Nồi cháo cá mùa thi.

Thứ ba - 03/05/2011 10:41

-

-
Cứ mỗi lần ăn cháo hoặc nhắc đến cháo là ký ức tui lại nhớ quay nhớ quắt nồi cháo cá do bọn tui "thiết kế" vào một mùa thi lúc còn "mần chú" tại TCV Hoan Thiện.

Nồi cháo cá mùa thi

Cứ mỗi lần ăn cháo hoặc nhắc đến cháo là ký ức tui lại nhớ quay nhớ quắt nồi cháo cá do bọn tui "thiết kế" vào một mùa thi lúc còn "mần chú" tại TCV Hoan Thiện.

Năm nớ hình như là hè 64 hoặc 65, các lớp khác đều về nghỉ hè còn riêng lớp tui (PX60) thì ở lại ôn thi - thi Brevet D'Études hay Tú Tài 1 chi đó tui quên mất. Thiệt ra "học thi" thì cũng có học thiệt vì sợ rớt "quê độ", nhưng lợi dụng cơ hội tụm năm tụm ba để quậy thì cũng ...hết biết.

Vào một buổi chiều, bọn tui gồm Lê Hồng Phúc, Phan Đức Hân (Kha Phó, lúc nớ tên là chú Trầm) và tui . . . còn vài ba bạn khác thì nay mần . . . cha rồi - "tạm tha" không nêu tên - tuy rứa nhưng các vị phải tự giác "thành khẩn khai báo" vào ngày Đại Hội GĐ CCS Huế Lần I vào tháng 6/2011, bọn tui đứng tựa vào lan can chiếc cầu bắc ngang hồ cá dẫn vào Nhà Nguyện đối diện với phòng Cha Bề Trên Nguyễn Văn Thuận, nơi mà Người thường đứng để ném thức ăn cho bầy cá.

Bọn tui vừa ngắm đàn cá vàng hiền hòa bơi lội tung tăng vừa "tám" lăng nhăng đủ thứ chuyện trên trời dưới đất.

Rứa rồi có "đứa" buột miệng khen đàn cá và mấy "đứa" khác phụ họa theo:

- Coi tề !!  mấy con cá vàng ni bự chưa tề !!

- Úi chào !! cả một bầy mập ú dài thoòn.

- Cá ni mà nấu cháo chắc béo lắm bây hí !!

- Đúng rứa - cá ni mà nấu cháo thì tuyệt cú mèo !!

Ngay lập tức "ý tưởng" bắt cá nấu cháo để "bồi dưỡng" học thi được cả bọn lẹ làng "nắm-bắt khai-thác" triệt để. Mấy "mái đầu húi cua" nhanh nhẫu tụm lại xì xào bàn tán vạch kế hoạch…

Phương án sử dụng cần câu bị bác bỏ, lý do: ngồi câu thì "lộ thiên" quá dễ bị lộ tẩy! Hơn nữa bọn cá nhỏ thường hay túm tụm giành mồi rỉa mồi lẹ làng hơn mấy con cá lớn nên cá nhỏ dễ dính câu hơn. Phương châm "đánh nhanh rút lẹ bí mật an toàn" không cho phép cứ câu lên gặp cá nhỏ rồi gỡ thả xuống hoài, vì như rứa thì rất dễ bị phát hiện "bể kế hoạch" đó là chưa nói tới việc vì cá quá bự có thể mần gãy cần câu. . .

Cuối cùng, phương án lưới cá được hỉ hả tán thành và phân công cụ thể như ri: PĐHân và tui phụ trách tìm lưới để bắt cá, Lê Hồng Phúc ngoài nhiệm vụ "do thám" và "cảnh giới" lúc bắt cá còn có nhiệm vụ chính "nặng nề " hơn là . . ."chôm" rượu.

Chú Hân đã thực hiện tốt "chức trách" của mình với sáng kiến lấy… mùng ngủ làm lưới bắt cá. Chiều hôm đó sau khi "do thám" khắp các "khu vực", Lê Hồng Phúc "mật báo" là các Cha đều đi vắng, chỉ còn Chị Mai (Sr quản lý bếp) lui cui dưới  bếp mà thôi. Chú Hân liền ôm lưới-mùng-muỗi của mình vẫy tay ngoắc tui đi theo. Chú Hân biết tui tuy thường có tí "sáng kiến miu lược" nhưng về mặt "chiến thuật" thực tiễn thì hay tỏ ra vụng về, vừa thiếu "can trường lì lợm" vừa thiếu óc "vận dụng sáng tạo", nên chỉ phân công tui nắm chặt 1 đầu lưới-mùng-muỗi đứng yên một chỗ trên bờ hồ, còn chú Hân thì bận "quần đùi" thả đôi chân khẳng khiu nhưng hai bàn chân thì to chè bè đen điu nhẹ nhàng lướt xuống hồ. Sau khi quẳng 1 nắm bánh mì nhử đàn cá mê ăn, chú Hân đưa tay phải nắm một đầu lưới mùng ngủ đưa lên khỏi mặt nước còn bàn chân phải thì quấn đầu lưới-mùng-ngủ phía dưới rà xuống sát đáy hồ rồi cứ rứa lướt đi từng bước một cách điệu nghệ khép một vòng về phía chỗ tui đứng.

Ui chao lạy Chúa tôi !! ngay mẻ đầu tiên thì đàn cá vàng đã vô vọng quẫy đạp tứ tung trong lưới-mùng-muỗi. Bọn tui chọn 2 "chú" mập mạp nặng ký nhất quấn chặt vào lưới và nhanh nhẹn rút quân khỏi chiến trường không để lại dấu tích kể cả việc lau khô nước trên hành lang. Hồ cá trở lại phẳng lặng yên hàn và đàn cá lại bơi lội tung tăng như chưa hề xảy ra biến cố chi. Cả bọn hí hửng xì xào: "Hà hà… rứa thì sức mấy mà Cha Bề Trên biết được!" .

Nhiệm vụ kế tiếp của Chú Hân là "mần" cá và chuẩn bị gạo củi để "khuya" nấu cháo. Còn tui thì nhận nhiệm vụ "cảnh giới" để chú Phúc thực thi "sứ mệnh" chôm rượu. Lầu 1 bên trên Nhà Ăn là  "dortoir" của các chú, phía cuối "dortoir" có 1 dãy phòng ngăn cách bằng 1 hành lang trong đó có "phòng kho" của Cha Bề Trên.

Chú Phúc tiến đến phòng kho mà chú đã biết trước rồi vội vàng đưa tay vào túi lấy ra 1 cái chìa khóa "passe-partout" - xẹt xẹt - cánh cửa vừa mở ra là cả 2 thằng chui tọt ngay vào bên trong và khóa cửa lại tức khắc để "ngoại bất nhập". Chú Phúc ngồi bệt xuống cạnh cái rương gỗ to đùng, rút trong túi áo ra 1 khúc kẽm cứng dài khoảng 1 tấc và to bằng đầu tăm rồi đút vào cái ổ khóa rương treo lũng lẵng, ngoáy ngoáy móc móc mấy cái là ổ khóa bật ra ngay. Ôi chú Phúc đúng là 1 tay bricoleur thượng thặng!

Nắp rương được mở ra, ôi cơ man nào là rượu đủ loại được xếp nằm thành lớp.

-  Mấy đứa mi muốn uống rượu chi? - Phúc hỏi.

- Rượu chi cũng được, tau có biết rượu chi mô !! - Tui trả lời.

- Rứa thì tau lấy 2 chai Champagne Pháp, loại ni nhẹ dễ uống mà lại thơm. Phúc tỏ ra sành sõi lão làng.

Sau đó Phúc khéo léo sắp xếp lại mấy chai rượu để lấp lỗ trống của 2 chai sâm-banh, bóp khóa rương lại như cũ, nhét 2 chai rượu vào nách, mở hé cửa phòng ló đầu cảnh giác, cả 2 nhanh nhẹn bước ra rồi khóa cửa phòng lại như cũ. Hì hì… Tuyệt cú mèo! Rứa thì có Chúa mới biết !!

Sau bữa tối tất cả đi promenade chuyện trò quanh sân, rồi đọc kinh tối như thường nhật xong rút về phòng.

Khi biết chắc các cha giáo đều đã về phòng mình, bọn tui liền leo lên terrasse sát sân bóng rổ mang theo các "chiến lợi phẩm". Chú Hân luôn tỏ ra năng nỗ tháo vát đã chuẩn bị tươm tất đâu vào đấy đầy đủ các thứ nồi niêu củi đuốc chén đũa gạo nước mắm hành ớt dao thớt…

Vì ở trên sân thượng nên gió thổi bạt lửa tứ tung, phải cả tiếng đồng hồ sau nồi cháo mới chín, lúc nớ đâu khoảng 10h đêm. Bọn tui ngồi chung quanh nồi cháo bốc khói nghi ngút. Chú Hân múc cháo ra chén cho từng người, còn cá thì vớt bỏ ra trên 1 cái dĩa lớn có sẵn nước mắm dằm ớt. Chú Phúc "thiện nghệ" mở rượu champagne nổ cái "bốp" giòn giã - rượu Pháp xịn mà lỵ - rót ra và hỉ hả nâng ly mừng chiến công!

Đang xì xụp húp húp nói nói cười cười thì trời ơi, đằng kia có tiếng dép lẹt xẹt đi tới, một bóng đen lù lù tiến thẳng về bếp lửa hồng mà bọn tui đang ngồi. Trời đất quỉ thần ơi, đó là cha Hồ Văn Quý! Răng giờ ni mà "ổng" chưa ngủ hè! mần răng đây hè!...

- Hì hì… nóng quá không ngủ được - mấy chú mần chi rứa?

Ngần ngừ beẽn leẽng một lúc nhưng rồi cũng phải can đảm thú nhận…

- Nấu cháo cá cha ơi!

- "Bui" quá hí!! Có ngon không?

- Hì hì... mời cha ăn cho biết.

Rứa là cha Hồ Văn Quý cùng ngồi bệt xuống nhận chén cháo cá húp húp chắp chắp mấy miếng.

- Ui chao, mấy chú nấu cháo cá chi mà lạt thếch dỡ ri hè? - Mấy chú lấy cá chỗ mô rứa?

- Bắt dưới hồ đó cha ơi!! Mà cha nè... cha đừng meét Cha Bề Trên đó nghe!

- Ừ, thôi ăn lẹ đi rồi về ngủ, khuya rồi, tui không méet mô!!

- Hà hà... cảm ơn cha trước.

Ừ - mà nồi cháo cá đúng là lạt lẽo thiệt - thịt cá nhão nhẹt chẳng có mùi vị chi, rượu Champagne lại chỉ chua chua không át được mùi tanh tanh của cá.  Tiếc công tiếc của nên mỗi đứa cố gắng húp vài ba chén... Bê nồi cháo cá đổ đi rồi giải tán nhưng bụng thì cứ lo lo "không biết cái ông Hồ văn Quý ni" rồi có bật mí cho Cha Bề Trên không đây!!

Cha Hồ Văn Quý lúc nớ mới ở Tây về, chỉ dạy mấy lớp dưới thôi, nên bọn tui thường "chơi bời" đùa giỡn vui vẻ với ngài như là bậc "đàn anh", không ngán ngại e dè như đối với các Cha Giáo Sư khác. Lúc đó bọn tui cứ thân mật gọi là Cha Quý-carré, gọi rứa là vì cái đầu tóc carré vuông vức cạnh beén ngót của Ngài.

Ngày nay bọn thanh niên "tân tiến" gọi đó là "mốt đầu đinh" và cho là hiện đại "văn miêng"!! Thiệt ra có mới lạ văn miêng chi mô, cái mốt đầu đinh cũ rích ni đã được cha Quý-carré "chơi" cách đây non nửa thế kỷ rồi!!

Vài tuần sau, thấy Cha Bề Trên đứng trên cầu ném bánh mì cho đàn cá ăn, tui liền mon men lại đứng cạnh Ngài và "hót" mấy câu lấy lòng...

- Ui chao cá đớp mồi hay chưa tề!! Cá lượn đẹp quá Cha hè. Đó đó... Cha ném cho mấy chú cá mập ú dài thoòn đang bơi bên ni Cha tề!

Không rời mắt khỏi đàn cá, Ngài nhẹ nhàng trả lời :

- Ừ! đàn cá vàng mập và đẹp như rứa đó, nhưng đây là cá kiểng chỉ nuôi chơi cho đẹp thôi chơ ăn không ngon mô!!!

Chúa ơi! Có tật giựt mình. Nghe giọng Cha Bề Trên nói tuy ra vẻ "vô tư" như rứa nhưng khuôn mặt tui cứ tê tê giật giật, ốc át nổi hết lên, may mà mắt Cha chỉ dõi theo đàn cá (hay "giả bộ" như rứa không biết nữa??) mà không nhìn vào cái bộ mặt trơ trẽn "nhạy cảm" của tui. Rứa là tui âm thầm nhẹ nhàng  rút lui, bụng cầu xin ước chi "Ngài chỉ nói bung lung ngẫu nhiên" thôi chứ không có ý "ám chỉ" chi về bọn tui là lũ tội đồ "iêu ma quỉ quái" lắm mưu nhiều chước phá phách tùm lum tà la...

Sau này tui cứ nghi nghi là Cha Bề Trên đã biết hết trơn hết trọi nhưng "không thèm" nói trắng ra mà thôi. Cái vụ này chắc do cha Hồ Văn Quý meét rồi! Có vị nào gặp lại Cha Hồ Văn Quý, xin vui lòng "chất vấn" sự kiện này giùm bọn tui với, chân thành cảm tạ trước và sẽ hậu tạ bằng một nồi cháo cá khác thơm ngon hơn.

Chắc cũng có người théet méet là tui có cho các Kha Sinh của tui tham dự bữa tiệc cháo cá đó không?? Nói thiệt lòng, có mà điên mới bật mí cho các Kha Sinh về mấy cái "phi vụ" kiểu ni! Tui mà mần 1 thì bọn hắn "chơi" đến 10! Bật mí để bọn hắn "phụ họa phát triển cao hơn" thì Cha Bề Trên chỉ có nước muộn phiền sinh bệnh hoạn rồi về..."chầu Chúa" sớm mà thôi !!

Nhân cuộc "Hội Ngộ Gia Đình CCS Huế" Lần I sắp tới tại Huế, tui ước mong được biết nhiều câu chuyện "nhất quỉ nhì ma thứ ba các chú" (hoặc "các thầy") của một thời "Tuổi Thơ Dữ Dội" (tên phim của CCS Kha Sinh Đạo Diễn Nguyễn Vinh Sơn) để cuộc hội ngộ thêm phần... long trọng.

Thắng Cảnh, tức Thắng Lợi, tức Hạ Lợi. 

Tác giả: Đỗ Thắng Cảnh PX60

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 29 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 4.8 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập614
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm610
  • Hôm nay117,958
  • Tháng hiện tại1,330,635
  • Tổng lượt truy cập58,616,504
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây