Cầu Nguyện Hy Vọng - Tập 9

Thứ tư - 20/11/2013 10:33

-

-
Tập 9 “Cầu Nguyện Hy Vọng” gồm 30 bài suy niệm – cầu nguyện của Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận.
Cầu Nguyện Hy Vọng - Tập 9
 
Tập 9 “Cầu Nguyện Hy Vọng” gồm 30 bài suy niệm – cầu nguyện của Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận.
 
Bấm chuột vào hình để tải tài liệu về máy (tài liệu có định dạng PDF):


 
1. Chỗ của Chúa trong đời con
 
Khi con thất bại, đau khổ, con mới thức tỉnh.
Con than thở: “Vâng theo ý Chúa”.
Nhưng “Ý Chúa”
       đâu phải là chịu đựng, chấp nhận.
Chúa không phải là quan tòa, cảnh sát, độc tài.
Chúa là Cha của con.
Cha nghĩa là tình thương.
 
Chúa đã tạo dựng con,
       cứu chuộc con, thánh hóa con.
Ai hiểu con bằng Chúa.
Ai lo cho con bằng Chúa:
Cha nào con xin bánh lại cho hòn đá,
Cha nào con xin cá lại trao con rắn...” (Mt 7, 10)
Chúa còn thương yêu con ức triệu lần hơn.
Chúa phải chiếm chỗ nhất trong đời con.
 
Con phải liên lỉ kết hợp với Chúa
       vì Chúa biết rõ đời con, số phận con.
Chúa hiểu biết những bước đường con phải đi,
       trong mỗi giây phút suốt cả đời con.
Xin “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời”
Cuộc đời con tuy ở giữa trần gian,
       nhưng đâm rễ sâu ở trên Trời,
       vì con đang thực hiện chương trình
       của Cha con ở trên Trời. 
 
2. Đức ái nhẫn nại
 
Thánh Phaolô đã không tiếc lời ca ngợi Đức Ái:
Đức Ái thì nhẫn nhục, hiền hậu,
       không ghen tương, không vênh vang, 
       không tự đắc, không làm điều bất chính, 
       không tìm tư lợi, không nóng giận,
       không nuôi hận thù,
       không mừng khi thấy sự gian ác,
       không vui khi thấy điều chân thật.
Đức Ái tha thứ tất cả,
       tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.
Đức Ái không bao giờ mất được” (1Cor 13, 4-8)
 
Những lời ca ngợi này diễn tả được phần nào
       bản tính của Thiên Chúa,
       vì Ngài là Tình Yêu tuyệt đối.
Chính Ngài đã tha thứ tất cả,
       tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.
Tình yêu của Ngài không có giới hạn.
Sự tha thứ của Ngài cũng không giới hạn.
Tha thứ đến bảy mươi lần bảy.
Vì thế,
       sự kiên nhẫn của Ngài cũng thật vô biên.
 
Tình yêu không phải là tờ hợp đồng vô hồn,
       với những điều lệ rõ ràng, nhưng cứng nhắc,
       để hai bên cùng theo đó hành động,
       cùng xem chừng nhau ai lỗi, ai sai.    
 
Trái lại,
       tình yêu là một sự nhẫn nại cảm thông,
       sẵn sàng làm mọi sự
       để người mình thương được hạnh phúc.
Chưa biết nhẫn nại,
       con chưa thể hiểu được thế nào là tình yêu.
 
3. Đồng phục của chúng ta
 
Đồng phục là một hình thức cần thiết
       để nói lên tổ chức,
       hội đoàn, đơn vị... của một người.
Có thể đó là một tổ chức xã hội hoặc tôn giáo.
Các kiểu áo dòng khác nhau trong Hội Thánh
       cho thấy sự hiện diện
       của nhiều hội dòng khác nhau,
       với tôn chỉ và mục đích riêng biệt, đặc thù.
 
Đồng phục là một vinh dự
       cho người thuộc về hội đoàn đó.
Người ta kính trọng, yêu mến,
       tùy theo cách sống của người mang đồng phục.
Nhưng cũng rất nhiều trường hợp,
       thái độ sống của người mang đồng phục
       khiến cho người khác mất tin tưởng, coi thường,
       vì họ không thật sự sống tinh thần của hội đoàn đó.
 
Vì thế, đồng phục không đủ
       để nói lên cái bản chất của hội đoàn.
Đồng phục cần phải
       đi đôi với cách sống của người mang đồng phục.
 
Vậy đâu là đồng phục
       của những người theo Chúa Giêsu Kitô?
Thánh Gioan cho chúng ta biết,
Đồng phục của người Kitô hữu chính là Bác Ái:
Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy, 
       đó là anh em có lòng yêu thương nhau
(Ga 13, 35)   
- Đây là đồng phục rất dễ dàng
       nhưng cũng rất khó thực hiện.
- Đây là đồng phục
       không tạo ra sự khác biệt bên ngoài.
- Đây là đồng phục
       mà tiền bạc không thể nào mua được.
Vì yêu thương không thể bán mua.
 
Chúng ta không cần
       phải hội đủ điều kiện bên ngoài nào cả
       để có thể mang loại đồng phục này.
Vì khi biết sống yêu thương thật sự,
       chúng ta trở thành môn đệ của Chúa Giêsu
       với đồng phục bác ái trên mình.
 
4. Phải bỏ đồng phục bên ngoài 
 
Chúng ta cần phải loại bỏ
       những đồng phục bên ngoài.
Loại bỏ những nhãn hiệu gây nên sự khác biệt.
 
Rất nhiều lần, Chúa mời gọi
       hãy cởi bỏ những loại đồng phục gây nên chia rẽ,  
       để mặc lấy đồng phục đầu tiên của người Kitô hữu.
Đó là: “Họ chỉ có một lòng, một ý” (Cv 4, 32)  
Thật vậy, trong 3 thế kỷ đầu tiên,
Hội Thánh không có loại đồng phục nào cả.
Nhưng tất cả người Kitô hữu
       được mọi người nhận ra
       bởi đức ái, bởi lối sống yêu thương của họ. 
Chính đồng phục này đã liên kết họ với nhau.
Họ thật sự chỉ có “một lòng một ý”.
 
Giống như việc xem quả thì biết cây,
       mọi người nhận ra những người Kitô hữu đầu tiên
       là môn đệ thật sự của Chúa Giêsu,
       vì họ đã sống yêu thương nhau một cách chân thành.
 
Ngôn ngữ của yêu thương là thinh lặng.
Không rộn ràng khoe khoang.
Không tưng bừng quảng cáo.
Nhưng yêu thương được mọi người kiếm tìm,
       vì yêu thương quý giá hơn tất cả
       như bài ca Đức Mến mà Thánh Phaolô đã ca tụng:
Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu…
Đức Mến tha thứ tất cả, 
       tin tưởng và chịu đựng tất cả.
Đức Mến không bao giờ mất được” (1Cor  13, 4-7)   
Đồng phục “Bác ái” của Chúa Giêsu
       thì tốt hơn tất cả mọi loại đồng phục khác. 
 
Thực tế, nhiều người chỉ thích
       những loại đồng phục bên ngoài thôi.
Họ muốn được đồng phục như vậy
       để có vẻ hợp thời.
Nhưng tất cả mọi loại đồng phục
       rồi cũng sẽ qua đi hết.
Ngay cả những ơn đặc sủng
Chúa ban cho một số người,
       sớm muộn rồi cũng qua đi.
Ơn nói tiên tri? Cũng chỉ nhất thời.
Ơn nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết.
Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn” (1Cor 13, 8)   
Chỉ có đồng phục của Chúa Giêsu,
       đồng phục “Bác ái” là không bao giờ lỗi thời.
 
Con đang mang loại đồng phục nào đây?

5. Khi Chúa bắt con nhai đá sạn
 
Thiên Chúa yêu thương mọi tạo vật Ngài dựng nên.
Ngay cả chim sẻ và hoa huệ ngoài đồng
       không mấy giá trị
       vẫn được Ngài để ý chăm sóc ( Lc 12, 24.27).   
Vì thế, chúng ta là con cái của Ngài,
       chắc chắn được Ngài yêu thương,
       quan tâm nhiều hơn.  
Nhiều khi gặp khó khăn chồng chất,
       chúng ta cảm thấy mình yếu đuối,
       bất lực hoặc bị bỏ rơi, và than trách
       không biết Chúa có để ý gì đến mình không.
 
Thật ra, Thiên Chúa là Cha chúng ta,
       luôn yêu thương nâng đỡ chúng ta ngày đêm:
Thiên Chúa sẽ không để anh em 
       bị thử thách quá sức,
       nhưng khi để anh em bị thử thách,
Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp,
       để anh em có sức chịu đựng”  (1Cor 10,  13)
 
Nhiều lần,
Thiên Chúa để cho chúng ta bị thử thách,
       để chúng ta thêm niềm tin cậy ở nơi Ngài:
Nhưng trong mọi thử thách ấy, 
       chúng ta toàn thắng
       nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8, 37) 
Và cũng nhiều lần, Ngài sửa dạy chúng ta
       cũng chỉ vì lòng thương mến:
Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy,
       và có nhận ai làm con,
       thì Ngài mới cho roi cho vọt” (Dt 12, 6) 
Xin Thiên Chúa, Đấng yêu thương,
       ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt,
       và niềm cậy trông tốt đẹp” (2Tx 2, 16)   
 
Tình thương quan phòng của Thiên Chúa
       trong việc để chúng ta bị thử thách,
       cũng giống như câu ngạn ngữ
       của dân Nga ngày xưa như sau:
Mỗi khi Thiên Chúa bắt ai phải nhai đá sạn,
       trước hết, Ngài làm cho đá sạn trở nên ngọt ngào
Thiên Chúa luôn quan tâm đến mỗi người chúng ta.
Điều này quá đủ
       để con sẵn sàng chấp nhận cuộc sống
       với những thử thách, khó khăn của nó.
 
6. Giấc mơ
 
Kinh nghiệm đương đầu với thử thách dạy chúng ta
       biết nương tựa hoàn toàn vào Chúa để đứng vững.
Lời Ngài sẽ nâng đỡ chúng ta,
       giúp chúng ta giữ được tâm hồn bình an,
       và vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống.
Thiên Chúa vẫn luôn là Thiên Chúa của tình yêu.
 
Trong một giấc mơ, một người kia được Chúa
       cho thấy tất cả cuộc đời mình.
Và có một đoạn,
       ông ta thấy có bốn dấu chân đi song song với nhau.
Hai dấu chân của Chúa Giêsu,
       và hai dấu còn lại của chính ông ta.
Bỗng chốc, ông thấy lại
       đoạn đời bị thử thách, khó khăn vùi dập.
Ông nhìn lại và thấy chỉ còn hai dấu chân.
Ông hốt hoảng la lên:
Tại sao Chúa nói luôn đồng hành với con,
       thế mà khi con gặp thử thách, 
Chúa lại bỏ trốn để con chiến đấu một mình ?”
 
Chúa Giêsu hiền từ, âu yếm trả lời:
Này con, Ta có bỏ con bao giờ đâu.
Ta vẫn luôn đồng hành với con mỗi ngày.
Nhưng khi con gặp thử thách, 
Ta sợ con không chịu đựng nổi,
       nên cõng con trên đôi vai của Ta 
       để cùng tiến bước. 
Hai dấu chân còn lại này 
       là hai dấu chân của Ta đó.
Không phải dấu chân của con đâu”.
 
Còn gì dễ thương hơn!
 
7. Chúa thích những đại từ
 
Trong cuộc sống hằng ngày,
       chúng ta làm việc đầu tắt mặt tối
       với đủ thứ công việc,
       xem chừng như vô nghĩa.
Thật ra,
       phần lớn cuộc đời của mỗi người được nối kết
       bằng những công việc nhỏ nhặt, tầm thường.
Nhưng quan trọng là chúng ta cố gắng
       thực hiện chúng một cách phi thường.
 
Từ sáng sớm đến chiều tối,
       biết bao nhiêu công việc
       mình làm một cách máy móc:
       thức dậy, làm vệ sinh, ăn uống,
       đi học, đi làm, đi chợ,
       chuyện trò với người khác,
       nghe đài phát thanh, xem truyền hình…
       giải quyết công việc, vấn đề…
Tất cả công việc hằng ngày được tiếp nối liên tục 
       bằng những ‘động từ’ vô hồn:
       ăn, làm, xem, nghe, giải quyết…
 
Nhưng những ‘động từ’ này sẽ dồi dào ý nghĩa
       nếu được thêm những ‘đại từ’ tốt đẹp đàng sau.
Thật ra, ‘đại từ’ cũng có thể làm
       cho những hành động tốt đẹp trở thành xấu,
Tất cả mọi hành động,
       từ những việc tầm thường
       như may quần áo, dạy trẻ nhỏ, làm bếp,
       cho đến những việc lớn như
       chế tạo bom đạn, nguyên tử,
       chiến tranh các hành tinh,
       vũ khí hóa học có sức hủy hoại rộng lớn…
       đều liên quan mật thiết tới con người.
Hành động với ý tốt hay xấu.
Hành động vì yêu thương
       hay vì hận thù, ích kỷ, hăm dọa.
Chính cách thức hành động làm thay đổi tất cả.
 
Thiên Chúa đã làm tất cả vì tình thương:
Thiên Chúa giàu lòng thương xót
       và rất mực yêu mến chúng ta” (Ep 2,4) 
Còn chúng ta là những kẻ yếu đuối, nên Chúa Cha
        “yêu thế gian,
        đến nỗi đã ban Con Một của Người” (Ga 3, 16)
Nói cách khác,
       phương cách hành động của Chúa Cha
       là yêu thương tận cùng,
       yêu con người đến nỗi cho đi
       chính Người Con Duy Nhất của mình là Chúa Giêsu.
 
Và Chúa Giêsu cũng đã hành động
       theo cách thức Chúa Cha:
Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20)   
Tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con thật tuyệt vời.
Các Ngài đã hành động với tình thương vô biên.
Thiên Chúa toàn năng
       luôn làm những điều “không thể”.
 
8. Đại từ của tôi:
“Như Chúa Giêsu”, “Như ý”

 
Con người chúng ta
       cần một gương mẫu cụ thể, sống động,
       của một người gần gũi với chúng ta để noi theo.
Và chính Chúa Giêsu trong thân phận con người, 
       đã trở thành mẫu gương tuyệt vời đó.
Ngài đã cho chúng ta thấy
       cách thức hành động của Ngài,
       một cách thức hoàn hảo,
       được chính Ngài đặt tên là
Điều răn mới” (Ga 13, 34). Đó là:
Anh em hãy yêu thương nhau,
       như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12)
 
Phương cách hành động của chúng ta,
“Đại từ” của chúng ta,
       phải là cách thức của Chúa Giêsu.
Mỗi ngày, mỗi người trong chúng ta
       đều có những công việc
       hoặc quan trọng hay vô nghĩa,
       thích thú hay bất ưng,
       cao cả hay tầm thường…
Nhưng với lời nói, cử chỉ, ánh mắt,
       nụ cười “thuộc về Chúa Giêsu”,
       chúng ta sẽ biến đổi tất cả những công việc đó
       thành hành động theo cách của Chúa Giêsu,
       tức là hành động trong yêu thương vô điều kiện.
 
Như thế, chúng ta luôn liên kết
       với Chúa Giêsu như Mẹ Maria,
Đấng đã nhẹ nhàng
       chỉ dạy chúng ta một cách đơn sơ:
Ngài bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2, 5)    
Chúng ta cũng sẽ làm được
       phép lạ “nước trở thành rượu”,
       phép lạ biến “thế giới hận thù
       thành thế giới đầy tình thương”,
       nếu chúng ta biết
       nghe theo lời Mẹ Maria dạy chúng ta.   

9. Canh tân kiểu nào
 
Các tế bào trong cơ thể chúng ta,
       cũng như những thể chế xã hội,
       kinh tế, khoa học…
       tất cả cần được canh tân,
       đổi mới một cách liên tục.
Ngay cả các dòng tu và Hội Thánh
       cũng cần được canh tân.
Điều này được nói đến thật nhiều
       sau Công Đồng Vatican II.
Không canh tân,
       mọi tổ chức sẽ trở nên già cỗi, biến thái,
       không thể thích nghi với thời đại
       và dẫn đến tự hủy diệt.
Còn canh tân đưa tới tiến bộ, phát triển.
 
Canh tân thật sự
       không phải là một cuộc mạo hiểm.
Nhưng đó là một định luật tự nhiên.
Đó cũng không phải là một thời trang hay tình cảm,
       nhưng là một điều thiết yếu:
Anh em hãy để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em,
       và phải mặc lấy con người mới” (Ep 4, 23) 
Hội Thánh luôn cầu nguyện cho sự canh tân này:
Lạy Chúa, xin tạo cho con 
       một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần 
       cho con nên chung thủy…” (Tv 50, 12)
 
Chính chúng ta cũng muốn Hội Thánh được canh tân.
Nhưng tâm trí chúng ta đầy đắn đo, lo nghĩ
       vì không biết phải canh tân như thế nào.
Đâu là hướng thích hợp để canh tân
       mà không làm cho Hội Thánh bị biến thái, sai lệch?
Nói cách khác, đâu là con đường đích thực
       chúng ta phải theo trong việc canh tân Hội Thánh?

10. Đích thực hay giả tạo? 
“Rin hay dổm”?

 
Trong vấn đề canh tân Hội Thánh,
       chúng ta cần phải phân biệt một cách rõ ràng: 
       canh tân giả hiệu, hời hợt và canh tân đích thực.
Được xem là giả hiệu, hời hợt,
       khi sự canh tân chỉ nhắm đến
       việc thế gian hóa,
       giáo dân hóa hay thỏa hiệp hóa.
 
Cũng được xem là giả hiệu, hời hợt
       khi sự canh tân
       không bắt nguồn từ Phúc Âm trọn vẹn,
       mà chỉ cắt xén một phần nào đó
       để uốn nắn cho ăn khớp với trào lưu,
       thị hiếu của thế gian.
Kiểu canh tân này có thể làm
        “nổi đình, nổi đám” một giai đoạn,
       nhưng từ từ sẽ chìm lỉm, đi vào quên lãng.
Đó chỉ là “ngọn lửa reo vui” trong khoảnh khắc,
       nhưng không phải là ánh sáng vững bền.
 
Cũng phải xem là giả hiệu, hời hợt,
       khi tìm cách giải thích Phúc Âm
       để làm hài lòng thế gian.
Canh tân kiểu này chỉ làm hạ giá Phúc Âm,
       và đánh mất luôn niềm tin vào tính cách tuyệt đối,
       và sức mạnh trường tồn của Phúc Âm.
 
Thế giới ngày nay đòi hỏi
       và khát khao đi tìm giá trị đích thực của cuộc sống.
Vì thế, canh tân đích thực phải bao gồm
       không những sự mới mẻ mà luôn cả sự trung tín.
 
Trước hết, canh tân đích thực
       đòi hỏi bác ái và sự hiểu biết.
Phê bình, chỉ trích
       trong khi thiếu hiểu biết về Hội Thánh
       càng làm cho vấn đề trở thành tệ hại hơn.
 
Canh tân đích thực đòi hỏi sự kiên nhẫn
       để biết chờ đợi và nghiêm túc trong việc đối thoại.
 
Canh tân đích thực đòi buộc xem xét lại sự việc
       một cách khoa học với lòng khiêm tốn
       để nhận ra những sai lầm và sẵn sàng sửa đổi.
 
Canh tân đích thực đòi hỏi can đảm
       vứt bỏ những hình thức thế gian,
       xem ra thân thiết với mình,
       để có được một cái nhìn
       và cách suy tư mới mẻ, trong sáng
       giúp vượt qua được những trở ngại, khó khăn.
 
Canh tân đích thực có một cùng đích tối hậu:
       đó là thực hiện thánh ý Chúa Cha.
 
Canh tân đích thực
       là công việc của Chúa Thánh Thần.
Vì thế trước tiên, chúng ta phải khẩn cầu xin
Chúa Thánh Thần ngự đến
       để canh tân bộ mặt trái đất” (TV 103, 30)
 
Muốn canh tân, phải biết cầu nguyện.
Chúng ta không thực hiện việc canh tân
       như những người làm kinh tế, thương mại,
       tìm cách thỏa hiệp với thế gian.
Nhưng trên hết,
       chúng ta tiếp tục sứ mạng nhập thế của Chúa Giêsu
       theo như ý muốn của Chúa Cha.  

11. Người hưởng thụ
 
Thời đại chúng ta đang sống đề cao việc hưởng thụ.
Câu nói “Tất cả cho việc hưởng thụ”
       đã trở thành khẩu hiệu của con người thời nay.
Vấn đề quan tâm hàng đầu của họ
       là chuyện ăn uống, thú vui, xe hơi, nhà lầu,
       cuộc sống thoải mái…
 
Thật ra,
       tất cả mọi phát triển, ngoại trừ tội lỗi, đều tốt đẹp.
Chính Thiên Chúa cũng muốn con người
       được sống sung túc, thoải mái.
Vậy thì điều gì làm cho nó nên xấu?
 
Mọi tiện nghi vật chất sẽ trở thành xấu,
       khi chúng ta gạt bỏ ra ngoài
Đấng đã ban cho mình những tiện nghi đó.
 
Nó trở thành xấu,
       khi chúng ta chỉ ích kỷ gom góp cho mình,
       không thèm đếm xỉa gì
       đến nỗi khổ của người anh em bên cạnh.
Chúng ta quên mất chính Chúa đã đồng hóa Ngài
       với những người nghèo khổ này.
 
Nó trở thành xấu, khi sự ích kỷ này
       được hệ thống lại thành phương tiện
       để bóc lột những người nghèo khổ, thiếu may mắn.
 
Nó trở thành xấu, khi việc ăn xài xa hoa
       trở thành mục đích chính yếu,
       mục đích tối thượng của cuộc đời chúng ta.
 
Nó trở thành xấu, khi chúng ta biết rằng
       sự giàu có không thể nào thỏa mãn mọi khát vọng,
       nhưng vẫn cố tìm kiếm bằng mọi cách.
 
Nó trở thành xấu, khi chúng ta mất đi nhạy cảm
       trước những khổ đau, nghèo đói, bệnh tật, áp bức…
       nơi người anh em sống chung quanh mình.
 
Con người hưởng thụ là con người ích kỷ.
Chắc chắn hạng người này không thể nào
       làm môn đệ chân chính của Chúa Giêsu.
 
12. Con muốn sống mãi ở trần gian?
 
Trên hết, việc xử dụng vật chất,
       sử dụng tiện nghi trở thành xấu
       khi chúng ta cứ mải miết tìm kiếm lạc thú,
       không nghĩ gì đến tương lai và hậu quả về sau.
Chúng ta sống như những người đồng thời
       với Ông Noe và Nạn Hồng Thủy.
Kho tàng của chúng ta, ưu tư của chúng ta
       và chính tâm hồn của chúng ta luôn dính chặt
       vào những tiện nghi vật chất trước mắt này.
Nói cách khác, chúng ta hành động, cư xử
       như thể mình sẽ sống mãi ở trần gian.
 
Nhưng thật ra, cuộc sống hưởng thụ này
       có lấp đầy được mọi ước vọng của chúng ta không?
Và so sánh với Nước Thiên Chúa,
       những tiện nghi này có đáng
       để chúng ta bỏ hết cuộc đời không?
Thật không đáng gì cả! Quá dại khờ!
 
Muốn hưởng được mọi thú vui trần gian,
       con người phải đấu tranh, lao nhọc, làm đủ mọi cách.
Nhiều khi phải hy sinh chính mình,
       hy sinh lương tâm,
       để chạy theo tiếng nói của ma quỷ, của Satan:
Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó,
       nếu ông sấp mình bái lạy tôi” (Mt 4, 9)   
Nhưng rồi,
       khi phải từ giã trần gian để đến trước mặt Chúa,
       chúng ta chẳng ai có thể đem được gì theo với mình. 
 
Cần phải lắng nghe Lời Chúa
       để làm một cuộc trở lại tận căn.
Trở về với những giá trị thật sự,
       và thiết yếu của cuộc sống,
       để nhận ra cuộc sống này chỉ là tạm thời,
       và luôn là một thách đố mời gọi con người
       tiến đến sự Thiện, tìm về với Thiên Chúa.
 
Hãy thực hành tinh thần biết chia sẻ cho người khác.
Hãy mang trong trái tim mình “nỗi âu lo của mọi người”.
Và hãy tự kiểm thảo lương tâm của mình
       về mức độ yêu thương.
 
13. Con người chính trị 
 
Chính trị là một điều cần thiết,
       nhưng đâu là loại chính trị đứng đắn
       để người Kitô hữu có thể dấn thân?
Có nhiều loại chính trị khác nhau:
- Chính trị áp bức:
       dùng sức mạnh để áp đặt.
- Chính trị bóc lột:
       khai thác tài nguyên, sức lực của người khác.
- Chính trị bạo lực:
       xách động đấu tranh bằng bạo lực.
- Chính trị kinh tế:
       xử dụng thủ đoạn kinh tế để đạt mục tiêu.
- Chính trị phục vụ:
       nhằm lợi ích của người dân
- Chính trị yêu thương:
       tìm sự yêu thương, tôn trọng nhau.
- Chính trị đoàn kết:
       nhằm hiệp nhất với nhau
- Chính trị hòa bình:
       cổ võ hòa bình cho mọi người
 
Động cơ thúc đẩy và mục đích làm chính trị:
- Vì muốn nắm lấy quyền hành.
- Vì tranh đấu quyền lợi.
- Vì lợi ích của nhóm hay đảng phái.
- Vì muốn xây dựng hòa bình thật sự.
 
Chỉ cần tự vấn lương tâm theo những chỉ dẫn trên,
       một người Kitô hữu có thể thấy được
       đâu là loại chính trị
       mà mình nên chọn lựa để dấn thân.
Nói cách khác,
       cẩm nang cho người chính trị Công Giáo
       chính là Phúc Âm của Chúa Giêsu.
Họ làm chính trị vì lợi ích của con người,
       của xã hội và toàn thế giới
       như Chúa mong muốn và mời gọi.

14. Không thể làm chính trị tốt sao?
 
Nói đến chính trị, người ta thường nghĩ ngay
       đến những mưu mô, thủ đoạn, gian dối...
       để nắm lấy quyền hành bằng mọi cách.
Xem ra làm chính trị chẳng có gì tốt cả.
Như vậy, không thể nào có được
       một phương cách làm chính trị tốt lành sao?
 
Thánh Công Đồng Vatican II
       trong Hiến Chế về Mục Vụ cho thấy
       điều này có thể làm được.
Hiến Chế định nghĩa:
Chính trị là một nghệ thuật 
       tao nhã và khó khăn” (GS 73)
Đó là một con đường đầy hy sinh
       để làm chứng nhân,
       và thánh hóa môi trường xã hội.
 
Một vài điểm mà người chính trị Công Giáo
       cần phải đặc biệt quan tâm:
- Nhân quyền: quyền được no cơm ấm áo,
       được học hành, tự do, bình đẳng…
- Tôn trọng phẩm giá của con người cách trọn vẹn.
- Xóa bỏ ranh giới: Bắc-Nam, Đông-Tây,
Thế Giới Thứ Ba… và nỗ lực liên kết mọi người
       vào trong cùng một gia đình.
- Công bằng, tự lập, tự phát triển.
- Độc lập quốc gia.
 
Một vài điều kiện:
- Đối thoại trong tình huynh đệ tôn trọng lẫn nhau.
- Quan tâm hơn đến những người nghèo.
Không lợi dụng sự giúp đỡ.
- Không hành động vì lý do kinh tế hay “chính trị”
- Hợp tác và kiên nhẫn.   
 
Theo những hướng dẫn này,
       người làm chính trị sẽ trở nên
       người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô.
 
15. Con người kỹ thuật
 
Sự tiến bộ của kỹ thuật ngày nay
       giúp chúng ta khám phá ra được biết bao nhiêu
       điều kỳ diệu trong vũ trụ này.
Có thể nói con người đã tiến bộ trong mọi lãnh vực:
       khoa học, không gian, y tế,
       truyền thông, nghệ thuật….
 
Với những chiếc máy bay hiện đại,
       con người có thể đi vòng quanh trái đất
       trong một thời gian thật ngắn.
Và với những phi thuyền không gian,
       con người đã đi tới Mặt Trăng,
       và khám phá các hành tinh khác nữa.
 
Con người cũng biết khám phá và xử dụng
       năng lượng mặt trời và thủy lực
       để cải tiến cuộc sống.
 
Trong phạm vi truyền thông,
       những tiến bộ về satellite, vi tính...
       cũng đã giúp cho con người khắp nơi trên mặt đất
       được trở nên gần gũi với nhau hơn.
 
Trong phạm vi y học,
       nhiều căn bệnh nan y ngày trước
       nay cũng đã tìm được thuốc chữa,
       và tuổi thọ của con người nhờ dinh dưỡng cao,
       y học tốt, nên được kéo dài lâu hơn...
 
Có thể nói, thế kỷ XX là thế kỷ nhảy vọt,
       thế kỷ của sức mạnh kỹ thuật.
Nhưng điều đáng buồn là cũng trong thế kỷ này,
       thế giới vẫn còn đầy dẫy những người đau khổ
       vì nghèo đói, vì chiến tranh, vì bị bóc lột...
Và con người đang phập phồng
       vì nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn
       do các vũ khí nguyên tử, hóa học, vi trùng học
       mà chính mình đã làm nên. Tại sao?
 
16. Kỹ thuật để phục vụ nhân loại 
 
Tiến bộ kỹ thuật tự nó là một điều tốt và cần thiết
       để thăng tiến cuộc sống của con người.
Nhưng kỹ thuật sẽ trở thành một tai họa,
       nếu con người lợi dụng nó
       để phục vụ cho những tham vọng riêng tư.
 
Nói cách khác,
       nếu con người chối từ Thiên Chúa,
       là Cha của mọi người,
       con người cũng chối từ phẩm giá nơi người khác,
       và tìm mọi cách để thống trị họ.
Điều đó sẽ làm phát sinh
       những phản kháng, đấu tranh bất tận.
Muốn xây dựng một thế giới không có Thiên Chúa,
       con người sẽ tự mình chống lại lẫn nhau, 
       và hậu quả sẽ thê thảm vì đâu đâu
       cũng chỉ thấy hận thù, chiến tranh, bóc lột, áp bức...
 
Kỹ thuật
       không để dành riêng cho một số người quyền thế,
       nhưng phải phục vụ tất cả mọi người.
Phục vụ cho hòa bình chứ không phải chiến tranh.
Phục vụ cho sự sống chứ không phải sự chết,
       để cùng tiến tới một thời đại mới,
       thời đại của của tình thương, của hiệp nhất,
       chứ không phải thời kỳ đồ đá ngày xưa,
       mạnh được yếu thua.
 
Kỹ thuật
       nhằm giải phóng con người
       khỏi mối lo của bệnh tật, cơm áo, khổ đau,
       để cuộc sống được thoải mái hơn. 
 
Kỹ thuật
       phải phục vụ việc xây dựng hòa bình
       cũng như tình huynh đệ giữa con người
       và giữa các dân tộc với nhau.
Phục vụ sự hiệp nhất chứ không phải gây chia rẽ.
 
Và trên hết, kỹ thuật
       phải phục vụ vinh danh Thiên Chúa,
       là Cha của chúng ta, Đấng đã tạo nên vũ trụ
       và giao phó cho con người làm chủ,
       để tiếp tục công trình sáng tạo này.
 
Được sống trong tình thương
       và sự tin tưởng của Thiên Chúa Cha,
       tất cả chúng ta sung sướng cùng nhau cảm tạ Ngài,
       và hợp tác hoàn tất sứ mạng canh tân trái dất,
       sứ mạng mà Thiên Chúa Cha
       đã giao phó cho con người từ thuở ban đầu.
Khoa học và lương tâm,
       cả hai nhằm để phục vụ, để yêu thương.
Bằng không kỹ thuật
       sẽ dẫn con người đến sự hủy diệt.
 
Hãy liên kết lại với nhau để phục vụ cho tương lai
       của đại gia đình nhân loại.
Hãy để lại cho thế hệ về sau
       sự hiệp nhất và niềm vui,
       chứ không phải là mảnh đất vô hồn, 
       hậu quả của nền kỹ thuật không có tình thương.   
 
Con người là hình ảnh của Thiên Chúa,
       chứ không phải là người máy “Robbot”.
Có nghĩa là:
       con người không phải là dụng cụ để sai khiến,
       nhưng là một tạo vật được Thiên Chúa dựng nên
       để yêu và được yêu.
 
17. Con người kinh tế
 
Những vấn đề kinh tế
       mà con người ngày nay phải đương đầu:
Năng lượng:
+ Dầu hỏa, điện lực, khí đốt, than củi…
Nhiều cuộc chiến đã xảy ra vì vấn đề dầu hỏa.
+ Nhân lực, sức lao động của con người.
Kẻ giàu bóc lột sức lao động của người nghèo,
       bóc lột sức lao động của vị thành niên và trẻ em.
+ Chất xám
Các nước giàu đầu tư chất xám từ các nước nghèo,
       khiến cho tài nguyên trí thức
       của các nước này ngày càng thiếu hụt.
Thực phẩm
Áp lực thị trường từ các nước giàu khiến cho
       sản phẩm nông nghiệp của các nước nghèo
       khó tìm ra được thị trường tiêu thụ. 
Nợ quốc tế
Làm cho các nước nghèo ngày càng nghèo hơn
       vì lợi nhuận quốc gia chẳng còn bao nhiêu
       sau khi trả tiền lời định kỳ các món nợ đã vay.
Chính sách kinh tế toàn cầu
Nhằm đáp ứng những mục tiêu kinh tế
       do các nước giàu hoạch định.
Kỹ nghệ mua bán vũ khí
Chỉ làm cho tình trạng các nước nghèo
       thêm tồi tệ vì chiến tranh.
Tìm kiếm thị trường
Khuyến khích dân nghèo tiêu thụ
       hàng hóa, sản phẩm của những nước giàu.
Sản phẩm của nước nghèo không thể cạnh tranh nổi.
Xuất nhập khẩu
Cán cân xuất nhập khẩu của nước nghèo luôn bị thâm thủng.
 
Như vậy, hệ thống kinh tế ngày nay chỉ nhằm phục vụ
       lợi ích của các nước giàu mạnh,
       khiến cho các nước nghèo khó có thể
       thoát ra cảnh nghèo đói, bất ổn vì chiến tranh.
 
Trái đất được Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người,
       chứ không phải chỉ riêng cho những kẻ giàu mạnh.
Tất cả mọi người, nhất là ở những nơi nghèo khổ,
       được quyền sống xứng đáng với phẩm giá của mình.
Và những nước giàu có phải tôn trọng quyền căn bản này của họ.
Hãy coi chừng!
Thiên Chúa đứng luôn về phía người nghèo.
 
18. Kinh tế hiệp thông
 
Để bênh vực nhân phẩm,
       bênh vực quyền lợi của người nghèo,
Hội Thánh và nhiều tổ chức từ thiện khác,
       cố gắng tìm phương cách hợp lý, hợp tình,
       giúp họ thoát ra cảnh nghèo,
       để có thể tự lực cánh sinh.
 
Phương cách này
       có tính cách khoa học và lâu bền.
Không dùng kiểu cứu trợ cấp thời,
       cho thực phẩm, áo quần… một lần rồi phủi tay.
Nhưng để tâm nghiên cứu môi trường kinh tế,
       chọn lãnh vực đầu tư, dạy nghề,
       rồi giúp vốn làm ăn lâu dài.
 
Mỗi địa phương trở thành một tổ hợp,
       cùng bênh vực và chịu trách nhiệm,
       để phát triển nghành nghề của mình,
       và huấn nghệ lại cho những người khác,
       làm nên những tổ hợp mới.
 
Đây là loại kinh tế hiệp thông.
Tuy chưa được rầm rộ phổ biến,
       nhưng mang lại một hậu quả thực dụng,
       và đầy tinh thần của Phúc Âm.
Vì trong đó,
       không có kẻ áp bức và người bị bóc lột,
       không có chủ và tớ, thợ và thầy.
Nhưng tất cả xem nhau như trong cùng một gia đình,
       cùng ý thức chia sẻ trách nhiệm,
       và bênh vực quyền lợi cho nhau.
Họ thật sự đang sống xứng với phẩm giá con người.
 
19. Chúa Kitô 
luôn lữ hành với chúng ta 

 
Chúa Giêsu mời gọi tất cả chúng ta theo Ngài.
Mỗi người được hoàn toàn tự do,
       để chấp nhận hay từ chối lời mời gọi này:
Hãy đến và theo Ta” (Mt 19, 21).   
Chắc chắn con đường theo Chúa,
       là con đường Thánh Giá “Via Crucis”,
       một con đường phiêu lưu
       không có hứa hẹn kiểu trần gian.
 
Chúa đòi hỏi chúng ta
       tin tưởng và phó thác tuyệt đối nơi Ngài.
Đây là một cuộc phiêu lưu không có điều kiện.
Đòi hỏi phải sẵn sàng hy sinh mọi sự,
       ngay cả chính mạng sống mình vì Nước Trời.
 
Trong cuộc phiêu lưu này,
       chúng ta có một địa bàn để nhắm hướng cho đúng.
Đó là Lời của Chúa.
 
Nhìn lại lịch sử của Hội Thánh,
       các Thánh Tông Đồ và tất cả các Thánh
       đã lao mình vào cuộc mạo hiểm này,
       và đã đi tới cùng nhờ nghe Lời của Chúa,
       và luôn được Chúa đồng hành:
Này Ta ở với các con mỗi ngày 
       cho đến tận thế” (Mt 28, 20)  
 
Chúa Giêsu đã hứa hiện diện với Hội Thánh.
Ngài đã thật sự thực hiện lời hứa đó.
Đã sai Thánh Thần đến nâng đỡ, soi dẫn.
Và trên hết, Ngài đã vinh thắng thế gian và ma quỷ
       bằng cuộc tử nạn và phục sinh khải hoàn của Ngài.
Đó chính là bảo đảm cho những ai
       dám liều mình phiêu lưu theo Ngài.
 
Ngày nay, Hội Thánh cũng không thiếu
       những người phiêu lưu tới cùng như thế.
Con đã dám lên đường chưa?
 
20. Không phải con, 
nhưng Chúa trong con

 
Không có cuộc phiêu lưu nào là dễ dàng cả.
Phiêu lưu theo Chúa
       lại càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Theo Chúa không phải là con đường trải thảm đỏ.
Nhưng là con đường Thánh Giá “Via Crucis”,
       con đường mà chính Chúa Kitô đã đi qua,
       trước khi khải hoàn vinh thắng.
 
Đứng trước khó khăn, nghịch cảnh dập vùi,
       nhiều lúc chúng ta hoảng sợ,
       vì thấy mình bất lực, bó tay.
Chúng ta quên mất điều quan trọng này 
       là chúng ta không phiêu lưu đơn độc,
       không hành động một mình,
       nhưng luôn có Chúa ở cùng. 
Chính Ngài bảo đảm sự thành công của chúng ta:
Chính Thầy đã chọn anh em, 
       và cắt cử anh em để anh em ra đi, 
       sinh được hoa trái, 
       và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15, 1)
 
Và các Thánh Tông Đồ cũng đã cảm nghiệm được
       sự phong phú, dư đầy vì có Chúa hiện diện:
Khi Thầy sai các anh em ra đi, không túi tiền,
       không bao bị, không dày dép, 
       anh em có thiếu thốn gì không?
Các ông đáp: “Thưa Thầy, không” (Lc  22, 35. 36)  
 
Chúng ta hoảng sợ trước sự dữ.
Đó là điều tự nhiên.
Chúa Giêsu cũng đã lo sợ trước Thập Giá.
Nhưng Ngài đã đi tới cùng và chiến thắng tất cả.
Có Chúa đồng hành,
       mọi lo âu sợ hãi sẽ biến tan,
       và tâm hồn chúng ta sẽ ngập tràn quyết tâm
       dấn thân theo Ngài đến cùng:
Khi Ngài nói chuyện 
       và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta,
       lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”
(Lc 24, 32)  
 
21. Á Phi là quê hương của Chúa Giêsu
 
Đức Thánh Cha Phaolô VI tuyên bố:
“Phi Châu là quê hương của Chúa Kitô”.
Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên viếng thăm Phi Châu.
Ngài muốn một Phi Châu được phát triển,
       không những về mặt kinh tế, xã hội,
       nhưng nhất là về tôn giáo, về đức tin nữa.
 
Á Châu và Phi Châu đều thuộc về Thế Giới Thứ Ba.
Là những quốc gia nghèo đói, chậm phát triển,
       mà ngày trước hầu hết đều bị các nước giàu có
       chiếm lấy làm thuộc địa, bóc lột, buôn bán nô lệ…
 
Nhưng Á Châu và Phi Châu
       là quê hương của Chúa Giêsu.
Trên hết, bởi vì Chúa Giêsu 
       đồng hóa mình với những người nghèo,
       với những người bị áp bức, bị bỏ rơi.
Sau nữa, như Ngài đã tuyên bố:
Ta đến để đem Tin Mừng cho người nghèo khổ, 
        giải phóng những người bị áp bức
(Lc 4, 18. 19; Mt 11, 5)
 
Nơi nào Chúa đến, Chúa sinh sống
       là quê hương của Chúa.
Chúa đã sinh ra ở nước Do Thái,
       một vùng thuộc Á Châu.
Thánh Giuse và Mẹ Maria phải đưa Ngài
       vượt biên qua Ai cập, một vùng thuộc Phi Châu,
       để khỏi bị Vua Herode tìm giết.  
Nên Á Phi là quê hương của Chúa.
 
Ngày nay, đại đa số người dân Á Phi
       vẫn còn sống nghèo vì chiến tranh,
       vì áp bức, bóc lột của các nước giàu,
       dưới những hình thức mới
       của hệ thống kinh tế toàn cầu,
       của nợ quốc tế, của kỹ nghệ mua bán vũ khí,
       của chính sách viện trợ có hậu ý…
Nhưng có một điều an ủi
       là chính mảnh đất đau thương này,
       đã được Thiên Chúa chọn, 
       để Con của Ngài xuống trần nhập thể, sinh sống,
       giảng dạy và đã chết để cứu chuộc con người.
 
Hãy làm cho Á Phi thật sự trở nên
       là quê hương của Chúa Giêsu,
       để mọi người được sống
       trong bầu khí của tự do, hòa bình,
       của yêu thương, bình đẳng, và của niềm vui 
       mà Chúa Giêsu đã khai sáng cho con người
       từ XX thế kỷ trước.
 
22. Di chúc của Chúa Giêsu
 
Di chúc là một cái gì linh thiêng
       mà một người trước khi giã từ trần gian,
       muốn để lại cho những người thân thiết của mình.
Cũng vậy, trước khi lìa đời,
Chúa Giêsu đã để lại di chúc của Ngài cho chúng ta,
       những người mà Ngài đã yêu thương đến tận cùng,
yêu thương đến nỗi hy sinh cả mạng sống mình.
Vậy Ngài đã để lại gì cho chúng ta?
Di chúc của Ngài có thể được chia làm 3 phần chính:
- Những “bảo vật” để lại 
- Những lệnh truyền phải theo
- Những lời hứa đi kèm
 
Phần một: Những “bảo vật” Ngài để lại
Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta
5 “bảo vật” vô giá:
1. Thánh Thể:
Với Thánh thể, Chúa Giêsu bảo đảm
       sự hiện diện liên tục của Ngài với chúng ta.
Ngài trở thành sức mạnh
       để giúp chúng ta đứng vững
       trước mọi khó khăn của cuộc sống.
Đây là mình Thầy, hy sinh vì anh em” (Lc 22, 19)
2. Mẹ Maria:
Ngài biết rõ chúng ta
       cần có một người mẹ để an ủi, nâng đỡ,
       nên đã trao phó Mẹ của Ngài cho chúng ta.
Này là Mẹ của con” (Ga 19, 17)
3. Sự bình an:
Ngài biết rõ tâm hồn của chúng ta
       sẽ dễ dàng bị xao xuyến, lo âu
       vì khó khăn, nghịch cảnh,
       nên Ngài để lại sự bình an cho chúng ta.
Thầy để lại bình an cho anh em,
Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14, 27)
4. Hội Thánh:
Ngài muốn chúng ta tiếp tục được yêu thương,
       trong khi thi hành sứ vụ làm chứng nhân cho Ngài.
“Simon, con ông Gioan, 
       anh có mến Thầy hơn các anh em này không?
Thưa Thầy có. 
Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21, 15-17)
5. Chức linh mục:
Vì yêu thương con người,
Ngài lập chức linh mục
       để tiếp tục thông ban ơn cứu độ
       cho con người ở mọi thời đại.
Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 
Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha.
Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ
(Ga 20, 22. 23)      

23. Chúa khuyến khích con những gì?
 
Chúa Giêsu khuyến khích các môn đệ của Ngài 
       sống bốn điều chính yếu sau đây:
1. Vững tin tuyệt đối:
Lòng anh em đừng xao xuyến,
       hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14, 1)
Lòng anh em đừng xao xuyến,
       cũng đừng sợ hãi” (Ga 1, 27)
2. Vui mừng luôn:
Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó.
Nhưng can đảm lên,
Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33)      
3. Sống nội tâm:
Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy
(Ga 15, 9) 
4. Phục vụ hết mình:
Anh em hãy rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14)
Thầy đã làm gương cho anh em,
       để anh em cũng làm như Thầy 
       đã làm cho anh em” (Ga 13, 15)                  
 
Thật ra, chính Chúa Giêsu đã sống những điều này.
Ngài hoàn toàn tin tưởng
       phó thác mọi sự vào Chúa Cha,
       ngay cả khi cảm thấy
       chương trình của Chúa Cha quá nặng nề,
       hoặc cảm thấy như thể Chúa Cha cũng bỏ rơi mình.
Lạy Cha, xin cất chén đắng này khỏi con.
Nhưng đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha
(Lc 22, 42)
Lạy Thiên Chúa của con,
       sao Ngài bỏ rơi con” (Mt  27, 46)
Ngài luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Cha:
“Ta và Cha Ta là một”
       và yêu thương phục vụ tất cả mọi người,
       nhất là những người nghèo khổ,
       bị thiên hạ khinh thường, bỏ rơi. 
 
Vì thế, khi thực hành những lời khuyên này,
       người môn đệ thật sự
       rập theo gương mẫu của Thầy mình,
       để tiếp nối sứ mạng cứu chuộc trần gian.
Không có con đường nào khác.
 
24. Chúa mong ước những gì?
 
Điều Chúa Giêsu tha thiết mong ước
       nơi các môn đệ của mình,
       là tình đoàn kết, hiệp nhất với nhau.
Con ở trong họ và Cha ở trong con, 
       để họ được hoàn toàn nên một;
       như vậy, thế gian sẽ nhận biết
       là chính Cha đã sai con
       và đã yêu thương họ 
       như đã yêu thương con” (Ga 17, 23) 
 
Thánh Phaolô,
       trong những ngày đầu tiên của Hội Thánh,
       cũng đã khuyên nhủ giáo dân mình
       hãy sống đoàn kết, hiệp nhất:
Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất 
       mà Thần Khí đem lại, 
       bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau
        (Ep 4, 3)
 
Nhìn lại Hội Thánh sau 2000 năm,
       chúng ta càng hiểu được
       tại sao Chúa đã mong ước điều này.
Chia rẽ không những gây xáo trộn
       trong nội bộ của Hội Thánh,
       nhưng còn làm mất đi hiệu năng
       của vai trò chứng nhân và công cuộc truyền giáo.
 
Sống hiệp nhất với nhau, chúng ta làm chứng
       cho sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa,
       và đồng thời mở mắt cho thế gian
       nhận biết Thiên Chúa và tình thương của Ngài.  
 
Muốn Hội Thánh được hiệp nhất,
       trước hết mỗi người chúng ta phải là
       một tác nhân của sự hiệp nhất trong gia đình,
       nơi làm việc, giữa cộng đồng chúng ta sinh sống.
Hiệp nhất không phải là
       tấm vé số độc đắc từ trời rơi xuống,
       nhưng là thành quả xây dựng
       của tất cả mọi người,
       với tất cả ý chí và nỗ lực của mình
       trong tinh thần cộng tác với ơn Chúa.
 
25. Tiêu chuẩn của tình yêu: 
yêu như Chúa

 
Giới răn yêu thương
       vẫn luôn là giới răn trọng nhất:
Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, 
       hết trí khôn và hết sức lực…
       và yêu thương người thân cận như chính mình
(Mc 12, 31)
Đó chưa phải là tiêu chuẩn của tình yêu sao?
Chúa Giêsu đã kiện toàn giới luật yêu thương này
       bằng chính cuộc sống của Ngài:
       hy sinh mạng sống mình trên Thập Giá
       để cứu nhân loại.
 
Và điều này trở thành tiêu chuẩn mới của tình yêu.
 “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, 
       là anh em hãy yêu thương nhau,
       như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34)   
Đây là điều răn của Thầy:
       anh em hãy yêu thương nhau
       như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12)  
 
Yêu như Chúa Giêsu đã yêu đòi hỏi
       vượt qua khỏi cái giới hạn “yêu như chính mình”,
       để mở rộng tới tất cả mọi người,
       kể cả những người hay dèm pha, nói xấu mình,
       những người không mấy thiện cảm với mình,
       những kẻ thù luôn rình rập làm hại mình,
       và sẵn sàng hy sinh tất cả vì họ.
 
Đây là điều mới lạ làm cho
       giới răn ngàn đời của Thiên Chúa về tình yêu
       trở thành điều răn mới.
Và đây cũng là một thách đố làm nhức nhối
       cho những ai muốn thật sự theo Đức Giêsu, vì:
Nếu anh em yêu mến Thầy,
       anh em sẽ giữ điều răn của Thầy” (Ga 14, 15) 
Không giữ được điều răn mới này,
       chúng ta chưa thật sự yêu mến Chúa Giêsu
       một cách trọn hảo.

26. Chúa truyền lệnh gì?
 
Phần hai: Những lệnh truyền phải theo
Chúa đến trần gian để cứu chuộc nhân loại,
       và Ngài muốn cho tất cả mọi người được ơn cứu rỗi.
Vì thế, trước hết, Ngài truyền cho các môn đệ
       tiếp tục rao giảng Tin Mừng cứu độ này
       cho tất cả mọi người.
Đây là sứ mệnh truyền giáo.
Anh em hãy đi 
       và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,
       làm phép rửa cho họ
       nhân danh Chúa Cha, 
Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19) 
 
Sứ mệnh truyền giáo này muốn được hiệu quả,
       các môn đệ phải trở thành
       chứng nhân đích thực của Chúa Giêsu.
Không phải chỉ bằng lời nói,
       nhưng nhất là bằng hành động cụ thể,
       bằng chính cuộc sống.
 
Phải cư xử, hành động như Chúa Giêsu.
Nghĩa là phải làm tất cả trong yêu thương,
       như chính Chúa Giêsu đang sống và hành động.
Vì thế, trở thành chứng nhân
       là mệnh lệnh thứ hai của Ngài.
Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy 
       tại Giêrusalem,
       trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri 
       và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8)    
 
Tất nhiên,
       làm chứng nhân không phải là chuyện dễ
       và việc kiên trì làm chứng nhân lại càng khó hơn.
Chúa Giêsu biết rõ điều đó hơn ai hết,
       nên Ngài truyền thêm một lệnh khác,
       để giúp các môn đệ kiên vững trong sứ mệnh.
Đó là cầu nguyện.
Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn,
       hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến
       và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21, 36)  
Đời sống chứng nhân được kiên mạnh và vững bền, 
       chính là nhờ được nuôi dưỡng
       bằng đời sống cầu nguyện.
Không cầu nguyện,
       mọi hoạt động bên ngoài cũng từ từ rã đám.
 
27. Chúa hứa những gì?
 
Phần ba: Những lời hứa đi kèm 
Để giúp chu toàn sứ mệnh rao giảng Tin Mừng,
Chúa Giêsu hứa với các mộn đệ 5 điều này:
1. Tình yêu của Chúa Cha:
Chính Chúa Cha yêu mến anh em, 
       vì anh em đã yêu mến Thầy” (Ga 16, 27)
2. Sự hiện diện của Chúa Con:
Thầy ở cùng anh em mọi ngày 
       cho đến tận thế”  (Mt 28, 20)
3. Sức mạnh của Chúa Thánh Thần:
Khi nào Thần Khí sự thật đến,
Người sẽ dẫn anh em đến sự thật trọn vẹn
(Ga 16, 13)
4. Sự sống muôn đời:
Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu,
       thì những người Cha đã ban cho con
       cũng sẽ ở đó với con” (Ga 17,  4) 
5. Không thiếu gì:
Anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa…
Anh em xin Chúa Cha điều gì, 
       thì Người sẽ ban cho anh em, nhân danh Thầy” 
(Ga 16, 23) 
 
Chúa luôn trung tín với điều Ngài đã hứa.
Đó là bảo đảm để các môn đệ
       tìm được hạnh phúc ngay trong cuộc sống trần thế,
       khi dấn thân loan truyền Tin Mừng của Chúa.   
 
28. Thành quả của việc thực hiện 
      Di Chúc Chúa Giêsu 

 
Cốt tủy của Di Chúc Chúa Giêsu
       chính là sự yêu thương: yêu như Chúa đã yêu.
Yêu thương phục vụ hết mình
       làm cho chúng ta trở thành
       môn đệ đích thực của Ngài.
Người khác sẽ nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu,
       qua đồng phục bác ái của chúng ta.
 
Yêu như Chúa Giêsu không những giúp chúng ta
       sẵn sàng hy sinh cho tất cả mọi người,
       không phân biệt, loại trừ ai, kể cả kẻ thù,
       nhưng còn thúc đẩy chúng ta yêu mến
Thiên Chúa Cha, yêu mến Mẹ Maria,
       và yêu mến Hội Thánh một cách đậm đà hơn.
Vì Chúa Giêsu cũng đã yêu mến Chúa Cha,
       yêu mến Mẹ của Ngài, và yêu mến Hội Thánh
       bằng một tình yêu tròn đầy.
 
Chính tình yêu này thôi thúc chúng ta
       đoàn kết, hiệp nhất với nhau,
       và cùng hợp sức hành động
       cho sự hiệp nhất khắp nơi.
Và cũng chính tình yêu này sẽ hướng dẫn,
       ban sức mạnh để chúng ta sẵn sàng
       lao đầu vào mọi khó khăn, nguy hiểm,
       vì xác tín rằng Chúa luôn ở với chúng ta:
Có Chúa ở cùng tôi mà bênh đỡ, tôi chẳng sợ gì.
Hỏi người đời làm chi tôi được?” “ (Dt  13, 6)
Và tin rằng chúng ta luôn được Ngài yêu mến:
Ai có thể tách chúng ta 
       ra khỏi tình yêu của Đức Kitô?
Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, 
       hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?
Nhưng trong mọi thử thách ấy, 
       chúng ta toàn thắng
Nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta
(Rm 8, 35. 37)      

29. Di chúc của Chúa Giêsu: 
nỗi thao thức của tôi

 
Con đã nếm thử những giờ phút ngao ngán nhất.
Đầu óc con không còn tỉnh táo để cầu nguyện nữa.
Trong tay con không còn một cuốn sách thiêng liêng.
Con muốn cầu nguyện lắm,
       nhưng con bất lực, suy kiệt, cùng khổ.
 
Từ vực sâu, con cám ơn Chúa đã soi sáng cho con,
       chọn một đề tài dễ nhớ, không cần sách vở.
Một đề tài thiết thân với con nhất, đơn sơ nhất.
Bất cứ lúc nào nhớ đến là tâm hồn con rạo rực lên,
       vừa khắc khoải, vừa an bình.
Suy ngắm mãi mà không cạn,
       nguyện cầu mãi mà không vơi.
Đó là di chúc của Chúa Giêsu.
Những lời tâm huyết trước lúc về cùng Chúa Cha.
 
Trong di chúc ấy, Chúa đã để lại cho con:
Thánh Thể Chúa
Mẹ của Chúa
Hội Thánh của Chúa
Chức Linh Mục của Chúa.
Bình an của Chúa
 
Chúa đã nhắn nhủ con:
Vững tin vào Chúa
Vui mừng trong đau khổ
Phục vụ hết mình
Sống nội tâm.
 
Chúa đã phó cho con sứ mạng:
Rao giảng Tin Mừng
Sống cầu nguyện
Làm chứng nhân.
 
Chúa đã tỏ cho con nguyện vọng tha thiết:
Mọi người nên một
Tiêu chuẩn của tình yêu: 
yêu như Chúa đã yêu con.
 
Chúa đã hứa cho con:
Lòng yêu thương của Chúa Cha
Sự hiện diện của Chúa Giêsu
Sức mạnh của Chúa Thánh Thần
Nước Trời
Không thiếu gì cả.
 
Từ ngày ấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào
       chỉ cần nhớ đến “Di Chúc Chúa Giêsu”
       là như một sức mạnh phi thường
       giúp con triền miên cầu nguyện
       sống và làm cho mọi người sống và thực hiện
“Di Chúc Chúa Giêsu”. 
 
30. Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm
Mẹ chúng con, Mẹ Hội Thánh

 
Vì Mẹ,
       con hành động để cứu chuộc
       tất cả các linh hồn cho Chúa Giêsu.
Nhờ Mẹ,
       con sẽ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ,
       vì Hội Thánh, công trình của Chúa Giêsu,
       vì sự hiệp nhất của Hội Thánh,
       mong muốn tha thiết của Chúa Giêsu.
Theo Mẹ,
       con muốn bất cứ điều gì Chúa muốn.
Con muốn vì Chúa muốn,
       con muốn như Chúa muốn, bao lâu Chúa muốn.
Cho Mẹ,
       con trao phó tất cả quá khứ,
       hiện tại, tương lai của con,
       ước muốn của con, hy vọng của con,
       tất cả những người thân yêu của con,
       những người thù ghét con.
       công trình của Thánh Giuse.
Mọi sự của con là của Mẹ.
Trong Mẹ,
       con cậy trông, con cầu nguyện không ngừng,
       trong tâm tình hiệp nhất với Chúa Ba Ngôi.
Như Mẹ,
       con muốn trở nên tình yêu,
       mang lại sự hiện diện của Mẹ đến khắp nơi,
       để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn,
       trong đó mọi người yêu thương nhau,
       mọi người vui hưởng hòa bình, hạnh phúc,
       một thế giới theo ý Chúa Giêsu.
Với Mẹ,
       con muốn làm cho mọi người yêu mến Mẹ,
       con khao khát yêu mến Mẹ ngày càng nhiều hơn,
       noi gương Mẹ chia sẻ lao khổ, ưu tư,
       vui buồn, đấu tranh của Mẹ
       vì Nước Trời, vì hạnh phúc của mọi người.

Tác giả: Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập729
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại948,725
  • Tổng lượt truy cập57,050,362
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây