Chuyện đẹp ngày Valentine: Người khuyết tật chuyên tư vấn tình yêu.

Thứ bảy - 12/02/2011 19:27

Valentine's Day.

Valentine's Day.
“Có gì đâu. Tôi chỉ chia sẻ trải nghiệm của chính đời mình. Trong mỗi trái tim con người đều ẩn sâu tính thiện, tình yêu thương và tha thứ. Tôi chỉ thắp que diêm cho nó bùng lên thôi”.

Thầy Ký tư vấn tình yêu...

Từ thuở còn mài ghế nhà trường, tôi đã mải mê đọc sách, đọc thơ và được nghe kể chuyện về người thầy đặc biệt khuyết tật cả hai tay này. Hàng chục năm qua, thầy đã thành tấm gương của tôi cũng như rất nhiều thế hệ học sinh khác. Tấm gương đó trở nên thân thiết dù tôi chưa một lần được gặp thầy. Gần đây, tôi lại bất ngờ được nghe một chuyện khác về thầy. Đó là người bạn của tôi trong cơn tuyệt vọng vì tình duyên trắc trở đã tìm số điện thoại tư vấn và bất ngờ nghe tiếng cười của thầy. Câu đầu tiên thầy nói là: “Em hãy cười lên đi vì em vẫn còn gặp may đấy...”.

Từ số phận cuộc đời...

Tôi lặng lẽ đi tìm căn nhà nhỏ có giàn hoa giấy của thầy để nghe câu chuyện kỳ lạ này. Thầy cười nhẹ nhàng: “Có gì đâu. Tôi chỉ chia sẻ trải nghiệm của chính đời mình. Trong mỗi trái tim con người đều ẩn sâu tính thiện, tình yêu thương và tha thứ. Tôi chỉ thắp que diêm cho nó bùng lên thôi”.

Vợ chồng thầy Nguyễn Ngọc Ký chăm sóc nhau - Ảnh: Nguyễn Á.

Thầy tâm sự trong hoàn cảnh khắc nghiệt của số phận, thầy vẫn tìm được tình yêu và cuộc hôn nhân chung thủy từ chính trái tim mình. Gần 40 năm trước, người vợ Vũ Thị Nhiễu của thầy đã chia tay bạn trai chuẩn bị đi du học đầy hứa hẹn trong thời chiến để đến với thầy. Lúc đầu, bị gia đình quyết liệt cản trở, bị bạn bè nhỏ to sự thiệt hơn, cô Nhiễu vẫn quyết định hiến dâng trọn trái tim cho chàng trai bại liệt cả hai tay. Lúc đã thành duyên vợ chồng, cô đối mặt rất nhiều khó khăn, thiệt thòi khi trong nhà chỉ có một đôi tay phụ nữ, nhưng cô lại càng yêu thương cháy bỏng người chồng hơn.

Tình nghĩa vợ chồng gần trọn kiếp người đành dở dang, ngồi lặng bên di ảnh trên bàn thờ người vợ đã sớm ra đi trước mình, thầy Ký ngân ngấn nước mắt: “Tôi chẳng có bí quyết chinh phục nào cả. Tôi chỉ có trái tim yêu thương cô ấy cháy bỏng, và cô ấy đã thương yêu lại tôi”.

Chuyện tình của thầy Ký càng cảm động hơn khi người vợ trước lúc ra đi đã làm mai chính em gái cho chồng. Trên giường bệnh, cô khóc tâm sự rằng mình sẽ an tâm nhắm mắt khi biết chồng có thêm trái tim và đôi tay phụ nữ yêu thương. Rồi ngày ngày dõi mắt trong ảnh thờ nhìn tình duyên chắp nối của mình cho chồng đang ấm êm, chắc ở nơi xa nào đó cô cũng mỉm cười hạnh phúc!

... Đến sẻ chia

Năm 2005, thầy Ký rời bục giảng, về hưu và căn bệnh suy thận diễn biến nặng. Nó đã đến giai đoạn cuối tàn phá cơ thể vốn khiếm khuyết, yếu ớt của thầy. Học trò, người thân khuyên thầy nên nghỉ ngơi để vợ con chăm sóc, nhưng thầy vẫn tiếp tục dùng chân quắp bút sáng tác văn thơ và trả lời tư vấn trên tổng đài 1088.

Ngày đầu năm ngồi tâm sự với tôi, cứ chốc chốc điện thoại lại reo và thầy lại an ủi trăm nỗi ngổn ngang kiếp người. Thầy nói rằng thầy không coi đó là công việc, mà chỉ đơn giản là sự sẻ chia, dù có ngày phải sẻ chia đến hàng trăm lần và không hiếm những cuộc điện thoại dài đến hàng trăm phút!

Hầu hết những nỗi niềm mà thầy lắng nghe, an ủi đều rơi vào những éo le, trắc trở của tình yêu, hôn nhân, gia đình. Thầy tâm sự sao bây giờ lòng người hay nặng nề phức tạp, đòi hỏi thái quá và nhiều khi ích kỷ đến thế. Vợ chồng đùng đùng giận dỗi, cãi vã, ly thân, ly dị vì 1.001 lý do. Khi thì người vợ đòi chia tay vì chồng mê việc, thiếu chăm sóc vợ hay vì chồng ham vui chè chén với bạn bè, và kể cả những lý do rất trời ơi như... ở dơ. Lúc thì chồng chán vợ vì không hợp nhau, không đảm đang chuyện con cái, hay xét nét, “giữ” chồng thái quá, đòi hỏi tiền bạc, so sánh chồng con...

Mỗi nỗi niềm thầy Ký có sự sẻ chia cụ thể. Nhưng chung nhất của thầy là tìm lại nụ cười trong nước mắt, niềm vui trong nỗi buồn. Thầy trải nghiệm từ chính mình và minh triết người xưa trong rủi có may, trong họa có phúc. Thầy hay nói: “Hãy vui lên đi. Em vẫn gặp may đấy. Nhiều người còn đau khổ hơn em. Đến hai giọt nước còn không giống nhau, sao em mong tìm được một bản sao của mình”.

Sau những tư vấn riêng tư, thầy Ký hay tâm sự một lối sống hạnh phúc mà chính vợ chồng mình đã ấm êm đi qua: “Sống vui, sống thoáng và sống giản đơn”. Thầy giải thích hãy sống vui cười mỗi ngày dù là nụ cười trong nước mắt; hãy sống thoáng vì đến vua chúa, thánh nhân còn sai thì làm người sao cầu toàn được; và sống đơn giản, đừng cầu kỳ thái quá để tự thắt cổ chính mình vì trăm nỗi xét nét, lo toan, đòi hỏi. Thầy Ký kể có người vợ điện đến thầy để “nói xấu” chồng ăn mặc cẩu thả, chỉ hoài cách thắt cà vạt mà không thắt đẹp được. Thầy Ký trả lời: “Em đang tự thắt cổ chồng rồi thắt cổ mình. Em hãy đơn giản đi, đừng quá cầu kỳ để vợ chồng thêm gánh nặng”.

Yêu thương để được thương yêu

Trong nội dung tư vấn của thầy Ký, chuyện tình cảm nam nữ luôn phức tạp và đẫm nước mắt. Có lần thầy đã đau lòng chuyện một cô viên chức ngân hàng có chồng là giám đốc công ty khác. Vì gánh nặng công việc, người chồng này thiếu chăm sóc, chiều chuộng vợ. Thế là người vợ lơi dần vòng tay chồng để tìm đến đồng nghiệp ngay trong ngân hàng mình. Anh này cũng có vợ con, nhưng lại rất tỉ mỉ, cảm thông, chiều chuộng nữ đồng nghiệp thiếu thốn tình cảm. Hai người như lửa gần rơm, lao vào nhau như thiêu thân.

Đến ngày cô quyết bỏ chồng con đến với đồng nghiệp. Và anh ta cũng bỏ vợ con vì cô. Sau thời gian mặn nồng, cô bắt đầu buồn vì thấy người mới đâu chỉ có mình cô. Anh còn bạn bè và những thú vui chơi. Cô theo anh từng bước, gọi điện liên tục đến mức anh đâm sợ hãi, thấy mình giống tù nhân của cô và tìm cách lơi dần. Cô đau khổ điên loạn, nghĩ lại người chồng cũ cũng đâu tệ hơn chồng mới, nhất là những đứa con mình đứt đoạn bỏ rơi. Cô mua chai thuốc trừ sâu về tự sát và trước khi uống đã gặp thầy Ký.

Thầy Ký trả lời: “Em vẫn còn gặp may vì em chưa chết. Nếu em chết là em đã dại dột lần thứ hai, mà lần đầu là quyết định bỏ chồng con. Người sau của em cũng phải bỏ vợ con để đến với em, thì anh ta cũng có những vấn đề, nỗi niềm riêng. Em đã ích kỷ với chồng đầu, giờ em lại ích kỷ tiếp với người sau. Cuối cùng em sẽ là người thiệt nhất”. Cuộc điện thoại dài mấy trăm phút, thầy Ký sẻ chia chân tình với người phụ nữ đang tuyệt vọng về tình yêu, hôn nhân gia đình và nước mắt, nụ cười kiếp người. Cuối cùng cô đập vỡ chai thuốc, cảm ơn thầy Ký đã giành lại cho cô cuộc sống thứ hai.

Thầy Ký tư vấn chuyện tình yêu, hôn nhân và gia đình - Ảnh: Nguyễn Á. 

Lần khác, một cô gái trẻ yêu người có vợ lại là con quan chức cấp tỉnh. Cuộc tình dai dẳng mà anh vẫn không bỏ vợ. Cô âm thầm chuẩn bị quậy nát gia đình người yêu, kể cả uy tín vị cán bộ. Trường hợp bi kịch này, thầy Ký vẫn nói câu đầu tiên: “Em hãy vui lên đi, vì nhiều người còn khổ đau hơn. Em vẫn còn cơ hội sửa sai. Còn ra mặt quậy phá người đã có vợ con, em sẽ tự giết mình và trở thành kẻ thù của người ta. Nếu em cứ nặng gánh đau khổ quá khứ, em sẽ không thể thấy được tương lai...”.

Trải lòng cùng hàng ngàn nỗi niềm éo le, khổ đau, tuyệt vọng đến mức thầy Ký không thể nhớ hết. Thầy chỉ tâm sự mình đã cố gắng tìm nụ cười, dù đó là nụ cười đong đầy nước mắt. Riêng nụ cười của thầy lại càng vui hơn khi biết sự sẻ chia của mình đến kết cục có hậu. Một anh bộ đội miền Bắc vào Nam đóng quân yêu thương một cô gái trong này. Khi anh chuyển đi xa, cô gái tuyệt vọng, tính tự tử vì nghĩ chuyện tình đã vỡ do cách trở. Thầy Ký nhẹ nhàng an ủi cô bằng chính chuyện tình yêu của mình. Rồi thầy chỉ nói: “Em hãy yêu thương anh ấy bằng tất cả trái tim mình. Thầy tin rằng anh ấy sẽ yêu thương lại em dù xa xôi, cách trở thế nào”.

Cuối cùng, chuyện tình này kết thúc có hậu! Đôi lứa thành vợ chồng và xem thầy Ký là ân nhân. Còn thầy mỉm cười tâm sự mình chỉ sẻ chia những điều từ trái tim cháy bỏng yêu thương...

QUỐC VIỆT

Thầy Nguyễn Ngọc Ký sinh năm 1947 ở Hải Hậu, Nam Định. Thầy bị bệnh, liệt hai tay từ năm 4 tuổi. Thầy tự tập viết bằng chân để học lên đến đại học, khoa ngữ văn, từng đứng thứ 5 kỳ thi giỏi toán toàn quốc. Ngoài dạy học, được phong danh hiệu nhà giáo ưu tú, thầy còn sáng tác nhiều văn thơ, đặc biệt là tác phẩm cho trẻ em và được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1993 đến nay, thầy chuyển vào sống, dạy học ở TP.HCM để chữa bệnh thận. 

Theo TTO.

Tác giả: Quốc Việt.

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập601
  • Hôm nay129,785
  • Tháng hiện tại971,206
  • Tổng lượt truy cập58,257,075
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây