Lễ Mình Máu Chúa Kitô. Giải thích Lời Chúa

Thứ tư - 25/05/2016 08:15

-

-
Việc chia sẻ bánh hóa nhiều trên đồi Ga-li-lê tiên trưng việc chia sẻ bánh hóa nhiều khác, nghĩa là chia sẻ Thân Thể Đức Ki-tô vinh quang hiện diện và hóa nhiều trong bàn tiệc Thánh Thể, không chỉ cho vài ngàn người nhưng cho hằng triệu người, ...
LỄ MÌNH MÁU CHÚA KI-TÔ

 
Chủ đề lễ Mình Máu Chúa Ki-tô hôm nay là “bánh”, tượng trưng lương thực cần thiết để nuôi sống con người. Đó là bánh cùng với rượu mà ông Men-ki-xê-đê mầu nhiệm, vừa là vua và vừa là tư tế thành Sa-lem, dâng tiến để chúc phúc cho tổ phụ Áp-ra-ham và chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao. Đó cũng là bánh Đức Giê-su hóa nhiều để nuôi dân chúng ăn no nê trong hoang địa. Đó cũng là bánh mà trong đêm bị nộp, Đức Giê-su thiết lập bàn tiệc Thánh Thể để con người được sống và sống dồi dào. 
 
St 14: 18-20
 
Bài Đọc I, trích từ sách Sáng Thế, thuật lại cuộc gặp gỡ của tổ phụ Áp-ra-ham với ông Men-ki-xê-đê mầu nhiệm, vừa là tư tế vừa là vua thành Sa-lem. Ông Men-ki-xê-đê dâng tiến hiến lễ tạ ơn gồm bánh và rượu. Truyền thống Ki-tô giáo đã thấy ở nơi hiến lễ này tiên trưng hy lễ Thánh Thể.
 
1Cr 11: 23-26
 
Bài Đọc II, trích từ thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô, là bài trình thuật cổ kính nhất về việc Đức Giê-su thiết lập bàn tiệc Thánh Thể. 
 
Lc 9: 11-17
 
Tin Mừng thánh Lu-ca tường thuật biến cố Chúa Giê-su hóa bánh ra nhiều để nuôi dưỡng dân chúng trong hoang địa, tiên trưng  Thân Thể Chúa Ki-tô vinh quang hiện diện và hóa nhiều trong bàn tiệc Thánh Thể.
 
BÀI ĐỌC I (St 14: 18-20)
 
Trong tập truyện về tổ phụ Áp-ra-ham được ghi lại trong sách Sáng Thế từ chương 12 đến chương 25, xuất hiện một tình tiết ngắn và đặc biệt: một nhân vật mầu nhiệm, ông Men-ki-xê-đê, vua và tư tế thành Sa-lem, viếng thăm tổ phụ Áp-ra-ham.
 
Sau khi đã chiến thắng bốn vị vua liên minh với nhau tấn công thành Xơ-đôm và thành Gô-mô-ra và đã giải thoát gia đình ông Lót, cháu của ông, cũng như dân của hai thành, ông Áp-ra-ham đang trên đường trở về, thì ông Men-ki-xê-đê, vừa là vua vừa là tư tế thành Sa-lem, đến để chúc phúc cho ông Áp-ra-ham và chúc tụng Thiên Chúa.
 
1. Cử chỉ của ông Men-ki-xê-đê:
 
Ông Men-ki-xê-đê đem bánh và rượu đến và dâng tiến hiến lễ tạ ơn. Ngay liền sau đó, bản văn  xác định chân tính của ông Men-ki-xê-đê, ông hành động với tư cách tư tế của Đấng Tối Cao; vì thế cử chỉ của ông mang giá trị tôn giáo. Ông chúc lành cho tổ phụ Áp-ra-ham và chúc tụng Thiên Chúa, Đấng đã cho vị lãnh tụ Do thái này chiến thắng những kẻ thù của mình.
 
Việc ông Men-ki-xê-đê kêu cầu Thiên Chúa dưới danh xưng là “Đấng Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất”, đó cũng là danh xưng của Đức Chúa trong Kinh Thánh (St 24: 3; Tv 18: 14; 47: 3; 78: 35; 97: 9). Đó cũng là vị Thiên Chúa mà tổ phụ Áp-ra-ham tôn thờ, thường nhất dưới danh xưng “Đấng Toàn Năng” (St 17: 1). Quả thật, lời ông Men-ki-xê-đê chúc phúc cho ông Áp-ra-ham và chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao được gặp thấy tương tự trong đoạn văn sách Giu-đi-tha, theo đó, sau khi đã chiến thắng tướng Hô-lô-phéc-nê, bà Giu-đi-tha được ca ngợi: “Bà được Thiên Chúa Tối Cao ban phúc… Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa, Đấng dựng nên trời đất” (Gđt 13: 18).
 
Ông Men-ki-xê-đê được tác giả thánh vịnh ca ngợi là dung mạo lý tưởng của Đấng Mê-si-a vừa là vua vừa là tư tế: “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị… Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê” (Tv 110: 1-4). Thật ra, Đấng Mê-si-a không thể là tư tế theo phẩm trật Lê-vi vì là hậu duệ của vua Đa-vít, nghĩa là Đức Giê-su thuộc bộ tộc Giu-đa chứ không thuộc bộ tộc Lê-vi. Tác giả thư gởi tín hữu Do thái sẽ khai triển lối chú giải này (Dt ch. 5 và ch. 7).
 
2. Cử chỉ của tổ phụ Áp-ra-ham:
 
Để tỏ lòng biết ơn, tổ phụ Áp-ra-ham biếu ông Men-ki-xê-đê một phần mười tất cả chiến lợi phẩm của mình. Sách Sáng Thế thường kể ra tấm lòng hào phóng và vị tha của tổ phụ Áp-ra-ham (x. những lời cầu bầu thật cảm động của ông ở St 18: 22-32). Cử chỉ của vị tổ phụ đặc biệt có ý nghĩa. Một phần mười là hiện vật mà dân Ca-na-an dâng hiến cho các thần linh của mình; đây cũng là thuế hằng năm mà các dân đóng cho các vua chúa ở miền Cận Đông. Như vậy, ông Áp-ra-ham nhận ra tính chính danh chức tư tế và vương đế của ông Men-ki-xê-đê. Ngoài ra, cử chỉ của vị tổ phụ mang tính tiên trưng, vì sau này con cái Ít-ra-en có nghĩa vụ đối với Đức Chúa, các tư tế và Đền Thờ Giê-ru-sa-lem của họ bằng cách đóng thuế thập phân. Như vậy, tổ phụ Áp-ra-ham tiền thân việc dân Chúa dâng tiến cho Đức Chúa, Đấng Tối Cao, một phần mười lợi tức của mình theo luật định.
 
Trong Tân Ước, chúng ta đọc thấy tình tiết này trong thư gởi tín hữu Do thái, ở đó tác giả còn phóng đại mầu nhiệm bao quanh nhân vật Men-ki-xê-đê khi ban cho ông tính chất siêu việt nào đó (Dt ch. 7). Các bản văn Do thái giáo khuếch trương nhân vật huyền bí này theo cùng một ý hướng, như các bản văn được gặp thấy ở Qumran gợi lên vai trò của ông Men-ki-xê-đê, “trổi vượt trên vai trò của các thiên thần”.
 
Sau này, vào thế kỷ thứ ba, trong khoa chú giải Ki-tô giáo, hiến lễ bánh và rượu mà ông Men-ki-xê-đê dâng tiến để chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao được giải thích như tiên trưng bàn tiệc Thánh Thể: Đức Giê-su sẽ biến bánh và rượu thành Mình và Máu của Ngài. Lời giải thích này được chính thức chấp nhận trong Lễ Quy Rô-ma khi nhắc nhớ: “hy lễ thánh thiện và lễ vật tinh tuyền của Men-ki-xê-đê, thượng tế của Chúa”.
 
BÀI ĐỌC II (1Cr 11: 23-26)
 
Bản văn này được trích từ thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô là bài trình thuật cổ kính nhất mà chúng ta có về việc Chúa Giê-su thiết lập bàn tiệc Thánh Thể. Thư này chắc hẳn được viết ở Ê-phê-xô vào mùa xuân 55, gần đến lễ Vượt Qua, vì thế khoảng cách giữa bản văn này và biến cố Đức Giê-su thiết lập bàn tiệc Thánh Thể khoảng độ 20 năm.
 
Thánh Phao-lô yêu cầu các tín hữu Cô-rin-tô phải tôn kính cách đặc biệt “bữa ăn của Chúa”. Để làm sống lại nơi họ tâm tình tôn kính “bữa ăn của Chúa” này, thánh nhân nhắc họ nhớ lại những ngôn từ của việc thiết lập và ý nghĩa sâu xa của bữa ăn này. Như vậy, chúng ta vừa có những lời của Chúa Giê-su được lập lại trong lễ Quy, vừa có quan điểm thần học đầu tiên hướng đến mầu nhiệm lớn lao này.
 
1. “Đây là điều Chúa Giê-su đã dạy cho tôi…”:
 
Thánh Phao-lô viết: “Đây là điều Chúa Giê-su đã dạy tôi, tôi xin truyền lại cho anh em” (1Cr 11: 23), như vậy thánh nhân khẳng định rằng điều này ngài đã lãnh nhận trực tiếp từ chính Chúa Giê-su chứ không “từ truyền thống đến từ Chúa”. Chúng ta không loại trừ rằng thánh nhân ám chỉ đến một mặc khải cá nhân (thánh nhân có nhiều kinh nghiệm trực tiếp từ Đức Ki-tô), nhưng dù thế nào, mặc khải cá nhân này chỉ có thể củng cố điều mà thánh nhân đã biết được từ chính các chứng nhân nhãn tiền.
 
2. Trong đêm bị nộp:
 
Mỗi khi cử hành bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta lập lại những lời này, chúng nhắc nhớ sự tương phản bi thảm giữa việc Đức Giê-su hiến dâng mạng sống mình cho nhân loại và sự đê tiện của một trong các môn đệ của Ngài, một kẻ phản bội tình bằng hữu của Ngài và nộp Ngài cho các kẻ thù của Ngài. Ác thần đã làm rối loạn công trình tạo dựng ngay từ đầu. Ác thần này lại hiện diện và xem ra có vẻ chiến thắng vào thời điểm Đức Giê-su sắp thiết lập một thế giới mới và một giao ước mới giữa Thiên Chúa và loài người. Nhưng Xa-tan bị đánh bại bởi chính các công việc của nó: chúng giúp cho ý định của Thiên Chúa được thực hiện.
 
3. “Đây là Mình Thầy, hy sinh vì anh em…”:
 
Bản văn của thánh Phao-lô rất giống với bản văn của thánh Lu-ca: “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em” (Lc 22: 19). Hơn nữa, chỉ duy cả hai ngài truyền đạt cho chúng ta lời căn dặn của Chúa Giê-su: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11: 24b và Lc 22: 19).
 
Chúa Giê-su đã minh nhiên loan báo hồng ân lạ lùng này: “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6: 51). Những lời này xem ra quá thẳng thắn đến mức khó mà tin được. Ngài cũng đã cho vài linh cảm theo cách khác qua những dấu chỉ. Ở tiệc cưới Ca-na, Ngài đã biến nước thành rượu, đây chỉ là một khúc dạo đầu; ở nơi hoang địa, Ngài đã hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông đang đói được ăn no nê, đây chỉ còn là bước khởi đầu của biểu tượng.
 
Hai dấu chỉ “bánh”“rượu” có mối quan hệ rất mật thiết với nhau. Bánh được làm từ hạt lúa miến bị giã thành bột và được nhồi thành bánh, rượu được ép ra từ trái nho bị dẫm đạp và nghiền nát; cả hai xem ra được định sẵn cho việc chuyển đổi thành hai hình Thánh Thể. Chúa Giê-su nhấn mạnh cả giá trị hy tế lẫn ý nghĩa giao ước mà cử chỉ của Ngài mặc lấy. Nhưng thánh Phao-lô không nhấn mạnh hai khía cạnh này. Trong một chú giải ngắn của mình, thánh nhân cho thấy ý nghĩa sâu xa mà thần học của thánh nhân không ngừng được gợi hứng: mầu nhiệm Tử Nạn và mầu nhiệm Phục Sinh được tái diễn mỗi lần cộng đoàn Ki-tô hữu cử hành bàn tiệc Thánh Thể.
 
4. Mầu nhiệm Tử Nạn và mầu nhiệm Phục Sinh:
 
“Thật vậy, mỗi lần ăn bánh và uống chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết cho tới ngày Chúa đến”. Với lời nhắc nhở này, thánh Phao-lô cho chúng ta hiểu rằng hồng ân Thánh Thể quy tụ, thâu tóm tất cả mầu nhiệm cứu độ, tức mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh. Cử hành Thánh Thể là tái diễn hy tế của Đức Ki-tô trên thập giá, nhưng đây là vị Thiên Chúa hằng sống, Đấng tự hiến bản thân mình. Khi rước Mình Thánh Đức Ki-tô, người Ki-tô hữu được tháp nhập vào trong cùng một chuyển động đau khổ, chết và sống lại của Ngài. Thánh Thể là bảo chứng cho thấy ngay từ giờ Nước Thiên Chúa hiện diện giữa nhân loại và sẽ phát triển viên mãn vào ngày Đức Ki-tô trở lại trong vinh quang. Sự đảm bảo này được toàn thể cộng đoàn tuyên xưng niềm tin và niềm hy vọng của mình sau khi truyền phép: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”.
 
TIN MỪNG (Lc 9: 11-17)
 
Phép lạ bánh hóa nhiều được cả bốn tác giả Tin Mừng tường thuật, thậm chí thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô còn tường thuật thêm bánh hóa nhiều lần thứ hai. Thánh Gioan xác định phép lạ này xảy ra vài ngày trước lễ Vượt Qua. Vào thời điểm này, có rất nhiều khách hành hương từ khắp nơi quy tụ cùng nhau dọc theo biển hồ Ghên-nê-sa-rét để chuẩn bị theo từng nhóm lên đường tiến về thành thánh Giê-ru-sa-lem. Vì thế, đám đông được mô tả trong bài tường thuật này đóng một vai trò quan trọng. Khi hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông vài ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su loan báo một lễ Vượt Qua khác. Đó là lý do tại sao phụng vụ cho chúng ta đọc bài tường thuật này vào lễ Mình và Máu của Đức Ki-tô.
 
1. Một ngày đầy hồng ân:
 
Biến cố được định vị ngay sau khi nhóm Mười Hai đi truyền giáo trở về. Chúa Giê-su muốn đem riêng các Tông Đồ xuống thuyền qua bờ bên kia “đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6: 31). Tuy nhiên, đám đông hiểu ý liền theo đường bộ mà đến với Ngài.
 
Đức Giê-su không sống cho riêng mình; Ngài đến để hiến dâng mạng sống mình cho nhân loại. Sự hiện diện của đám đông ở nơi này cản trở dự định nghỉ ngơi của Ngài, ấy vậy Ngài ân cần tiếp đón họ. Ngài động lòng thương những nỗi khốn khổ của họ “vì họ như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6: 34). Để đáp ứng nỗi khốn khổ tinh thần của họ, “Ngài nói với họ về Nước Thiên Chúa”, và để bù đắp nỗi khốn khổ thể lý của họ, “Ngài chữa lành những ai cần được chữa lành”. Khi chiều xuống, Ngài hoàn tất ngày hôm đó với một cử chỉ báo trước việc Ngài hiến dâng bản thân mình còn triệt để hơn nữa.
 
2. Dấu chỉ loan báo cuộc Xuất Hành Mới:
 
Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều nhấn mạnh: “Ở đây hoang vắng”. Diễn ngữ này gợi nhớ thời kỳ Xuất Hành, thời kỳ dân Do thái đã phải chịu đói chịu khát trong hoang địa Xi-nai, họ nhận được bánh man-na, “bánh từ trời xuống”, ân ban này được tiếp diễn hằng ngày cho đến lúc dân vào đất hứa Ca-na-an. Diễn ngữ này ám chỉ Đức Giê-su là Mô-sê Mới sắp cho dân Ít-ra-en Mới ăn no nê bánh kỳ diệu.
 
3. Dấu chỉ loan báo thời Mê-si-a:
 
Trước tiên, cử chỉ của Đức Giê-su mang chiều kích Mê-si-a. Với các môn đệ và đám đông dân chúng theo Ngài, Đức Giê-su muốn cho họ hiểu rằng thời kỳ Thiên Chúa viếng thăm nhân loại đã đến, tức là thời Mê-si-a, thời mà các ngôn sứ, các thánh vịnh gia và các hiền nhân đã tiên báo rằng đó sẽ là thời kỳ Thiên Chúa tuôn đổ muôn vàn ân phúc của Ngài. Chủ đề này được trình bày dưới hình ảnh một bữa ăn, “bàn tiệc thời Mê-si-a”, tiên báo bàn tiệc cánh chung mà Thiên Chúa sẽ khoản đãi những người được tuyển chọn trong Nước Thiên Chúa (Tv 132: 14-15; I s 49: 10; 55: 1-3; Am 9: 13…).
 
4. Dấu chỉ loan báo Giáo Hội:
 
Thánh Lu-ca luôn luôn nhạy bén trước khía cạnh Giáo Hội ở nơi những dấu chỉ mà Chúa Giê-su ban cho. Như tại thánh Mát-thêu, khác với thánh Mác-cô và thánh Gioan, thánh Lu-ca nêu bật nhóm Mười Hai, các ngài ý thức về hoàn cảnh và đề nghị một giải pháp: “Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì ở đây hoang vắng quá”. Nhưng Chúa Giê-su đáp: “Anh em hãy liệu cho họ ăn”. Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều ghi lại mệnh lệnh này. Thánh Mát-thêu còn nhấn mạnh hơn nữa: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14: 16). Các ông phải mặc lấy tấm lòng của Đức Ki-tô trước nỗi khốn khổ lớn lao của đám đông này. Chính các ông chứ không ai khác phải đối mặt với vấn đề này và đáp ứng những mong ước của đám đông khốn khổ này chứ không tìm cách thoái thác để lẫn tránh trách nhiệm của mình, dù bất kỳ lý do gì.
 
Các môn đệ chỉ còn biết thú nhận là họ bất lực: họ chỉ có trong tầm tay vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá trước đám đông dân chúng khốn khổ bao la này. Về phương diện nhân loại, không có giải pháp nào khả dĩ. Đây là một bài học thật sự kinh khiếp: không phải Giáo Hội thường phải đối mặt với những vấn đề tưởng chừng như không thể giải quyết được nếu không có đức tin sao?
 
Lúc đó, Chúa Giê-su yêu cầu các môn đệ cho dân chúng ngồi thành từng nhóm, mỗi nhóm khoảng năm mươi người. Ở đây, bản văn quy chiếu đến sách Xuất Hành, theo đó ông Mô-sê quy tụ những chi tộc Ít-ra-en để làm thành một dân và đặt những người chỉ huy: điều khiển một ngàn hay một trăm, năm mươi hay mười người (Xh 18: 21-25). Cũng vậy, Đức Giê-su làm cho đám đông thành một cộng đoàn quy tụ quanh Ngài và Ngài sắp nuôi dưỡng họ từ bánh hóa nhiều. Ý nghĩa Giáo Hội thì thật rõ nét.
 
5. Dấu chỉ loan báo Thánh Thể:
 
“Ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ…”. Ở đây, các tác giả Tin Mừng đều miêu tả cử chỉ của Đức Giê-su y hệt như cử chỉ của Ngài trong Bữa Tiệc Ly (Lc 22: 19-20; 1Cr 11: 23-25) và cũng qua dấu chỉ này các môn đệ nhận ra Chúa (Lc 24: 30-31).
 
Việc chia sẻ bánh hóa nhiều trên đồi Ga-li-lê tiên trưng việc chia sẻ bánh hóa nhiều khác, nghĩa là chia sẻ Thân Thể Đức Ki-tô vinh quang hiện diện và hóa nhiều trong bàn tiệc Thánh Thể, không chỉ cho vài ngàn người nhưng cho hằng triệu người, mỗi giây phút và trên khắp thế giới cho đến ngày tận thế: “Đức Giê-su là tấm bánh bẻ ra cho một thế giới mới”.

Tác giả: Lm Hồ Thông HT68

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập184
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm183
  • Hôm nay41,884
  • Tháng hiện tại672,890
  • Tổng lượt truy cập57,958,759
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây