Cầu Nguyện Hy Vọng - Tập 10

Thứ năm - 28/11/2013 09:26

-

-
Tập 10 “Cầu Nguyện Hy Vọng” gồm 31 bài suy niệm – cầu nguyện của Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận.
Cầu Nguyện Hy Vọng - Tập 10
 
Tập 10 “Cầu Nguyện Hy Vọng” gồm 31 bài suy niệm – cầu nguyện của Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận.
 
Bấm chuột vào hình để tải tài liệu về máy (tài liệu có định dạng PDF):

 

1. Như Thầy
 
Tất cả chúng ta là những người tội lỗi, yếu đuối;
       lại không phải là những nhà trí thức thông thái,
       nên Chúa Giêsu biết rõ, với sức con người,
       chúng ta khó lòng thực hiện được cách trọn hảo,
       những điều Ngài chỉ dạy chúng ta.
 
Thật ra, chỉ có Chúa mới là Đấng Trọn Hảo.
Vì thế, Ngài chỉ cho chúng ta
       một lời khuyên thật hay,
       và cũng thật đơn giản, dễ hiểu để sống. Đó là:
Hãy làm với tất cả cố gắng và tình thương mến
       để nên giống như Ngài.
 
Với trí óc nhỏ bé,
       tôi chỉ hiểu được “giống như Ngài”
       một cách đơn sơ như sau:
Đối tượng chọn lựa:
       chính con người cụ thể của Chúa Giêsu
Cách thức hành động:
       theo cách Chúa Giêsu đã làm,
       mong ước và khuyên bảo.
Đó cũng là cách thức duy nhất
       làm Chúa Cha hài lòng.
Cấp độ hành động:
       không có thước đo, giới hạn.
Vì như vậy mới xứng đáng
       cho một Thiên Chúa toàn năng
       và đáng yêu vô cùng.
Chiều kích hành động:
       làm thế nào để hành động có được
       giá trị cứu độ như cuộc đời của Chúa Giêsu.
 
Như giới trẻ ngày nay
       thường bắt chước “Mô-đen” của mình,
       từ cách ăn mặc, lời nói, cử chỉ, điệu bộ….
       để nên giống “Mô-đen” thần tượng của mình.
Cũng vậy, muốn “Giống như Chúa”,
       chúng ta cũng phải chuyển hướng
       tư tưởng, lời nói, hành động của chúng ta
       theo “Mô-đen Giêsu”: Làm tất cả
       trong yêu thương vô điều kiện như Ngài.
Yêu “Như Thầy”
       vượt  qua lằn mức “yêu như chính mình”
       của giới răn trọng nhất, để trở thành tuyệt hảo:
“Yêu người khác hơn cả chính bản thân mình”.


2. Như ý Chúa Giêsu
 
Sinh hoạt của một đời người
       bao gồm nhiều khía cạnh, lãnh vực.
Tất cả mọi nhu cầu, từ vật chất như ăn uống,
       ngủ nghỉ, giải trí, đến nhu cầu thiêng liêng
       như cầu nguyện, thờ phượng,
       và cả công ăn việc làm, tương quan tình cảm,
       liên hệ gia đình, làng xóm, xã hội...
       làm nên cuộc đời của mỗi người.
 
Để được “giống như Chúa”,
       trọn cuộc đời chúng ta phải “như ý Chúa”.
Không phải chỉ trong một vài khía cạnh,
       một vài lãnh vực của cuộc sống,
       hay trong phạm vi giới hạn của thời gian.
Nhưng phải hoàn toàn.
Phải là tất cả một cách trọn vẹn.
 
Đừng phân chia cuộc đời
       như những phần của một chiếc bánh,
       để cho Chúa phần này và giữ lại phần kia.
Từ từ, con sẽ lấy luôn phần đã chia cho Chúa.
Lúc đó, tất cả cuộc đời con
       sẽ chẳng còn phần nào “như ý Chúa”,
       mà tất cả sẽ “như ý con”.
 
Con không những đánh mất tương giao với Chúa,
       nhưng còn phá đổ tương quan với mọi người,
       vì con chỉ nghĩ đến mình con, 
       đến quyền lợi của riêng con...
Con trở thành ích kỷ, kiêu căng,
       độc tài, tham lam...
Mà Nước của Chúa
       lại không có những hạng người này.
Con thật vô phúc!


3. Trong tất cả mọi hành động
 
Trong kinh Lạy Cha,
Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu xin:
“Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời”.
 
Làm sao “Ý Cha” thể hiện được,
       khi cuộc đời chúng ta còn có nhiều mâu thuẫn.
Lời nói thì ngọt ngào,
       nhưng hành động lại xấu xa.
Cử chỉ bên ngoài thì đầy yêu thương,
       nhưng tâm trí bên trong
       lại đầy căm thù, ghen ghét.
Vào nhà thờ thì kinh kệ sốt sắng,
       nhưng ra đến cửa nhà thờ
       lại sẵn sàng sừng sộ với anh em,
       tụm ba tụm bảy nói hành, nói xấu người khác..
 
“Ý Cha” trong cuộc đời con,
       chỉ còn sót lại trên miệng lưỡi,
       trong cử chỉ giả dối “lòe thiên hạ” bên ngoài. 
Và chính Chúa cũng đã bị con
       xiềng chặt trong nhà thờ,
       để bên ngoài con tự do thao túng theo “ý con”.
 
Theo Chúa để thể hiện “Ý Cha”
       phải bao trùm toàn bộ cuộc đời của con.
Bắt đầu từ chính tâm hồn, tâm trí của con.
Cách suy nghĩ của con, phán đoán của con,
       quyết tâm của con phải thuộc về Chúa.
Từ đó, mọi lời nói, phản ứng
       và hành động của con
       mới có thể đồng nhất với nhau
       và làm thể hiện được “Ý Cha”
       theo gương mẫu “Mô-đen” tuyệt vời của Chúa Giêsu,
Đấng luôn luôn thực hiện thánh ý Chúa Cha.


4. Như Chúa Giêsu đã làm
 
Cuộc sống của Chúa Giêsu
       được tóm tắt vào hai chữ yêu thương.
Ngài yêu thương Chúa Cha hết mình.
Hoàn toàn vâng phục ý của Cha cho đến chết.
Ngài cũng yêu thương tất cả mọi người,
       không loại trừ ai, kể cả những kẻ làm khổ mình.
Hành động của Ngài, lời Ngài giảng dạy,
       và cả cái chết của Ngài trên thập giá,
       đều nói lên sứ điệp yêu thương này,
       sứ điệp làm nên bản tính của Thiên Chúa: Tình Yêu.
 
Yêu thương trở thành điều răn mới
       khi được đẩy tới cường độ “yêu như Ngài”,
       hay nói rõ hơn “yêu hơn cả chính bản thân mình”:
Anh em hãy yêu thương nhau 
       như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34)
 
Một tình yêu cụ thể, khiêm tốn,
       sẵn sàng làm những việc không tên tuổi,
       sẵn sàng hy sinh tất cả, để phục vụ mọi người, 
       nhất là những người
       không được mấy ai quan tâm đến.
Thầy mà còn rửa chân cho anh em, 
       thì anh em cũng hãy rửa chân cho nhau
(Ga 13, 15)   
 
Đó chính là tiêu chuẩn hành động
       cho những ai muốn làm môn đệ của Ngài.
Và cũng là tiêu chuẩn thưởng phạt của Ngài:
Sao ngươi không thương xót đồng bạn 
       như chính Ta dã thương xót ngươi?” ( Mt 18, 33)   
Làm “như Chúa Giêsu đã làm”
       không gì khác hơn là sống yêu thương như Chúa.
 
Con quá biết điều đó.
Điều Chúa muốn
       là thấy con thật sự sống yêu thương.
 
 
5. Theo tiêu chuẩn Chúa Giêsu đã đặt
 
Tiêu chuẩn trước hết và trên hết
       là yêu thương tất cả mọi người,
       kể cả kẻ thù vu khống, làm hại mình,
       vì chính Thiên Chúa cũng đã yêu thương như thế:
Như vậy, anh em mới được trở nên 
       con cái của Cha anh em, 
Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên, 
       soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt” (Mt  4, 5).
 
Hành động bác ái, yêu thương sẽ mất hết ý nghĩa,
       khi được sử dụng để quảng cáo cái tôi của mình.
Chúa muốn chúng ta yêu thương người khác
       một cách âm thầm, khiêm tốn, không kể công,
       và cũng không cần được ai biết đến.
Và Cha anh em, 
Đấng thấu suốt những gì kín đáo,
       sẽ trả công cho anh em” (Mt 6, 4)
Như vậy, chúng ta không tự mình sáng chế
       kiểu yêu thương như ý chúng ta,
       hoặc như ý “trần gian”.
Nhưng thật sự yêu thương theo “ý của Chúa”,
       như chính Chúa Giêsu đã sống:
Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, 
       nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào,    
       thì tôi làm như vậy…
Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người
(Ga 8, 28. 29)
Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10, 30)        
 
Bản tính con người yếu đuối,
       cùng với những cám dỗ và cản trở bên ngoài,
       dễ làm cho chúng ta thụt hậu, nản chí.
Nhưng Chúa luôn quan tâm nâng đỡ chúng ta.
Ngài luôn đáp ứng lời cầu xin của chúng ta.
Và biết chúng ta cần gì,
       ngay trước khi nhu cầu đó hiện ra trong tâm trí.
Cha anh em biết rõ điều gì,
       trước khi anh em cầu xin” (Mt 6, 8)
 
Như vậy, ba tiêu chuẩn của Chúa là:
- Yêu thương hết mọi người
- Yêu thương âm thầm
- Yêu thương theo cách của Chúa
Cũng không phải dễ.
Nhưng có Chúa đồng hành,
       không có chuyện gì là không thể.


6. Nghề ngoại giao 
 
Nhiều người đưa ra nhận xét:
“Nếu một nhà ngoại giao nói “vâng”
       thì phải hiểu là “có lẽ”.
Nếu ông ta nói “có lẽ”, thì phải hiểu là “không”.
Và nếu ông ta nói “không”,
       thì chắc chắn ông ta
       không phải là nhà ngoại giao rồi”.
Vì đó không phải là kiểu nói của nhà ngoại giao.
 
Ngoại giao vẫn luôn là một ngành nghề hấp dẫn,
       lôi cuốn nhiều người dấn thân.
Nhưng trong văn chương và thực tế dân gian,
       nghề ngoại giao này không được mấy cảm tình,
       và thường bị làm đề tài giễu cợt, trào phúng,
       như nghề chính trị hoặc nghề công an mật vụ.
Như vậy,
       đây có phải là một nghề đáng ghê tởm hay không?
Và người Công Giáo không thể
       phục vụ tốt Thiên Chúa và Tổ Quốc,
       trong ngành ngoại giao hay sao?
 
Tôi không có thiên kiến và cũng không bi quan.
Tôi không thể chối bỏ thực tế này là
       có nhiều nhà ngoại giao
       đã lạm dụng chức vụ ưu đãi này,
       để phục vụ cho riêng bản thân
       và tham vọng của mình,
       hoặc chỉ phục vụ cho dân tộc mà họ đại diện
       để chống lại các dân tộc khác,
       không đếm xỉa gì đến lương tâm, và sự công bằng. 
Nhưng đồng thời tôi cũng tin chắc chắn rằng, 
       bất cứ người nào tin tưởng Thiên Chúa,
       đều được Ngài thương ban những ơn cần thiết
       để chu toàn bổn phận trong ngành nghề của mình,
       hầu có thể vừa phục vụ công ích
       và vừa làm vinh danh Chúa.
 
Thiên Chúa là Cha của mọi người.
Ngài cũng là Cha của những nhà ngoại giao.
Ý thức điều đó,
       con sẽ loại bỏ được thiên kiến về người khác.


7. Nhà ngoại giao đích thực
 
Với niềm tin vào Thiên Chúa,
       và quyết tâm sống theo Lời của Ngài,
       người làm ngoại giao vẫn có thể
       là một Kitô hữu xứng danh.
Tôi nghĩ rằng, một nhà ngoại giao sẽ là
- Một nhà yêu nước chân thành
- Một người phục vụ cộng đồng nhân loại
- Một tác nhân hòa bình giữa các dân tộc
- Một người trung thành bảo vệ sự thật và tự do
- Một người cộng tác đầy hiệu năng
       cho một thế giới tốt lành hơn
- Một nhà xây dựng ngay chính
       cho một hệ thống kinh tế mới
- Một chứng nhân cho Chúa Kitô
       trong phạm vi quốc tế, nếu nhà ngoại giao đó
       biết mang trong trái tim mình
       chính tình yêu thương của Chúa:
       yêu hòa bình,
       yêu tự do,
       yêu công bằng cho tất cả mọi người.
 
Chắc chắn, Thiên Chúa
       không để mặc nhà ngoại giao đó
       loay hoay cô đơn một mình.
Ngài sẽ tuôn đổ sự khôn ngoan,
       kiên nhẫn, can đảm
       để người đó hoàn thành tốt bổn phận.
 
Thế giới ngày nay
       có rất nhiều nhà ngoại giao Công Giáo.
Nếu tất cả hiệp nhất lại với nhau,
Thiên Chúa sẽ ở giữa họ,
       và sức mạnh hiệp nhất này sẽ giúp làm được
       nhiều việc vĩ đại và ý nghĩa.
 
Tôi hy vọng một ngày nào đó
       sẽ có nhà ngoại giao được phong Thánh.
Tại sao không?
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu không dành riêng
       sự thánh thiện cho một tầng lớp nào,
       và cũng không ưu tiên cho một ngành nghề nào cả.
Ngài chỉ nói: “Tất cả hãy đến với Ta” (Mt 11, 28).
Nhà ngoại giao cũng có thể đến với Chúa,
       theo Chúa, trở thành môn đệ đích thực của Chúa,
       và làm Thánh.


8. Con buồn chán. Tại sao?
 
Nhiều người thở than:
Cuộc sống đồng điệu, nhàm chán quá!
Mặc dầu họ đã cố gắng đổi thay
       để cuộc sống bớt đơn điệu,
       nhưng rồi cuối cùng
       vẫn cảm thấy mệt mỏi, buồn chán.
 
Căn nhà sinh sống
       với kiểu trang hoàng mỹ thuật và tiện nghi,
       vẫn không làm cho con người cảm thấy hứng thú.
Mỗi ngày, cũng chừng đó chuyện:
       ăn uống, làm việc, học hành, ngủ nghỉ.
Mỗi ngày cũng gặp lui gặp tới
       những khuôn mặt quen thuộc:
       vợ chồng, cha mẹ, con cái hay thỉnh thoảng bạn bè.
Đến công sở,
       cũng chừng đó việc, cũng chừng đó người.
Làm cho hết giờ để về lại căn nhà cũng buồn tênh.
Nghề làm nông cũng chẳng khá hơn.
Cày xới đất đai, gieo giống, bón phân, tưới nước...
Cũng bấy nhiêu chuyện luẩn quẩn tới lui.
Ngay cả chuyện giải trí, ca nhạc kịch,
       truyền thanh, truyền hình,
       hay đi du lịch rồi cũng chán.
 
Nói chung, tất cả mọi sự, mọi cố gắng đổi mới,
       chỉ mang lại hứng thú trong một thời gian vắn vỏi,
       rồi đâu lại vào đó. Chán chường tràn ngập!
Đời thật nhàm chán! Không có lối thoát.
Tất cả như đang mò mẫm
       trong một đường hầm tối đen.
 
Lạy Chúa! Tại sao cuộc đời chẳng có gì lý thú cả?
Tại sao con cứ mãi ngột ngạt
       trong đường hầm dài vô tận?
Xin giúp con ra khỏi bóng tối dày đặc này,
       để con cảm nhận được
       đời đáng yêu và đáng sống.


9. Hãy mở rộng cửa
 
 “Ngôi Lời là ánh sáng thật, 
       ánh sáng đến thế gian, 
       và chiếu soi mọi người...
       nhưng thế gian không nhận biết Người
        (Ga 1, 9. 10).
Ánh sáng xóa tan tối tăm, làm sáng tỏ mọi sự.
Nhờ đó, mắt con người cũng được mở ra
       và thấy được tất cả
       đều có ý nghĩa và giá trị của nó.
Ngôi Lời đã trở nên người phàm
       và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14).
 
Ánh sáng đó đang thật sự ở giữa chúng ta,
       ban cho chúng ta con mắt của chính Chúa,
       để nhận ra mọi vật, mọi sự việc, mọi biến cố
       dưới nhãn quan yêu thương vĩnh cửu của Thiên Chúa. 
Mác-ta, Mađalêna, Lazarô, các Thánh Tông Đồ
       đều đã được mở mắt và nhìn thấy mọi sự
       dưới ánh sáng tuyệt diệu này.
Đó là một cuộc cách mạng toàn diện.
Trái tim và cuộc đời của họ đã biến đổi.
 
Như ánh sáng mặt trời soi chiếu
       mọi hành tinh trong Thái Dương Hệ,
       làm cho mọi sinh vật, cỏ cây, có sự sống,
       ánh sáng của Chúa cũng sẽ đi vào tâm hồn chúng ta,
       giúp biến đổi cái nhìn của chúng ta,
       để nhận ra tình thương của Thiên Chúa
       và ý nghĩa của mọi sự việc,
       mọi biến cố trong cuộc đời.
 
Saolê đã mở mắt nhìn thấy và trở thành Phaolô.
Simon cũng đã mở mắt
       và trở thành Kêpha (Phêrô: Đá).
Phêrô và Phaolô đã thấy
       và chấp nhận chỗ đứng của mình
       trong toàn bộ chương trình của Chúa.
Và cả hai đã hăng say nhập cuộc cho đến chết,
       vì ánh sáng của Chúa đã ban cho các ngài
       một sức mạnh và quả tim mới, 
       thôi thúc các ngài không ngừng rao giảng
       về tình thương của Chúa
       và ý nghĩa cuộc sống cho mọi người.
 
Ánh sáng của Chúa
       vẫn tiếp tục ở với con người, với chúng ta.
Cuộc đời sẽ hết buồn chán,
       nếu chúng ta thật lòng chấp nhận
       ánh sáng bất diệt của Ngài.


10. Xin Chúa cứu con (phần một)
 
Lạy Chúa,
       trong Kinh Cầu Các Thánh mà con thường đọc,
       con nài xin Chúa cứu con
       khỏi các tai ương của thiên nhiên,
       khỏi những cám dỗ của ma quỷ,
       và khỏi chính các tội lỗi của con.
 
Nhưng giờ đây, lạy Chúa,
       con khẩn thiết nài xin Chúa thêm một điều nữa,
       là cứu con “khỏi chính con”.
Nghĩa là khỏi những khuynh hướng
       đang tiềm ẩn xây pháo đài trong con,
       và sẵn sàng chờ cơ hội
       trở thành chính bản tính của con.
Như những con sâu nhỏ
       đục khoét thân cây dần dần và lấy hết nhựa sống,
       con biết rõ những khuynh hướng xấu này
       một ngày nào đó cũng sẽ đốn ngã con.
 
Vì thế, thân lạy Chúa,
- Xin cứu con khỏi cơ hội chủ nghĩa,
       chuyên tìm thời cơ để làm lợi cho mình.
- Xin cứu con khỏi nỗi sợ hãi
       vì được Chúa yêu thương.
- Xin cứu con khỏi việc từ chối
       mở rộng cõi lòng với Chúa.
- Xin cứu con khỏi sự đam mê thành công,
       thích lười biếng và sợ dấn thân vì Nước trời.
- Xin cứu con khỏi sự bám víu
       vào tiện nghi vật chất, giàu sang.
- Xin cứu con khỏi mối bận tâm
       tìm kiếm bạn bè có thế lực.
- Xin cứu con khỏi tính quan liêu,
       sợ thay đổi tận căn
       để can đảm nhận ra sự thật cần được hoàn chỉnh
       trong cuộc đời mình và của cộng đoàn mình.
- Xin cứu con khỏi tính ích kỷ,
       chỉ biết tìm cách thu góp cho mình
       mà bỏ quên anh em nghèo khổ chung quanh.
- Xin cứu con khỏi sự nhát đảm,
       sợ con đường Thánh Giá,
       sợ phải làm theo Hội Thánh.
- Xin cứu con khỏi sự đồng lõa với xác thịt,
       thế gian và ma quỷ.
- Xin cứu con khỏi sự nô lệ phục vụ
       cho thế gian với những hứa hẹn của nó.
 
Lạy Chúa, xin ban cho con trái tim của Chúa!


11. Xin Chúa cứu con (phần hai)
 
Và lạy Chúa,
- Xin cứu con khỏi đức tin yếu kém,
       và thiếu tinh thần phó thác
       vào sự quan phòng của Chúa.
- Xin cứu con khỏi tính do dự
       khi cần phải hy sinh vì Nước Trời.
- Xin cứu con khỏi chước cám dỗ
       muốn làm hài lòng mọi người.
- Xin cứu con khỏi óc bi quan,
       giả hình, và phô trương.
- Xin cứu con khỏi tính
       thích giễu cợt sự Thánh Thiện.
- Xin cứu con khỏi tính bảo thủ tư tưởng,
       ý kiến của mình.
- Xin cứu con khỏi thói quen hay bỏ dở công việc,
       khi bị thử thách, gặp khó khăn,
       bị kẻ khác hăm dọa hoặc bị phê bình.
- Xin cứu con khỏi tình trạng sợ sệt,
       thiếu can đảm,
       thiếu quyết tâm bền chí
       và thiếu tinh thần siêu nhiên.
- Xin cứu con khỏi cách làm việc thiếu tổ chức,
       thiếu phương pháp khoa học
       và nhất là thiếu cầu nguyện.
- Xin cứu con khỏi mối lo
       bị kẻ khác xem là điên khùng
       và bị đem làm đề tài để chế giễu vì theo Chúa.
- Xin cứu con khỏi bị mù điếc
       trước ánh sáng và lời mời gọi của Chúa.
- Xin cứu con khỏi nguy hiểm bị câm nín
       khi đứng trước bất công và sự thật.
- Xin cứu con khỏi tính
       hay viện cớ rút lui khi làm việc
       vì sợ phiền phức, vì không biết tính toán
       hoặc không đánh giá đúng công việc của mình.
 
Lạy Thiên Chúa là Cha,
       xin ban cho con trái tim của Chúa Giêsu,
       là Con yêu quý của Cha,
       để con biết yêu mến Cha
       và làm tất cả mọi sự vì vinh danh Cha.
 
Xin cho con biết nhiệt thành
       phục vụ mọi người là con cái của Cha,
       với một tình yêu thương trọn vẹn,
       tuyệt đối, không điều kiện,
       như tình yêu của Mẹ Maria,
       ngay trong những công việc nhỏ nhặt hằng ngày. 
Và như vậy, con sẽ hoàn toàn thuộc về Chúa.


12. Con đường của Chúa
 
Là môn đệ của Chúa Giêsu,
       chúng ta tiếp tục sứ mạng Ngài để lại
       là loan báo Tin Mừng cho mọi người.
Nhưng để có thể hoàn tất chương trình của Ngài,
       mỗi người cần biết rõ
       con đường của Ngài như thế nào.
 
Thật sai lầm, nếu chúng ta cố tìm
       một con đường thật thoải mái để theo Ngài.
Con đường của Chúa
       khác với con đường của chúng ta.
Rất nhiều khi chúng ta tính một đường,
Chúa lại dẫn đi một nẻo khác.
 
Thánh Ignatiô muốn chọn Phanxicô Xaviê
       làm thư ký của mình.
Nhưng Chúa lại đưa vị tiến sĩ Sorbonne này
       qua truyền giáo tại Ấn Độ và Nhật Bản.
 
Á Thánh Laval
       được chỉ định đi truyền giáo tại Á Châu.
Nhưng rồi Chúa lại đưa sang Canada
       làm vị Giám Mục tiên khởi.
 
Thánh Têrêxa Hài Đồng
       được sắp đặt đến ở tại Dòng Kín Hà Nội.
Nhưng Chúa lại muốn
       giữ thánh nữ tại Lisieux cho đến chết.
 
Con đường của Chúa vẫn luôn là con đường “hẹp”.
Thiên Chúa không dùng xa lộ, đại lộ...
       không cần máy bay phản lực, Concorde,
       không cần vệ tinh nhân tạo, hỏa tiễn,
       hay phi thuyền con thoi
       để đưa con người đi theo Ngài.
 
Trái lại, con đường Ngài xử dụng
       là con đường đầy chông gai, thử thách,
       bị thế gian xa lánh, cô lập, chối từ.
Đó là con đường Thánh Giá,
       dẫn tới cái chết trên đồi Calvê.
Nhưng đồi Calvê không phải là trạm cuối cùng.
Con đường Thánh Giá vẫn tiếp tục
       cho đến ngày phục sinh khải hoàn.
 
Muốn theo Ngài đến tận cùng,
       con phải bước lại trên con đường Ngài đã đi qua.
Muốn được phục sinh,
       con phải cùng chết với Ngài.
Không có con đường nào khác.


13. Con theo Chúa
 
Nhiều lần con bị cám dỗ
       muốn buông xuôi, từ bỏ tất cả.
Con thất vọng ê chề. Con bị mọi người bỏ rơi.
Con tự hỏi
       không biết Chúa có yêu thương mình không?
Con đâu phải là Phanxicô Xaviê,
       đâu phải là Laval,
       cũng đâu phải là Têrêxa...
       mà Chúa để con phải chịu đựng quá sức.
Không biết con nghĩ vậy có sai lầm không?
 
Trong cầu nguyện, con gặp được lời Chúa nói:
Ta là Đường” (Ga 14, 6)
       và “Hãy theo Ta” (Mt 19, 21).
Chúa không hứa hẹn gì cả.
Chúa muốn con hoàn toàn tin tưởng, phó thác,
       như các Tông Đồ ngày xưa
       đã từ bỏ tất cả để theo Ngài.
Từ bỏ cuộc sống an toàn, bảo đảm và chấp nhận
       một cuộc phiêu lưu theo Ngài đầy hiểm nguy.
Tôma đã đi đến tận Ấn Độ xa xôi.
Phaolô và Phêrô đến Roma.
Giacôbê đến mãi Compostella, Tây Ban Nha...
Tất cả đã đi theo Ngài
       không ngoảnh mặt lại đàng sau.
 
Con tin rằng Chúa có con đường riêng cho con
       và Chúa cũng đang dẫn con đi,
       đang đồng hành với con.
Nhiều khi trong bóng đêm của khó khăn,
       của nghịch cảnh,
       con tưởng rằng Chúa đã bỏ rơi con.
Nhưng thật ra, Chúa vẫn luôn ở với con.
Vẫn hướng dẫn, nâng đỡ con từng giây phút.
 
Lạy Chúa! Con quyết tâm theo Chúa.
Xin dẫn con đi đến nơi nào Chúa muốn.
Còn gì hạnh phúc hơn khi được Chúa đồng hành
       từng giây phút trên mỗi đoạn đường.
 
Con đường của con bây giờ
       không phải chỉ đơn độc cho riêng con,
       nhưng đã trở thành con đường của chúng ta,
       con đường của Chúa và con. 
Con vui mừng hân hoan tiến bước,
       và tin chắc
       con sẽ đi đến cùng vì có Chúa đồng hành,
       không khó khăn nào có thể cản ngăn con.
 

14. Chương trình của Chúa
 
Thiên Chúa
       có một chương trình yêu thương vĩnh cửu.
Tất cả vì hạnh phúc của con người
       và cho vinh danh Thiên Chúa.
Mỗi người trong chúng ta
       đều được Chúa sắp xếp
       cho một chương trình riêng,
       đặc biệt, không ai giống ai.
Tất cả làm nên một toàn cảnh tuyệt vời
       hơn cả những vì sao trên bầu trời,
       hay hoa muôn sắc màu ngoài đồng nội,
       vì chúng ta là những tạo vật
       biết suy nghĩ và biết yêu thương.
 
Lạy Cha!
Xin ban cho con ánh sáng của Cha,
       để con nhận ra chương trình Cha dành cho con.
Cha đợi chờ gì nơi con đây?
Con muốn thực thi ý của Cha,
       chứ không phải ý của con.
Con muốn chu toàn chương trình của Cha,
       chứ không phải chương trình của con.
 
Bây giờ con hiểu ra được:
       nhiều lần, rất nhiều lần...
       con muốn làm một việc gì đó cho Cha.
Nhưng đó lại là điều mà Cha không cần đến.
Vì Cha là Chúa toàn năng
       có thể làm tất cả mọi sự.
Hóa ra, con chỉ thực hiện chương trình của con.
Một kiểu thí nghiệm đầy nguy hiểm.
 
Lạy Cha!
Con cám ơn Cha đã thức tỉnh con đúng lúc,
       đã đưa con ra khỏi những sai lầm nghiêm trọng,
       và đặt con vào lại trong chương trình của Cha.
Giờ đây, con ý thức
       chỉ có chương trình của Cha dành cho con,
       mới làm cho con được hạnh phúc,
       vì là cách tốt nhất để con đáp lại tình Cha.
Đó mới thật sự là chương trình con phải theo.


15. Tại sao Chúa rắc rối vậy?
 
Để tiếp tục sứ mạng Chúa giao,
       nhiều lần chúng ta cố gắng đưa ra
       những kế hoạch, chương trình thật hay
       để xây dựng cộng đoàn, Hội Thánh
       và mở mang Nước Trời.
Nhưng kết cục, Chúa lại lèo lái đi cách khác.
Khác xa những dự tính ban đầu của chúng ta.
Chúa thật rắc rối!
 
Thật ra, Chúa vẫn thường rắc rối như thế.
Ngày xưa, Vua Đa-vít đã ước ao
       xây đền thờ Giêrusalem cho Chúa.
Nhưng Chúa lại để dành công việc này
       cho Salômôn, con của Vua (2V 7, 12).
 
Đức Thánh Cha Gioan XXIII
       đã làm nhiều cải tổ để canh tân Hội Thánh.
Nhưng Chúa chỉ để Ngài tại chức trong vòng 5 năm.
Phải chi Chúa để cho Ngài
       sống lâu hơn thì hay biết mấy!
Cũng chính Chúa hướng dẫn Ngài
       triệu tập Công Đồng Vatican II.
Nhưng lại không cho Ngài
       thấy ngày kết thúc bế mạc.
Chúa thật rắc rối!
 
Còn Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I lên kế vị.
Một con người luôn vui vẻ tươi cười
       làm ai cũng yêu thích.
Vậy mà vỏn vẹn trong vòng một tháng,
       chưa làm được gì thì Chúa lại cất Ngài đi.
Bầu được một Giáo Hoàng
       đâu phải là chuyện chơi!
Chúa rắc rối thiệt!
 
Chương trình của Chúa thật khác xa
       với kiểu tính toán của chúng ta.
Không có máy tính điện tử nào
       có thể đo lường được chương trình của Chúa.
 
Lạy Chúa là Cha trên trời!
Xin chỉ cho con chương trình Cha dành cho con.
Xin cho con biết mau mắn và vui vẻ
       từ bỏ chương trình, kế hoạch của con,
       để chấp nhận hoàn toàn chương trình của Cha.
 
Xin cho con tinh thần hăng say thực hiện
       sứ mạng làm tông đồ và chứng nhân cho Cha.
 
Xin cho con không biết sợ hãi
       trước những khó khăn, thách đố, hăm dọa,
       để con can đảm đi tới cùng
       và hoàn tất chương trình Chúa dành cho con.
 
Xin cho con biết khiêm tốn
       và quảng đại trong bác ái,
       nhưng cương quyết trong lập trường đức tin,
       để con sẵn sàng theo Cha
       một cách hân hoan trước mọi thử thách,
       ngay khi tất cả hầu như sụp đổ.
Lạy Cha, con chỉ cần một mình Cha thôi.


16. Ubi Christus, ibi Maria 
 
Nơi nào có Chúa Kitô
Nơi đó có Mẹ Maria
 
Nơi nào có Chúa Giêsu, nơi đó có Mẹ Maria
Vì Mẹ đã liên tục đồng hành với Chúa Giêsu,
       từ khi Ngài bắt đầu nhập thể làm người
       cho đến khi Ngài chết đi, sống lại và lên trời.
 
Nơi nào có Mẹ Maria, nơi đó có Hội Thánh
Vì Mẹ là Mẹ của Hội Thánh.
Đã cùng sống chết với Hội Thánh
       trong những ngày đầu tiên Hội Thánh khai sinh,
       và tiếp tục nâng đỡ Hội Thánh
       cho đến ngày tận thế.
 
Nơi nào có Mẹ Maria, 
       nơi đó có hy vọng và niềm vui
Vì Mẹ đã ủi an,
       đã khích lệ các Tông Đồ khi Chúa chết.
Đã gieo vào niềm hy vọng cho các ông
       khi cùng cầu nguyện
       chờ đón nhận Chúa Thánh Thần.
Và Mẹ vẫn tiếp tục mang niềm vui và hy vọng
       cho con cái còn ở trần gian,
       nhất là những lúc bị thử thách.
 
Nơi nào có Mẹ Maria, 
       nơi đó có hòa bình và sự sống
Vì Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình.
Và hòa bình mang lại sự sống và sự sống dồi dào.
 
Nơi nào có Chúa Giêsu và Mẹ Maria,
       nơi đó có Nước Trời ở trần gian
Vì Chúa Giêsu và Mẹ Maria
       luôn thực hành thánh ý của Chúa Cha.
Và nơi nào thánh ý của Chúa Cha được thực hiện,
Nước Trời đã hiện diện ở đó.
 
Và hạnh phúc thay 
Người nào có Chúa trong tâm hồn. 
Người đó sẽ có niềm vui bất tận,
       vì có Mẹ Maria và tất cả mọi điều tốt lành,
       bây giờ và mãi mãi.


17. Đức Thánh Cha,
một vấn đề của thời nay

 
Báo chí thông tin ngày nay
       thường nói đến Đức Thánh Cha.
Rất nhiều bài giảng,
       nhiều sinh hoạt, gặp gỡ của Ngài,
       nhất là những chuyến viếng thăm mục vụ
       đến các quốc gia trên thế giới,
       thường được giới truyền thông
       tường thuật cách cặn kẽ,
       kèm theo những lời bình luận
       tích cực và cả tiêu cực.
 
Chắc chắn Đức Thánh Cha
       là một nhân vật quan trọng, đặc biệt,
       nên mới được nhiều người để ý, quan tâm.
Có người xem Ngài như một minh tinh màn bạc,
Hoặc như một nhà chính khách đang được mộ mến.
Và nhiều người còn lạm dụng hình ảnh Ngài
       để quảng cáo cho chuyện làm ăn, buôn bán nữa.
Tất cả đều sai.
 
Đức Thánh Cha là một vị tông đồ.
Ngài là vị Mục Tử của Hội Thánh thời nay.
Ngài mang trong trái tim mình
       tất cả mọi sinh hoạt cho Hội Thánh,
       với tâm tình “cảm thông cùng với Hội Thánh”.
Ngài sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào và lúc nào
Hội Thánh và con người cần đến Ngài:
       hôm nay, ngày mai, và cả tương lai trước mặt.
Ngài đáp ứng lời kêu gọi của toàn dân Chúa.
Ngài đem Tin Mừng,
       đem hòa bình và yêu thương đến mọi người.
Thao thức, gánh nặng công việc
       làm cho Ngài mệt mỏi, kiệt sức.
Nhưng nhiều người lại phê bình chỉ trích:
Đức Thánh Cha đi nhiều quá!
Làm tốn kém tiền bạc nhiều quá!
Một kiểu chỉ trích thiếu hiểu biết và quá vật chất.
 
Để có thể mang Tin Mừng một cách hiệu quả
       cho thế giới văn minh, đa dạng, ngày nay,
Hội Thánh cần phải tìm ra cho mình
“Một đường lối mục vụ mới đầy Thánh Linh”.
Và những chuyến đi này của Đức Thánh Cha
       là nhằm đáp ứng đường lối mục vụ của thời đại, 
       chứ không phải là những chuyến du lịch nhàn rỗi,
       hay để phô trương quyền hành của mình. 
 
Đức Thánh Cha thật sự được thúc đẩy
       bởi trái tim yêu thương
       của người mục tử chân chính.


18. Sự hiện diện
của Đức Thánh Cha

 
Sự hiện diện của Đức Thánh Cha
       ở những nơi xa xôi này là một điều cần thiết.
Những người nghèo không tiền không bạc,
       làm sao có thể đến được Roma để gặp Ngài.
Và thực tế cho thấy,
       đại đa số những người hành hương đến Roma
       là những người từ các nước ở Âu-Mỹ.
Vì thế, ưu tiên của những chuyến thăm mục vụ này
       là tạo cơ hội để cho người nghèo gặp được Ngài.
Và cũng nhờ đó, những vấn đề xã hội, mục vụ,
       cũng được giới hữu trách
       quan tâm đến một cách sinh động hơn.
 
Chắc chắn rằng,
Đức Thánh Cha sẽ đỡ gánh nặng,
       không cần phải đi nhiều nữa, nếu tất cả chúng ta:
Hồng Y, Giám Mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân
       cùng dấn thân hoạt động nhiều hơn,
       và chia sẻ một phần nào công việc của Ngài.
Chúng ta có thể
       vào những nơi Ngài không thể đến được,
       hoặc không có thời gian để đến,
       hay không được phép đến.
 
Chúng ta cũng có thể lập một quỹ tài trợ
       cho những chuyến đi thăm mục vụ của Ngài. 
Không phải bằng tiền bạc.
Nhưng bằng lời cầu nguyện, hy sinh
       và nhất là bằng hành động dấn thân.
 
Tất cả chúng ta có thể làm
       một cuộc vận động gây quỹ “thiêng liêng”
       cho những chuyến đi của Đức Thánh Cha.
Cuộc vận động này sẽ có quy mô rộng lớn,
       vì ngay cả những trẻ em khắp nơi
       cũng có thể tham gia và trở thành những người
       mang sứ điệp của Đức Thánh Cha,
       sứ điệp yêu thương hòa bình,
       đến khắp mọi nơi, và cho hết mọi người.


19. Hội Thánh
trong thế giới ngày nay

 
“Hội Thánh Trong Thế Giới Ngày Nay”
       được chọn làm chủ đề cho Hiến Chế về Mục Vụ
       của Công Đồng Vatican II.
Qua đó, Hội Thánh muốn khẳng định rằng,
       không một vấn đề nào của thế giới ngày nay
       trở thành xa lạ với Hội Thánh.
Những vui mừng, hy vọng,
       cũng như những đau khổ, thao thức của con người,
       được Hội Thánh xem như là của chính mình.
 
Hội Thánh cùng đồng hành với nhân loại.
Và mang trong trái tim mình
       những sinh hoạt thường nhật của con người.
Không phải như trong một trang báo,
       hay trong bản tin của đài truyền hình
       tường thuật lại những sự việc xảy ra trong ngày,
       một cách vô thưởng vô phạt.
 
Tất cả chúng ta là Hội Thánh.
Chúng ta không thể nhìn các biến cố xảy ra,
       như những phóng viên báo chí
       hay đài truyền hình.
Cần phải mặc lấy tâm tình của Hội Thánh,
       để cùng thao thức, chia sẻ,
       và cùng góp sức hành động,
       làm vơi đi nỗi khổ của người khác,
       và xây dựng cộng đoàn, thế giới tốt đẹp hơn.
 
Như vậy, Hội Thánh mới thật sự
       không còn xa lạ với thế giới.
Và mọi người sẽ cảm nhận được,
Hội Thánh đang đồng hành với mình.


20. Chỗ đứng của tôi
 
Mỗi người đều có một vai trò
       và trách nhiệm riêng.
Và đứng trước mỗi biến cố,
       mỗi người phải tự đặt ra những câu hỏi cho mình:
- Biến cố này muốn nói với tôi điều gì?
- Có liên quan gì với con người thời nay?
  Với cuộc sống thường nhật của họ?
  Với những bận tâm, lo lắng thường ngày?
  Với phần rỗi linh hồn?
- Biến cố này làm thay đổi điều gì?
  Có gây nên đau khổ không?
- Tôi hiểu được điều này như thế nào?
  Đầy đủ chính xác? Mơ hồ? Lẫn lộn?
- Đâu là thái độ của tôi?
  Hoàn toàn dấn thân? Quan sát? Thụ động?
  Dè dặt? Dửng dưng?
 
Nếu đa số thành phần dân Chúa
       chỉ đóng vai trò “yên lặng là vàng”,
       hay tìm cách vắng mặt, trốn tránh,
       chắc chắn Hội Thánh sẽ thất bại
       trước những vấn đề của con người thời nay.
 
Chúa Giêsu đã hoàn toàn sống cho con người.
Quan tâm đến vận mạng của con người,
       đến nỗi phải thổn thức rơi lệ.
Ngài cầu nguyện với Chúa Cha thâu đêm,
       rồi ngày mai lại tiếp tục rao giảng,
       tiếp tục chữa lành,
       can đảm chống lại sự dữ dưới mọi hình thức:
       kiêu căng, giả dối, ích kỷ, tham lam…
       bất chấp mọi đe dọa đến bản thân.
 
Tại Quảng Trường Thánh Phêrô,
       hàng vạn người hoan hô vạn tuế Đức Thánh Cha.
Nhưng rất ít người thật sự giúp đỡ Ngài,
       góp phần mang sứ điệp của Tin Mừng,
       sứ điệp hòa bình, yêu thương, công bằng
       vào môi trường xã hội và thế giới.
 
Tôi có phải là một trong số những người đó không?


21. Sự lười biếng là một tai họa
 
Trong lãnh vực chính trị kinh tế,
       sự lười biếng là một tai họa ghê gớm,
       làm quốc gia thụt lùi, không thể phát triển, 
       vì chẳng sản xuất ra được gì cả.
Chỉ cần một máy vi tính ghi lại
       tổng sản lượng quốc gia,
       cán cân xuất nhập khẩu
       thì sẽ biết được nước đó phát triển như thế nào.
Nhưng đã lười biếng thì làm gì có sản lượng
       hay mặt hàng xuất khẩu để mà làm thống kê.
Đất nước chắc chắn mỗi ngày một nghèo hơn.
 
Vấn đề “Nhân lực kinh tế” cũng vậy thôi.
Sợ hao sức tổn lực thì chẳng làm nên việc gì.
Nhưng loại kinh tế này, chúng ta không thể
       dùng computer để tính ra được.
Cũng không thể
       làm thành bảng chiết tính thống kê.
 
Vì không phải chỉ cần có mặt
       ở công sở hay văn phòng đủ 8 tiếng
       là nói rằng mình đã làm việc.
Nhưng cần phải xét xem
       mình có thật sự làm việc tích cực,
       hay chỉ thụ động ngồi chơi xơi nước.
Mà đã làm biếng thì khó có thể thay đổi được.
Vì không thể vận động hơi sức để suy nghĩ,
       hoặc tự vấn lương tâm
       tìm cách làm việc lại tốt hơn.
 
Ngày tận thế, Chúa sẽ phán xét:
“Ta đói, ngươi chẳng cho ăn,
Ta khát, ngươi không cho uống,
Ta trần truồng, ngươi không cho áo quần mặc…”
Thật ra, ít ai tệ đến nỗi thấy người khác như vậy
       mà không động lòng trắc ẩn.
Nhưng rất nhiều kẻ, trong đó có cả tôi,
       đã không sẵn sàng giúp đỡ chỉ vì cái tật lười.
Lạy Chúa, xin kéo con ra khỏi cái cố tật này!


22. Những hình thức của lười biếng
 
Nhiều người đã không sống Tin Mừng,
       không làm việc bác ái, chỉ vì lười.
 
Họ lười trong việc bố thí giúp người khác
       vì sợ bị quấy rầy, làm mất thoải mái.
Họ sợ mệt, sợ rắc rối, không muốn suy nghĩ:
Tại sao lại có người nghèo?
Số phận những người này sẽ đi về đâu?
Và cần phải làm gì để thay đổi hoàn cảnh đó?
 
Họ không dám mở mắt mình ra để thấy thực tế
       vì sợ phải đáp ứng những đòi hỏi của Tin Mừng.
 
Họ không muốn tìm hiểu học hỏi thêm,
       vì sợ càng hiểu biết càng bắt mình phải hành động.
Và cuối cùng, ngay cả chuyện
       tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa,
       họ cũng lười không muốn phó thác.
 
Chim trời, hoa đồng nội
       còn được Chúa quan tâm, lo lắng
       huống gì là con người luôn được Chúa yêu thương.
Vậy mà họ vẫn do dự không dám dấn thân,
       vì sợ rằng sống Tin Mừng, sống bác ái,
       giúp đỡ người nghèo, người đói khổ, bệnh hoạn…
       mình sẽ bị thiệt thòi, thua kém người khác.
 
Thiếu tình bác ái thật!
Nhưng với tính lười biếng,
       họ cũng không đủ sức,
       không đủ can đảm để suy nghĩ lại về điều này nữa.
 
Đức Thánh Cha Gioan XXIII khi được đặt câu hỏi
       về hiệu năng làm việc trong Tòa Thánh, 
       đã trả lời một câu rất vắn gọn,
       khiến chúng ta phải suy nghĩ:
“Chỉ có một ít người làm thôi!”
 
Chắc Chúa Thánh Thần phải vất vả nhiều
       để giữ vững và phát triển Hội Thánh.
Lạy Chúa Thánh Thần,
       xin giúp con biết can đảm
       từ bỏ tính lười biếng ích kỷ này.
 

23. Đừng sợ
 
Trong Phúc Âm,
Chúa Giêsu thường nói với các Tông Đồ:
“Đừng sợ”
Nhưng thực tế,
       khi đứng trước đau khổ và cái chết,
       tất cả chúng ta đều cảm thấy sợ hãi.
Chính Chúa Giêsu với bản tính con người,
       cũng đã nếm được cái mùi vị lo sợ này
       trong vườn Cây Dầu trước khi bị bắt.
Ngài đã đổ mồ hôi máu.
Ngài thật gần gũi với chúng ta.
 
Thật ra, những việc khó khăn, nguy hiểm
       họa hoằn lắm mới xảy ra.
Và mỗi khi sự việc như vậy xảy đến, 
       chúng ta thường tha thiết cầu nguyện,
       xin Thiên Chúa là Đấng tốt lành, công bằng
       ban ơn thêm sức cho chúng ta vượt qua khó khăn,
       và vượt qua nỗi lo sợ của chính mình.
 
Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, 
       chúng ta thường chỉ gặp những hoàn cảnh,
       những vấn đề thật đơn giản, dễ dàng…
Và rất thông thường,
       chúng ta chẳng nghĩ đến việc phải cầu nguyện.
Trái lại, chỉ tìm cách giải quyết mọi việc
       theo khả năng của riêng mình,
       hoặc nhờ bạn bè góp sức giải quyết.
Đơn giản vậy thôi!
 
Chúng ta cho Chúa đi nghỉ hè dài hạn.


24. Ai sợ?
 
Nhưng thực tế không đơn giản như chúng ta tưởng.
Nhiều vấn đề, hoàn cảnh xem ra thật tầm thường,
       nhiều khi cũng đủ làm cho chúng ta mệt óc lo nghĩ 
       và không dám quyết định, dấn thân.
 
Chúng ta sợ bẩn tay
       vì dây dưa vào chuyện ngoài ý muốn.
Chúng ta sợ bị hiểu lầm
       vì những chuyện không đâu.
Chúng ta sợ phải gặp khó khăn, nguy hiểm,
       hoặc bị phê bình chỉ trích.
Chúng ta sợ mất tình bạn thân thiện
       với người quyền thế,
       mất cảm tình của người giàu có,
       hoặc mất công việc hái ra tiền.
Chúng ta sợ bị người khác cho là “khùng điên”.
 
Chúa Giêsu khuyến khích những ai
       muốn làm môn đệ của Ngài phải biết can đảm
       chấp nhận mọi nghịch cảnh vì Tin Mừng,
       như Ngài đã sống và làm gương.
 
Bao lâu chúng ta còn sợ hãi,
       không dám dấn thân,
       vì mình và quyền lợi của mình,
       chúng ta chưa đáng làm môn đệ của Chúa.
 
Lạy Chúa,
       xin giúp giải phóng con khỏi mọi điều lo sợ.
Và nhất là xin giúp
       giải phóng con khỏi những mối lo
       vì sợ mất lợi lộc,
       mất thế dựa nơi người quyền hành,
       mất cảm tình của người giàu có... 
       để con hoàn toàn thuộc về Chúa.


25. Những đòi hỏi của dự án lớn
 
Muốn thực hiện những công việc lớn,
       dù trong lãnh vực vật chất, kỹ thuật,
       trí thức hay thiêng liêng,
       những dự án được đề ra bao giờ cũng đòi hỏi
       phải có chất lượng và độ chính xác tuyệt hảo.
 
Trong khi độ nóng của nước sôi chỉ ở 100 độ,
       ngày nay, các nhà khoa học đã thành công
       trong việc sáng chế một năng lượng 200 triệu độ,
       và đang thí nghiệm thêm
       để có thể đạt tới 360 triệu độ.
Với độ nóng như vậy,
       thì những thí nghiệm cấp cao
       mới có thể thực hiện được.
 
Ngay cả những vệ tinh trên quỹ đạo trái đất,
       cũng cần phải có năng lượng cao như thế này,
       mới có thể làm được
       những cuộc thí nghiệm khoa học,
       mà họ không thể nào thực hiện được trên mặt đất. 
 
Nói cách khác, rất nhiều cuộc thí nghiệm
       cho những dự án khoa học lớn,
       chỉ có thể thực hiện được
       trên những trạm không gian,
       với những vật liệu, kỹ thuật cao.
Và những dự án lớn như thế
       luôn đòi hỏi nhiều hy sinh,
       nhiều khả năng cũng như chuẩn bị thật chu đáo.
 
Cũng thế, những dự án thiêng liêng
       cũng đòi hỏi những điều kiện thật cao.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu không chỉ nói đến
       niềm vui, sự an ủi, hay phục sinh khải hoàn,
       nhưng Ngài còn nhắc đi nhắc lại nhiều lần
       những đòi hỏi gắt gao của Tin Mừng.
 
Thông thường,
       chúng ta không để ý đến những đòi hỏi này,
       hoặc phê phán khước từ vì không hợp ý với mình, 
       như kiểu Phêrô ngày trước:
“Thầy không phải như vậy đâu”.
 
Chúa Giêsu không mị dân,
       không nói kiểu “hàng hai” để lôi kéo dân chúng.
Ngài luôn nói sự thật.
Một sự thật
       có thể làm chói tai và nhụt khí người nghe.
Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình,
       vác thập giá mình hằng ngày” (Lc 9, 23)
Ai yêu cha mẹ... yêu con trai, con gái hơn Thầy, 
       thì không xứng với Thầy” (Mt 10, 37)
Thánh giá là dấu hiệu của sỉ nhục,
       dấu hiệu của thô bạo,
       nhưng đồng thời
       cũng là dấu hiệu yêu thương tuyệt hảo.
Và với tình yêu, mọi chuyện đều có thể. 


26. Dự án của Chúa Giêsu
 
Chúa Giêsu
       đã dành riêng cho những ai Ngài yêu mến,
       những đòi hỏi quyết liệt và rõ ràng.
Theo Ngài, họ chấp nhận mọi gian khổ, thử thách.
Không còn cảm thấy phải bám víu vào thế gian,
       vì thế gian chẳng còn xứng với họ (Dt 11, 38),    
       nhưng luôn hướng đến
       hạnh phúc trọn vẹn Chúa đã hứa.
 
Mẹ Maria, Mađalêna, Gioan,
       đã chấp nhận theo Chúa đến cùng,
       và đã chia sẻ khổ đau với Ngài cho đến đồi Cal-vê,
       vì các Đấng đã yêu mến Ngài hơn mọi người.
Họ xứng đáng tham dự vào dự án lớn của Chúa:
       đó là Ơn Cứu Chuộc cho toàn thể nhân loại.
 
Dự án lớn của Chúa Giêsu còn đòi hỏi
       một năng lượng hơn cả 360 triệu độ. 
Bởi vì tình yêu bất tận
       luôn cần một năng lượng vô biên,
       để có thể thanh luyện và vượt thắng tất cả,
       dù phải chịu đóng đinh treo trên thập giá.
 
Chúng ta cần phải ý thức
       đến những đòi hỏi này của Chúa.
Chúng ta cần phải ý thức tình yêu dành cho Chúa
       luôn đòi hỏi chúng ta
       can đảm thực hiện dự án Cứu Độ của Ngài:
Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, 
       lòng hân hoan bởi được coi 
       là xứng đáng chịu khổ nhục 
       vì danh Đức Giêsu” (Cv 5, 41) 
 
Tình yêu của các Tông Đồ,
       đã thật sự vượt quá độ nóng 360 triệu.
Còn độ nóng tình yêu của con tới đâu rồi? 


27. Ngân hàng tình thương
 
Chúng ta đang sống trong thời đại của Ngân Hàng.
Đủ loại ngân hàng mọc lên như nấm:
       từ địa phương, vùng, quốc gia, đến quốc tế...
Ngân hàng trở thành một nghề béo bở,
       nhưng cũng phục vụ tốt cho mọi người.
Cất tiền ở ngân hàng vừa bảo đảm, an toàn,
       khỏi lo trộm cướp lấy đi,
       vừa lại được sinh lợi thêm.
 
Xét về bình diện thiêng liêng,
       nếu thật sự sống khó nghèo theo Tin Mừng,
       chúng ta chẳng còn gì để gởi ngân hàng.
Thế mà, Chúa nói chúng ta vẫn là người giàu có,
       bởi vì “kẻ nào không thu tích của cải cho mình,
       thì làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12, 21).
 
Chúng ta giàu có như thế nào?
Từ lâu, con không bao giờ nghĩ
       mình lại là người giàu có trong Chúa.
Con giàu có bởi con làm việc mỗi ngày.
Và với con mắt của Chúa,
       mọi công việc đều có giá trị,
       nếu được làm với tình yêu thương.
 
Chúa đã đưa ra một ví dụ cụ thể:
Ai cho người nào một ly nước uống...”
Chúa không nói là phải cho “rượu hay bia”,
       hoặc cho gì đáng giá một chút,
       nhưng chỉ đơn giản “nước lạnh”,
       một vật tầm thường, không có giá trị gì. 
Với Chúa, giá trị của công việc
       không phải tự nó,
       hay tự bản chất của nó làm nên,
       nhưng bởi ý hướng “làm cho Chúa”.
 
Ai tìm kho tàng trong Thiên Chúa,
       người đó thật sự giàu có trong Thiên Chúa.
Bởi vì Chúa thay đổi “đồng tiền” của chúng ta
       thành giá trị vĩnh cửu trong Chúa Kitô.
Biến giá trị nhân bản thành giá trị thần linh.


28. Đầu tư
 
Ý thức được giá trị của mỗi công việc
       tùy vào ý hướng muốn thực hiện cho Chúa,
       từ đây, mỗi ngày,
       tôi sẽ làm việc cho Nước Trời.
 
Tất cả sinh hoạt của tôi:
       cầu nguyện, hy sinh, việc tầm thường, cảm xúc,
       tương giao với người khác, bị hiểu lầm, khó khăn...
       đều được thực hiện
       để đầu tư vào Ngân Hàng Tình Thương,
       một ngân hàng chỉ chấp nhận những “đồng bạc”
       có khắc dấu “yêu thương” trên đó.
 
Và nếu tất cả mọi người Kitô hữu,
       đều đầu tư “tiền của”
       vào Ngân Hàng Tình Thương,
       chắc chắn chúng ta sẽ làm nên được
       một ngân quỹ thiêng liêng dồi dào,
       giúp Hội Thánh hoàn thành tốt
       những công việc cần thiết.
 
Ngân hàng này
       chắc chắn sẽ không bao giờ bị phá sản,
       và trộm cướp cũng không tài nào
       có thể lấy đi được (Lc 12, 33).
Và nếu tất cả cùng đầu tư
       vào Ngân Hàng Tình Thương,
       sản lượng tinh thần sẽ đạt tới mức tuyệt đối,
       và tình hiệp nhất sẽ bền chặt keo sơn, 
       vì mọi cổ phần đầu tư đều là yêu thương.
Và yêu thương dẫn đến hiệp nhất.   
 
Trong nỗ lực đầu tư
       vào Ngân hàng Tình Thương này này,
Mẹ Maria đã đóng góp nhiều nhất,
       vì Mẹ đã ban chính Chúa Giêsu
       là nguồn yêu thương.
 
Trong thực tế, với kỹ thuật hiện đại,
       con người có thể biến than đá,
       cây mía đường, những hạt dầu thô…
       thành năng lượng công nghiệp
       giúp phát triển đời sống.
 
Cũng thế, với tình yêu thương,
       tất cả mọi sinh hoạt của chúng ta, 
       ngay cả những việc rất tầm thường,
       cũng sẽ được biến đổi thành giá trị vĩnh cửu,
       thành những năng lượng siêu nhiên,
       để soi sáng và sưởi ấm thế giới ngày nay.
 

29. Bi quan không phải là Kitô
 
Người bi quan thấy mọi sự đều tối tăm.
Họ mất hy vọng và mất luôn cả ơn cứu độ.
Vì họ luôn sống trong ngày thứ sáu Tuần Thánh,
       sống trong bầu khí của Thương Khó và Tử Nạn,
       và không bao giờ biết đến
       sự Phục Sinh của Chúa Giêsu.
Họ sống như thể Thiên Chúa không có mặt,
       không biết rằng Thiên Chúa là Cha chúng ta,
       và chúng ta đã được Ngài cứu chuộc.
 
Người bi quan
       thấy trong mỗi cơ hội là một tai họa.
Người lạc quan
       lại thấy mỗi tai họa là một cơ hội.
Như vậy, người bi quan
       không phải là một Kitô hữu đúng nghĩa.
 
Thánh Phaolô khuyên bảo
       hãy sống thánh thiện và bác ái, để
        “lối sống của anh em được người ngoài cảm phục, 
       và anh em sẽ không cần nhờ đến ai” (1Tx 4, 12).   
Người Kitô hữu biết rõ mình
       là con cái của Thiên Chúa
       và luôn được Ngài yêu thương:
Cha anh em biết rõ anh em cần gì,
       trước khi anh em cầu xin” (Mt 6, 8). 
 
Người Kitô hữu chân chính luôn ý thức
       mình được cứu chuộc nhờ Đức Kitô,
       được bước đi trên con đường vững chắc
       cùng với muôn ngàn thánh nhân,
       tiến về Nước Trời vĩnh cửu.
 
Như thế, người Kitô hữu chân chính tín thác
       vào quyền nặng vô biên của Thiên Chúa
       và tin tưởng tuyệt đối
       vào sự quan phòng của Ngài.
Cuộc đời họ luôn ngập tràn hy vọng và niềm vui.
 

30. Người Công Giáo lạc quan
 
Lạc quan không phải là ảo tưởng,
       nhưng là đi sát với thực tế.
Người sống lạc quan vừa tin Chúa tuyệt đối
       nhưng đồng thời
       cũng tin người anh em của mình.
 
Giuđa và người trộm lành là một ví dụ cụ thể.
Cả hai đều thấy rõ mình đáng tội.
Nhưng Giuđa bi quan, thất vọng rồi tự tử.
Còn người trộm lành lạc quan,
       hy vọng vào Chúa Giêsu và được cứu.
 
Chúng ta hãy nhìn lên bầu trời
       để tin tưởng và hân hoan.
Chúng ta hãy nhìn xuống trái đất
       đầy khổ đau phiền lụy để tìm cách giải cứu.
 
Chúng ta hãy nhìn tương lai để thẳng tiến,
       chứ không phải để quay lại đàng sau.
 
Chúng ta hãy nhìn quá khứ
       để rút tỉa kinh nghiệm,
       chứ không phải để thở than.
 
Chúng ta hãy nhìn vào bên trong chúng ta,
       để nhận ra biết bao bạn hữu thân tình,
       biết bao điều tốt lành, đáng quý,
       nhưng cũng không quên chuẩn bị sẵn sàng
       để chống lại sự dữ dưới mọi hình thức.
 
Chúng ta hãy nhìn vào tận đáy lòng, 
       để thấy rõ Thiên Chúa luôn ở với chúng ta,
       và Ngài không bao giờ
       bỏ mặc chúng ta với những giới hạn của mình.
 
Hãy mở rộng vòng tay để sưởi ấm và nâng đỡ
       những người nghèo đói, đau khổ, bị bỏ rơi.
Hãy mở rộng con tim để yêu thương, cứu giúp,
       và đổi mới canh tân mọi sự.
Hãy tiếp tục yêu thương mãi
       cho dù bị đáp trả bằng hận thù,
       bằng bất công, phản bội,
       để xã hội và thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.
 
Sống là hy vọng.
Chúng ta không bao giờ
       đánh mất hy vọng vào Chúa,
       ngay cả khi chúng ta tội lỗi, yếu đuối, vô ơn…
 
Thiên Chúa có thể biến đổi
       tất cả những điều không ra gì này,
       thành những điều tốt đẹp, hữu ích,
       với một điều kiện duy nhất
       là sự cộng tác của chúng ta:
Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích
       cho những ai yêu mến Người” (Rm 8, 28).
Tình thương con dành cho Chúa như thế nào rồi? 
 

31. Tin tưởng Chúa
 
Thiên Chúa có thể tạo dựng trời đất và mọi sự.
Nhưng Ngài không thể cứu tôi được,
       nếu tôi không cộng tác với Ngài.
 
Cần phải đặt trọn niềm tin nơi Chúa
       với tinh thần khiêm nhường.
Vì khiêm nhường
       chính là sự khó nghèo trong tâm hồn,
       giúp nhận ra được giới hạn của mình,
       và củng cố niềm tin nơi Chúa.
 
Từ những tương quan với Chúa và anh em,
       chúng ta có thể lập ra một vài công thức đơn giản:
Thiên Chúa – Tôi: Ngài không thể cứu tôi.
Tôi – Thiên Chúa: chẳng làm được gì cả
Thiên Chúa + Tôi: khả năng lớn lao
Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, 
       tôi chịu được hết” (Phil 4, 13)   
Thiên Chúa + Tôi + Anh em: Khả năng vô hạn.
 
Đây chính là ý của Chúa.
Vì Ngài muốn tôi cộng tác với Chúa
       để phục vụ anh chị em của mình. 
Tôi hành động như thể đang làm một mình,
       nhưng tin rằng
       chính Thiên Chúa đang làm điều đó.
 
Tại sao chúng ta than khóc?
Tại sao chúng ta bị giới hạn?
Tại sao chúng ta thất bại?
Trước hết chúng ta hãy tự đặt câu hỏi:
Tôi làm hay là chính Thiên Chúa đang làm?
Đâu là phản ứng của Chúa trước công việc này?
Và câu trả lời thật đơn giản,
       làm nên sự khác biệt toàn bộ:
“Không có Ta” và “Ở trong Ta”.
Có Chúa, chúng ta có thể làm được tất cả.

Tác giả: Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập580
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại933,213
  • Tổng lượt truy cập57,034,850
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây