Hân hoan mừng Chúa Giêsu giáng sinh.

Chủ nhật - 12/12/2010 18:27

Giáng sinh.

Giáng sinh.
Lễ Giáng Sinh là ngày đại lễ theo truyền thống Kitô-Giáo. Vì thế, dù hằng năm các tín hữu Tin Lành, Công Giáo, Anh Giáo mừng lễ ngày 25 tháng 12, còn các tín hữu Chính Thống Giáo mừng vào Lễ Hiển Linh hay Lễ Ba Vua...

HÂN HOAN MỪNG CHÚA GIÊSU GIÁNG SINH

Lễ Giáng Sinh là ngày đại lễ theo truyền thống Kitô-Giáo. Vì thế, dù hằng năm các tín hữu Tin Lành, Công Giáo, Anh Giáo mừng lễ ngày 25 tháng 12, còn các tín hữu Chính Thống Giáo mừng vào Lễ Hiển Linh hay Lễ Ba Vua, như năm nay ngày 2 tháng 1-2011; nhưng tất cả các Kitô-hữu đều cùng chung niềm xác tín vào Chúa Giêsu Giáng Sinh, với từ “Giáng” nói đến lòng tin Thiên Chúa từ “trời cao sinh xuống nơi trần thế.”

Tuy vậy, đã từ lâu cho đến nay, ngày lễ gọi phổ thông là Lễ Giáng Sinh, có ý nghĩa đại chúng, nói lên sự kiện mọi người, không phân biệt tôn giáo, hoặc có tôn giáo hay không tôn giáo, kể cả vô thần như đảng viên đảng cộng sản tại Việt Nam, cũng có thể chung vui Lễ Giáng Sinh. Do đó, nhân dịp ngày Lễ vào năm 2010, chúng tôi xin trình bày một ít suy nghĩ về ý nghĩa đích thực của Lễ Giáng Sinh.

Hân hoan mừng Giáng Sinh

Trong dân gian, ý nghĩa Lễ Giáng Sinh rất phong phú mà ở đây chỉ xin nêu đôi điều tiêu biểu:

Trước tiên, Lễ Giáng Sinh đem đến vui tươi, an bình. Cụ thể như năm 2010, vào Thứ Bảy 25 tháng 12 mới đến Lễ Giáng Sinh .Nhưng, từ tháng 11, khắp phố phường nơi làm ăn buôn bán cho đến các khu nhà tư gia, đâu đâu cũng vang lên niềm vui Giáng Sinh. Nói chung, chuẩn bị Lễ Giáng Sinh là thời gian thương trường có cơ may thịnh đạt nhờ người buôn bán và mua sắm. Thứ đến, không khí vui tươi, an bình phản ảnh qua nhiều ca khúc gọi là Thánh Ca Giáng Sinh với tiếng đàn tiếng chuông Christmas Carols, thịnh hành tại Pháp, Anh và được di dân từ Âu Châu đem sang Mỹ Châu làm cho Thánh Ca Giáng Sinh phổ biến tại Hoa Kỳ từ thế kỷ thứ 19. Ví dụ: Bài “Les Anges dans nos campagnes”, dù tác giả vô danh nhưng là ca khúc nổi tiếng tại Pháp vào thế kỷ thứ 18. Về sau, có điệp khúc “Gloria in excelsis Deo” được danh tài Edward Shippen Barnes (1887-1958) phổ nhạc, đã trở thành Thánh ca lừng danh khắp thế giới.

Thánh ca “Adeste fideles” (Các giáo hữu hãy đến), đầu tiên bằng La tinh hát trong nhà thờ sau đó nhạc sĩ Anh Frederic Oakley phổ nhạc năm 1841, theo ca khúc “O Come, All Ye Faithful”. Ca khúc “Silent Night, Holy Night” (Đêm Thánh vô cùng) là Thánh ca danh tiếng, không thể thiếu khi Mùa Giáng Sinh đến. Đầu tiên, bài hát tiếng Đức – Stille Nacht! Heilige Nacht!  từ bài thơ của Joseph Mohr, một Linh mục người Áo, năm 1816, và sau đó được Franz Xavier Gruber phổ nhạc, năm 1818, vào Lễ Vọng Giáng Sinh rồi đem ra hát Đêm Giáng Sinh năm ấy.

Một ca khúc dân gian Hoa Kỳ rất nổi danh là Bài “Jingle Bells” do mục sư James Pierpoint sáng tác vào dịp Lễ Thanksgiving 1857 tại Boston cho các em Trường Chúa Nhật (Sunday School). Về sau bài ca nầy thành nhạc Giáng Sinh đón mừng Ông Già Noel tức Santa Claus, mỗi lần hát lên đã mang lại niềm vui đến cho các cháu nhi đồng và mọi người khắp đó đây.

Kế đến, niềm vui Giáng Sinh còn có việc trang trí và tặng quà hay gởi thiệp chúc mứng nhau. Về trang trí: Phổ biến nhất là Cây Thông Giáng Sinh, từ nơi công cộng quốc gia, các phố xá cho đến mỗi nhà, đâu đâu cũng có Cây Thông tượng trưng cho sự xanh tươi luôn mãi suốt năm.

Thiệp Mừng Giáng Sinh: Lễ Chúa Giêsu Giáng Sinh đem niềm vui cho mọi người, mọi gia đình, nên lời chúc mừng Giáng Sinh trở nên thịnh hành tại nhiều quốc gia hay khắp nơi trên thế giới. Có thể nói đâu đâu cũng có lời chúc mừng và thiệp Giáng Sinh, tiêu biểu như:

Mừng Vui Giáng Sinh (Việt)- Joyeux Noel (Pháp, Canađa) – Merry Christmas (Anh, Mỹ, Canađa) – Froehliche Weihnachten (Đức)- Feliz Navidad (Tây ban nha; Mễ)- Buone Feste Natalizie (Ý) - Weselych Swiat (Ba lan)- Boes Festas (Bồ) - Glaedelig Jul (Đan mạch)– Shinnen Omedeto, Kurisumasu Omedeto (Nhật) – Sung Tan Chuk Ha (Triều Tiên)– Maligayamg Pasko, Masaganang Bagong Taon (Tagalog Philippin).

Lễ Chúa Giêsu Giáng Sinh

Đối với người Kitô-hữu, dù cũng gọi ngày lễ là Giáng Sinh nhưng trong thâm tâm phải nhớ đến tên gọi đầy đủ Chúa Giêsu Giáng Sinh, xác tín tuyên xưng đức tinvề Mầu nhiệm Nhập Thể: “Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai sinh bởi Bà Maria Đồng Trinh.”(Kinh Tin Kính)

Lễ nghi quan trọng là việc mừng Chúa Giêsu sinh ra, nhất là Thánh Lễ nửa đêm Thứ Sáu 24-12 hoặc từ chiều tối Thứ Sáu (24-12) là nghi thức phụng vụ phổ biến, phù hợp với tinh thần hân hoan “nửa đêm mừng Chúa ra đời”. Như thế, dựa vào nghiên cứu của các học giả về Thánh Kinh, các giáo hữu nhận thức rằng 25 tháng 12 là Sinh Nhật của Chúa Giêsu, nhưng sinh nhật không theo nghĩa ngày sinh như lời chúc mừng “Happy Birthday” của người đời vì Phúc Âm chỉ nói về “Chúa Giêsu ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì” (Mt 2: 1) mà không nói rõ Chúa Giêsu sinh ra vào ngày, tháng nào.

Về Nguồn Gốc và Ý Nghĩa, Lễ Giáng Sinh xuất phát từ Phúc Âm của Thánh Luca. Tường thuật nói đến thời hoàng đế Au-gút-tô, và Chúa Giêsu sinh ra trong cảnh nghèo khó:

Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ truyền kiểm tra dân số ...” (Lc 2: 1)

“Khi hai người (Giuse và Maria) đang ở thành Bê-lem thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2: 6-7).

Thánh sử cũng nói đến việc “sứ thần Chúa” hiện ra với “những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đoàn vật”; đang khi “họ kinh khiếp hãi hùng” thì thiên thần báo tin về Đấng Cứu Độ sinh ra với dấu chỉ để nhận biết Người:

“Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành của Đa-vít. Người là Chúa Kitô. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2: 8-12)

Tuy vậy, Thánh Kinh cho biết đây là Giáng Sinh đặc biệt của Ngôi Hai giáng thế vì có “muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa”:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời

Bình an dưới thế cho người Chúa thương. (Lc 2: 14)

Ngoài các mục đồng tìm gặp Hài Nhi (Giêsu) còn có ba nhà đạo sĩ hay Ba Vua từ Phương Đông tìm Người. Nhờ ngôi sao lạ dẫn đường ba vị đến nơi thì thấy “Hài Nhi và thân mẫu là bà Maria” (Mt 2: 11).

Đi sâu vào Phụng Vụ Thánh giúp cho giáo hữu biết nguồn gốc Lễ Giáng Sinh là lễ Giáo Hội lập ra để thay thế lễ nghi của người ngoại giáo thời xưa: Đó là Lễ Đông Chí vào 25 tháng 12 liên quan đến Mặt Trời khi ngày và đêm dài bằng nhau, rồi từ đó dần dần ngày dài thêm ra. Mặt Trời sáng chói vượt thắng cả tối tăm và sức nóng từ Mặt Trời xóa tan lạnh lẽo Mùa Đông. 

Ngoài ra, tại Phương Đông, có tục thờ bụt Mithra là “thần ánh sáng”, mà, theo Niên Lịch Jules César, ngày lễ vào 25 tháng 12 là sinh nhật Thần Mặt Trời được nhân dân đón mừng với niềm hân hoan có ánh sáng và sức nóng cần cho sự sống, giúp đất đai phì nhiêu để gieo vãi và từ đó có hoa màu sinh sống: Đó là mặc khải huyền diệu về Chúa Giêsu, ánh sáng và sự sống. Vì thế, trong Lễ Giáng Sinh, tiên tri I-sa-i-a nói đến:

Dân tộc nhìn thấy sự sáng chứa chan, Sự Sáng đã bừng lên”. 

Và theo Thánh Gioan: “nơi Người có sự sống và sự sống là sự sáng cho nhân loại” (Ga 1: 4)

Hơn nữa, thời Giáo Hội tiên khởi thế kỷ 1, 2, không có Lễ Chúa Giáng Sinh. Các nghi lễ đầu tiên về Chúa Giêsu giáng sinh tổ chức vào 6 tháng Giêng trong các Giáo Hội Đông Phương.Đến thế kỷ thứ 3 mới có lễ mừng Chúa Giêsu ra đời để thay thế lễ Thần Saturnalia (25-12). Qua thế kỷ thứ tư, năm 330, hoàng đế Con-xtan-ti-nô chính thức cho thay Lễ Thần Mặt Trời (25-12) bằng Lễ Chúa Giêsu Giáng Sinh. Do đó, dù Thành Constantinople thuộc Đông Phương, nhưng Giáo Hội mừng lễ Chúa Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 như ngày Lễ tại Tây Phương.

Đến thế kỷ thứ 5 mới chính thức có Lễ Chúa Giêsu Giáng Sinh vào 25 tháng 12, với Lễ đêm Giáng Sinh được Đức GH. Xix-tô III (432-440) cử hành vào đêm 24-12. Từ đó, dần dần trong Phụng Vụ Thánh có nghi thức Lễ Vọng vào đêm 24-12 và Lễ Ngày vào 25-12 với thánh lễ đặc biệt mà các Linh mục gọi là Thánh Lễ Đức Kitô“Christ-mass”, dần dần đọc thành Christmas

Ở Pháp, thời vua Charlemagne tức Đại đế Carôlô Đệ nhất (742-814), Giáo Hội cho phép cử hành ba Lễ vào dịp Giáng Sinh. Sau đó, tục lệ nầy lan rộng khắp cả đế quốc Pháp.

Đến thế kỷ 12, Lễ Giáng Sinh là đại lễ trong Giáo Hội Tây Phương, và phần lớn các Giáo Hội Kitô đều mừng Lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12.

Máng Cỏ: Nguồn gốc dựa vào Tin Mừng Thánh Lu-ca, với những nhân chứng về Chúa Giêsu sinh ra là các mục đồng trong vùng Bê-lem mà Thiên Thần phán bảo hãy đi tìm Đấng Cứu Độ.

“Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2:16).

Vì thế, vào Lễ Giáng Sinh, nhà thờ nào cũng có “máng cỏ” và trong nhà mỗi tư nhân, khi trang hoàng cũng có máng cỏ, với hài nhi Giêsu, bà Maria, ông Giuse, có chiên, bò, lừa, thở hơi cho ấm con trẻ và có vài ba mục đồng ngắm nhìn hài nhi.

Mô hình đầu tiên do Thánh Phan-xi-cô Assisi thực hiện vào năm 1223, tại thành Greccio ở Ý, là máng cỏ sống động diễn lại hạnh tích Chúa Giêsu Giáng Sinh.

Đến thế kỷ thứ 18, máng cỏ được phổ biến trong Giáo Hội Công Giáo mà sau đó vào lễ Hiển Linh hay Lễ Ba Vua (CN 2-1-2011), còn có thêm Ba Vua - Melchior, Gaspard và Balthazar.

Mừng Chúa Giêsu Giáng Sinh

Ý nghĩa thâm sâu của Lễ Chúa Giêsu giáng sinh hướng lòng các tín hữu đến mầu nhiệm nhập thể, tưởng niệm “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1: 14). Vì thế, trong Thánh Lễ Giáng Sinh, khi đọc kinh Tin Kính, giáo hữu bái gối nghiêm chỉnh và chú tâm sốt sắng hơn thường khi đọc câu: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người.”

Trên hết, Chúa Giêsu Kitô sinh xuống làm người đem đến cho nhân loại gương khiêm nhường, khó khăn, và niềm hoan lạc, bình an. Do đó, Giáo Hội nhắc bảo giáo hữu làm việc bác ái, giúp đỡ những người nghèo khó, nhịn bớt phần ăn tiêu hầu góp phần làm việc phúc đức. Hơn nữa, không lúc nào bằng lúc nầy, con người trên khắp thế giới rất khao khát được bình an vì chiến tranh, hận thù, khủng bố trở nên mối đe dọa lớn lao cướp mất sinh mạng của biết bao người, những kẻ vô tội đáng thương. Các tín hữu hãy hiệp thông sốt sắng cầu nguyện xin Chúa Giêsu Kitô giáng sinh ban hồng ân bình an. Cách riêng, trong Năm Thánh 2010, xin hãy hiệp thông cầu nguyện cho Giáo Hội Việt Nam tại quê nhà, cầu nguyện cho Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt tại Hà nội, cũng như các giáo dân đang bị bách hại vì bao tệ nạn chiếm dụng tài sản đất đai của Giáo Hội, song hành với tệ nạn bất công khắp nơi. Xin Thiên Chúa đoái thương đem lại Công Lý và Hòa Bình, vui mừng, hạnh phúc hầu cho mọi người được hưởng trọn vẹn và đích thực hân hoan Mừng Chúa Giêsu Giáng Sinh đem đến cho nhân loại!

Chúng con hiệp lòng cùng Đức Mẹ Lavang, xin nhờ Mùa Vọng được dọn lòng sốt sắng mừng Giáng Sinh với muôn hồng ân An Bình Chúa Hài Đồng ban cho mọi người và cho chúng con.

Trần Văn Trí (12-2010) 

Tác giả: Trần Văn Trí

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Chú ý: Được đăng lại bài viết, nhưng vui lòng ghi rõ nguồn "Gia đình Cựu Chủng sinh Huế" và link đến bài viết trên trang này.
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập829
  • Hôm nay97,729
  • Tháng hiện tại1,009,993
  • Tổng lượt truy cập57,111,630
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây