Cầu Nguyện Hy Vọng - Tập 7

Thứ năm - 01/08/2013 09:26

-

-
Tập 7 “Cầu Nguyện Hy Vọng” gồm 31 bài suy niệm – cầu nguyện của Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận.
Cầu Nguyện Hy Vọng - Tập 7
 
Tập 7Cầu Nguyện Hy Vọng” gồm 31 bài suy niệm – cầu nguyện của Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận.
 
Bấm vào hình bên dưới để tải tài liệu về máy (tài liệu có định dạng PDF):

 
 
1. Một sự chọn lựa tuyệt đối
 
 Mọi người và mọi vật chung quanh con
       đều có vẻ đẹp và giá trị riêng.
Con không được phép khinh thường,
       bởi vì tất cả đều do chính Thiên Chúa dựng nên.
Nhưng con phải quyết định:
       chọn Thiên Chúa là Cha của con
       hay là chọn những tạo vật tốt đẹp này.
Con không thể chọn cả hai.
 
Chúa Giêsu dạy con:
Tìm được viên ngọc quý,
       người thương gia bán tất cả những gì mình có
       để mua viên ngọc ấy” (Mt 13, 46)
Nước Trời giống như viên ngọc quý đó.
Đây là một chọn lựa tuyệt đối,
       bởi vì không gì có thể so sánh với Thiên Chúa.
 
Các Thánh Tử Đạo đã chấp nhận cái chết.
Các vị Thánh khác cũng đã từ bỏ
       gia đình, quyền lực, của cải vật chất, thú vui
       vì muốn chọn một mình Thiên Chúa.
Qui non est meum contra me est” (Lc 11, 34)
Ai không đi với Ta là chống lại Ta”   
 
Sự chọn lựa này đòi hỏi con
       phải làm một cuộc giải phẫu,
       để cắt bỏ đi tất cả những cản trở,
       ngay cả những cản trở rất thiết thân với con.
Giải phẫu làm cho con đau đớn.
Nhưng nhờ đó,
       con được giải thoát khỏi mọi vướng bận
       và hoàn toàn thuộc về Chúa.

 
2. Chọn lựa vô điều kiện
 
 Điểm chính yếu trong việc chọn lựa
       là Tình Yêu Thiên Chúa.
Thiên Chúa là tuyệt đối, là tất cả.
Chắc chắn khi quyết định chọn Chúa,
       con cảm thấy phân vân
       vì bản tính tự nhiên
       thôi thúc con tìm cách giữ lại cho mình
       những gì thân thiết: gia đình, bạn bè, của cải.
Những điều này có gì xấu đâu.
Tại sao phải bỏ tất cả?
Và từ đó nổi lên trong con một sự phản kháng,
       muốn bỏ cuộc
       và tìm cách gom lại tất cả cho mình.
 
Theo Chúa là một chọn lựa vô điều kiện.
Ai yêu cha mẹ hơn Thầy,
       thì không xứng với Thầy” (Mt 10, 37)
Lời Chúa nghe sao chói tai quá,
       làm sao thực hiện được?
Nhưng với Chúa, tất cả đều có thể.
Chỉ cần con mở rộng cõi lòng đón nhận ơn Chúa,
       sẵn sàng đón nhận tình yêu của Ngài,
Thiên Chúa sẽ giúp con
       đi đến chọn lựa tuyệt đối này.
Và con sẽ ngạc nhiên khám phá ra,
       khi hoàn toàn chọn Chúa vô điều kiện, 
       khi hoàn toàn từ bỏ
       tất cả những gì thân thiết với con,
       chính Chúa lại ban cho con dư đầy.
Phàm ai bỏ nhà cửa, cha mẹ, anh chị em,
       con cái hay ruộng đất vì danh Thầy,
       thì sẽ được gấp bội và còn được
       sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Mt 19, 29)   
 
Đầu tư kiểu này quá tốt.
Chắc chắn con sẽ trúng số độc đắc.


3. Ai tách lìa ta xa Chúa đâu?
 
Điều kiện để theo Chúa là tình yêu chân thành.
Phêrô là mẫu gương rất gần gũi với chúng ta.
 
Vị Tông Đồ này tính tình nóng nảy, bộc trực,
       nghĩ gì nói đó nên đã bị Chúa khiển trách:
       “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy” (Mt 16, 23).
Phêrô cũng là người yếu đuối,
       nói thì mạnh mẽ, nhưng khi Chúa gặp khốn,
Ông lại chối Chúa những ba lần:
       “Nội đêm nay, gà chưa kịp gáy,
       thì anh đã chối Thầy ba lần” (Mt 26, 34)  
 
Nhưng với tình yêu chân thành,
Phêrô đã thống hối, trở lại.
Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 18)   
Và kể từ đó,
       không gì có thể tách Phêrô ra khỏi Chúa Giêsu.
 
Phaolô cũng đã để lại kinh nghiệm này:
Ai có thể tách chúng ta
       ra khỏi tình yêu của Đức Kitô?  
Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách,
       hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?...
Nhưng trong mọi thử thách đó,
       chúng ta toàn thắng
       nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8, 35)  
 
Và với tình yêu mến chân thành dành cho Chúa,
Phêrô và Phaolô
       đã trở thành cột trụ của Hội Thánh,
       không gì có thể lay chuyển.
 
Bao lâu con còn sợ gian truân, nghèo khổ,
       bao lâu con còn ngại hy sinh, chịu đựng…
       đó là dấu chỉ con chưa mến Chúa chân thành.

 
4. Đổi bầu khí
 
Ngày nay trên thế giới, 
       nhất là tại các nước kỹ nghệ tân tiến,
       người ta quan tâm nhiều đến vấn đề môi trường.
Chất độc thải ra từ các nhà máy, xe cộ,
       lò nguyên tử làm cho thiên nhiên, sông ngòi
       và cả không khí bị ô nhiễm.
Đứng trước nguy cơ tự hủy diệt vì ô nhiễm,
       con người tìm mọi cách
       để giữ thiên nhiên trong lành.
 
Nhưng có một loại ô nhiễm còn nghiêm trọng hơn,
       ít được con người quan tâm chữa trị.
Đó là ô nhiễm tinh thần.
Hưởng thụ vật chất bừa bãi, nghiện ngập ma túy,
       bạo lực, phá thai, ly dị, khủng bố…
       đang làm băng hoại thế giới.
 
Đời sống gia đình, học đường và xã hội
       trở thành nạn nhân của ô nhiễm tinh thần,
       vì bầu khí hận thù, chia rẽ, kỳ thị, dửng dưng,
       vì nạn nghiện ngập, văn hóa đồi trụy,
       vì đam mê vật chất, hưởng lạc,
       vì các giá trị tinh thần bị xem nhẹ…
Mức độ nguy hiểm đã đến lúc báo động.
Mỗi người chúng ta không thể làm ngơ được nữa.
Phải bắt tay làm sạch môi trường tinh thần.
 
Tương lai của nhân loại tùy thuộc
       vào sự dấn thân của mỗi người chúng ta,
       nhằm thay đổi bầu khí ngay từ bây giờ.

 
5. Hít Phúc Âm
    vào đầy buồng phổi
 


Để có thể thay đổi được
       bầu khí bị ô nhiễm tinh thần,
       trước hết mỗi người chúng ta cần phải
       hít Phúc Âm vào đầy buồng phổi của mình.
Tinh thần Phúc Âm sẽ thay đổi não trạng,
       cách suy nghĩ và hành động chúng ta
       được trong lành, khỏe mạnh.
 
Từ đó, chúng ta có thể thổi vào
       môi trường ô nhiễm chung quanh ta
       luồng gió của yêu thương, tha thứ,
       luồng gió của huynh đệ, hiệp nhất,
       luồng gió của quan tâm, phục vụ…
       biến thế giới chúng ta đang sống
       đầy tràn “bầu khí Tin Mừng”,
       đầy tràn “Thần Khí và Sự Sống”.
Với buồng phổi đầy Phúc Âm,
       chúng ta cũng có đủ can đảm và kiên nhẫn,
       để đương đầu với những thách đố, khó khăn
       và đi tới cùng
       sứ mạng lành mạnh hóa môi trường này.
 
Không cần chỉ có nguy cơ chiến tranh nguyên tử
       mới có thể tiêu diệt toàn thể thế giới.
Bầu khí ô nhiễm tinh thần ngày nay,
       nếu không tìm cách thanh luyện ngay,
       cả nhân loại cũng sẽ đến ngày tận cùng.
 
Càng ý thức điều đó,
       con sẽ thấy được sứ mạng Chúa giao cho con
       càng cấp bách và cao quý biết bao!


6. Hãy yêu mến và tự do hành động
 
Khi còn trẻ,
       nghe câu nói này của Thánh Augustinô:
       “Hãy yêu mến và tự do hành động”,
       tôi bật cười vì nghĩ một cách đơn sơ:
       cứ yêu rồi phạm tội cũng không sao?
Nhưng khi lớn lên, với suy nghĩ chín chắn,
       tôi cảm thấy câu nói này của Thánh nhân rất có lý, 
       nhưng với một ý nghĩ khác, sâu lắng hơn.
 
Khi một hành tinh trong hệ thống Thái Dương Hệ,
       di chuyển chung quanh mặt trời,
       hành tinh đó, dù di chuyển với tốc độ chóng mặt,
       cũng không đi ra khỏi quỹ đạo đã vạch sẵn.
Cũng thế, khi đã trở thành yêu thương,
       trở nên thành phần của Tình Yêu vĩnh cửu,
       người đó có thể làm bất cứ điều gì,
       nhưng không bao giờ vì vậy
       mà thoát ra khỏi phạm vi yêu thương,
       hay nghịch lại với yêu thương.
 
Điều này giúp giải thích định nghĩa
“Thiên Chúa là Tình Yêu”
       và giúp hiểu được tại sao Chúa mời gọi chúng ta
       đi vào “quỹ đạo yêu thương” của Ngài.
Lúc đó chúng ta sẽ hoàn toàn tự do.
Muốn làm gì thì làm.

 
7. Nếu bản chất là yêu thương
    hành động cũng là yêu thương

 
Nếu chúng ta thật sự trở nên yêu thương,
       chúng ta có thể làm bất cứ điều gì mình muốn,
       bởi vì chắc chắn chúng ta không đi ra ngoài
       ý định và ước muốn của Thiên Chúa.
 
Thiên Chúa và chúng ta trở thành một.
Liên kết chặt chẽ với nhau.
Ý của Ngài cũng là ý của chúng ta.
Và vì Thiên Chúa là Tình Yêu,
       nên hành động của chúng ta cũng là tình yêu.
 
Một người chồng gương mẫu,
       vừa là người cha tốt lành trong gia đình,
       thì dù có phải đi làm việc ở phương xa, 
       tình thương của người đó dành cho vợ con
       không vì thế mà giảm thiểu, phai nhạt.
Trái lại, càng sâu đậm thiết tha.
Người đó có thể làm bất cứ điều gì,
       nhưng chắc chắn luôn làm và nghĩ tưởng tới
       những người thân yêu của mình.
 
Nơi nào có tình yêu, nơi đó có tự do.
Tình yêu như làn sóng điện mạnh nhất
       liên kết ta với người ta yêu mến,
       và giữ ta mãi trong tình yêu đó.
Khiến cho tất cả hành động của ta
       vẫn luôn là yêu thương.


8. Tại sao vua chúa
     thường xây lăng tẩm vĩ đại?

 
Người du lịch, nhà khảo cổ
       thường thích thú viếng thăm những lăng tẩm vĩ đại
       của các vua chúa ngày xưa,
       đặc biệt các Kim Tự Tháp của Ai Cập.
 
Người du lịch trầm trồ
       chiêm ngưỡng vẻ đẹp nghệ thuật, kiến trúc vĩ đại.
Nhà khảo cổ đào đất
       nghiên cứu để tìm lại lịch sử, nền văn minh xưa.
Không mấy ai bỏ sức, bỏ giờ
       để tìm hiểu về cuộc sống của những vị vua
       đang nằm yên nghỉ trong những lăng tẩm đó.
 
Mà thật ra, tốt hơn là không nên tìm hiểu.
Vì thông thường, những lăng tẩm của họ
       đã được xây lên bằng xương máu
       của hàng ngàn người dân đói cơm rách áo,
       trong nhiều năm trời.
Đôi khi dài bằng suốt cả triều đại của vị vua đó.
 
Các vị vua chỉ nghĩ đến xây mộ cho mình,
       không quan tâm đến cuộc sống của người dân. Vì sao?
- Vì họ sợ thế hệ về sau không còn nhớ đến họ.
- Vì họ chẳng có gì khác để lại cho thế hệ về sau.
Họ cố gắng thu góp tất cả vàng bạc, đất đai cho mình,
       và cố sức hưởng thụ tối đa.
 
Nhưng hưởng thụ rồi cũng nhàm, cũng chán.
Kho tàng, đất đai cũng lần lượt thay chủ đổi ngôi.
Tất cả rồi cũng qua. Chẳng có gì bền vững.
Và cuối cùng chỉ còn lại buồn chán, lo sợ
       vì cái chết mỗi ngày một gần hơn.
 
Đó cũng là định mệnh của những người
       không tìm ra được ý nghĩa của cuộc sống
       trong thế giới ngày nay.

 
9. Các thế hệ sau sẽ nói thế nào?

Khi biết được những lăng tẩm của vua chúa
       được xây bằng xương máu của người dân,
       chắc chắn rất nhiều người
       thuộc các thế hệ về sau sẽ thắc mắc:
       tại sao không dùng của cải,
       tài nguyên xây lăng mộ
       để cải thiện cuộc sống của người dân?
Và như vậy, thế hệ về sau
       sẽ muôn đời nhớ đến họ.
 
Điều làm cho mọi người
       luôn nhớ đến và ngưỡng mộ
       không phải là những lăng tẩm,
       tượng đài vĩ đại bên ngoài,
       nhưng là những “tượng đài” được xây lên
       trong lòng của người dân, của mọi người,
       bằng tình yêu thương, sự quan tâm và phục vụ.
 
Chúa Giêsu không có một ngôi mộ riêng cho mình.
Ngài được chôn
       trong ngôi mộ của Giuse A-ri-ma-thê.
Nhưng Ngài vẫn sống mãi trong tâm hồn
       của hàng tỷ người thuộc mọi thế hệ,
       bởi vì Ngài là Tình yêu.
 
Mỗi ngày, con hãy sống yêu thương thật tốt.
Đừng dại dột mất thời giờ, công sức
       để thu góp của cải và xây lăng tẩm cho mình.
Tất cả những cái đó sẽ qua đi hết.
Chỉ có tình thương là tồn tại mãi.

 
10. Nấm mồ của các Thánh

Chẳng có vị Thánh nào nghĩ tới chuyện
       xây riêng một nấm mộ cho mình.
Thời Trung Cổ, một vài vị vua có thói quen
       mỗi ngày xây thêm một ít cho ngôi mộ của mình. 
Nhưng đây chỉ là hành động tượng trưng,
       nhằm nhắc nhở cho tất cả mọi người
       về ý nghĩa sự chết, về cuộc đời chóng qua,
       để hướng đến cuộc sống bất diệt đời sau.
 
Nhiều vị vua khác, thay vì xây mộ cho mình,
       họ xây trường học cho trẻ em bị bỏ rơi,
       xây nhà cho trẻ em không còn cha mẹ,
       xây bệnh viện cho người nghèo,
       xây nhà hưu dưỡng cho người già yếu,
       xây nhà thờ cho tất cả mọi người…
Họ làm tất cả vì Chúa.
Bởi vì họ nhận ra Chúa nơi người khác.
 
Họ không xây mộ cho mình,
       vì thấu hiểu được lời sách Khôn Ngoan:
       “Người đức hạnh lưu danh muôn thuở” (Kn 4, 1)
 
Cuộc sống của vua chúa, người quyền thế
       đều kết thúc trong nấm mồ.
Còn cuộc sống của các Thánh vẫn tiếp tục mãi,
       như hạt giống chết đi dưới lòng đất,
       để rồi trổ sinh thành hoa trái bội thu.
 
Người giáo dân
       muốn giữ thánh tích của các Thánh,
       vì các thánh tích
       tiếp tục giúp họ sống đạo hằng ngày,
       như khi các vị đó còn sống.
Và mỗi lần thăm viếng mộ của các Thánh,
       hay những nơi các Ngài đã sinh sống,
       chúng ta như hít vào được
       không khí của an bình, thánh thiện,
       và như thấy được
       vẻ đẹp của cuộc sống trường sinh, bất tử.
Và chúng ta tiếp tục
       cầu nguyện với các Ngài, nói với các Ngài.
 
Cái chết đã không chấm dứt được
       cuộc sống của các Thánh.
Nấm mồ chỉ là hình ảnh tượng trưng
       nhắc nhở mọi người về sự sống bất diệt nơi các Ngài.

 
11. Các Thánh vẫn tiếp tục nói với ta

Không phải chỉ chúng ta
       nói và cầu nguyện với các Thánh,
       nhưng các Ngài cũng nói với chúng ta.
 
Người ta đến Assisi, Lisieux,
      Torino, Ars, Pompei…
       không phải vì tò mò,
       muốn xem cho biết nơi đó có gì lạ,
       nhưng vì bị thu hút
       bởi cuộc sống của các vị Thánh tại đây,
       một cuộc sống tràn đầy yêu thương.
Hạnh tích yêu thương của các Ngài
       gieo vào thế giới, vẫn tiếp tục nói
       và khuyến khích con người ngày nay
       sống yêu thương với mọi người,
       tha thứ cho những người làm khổ mình,
       và dấn thân phục vụ công ích.
 
Các Thánh không bao giờ lỗi thời,
       không bao giờ già nua,
       không bao giờ trở thành đồ cổ trong viện bảo tàng,
       vì các Ngài tiếp tục mang lại sức sống,
       mang lại niềm vui và hy vọng
       cho con người ở mọi thời đại.
 
Tắt một lời, các Thánh luôn hợp thời
       vì toàn bộ cuộc sống của các Ngài
       nói về Đức Giêsu Kitô,
Đấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi.

 
12. Những người thất vọng

Hai nhân vật nổi tiếng trong lịch sử:
Thành Cát Tư Hãn của Mông Cổ,
       và Napoléon Đại Đế của Pháp Quốc.
Cả hai đã từng đánh Đông dẹp Bắc
       đưa mình tới tột đỉnh của vinh quang.
Nhưng rồi cuối đời,
       cũng như bao nhiêu nhân vật lừng danh khác,
       lại mang nỗi buồn trống vắng,
       và thất vọng ê chề đè nặng con tim.
 
Sau khi thất trận ở Waterloo,
Napoléon ngao ngán thở than,
       và mong ước xác tro của mình
       được trưng bày ở hai bên bờ sông Seine của Paris
       giữa những người dân mà ông hết lòng yêu mến.
Nhưng ước mong cuối cùng này
       cũng chẳng được toại nguyện.
 
Thành Cát Tư Hãn buồn sầu, ưu tư
       vì lo sợ thế hệ con cháu về sau của mình,
       không giữ được đất đai mà ông đã cố sức chiếm lấy.
Và thật sự Đế Quốc Mông Cổ đã từ từ sụp đổ.
Tất cả trở thành “công dã tràng”.
 
Đó chính là kết cuộc bi thảm của con người,
       giàu sang, quyền thế cũng như nghèo hèn,
       vì cái chết vô cảm chẳng ưu tiên cho người nào,
       và cũng chẳng ai có thể mua chuộc được.

 
13. Tại sao họ thất vọng?
 
Quyền thế, giàu sang
       không làm cho con người hạnh phúc.
Ưu sầu thất vọng vẫn tràn ngập tâm hồn họ.
Tại sao?
- Vì lòng tham
       bắt họ tiếp tục chạy theo quyền và của.
- Vì lo sợ người khác chiếm đoạt.
- Vì phải bỏ lại tất cả khi lìa đời.
 
Lời sách Giảng Viên trong Kinh Thánh thật đúng:
Phù vân quả là phù vân…
Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1, 2)
Sai lầm của những người này là suốt đời
       họ tìm mọi cách gom góp của cải và quyền hành,
       nhưng lại không biết thực hành yêu thương và chia sẻ.
Họ quên rằng chỉ có Thiên Chúa
       mới làm cho đời người có ý nghĩa,
       mới mang lại hạnh phúc thật cho con người.
 
Những lời đơn sơ sau đây của Thánh Têrêsa Avila,
       cho thấy đâu là con đường
       dẫn đến hy vọng và hạnh phúc:
“Không gì có thể làm cho con lo lắng, hoảng sợ
Tất cả mọi sự rồi sẽ qua hết.
Thiên Chúa không bao giờ đổi thay.
Ngài luôn kiên nhẫn…
Người nào có được Thiên Chúa,
       sẽ không thiếu gì cả.
Chỉ một mình Chúa là đủ rồi
 
Có Chúa, cuộc đời con sẽ hoàn toàn thay đổi.
Niềm vui, bình an và hy vọng sẽ tràn đầy.


14. Ai cũng thấy họ thành công
 
Người đời đánh giá sự thành công
       dựa trên của cải vật chất,
       trên danh vọng, quyền hành gom góp được.
Thực tế cho thấy,
       sự thành công “trần thế” này
       không bảo đảm cho cuộc sống hạnh phúc.
Nhiều thương gia, tài tử, ca sĩ, vận động viên...
       mặc dù đạt được đỉnh cao danh vọng
       trong nghành nghề của mình,
       tiền bạc vô như nước,
       vẫn cảm thấy cô đơn, buồn chán, thất vọng.
 
Có người tìm quên trong ăn chơi trác táng,
       trong nghiện ngập rượu chè, ma túy.
Nhưng cũng có người can đảm vứt bỏ tất cả,
       để đi tìm Chúa trong các tu viện,
       quyết tâm sống nghèo,
       không dính bén của cải, danh vọng,
       trở thành người “thất bại”, không tên tuổi.
 
Người đời xem họ như những tên “điên”, mất trí.
Nhưng họ lại cảm thấy đời mình ý nghĩa và hạnh phúc.
Họ cảm nhận lời sách Giảng Viên thật chí lý:
Nhìn vào mọi việc do chính tôi làm,
       và bao gian lao vất vả tôi phải chịu, tôi nhận thấy:
       tất cả chỉ là phù vân,
       chỉ là công dã tràng xe cát;
       dưới bầu trời, có lợi lộc gì đâu” (Gv 2, 11)
 
Những người “thất bại” này
       đã khám phá ra được một sự thật kỳ thú.
Đó là: thành công lớn nhất trong cuộc đời
       là tìm được chính Thiên Chúa. 


15. Hạt lúa không chết đi
 
Một hôm, tôi vào nhà nguyện
       của một Dòng Kín Cát-men.
Quỳ gối trước Mình Thánh Chúa,
       tôi đọc thấy dòng chữ viết trên cửa Nhà Tạm:
Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi
       thì nó vẫn trơ trọi một mình…” (Ga 12, 24)   
Trong bầu khí thinh lặng, tôi hiểu ra được
       ý nghĩa sâu xa của những lời này.
Những lời hàm ý
       về mầu nhiệm lớn nhất của đức tin:
       sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu.
 
Điều kiện của Chúa Giêsu thật quá rõ:
Nếu từ chối chết đi cho Ngài,
       chắc chắn tôi không thể được Ngài tái sinh,
       và không thể sinh hoa kết trái.
 
Càng tự cô lập, ích kỷ,
       giữ riêng tất cả mọi sự cho mình,
       cuộc đời tôi càng vô nghĩa và vô sinh,
       vì chẳng đem lại lợi ích gì cho ai cả.
 
Nhưng nếu biết chết đi cho mình,
       hy sinh phục vụ anh em, đồng loại,
       tôi không chỉ
       làm cho cộng đoàn, thế giới tốt hơn,
       nhưng chính cuộc đời tôi cũng nhờ đó
       mà trở nên ý nghĩa và đẹp hơn.


16. Hạt lúa nảy mầm

Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà chết đi,
       nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24)
Người ta thường gọi
       cuộc sống thánh hiến của các vị khổ tu
       hay trong các Dòng Kín
       là cuộc sống bị “chôn vùi”, 
       vì tách biệt ra khỏi thế giới bên ngoài.
 
Nhưng thật ra,
       họ không bao giờ bị cô lập và vô sinh.
Như hạt lúa chôn vùi xuống lòng đất và chết đi,
       các tu sĩ này cũng tự nguyện chết cho thế gian.  
Như hạt lúa nảy mầm, sinh thêm nhiều hạt khác,
       cuộc sống liên kết mật thiết với Chúa Kitô của họ,
       cũng phát sinh nhiều hoa trái tốt lành,
       làm cho Hội Thánh giữ mãi được sự trẻ trung.
 
Liên tục từ thời Chúa Giêsu và các Tông Đồ,
       các hạt giống thiêng liêng này
       vẫn tiếp tục được gieo xuống lòng đất.
Cái “gen” của hạt giống nguyên thủy là Chúa Kitô,
Đấng đã chết và sống lại,
       vẫn tiếp tục nảy mầm và sinh thêm nhiều hạt khác,
       về lượng cũng như về phẩm.
 
Người nào tình nguyện trở thành hạt giống này
       đừng lo sợ hay nghĩ ngợi mình phải như thế nào.
Chỉ cần giữ cho mình thành hạt giống chết đi,
       rồi Mặt Trời là chính Chúa
       sẽ làm cho nó nảy mầm,
       và sinh hoa kết trái như ý Ngài muốn.

 
17. Phong ba
 
Phong ba bão táp thiên nhiên vẫn luôn
       là một tai họa cho con người.
Với phương tiện khoa học kỹ thuật ngày nay,
       con người có thể biết trước được
       sự xuất hiện và sức mạnh của phong ba,
       nhưng không làm sao ngăn cản được
       sức tàn phá của nó.
 
Lịch sử nhân loại cũng đã từng thay chủ đổi ngôi
       với những trận phong ba của chiến tranh,
       hay bão táp của chính trị, kinh tế.
Biết bao nhiêu thể chế, cơ cấu văn hóa,
       chính trị, xã hội đã lần lượt biến mất.
 
Vậy mà Hội Thánh vẫn tồn tại mãi
       suốt 2000 năm nay.
Không phải vì cơ cấu tổ chức Hội Thánh
       chặt chẽ, vững chắc hơn,
       hay có người lãnh đạo giỏi hơn
       hoặc ít bị sóng gió hơn.
 
Lịch sử Giáo Hội cho thấy,
       phong ba bão táp bên ngoài
       và khủng hoảng, chia rẽ nội bộ bên trong,
       không ngừng đánh phá Hội Thánh.
Nhưng Hội Thánh vẫn đứng vững chỉ vì
       đây là công việc của Chúa,
       chứ không phải việc của con người.
 
Hội Thánh như một cây cổ thụ,
       có thể bị phong ba bão táp
       làm cho rụng lá, gãy cành,
       nhưng vẫn luôn đứng vững.
Và một khi trời yên gió lặng,
       cây lại đâm chồi nẩy lộc,
       lá cành lại tươi tốt hơn.
 
Chính Chúa đã hứa như lời bảo đảm
       cho sự trường tồn của Hội Thánh:
Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy
       và quyền lực tử thần sẽ không thắng nỗi” (Mt 16, 18)
Con phải ý thức điều đó để luôn vững lòng cậy trông.

 
18. Đứng vững giữa phong ba

Hội Thánh đứng vững giữa phong ba
       là một dấu chỉ và là bằng chứng
       cho sự hiện diện đầy năng động của Thiên Chúa
       trong toàn bộ đời sống của Giáo Hội. 
Chúa Giêsu không hứa cho Hội Thánh
       khỏi bị khó khăn, thách đố,
       nhưng hứa rằng Ngài sẽ ở với Hội Thánh luôn mãi:
Thầy sẽ ở với các con mọi ngày
       cho đến tận thế” (Mt 28, 20)
Và điều này rất ý nghĩa,
       vì Chúa sẽ luôn hiện diện trong Hội Thánh;
       sự thương khó và phục sinh của Ngài
       vẫn tiếp tục ở trong Hội Thánh.
 
Chúa Giêsu không cản ngăn phong ba.
Trái lại, Ngài để cho phong ba hoành hành
       như cơ hội để Hội Thánh thanh luyện
       và làm chứng về Ngài.
 
Chúng ta tìm thấy điều này
       trong các sách Ông Gióp, sách Tiên Tri Đa-ni-en,
       trong các câu chuyện về ông Giuse,
       về bà Susana, về ông Tobia.
Trong hầm sư tử, Đa-ni-en đã làm chứng:
Thiên Chúa của thần đã sai thiên sứ
       đến khóa hàm sư tử khiến chúng không hại được thần,
       bởi vì trước mặt Người,
       thần được nhìn nhận là vô tội” (Đn 6, 21-24)
 
Phong ba từ những ngày đầu của Hội Thánh sơ khai,
       đã mang hạt giống đức tin từ Giêrusalem
       đến khắp mọi vùng lân cận.
Phong ba ở các Hội Thánh khắp nơi trên thế giới
       ngày xưa cũng như ngày nay
       tiếp tục gieo rắc Tin Mừng đến mọi nơi.
 
Dưới cái nhìn đức tin,
       phong ba chính là mùa gieo hạt giống.
Chắc chắn mùa gặt sẽ bội thu.

 
19. Chậm rãi đâm mầm
 
Hạt giống gieo xuống lòng đất,
       không phải một sớm một chiều
       là có thể thu gặt hoa trái.
Nó cần phải được chết đi,
       chịu ảnh hưởng tác động của mưa gió,
       của mặt trời, khí hậu,
       và sức lao động của con người,
       rồi mới từ từ đâm chồi, nẩy lộc,
       trở thành cây và sinh hoa trái.
 
Cũng vậy, kết quả của phong ba trong Hội Thánh
       con người không thể thấy ngay được.
Cần có thời gian để hạt giống thiêng liêng này
       từ từ đâm mầm và lớn lên.
Đây là một tiến trình chậm rãi, âm thầm,
       không có thời gian cố định như hạt giống tự nhiên,
       dễ làm lầm tưởng đã thất bại hoàn toàn.
 
Nhưng giống như cuộc đời của Chúa Giêsu,
       cũng xem ra thất bại ê chề
       qua cái chết nhục nhã trên cây thập giá,
       hạt giống đức tin cũng chậm rãi đâm mầm,
       rồi lớn lên một cách mạnh mẽ,
       không gì có thể cản ngăn được
       như cuộc phục sinh khải hoàn của Chúa Kitô.

 
20. Không có rễ
 
Có hạt rơi trên nơi sỏi đá, cũng mọc lên.
Nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy.
Và vì thiếu rễ nên bị chết khô” (Mt 13, 6)  
Còn kẻ được gieo trên nơi đá sỏi,
       là kẻ nghe Lời liền vui vẻ đón nhận.
Nhưng nó không đâm rễ mà chỉ là kẻ nhất thời.
Khi gặp gian nan, ngược đãi vì Lời,
       nó vấp ngã ngay” (Mt 13, 21) 
 
Không phải hạt giống nào cũng sinh hoa kết trái.
Chỉ những hạt đủ sức vươn tới cùng
       mới có thể sinh thêm nhiều hạt khác.
Kết quả này tùy thuộc vào
       điều kiện đất đai được gieo trồng
       và khí hậu thuận tiện.
Chỉ những hạt giống bám rễ sâu vào mảnh đất tốt
       mới vươn lên thành cây và trổ sinh hoa trái. 
Cũng thế, người chỉ nghe Lời Chúa thôi
       không đủ để đem lại thành quả tốt đẹp,
       dù đón nhận cách vui vẻ, sốt sắng.
Vì Lời Chúa như hạt giống chưa hội đủ điều kiện
       để bám rễ sâu vào tâm hồn và cuộc sống của họ.
Nên khi gặp thử thách,
       đức tin của họ sẽ tàn lụi ngay.
 
Con chỉ có thể trở thành một cây xanh tươi
       nếu con biết kiên trì thực hành Lời Chúa
       trong cuộc sống của mình.

 
21. Thiếu cái gì?
 
Tại sao Lời Chúa như hạt giống
       chưa đâm rễ sâu vào tâm hồn người nghe?
Vì thiếu đời sống nội tâm, cầu nguyện.
Vì không có đức tin sâu đậm.
Vì không biết thực hành đức ái
       và các đòi hỏi khác của Tin Mừng.
Họ sống đạo một cách hời hợt bên ngoài.
Đi lễ, đọc kinh và làm các việc đạo đức khác
       như một thói quen,
       như một kiểu thời trang trình diễn.
Nên khi khó khăn ập đến,
       họ dễ dàng tháo chạy, bỏ cuộc, đầu hàng.
 
Lời Chúa, đức tin như hạt giống
       cần phải được đâm rễ sâu.
Nhưng đâm rễ ở chỗ nào?
Trước hết trong Đức Kitô:
Anh em hãy đâm rễ sâu và xây dựng đời mình
       trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu” (Col 2, 7)
Và trong việc bác ái:
Xin cho anh em được bén rễ sâu
       và xây dựng vững chắc trong đức ái” (Eph 3, 17) 
 
Một khi đã bám rễ sâu
       trong Đức Kitô và lòng mến,
       hạt giống thiêng liêng của chúng ta
       chắc chắn sẽ lớn lên
       dù có gặp phải phong ba bão táp,
       hay nắng cháy, khô cằn tấn công tứ phía.


22. Từ một hạt lúa
 
Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi,
       thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi,
       thì nó mới sinh nhiều hạt khác” (Ga 12, 24)   
Chúa Giêsu chính là hạt giống
       được Thiên Chúa Cha vì lòng thương,
       đã gieo vào thế giới,
       nhờ đó chúng ta được tái sinh.
Cũng vì yêu thương, Chúa Giêsu đã chết đi
       để ban cho chúng ta sự sống.
 
Đây là một niềm vui lớn lao
       và cũng là một trách nhiệm cao cả, khi chúng ta
- trở nên con của Cha trên trời
- trở nên anh em của Chúa Giêsu
- trở nên giống như Chúa Giêsu.
Muốn giữ được niềm vui và chu toàn trách nhiệm,
       chúng ta cần phải biết sống như Chúa Giêsu,
       và cũng biết chết như Ngài.
 
Số phận của hạt giống
       là để chết đi để đâm chồi nẩy lộc.
Nếu chúng ta sẵn sàng chấp nhận chết đi,
Thiên Chúa Cha cũng sẽ gieo chúng ta vào thế giới,
       như đã gieo hạt giống nguyên thủy là Chúa Giêsu,
       để chúng ta sinh thêm nhiều hạt khác.
 
Điều quan trọng là chúng ta có chấp nhận
       chết đi cho chính mình, và chết đi cho Ngài
       để trở thành hạt giống tốt hay không?

 
23. Đừng đùa giỡn
      với phần rỗi của mình

 
Giàu có không phải là cái tội.
Hơn nữa, Thiên Chúa còn muốn chúng ta
       được cuộc sống sung túc, tốt đẹp ở trần gian.
Vì thế, chúng ta nỗ lực làm việc, lao động
       nhằm cải thiện cuộc sống của chúng ta
       và giúp cộng đồng,
       giúp xã hội thoát ra cảnh nghèo đói.
 
Giàu có sẽ trở thành tai họa cho mình,
       khi sự tham lam của cải trở thành thần tượng,
       khiến mình bị nô lệ hoàn toàn
       và không còn biết quan tâm đến người khác.
Chúa Giêsu đã cảnh cáo:
Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn
       người giàu có vào Nước Trời” (Mt 19, 24)
 
Kẻ trộm cắp
       là người lấy của người khác cách bất công.
Người “giàu có”,
       tham lam của cải cũng sẽ thành kẻ trộm cắp
- khi bóc lột sức lao động,
       bóc lột thời giờ của người làm công,
- khi ngoảnh mặt làm ngơ
       trước cảnh nghèo khổ của anh em. 
 
Tài nguyên, của cải vật chất
       là dành để cho mọi người,
       không phải chỉ cho những người mạnh, người tài
       hay người đã giàu sẵn từ đời cha ông.
Tất cả đều thuộc về Chúa.
Ngài muốn những người nghèo khổ
       cũng được sống đầy đủ,
       xứng đáng với phẩm giá con người.
 
Đừng tưởng rằng cứ nhắm mắt, làm ngơ giả điếc
       trước tiếng rên la của người nghèo khổ,
       là con có thể ăn ngon, ngủ yên
       trong sự sung túc của mình.
Con đang giỡn chơi với phần rỗi của mình.
Vì người nghèo chính là Chúa.

 
24. Thái độ rõ rệt của Chúa Giêsu
 
Chúa Giêsu đặc biệt thương những ai nghèo đói.
Và nghèo đói đã trở thành một mối phúc thật
       để được vào Nước Trời:
Phúc cho anh em
       là những kẻ bây giờ đang phải đói,
       vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng
        (Lc 6, 21)
Trái lại,
       giàu có trở thành một mối họa phải coi chừng:
Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có,
       vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.
Khốn cho các người,
       hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê,  
       vì các ngươi sẽ phải đói” (Lc 6, 24. 25)   
 
Những người tội lỗi có lòng thống hối
       như người đàn bà ngoại tình,
       như Madalena, như người đàn bà Samaritana,
       như tên trộm lành bên hữu cây thập giá...
       được Chúa Giêsu tha thứ ngay lập tức.
 
Nhưng đối với người giàu có,
       sự tha thứ lại đi liền
       với điều kiện công bằng và bác ái.
Da-kêu thành tâm nói với Chúa:
Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi,
       tôi cho người nghèo;
       và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì,
       tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19, 8)  
 
Yêu mến người nghèo khổ
       là điều kiện để được Chúa xót thương.
Bao lâu còn yêu mến của cải, giàu sang
       con người không thể yêu mến Thiên Chúa:
Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa
       vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16, 13)
 
Và điều cuối cùng nhưng rất quan trọng   
       là Thiên Chúa đồng hóa mình với người nghèo khổ:
“Vì khi Ta đói, các ngươi đã cho ăn,
Ta khát, các ngươi đã cho uống…”(Mt 25, 35-40)
Con đã có thái độ
       và cách sống rõ rệt như Chúa chưa?


25. Ai giàu?
 
Rất nhiều lần chúng ta chẳng mấy quan tâm
       đến những lời Chúa nói về tai họa của sự giàu có,
       hoặc vì chúng ta đã khấn khó nghèo,
       hoặc chúng ta đang sống trong cảnh nghèo thật sự,
       không có công ăn, việc làm.
Chúng ta nghĩ những lời này ám chỉ đến ai khác
       chứ không phải cho chúng ta, nên rất bình thản.
 
Thật ra, giàu có bao gồm
       không những chỉ trong phạm vi vật chất,
       nhưng ngay cả trong
       phạm vi trí thức và thiêng liêng nữa.
Giàu có là chiếm hữu một cái gì đó thành của mình,
       và gắn bó với vật hay điều mình chiếm hữu.
Có thể đó là một đồ dùng, một tiện nghi vật chất.
Có thể đó là một kiến thức hiểu biết.
Có thể đó là một tình trạng,
       một mức độ trong đời sống thiêng liêng.
Nếu một người cứ bám víu vào đó,
       không chừa chỗ cho ơn Chúa
       và tác động của Chúa Thánh Thần,
       người đó chính là người giàu có.
 
Ngay cả những người sống nghèo thật sự,
       nhưng lại ganh tỵ với người giàu,
       hoặc khó chịu vì người khác
       không sống nghèo như mình,
       người đó vẫn là người giàu có.
Con thử xét xem có phải
       mình là người đang giàu có hay không?


26. Tôi là một người giàu có  
 
Con phải xét mình thật kỹ,
       vì giàu có được mang nhiều bộ mặt khác nhau:
 
- Giàu có vật chất khi mình còn dính bén
       với những tiện nghi, hay vật dụng
       mà mình xem như là “quyền lợi” của mình,
       buộc người khác,
       hay cộng đoàn mình đang sinh sống
       phải tôn trọng và cung cấp cho mình.
Kiểu nghèo của mình
       chắc đang làm cho rất nhiều người thèm muốn.
 
- Giàu có trí thức khi mình tự thỏa mãn
       với những kiến thức hiểu biết của mình,
       và khép chặt cửa lòng lại.
Không muốn san sẻ cho ai
       và cũng không muốn nghe người khác.
Kiểu giàu có trí thức này
       khiến cho sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần
       cũng hết đường len lỏi vào tâm hồn của ta được.
 
- Giàu có thiêng liêng khi mình tự hào
       về cách sống đạo của mình,
       như người Pha-ri-sêu cầu nguyện trong đền thờ:
Lạy Chúa! Con tạ ơn Chúa
       vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính,
       ngoại tình, hay như tên thu thuế kia.
Con ăn chay mỗi tuần hai lần,
       con dâng cho Chúa
       một phần mười thu nhập của con” (Lc 18, 11. 12)
Đã quá trọn lành như vậy thì đâu cần ơn Chúa nữa.
 
- Giàu có tình cảm khi mình đóng kín
       mối liên hệ thân thiết chỉ trong phạm vi
       những người mình yêu mến,
       hoặc trong dòng tộc, bạn bè,
       hay những người hợp “rơ” (jeu) với mình.
Chúa Thánh Thần Tình Yêu,
Đấng mời gọi mở rộng con tim,
       không tìm ra được chỗ trong trái tim của mình nữa.
 
- Giàu có thế lực chính trị khi mình tìm mọi cách
       để đánh bóng tên tuổi và sự nghiệp của mình, 
       nhằm gây ảnh hưởng trên người khác.   
Chúa Thánh Thần mất luôn việc cố vấn.
 
- Giàu có xã hội khi mình quá thỏa mãn
       với sự khôn ngoan và cách xử thế của mình,
       đang làm cho nhiều người phải kính phục, tôn trọng.
Mình tìm vinh danh mình,
       chứ không phải vinh danh Chúa.
 
- Giàu có vì nghèo khổ khi mình quá đề cao
       cuộc sống nghèo vật chất,
       hay những đau khổ mình đang gánh chịu.
Suốt ngày luôn thở than
       để được người khác cảm thông hoặc khâm phục.
Chúa Thánh Thần của niềm vui và an bình
       cũng đành bó tay chịu thua.
 
Con vẫn là người giàu có, vì con
       chưa bị đóng đinh vào thập giá như Chúa Giêsu.
Ngài đã mất tất cả mọi sự giàu sang trần thế:
       vật chất, thế lực chính trị, xã hội...
Đúng hơn, Ngài đã cho tất cả vì Nước Trời,
       vì tình yêu bao la dành cho mọi người,
       kể cả những kẻ đóng đinh Ngài.
 
Nhìn vào Thánh Giá của Chúa Giêsu,
       con sẽ học được thế nào là nghèo khó chân thật.


27. Ai vào được Thiên Đàng?
 
Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn
       người giàu có vào nước Thiên Chúa” (Mt 19, 24)
Nghe những lời này,
       các Tông Đồ thật sự hoang mang:
Thế thì ai có thể được cứu?” (Mt 19, 25)
Ngay cả chúng ta cũng phản ứng như thế.
Nhưng may mắn thay, câu trả lời của Chúa thật rõ:   
Đối với loài người thì điều đó không thể được,
       nhưng đối với Thiên Chúa
       thì mọi sự đều có thể” (Mt 19, 26) 
Chỉ có một cách thôi.
Đó là do quyền năng và sự cứu rỗi của Chúa.
Thiên Chúa muốn tất cả đều được cứu rỗi.
Nhưng Thiên Chúa không thể cứu rỗi chúng ta,
       nếu chúng ta không tự do cộng tác với Ngài.
 
Ơn cứu độ của Chúa luôn dư tràn
       và sẵn sàng tuôn đổ xuống cho con người.
Quan trọng là con người có thật sự muốn
       và quyết tâm chuẩn bị tâm hồn, 
       để đón nhận ơn của Chúa hay không.
 
Nhưng muốn đón nhận ơn cứu rỗi chỉ là bước đầu.
Làm sao để ơn Chúa tác động một cách hữu hiệu,
       đòi hỏi mỗi người phải kiên trì canh tân cuộc sống
       cho phù hợp với ơn Chúa thương ban.
Để cứu rỗi con, để con được vào Thiên Đàng
Chúa cần sự quyết tâm và ý chí của con.


28. Con sẽ vào Thiên Đàng

Chắc chắn con sẽ vào Thiên Đàng,
       nếu con biết cộng tác với ơn Chúa ban cho con.
Nhưng cộng tác bằng cách nào?
- Hãy trở thành người nghèo khó của Tin Mừng
       để ơn Chúa tự do hành động.
- Hãy thực hiện ý muốn của Thiên Chúa
       để làm một cuộc đổi đời.
 
Người thanh niên giàu có trong Phúc Âm
       đã giữ trọn lề luật Môisen,
       nhưng lại chưa đủ can đảm từ bỏ của cải,
       để trở thành người nghèo của Tin Mừng,
       nên không thể làm cuộc đổi đời,
       đáp lại trọn vẹn lời mời gọi của Chúa:
       “Hãy theo Ta” (Mt 19, 16-22)
 
Vào Nước Trời không phải là chuyện dễ dàng.
Vé vào Nước Trời không thể mua bằng tiền của,
       bằng mánh lới của sự khôn ngoan thế gian,
       hay bằng việc đút lót các thần thánh.
Nhưng tất cả tùy thuộc vào nỗ lực
       con đáp trả lời mời gọi của Chúa,
       sử dụng ơn Chúa ban,
       để tiến lại gần Chúa và gần gũi với anh em.
Như vậy, cửa Thiên Đàng sẽ rộng mở cho con.

 
29. Người giáo dân trưởng thành
 
Đời sống con người là một cuộc đấu tranh.
Đấu tranh giữa điều tốt và điều xấu.
Trong cuộc chiến này,
       có người luôn đứng tiên phong,
       nhưng cũng có lắm kẻ tìm cách đứng núp đàng sau.
Có người lợi dụng sự hy sinh của kẻ khác,
       nhưng cũng có người
       can đảm hy sinh mạng sống vì anh em.
Đây mới thật sự là người giáo dân trưởng thành. 
 
Chúa Giêsu luôn là người tiên phong: “Hãy theo Ta”
Ngài không mị dân, hứa hẹn cuộc sống sung túc,
       đầy quyền hành cho những ai theo Ngài.
Trái lại,
       chính Ngài làm gương tiên phong trong hy sinh
       và chỉ cho thấy đi tiên phong là chấp nhận
       mạo hiểm, luôn cảnh giác, làm việc không ngừng,
       gặp nguy hiểm và ngay cả có thể bị thiệt mạng,
       để mang lại chiến thắng cho sự thiện.
 
Theo gương Ngài, suốt 2000 năm,
       biết bao nhiêu người cũng đã đi tiên phong
       chấp nhận mọi nguy hiểm và ngay cả mạng sống
       để cải thiện cuộc sống con người
       và làm cho thế giới được tốt đẹp hơn.
 
Con đã đủ can đảm để đứng hàng đầu
       trong mặt trận chống lại sự dữ này chưa?

 
30. Mặt trận của con
 
Song song với việc sống và rao giảng Tin Mừng,
       cuộc chiến đấu chống lại sự dữ đòi hỏi con
       biết dấn thân vào mặt trận phát triển.
Mặt trận này bao gồm nhiều lãnh vực:
       kinh tế, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, chính trị,
       văn hóa, giải trí...
Nhờ đó, mọi người được sống cách xứng đáng
       với phẩm giá của con người như lời Chúa phán:
Ta đến để cho chúng được sống,
       và sống dồi dào” (Ga 10, 10)
 
Khi dấn thân vào mặt trận này,
       con cũng đồng thời mang vào môi trường sống
       những giá trị về công bằng, tự do, hòa bình,
       về sự thật và tình huynh đệ chân thành,
       nhờ đó cuộc sống trở nên nhân bản hơn. 
Môi trường sống bao gồm phạm vi gia đình,
       làng xóm, công xưởng làm việc,
       lãnh vực truyền thông: sách vở, báo chí,
       truyền thanh, truyền hình, phim ảnh
       và ngay cả phạm vi chính trị nữa.
 
Theo gương Chúa Giêsu,
       con dấn thân, đấu tranh
       với tình thương và con tim của chính Ngài:
Thầy chạnh lòng thương đám đông” (Mc 8, 2)  
       và nhận ra Ngài nơi những người nghèo đói,
       bị áp bức, lợi dụng, coi thường…
       để không những giúp con người
       sống xứng đáng với phẩm giá,
       nhưng còn nhờ đó giúp họ nhận ra
       một sự thật giải phóng toàn diện là:
Nước Thiên Chúa đã ở giữa các ngươi” (Lc 11, 20)
 
Sứ mạng này được Chúa giao cho con thực hiện,
       không phải chỉ trong
       một thời gian và không gian cố định,
       nhưng “khắp tứ phương thiên hạ,
       loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15)

Con đừng sợ, đừng hoảng hốt vì Chúa đã hứa:
Thầy ở với các con mọi ngày
       cho đến tận thế” (Mt 28, 20)

 
31. Tội của dân tộc
 
Hơn bao giờ hết,
       bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền
       của Liên Hiệp Quốc được nhiều quốc gia công nhận,
       và được nhắc đi nhắc lại liên tục khắp nơi.
Nhưng điều đáng buồn là rất nhiều nơi trên thế giới,
       con người vẫn tiếp tục bị áp bức,
       và những quyền căn bản vẫn bị chà đạp trắng trợn.
Thế giới vẫn còn đầy dẫy tình trạng khủng bố,
       chế độ độc tài, hay chính quyền tham nhũng, thối nát,
       làm cuộc sống của người dân ngày càng thê thảm.
 
Nhiều người cảm thấy chán nản, thất vọng,
       hết muốn tiếp tục
       bênh vực quyền lợi của con người,
       vì chẳng thấy kết quả gì cả.
Họ nhắm mắt lại để được yên thân. 
 
Nhưng làm sao có thể yên được
- khi một phần tư dân số thế giới
       sống trong cảnh cùng cực.
- khi một nửa nhân loại với bụng đói triền miên
- khi một phần tư khác
       bị bỏ rơi không ai quan tâm đến.
 
Làm sao có thể yên được
       khi lợi tức trung bình
       của một người dân thuộc các nước văn minh,
       lại cao hơn 40 lần ở các nước nghèo đói.
 
Làm sao có thể yên được
- khi 500 triệu người trên thế giới không đủ ăn
- khi mỗi năm có khoảng 15 triệu em bé dưới 5 tuổi,
       nghĩa là mỗi ngày có 41.000 em,
       mỗi phút có 28 em, phải chết vì đói ăn
       hoặc mắc phải những chứng bệnh rất thường
       không đáng chết chút nào.
 
Thật tương phản làm sao!
Tương phản vì tình trạng giàu-nghèo trên thế giới
       còn quá cách biệt.
 
Tương phản vì chính chúng ta đã không làm gì cả,
       hay không làm hết mình
       để cải thiện cuộc sống của họ.
 
Tương phản vì các nước giàu có
       đã phí phạm quá nhiều thức ăn,
       trong khi nhiều người nghèo
       không có gì bỏ vào bụng cho đỡ đói.
 
Tương phản vì trong khi hàng triệu người
       ở các nước nghèo không đủ ăn,
       và chỉ mong nhận được một phần nhỏ 
       trong ngân sách quốc phòng,
       chế tạo vũ khí của các nước giàu,
       để phát triển kinh tế giúp thoát ra cảnh nghèo,
       nhưng chẳng ai cho.
 
Tương phản vì các nước giàu
       tiếp tục xúi giục chiến tranh,
       để bán vũ khí cho các nước nghèo,
       làm cho cuộc sống người dân ngày càng khốn khổ.
 
Tương phản vì các nước giàu
       vẫn bao che những chế độ độc tài,
       để kiếm lợi qua việc bán vũ khí,
       khai thác tài nguyên,
       thay vì cổ võ nhân quyền, tự do, bình đẳng.
 
Đừng tưởng rằng chỉ cần
       thí cho các nước nghèo một số tiền viện trợ
       hay hé mở hầu bao bố thí cho kẻ nghèo một ít
       là được yên thân.
Bao lâu sự bất công và tương phản này chưa chấm dứt,
       các nước giàu có còn phải chịu trách nhiệm.
Đó không còn là chuyện cá nhân,
       nhưng đã trở thành “tội” của dân tộc,
       tội của những nước giàu có.

Thiên Chúa luôn đứng về phía người nghèo.
Con không thể ngoảnh mặt làm ngơ.

Tác giả: Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập719
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm717
  • Hôm nay124,086
  • Tháng hiện tại1,036,350
  • Tổng lượt truy cập57,137,987
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây