Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (16)

Thứ sáu - 09/11/2012 21:43

-

-
Các Thánh khác với người thường ở chỗ các Ngài nhận ra được tình thương bao la của Chúa qua lời mời gọi này và cố gắng đáp trả lại tình thương đó hết sức mình. Chính vì ý thức được tình Chúa bao la dành cho mình, nên các Thánh luôn tạ ơn Chúa bằng cả cuộc đời. Còn cuộc đời của chúng ta như thế nào. Có nhận ra tình thương yêu của Chúa và luôn sống tâm tình tạ ơn Ngài hay không?
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (16)

 
Bài 111: Người Thánh
Thứ năm 01-11-1991. LỄ CÁC THÁNH
 
Mt 5, 1-12; 1 Gn 3, 1-3; Kh 7, 2-4. 9-14
 
Hôm nay, Giáo Hội long trọng mừng kính tất cả các Thánh Nam Nữ trên Thiên Quốc. Các Ngài đang sung sướng chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa với lời ca ngợi suy tôn. Các Thánh thuộc đủ mọi thành phần, nhưng tất cả được quy tụ lại sau khi được tẩy sạch trong Máu Con Chiên, tức là Chúa Giêsu Kitô. Tuy nhiên, không có Thánh nào giống Thánh nào cả. Chúa gọi mỗi người một cách. Vì thế, mỗi thánh đều có đặc sủng riêng.
 
Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy sự khác biệt giữa các Thánh. Có người sống hiền lành, người trong sạch, người nghèo khó, người yêu thương, người xây dựng hòa thuận... Mỗi người làm nổi bật một nhân đức, một vẻ đẹp của Thiên Chúa. Đến đây, câu hỏi được đặt ra là: “Ngày nay còn có Thánh không?”
 
Nhiều người bi quan nghĩ rằng trong thế giới xã hội đầy cám dỗ, tội lỗi ngày nay, chuyện làm Thánh xem ra có vẽ hoang đường. Cố gắng sống để được lên thiên đàng kiểu đậu vớt cũng là may mắn rồi. Nhưng thật ra, thời đại nào, hoàn cảnh nào cũng có những người sống anh hùng để làm thánh. Làm thánh trước hết là nhờ ơn Chúa giúp. Và ơn Chúa, thì xưa cũng như nay, đều tràn lan, dư dật. Quan trọng là sử dụng ơn Chúa ban một cách quyết liệt. Đàng khác, chúng ta cũng có lý do để nói rằng thời đại ngày nay dễ có người làm thánh hơn, bởi vì Chúa đã quả quyết: “Ở đâu tội lỗi đầy tràn thì ân sủng càng chan chứa.”
 
Thật vậy, không thiếu gì những tấm gương thánh thiện trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX. Họ đã sử dụng ơn Chúa ban một cách can đảm và đầy quyết tâm để trờ thành những vị Thánh sống của thời đại. Trong đó, phải kể đến ông La Pira dân biểu quốc hội ở Firenze, Ý. Ông Pira không những có đời sống đạo đức cho riêng mình, nhưng còn áp dụng những nguyên tắc đạo đức này vào đời sống xã hội, để bảo vệ đức tin, luân lý, giáo huấn của Giáo Hội và bênh vực quyền lợi của con người, nhất là người nghèo khổ, bị áp bức. Khi được chọn làm Tổng Thống nước Ý, ông La Pira vẫn giữ những nguyên tắc đạo đức này. Với cương vị một Tổng Thống, khi đến Trung Quốc và Liên Xô thời Cộng Sản còn hùng mạnh và các sinh hoạt Công Giáo bị giới hạn tối đa, ông vẫn luôn xin chính phủ cho mình được tham dự thánh lễ mỗi sáng. Một điểm đặc biệt khác của ông La Pira là mỗi khi vừa xuống sân bay của quốc gia đến thăm, bao giờ ông cũng hỏi xem có nhà thờ nào đó gần khách sạn nhất để ông đến đó cầu nguyện trước khi đi gặp chính phủ. Ông giải thích: “Vì hòa bình là việc của Chúa, nên trước khi làm việc ấy, tôi đến cầu nguyện cùng Chúa.” Rồi gương Mẹ Têrêsa thành Calcutta giúp đỡ những người nghèo khổ nhất tại Ấn Độ. Ai cũng nhận ra nhân đức thương người trổi vượt của Mẹ và khen ngợi Mẹ như một vị Thánh.
 
Nói tóm lại, ơn Chúa luôn đủ để giúp chúng ta nên thánh. Nếu biết tận lực sử dụng ơn Chúa, mỗi người chúng ta đều có thể trở nên Thánh. Amen. 
 
 
Bài 112: Các linh hồn
Thứ bảy 02-11-1991. LỄ CẦU CHO CÁC LINH HỒN
 
Gn 6, 37-40; Rm 5, 5-11; G 19, 1. 23-37
 
Trong ngày lễ hôm nay, chúng ta suy ngắm ba điểm sau đây: phụng vụ, hội nhập văn hóa và ý nghĩa ngày lễ.
 
Trước hết, như chúng ta thấy, các lễ cuối năm phụng vụ thường có liên hệ đến ngày cánh chung. Vì cuối tháng 11 này, một năm phụng vụ mới của Giáo Hội sẽ bắt đầu với Mùa Vọng. Những ngày cuối năm, lịch phụng vụ của Giáo Hội được sắp xếp để chúng ta có dịp tôn kính các Thánh đã được hưởng thiên đàng, cũng như nhớ đến một cách đặc biệt các linh hồn đang ở trong luyện ngục. Mặc dầu những linh hồn này còn phải chịu thanh tẩy trước khi vào Nước Trời, nhưng họ sớm muộn cũng sẽ được hưởng hạnh phúc với Chúa. Rồi năm phụng vụ được kết thúc bằng Lễ Chúa Kitô Vua, để nói lên sự hoàn tất trong ngày cánh chung. Đức Kitô là Vua vì Ngài đã dùng máu mình để chiến thắng tội lỗi, thanh tẩy và đưa con người về lại với Thiên Chúa.
 
Thứ hai, vấn đề hội nhập văn hóa. Nghĩa là lấy văn hóa mỗi nước đưa vào đạo Công Giáo để đạo có thể ăn sâu vào dân tộc đó. Điều này rất quan trọng với Giáo Hội Việt Nam, bởi vì nếu không hội nhập văn hóa, những người bên lương sẽ xem đạo Công Giáo như là một tôn giáo ngoại lai, nghĩa là từ nước ngoài du nhập vào chứ không có tính cách dân tộc. Thế nên, Công Đồng Vaticano II luôn nhấn mạnh đến tính thích nghi hội nhập văn hóa.
 
Thật ra, việc hội nhập văn hóa đã xuất hiện ngay từ thế kỷ đầu của Giáo Hội, khi đạo Công Giáo được rao truyền sang Đế Quốc La Mã. Tại đây, dân chúng đã xây một đền thờ rất lớn có tên là Pantheon (nay vẫn còn) để kính chung tất cả các thần. Sau khi đạo Công Giáo được vua chúa La Mã chấp nhận và tin theo, Giáo Hội đã không loại bỏ thói quen tôn kính các thần này của dân chúng, nhưng biến ngày lễ này thành một lễ Công Giáo: lễ Các Thánh. Làm như thế, người mới trở lại đạo cũng cảm thấy an lòng, không bị tổn thương. Rồi các lễ khác của người La Mã thời đó như: trung thu, cầu mùa, năm mới... cũng được chuyển sang một ngày lễ Công Giáo. Đặc biệt lễ thờ Thần Mặt Trời trở thành lễ Giáng Sinh.
 
Thứ ba, ý nghĩa của ngày lễ. Đối với người Việt Nam, Lễ Các Thánh rất phù hợp với tâm tình của người dân. Người Việt Nam vốn có lòng kính trọng ông bà tổ tiên, nên ngày lễ này là bằng chứng rõ rệt và hùng hồn nói lên người Công Giáo không bao giờ quên việc tôn kính tổ tiên của mình. Thật ra, hằng ngày, người giáo dân vẫn được Giáo Hội khuyến khích cầu nguyện cho ông bà mình trong kinh nguyện và nhất là trong thánh lễ khi linh muc đọc lời nguyện “Lạy Chúa, xin nhớ ông bà, cha mẹ, tổ tiên chúng con đã ly trần.”
 
Trong thực tế, chúng ta nhận ra không hẳn chỉ có người Việt Nam mới có lòng tôn kính ông bà. Cha đã đi thăm nhiều nghĩa trang ở Đức, Ý... Các nghĩa trang này rất đẹp. Vì đất đai chật hẹp, nên thường cả gia đình có chung một ngôi mộ thôi. Họ phải chôn chồng lên nhau. Tuy nhiên, các ngôi mộ này được chăm sóc kỹ lưỡng và gìn giữ rất sạch sẽ. Vào ngày lễ này, họ thường mang hoa và những ngọn đèn đủ màu đến đặt trên mộ người thân. Thiên hạ ra vào nghĩa trang tấp nập như ngày hội. Đến chiều tối, nhìn vào nghĩa trang, người ta thấy những ngọn đền nhiều màu trên các ngôi mộ lấp lánh như những vì sao.
 
Ở Việt Nam, nghĩa trang chưa được chăm sóc chu đáo, cỏ mọc um tùm. Một năm may ra mới có một vài lần nghĩa trang được làm sạch sẽ. Nhiều nơi người ta còn thả trâu bò vào nghĩa trang ăn cỏ. Còn ở Âu Châu, con cái đến viếng mộ người thân hàng tuần. Hơn nữa, nghĩa trang luôn có người chăm sóc, bảo quản nên sạch sẽ, ngăn nắp. Nhiều ngôi mộ ở đây là một công trình nghệ thuật. Nhiều hình ảnh, bức tượng được khắc chạm và dựng lên bên trên hay xung quanh phần mộ. Đặc biệt ở Roma, nghĩa trang chính ở đây rộng lớn như một thành phố nhỏ. Trong đó được phân chia thành nhiều khu vực và mỗi nơi lại được thiết kế theo một kiểu phần mộ riêng rất nghệ thuật. Nhiều người muốn thăm nghĩa trang vì khi vào đó họ có cảm tưởng như vào một nơi thiêng thánh, cũng nghệ thuật y như trong các nhà thờ, đền đài ở Ý.
 
Việc tôn kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ đối với người Công Giáo Việt Nam không phải chỉ là do tâm tình huyết nhục, tình cảm bình thường, nhưng còn do chính niềm tin nữa. Chúng ta tin rằng những người thân đã chết sẽ sống lại, gặp lại nhau và cùng chung hưởng vinh quang mà Thiên Chúa hứa ban cho những ai tin cậy ở nơi Ngài.
 
Việc xác loài người sống lại là mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa. Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy có hai hạng người: hạng chết lành và hạng chết dữ. Người trộm lành đã xin Đức Giêsu trên cây thánh giá nhớ đến anh ta khi Ngài về Nước Trời. Và Chúa đã thương ban cho anh một phần thưởng vượt quá điều anh mơ ước: “Ngay hôm nay, anh sẽ ở cùng Ta trên thiên đàng.” Nghĩa là ngay lập tức, không phải xét xử gì cả. Chính anh trộm lành này, chắc cũng thể nào tưởng tượng được tình thương của Chúa lại bao la đến như thế. Mình tội tầy đình nhưng Chúa vẫn tha tất cả.
 
Người ta kể lại một câu chuyện như sau: Sanna là một phụ nữ suốt đời siêng năng hoạt động tông đồ bằng việc dạy giáo lý cho các trẻ em trong một giáo xứ nọ. Rồi một ngày kia, chị chết đi và đến trước cửa thiên đàng. Chúa Giêsu xuất hiện và hỏi chị là ai. Chị ngạc nhiên thưa: “Chúa quên con rồi sao? Con là người hoạt động tông đồ trong giáo xứ, vẫn dạy dỗ trẻ em và làm nhiều việc lành để phục vụ Chúa mà.” Chúa bảo chị ta: “Con dạy giáo lý sao? Được. Đây là sách giáo lý cho con. Cầm lấy. Nhưng con không thể vào Nước Trời bây giờ được.” Sanna băn khoăn đứng ở ngoài suy nghĩ tại sao mình lại không được vào. Đúng lúc đó, chị thấy một thầy dòng tiến đến trước cửa cúi mình thờ lạy Chúa. Cửa mở ra và thầy dòng bước vào. Thấy thế chị cũng tiến đến cúi mình phủ phục nhưng cửa vẫn im lìm. Buồn bã, chị quay ra ngồi ở đó thở dài. Khi tiếng thở dài vừa dứt, cửa thiên đàng cũng vừa được mở ra. Chị vội vã đi vào và cửa lại đóng.
 
Thiên Chúa biết rõ mỗi người chúng ta thế nào. Tất cả là những kẻ tội lỗi. Và Chúa mong ước thấy con người thống hối ăn năn, tìm về lòng nhân từ của Chúa để được cứu rỗi. Chính vì thế, khi chị Sanna buồn bã về chỗ, nghĩ lại quá khứ tội lỗi của mình và đã thở dài vì thấy mình bất xứng với tình thương của Chúa, chính lúc đó tình thương Chúa lại mở rộng cửa Thiên Đàng cho chị.
 
Nói cách khác, mỗi người được ơn cứu rỗi không phải vì mình đã làm được những công việc vĩ đại nào đó cho Giáo Hội, hay hoàn tất một số hoạt động tông đồ nào đó. Tất cả chỉ là nhờ ơn Chúa thôi. Vì thế, cần phải khiêm tốn nhận ra sự yếu đuối và tội lỗi của mình, và lúc đó Chúa sẽ cứu chúng ta.
Trở lại vấn đề hôm nay, chúng ta cần nhớ rằng sau này khi phục vụ ở các giáo xứ, chúng ta nhớ tu sửa, dọn dẹp nghĩa trang sao cho xứng hợp. Đây cũng là điều giáo dân rất mong muốn vì trước sau gì mỗi người lần lượt cũng đi đến nơi an nghỉ này. Thấy được một nghĩa trang tốt đẹp, họ sẽ được an ủi hơn, khích lệ và tin tưởng hơn.
 
Trong ngày lễ hôm nay, chúng ta cũng ghi nhớ và nhớ lại những lời dạy dỗ của những người thân yêu đã ra đi như Đức Hồng Y, ông bà, cha mẹ... Cố gắng thực hiện những lời dạy dỗ, khuyên bảo của các Ngài, cầu nguyện cho các Ngài và xin các Ngài cầu bàu cùng Chúa cho chúng ta.
 
Lạy Chúa, thánh lễ hôm nay chúng con dâng lên có ý cầu xin cho các linh hồn nơi luyện ngục, nhất là cha mẹ, ông bà, tổ tiên, họ hàng thân thuộc, cho các đấng bậc, các linh hồn mồ và cho tất cả các linh hồn đang trông chờ chúng con cầu nguyện cho họ. Amen.
 
 
Bài 113: Yêu thương
Chúa nhật 03-11-1991. CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN B
 
Mc 12, 28-34; Dnl 6, 2-6; Dt 7, 23-28
 
Người Ả Rập kể lại một câu chuyện như sau: Một nhà văn hào nổi tiếng tên là Ga-cu-đô-bou yêu một nàng thiếu nữ xinh đẹp tên là Nalina. Thế rồi, Nalina âm thầm bỏ đi. Ông Ga-cu-đô-bou lập tức đi tìm Nalina. Ông mất công nhiều lần nhưng vẫn không tìm gặp được nàng. Ông đành ở nhà và hằng ngày ông sáng tác ra biết bao bài thơ để ca ngợi người con gái ấy. Những gì đẹp nhất ông đều gán cho nàng. Thế rồi một hôm, ông thấy từ đàng xa, Nalina đang trở về. Ông vội kêu lên: “Bắt cô ta lại và đem cô ta đi”. Người ta lấy làm lạ liền hỏi ông: “Sao ông đã mất bao công khó tìm kiếm, nay cô ta trở về thì ông lại bảo đưa đi?” Ông trả lời: “Vì tôi yêu cô ta quá. Tôi đã làm nhiều bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của cô. Bây giờ gặp được rồi, tôi sợ sẽ không còn cảm hứng để làm thơ ca ngợi vẻ đẹp của cô ta nữa.”
 
Yêu thương con người quả là một khó khăn. Đúng vậy. Chấp nhận người mình yêu với những khuyết điểm, tính xấu, yếu đuối của người đó không phải là chuyện dễ dàng. Bản tính con người thường chỉ yêu kẻ yêu mình và khó lòng yêu thương kẻ nào khinh ghét mình. Nhưng Chúa Giêsu lại dạy các Tông Đồ: “Nếu các con chỉ yêu kẻ yêu thích các con và làm ơn cho kẻ đã làm ơn cho các con thì có hơn gì hạng người Biệt Phái và kẻ ngoại giáo, vì họ cũng làm như thế.” Chúa muốn chúng ta hãy vượt qua tình cảm tự nhiên để yêu cả kẻ thù của mình.
 
Và bây giờ, nếu các con hỏi về bí quyết thành công trong cuộc đời linh mục của Cha, Cha cũng sẽ chỉ trả lời: “Hãy yêu mến.” Thật vậy, bí quyết để sống hài hòa, an vui trong cộng đoàn linh mục với nhau là “yêu mến nhau.” Cha đã có kinh nghiệm này trong suốt cuộc đời linh mục của Cha và xác tín rằng chỉ có yêu mến mới có thể đưa lại thành công. Tất nhiên, tươi cười vui vẻ với người mình không ưa thích không phải là chuyện dễ. Nó đòi hỏi nơi mình nhiều cố gắng và kiên trì tập luyện. Nhiều người mới gặp lần đầu, tự nhiên chúng ta đã không thích rồi. Thấy cử điệu gì của họ cũng đủ gai mắt hay nghe một lời họ nói cũng thấy chướng tai. Nhưng chúng ta phải sống yêu thương, vì yêu thương là bản tính của Thiên Chúa.
 
Trong thực tế, nói yêu thương quá dễ. Linh mục lên tòa giảng yêu thương lại càng dễ hơn. Nhưng sống yêu thương mới khó. Trong bữa tiệc cuối cùng, Chúa Giêsu cũng đã nói những lời sau hết: “Thầy ban cho các con một điều răn mới. Đó là các con hãy thương yêu nhau.” Và trong lời cầu nguyện Chúa cũng đã xin: “Lạy Cha, xin cho chúng nên một.” Tình yêu và sự hợp nhất là những đòi hỏi cần thiết mà Chúa muốn mỗi người Kitô Hữu phải lo tìm kiếm và thực hành.
 
Nhìn lên Thánh Giá, chúng ta không quên lời Chúa Giêsu đã phán: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình.” Chúa không những chỉ nói mà thực sự đã sống những lời của Ngài. Tình yêu của Ngài dành cho con người thật bao la. Ngài cho mặt trời mọc và mưa rơi trên đất người lành cũng như kẻ dữ. Và cuối cùng, Ngài chết để cứu độ tất cả mọi người. Như vậy, Chúa Giêsu đã thực hiện một cách hoàn hảo điều răn trọng nhất mà Thiên Chúa đã bày tỏ cho dân tộc Do Thái thời Cựu Ước: “Hỡi Israel hãy nghe. Chúa là Thiên Chúa duy nhất... Hãy yêu mến Chúa hết lòng và yêu thương anh em như chính mình ngươi...”
 
Lần qua Roma vừa rồi, Cha đọc thấy trên báo câu chuyện ba người cảnh sát bị bắn trong khi thi hành nhiệm vụ. Ba cảnh sát này được giao nhiệm vụ đi bắt một tên tội phạm giết người. Khi vừa đến hiện trường và phát hiện ra kẻ giết người, chưa kịp phản ứng, tên đó đã nổ súng khiến cả ba đều trúng đạn và gục xuống trên vũng máu. Anh cảnh sát bị thương nhẹ hơn đã nhổm dậy xé áo băng vết thương cho hai người bạn mình. Khi xe cứu thương tới, cả ba đều được đưa vào bệnh viện cấp cứu, nhưng khi đến nơi, anh cảnh sát cứu bạn đã tắt thở. Bác sĩ cho biết, tuy vết thương nhẹ hơn nhưng vì anh ta tìm cách băng bó vết thương cho bạn, không để ý gì đến vết thương của mình, nên bị mất máu quá nhiều và không còn thể cứu kịp nữa. Tin này làm cho cả thành Roma xôn xao và thán phục tinh thần hy sinh phục vụ đến quên mình của anh ta.
 
Yêu thương là cho đi. Đó là dấu chỉ đích thực của người môn đệ Chúa Giêsu. Là linh mục, bất cứ giá nào, chúng ta phải là nhân chứng cho tình yêu. Người ta có thể chê mình không thông minh hoặc không tài giỏi khôn khéo, nhưng đừng bao giờ để bị chê trách là không biết yêu thương người khác.
 
Ngày nay, con người đang đánh mất dần tình thương giữa con người với nhau. Người linh mục hơn bao giờ hết phải sống tình yêu thương chân thật đối với tất cả mọi người, một tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa. “Mến Chúa và yêu người” đối với chúng ta không chỉ là tiêu chuẩn xét mình cho một ngày, một tháng hay một năm, nhưng là cả một đời. Bởi vì linh mục trên hết phải là người sống lời trăn trối của Chúa một cách hoàn hảo: “Hãy yêu thương nhau.” Amen.
 
 
Bài 114: Bác ái vô vị lợi
Thứ hai 04-11-1991 - Tuần 31 Thường Niên
 
Lc 14, 12-14; Rm 11, 29-36
 
Trong bài Phúc Âm của Thánh Luca hôm nay, Chúa Giêsu lại dùng hình ảnh tiệc cưới để mời gọi nhưng ai tin theo Ngài phải biết yêu thương một cách vô vị lợi giống như Ngài. “Hãy mời những người đui, què... đến dự tiệc cưới.” Chắc chắn rằng khi dạy như thế, Chúa Giêsu không có ý bảo chúng ta đừng mời kẻ giàu sang, bạn hữu, họ hàng khi có tiệc tùng. Nhưng Chúa muốn chúng ta thực thi tình huynh đệ cao hơn một bậc nữa, nghĩa là mời những người trong tương lai không thể mời lại chúng ta để trả lễ. Nói cách khác, Chúa mời gọi chúng ta hãy cho đi mà không mong được trả lại.
 
Theo bản tính tự nhiên của con người, chúng ta thường yêu thích kẻ nào yêu mến mình, cho người nào vay mà có thể trả lại cả vốn lẫn lời, hoặc giúp đỡ cho người đã làm ơn cho mình… Nhưng lời Chúa hôm nay dạy ta cần phải vượt qua cái mức độ tự nhiên đó, để biết sống và yêu thương như Chúa, tức là cho đi mà không mong trả lại, yêu thương cả kẻ không thích mình. Chính Chúa Giêsu là mẫu gương của tình thương vô vị lợi này vì Chúa đã chết để cứu độ chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi.
 
Được mời gọi đến bàn dự tiệc, chúng ta hiểu thế nào là tình yêu Chúa dành cho chúng ta. Và Chúa muốn chúng ta cũng phải cư xử với người khác bằng một tình thương vô vị lợi như vậy.
 
Cuộc đời của Thánh Carôlô Borromêo Giám Mục mà chúng ta mừng kính hôm nay, cũng nói lên tình thương vô vị lợi này. Ngài là con trai của một gia đình giàu có thuộc hàng quý tộc Carôlô. Như chúng ta biết, vào thế kỷ 15-16, sự lạm dụng thánh chức để làm giàu và có uy thế đã làm cho Giáo Hội điêu đứng. Các gia đình giàu có và thế giá thường có hai con trai. Người con cả để nối dõi tông đường, còn người con thứ đi tu để nắm quyền bính trong Giáo Hội, và để vơ vét của cải về cho gia tộc. Gia đình Carôlô nằm ở phía bắc nước Ý với rất nhiều đồn điền, tài sản. Ngày nay, cả một khu vực rộng lớn vây quanh hồ với bao nhiêu biệt thự đều là của dòng họ Carôlô trước đây. Nhờ thế giá và thế lực, Carôlô vào dòng rất sớm. Năm 12 tuổi, Ngài chịu Phép Cắt Tóc và đến năm 21 tuổi, Ngài được Đức Giáo Hoàng Pio IV là chú ruột, bổ nhiệm làm Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nghĩa là chỉ kém sau một mình Đức Giáo Hoàng. Sau khi làm Hồng Y, Carôlô được biệt đãi nhiều quyền lợi vật chất như săn bắn, giải trí, tiệc tùng. Trong nhà của Ngài có tất cả 151 người hầu.
 
Trong thời điểm này, Công Đồng Trento được triệu tập. Đức Hồng Y Carôlô theo Đức Giáo Hoàng dự Công Đồng. Trong Công đồng, nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, Ngài đã nhận ra sự thiếu xót trong hàng giáo sĩ, và từ đó Ngài bắt đầu thay đổi cuộc sống. Năm 26 tuổi, Ngài nhận chức Giám Mục Giáo Phận Milanô, một giáo phận ngay cả bây giờ vẫn còn là lớn nhất thế giới. Thời đó, giáo phận này còn bao gồm một phần sang nước Thụy Sĩ. Tại Milanô, Ngài đã thành công khi thực thi sống tinh thần của Công Đồng. Cũng chính năm Ngài làm Giám Mục Milanô, anh cả của Ngài qua đời, để lại chức quận chúa và đất đai rộng lớn. Nhưng Carôlô từ bỏ tất cả để chuyên lo việc Chúa trong Giáo Phận, đặc biệt là sống tinh thần hy sinh và bác ái. Năm ấy, vùng Bắc Italia xảy ra một nạn dịch lớn làm thiệt mạng hàng nghìn người. Thấy cảnh đói rét, bần cùng, khốn khổ của người dân, Carôlô đã lấy tài sản của Giáo Phận để cứu giúp người nghèo. Nhiều khi Ngài phải đem bán đến cả bàn ghế nhà chung để nuôi dân. Carôlô bây giờ đã thật sự đổi đời. Không còn say mê giải trí với những cuộc săn thú, vui chơi. Ngài hoàn toàn từ bỏ mọi chức tước giàu sang, để sống trọn vẹn tinh thần của Công Đồng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Lời giảng của Ngài vang vọng khắp Giáo Phận Milanô, và người ta tuôn đến nghe Ngài giảng. Trong một lần đi mục vụ xa để thăm viếng và khích lệ giáo dân, Ngài bị kiệt sức và qua đời trên đường đi, thọ 46 tuổi. Dân thành Milanô rất kính mến và nhớ ơn Ngài. Họ vẫn thường nhắc “Cơn dịch Carôlô” để tỏ lòng yêu mến Ngài vì Ngài đã anh dũng chia sẻ của cải, giúp đỡ dân nghèo trong cảnh túng thiếu, hoạn nạn.

Carôlô đã thật sự sống bác ái. Ngài đã cho đi một cách rộng rãi, quảng đại. Cho đi mà không mong được đáp trả lại như lời Chúa dạy. Carôlô trở thành tấm gương người mục tử tốt lành, và là người đầy tớ trung tín cho mọi thời đại.
 
Hôm nay, chúng ta cũng nhớ cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng của chúng ta. Thánh Carôlô là Thánh Bổn Mạng của Đức Giáo Hoàng. Xin Thánh Carôlô Boroméô gìn giữ Người, coi sóc và soi sáng để Người lèo lái con thuyền Giáo Hội ngày nay.
 
Chúng ta cũng xin Thánh Carôlô cầu bầu để mỗi người chúng ta biết thực thi bác ái, sống tinh thần Công Đồng và luôn nghe theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Như vậy, chúng ta cũng biết cho đi mà không mong trả lại, cho đi để được Chúa, cho đi để đem lại hạnh phúc cho những người anh em sống chung quanh chúng ta. Amen.
 
 
Bài 115: Lời Chúa mời gọi
Thứ ba 05-11-1991 - Tuần 31 Thường Niên
 
Lc 14, 15-24; Rm 12, 5-16
 
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu dùng ví dụ những khách được mời đến tham dự tiệc cười để tiếp tục trình bày về Nước Trời. Trong bữa tiệc này có hai hạng người được mời: hạng xứng đáng và hạng bất xứng theo con mắt người đời.
 
Hạng xứng đáng. Những người này được ông chủ chính thức mời đến dự tiệc, nhưng họ lại tìm lý do thoái thác: người thì lấy cớ tậu ruộng, kẻ mua bò, cưới vợ... Chúa muốn ám chỉ hạng người này là dân tộc Do Thái, một dân được Chúa thương chọn làm dân riêng. Vì thế, họ nghĩ chỉ mình họ mới xứng đáng với lời mời này của Chúa. Nhưng cuối cùng, họ lại ngoảnh mặt từ chối lời mời quan trọng này. Trên bình diện Giáo Hội, lời mời này của Chúa Giêsu được áp dụng cho tất cả mọi người. Chúa mời gọi toàn thể nhân loại, không phân biệt màu da, tiếng nói, vào tham dự tiệc cưới Nước Trời. Nhưng Chúa không áp đặt ai cả. Mỗi người đều có tự do để chấp nhận hay chối từ lời mời của Ngài. Và tất cả những người từ khước lời mời gọi của Ngài đều có một mẫu số chúng là xem chuyện của mình quan trọng hơn lời mời của Chúa.
 
Đây cũng là điều mà chúng ta cần phải xét mình luôn. Mình đã đáp lại tiếng gọi làm Kitô Hữu và nhất là tiếng gọi làm tông đồ, làm linh mục như thế nào. Có trọn vẹn hay nữa vời. Cố gắng hết mình hay chỉ tà tà cho qua chuyện.
 
Hạng thứ hai là hạng bất xứng. Bất xứng bởi vì không phải là diện được mời. Tuy nhiên, vì những người cho mình là xứng đáng không đến tham dự tiệc, nên ông chủ sai gia nhân mời tất cả mọi người đến dự tiệc cưới. Các nhà chú giải Kinh Thánh cắt nghĩa rằng lời mời này phát xuất do lòng nhân từ của Chúa. Mặc dù họ không xứng đáng thật, nhưng Thiên Chúa nhân từ có thể làm cho cái không xứng đáng của họ nên xứng đáng, miễn là họ tự do chấp nhận. Nghĩa là họ không bị ép buộc phải phải đến dự tiệc. Một bữa tiệc không có tự do thì không đáng gọi là bữa tiệc đúng nghĩa.
 
Qua đó, chúng ta nhận thấy tình thương của Chúa thật lớn lao. Ngài yêu thương tất cả mọi người không phân biệt giai cấp chủng tộc, ngôn ngữ, màu da. Ngài mời gọi mỗi người không phải vì người đó xứng đáng. Tất cả chỉ vì lòng thương yêu của Chúa. Và mỗi người được hoàn toàn tự do để chấp nhận hay từ chối lời mời của Ngài.
 
Các Thánh khác với người thường ở chỗ các Ngài nhận ra được tình thương bao la của Chúa qua lời mời gọi này và cố gắng đáp trả lại tình thương đó hết sức mình. Chính vì ý thức được tình Chúa bao la dành cho mình, nên các Thánh luôn tạ ơn Chúa bằng cả cuộc đời.
 
Còn cuộc đời của chúng ta như thế nào. Có nhận ra tình thương yêu của Chúa và luôn sống tâm tình tạ ơn Ngài hay không? Đó là điểm để chúng ta tự xét mình trong ngày hôm nay. Amen.

Tác giả: Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập254
  • Hôm nay23,716
  • Tháng hiện tại757,125
  • Tổng lượt truy cập58,042,994
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây