Bằng cấp chưa hẳn tạo nên trí thức.

Thứ ba - 22/03/2011 04:37

Tiến sĩ giấy.

Tiến sĩ giấy.
“Chế độ sử dụng người theo bằng cấp mà không coi trọng đến năng lực đích thực là động lực để gian dối phát triển”, GS. TSKH Hồ Ngọc Đại.

Bằng cấp chưa hẳn tạo nên trí thức.

“Chế độ sử dụng người theo bằng cấp mà không coi trọng đến năng lực đích thực là động lực để gian dối phát triển”, GS. TSKH Hồ Ngọc Đại.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Khuyến học và Dân trí (số 30 ra ngày 24/7/2008), nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, giáo sư viện sĩ Phạm Song khẳng định: “Nói thẳng, tôi là người có nhiều bằng cấp nhưng kể cả khi còn làm bộ trưởng và hiện nay làm Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, tôi không coi bằng cấp là tiêu chí để đánh giá, đề bạt cán bộ. Với tôi, một “Thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy, một anh “Hai Lúa” làm máy bay còn có ích cho công việc hơn người có bằng cấp mà chỉ sáng ô đi, tối ô về không có chút sáng tạo nào”.

Về ý kiến này của vị GS. họ Phạm, thiết nghĩ cũng nên nêu ra đây một dẫn chứng. Đó là trường hợp một người Việt gần như chẳng hề có bằng cấp gì, một người mà nhà văn Vũ Bằng đã phải thốt lên: "Cái đời ông Vĩnh, ấy là cái đời chẳng được học hành gì". Vậy mà cái người chẳng được học hành gì ấy lại trí thức hơn rất nhiều trí thức xưa nay ta từng biết. Đó là cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Cụ là người Việt đầu tiên gia nhập Hội Nhân quyền Pháp - 1906.

Cụ cũng là chủ bút đầu tiên báo xuất bản bằng chữ quốc ngữ ở Bắc Kỳ (Đăng cổ tùng báo - 1907). Là người đầu tiên cùng Phan Kế Bính dịch và hiệu đính Tam quốc chí từ chữ Hán ra chữ quốc ngữ (1909). Là người đầu tiên dịch các tác phẩm văn học cổ điển Pháp của Vitor Hugo, Honore de Balzac, Alexandre Dumas, Moliere, La Fontaine... ra tiếng Việt. Là người Việt Nam duy nhất làm chủ bút ba tờ báo tiếng Pháp ở Bắc Kỳ.

Thế nhưng, cái bằng cái cấp cũng đã không chỉ một lần là tác nhân gây nên nhiều chuyện cười ra nước mắt!

Báo Tiền Phong ngày 5/3/2008 có bài “Copy sách được phong giáo sư”: Trong đợt xét phong giáo sư tháng 12/2007, có tới hai ông giám và phó giám đốc một học viên tên tuổi đã không được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước chấp nhận vì “nộp sách lưu chiểu muộn”. Sau đó hai cuốn sách chuyên khảo mà hai ông đó nộp để được xét phong Giáo Sư đều bị phát hiện là “cóp” từ công trình tập thể.

Không biết khi bị phát hiện như thế, hai ông giám đốc và phó giám đốc Học viện có xấu hổ không, chứ người dân thường, ít học như tôi, chỉ đọc tin này trên báo, cũng đã thấy ngượng lắm! Không chỉ ngượng, mà còn không dám cho mấy đứa cháu xem tờ báo đã đăng tin đó; vì chúng mà biết, thì làm sao người lớn còn dạy chúng nên người được nữa?

Cũng thời gian này, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố bản dự thảo liên quan đến học vị tiến sĩ. Trong đó có quy định: Các nghiên cứu sinh bắt buộc phải có bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín thì mới được bảo vệ luận án!

Tiếp đó, còn có “phương án” lấy đất để thành lập “Trung tâm bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam thời hiện đại”. Trang báo điện tử Dân Trí số 43.2008, có bài "Phút nói thật":

- Mấy hôm nay, nghe chuyện nước ta dự định thành lập Trung tâm bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam thời hiện đại. Họ định dành mười mấy hecta cho Văn Miếu khác, ghi danh các tiến sĩ thời nay, có cả rùa đội bia đá khắc tên các nhà khoa học. Tôi thấy run.

Đàng hoàng là tiến sỹ, tên mình có thể được xét. Bà mẹ già 88 tuổi nghe tin này, sợ cụ không qua khỏi... vì mừng. Vì thế, tôi "cắn rơm cắn cỏ", lạy các chư vị đừng cho tôi lên lưng rùa vì muốn mẹ tôi sống trăm tuổi... (Tác giả Hoa Lư - Báo Vietnamnet ngày 12/10/2008 - Bài Khắc tên 16 nghìn tiến sỹ - xin can!)

Và hàng trăm nông dân bị đuổi khỏi 25 ha đất để xây dựng trung tâm này chắc cũng không ít người "cắn rơm, cắn cỏ"...

-... Tôi có được biết một vị cứ mỗi lần viết một bài báo lại trịnh trọng ký tên: "Lưỡng quốc tiến sĩ". Chả là ông ấy từng có bằng tiến sĩ mỹ học ở Liên Xô (cũ), nơi bên cạnh việc giúp đỡ ta to lớn về giáo dục, cũng đã từng hại ta với không ít bằng tiến sĩ hữu nghị; sau đó lại có một cái bằng tiến sĩ nữa về ngữ văn ở Việt Nam. Không biết các vị làm Văn Miếu hiện đại sẽ ghi danh ông ở đâu và bằng cách nào? Lưỡng quốc tiến sĩ kia mà, duy nhất toàn quốc đấy, chắc chắn ông ta sẽ đòi được đứng ở tấm bia đầu tiên, và lớn nhất, và khắc bằng chữ đỏ, thật to nữa kia. Có khi còn đòi dựng tượng đồng nữa là khác! (Bài Xin can - Nhà văn Nguyên Ngọc - Báo Tia sáng ngày 03/10/2008).

Nhân ba sự kiện này, mặc dù là người ít học, tôi cũng xin mạnh dạn phát biểu ba ý kiến sau đây:

Một là, thời xa xưa, thế hệ cha ông ta, chưa có học hàm giáo sư, chỉ có học vị tiến sĩ (ông nghè: “Chưa đỗ ông nghè, đã đe hàng tổng!”). Dân gian cũng phân họ ra hai loại: Loại thứ nhất, tiến sĩ bằng da bằng thịt, có tên riêng, tên đó được vua cho khắc lên bia đá và được vinh danh ở Quốc Tử Giám. Loại thứ hai là tiến sĩ hàng mã, do mấy anh thợ dùng giấy và tre nứa làm ra. Loại này không có tên riêng, chỉ có tên chung là “Tiến sĩ giấy”; và đương nhiên không được khắc tên trên bia đá nào cả! (Nguyễn Khuyến có thơ: “Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai - Cũng gọi ông Nghè, có kém ai?”).

Loại thứ nhất đại đa số là tiến sĩ thật, sức học đầy mình và có nhiều đóng góp trí tuệ cho xã hội, được không chỉ vua mà cả dân chúng tôn trọng, tin yêu, ca tụng cho đến ngày nay.

Tuy vậy, chả thấy có vị nào công bố công trình của mình trên báo giới quốc tế cả! Chắc là vì thời đó báo chí cũng ít mà nhà nước phong kiến ta lại chưa mở cửa hội nhập nhiều như bây giờ!

Loại thứ hai, dân gian thờ xong là đốt liền. Sau khi cúng và đốt, liệu mấy vị “tiến sĩ giấy” xuống âm phủ có trở thành tiến sĩ thực không, thì chưa thấy có công trình khoa học nào được đăng ký ở cấp nhà nước, hay công bố trên các tạp chí khoa học của thế giới!

Hai là, ngày nay tuy hàng mã vẫn phát triển, nhưng ít thấy bày bán tiến sĩ giấy.

Trái lại, giáo sư, tiến sĩ bằng da bằng thịt lại rất nhiều! Nói không ngoa: Ra ngõ gặp giáo sư, tiến sĩ! Có điều, chưa hề thấy bất cứ một trường đại học công lập hay dân lập nào khắc bia các giáo sư, tiến sĩ này cả! Nhưng, bia miệng về một số vị đó, thì có!

Ba là, dù Bộ có đi đến quyết định vẫn cho áp dụng dự thảo quy chế này, thì xin các vị tiến sĩ cũng như các vị giáo sư tương lai chớ có lấy thế làm lo mà gầy người đi! Đảm bảo sẽ có ngay dịch vụ viết và đăng công trình nghiên cứu trên bất kỳ tờ báo có uy tín nào của thế giới cho mà xem! Các vị chỉ cần chuẩn bị tiền thôi và phải luôn luôn ghi nhớ câu châm ngôn dân gian này: “Cái gì không mua được bằng tiền, thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”!

Nên rút kinh nghiệm hai vị giám đốc, phó giám đốc Học viện Hành chính trên, chớ có dại lợi dụng chức quyền, biến công trình của tập thể thành công trình của mình, bởi làm như thế, trước sau gì cũng lộ thôi, mà lộ thì hết đường cứu chữa!

Trần Huy Thuận 

Tác giả: Trần Huy Thuận

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập592
  • Hôm nay81,106
  • Tháng hiện tại901,765
  • Tổng lượt truy cập57,003,402
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây