Ngồi trên núi vàng, sao Việt Nam vẫn nghèo?

Thứ năm - 09/12/2010 18:55

Hạ Long.

Hạ Long.
Nhìn về Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu và người dân quốc đảo Singapore thường đặt câu hỏi, tại sao Việt Nam ngồi trên nhiều núi vàng mà vẫn nghèo?

Ngồi trên núi vàng, sao Việt Nam vẫn nghèo?

Phương Loan

Nhìn về Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu và người dân quốc đảo Singapore thường đặt câu hỏi, tại sao Việt Nam ngồi trên nhiều núi vàng mà vẫn nghèo?

Đó là câu hỏi mà Ts Vũ Minh Khương, giảng viên trường Đại học Quốc gia Singapore thường xuyên nhận được từ đồng nghiệp hay  những người dân Singapore mà ông có dịp tiếp xúc.

Họ so sánh: Singapore chỉ cần một cảng biển, một đảo Sentosa cũng có thể làm nên sự thịnh vượng giàu có, vậy mà trên khắp Việt Nam này, có bao nhiêu những Phú Quốc, Hạ Long, bao nhiêu Vân Phong.... mà vẫn không cách gì khai thác được. Việt Nam vẫn bị xếp vào hàng các quốc gia phát triển trung bình thấp và năng lực cạnh tranh thấp ngay cả so với các quốc gia láng giềng ít tiềm năng hơn.

Thực tế như một sự thách đố sự hiểu biết của người Singapore lại không quá khó hiểu với những người có chút kinh nghiệm làm việc ở xứ này. Người ta có thể tìm thấy lời giải đáp từ bất kì một quan sát nhỏ nào trong nền kinh tế đất nước.

Triệt tiêu sức cạnh tranh của chính mình

Nhìn vào thực tế phát triển ở Việt Nam, TS Vũ Minh Khương cho rằng, vấn đề của Việt Nam không phải ở chỗ chúng ta không có tiềm năng mà có lẽ vì chúng ta có nhiều tiềm năng quá, những nguồn lực xung đột, mà lại không biết lựa chọn chính xác hướng đi nào cho mình.

Giống như người ta được trời phú cho nhan sắc, lại có thông minh cộng tài năng âm nhạc, lại thêm vẽ tranh... nhưng lại không biết mình thực sự muốn gì, muốn phát triển theo hướng nào. Thôi thì, lúc này đi làm nghiên cứu khoa học, lúc khác chơi một chút nhạc, lúc khác nữa làm hội họa...., tận dụng mỗi thứ một chút, để rồi không thành ông, cũng chẳng thành thằng.

Đơn cử, tỉnh Quảng Ninh đã được trời phú một vịnh Hạ Long lại được trao thêm trữ lượng than dồi dào. Bỏ cái gì cũng tiếc, rút cuộc, chúng ta khai thác hết, nhưng đầu tư vào lĩnh vực nào cũng nửa vời. Khai thác than tàn phá môi trường Quảng Ninh, gây hại cho việc làm giàu từ Vịnh Hạ Long.


Quảng Ninh đã giàu tài nguyên than.

Cách làm du lịch, trong khi đó, lại mới dừng ở mức "thu bạc lẻ", lo thu hút cho đông khách, mà quên mất, vấn đề không phải ở việc thu hút thêm được bao nhiêu khách, mà là mỗi ngày, du khách sẽ tiêu bao nhiêu tiền. "Người ta chỉ tiêu dùng nhiều khi Việt Nam có sẵn nhiều hoạt động chất lượng cao, dịch vụ tốt, nhiều sản phẩm hay để họ mua", chuyên gia về năng lực cạnh tranh, GS Michael Porter phân tích. Thế nhưng, đó lại là điều Việt Nam hoàn toàn thiếu sự đầu tư.


lại có thêm Vịnh Hạ Long.

Câu chuyện Quảng Ninh không phải là ngoại lệ ở Việt Nam. Đến ngay cả các tỉnh đồng bằng sông Hồng bây giờ cũng ngồi lo suy tính làm thế nào để khai thác được bể than sông Hồng nằm ngay dưới vựa lúa, điều nhiều nơi khác thèm được sở hữu trong bối cảnh an ninh lương thực đang là mối nguy, mà không cân nhắc hết thiệt hơn, mạnh yếu.

Định hướng bởi cách nghĩ làm thế nào để thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao, tỉ trọng công nghiệp lớn cho cái gọi là "nền kinh tế GDP tỉnh", các địa phương mải mê vận động để xin được nhiều tiền ngân sách, thêm được nhiều vốn đầu tư vào tỉnh, có được các dự án... nhưng lại chưa suy tính xem thực sự mình mạnh gì và nên phát triển theo hướng nào.

Các quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển của các tỉnh thành là một sự sao chép lẫn nhau, không dựa trên đặc thù riêng của địa phương mình, cả về lợi thế và vị trí riêng. Thế mạnh địa phương không được phát huy, trong khi đó, "bạn không thể ra sức để trở thành mọi thứ", GS Michael Porter đã đúc kết quy luật chung trong phát triển như vậy.

Và triệt tiêu sức cạnh tranh lẫn nhau

Không chỉ triệt tiêu sức cạnh tranh của chính mình, các địa phương còn khai thác tiềm năng theo kiểu triệt tiêu sức cạnh tranh lẫn nhau, khi chính sách phát triển của các địa phương không được đặt trong mối liên kết với các địa phương khác trong vùng và trong tổng thể phát triển chung của đất nước.

Hãy nhìn câu chuyện phát triển cảng biển Việt Nam. Dọc bờ biển Việt Nam chi chít những dự án cảng biển, tỉnh nào cũng muốn sở hữu cảng biển của riêng mình. 10 năm tới, Việt Nam có kế hoạch phát triển 39 cảng biển với 108 bến được xây dựng mới và nâng cấp, trong đó 32 cảng biển có kế hoạch xây dựng mới.

Chúng ta quên mất một điều: năng lực cạnh tranh chỉ tốt khi doanh nghiệp được sử dụng cảng biển với chi phí thấp nhất, bất kể cảng đó thuộc tỉnh nào. Càng nhiều cảng phân tán, lượng hàng càng bị chia sẻ manh mún, hiệu quả khai thác cảng càng giảm, và chi phí tất yếu tăng lên.

Chúng ta cũng quên mất rằng, ở Mỹ, dọc bờ biển phía Tây dài 1900km cũng chỉ có 3 cảng chính.

Và ta cũng quên hẳn bài học của Malaysia trong phát triển cảng biển. Trước năm 1970 chỉ có 2 cảng chính, sau đó Chính phủ quyết định mở rộng thêm 4 cảng quốc gia và 3 cảng nội địa, điều đó dẫn tới tình trạng dư thừa năng lực và cạnh tranh gay gắt giữa các cảng. Sự cạnh tranh lẫn nhau của các cảng biển làm triệt tiêu năng lực cạnh tranh chung của đất nước, khiến Malaysia rơi vào thế bất lợi.

Không thể phủ nhận, là quốc gia có đường bờ biển dài, ở vị trí địa chiến lược, Việt Nam có lợi thế để làm trung tâm trung chuyển quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt những sáng kiến về kết nối giao thông khu vực đều tính đến Việt Nam như cửa ngõ ra biển. Thế nhưng, tận dụng thế nào điều kiện ấy là câu chuyện Việt Nam cần bàn.

Có một thời, tỉnh nào cũng đua nhau có nhà máy mía đường, xi măng lò đứng, thì nay, cùng với cuộc đua có cho được nhà máy thép..., tỉnh nào cũng lo có cho được cảng biển riêng..., mà cảng nào cũng nhỏ, lại thiếu các điều kiện đi kèm.

Hiện Việt Nam không có cảng container trung chuyển quốc tế. Ta có một số hải cảng quốc tế như Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng đón nhận được các tàu lớn, song dịch vụ của các cảng này chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí dịch vụ cao, thời gian thông quan lâu (từ 3 đến 7 ngày, có khi lên tới 1 tháng trong khi ở Singapore là 10 phút.) Hệ thống đường sắt, đường bộ kết nối liên tuyến với hệ thống cảng không được đầu tư. Các điều kiện hậu cần cho cảng hoàn toàn bỏ ngỏ. Cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ tăng trưởng xuất khẩu.

Có một ví dụ thường được các chuyên gia dẫn chứng như một minh họa sinh động cho những ràng buộc về lợi ích cục bộ, địa phương gây cản ngại cho một chiến lược đầu tư sáng suốt trong câu chuyện cảng biển. Hiện tại, cảng Cái Mép - Thị Vải của Vũng Tàu đã được một số tàu mẹ các nước đến ăn hàng. Xét về mọi mặt, đây là cảng biển có nhiều lợi thế hơn cả để phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế.

Thế nhưng, Tp.HCM và Long An cũng đòi đầu tư để cảng của mình thành trung chuyển quốc tế! Trong khi nguồn lực đầu tư của đất nước vào cơ sở hạ tầng vốn đang vô cùng khan hiếm.

Câu chuyện thu hút đầu tư nước ngoài của các tỉnh cũng là một ví dụ khác. Mặc dù đã có quy định về khuyến khích và ưu đãi đầu tư, thế nhưng, thực tế, các địa phương vẫn làm theo kiểu "mạnh ai nấy làm". Ngoài các chính sách thu hút đầu tư của nhà nước, nhiều tỉnh đã phá rào, đưa thêm nhiều quy định khuyến khích đầu tư, từ ưu đãi đầu tư, miễn giảm thuế và giảm tiền thuê đất.

Cuộc khảo sát do Bộ Tài chính tiến hành năm 2006 tại 48 tỉnh, thành phố cho thấy có tới 32 tỉnh (chiếm 2/3) ban hành thêm các văn bản pháp lý trái luật nhằm quy định các ưu đãi đặc biệt để thu hút các dự án đầu tư. Theo khảo sát này, có 18 tỉnh vi phạm các quy định về ngân sách, 21 tỉnh đưa ra những ưu đãi về đất đai nằm ngoài những quy định của chính sách đất đai quốc gia, 11 tỉnh vi phạm quy định về thuế thu nhập DN và nhiều tỉnh có nhiều hơn 2 vi phạm. Hầu hết các tỉnh đưa ra các khuyến khích rất hào phóng về phí sử dụng đất, mở rộng thời kì miễn giảm thuế lên tới 10-20 năm.

Rút cuộc, cuộc đua của các tỉnh không mang lại lợi ích chung cho cả nền kinh tế. Quy hoạch tổng thể bị xới tung, cày nát. Đến nỗi có chuyên gia đã phải kêu lên rằng: cuộc đua thu hút FDI giữa các tỉnh chẳng khác nào cuộc "chạy đua xuống đáy", khi các tỉnh hoặc là cùng chạy, hoặc là cùng chờ.

Nói như TS Vũ Minh Khương, ĐHQG Singapore, cách làm này tạo nên sự phát đạt cho một vài người nhưng lại gây hại cho sự phát triển chung của đất nước.

Vừa cạnh tranh, vừa hợp tác

"Thay vì cạnh tranh, cần khuyến khích sự phối hợp và hợp tác giữa các địa phương, các ngành", GS Michael Porter khuyến nghị. "Các vùng và địa phương cần được khuyến khích nâng cao năng lực cạnh tranh của mình dựa trên những lợi thế và vị trí đặc thù của địa phương".

Nhìn tổng thể quốc gia, đã tới lúc Việt Nam cần nghiêm túc thảo luận xem mình muốn đứng ở vị trí nào trong nền kinh tế toàn cầu, đâu là những ngành, lĩnh vực và thế mạnh về môi trường kinh doanh của Việt Nam mà thế giới sẽ biết tới.

Vừa cạnh tranh, vừa hợp tác, đó là mục tiêu mà Việt Nam cần hướng tới, nếu muốn thực sự định vị mình ở một vị trí cao hơn trong xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu. 

Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-08-ngoi-tren-nui-vang-sao-viet-nam-van-ngheo- 

Tác giả: Phương Loan.

Nguồn tin: VietNamNet

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập98
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm95
  • Hôm nay28,996
  • Tháng hiện tại567,035
  • Tổng lượt truy cập56,668,672
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây