Chuyện một bài thơ

Thứ hai - 12/12/2016 21:32

-

-
Cuối năm 2016, báo chí trong nước có nhiều bài viết về bài thơ Nam quốc sơn hà in trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 tập 1 của Nhà xuất bản Giáo Dục. Đây là bài thơ chữ Hán không có tựa đề, không xác định được tác giả, có nhiều dị bản.
Chuyện một bài thơ
 
Cuối năm 2016, báo chí trong nước có nhiều bài viết về bài thơ Nam quốc sơn hà in trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 tập 1 của Nhà xuất bản Giáo Dục.
 
 
Đây là bài thơ chữ Hán không có tựa đề, không xác định được tác giả, có nhiều dị bản. Bài thơ được đọc lên trong đêm danh tướng Lý Thường Kiệt chuẩn bị tấn công quân nhà Tống xâm lược nên được tương truyền là của Lý Thường Kiệt.
 
Bản phiên âm Hán - Việt của bài thơ như sau:
 
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
 
Bài thơ tràn đầy tình yêu nước, được đọc lên như một lời tuyên bố hùng hồn cảnh cáo kẻ xâm lược ngay trên chiến trường nên được ca ngợi là “tuyên ngôn độc lập đầu tiên”. Nhiều bậc túc nho đời sau đã dịch bài thơ ra tiếng Việt.
 
Ngay trong các bản dịch cũng có nhiều dị bản bởi cách biên tập và cách in của nhiều nhà xuất bản khác nhau. Tuy vậy, bản dịch quen thuộc nhất đối với nhiều thế hệ học sinh, sinh viên và nhà khảo luận văn học trung đại nước ta vẫn là bản của học giả Trần Trọng Kim:
 
Sông núi nước Nam, vua Nam ở.
Rành rành phân định tại sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm.
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
 
Nguyên tác Hán văn là bài thất ngôn tứ tuyệt, bản dịch tiếng Việt của Trần Trọng Kim cũng là thơ tứ tuyệt. Toàn bài chỉ có 28 chữ, tính hàm súc, tính cô đọng của nguyên tác và bản dịch đều bảo đảm. Thế nhưng những người biên soạn sách giáo khoa văn lớp 7 không sử dụng bản dịch này, mà đưa vào bản dịch của Lê Thước và Nam Trân. Đưa một bản dịch khác để thay cho một bản dịch quen thuộc thì cũng là chuyện bình thường khi soạn sách giáo khoa.
 
Thế nhưng chuyện bất bình thường ở đây là các nhà biên soạn “biên tập” cắt bỏ câu số 1 trong bản dịch mới này là câu “Núi sông Nam Việt vua Nam ở”, lại đưa câu số 1 trong bản dịch của Trần Trọng Kim vào, thành ra bản dịch “tổng hợp” đầu Trần Trọng Kim mà lưng, mình và chân tay là… Lê Thước và Nam Trân:
 
Sông núi nước Nam, vua Nam ở.
Vằng vặc sách trời chia xứ sở.
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây.
Chúng mày nhất định phải tan vỡ.
(Theo Lê Thước và Nam Trân)
 
Phải công bằng mà nói, bản dịch của hai vị Lê Thước và Nam Trân có cái hay riêng, không kém gì bản dịch của Trần Trọng Kim. Tuy nhiên, biên soạn sách giáo khoa có nghĩa là làm văn hóa, học thuật. Nguyên tắc của văn hóa, học thuật là khi trích dẫn, phải nói rõ nguồn gốc, xuất xứ, tác giả của điều được trích dẫn để tránh cho người đọc, người học ngộ nhận, sai lầm kiến thức không đáng có.
 
Tiếc thay, các nhà biên soạn tập sách giáo khoa này đã làm một việc vừa nguy hiểm lại vừa tức cười là đưa một câu thơ dịch của Trần Trọng Kim vào và buộc học trò phải hiểu đó là thơ dịch của Lê Thước và Nam Trân! Kiểu làm đó thật phi khoa học và không sòng phẳng chút nào đối với nhà văn hóa Trần Trọng Kim.
 
Một nguyên tắc lớn của ngành sư phạm là chọn cái gì dễ đọc, dễ học, dễ nhớ để dạy cho trẻ con. Bản dịch của Trần Trọng Kim ra thơ tứ tuyệt vần bằng, đáp ứng được tiêu chí dễ đọc, dễ học, dễ nhớ. Ba câu dịch của bản dịch in trong sách giáo khoa vần trắc; khó đọc, khó học và khó nhớ.
 
Ta hiểu lý do vì sao mà các nhà thơ thường làm thơ vần bằng, ít khi làm thơ vần trắc; lịch sử văn học VN cũng ít có những bài thơ tứ tuyệt và bát cú vần trắc. Cách lý giải của người chủ biên biên soạn giáo khoa về chuyện tại sao phụ huynh và học sinh thích bản dịch vần bằng của Trần Trọng Kim hơn bản dịch vần trắc này là “do thích êm tai” cũng không đúng với nguyên tắc sư phạm.
 
Trần Trọng Kim (1883 - 1953), bút danh Lệ Thần, là một nhà sư phạm uyên bác. Ông viết 18 tác phẩm gồm đủ sách giáo khoa, khảo luận, lịch sử; thật sự là bậc thầy của thiên hạ trong giai đoạn nền tân học mới hình thành.
 
Tác phẩm Việt Nam sử lược của ông được coi là cuốn sử học mực thước, được nhiều thế hệ người Việt Nam xem trọng. Ba tập Quốc văn giáo khoa thư của ông được nhiều thế hệ học sinh xem là sách gối đầu giường. Nhà văn Sơn Nam nhận định: “Văn chương cứ réo rắt như đàn Nam xuân” (trong Hương rừng Cà Mau).
 
Nỗi đau duy nhất của cuộc đời Trần Trọng Kim là ông đã nhận lời của người Nhật và vua Bảo Đại, chịu đứng ra làm thủ tướng của nhà nước thân Nhật từ tháng 4.1945 tới tháng 9.1945. Một nội các được thành lập vội vàng như vậy được coi là tay sai Nhật. Người ta gọi ông là thủ tướng bù nhìn.
 
Giá như không vướng vào vai trò thủ tướng trong vòng năm tháng này thì hình tượng và tài năng nhà sư phạm, nhà sử học, con người uyên bác Trần Trọng Kim rực rỡ biết bao nhiêu. Thật là điều đáng tiếc.
 
Tuy nhiên, người đời sau chỉ có những con người do lịch sử để lại chứ không thể có con người như mình muốn có. Cũng vậy, chúng ta chỉ có thể thay đổi hiện tại và tương lai chứ không thể thay đổi những gì đã xảy ra trong quá khứ của lịch sử.
 
Chính vì vậy mà học thuật và văn hóa vẫn luôn luôn đi theo hướng mở, nghĩa là người đi sau căn cứ vào lịch sử người đi trước để mở ra một cái nhìn khoan dung, nhân hậu đối với người đi trước.
 
Nếu làm học thuật văn hóa mà cứ bỏ quên những đóng góp của một người đi trước cho nền học thuật văn hóa hay tạo ra những kiến thức sai lầm cho trẻ em hôm nay và mai sau thì thật là có lỗi đối với đất nước và không công bằng đối với người xưa.
 
Bài thơ dịch Nam quốc sơn hà của nhà sư phạm kiêm nhà văn hóa Trần Trọng Kim quá hay. Nếu các nhà soạn sách giáo khoa đưa vào giáo trình thì phải ghi rõ Bản dịch của Trần Trọng Kim còn không dùng thì cứ mạnh dạn đưa một bản dịch mới và tôn trọng nguyên văn của bản dịch mới đó chứ không nên cắt một câu của Trần Trọng Kim “ráp” vào ba câu dịch của Lê Thước và Nam Trân.
 
Các nhà làm sách giáo khoa mà “lắp ráp” kiểu này thì chính hai dịch giả Lê Thước và Nam Trân cũng chẳng vui chút nào bởi “tác phẩm ba câu” của họ hằng ngày vẫn bị trẻ con hiểu là bài thơ tứ tuyệt! Nếu các nhà soạn sách giáo khoa cảm thấy mấy chục bản dịch (sau bản dịch của Trần Trọng Kim) là chưa đạt yêu cầu thì nên dịch một bản mới để dạy trẻ con. Mà điều này thì các tác giả biên soạn sách giáo khoa phải làm cho được.
 
Sách giáo khoa môn văn - sách dạy trẻ con học làm người, luôn luôn cần đến những giá trị tình cảm, tư tưởng đạo đức, thái độ chính trị cao nhất. Hơn những nội dung giáo dục khác, học văn là học để làm con người trung thực.

Tác giả: Vũ Đức Sao Biển

Nguồn tin: thanhnien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập279
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm276
  • Hôm nay71,846
  • Tháng hiện tại808,846
  • Tổng lượt truy cập58,094,715
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây