Những người lữ hành trên đường hy vọng. Phần 2- Bổn phận.

Thứ tư - 06/04/2011 11:57

Đường Hy vọng.

Đường Hy vọng.
Có người không vác thánh giá của mình hay của người khác mà tưởng tượng thánh giá mình quá nặng. Có người vác thánh giá cả làng mà không vác thánh giá của mình. Có người vác thánh giá cả làng và gán thánh giá của mình bắt kẻ khác vác.

Những người lữ hành trên đường hy vọng.
Phần 2- Bổn phận.

1. Lời Thánh Augustinô.

* Bổn phận là ý Chúa trong giây phút hiện tại (ĐHV 17).

* Một vị thánh ngoài bổn phận là thánh ở xa xa thường hay "làm phép lạ" sái nơi, sái giờ. Đến gần thì gây lộn xộn, và hoang mang khó sống (ĐHV 21).

* Bổn phận là giấy vào Nước Trời: "Ai thực hiện ý Cha Ta trên trời, sẽ vào Nước Trời (ĐHV 27).

Augustinô mải miết theo lạc thuyết Ma-ni-kê (Nhị nguyên) và xa hoa trụy lạc, nhưng chàng vẫn cảm thấy chán nản, ê chề, thất vọng. Ngày kia, tâm hồn Augustinô vụt đổi mới khi ánh sáng Tin Mừng lọt vào. Chàng hân hoan theo Chúa Giêsu và chịu phép rửa tội vào năm 33 tuổi. Từ đây, chàng tìm được bí quyết sống hạnh phúc: chu toàn thánh ý Chúa trong công việc bổn phận hằng ngày. Chàng viết: "Lạy Chúa, Chúa nên cho con, nên tâm hồn con mãi xao xuyến và băn khoăn bao lâu chưa được nghỉ an trong Ngài?

 2. Một tý nữa thôi. 

* Thế giới không đổi mới, vì người ta quan niệm sự thánh thiện ngoài bổn phận (ĐHV 23).

* Các thánh không nên thánh vì nói tiên tri hay làm phép lạ. Các ngài đâu làm gì lạ? Họ chỉ chu toàn bổn phận (ĐHV 25).

Đây là kinh nghiệm của một đấng thánh sống Lời Chúa. Ngài tâm sự: "Tôi hiểu bổn phận của tôi qua Lời Chúa như sau: Vác Thánh giá là chu toàn nhiệm vụ của mình", là chính công việc của bản thân tôi, bất kỳ lớn nhỏ; mỗi ngày là trong từng giây phút hiện tại.

Bất cứ làm công việc gì, tôi cũng nhớ đến câu ấy. Mỗi ngày tôi quyết tâm chầu Thánh Thể đúng một giờ. Nhưng lắm lúc, tôi sốt ruột thấy một giờ sao lâu quá! tôi xem đồng hồ. Bất giác nhớ lại bổn phận của tôi trong giây phút này là chầu Thánh Thể, tôi tự nhủ: "Một tý nữa thôi, một tý nữa thôi". Và tôi tiếp tục cầu nguyện. Song tôi lại sốt ruột, liếc xem đồng hồ. "Một tý nữa thôi, hãy cố gắng lên!" Và cứ như vậy, không bao giờ tôi rút vắn giờ chầu Thánh Thể mỗi ngày.

3. Đức Cha Seitz và bổn phận. 

* Con hãy thưa, "Lạy Chúa, nơi bổn phận của con là núi Calvariô, và con là của lễ toàn thiêu (ĐHV 30).

* Chính sự chết cũng là bổn phận cuối cùng mà con làm cách sẵn sàng và đầy yêu mến (ĐHV 32).

Đức Cha Phaolô Seitz (Kim) luôn hiện diện giữa giáo dân. Vào năm 1972, khi những trận đánh giải phóng Kontum bùng nổ ác liệt, ngài vẫn lái xe đi cứu thương dưới làn bom đạn. Một phóng viên ngoại quốc phỏng vấn ngài trên cảnh đổ nát hoang tàn:

Đức Cha không sợ sao?

Tôi không sợ, ngài trả lời. Nhưng ngẫm nghĩ một lát ngài nói tiếp: "Không, tôi chưa nói đúng sự thật. Tôi sợ lắm chứ! Nhưng vì bổn phận, tôi sẵn sàng sống chết với giáo dân của tôi".

 4. Bệnh nhân cũng có bổn phận của mình.

 * Có người không vác thánh giá của mình hay của người khác mà tưởng tượng thánh giá mình quá nặng. Có người vác thánh giá cả làng mà không vác thánh giá của mình. Có người vác thánh giá cả làng và gán thánh giá của mình bắt kẻ khác vác (ĐHV 18).

* Giáo dân nghĩ: thánh là sốt sắng kinh nguyện, giảng giải, xa lánh thế gian: họ hoá ra giáo sĩ, tu sĩ thời xưa. Tu sĩ nghĩ: thánh là dấn thân giúp việc xã hội, hoạt động chính trị, tranh đua với giáo dân mà nhập thế. Loạn xà ngầu (ĐHV 22).

* Thợ nên thánh ở công xưởng, lính nên thánh ở bộ đội, bệnh nhân nên thánh ở bệnh viện, học sinh nên thánh ở học đường, nông phu nên thánh ở ruộng rẫy, linh mục nên thánh trong mục vụ, công chức nên thánh ở công sở. Mỗi bước tiến là một bước hy sinh trong bổn phận (ĐHV 24).

Nhà Dòng của Thánh Cottolengo thành Torinô (Bắc Ý) được gọi là ngôi nhà bé tý của Chúa Quan Phòng. Trong nhà đó, nuôi đủ các thứ bệnh nhân và người tàn phế, mọi người chu toàn bổn phận theo sức của mình.

Những người liệt thì cứ mười lăm phút lại được nghe máy ghi âm nhạc: "chúng ta hãy nhớ mình đang ở trước mặt Chúa ", và họ dâng bổn phận chịu đau khổ lên Chúa.

Những người tàn phế khác thì chia nhau phục vụ cho trên 3000 cư dân chung sống trong nhà. Họ phân thành từng ban: ban nấu bếp, ban giặt rửa, ban vệ sinh, ban làm bánh mì... Ban cuối cùng này hầu như gồm toàn những người câm và điếc, kể cả anh trưởng ban.

Chúng ta thử tưởng tượng: nếu mỗi người ăn hai quả trứng thì phải có trên 6000 quả trứng, nếu mỗi người ăn hai ổ bánh mì thì phải có trên 6000 ổ bánh mì! mà mỗi ngày đều phải cung cấp với một số lượng như thế! Và tất cả đều do bàn tay bệnh nhân, phế nhân làm.

Tất cả mọi người trong nhà ấy, què quặt, câm điếc cũng như tê liệt đều có bổn phận và đều thánh hoá mình trong bổn phận. 

5. Cách ngôn Nhật Bản.

* Nếu ai cũng nên thánh trong bổn phận, thì tâm hồn mới, gia đình mới, thế giới một (ĐHV 20).

* Vấn đề rất đơn giản: trước khi hành động, con nghĩ: "Chúa muốn con làm gì?" Hãy thực hiện ý Chúa (ĐHV 36).

"Nếu mỗi người đều quét sạch cổng mình thì cả làng đều sạch". Cách ngôn của ta: "Nếu ai cũng thánh hoá bổn phận mình thì cả xã hội đều tốt đẹp".

6. Bác sĩ Longet.

* Thánh hóa bổn phận của con. Thánh hóa người khác nhờ bổn phận con. Thánh hóa chính mình con trong bổn phận (ĐHV 19).

* Không gắn bó với ý Chúa từng giây phút, con sẽ bỏ dỡ đường hy vọng, vì con cho bổn phận bình lặng, vô danh và đồng điệu (ĐHV 35).

Bác sĩ Longet là một bác sĩ người Pháp đã từng phục vụ ở Việt Nam cách đây mấy mươi năm và cũng nổi tiếng như bác sĩ Tom Dooley người Mỹ đã phục vụ ở Đông Nam Á. Ông tận tụy săn sóc, yêu thương các bệnh nhân trong bệnh viện mình, bất kể giai cấp, tôn giáo, chủng tộc, ngày cũng như đêm (ông thánh hoá bổn phận).

Được hỏi vì sao ông quý bệnh nhân đến thế? Vì sao ông có thể bỏ ăn, bỏ ngủ vì bệnh nhân, xem bệnh nhân là trên hết? Ông đáp: Vì thấy Chúa Giêsu trong mỗi người bệnh (ông thánh hoá mình trong bổn phận).

Mỗi sáng, khi đi dự lễ, bệnh nhân lương giáo ai muốn đi, ông đều cho đi. Mỗi chiều chúa nhật, ông lại cho các bệnh nhân đi chơi, tham quan nơi này, nơi nọ. Và mỗi tối, ông lần chuỗi chung với bệnh nhân Công giáo. Vì là người Pháp, ông chỉ thuộc các kinh Lạy Cha, Kính Mầng, Sáng danh đủ để lần hạt chung với họ là những người khác quốc tịch (ông thánh hoá người khác nhờ bổn phận).

Ít lâu sau, Longet trở về lại Pháp, vào Chủng viện dâng mình làm linh mục và tình nguyện sang phục vụ những người nghèo khổ nhất ở giáo phận Cần Thơ. Nhưng tiếc thay, sau khi chịu chức, ông bị bệnh và qua đời trước khi tới nơi mong ước. 

7. Chuyện ông Viện Trưởng.

* Vì thương thuyết đòi điều kiện trong bổn phận, vì không theo ý Chúa, vì theo ý Chúa có giới hạn mà tâm hồn con khắc khoải, bất an (ĐHV 34).

* Chúa muốn mưa, con cũng muốn, - Chúa muốn nắng, con cũng muốn, - Chúa muốn sướng, con cũng muốn, - Chúa muốn cực, con cũng muốn, - Chúa và con chỉ có một ý. Bí quyết hạnh phúc của con (ĐHV 37).

Ông Viện trưởng viện đại học Milanô hiện nay là một nhà nghiên cứu khoa học đồng thời là một Kitô hữu sốt sắng. Ông lại nổi tiếng là một người bạn dễ mến đối với các khoa trưởng, giáo sư, một người cha yêu quý và dễ cảm thông đối với các sinh viên trong viện. Ngoài các giờ nghiên cứu, ông cầu nguyện trước Thánh Thể. Ngoài các tác phẩm khoa học, phát minh, ông còn viết nhiều sách thiêng liêng có giá trị. Ông nên thánh trong bổn phận, tạo nên những thế hệ thông minh và kiên cường. Ông lại sống độc thân. Nhiều người lấy làm lạ hỏi: "Sao ông tốt đến thế?" Một người biết rõ về ông và trả lời: "Ông là vị phụ trách Tổng quyền của Tu Hội Chúa Kitô Vua". Vì khiêm nhường, ông không nói điều này ra nên ít người biết

8. Nên Thánh nhờ cầu nguyện. 

* Sống bổn phận hiện tại không phải là thụ động, nhưng: là liên lỉ canh tân - là quyết định chọn hay chối Chúa - là tìm Nước Chúa, - là tin ở tình yêu vô bờ của Chúa, - là hành động với tất cả hăng say, - là thể hiện mến Chúa yêu người, "ngay trong giây phút này" (ĐHV 26).

* Chấp nhận thánh ý Chúa; vâng theo thánh ý Chúa; yêu mến thánh ý Chúa. Con chọn hạng nào? (ĐHV 28).

Bác sĩ Emiliô Trosalti (bệnh viện Polyclinicô - Roma) là một người như mọi người, có nhà riêng, có lương bổng, có xe hơi, quan hệ bạn bè rất tốt, săn sóc bệnh nhân tận tình; nhưng nơi ông có những đặc điểm nổi bật: phản ứng đầy tinh thần Phúc Âm, thái độ nhã nhặn nhưng siêu nhiên vô cùng. Ông là Tổng thơ ký của một Tu Hội đời. Ông nói: "Bí quyết hạnh phúc của tôi, sự bền đổ của tôi là cầu nguyện, sáng một giờ, chiều một giờ... , nhờ cầu nguyện, kết hợp với Chúa, tôi giải quyết được mọi thắc mắc, thắng hết được mọi chước cám dỗ". Ngoài các sách thiêng liêng khác, ông có viết cuốn: "Sự cầu nguyện trong Tu Hội Đời". 

9. Nhận như Thập giá.

* Trong cuộc sống hằng ngày, Chúa ban cho ta hạnh phúc tham dự mầu nhiệm cứu rỗi. Đối với mỗi người, con đường thánh giá đi theo con đường bổn phận (ĐHV 38).

Khi Hồng Y Sartô vừa được bầu làm Giáo Hoàng (Pio X), thì theo Giáo luật, vị Hồng Y niên trưởng đến hỏi ngài: "Đức Hồng Y có chấp nhận làm Giáo Hoàng không?"- Ngài đáp: "Tôi xin nhận nhiệm vụ Giáo Hoàng như là Thánh Giá Chúa trao cho tôi"

10. Quán ăn cầu nguyện.

* Chỉ cần làm bổn phận trong giây phút hiện tại là nên thánh. Một khám phá, một mạc khải đem bình an và phấn khởi cho tâm hồn con (ĐHV 31).

* Tiến lên trong bổn phận mỗi ngày, con sẽ thấy "Ách Chúa êm ái, gánh Chúa nhẹ nhàng" (ĐHV 33).

Ngoài các giờ cầu nguyện trước Thánh Thể, các chị thuộc Tu Hội Eau-vive (Nước Hằng Sống)(nguồn gốc tại Bỉ) còn mở quán ăn phục vụ khách hàng. Thoạt đầu mới bước chân vào, người ta thấy bầu không khí là lạ! Thức ăn thì thật là ngon, các cô chiêu đãi lại quý khách hơn cả bạc vàng. Châm ngôn của họ: phục vụ Chúa Giêsu trong các thực khách. Khách hàng khi thấy đã quen quen, hỏi họ: "Tại sao các cô thuộc nhiều quốc tịch mà lại sống chung với nhau? Các cô có gia đình không? ..." Bây giờ, các chị mới thuật lại cuộc sống Tu Hội của họ một cách đơn sơ, chân thành khiến nhiều người cảm kích, có kẻ bắt đầu tìm hiểu đạo, lên đường trở về với Chúa.

Đặc biệt sau giờ cơm tối, thông thường vào lúc 9 giờ. Tu Hội có giờ cầu nguyện, chia sẻ Phúc Âm. Các chị thưa với khách hàng: "Giờ đây chúng tôi có giờ cầu nguyện, quý vị nào muốn tham gia, chúng tôi xin kính mời, ai không tham gia, xin cứ tự nhiên". Thế rồi các chị cùng một số ít thực khách sắp ghế vòng quanh lại và bắt đầu giờ cầu nguyện với những bài Thánh Ca sốt sắng, truyền cảm. Có nhiều người ban đầu không tham gia, dần dần thấy hay hay cũng lắng tai nghe, rồi những lần kế tiếp lại xách ghế ngồi phía sau tìm hiểu. Khi đã quen, đã mê thì tuần nào cũng một vài lần đến ăn cơm, nhưng cốt để tham dự giờ cầu nguyện ban tối mà họ cho là rất tự nhiên, hấp dẫn và cảm động. Quán ăn đã trở nên nhà cầu nguyện, vì có Chúa hiện diện giữa họ.  

Tác giả: Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập748
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm744
  • Hôm nay139,632
  • Tháng hiện tại1,051,896
  • Tổng lượt truy cập57,153,533
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây