Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (17)

Thứ tư - 26/12/2012 10:07

-

-
Của cải vật chất hay tình cảm gia đình không phải là điều xấu. Trái lại, chúng có thể trở thành một nguồn trợ lực quan trọng nếu người tông đồ biết sử dụng đúng để phục vụ Chúa. Thánh Têrêsa đã nên Thánh nhờ sự giáo dục và nâng đỡ của gia đình. Thánh Don Bosco nên Thánh nhờ người Mẹ và còn kéo nhiều con cái tinh thần lên làm Thánh nữa.
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (17)

 

Bài 116: Ơn gọi theo Chúa
Thứ tư 06-11-1991 - Tuần 31 Thường Niên
 
Lc 14, 25-33; Rm 13, 8-10
 
Ngày thứ tư đầu tháng, chúng ta kính nhớ Thánh Giuse. Ngài là gương mẫu tuyệt vời cho chúng ta noi theo, nhất là gương từ bỏ, hy sinh mà Phúc Âm hôm nay nhắc tới. Thánh Luca cho ta thấy Chúa đưa ra ba đòi hỏi và hai dụ ngôn để trình bày người môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Cả năm yếu tố này có vẻ khó nghe và cùng nói lên những đòi hỏi khắt khe của Chúa cho những ai muốn trở thành môn đệ đích thực của Ngài. Vậy chúng ta phải hiểu thế nào cho đúng.
 
Dụ ngôn người xây nhà. Theo khôn ngoan bình thường, người nào muốn xây nhà trước hết phải tính toán xem thử mình có đủ khả năng hay không. Nếu không, tốt nhất là đừng xây, kẻo xây được nửa chừng phải bỏ dở thì thật vừa tốn công vô ích vừa làm trò cười cho thiên hạ.
 
Dụ ngôn người tướng trước khi ra trận. Cũng vậy, một tướng giỏi trước khi ra trận phải tính xem thử mình có đủ sức để đánh thắng địch quân không. Nếu không, tốt nhất là đi cầu hòa, để khỏi bị thua trận và thiệt hại binh lính.
 
Cuộc đời người môn đệ theo Chúa cũng vậy. Phải xem mình có đủ khả năng hay không. Có hội đủ điều kiện để trở thành một linh mục tốt hay không. Nếu không, người đó nên rút lui sớm để khỏi làm hại cho Giáo Hội, cho người khác và cho cả chính mình nữa.
 
Ba đòi hỏi của Chúa: từ bỏ mình để vác Thánh Giá; từ bỏ mình, từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh em để theo Chúa (có Phúc Âm còn viết là ghét cha mẹ, vợ con, anh em) và từ bỏ mọi sự để theo Chúa. Những đòi hỏi này xem ra thật khắt khe. Tình cảm gia đình tự nhiên hay của cải có gì xấu đâu mà Chúa bắt phải từ bỏ. Không lý Chúa muốn những ai theo Chúa phải trở thành cô độc và nghèo túng hết hay sao?
 
Thật ra, về vấn đề của cải, vật chất, Chúa chỉ muốn chúng ta cảnh giác trong việc tìm kiếm và sử dụng của cải, vì thông thường “Của cải, tiền bạc của ngươi ở đâu thì lòng ngươi ở đó.” Thế nên, một khi xem trọng của cải hơn Chúa và chỉ để lòng trí mình nơi của cải, con người khó có thể theo Chúa hết mình được. Của cải dễ làm nảy sinh tính ích kỷ, tham lam và làm tổn thương người khác. Và như thế, người tham lam của cải không xứng đáng làm môn đệ của Chúa. Cũng thế, tình yêu gia đình là quý. Nhưng một khi phải chọn lựa giữa gia đình và Chúa, người môn đệ đích thực phải chọn Chúa. Với người thanh niên xin về chôn cất cha mình trước khi theo Chúa, Ngài đã cương quyết bảo: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết”.
 
Hơn nữa, trong thực tế việc gắn bó với gia đình một cách quá chặt chẽ cũng có thể ngăn cản và gây phương hại cho việc tông đồ. Chẳng hạn, người đó chỉ cộng tác việc tông đồ với người trong gia đình hay quen thân một cách cục bộ, không mở rộng tâm hồn đến với những người khác, và như vậy việc tông đồ sẽ bị giới hạn hoặc bị chống đối bởi những người không cùng phe nhóm gia đình.

Và cuối cùng, Chúa mời gọi người môn đệ chân chính hãy từ bỏ mình. Từ bỏ của cải vật chất hay tình cảm gia đình vẫn còn là những gì bên ngoài. Nhưng khi đòi hỏi từ bỏ mình, Chúa muốn người môn đệ từ bỏ tất cả những gì sâu xa nằm trong con người để hoàn toàn thuộc về Chúa và trọn vẹn làm theo ý của Ngài.
 
Nói tóm lại, của cải vật chất hay tình cảm gia đình không phải là điều xấu. Trái lại, chúng có thể trở thành một nguồn trợ lực quan trọng nếu người tông đồ biết sử dụng đúng để phục vụ Chúa. Thánh Têrêsa đã nên Thánh nhờ sự giáo dục và nâng đỡ của gia đình. Thánh Don Bosco nên Thánh nhờ người Mẹ và còn kéo nhiều con cái tinh thần lên làm Thánh nữa. Và Thánh Giuse mà chúng ta đặc biệt mừng kính hôm nay, đã thật sự hoàn toàn từ bỏ mình để cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa trong nhiệm vụ nuôi dưỡng và giáo dục Chúa Giêsu, sẵn sàng chịu vất vả, hy sinh vì Chúa. Amen.
 
 
Bài 117: Tình yêu tha thứ
Thứ năm 07-11-1991 - Tuần 31 Thường Niên
 
Lc 15, 1-10; Rm 14, 7-12
 
Hôm nay ngày thứ năm đầu tháng, chúng ta kính nhớ Chúa Giêsu Linh mục Thượng Phẩm đời đời. Như xưa kia Thầy Thượng Tế lấy máu chiên thanh tẩy trước khi vào nơi cực thánh để xin Chúa tha tội cho dân, Chúa Giêsu là Con Chiên vô tội, cũng đã lấy máu mình để rửa sạch nhân loại, và những ai được rửa trong máu Ngài, sẽ được ơn cứu độ.
 
Chương 15 của Phúc Âm theo Thánh Luca nhấn mạnh đến chủ đề tha thứ. Trong chương này, Chúa Giêsu đã đưa ra ba dụ ngôn theo tiến trình mức độ quan trọng, để dạy cho các Tông Đồ và dân chúng biết cần phải yêu thương tha thứ như thế nào.
 
Dụ ngôn đầu tiên. Một người có 100 con chiên mà bị lạc một con. Ông ta liền bỏ 99 con chiên trong chuồng để đi tìm con chiên lạc; và khi đã tìm gặp, ông vui mừng vác con chiên lạc trên vai trở về.

Dụ ngôn thứ hai. Một người đàn bà có 10 đồng bạc. Không may bà bị lạc mất đi một đồng. Bà liền thắp đèn quét nhà và khi tìm thấy đồng bạc đó, bà rất vui mừng báo tin và mời hàng xóm đến chung vui với bà.
 
Dụ ngôn người con hoang đàng. Một người cha có hai người con. Người con thứ xin chia gia tài và đi xa phung phá hết sạch tài sản đó. Sau đó, anh ta hối hận trở về nhà và được người Cha vui mừng đón tiếp long trọng.
 
Cả ba dụ ngôn này đều đề cập đến ba khía cạnh của tình yêu. Đó là tình yêu tìm kiếm, tình yêu tha thứ và tình yêu tái tạo của Thiên Chúa.
 
Tình yêu tìm kiếm. Người chủ chiên tìm chiên lạc, người đàn bà tìm đồng xu, còn người Cha, dù không lặn lội đây đó để tìm con, nhưng tâm hồn ông luôn hướng về đứa con hoang đàng và mong mỏi cậu ta trở về. Cũng thế, vì yêu thương, Thiên Chúa luôn tìm kiếm con người, và muốn cho con người được hạnh phúc. Từ trời cao Chúa đã xuống trần gian để gặp gỡ và cuối cùng Ngài chấp nhận đổ máu ra trên Thập Giá để cứu con người, và nhờ đó, con người được gặp lại Thiên Chúa.
 
Tình yêu tha thứ. Người Cha trong dụ ngôn là người Cha tha thứ. Khi thấy đứa con thân tàn ma dại trở về, hối hận và chỉ mong được làm kẻ tôi tớ trong nhà, người Cha vui mừng tổ chức tiệc mừng, bắt con bê béo chứ không phải bê thường làm tiệc. Rồi ông sai người mặc áo mới cho cậu, đeo nhẩn, mang giày cho cậu, nghĩa là phục hồi chức vị làm con cho cậu, không một lời trách móc hay nhắc lại chuyện lỗi lầm của cậu ta. Không thấy chỗ nào nói người Cha công bố tha thứ cho đứa con ngỗ nghịch này. Ông vui mừng quá nên quên mất hay đúng hơn ông không muốn nói hai tiếng “tha thứ” vì sợ rằng hai tiếng này sẽ làm cho người con thêm mặc cảm tội lỗi. Tất cả hành động của ông, cách đối xử của ông, đã quá đủ để người con và nhất là gia nhân biết ông đã hoàn toàn tha thứ người con hoang đàng.
 
Đối với chúng ta, Thiên Chúa cũng đối xử bằng một tình thương như vậy. Chúa sẵn sàng tha thứ tất cả, không còn nhớ đến tội cũ nếu chúng ta thực tâm trở lại cùng Chúa.
 
Tình yêu tái tạo. Tha thứ cho người con hoang đàng, người Cha đã tái tạo cho cậu một cuộc sống mới. Mặc áo mới và đeo nhẫn có ý nói bây giờ cậu được phục hồi địa vị người con trong gia đình. Cũng vậy, vì yêu thương Thiên Chúa hoàn toàn tha thứ cho chúng ta và đưa chúng ta vào cuộc sống mới, cuộc sống được làm con Thiên Chúa.
 
Một chi tiết khác trong bài Phúc Âm hôm nay có lẽ ít ai để ý: đó là thái độ của người anh khi nghe tin người em ruột của mình trở về. Trong khi người Cha tha thứ cho em mình, chính người anh lại không tha. Đó cũng có thể là thái độ của chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta thường so bì với anh em, cạnh tranh với anh em hoặc bực tức khi anh em mình được như mình. Ngay cả khi người anh em mình hối lỗi, chúng ta cũng không chịu chấp nhận và tha thứ. Điều này làm cho chúng ta tự hỏi: Tại sao Thiên Chúa tha mà các linh mục lại không tha; tại sao Thiên Chúa chấp nhận mà linh mục lại không chịu chấp nhận. Thật lạ lùng!
 
Người anh giận dỗi vì bấy lâu nay ở cùng Cha mà chẳng khi nào được Cha cho một con bê để ăn mừng với bạn bè. Vậy mà đứa em đi hoang trở về, Cha lại bắt bê béo làm thịt ăn mừng. Nhưng người Cha nhắc bảo cho anh biết rằng chính Cha cũng chẳng khi nào bắt bê béo tự làm thịt ăn tiệc cho mình, và tất cả của Cha là của con. Nhưng bây giờ chúng ta phải ăn mừng lớn vì đứa em kể như đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy.
 
Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước. Ngài khởi công tìm kiếm, tha thứ và đưa chúng ta vào cuộc sống mới, cuộc sống được làm con của Ngài. Tình yêu thương của Chúa dành cho chúng ta chính là nền tảng, là lý do quan trọng duy nhất để chúng ta cũng biết yêu thương, tha thứ, đổi mới anh em mình như vậy.
 
Chúa Giêsu là Linh Mục Thượng Phẩm đã tìm kiếm và tha thứ không chỉ có bảy lần mà là bẩy mươi lần bẩy, nghĩa là luôn tha thứ, và đã biến đổi cuộc đời của người hối lỗi như trường hợp Madalêna trong Phúc Âm. Ngài là linh mục trọn hảo, là mẫu gương tuyệt hảo cho cuộc đời các linh mục. Tự động tìm kiếm chứ không để chiên tìm chủ, tha thứ chứ không đợi xin tha thứ, đó phải là đức tính của người linh mục ở mọi thời.
 
Xin Chúa cho chúng ta có tinh thần của bài Phúc Âm hôm nay để xứng đáng là người môn đệ của một Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Amen.
 
 
Bài 118: Cộng tác với ơn Chúa
Thứ sáu 08-11-1991 - Tuần 31 Thường Niên
 
Lc 16, 1-8; Rm 15, 14-21
 
Chúng ta vẫn tiếp tục tư tưởng của Thánh Luca. Nhà chú giải Thánh Kinh gọi đây là tư tưởng biện chứng của Thánh Luca vì Luca thường trình bày Lời Chúa thành hai vế: một là ơn Chúa, hai là hành động đáp trả ơn Chúa. Hai vế này phải đi đôi với nhau, vì nếu có ơn Chúa mà không hành động cộng tác, ơn này cũng vô ích.
 
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra một dụ ngôn và hai điều cảnh giác để dạy cho môn đệ mình biết cách sử dụng ơn Chúa.
 
Dụ ngôn nói về người quản lý và cách ứng xử của anh ta. Chắc chắn qua đó Chúa không bảo chúng ta phải học kiểu khôn ngoan gian trá, xảo quyệt, ranh mãnh của anh, nhưng Ngài muốn dạy chúng ta học biết cách sử dụng của cải để có thêm bạn hữu tốt. Trong cuộc sống, chúng ta thường thấy người thế gian khôn hơn chúng ta trong vấn đề này. Con cái sự sáng thường ít khi biết dùng của cải để có thêm bạn. Cha đã có lần chia sẻ kinh nghiệm này. Đó là khi tiền bạc mất đi thì sẽ được bạn và ngược lại nếu được tiền của thì mọi người xa lánh. Lời Chúa dạy chúng ta phải có thái độ rõ ràng, sòng phẳng đối với tiền của, với của cải của Chúa và với anh em.
 
Hai điều cảnh giác là ai trung thành trong việc nhỏ thì cũng trung thành trong việc lớn và không ai có thể làm tôi hai chủ.
 
Cảnh giác thứ nhất: trung thành trong việc nhỏ.
 
Có nhiều cách cắt nghĩa, nhưng theo nghĩa của bài Phúc Âm hôm nay, việc nhỏ ở đây cũng chính là tiền bạc của cải. Nếu một người trung thành với của cải, nghĩa là rõ ràng trong vấn đề tiền bạc, chắc chắn người đó cũng sẽ trung thành trong những vấn đề lớn khác.
 
Đối với linh mục, chủ chăn, vấn đề này cần phải được quan tâm và giữ kỹ. Một linh mục luôn bàn tính “việc nhỏ”, tức tiền bạc, chắc chắn giáo dân sẽ đánh giá Ngài thấp và nghi ngờ việc Ngài trung thành trong những việc lớn. Đúng vậy, nếu một linh mục khi mới về một giáo xứ  mới chỉ hỏi thăm xem kinh tế ở đó có khá không, có bao nhiêu nhà cao cửa rộng mà quên hỏi về lòng đạo ở đó, chắc chắn giáo dân sẽ tự hỏi không biết vị linh mục đó về đây để tìm của hay tìm linh hồn. Chúng ta nên để ý đến điểm này để người giáo dân khỏi bị vấp phạm và xem thường.
 
Cảnh giác thứ hai: không ai có thể làm tôi hai chủ, hoặc chọn Thiên Chúa hoặc chọn tiền của.

Có lẽ trong chúng ta chẳng ai lại muốn chọn của cải vật chất, nhưng chúng ta cũng cần kiểm điểm lương tâm một cách kỹ lưỡng để xem thử mình có hoàn toàn thuộc về Chúa hay không. Bổn phận của người mục tử là tìm kiếm và nuôi dưỡng đoàn chiên. Nhưng nếu lòng trí chúng ta còn để nơi của cải, chúng ta không thể chu toàn bổn phận đó cách chu đáo được.
 
Câu hỏi được đặt ra là người theo Chúa không được quyền có của cải hoặc phải đóng khố để làm việc Chúa hay sao? Không phải vậy. Chúng ta mới suy ngắm và biết rằng của cải tự nó không có gì xấu. Nhiều vị Thánh, nhiều nhà đạo đức có tiếng đã từng quản lý một số tài sản to lớn để làm việc chung như Cha Piô Năm Dấu, bà Robin... Những người này đã sử dụng tiền bạc một cách khôn ngoan, như người quản lý trong Phúc Âm hôm nay, để làm những việc hữu ích cho Giáo Hội dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đó cũng là lý do tại sao Giáo Hội vẫn cần tiền bạc vật chất để giúp đỡ những người túng thiếu và phát triển công cuộc truyền giáo khắp nơi.
 
Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết sống tinh thần khôn ngoan của Phúc Âm, biết chọn Chúa và sử dụng đúng tiền của để mang lại lợi ích cho người khác và cho Giáo Hội. Amen.
 
 
Bài 119: Tình yêu biến đổi
Thứ bảy 09-11-1991 - Tuần 31 Thường Niên
 
Lc 16, 9-13; Rm 16, 3-9. 16. 22-27
 
Hôm nay Giáo Hội mừng kính lễ Cung Hiến Đền Thờ Lateranô. Đây là một trong bốn đền thờ lớn nhất tại Roma, do vua Constantinô xây cất và dâng hiến cho Đức Giáo Hoàng sau khi vua ra sắc lệnh tha đạo vào thế kỷ IV. Vì lý do đó, đền thờ này được gọi là đền thờ ngai Giáo Hoàng và cũng là nhà thờ chánh toà của Giáo Phận Roma.
 
Bài Phúc Âm hôm nay tường thuật câu chuyện Chúa gặp ông Giakêu. Ông ta quyết tâm đi tìm Chúa và đã gặp được Ngài. Còn những người Biệt Phái thấy Chúa hầu như mỗi ngày nhưng để theo dõi và tìm cách bắt bẻ, nên cuối cùng chẳng bao giờ gặp được Chúa. Những người Biệt Phái này tự cho mình là công chính và xem thường người khác, nhất là xem thường hạng thu thuế, trong đó có Giakêu, vì xem đó là những người tội lỗi. Thật ra, hạng Biệt Phái cũng không phải là hạng giàu có lắm, nhưng cũng có tiền của thong thả. Và theo quan điểm của họ, tiền của do Chúa ban. Sống tốt Chúa mới cho giàu có, và như vậy những người nghèo là hạng tội lỗi. Chính vì thế, họ xa lánh người nghèo và cũng đừng hòng họ giúp đỡ gì. Cũng thế, họ tự cho mình là thánh thiện, công chính qua việc giữ luật Mô-sê như ăn chay mỗi tuần, cầu nguyện nơi công cộng và các luật lệ tỉ mỉ khác. Nói cách khác, những người Biệt Phái không muốn có một liên hệ gì với hạng người tội lỗi. Vì thế, không lạ gì họ đã nặng nề trách Chúa vì Ngài đã vào nhà ông Giakêu, một người tội lỗi.
 
Đối với Chúa thì lại khác. Ngài yêu thương tất cả mọi người, nhất là những người tội lỗi. Cuộc gặp gỡ với Giakêu hôm nay là một bằng chứng cho chúng ta thấy tình thương bao la của Ngài. Đi giữa đám đông dân chúng đang phấn khởi reo hò, hoan hô, vậy mà Chúa lại để mắt đến một người bị xếp vào hạng tội lỗi, đang thu mình trên một cành cây bên vệ đường. Một cách công khai, không sợ lời đàm tiếu, phê phán của những người Biệt Phái đang dòm ngó, Chúa Giêsu ngẩng đầu nhìn lên và nói với Giakêu: “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì tối nay Ta dùng bữa tại nhà ngươi.” Thật là một hân hạnh quá sức tưởng tượng đối với Giakêu. Thật ra, Giakêu không bao giờ dám mời Chúa vì biết mình là người tội lỗi. Ông chỉ ước ao được nhìn thấy Chúa thôi. Nhưng chính Chúa đã chủ động đi bước trước bằng cách tạo điều kiện để ông được gặp Ngài. Tình thương của Ngài đã làm đảo lộn cuộc đời của Giakêu. Ông tự động đền bù những bất công ông đã gây nên và hăng hái đóng góp vào công việc bác ái giúp người nghèo nữa. Ông đã thật lòng thống hối trở về cùng Chúa. Vì thế, Ngài vui mừng báo tin cho ông: “Hôm nay, nhà này được ơn cứu độ.” Đó cũng là những lời mà sau này Chúa nói với người trộm lành trên cây thánh giá: “Hôm nay, anh sẽ được ở cùng Ta...”
 
Bài Phúc Âm hôm nay cũng giúp ta tự kiểm điểm mình. Là mục tử, chủ chăn, chúng ta có thái độ nào với giáo dân? Chúng ta có giống như những người Pharisiêu, tự cho mình là công chính và xem thường người giáo dân, nhất là những người tội lỗi, nguội lạnh không? Chúa cảnh cáo nhóm Pharisiêu giả hình, tự cao tự đại. Ngài cũng cảnh cáo chúng ta, nếu chúng ta không sống chân thật, bên ngoài huênh hoang tuyên bố làm việc cho Chúa, nhưng thật sự chỉ mưu tìm quyền lợi và danh vọng cho mình. Thật nguy hiểm!
 
Xin Chúa giúp chúng ta nhận ra con người thật của mình và tìm cách sửa đổi để xứng đáng là người môn đệ của Chúa. Amen.
 
 
Bài 120: Cách dâng cúng
Chúa nhật 10-11-1991. CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN B
 
Mc 12, 38-44; 1Sb 17, 10-16; Dt 9, 24-28
 
Bài sách Khôn Ngoan và Phúc Âm hôm nay đưa ra hình ảnh của hai bà góa như là gương mẫu của sự khiêm nhường, phó thác và tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa.
 
Trong sách Khôn Ngoan, sau khi khiển trách Vua Achaz về thái độ bất trung của vua và tiên báo án phạt hạn hán mất mùa, tiên tri Êlia sợ bị ám hại nên đã chạy trốn vua Achaz và đi đến thành Sareptha. Ở đây, Êlia gặp một bà góa đang đi kiếm củi để về nhà nhúm lửa làm bánh ăn với chút bột và dầu còn lại. Bà nghĩ đây là chiếc bánh cuối cùng bà sẽ ăn trước khi chết vì trới hạn hán lâu năm và nhà bà chẳng còn lương thực nữa. Nhưng khi nghe tiên tri Êlia xin bà bánh ăn cho đỡ đói, bà góa này đã hy sinh chiếc bánh cuối cùng cho Êlia. Điều này nói lên tình thương người và sự tin tưởng hoàn toàn của bà vào Êlia, người của Thiên Chúa, khi ông hứa: “Từ nay hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi, cho tới khi mưa xuống.”
 
Còn bài Phúc Âm lại cho thấy hình ảnh của một bà góa khác. Bà góa này đã dâng cúng một số tiền nhỏ, nhưng đó lại là tất cả tài sản của bà. Chuyện thuật lại, Chúa Giêsu vào trong đền thờ và quan sát những người đến bỏ tiền vào hòm cúng. Có nhiều hạng đến bỏ tiền vào đó: Biệt Phái, Luật Sĩ , sang hèn đều có mặt... Thái độ dâng cúng của họ cũng khác nhau. Có người vì kiêu ngạo mà dâng cúng, có người vì sợ dư luận mà dâng cúng, có người vì thể diện mà dâng cúng, có người vì ghen  tức mà dâng cúng và cũng có người dâng cúng vì thói quen.
 
Dâng cùng vì kiêu ngạo. Những người này tự xem mình là người công chính, đạo đức, hoặc tự xếp mình vào hạng sang giàu, nên họ bước chân vào đền thờ với lòng đầy tự mãn. Đến trước hòm cúng, họ giơ cao số tiền to lớn trong tay để ai cũng nhận ra mình đang rộng rãi dâng cúng. Sự kiêu căng này đã làm cho việc dâng cúng của họ mất ý nghĩa.
 
Dâng cúng vì sợ dư luận. Hạng người này cũng giàu có, nhưng lòng họ ích kỷ, không muốn mất tiền của. Tuy nhiên, để khỏi bị người khác thắc mắc, dòm ngó, họ cũng bóp bụng bỏ ít tiền dâng cúng vào đền thờ vì nghĩ không lẽ ngưới khác dâng cúng mà mình lại làm ngơ. Như vậy, việc dâng cúng của họ cũng vô giá trị, vì họ làm việc này chỉ vì sợ người khác chê cười, chứ không phải vì Chúa.
 
Dâng cúng vì thể diện. Hạng người này dâng cúng không phải vì Chúa, nhưng chỉ để cho danh tiếng của mình. Phải dâng cúng công khai để được người khác khen mình là rộng rãi, đạo đức, công chính.
 
Dâng cúng vì ghen ăn tức ở, nghĩa là thấy kẻ khác dâng cúng nhiều thì không chịu thua. Hạng người này luôn dò xét việc dâng cúng của người khác, nhất là những đối thủ của mình, để biết được số tiền dâng cúng của người đó, rồi mình sẽ bỏ nhiều hơn. Kiểu dâng cúng này chẳng đẹp lòng Chúa chút nào, vì họ dâng cúng để tranh thắng với nhau. Làm cho họ chứ không phải cho Chúa.

Dâng cúng vì thói quen. Theo hạng người này, đi nhà thờ gắn liền với việc dâng cúng. Điều này không phải là xấu, nhưng mất ý nghĩa vì họ làm một cách thiếu ý thức. Dâng cúng đối với họ trở thành một thói quen vô hồn.
 
Chúa Giêsu đã theo dõi và hiểu hết tất cả các hạng người dâng cúng trên đây. Ngài muốn dạy các môn đệ đừng làm theo lối của họ. Thật ra, Chúa đã thấy rõ con người thật của họ khi Ngài công khai tố cáo họ là những kẻ kiêu căng, tự phụ, thích được chào hỏi nơi công cộng, thích được chỗ nhất trong bữa tiệc, thích được người ta gọi bằng thầy, thích cầu nguyện nơi công cộng, thích mặc áo thụng có tua dài, có thẻ kinh để ai cũng thấy và khen đạo đức, rồi ăn chay với vẻ mặt buồn sầu như người sắp chết để ai cũng biết... Tất cả những thói phô trương này của họ đã bị Chúa vạch trần ở Phúc Âm Marcô 12, 40.
 
Trở lại chủ đề chính của Phúc Âm, qua việc bà góa dâng cúng, Chúa nhắc nhỡ cho chúng ta hai điều quan trọng sau đây. Đó là Chúa không xét việc dâng cúng qua số lượng nhiều hay ít, và Chúa thấu hiểu tận đáy lòng của mỗi người.
 
Bà góa nghèo mặc dù chỉ bỏ vào hòm cúng số tiền ít ỏi, nhưng vẫn được Chúa khen, trước hết vì chính thái độ khiêm tốn của bà. Thật vậy, trong xã hội Do Thái thời đó, bà góa thuộc vào hạng bị bỏ rơi, khinh khi. Vì thế, bà bước đến hòm tiền một cách rón rén, nhẹ nhàng âm thầm bỏ tiền vào hòm để không gây sự chú ý cho người khác. Nhưng Chúa đã nhìn thấy và khám phá ba đức tính trỗi vượt nơi việc dâng cúng của bà.
 
Thứ nhất, bà dâng cúng với tâm tình cầu nguyện trong khiêm tốn. Bà biết mình dâng cho Chúa chẳng đáng bao nhiêu, nhưng bà đã dâng với tất cả lòng thành của mình.
 
Thứ hai, khi bỏ vào hòm cúng tất cả số tiền dành dụm của mình, bà nói lên niềm tin tuyệt đối của bà, vì bà không còn gì cho mình và chỉ trông đợi vào tình thương của Chúa. Một cách nào đó, bà đã sống đúng tinh thần của Thánh Vịnh: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.” Đó là một đức tin phó thác, đức tin mãnh liệt và đơn sơ.
 
Thứ ba, qua việc dâng cúng, bà đã tỏ lòng kính mến Chúa và yêu thương người cách chân thành. Mặc dù với số tiền ít ỏi, bà cũng mong muốn được chung phần để có thể mua bánh cho người nghèo.
 
Nói tóm lại, Chúa Giêsu đã làm một cuộc cách mạng trong bài Phúc Âm hôm nay khi đề cao hình ảnh của bà góa trong một xã hội trọng nam khinh nữ thời đó. Chúa muốn dùng hình ảnh của bà góa này như một tấm gương cho các môn đệ và cho cả chúng ta nữa. Đúng như vậy! Không phải những người giàu có mới là người làm nên lịch sử. Trái lại, lịch sử cho thấy, sự giàu có đôi khi là tai họa như Sôđôma và Gômôra... Điều quan trọng Chúa muốn nhắn nhủ chúng ta là hãy sống khiêm tốn và yêu thương. Chính cách sống này sẽ giúp biến đổi xã hội và thế giới. Amen.

Tác giả: Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Chú ý: Được đăng lại bài viết, nhưng vui lòng ghi rõ nguồn "Gia đình Cựu Chủng sinh Huế" và link đến bài viết trên trang này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập604
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm602
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại963,957
  • Tổng lượt truy cập57,065,594
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây