Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (15)

Chủ nhật - 04/11/2012 03:59

-

-
[Phần 15] Trích đăng Bài giảng và Huấn đức của Đức Cố HY FX Nguyễn Văn Thuận tại Đại Chủng viện Hà Nội, tập 2, từ ngày 17-9 đến ngày 21-11-1991. Các bài giảng do một chủng sinh ghi lại, Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền thực hiện tại Roma năm 2005. Tài liệu này do Đức Ông Phan Văn Hiền gửi riêng cho website CCS Huế.
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (15)


 
Bài 106: Mù đức tin
Chúa nhật 27-10-1991. Chúa Nhật 30 Thường Niên B
 
Mc 10, 46-52; Hc 35, 12-14. 16-18; 2 Tm 4, 6-8. 16-18
 
Bài Phúc Âm hôm nay tường thuật việc Chúa chữa người mù từ lúc mới sinh, nhấn mạnh đến hai điểm quan trọng: đức tin của anh mù và sứ mệnh của Giáo Hội.
 
Thật vậy, theo trình thuật của bài Phúc Âm, chúng ta thấy anh mù này đã có một đức tin chân thành, một đức tin vững vàng và thái độ sẵn sàng theo Chúa.
 
Trước hết, anh mù có một đức tin chân thành bởi vì mặc dù không thấy gì cả, không được chứng kiến tận mắt những phép lạ Chúa Giêsu đã thực hiện, anh ta vẫn tin hết mình vào Chúa nhờ những câu chuyện về Ngài mà những người chung quanh đã thuật lại cho anh. Qua đó, anh biết Đức Giêsu là một người giàu lòng thương xót. Và vì thế, anh tin chắc Chúa sẽ thương và chữa cho anh sáng mắt nếu anh thành khẩn kêu cầu Ngài.
 
Thứ đến, anh mù này có một đức tin thật kiên vững bởi vì anh đã không nản chí bỏ cuộc khi bị những người chung quanh ngăn cấm anh kêu nài. Trái lại, càng bị ngăn cản, anh càng kêu to hơn. Chính đức tin kiên vững của anh đã đánh động Chúa và Ngài đã chữa anh được sáng mắt.
 
Điểm cuối cùng: sau khi được chữa lành, anh đã từ bỏ cuộc đời cũ và cương quyết dấn thân theo Chúa hoàn toàn.
 
Phần thứ hai của bài Phúc Âm nói lên sứ mạng của Giáo Hội. Các nhà chú giải Kinh Thánh gọi phần này thuộc về khoa Giáo Hội học, và nêu ra tính khởi thắng trong Giáo Hội. Khởi thắng có nghĩa là tự cao, tự đại. Tìm cách loại bỏ những kẻ bất hạnh, hoặc khinh khi những người nghèo đói, bệnh tật. Tính khởi thắng này đã thấy xuất hiện ngay trong thời Giáo Hội mới được thành lập. Một cách khách quan, tính khởi thắng này là mối nguy hiểm lớn nhất cho Giáo Hội. Nó còn độc hại hơn các bè rối và thù địch bên ngoài Giáo Hội nữa.
 
Trong thực tế, bây giờ ngay cả trong những sinh hoạt giáo xứ, chúng ta vẫn còn nhận ra tính khởi thắng này. Chẳng hạn, trong các cuộc rước Đức Giám Mục, chúng ta thấy ban hành giáo lo lắng và tìm cách xua đuổi những người rách rưới, nghèo hèn, lôi thôi ra xa. Họ không muốn những người không ra gì này gặp thấy Đức Giám Mục.
 
Nói tóm lại, người Kitô Hữu cần có đôi mắt đức tin để nhận ra Chúa và sứ điệp yêu thương của Ngài. Trong bài Phúc Âm hôm nay, khi dân chúng và các môn đệ theo Chúa tiến về thành Giêrusalem, nơi Chúa sẽ được đón tiếp nồng hậu, họ vẫn không thấy và hiểu được ý nghĩa của chuyến đi này của Chúa. Ngài sẽ bị bắt giữ, hành hạ và cuối cùng bị đóng đinh vào thập giá để rồi sau đó sống lại vinh quang. Tất cả những người này đều có đôi mắt sáng, nhưng họ lại thật sự sống trong tối tăm vì không hiểu gì cả. Ngày nay, thế giới cũng không thiếu những người mù tinh thần này. Có hạng người bị cận thị nặng, chỉ biết lo lắng cho mình, vun đắp cho mình, sống ích kỷ buông xuôi và không bao giờ quan tâm đến những lời van xin của kẻ khác. Có hạng lại bị viễn thị, chỉ biết dò xét, phê phán, vạch tìm thói xấu nơi người khác mà không để ý gì về hiện trạng tâm hồn xấu xa của mình. Tất cả đều mù.
 
Gương đức tin của anh mù trong bài Phúc Âm hôm nay nhắc nhở chúng ta cần phải có một đôi mắt đức tin để nhận ra Chúa nơi những người bất hạnh và thương yêu họ chân thành như Chúa đã yêu thương mỗi người chúng ta.
 
Lạy Chúa, xin cho con luôn nhận ra tình thương bao la Chúa dành cho con, để con luôn sáng mắt đáp trả lại tình thương yêu của Chúa qua việc yêu mến những người bất hạnh chung quanh con. Amen.
 
 
Bài 107: Người Tông Đồ đích thực
Thứ hai 28-10-1991. Lễ Thánh Simon và Giuđa Tông đồ
 
Lc 6, 12-16 ; Ep 2, 19-22
 
Hôm nay, chúng ta tìm hiểu hai Thánh Tông Đồ Simon và Giuđa theo cái nhìn Thánh Kinh và mục vụ.
 
Theo cái nhìn Thánh Kinh, hai Thánh Simon và Giuđa rất ít được các sách Tân Ước đề cập tới. Chúng ta không thấy nói đến công việc hoạt động tông đồ của các ngài ra sao, ngoại trừ truyền thống cho biết các Ngài đã đi giảng đạo rồi bị giết chết.
 
Thật vậy, hai cuốn Phúc Âm của Thánh Matthêu và Marcô ghi lại việc Chúa chọn các Tông Đồ, nhưng không ghi rõ là bao nhiêu vị. Chỉ có Phúc Âm của Thánh Luca nói đến việc Chúa chọn 12 Tông Đồ. Thánh Luca đã viết rõ ràng tên của 12 Tông Đồ này để phân biệt với những môn đệ khác của Chúa Giêsu cũng đi rao giảng Tin Mừng, nhưng không được Chúa Giêsu huấn luyện một cách đặc biệt, nên lời rao giảng của những môn đệ này có thể bị sai lầm. Phúc Âm của Thánh Luca ghi lại tên Simon và Giuđa trong số 12 Tông Đồ được Chúa chọn. Vị Thánh Sử này còn nói rõ “Simon cũng gọi là nhiệt thành” vì ông ta thuộc về nhóm này, một tổ chức của những người khắc khổ sống theo luật Mô-sê. Ngài cũng phân biệt Giuđa này khác với Giuđa Iscariôt, kẻ đã phản bội và bán Chúa.
 
Theo cái nhìn mục vụ, chúng ta thấy việc chọn các Tông Đồ là một công việc rất quan trong bởi vì trước khi chọn các Tông Đồ, Chúa Giêsu đã lên núi cầu nguyện và cầu nguyện suốt đêm trong cảnh tịch mịch thanh vắng. Sự kiện này còn cho chúng ta nhận ra tầm quan trọng của khung cảnh cầu nguyện. Đành rằng, con người có thể cầu nguyện với Chúa bất cứ lúc nào và bất cứ hoàn cảnh nào. Nơi văn phòng, nhà mày, họp chợ… vẫn có thể cầu nguyện được. Nhưng khung cảnh thích hợp như sự thinh lặng, vắng vẻ, yên tĩnh chắc chắn sẽ giúp chúng ta cầu nguyện dễ dàng và sốt sắng hơn. Và sau một đêm cầu nguyện, sáng hôm sau, Chúa xuống núi và chọn mười hai Tông Đồ.
 
Đây cũng là một tấm gương cho chúng ta noi theo. Trước một vấn đề quan trọng như chọn các Tông Đồ hoặc trước khi chịu tử nạn, Chúa Giêsu đã tha thiết cầu nguyện để thấy rõ ý Thiên Chúa Cha. Cũng vậy, trong cuộc sống hằng ngày, trước khi phải quyết định hay làm một công việc gì quan trọng, chúng ta cũng phải cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn, soi sáng để luôn làm theo thánh ý Chúa và tôn vinh danh Ngài.
 
Một cách nào đó, chúng ta cũng được Chúa chọn làm Tông Đồ của Chúa. Đó là ơn nhưng không mà Chúa thương ban cho mỗi người chúng ta. Cần phải ý thức ơn gọi của mình và quyết tâm sống đúng ơn gọi làm Tông Đồ của Chúa như Simon và Giuđa, sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì Chúa và Giáo Hội. Bằng không, chúng ta cũng sẽ giống như Giuđa Iscariốt, kẻ phản bội, chỉ biết lo cho cá nhân mình, cho quyền lợi và tương lai của mình. Thật nguy hiểm!
 
Bài Phúc Âm hôm nay cũng dạy cho chúng ta bài học về cách tổ chức. Nếu cột xương sống rất cần thiết cho cơ thể con người, mỗi tổ chức cũng rất cần những cán bộ nòng cốt. Nhìn vào tổ chức Giáo Hội, chúng ta càng thấy rõ tầm quan trọng của những người nòng cốt này. Chúa Giêsu đã chọn 12 Tông Đồ làm nền tảng của Giáo Hội. Chính các Tông Đồ đã tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu, mang Tin Mừng đến mọi nơi. Cũng vậy, trong mỗi cộng đoàn giáo xứ, chúng ta cũng cần phải quan tâm hướng dẫn một số người lãnh đạo nòng cốt để cùng chia sẻ công việc với chúng ta. Như xưa kia các Tông Đồ được ở gần Chúa, thấy việc Chúa làm, chứng kiến thái độ khoan dung nhân từ của Chúa, chúng ta cũng phải làm gương sáng cho những người nòng cốt này, hướng dẫn họ trong yêu thương và kính trọng, để họ cùng chúng ta hăng say hoạt động tông đồ cho Nước Chúa rộng mở.
 
Điểm cuối cùng đáng cho chúng ta quan tâm là mặc dù hai Thánh Simon và Giuđa không được Phúc Âm nói đến nhiều, nhưng không phải vì thế mà các Ngài bị quên lãng, vì Giáo Hội vẫn nhớ đến và nhất là Chúa không bao giờ quên. Trong lịch sử của Giáo Hội, chúng ta cũng thấy có rất nhiều người sống thánh thiện, phục vụ quên mình nhưng không mấy ai biết đến. Thật vậy, mấy ai nhớ đến vị Giám Mục người Pháp đã phục vụ bệnh nhân phong cùi ở Di Linh, Việt Nam cho đến chết và còn biết bao anh hùng Âu-Việt cũng đã âm thầm chết đi để Giáo Hội Việt Nam được lớn lên. Chắc chắn, phần thưởng của các ngài không phải chỉ là lời khen ngợi của chúng ta. Nhưng trên hết, niềm vui lớn nhất mà các Ngài đạt được là triều thiên công chính mà Chúa đã thưởng ban cho các Ngài. “Hởi đầy tớ trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng với Chủ ngươi.” Amen. 
 
 
Bài 108: Sức mạnh âm thầm
Thứ ba 29-10-1991 - Tuần 30 Thường Niên
 
Lc 13, 18-21 ; Rm 8, 18-25
 
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Thánh Luca tiếp tục nói về chủ đề Nước Trời. Ngài dùng hình ảnh và công dụng của “hạt cải” và “men trong bột” để nói lên sức mạnh âm thầm nhưng mãnh liệt của Nước Trời.
 
Thật ra, đa số dân chúng mặc dù đã được chứng kiến nhiều phép lạ, nhưng vẫn còn hoài nghi về con người và sứ mệnh của Chúa Giêsu. Ngài có phải là Đấng Mêsia được Thiên Chúa sai đến hay không? Sứ mạng của Ngài có phải là để giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của Đế Quốc La Mã không? Nếu đúng thật như vậy, tại sao Ngài chỉ quy tụ quanh Ngài những người chài lưới quê mùa, dốt nát. Nhóm nhỏ này làm sao đương dầu nỗi với quân La Mã hùng mạnh. Và nếu có dành độc lập được, với nhóm thuyền chài này, làm sao Ngài có thể phát triển đất nước được. Hơn nữa, những lời giảng dạy của Ngài cũng nghịch lý. Nghèo khó, khiêm nhường, bị bách hại… Ngài lại đề cao và cho là có phúc. Rồi Ngài lại khuyên mỗi người phải vác thập giá của mình nữa. Như vậy, Nước Trời của Ngài là nước như thế nào đây.
 
Vì thế, Chúa Giêsu dùng hình ảnh “hạt cải” và “men trong bột” để trả lời cho những hoài nghi và thắc mắc của dân chúng về “Nước” của Ngài. Như hạt cải, dù thật bé nhỏ so với các hạt giống khác, nhưng khi mọc lên, nó sẽ trở thành một cây lớn đến nỗi chim trời có thể đến trú ngụ được. Cũng vậy, khi men được cho vào khối bột, nó sẽ âm thầm làm cho khối bột dậy lên, để có thể sử dụng làm bánh nuôi con người. Nước của Chúa cũng như vậy đó. Lúc đầu thật bé nhỏ, nhưng khi đã xuất hiện ở trần gian, nó sẽ phát triển, lớn mạnh, và làm cho cả thế giới thức tỉnh.
 
Chúng ta có thể thấy ngay điều này trong lịch sử truyền giáo tại Việt Nam. Mới đầu, các nhà truyền giáo xem ra thất bại. Con số tín hữu chẳng đáng là bao, rồi còn bị vua quan bách hại, khổ sở trăm bề. Cha Alexandre de Rhodes là một ví dụ cụ thể. Đến truyền giáo tại Việt Nam, Ngài gặp biết bao nhiêu khó khăn gian khổ. Ngài bị vua quan Việt Nam trục xuất khỏi nước bảy lần. Rồi khó khăn trong việc tiếp xúc vì khác ngôn ngữ và chủng tộc. Nhưng Ngài vẫn quyết tâm cấy men Lời Chúa vào đất Việt. Sau 300 năm, với bao lần bị bách hại, “hạt cải“ Lời Chúa của Ngài và các vị truyền giáo khác đã đơm bông kết trái một cách dồi dào. Hơn 6 triệu người Việt Nam trở thành người Công Giáo, một sự lớn mạnh lạ lùng.
 
Dụ ngôn về “Hạt cải“ và “Men trong bột” của Bài Phúc Âm hôm nay giúp ta thêm tin tưởng vào quyền năng của Chúa. Với ơn Chúa, mọi sự đều có thể được. Dụ ngôn này cũng khuyến khích chúng ta hăng say tiếp tục sứ mạng truyền giáo. Mỗi người chúng ta phải giống như hạt cải hay men trong bột để làm cho cộng đoàn hay môi trường chúng ta đang sinh sống được biết Chúa. Hơn nữa, chúng ta phải là men của tình yêu, tình yêu của Chúa, để chúng ta có thể đem yêu thương vào nơi oán thù và yêu cả kẻ thù của mình như Ngài đã dạy chúng ta: “Hãy làm ơn cho kẻ ghét anh em, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ anh em...” và “Không có tình yêu nào lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu.”
 
Lạy Chúa, xin cho con biết sống yêu thương đến quên mình để làm chứng cho tình yêu của Chúa dành cho tất cả mọi người. Amen.
 
 
Bài 109: Con đường vào Nước Trời
Thứ tư 30-10-1991 - Tuần 30 Thường Niên
 
Lc 13, 22-30; Rm 8, 26-30
 
Khi nghe Chúa nói rằng “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa”, các Tông Đồ hoang mang vì nghĩ nếu thật sự như vậy thì mấy ai được ơn cứu độ. Từ trước đến giờ, dân Do Thái với luật Mô-sê vẫn thường quan niệm người giàu có sẽ dễ dàng được cứu rỗi, vì những người này có dư của cải để công đức vào đền thờ, làm việc bố thí cho người nghèo và chu toàn những lề luật Mô-sê. Vậy, nếu người giàu khó có thể được cứu độ, người nghèo làm sao có thể đạt được ước vọng này.
 
Lời Chúa hôm nay giải thích vấn đề đó. Và trên hết, Chúa muốn cho biết ơn cứu độ mà con người có thể đạt được là do tình thương bao la của Ngài. Con người tự mình không cách nào có thể được cứu độ nhưng phải nhờ ơn Chúa và cố gắng đáp lại ơn Ngài ban cho. Đáp lại bằng cách nào? Bằng con đường đi qua cửa hẹp. Nghĩa là hy sinh từ bỏ chính mình, từ bỏ những ước muốn bất chính để sống đúng theo lời Ngài giảng dạy.
 
Bằng không, tất cả những danh nghĩa bên ngoài, cho dù rất kêu như là Tông Đồ của Chúa, được sống gần Chúa, ăn uống trước mặt Chúa, được nghe Chúa giảng dạy trực tiếp... cũng không cứu được người đó. Khi đến gặp Ngài trong giờ sau hết, Ngài cũng sẽ phải trả lời như trong bài Phúc Âm hôm nay: “Ta không biết các ngươi là ai.”
 
Như vậy, Chúa muốn nhấn mạnh điều kiện để được cứu rỗi là sống theo lời Ngài chỉ dạy, tức là đi con đường hẹp, chứ không hạn chế dành riêng cho một dân tộc hay hạng người nào cả. Bất kỳ người nào, thuộc bất kỳ dân tộc nào, giàu hay nghèo, sang hay hèn, học thức hay bình dân... tất cả đều có thể được cứu rỗi nếu thực tâm sống theo lời Ngài. Chính vì vậy mà Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay hé mở cho thấy ơn cứu độ phổ quát cho mọi dân tộc, một điều thật mới mẻ đối với dân Do Thái vì họ vẫn nghĩ rằng chỉ có dân Do Thái mới được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa. Ngài nói: “Nhiều người từ Đông sang Tây sẽ được vào Nước Trời. Kẻ sau hết lại nên trước hết.”
 
Lời Chúa ngày hôm nay cũng là một lời cảnh cáo đối với chúng ta. Đửng tưởng rằng mình là người Công Giáo, được chọn vào chủng viện để học hành, chuẩn bị làm linh mục là nắm chắc ơn cứu độ. Hãy nhớ rằng Chúa ban nhiều thì Chúa cũng đòi hỏi nhiều. Và nếu chúng ta không cố gắng sống theo lời Ngài chỉ dạy, đi theo con đường hẹp Ngài đã vạch ra, coi chừng Ngài cũng sẽ trả lời chúng ta một cách phủ phàng: “Ta không biết các ngươi.” Amen.
 
 
Bài 110: Hiền lành và khiêm nhường
Thứ năm 31-10-1991 - Tuần 30 Thường Niên
 
Lc 13, 31-35; Rm 8, 31-39
 
Chúa Giêsu tiếp tục cuộc hành trình lên Giêsrusalem. Ngài bộc lộ cho các Tông Đồ biết hai đức tính trỗi vượt ở nơi Ngài là hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và Ngài mời gọi các Tông Đồ cũng bắt chước sống như vậy: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Thật ra, hiền lành và khiêm nhường nơi Chúa không đồng nghĩa với nhát đảm sợ sệt. Trái lại, Chúa rất cương quyết và thẳng thắn. Bài Phúc Âm thuật lại khi có mấy người đến khuyên Chúa nên rời nơi đó vì Vua Hêrôđê đang tìm cách giết Ngài, Chúa Giêsu đã trả lời rất hùng hồn: “Hãy về bảo con cáo ấy...”
 
Qua lời nói này, Chúa Giêsu đã thẳng thắn nói lên sự thật như các tiên tri ngày trước. Ngài hiền lành nhưng lại rất can đảm, dám nói thẳng, nói thật cho dù vì sự thật đó Ngài phải chịu đau khổ và trả giá bằng cái chết. Chúa đã dùng từ “con cáo” để ám chỉ Vua Hêrôđê vì sự xảo quyệt của ông ta. Vua Hêrôđê là một vua Do Thái bù nhìn do Đế Quốc La Mã đặt lên để cai trị dân. Ông làm việc cho ngoại bang hết mình để bảo đảm cho quyền lợi của ông. Vì thế, khi thấy dân chúng ủng hộ Chúa Giêsu và có lần đã muốn tôn Ngài làm vua, Hêrôđê lo sợ cho cái ghế danh vọng của mình. Và để bảo đảm địa vị và quyền lợi của mình, ông tìm mọi cách theo dõi Chúa Giêsu để lấy cớ giết chết Ngài.
 
Phần sau của câu trả lời Chúa muốn nhắn lại với Hêrôđe càng nói lên sự can đảm của Ngài: “Hôm nay và ngày mai, đến ngày kia Ta sẽ hoàn tất.” Nghĩa là, cho dù chỉ còn sống một ngày thôi, Chúa cũng không ngừng rao giảng.
 
Và đúng như vậy thật. Chúa Giêsu tiếp tục rao giảng và yêu thương cho đến chết. Đó là thánh ý của Chúa Cha và Ngài cương quyết thực hiện cho bằng được. Không ai có thể ngăn cản Ngài thực hiện ý muốn này của Chúa Cha, ngay cả Phêrô, vị Tông Đồ trưởng nhóm, khi ông lến tiếng cản ngăn Ngài lên Giêrusalem để khỏi bị ám hại. Một lần nữa, Ngài tiếp tục sống vai trò của vị tiên tri. Can đảm rao giảng và chết tại Giêrusalem.
 
Giêrusalem, biểu tượng của dân tộc Do Thái, được Thiên Chúa thương yêu cách đặc biệt từ ngàn xưa. Nhưng Giêrusalem cũng từ ngàn xưa luôn chối từ sứ điệp yêu thương của Chúa qua việc giết chết các tiên tri được Thiên Chúa sai đến. Vì thế, Chúa Giêsu than trách thái độ cứng đầu, không biết hối cải của Giêrusalem và tiên báo một tương lai đen tối dành cho Giêrusalem. Đúng vậy! Giêrusalem vào năm 70 đã bị quân Ba Tư xâm chiếm, tàn phá thành bình địa, chỉ còn trơ trọi một bức tường được gọi là Bức Tường Than Khóc. Dân Do Thái ngày này đến cầu nguyện tại bức tường này. Họ vừa cầu nguyện vừa than khóc cho thân phận của dân tộc và cầu xin Chúa đến, bởi vì họ vẫn không nhìn nhận Chúa Giêsu là vị Thiên Sai được Thiên Chúa hứa đã đến trần gian.
 
Tóm lại, qua bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu rất cương quyết khi thi hành sứ mệnh cứu độ của Ngài. Đó cũng phải là thái độ của chúng ta khi làm việc tông đồ và dấn thân trên cánh đồng truyền giáo. Không một thế lực hay khó khăn nào có thể ngăn cản được chúng ta như gương Thánh Phaolô đã để lại: “Không gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Đức Kitô được cho dù bị tù đày, bắt bớ, gươm giáo, đói khát...”
 
Chúng ta hãy nghe lại lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II khuyên nhủ các Giám Mục, nhất là các giám mục ở các nước khó khăn như Việt Nam. Ngài nói bằng tiếng pháp như sau: “N’avez pas peur”, nghĩa là “Đừng sợ”. Đúng vậy. Có Chúa chúng ta không lo sợ gì cả. Amen.

Tác giả: Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập854
  • Hôm nay88,464
  • Tháng hiện tại1,000,728
  • Tổng lượt truy cập57,102,365
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây