến khán giả bỏ về. Lẽ nào, phong cách thể thao xã hội chủ nghĩa của chúng ta lại bao gồm những cái tệ hại đó?
 
Bao đời nay, làng xã khắp nước chúng ta đã có tên gọi. Những tên gọi dân gian ấy đã quen thuộc, thậm chí đã trở thành tình thương yêu, máu thịt trong lòng nhân dân. Có những người rất duy ý chí, muốn đặt lại tên làng xã nghe cho kêu, cho mới. Cho nên, có nhiều xã (phường) mới ra đời mang các tên gọi Thắng Lợi, Đoàn Kết, Văn Minh… Thật đáng buồn nếu nhân dân trong xã Thắng Lợi lại làm ăn thất bại; nhân dân phường Đoàn Kết tháng nào cũng có đánh nhau, nhân dân phường Văn Minh phải chứng kiến cảnh đánh bạc, đá gà, uống rượu, chửi bới, mại dâm…
 
Khuynh hướng dùng từ ngữ rổn rảng vẫn nhằm nói sai sự thật. Căn bản, đó là một món nước đường khó xơi. Nó xuất hiện như một cách ru ngủ con người. Tâm lý của người dùng từ ngữ rổn rảng là để nhằm thỏa mãn thói dùng từ của mình, bất kể thực tế ra sao. Họ tự cho mình hay, mình tốt, mình giỏi hơn người khác. Khuynh hướng rổn rảng chặn đứng sự sáng tạo và trí thông minh. Một nhà “khoa học” nào đó đã viết trên báo rằng giá trị dinh dưỡng của bảy ký rau muống bằng giá trị dinh dưỡng của một ký thịt bò. Rau cung cấp chất xơ, thịt cung cấp chất đạm. Hai món ấy hoàn toàn khác xa. Trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, nhân dân chia sẻ với nhà nước, thắt lưng buộc bụng ăn rau nhiều hơn ăn thịt là đạo lý hiển nhiên. Cần chi phải rổn rảng nói chuyện dinh dưỡng của rau cho sai toét kiến thức khoa học? Nói vậy mà nghe được thiệt là kỳ!
 
Nói tóm lại, rón rén thì giảm xuống mà rổn rảng thì hô cho cố lên. Cả hai khuynh hướng đều nguy hại, bởi có thể dẫn con người ta tới chỗ sai lầm. Hãy nhận đúng bản chất sự vật và gọi đúng tên nó. Khổng Tử nói: “Tên ngay ngắn thì lời mới xuôi tai” (Danh chính, ngôn thuận). Cả hai khuynh hướng rón rén và rổn rảng đều nên bỏ.

Tác giả: Vũ Đức Sao Biển

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập489
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm485
  • Hôm nay118,889
  • Tháng hiện tại924,144
  • Tổng lượt truy cập58,210,013
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây