Linh đạo của Đức Cố Hồng Y F.X Nguyễn Văn Thuận: Sống phút hiện tại

Thứ tư - 12/09/2012 18:35

-

-
Mỗi ngày Chúa ban cho 24 giờ, từng phút từng giây sẽ qua đi, giây phút nào cũng đẹp, nhưng giây phút đẹp nhất là phút hiện tại. Tôi làm chủ giây phút hiện tại: tự do quyết định tôi có thể lấp đầy bằng những tư tưởng đứng đắn, những lời nói và hành động đem lại bình an và yêu thương cho tôi và cho người khác.
Linh đạo của Đức Cố Hồng Y F.X Nguyễn Văn Thuận: Sống phút hiện tại
(Vài chia sẻ nhân ngày giỗ 10 năm của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê 16-9-2912)


 
 
Linh đạo trong Giáo hội là đường hướng thiêng liêng nhắm đến sự trọn lành theo Phúc Âm. Linh đạo có cội nguồn từ Phúc Âm, từ chính Đức Giêsu, được triển khai theo hoàn cảnh cụ thể và viễn cảnh đặc biệt nhằm giúp con người thực hiện lý tưởng nên thánh.
 
Trong tác phẩm Năm chiếc bánh và hai con cá, một cuốn sách được phát hành nhiều thứ tiếng, bản tiếng Việt năm 1997, Đức  hồng y Phanxicô Xaviê dành chương đầu tiên để nói về Sống phút hiện tại, và một bài suy niệm về Phút  hiện tại trong tuần giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo Triều năm 2000. Thiết tưởng đây là điểm nổi bật trong linh đạo, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các bài giảng và tác phẩm của ngài.
 
Phút đẹp nhất đời người:
 
“Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34).
 
“Con chỉ có một giây phút đẹp nhất: giây phút hiện tại,sống trong tình yêu Chúa cách trọn vẹn; đời con sẽ tuyệt đẹp nếu kết tinh bằng từng giây phút đẹp nhất. Con thấy đơn sơ, không phải khó”  ĐHV (Đường Hy vọng) 997.
 
Mỗi ngày Chúa ban cho 24 giờ, từng phút từng giây sẽ qua đi, giây phút nào cũng đẹp, nhưng giây phút đẹp nhất là phút hiện tại. Tôi làm chủ giây phút hiện tại: tự do quyết định tôi có thể lấp đầy bằng những tư tưởng đứng đắn, những lời nói và hành động đem lại bình an và yêu thương cho tôi và cho người khác. Bằng muôn triệu phút hiện tại tôi có thể làm cho đời tôi nên thánh.
Trong bài giảng cho Giáo triều ngày 14-3-2000, ngài nói: “mỗi chữ, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi quyết định là những giây phút đẹp nhất đời ta. Chúng ta phải thương yêu mọi người, chúng ta phải tươi cười với mọi người, mà đừng đánh mất một giây phút nào”.
 
Là người tín hữu ai cũng ao ước vươn lên  trọn lành, vì “thành công lớn nhất đời người là nên thánh” (Gioan-Phaolô II).
 
Bằng con đường nào đây, Đức Cố Hồng y đề nghị:
 
Sống giây phút hiện tại:
 
“Ai cầm cày mà còn ngó lui thì không đáng làm môn đệ ta” (Lc 9,62).                                                “Trong những đêm dài trong tù ngục tôi ý thức được rằng sống giây phút hiện tại là con đường đơn sơ và chắc chắn nhất dẫn tới sự thánh thiện” (Bài giảng Tĩnh tâm cho Giáo Triều năm 2000).
 
Sống Thánh ý Chúa trong giây phút hiện tại:
 
“Con chỉ có một của ăn:Thánh ý Chúa Cha (x.Ga 4,34), nghĩa là con sống, con lớn lên bằng ý Chúa, con hành động do ý Chúa. Ý Chúa như thức ăn làm con sống mạnh, vui; ngoài ý Chúa con chết (ĐHV 996).
 
Người trọn niềm tin vào Chúa thì vâng phục ý Chúa, coi đó là lẽ sống đời mình.
 
“ Chúa muốn mưa, con cũng muốn, Chúa muốn nắng, con cũng muốn, Chúa muốn sướng, con cũng muốn, Chúa muốn cực, con cũng muốn, Chúa muốn vui, con cũng muốn, Chúa muốn khổ, con cũng muốn. Chúa và con chỉ có một ý. Bí quyết hạnh phúc của con” (ĐHV 372).
 
Thực thi ý Chúa trong bổn phận:
 
“Không phải mọi kẻ nói với Thầy: “Lạy Chúa, lạy Chúa” là sẽ vào Nước Trời, nhưng là kẻ thi hành ý Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21)
 
Không phải tìm ý Chúa ở đâu xa, trước hết chính là công việc hằng ngày, trước mắt, trong gia đình, trong lớp học, nơi cơ quan, nhà máy, cửa hàng, ngoài đồng ruộng, nơi ta đang sống và làm việc…và ngài nói mạnh mẽ:
 
“Bổn phận là ý Chúa trong giây phút hiện tại”(ĐHV 17).
 
“Chỉ cần làm bổn phận trong giây phút hiện tại là nên thánh” (ĐHV 31).
 
Dù chỉ là những công việc tầm thường nhưng làm với lòng Mến thì cái tầm thường đó trở thành cao cả và có ý nghĩa lớn lao.
 
“Muốn nên thánh, con hãy làm những việc tầm thường, có khi xem ra vô nghĩa nhất, nhưng con đặt vào đó tất cả lòng mến yêu của con” (ĐHV 814).
 
Mẹ Têrêxa Calcutta trong thư gởi cho ngài khi ngài vừa ra tù đã bày tỏ sự đồng cảm với ngài với những lời: “Điều quan trọng không phải là số công tác đã thực hiện nhưng là mức độ tình yêu ta để vào mỗi công việc.”
 
Người tín hữu lòng hướng về quê trời nhưng vẫn say mê trần thế, lao động nhằm xây dựng thế giới tốt đẹp hơn trong ý chí tiếp tục việc sáng tao của Thiên Chúa và để cho mọi người nhận biết tinh yêu Thiên Chúa dành cho thế gian. Họ nỗ lực chu toàn công việc, để cho bản thân, công việc, môi trường và thời gian cũng được thánh hóa.
 
“Thánh hóa bổn phận của con.Thánh hóa người khác nhờ bổn phận.
Thánh hóa chính mình con trong bổn phận” (ĐHV 19).
 
Sống phút hiện tại là vui tươi liên lỉ và làm cho người khác vui tươi.
 
“Anh em hãy vui mừng trong Chúa luôn! Tôi xin lặp lại, hãy vui mừng! đức độ lượng của anh em, hãy làm sao cho mọi mgười đều nhận biết” (Pl 4,4-5).
 
Kitô giáo là đường đưa tới hạnh phúc đích thực, hạnh phúc gắn liền với vui tươi. Kitô giáo không dạy chỉ có hạnh phúc và niềm vui ở cõi đời sau trên thiên đàng, nhưng ngay đời nầy người tín hữu đã được hưởng vì có Chúa ở cùng.
 
“Thánh thiện đâu phải là nhăn nhó, khổ sở, đau thương! Thánh thiện là tươi vui liên lỉ vì đựợc Chúa,” được đất trên trời là của mình vậy”(ĐHV 532).
 
“Con phải vui tươi luôn. Đường hy vọng không chấp nhận lữ hành buồn phiền. Đường hy vọng đem lại vui tươi” (ĐHV 535).
 
Không tìm thấy những vị thánh buồn rầu sầu não vì Kitô giáo là đạo vui tươi. Vui tươi nên là một thứ hành trang của người tín hữu trong cuộc lữ hành trần thế và lan tỏa niềm vui cho tha nhân là một đòi hỏi của đức ái, là công việc tông đồ thiết thực. Vui tươi đòi hỏi nỗ lực của bản thân.
 
“Vui với người thương con. Vui với người ghét con. Vui lúc con hớn hở. Vui lúc lòng con đau khổ tê tái. Vui lúc mọi người theo con. Vui lúc con cô đơn bị bỏ rơi.
 
Vui tươi và làm cho mọi người đến cùng con cũng cảm thấy bầu khí vui tươi. Mặc dù lòng con tan nát. Đó là thánh thiện hơn mọi sự ăn chay hãm mình” (ĐHV 539).
 
Sống phút hiện tại là sống hy vọng.
 
Người tín hữu và ngay cả các thánh có những lúc gặp cảnh đêm trường tăm tối đức tin, cảm thấy bị Chúa bỏ rơi, cô đơn, nhưng quyết môt lòng cậy trông vì Chúa là Đấng Yêu thương và Trung tín.
 
“Trên thánh giá Chúa nghèo lắm! Con chỉ xin Chúa Giêsu chịu đóng đinh một điều: yêu thương, đau khổ và luôn luôn hy vọng” (ĐHV 956 ).
 
“Yêu Chúa là là yêu trần gian. Mê say Chúa là mê say trần gian. Hy vọng ở Chúa là hy vọng trần gian được cứu rỗi” (ĐHV 954).
 
Nếu biết sống giây phút hiện tại, người tín hữu sẽ làm cho đời sẽ thánh, đường đời đẹp như đường hy vọng.
 
“Chấm nầy nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài.
Phút nầy nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh
Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng, đời hy vọng do mỗi phút hy vọng” (ĐHV 977).
 
Ngài đã sống phút hiện tại toàn vẹn với trái tim yêu thương:
 
Ngày 15/8/1975, công an bắt ngài tại Sàigòn và đưa ngài về quản thúc chặt chẽ tại làng Cây Vông, Nha Trang. Tâm trạng ban đầu của ngài là hụt hẩng, cô đơn vì không còn được làm công việc mục vụ của một chủ chăn giáo phận, nhưng rồi ngài đi đến một quyết định: không chờ đợi gì nữa  mà “sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương”. Đó là một xác tín đã được nuôi dưỡng từ hồi niên thiếu. Noi gương thánh Phaolô viết thư cho các giáo đoàn, ngài thực hiện công trình “nghìn lẻ môt đêm”. Với  những tờ lịch cũ, đêm đêm trong căn phòng cửa sổ bịt kín mít bằng giấy xi măng, dưới ánh đèn “hột vịt” leo lét, mặc cho đàn muỗi đói chén no nê, ngài đã viết ra 1001 câu kết tinh  từ những trải nghiệm cuộc sống trong cái nhìn đức tin. Sách “ Đường Hy Vọng” được hoàn thành trong hoàn cảnh đó.
 
Cuốn thứ hai “ Đường Hy Vọng dưới ánh sáng Lời Chúa và Công Đồng Vatican II” và cuốn thứ ba “Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng” đã được  viết kín đáo trong thời gian ngài bị quản thúc tại làng Giang Xá, Bắc Việt, năm 1980.
 
Lời của tiến sĩ Waldery Hilgeman, cáo thỉnh viên vụ án phong Chân phước “ngài không bao giờ  ngừng yêu thương những kẻ bách hại ngài, từ những viên chức cao cấp đến những người canh giữ ngài”.
 
Một thời gian ngắn trước khi được trả tự do về Tòa Tổng Hà Nội, ngài có chế độ giam riêng. Với cách sống giản dị, lịch thiệp, yêu thương ngài đã chuyển đổi tâm trí, thái độ những người canh giữ ngài. Từ nghi ngờ, dè dặt, khắt khe đến gần gũi, kính yêu bác Thuận. Tù nhân đặc biệt này dạy những người canh tù tiếng Anh, Pháp, Latinh và học với họ tiếng Nga; một cuốn văn phạm tiếng Nga được ngài soạn lại trên một cuốn tập học sinh.
 
Hằng năm, vào dịp giỗ ngài một thánh lễ đồng tế được cử hành trang trọng tại một nhà thờ lớn ở  Sàigòn, đông đảo nam nữ tu sĩ và giáo dân tham dự. Năm 2006 là giỗ lần thứ tư, vị linh mục chủ sự thánh lễ và trong phần giảng lễ ngài xin cộng đoàn lắng nghe dzài lời tâm sự: “… tôi  là một trong những người chống đối quyết liệt việc  Đức Tổng Thuận vào Sàigòn, những tưởng ngài sẽ không bao giờ nhìn mặt; nhưng không, tại Rôma ngài đã chủ động điện thoại, rồi tôi được gặp ngài, thái độ thân tình và khoan dung của ngài đã cảnh tỉnh tôi, tôi đã hiểu ngài, ngài rất quan tâm tới Giáo hội Việt Nam và nước nhà. Tôi tự nguyện làm một nhân chứng cho vụ án phong chân phước của ngài…”. Cả nhà thờ bất ngờ và cảm động trước lời thú nhận chân thành sau hơn 30 năm biến cố, nhưng không muộn màng.
 
Một vị linh mục khác kể khi từ Nha Trang vào Sàigòn, ngài không ở Tòa Tổng vì  nhóm chống đối sẽ đến quậy phá, tình cờ gặp ngài và  chỉ  sau cuộc gặp gỡ đầu tiên và ngắn ngủi, tôi đã cảm mến ngài và liều mời ngài về tá túc tại nhà xứ. Vị linh mục nầy gần đây mang bệnh có một khối u trong não, xem như là bó tay, nhưng được ơn khỏi bệnh nhờ lời cầu xin của ngài.
 
Chứng nhân Hy Vọng
 
Ngài là con người của hy vọng, năng lực thiêng liêng nầy đã giúp ngài vựợt qua tất cả những hoàn cảnh khó khăn cùng cực về tinh thần và thể xác. Niềm hy vọng đem lại cho ngài sự an vui và giúp ngài nhìn thấy trong các biến cố đều có bàn tay quan phòng của Chúa. Những ai tiếp xúc với ngài đều được lan truyền sự bình an và niềm vui cũng như cảm nhận được ngài là một  người rất dễ mến, dễ gần gũi,vui tính. Ngài RẤT THÁNH và RẤT NGƯỜI .
 
Nhân dịp lễ giỗ 10 năm của ngài, những người mộ mến ngài đều chung tâm tình nguyện xin  Thiên Chúa cho ngài “sớm được vinh hiển trên bàn thờ”. Với đạo nghiệp cao dày và bởi lòng Chúa yêu thuơng, chắc chắn Người Tôi Tớ Phanxicô Xaviê đang vinh hiển trên Thiên đàng, được ân thưởng cùng các thánh của Thiên Chúa. Lời cầu xin đó xét cho cùng lại qui về chúng ta, vì  một khi ngài được Giáo hội tuyên phong “vị thánh của hy vọng” (cáo thỉnh viên Waldery Hilderman), chúng ta càng xác tín vào con đường thiêng liêng “đơn sơ và chắc chắn dẫn đến sự thánh thiện” mà ngài đã trải nghiệm và mời gọi chúng ta theo ngài. Và vốn đã rộng lượng từ tâm khi còn là người, giờ đây là thánh trên Thiên đàng chắc chắn ngài càng rộng lòng hơn với những lời cầu xin của chúng ta, và vì gần gũi bên Chúa Giêsu như bạn hữu thân tình lời ngài nói lại rất dễ lọt tai Chúa.

Tác giả: Lê Cần PX61

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập264
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm263
  • Hôm nay71,129
  • Tháng hiện tại804,538
  • Tổng lượt truy cập58,090,407
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây