Chúa nhật 3 TN A. Giải thích Lời Chúa

Thứ ba - 17/01/2017 07:15

-

-
Bài Đọc I và Tin Mừng nêu bật chủ đề Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật tuần nầy: Chính ở Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại, mà Đức Giê-su chọn để công bố giáo huấn của Ngài.
CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN

 
Bài Đọc I và Tin Mừng nêu bật chủ đề Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật tuần nầy: Chính ở Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại, mà Đức Giê-su chọn để công bố giáo huấn của Ngài.
 
Is 8: 23; 9: 3
 
Ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo với dân Ga-li-lê bất hạnh, nạn nhân của chính sách cai trị hà khắc của đế quốc Át-sua vào thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên, rằng sẽ đến ngày một ánh sáng huy hoàng rực rỡ sẽ chiếu sáng trên họ.
 
Mt 4: 12-23
 
Trong Tin Mừng, thánh Mát-thêu trích dẫn bản văn của vị ngôn sứ nầy để chứng tỏ rằng chính nơi Đức Giê-su mà Kinh Thánh được ứng nghiệm: Đức Giê-su đã chọn Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê làm cứ điểm truyền giáo của Ngài. Ở đó, Ngài đã  kêu gọi các môn đệ đầu tiên của Ngài, họ là những ngư phủ.
 
1Cr 1: 10-13, 17
 
Ở giữa hai bài đọc nầy, là “thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi cho Giáo Đoàn Cô-rin-tô”. Trước nạn bè phái, thánh nhân khẩn khoản kêu mời các tín hữu hãy hiệp nhất với nhau. Nếu đoạn trích thư nầy không cho thấy bất kỳ mối liên hệ nào với hai Bài Đọc trên, thì nó nói lên nỗi bận lòng lớn lao của Giáo Hội là kêu mời mọi tín hữu hãy cầu nguyện cho các Kitô hữu trên thế giới được hiệp nhất với nhau. Thánh Phao-lô công bố tính bất khả phân của Đức Kitô.
 
BÀI ĐỌC I (Is 9: 1-4)
 
Bài Đọc thứ nhất được trích từ một trong ba sấm ngôn vĩ đại của ngôn sứ I-sai-a đệ nhất về sự sinh hạ của một Hài Nhi, tên biểu tượng của con trẻ là “Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng ta,” được gặp thấy trong các chương 7 đến chương 12, các chương nầy hình thành nên một tuyển tập được gọi là “sách về Đấng Em-ma-nu-en”.
 
Sấm ngôn thứ nhất (7: 10-14) loan báo sự sinh hạ của một Hài Nhi, sấm ngôn thứ hai (8: 23b-9: 6) mô tả vài nét đặc trưng của triều đại Hài Nhi nầy, và sấm ngôn thứ ba (11: 1-9) bày tỏ triều đại của Hài Nhi là triều đại của những ân ban siêu nhiên, và là kỷ nguyên của hòa bình và cứu độ.
 
Đoạn văn hôm nay là phần thứ nhất của sấm ngôn thứ hai, nói về sự tương phản giữa cảnh đời gian truân tăm tối trong hiện tại và những viễn cảnh huy hoàng tươi sáng trong tương lai.
 
1. Cảnh đời tăm tối trong hiện tại:
 
Về phương diện lịch sử, nguyên thủy vùng Ga-li-lê được chia cho hai bộ tộc Dơ-vu-lun và Nép-ta-li, khi dân It-ra-en vào Đất Hứa. Nhưng hai bộ tộc nầy không bao giờ thành công trong việc đánh đuổi dân bản địa Ca-na-an nên ngay từ đầu dân cư Ga-li-lê đã là dân tạp chủng. Về phương diện địa lý, tên Ga-li-lê, đến từ tiếng Híp-ri Ga-lil có nghĩa vòng tròn, sở dĩ có tên gọi như vậy vì ngoại vi của nó tiếp giáp với các quốc gia ngoại bang, vì thế, không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi văn hóa và tư tưởng dân ngoại bao quanh, trái với miền Giu-đê. Hơn nữa, những con đường lớn của thế giới đều đi ngang qua miền Ga-li-lê trong khi xa tít về phía Nam, miền Giu-đê thu mình vào một góc, cô lập, khép kín như câu thành ngữ : “Giu-đê không có đường đi đâu hết, còn Ga-li-lê đi khắp nơi”. Vì thế không lạ gì miền Ga-li-lê đã trở thành miếng mồi xâm lăng của các dân ngoại vùng chung quanh và các đế quốc hùng mạnh thay nhau cai trị vùng nầy.
 
Sấm ngôn của I-sai-a ám chỉ đến số phận bi thảm giáng xuống trên dân cư của vương quốc phương Bắc trong cuộc xâm lăng của đế quốc Át-sua vào những năm 734-732 BC và cuối cùng hoàn toàn bị diệt vong vào năm sau đó, năm thủ đô là Sa-ma-ri bị chiếm và bị tàn phá: chinh phục, chiếm đóng, lưu đày một số lượng lớn dân cư, thay thế vào đó là những dân ngoại bang. Sự đàn áp tàn bạo đến mức vị ngôn sứ mô tả rằng chỉ có sự can thiệp của Thiên Chúa vào triều đại của vị Vua Mê-si-a mới có thể giải phóng con người được.
 
Quyền lực của đế quốc Át-sua sẽ ngự trị cho đến năm 612 trước Công Nguyên sau khi bị đế quốc Ba-by-lon xâm chiếm. Như vậy, sau thời kỳ phục dịch đế quốc Át-sua, dân Ít-ra-en sẽ nhận biết sự chiếm đóng của đế quốc Ba-by-lon. Họ sẽ gặp lại một cuộc sống thanh bình nhờ vào sự giải phóng của đế quốc Ba-tư. Dưới thời đô hộ của đế quốc Ba-tư, dân Ít-ra-en được hưởng một chính sách cai trị mềm dẻo, nhưng sự giải phóng nửa vời nầy không là điều vị ngôn sứ nghĩ đến: cái nhìn của ông còn đi xa hơn thế nhiều. Quả thật, khi nói về những biến cố đương thời của mình, vị ngôn sứ nói: “Trong thời gian đầu”, điều nầy ám chỉ đến hoàn cảnh hiện nay và mở ra một tương lai xa mà ông thoáng thấy. Vì thế niềm hưng phấn của ông trước ánh sáng rạng ngời trên miền Ga-li-lê được xem như lời sấm cốt yếu mang chiều kích thiên sai: sấm ngôn nầy, một trong những sấm ngôn giàu hình ảnh, loan báo Tin Mừng cứu độ và ơn gọi của dân Ga-li-lê, dân thụ hưởng vinh quang của Đức Chúa.
 
2. Những viễn cảnh huy hoàng tươi sáng trong tương lai:
 
Chính trong cảnh đời tăm tối không lối thoát trong hiện tại mà vị ngôn sứ loan báo những viễn cảnh huy hoàng tươi sáng trong tương lai. Cặp đối lập “ánh sáng / bóng tối” là chủ đề Kinh Thánh nổi tiếng chạy xuyên suốt toàn bộ lịch sử cứu độ, kể từ ngày Thiên Chúa tách ánh sáng ra khỏi bóng tối (St 1: 3-4), cho đến ngày chung cuộc, khi những ác nhân bị ném ra ngoài vào trong bóng tối hãi hùng. Qua toàn bộ lịch sử nầy, ơn cứu độ, niềm vui, đức tin, chung chung được diễn tả bằng hình ảnh ánh sáng. Ở đỉnh cao của tiến trình nầy, Đức Giê-su tự giới thiệu mình: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8: 12).
 
Trong thị kiến của vị ngôn sứ, ánh sáng biểu tượng niềm vui ơn cứu độ. Niềm vui nầy sẽ rạng ngời trên khắp miền Ga-li-lê và được mô tả bằng hình ảnh như niềm vui của nhà nông vào ngày thu hoạch mùa màng sau những gian lao vất vả của việc đồng áng, và như niềm vui của những lính chiến chia nhau những chiến lợi phẩm sau cuộc chiến gian khổ.
 
Nguyên do của niềm vui nầy chính là thời phục dịch sắp chấm dứt, kẻ hà hiếp sắp bị đánh bại. Khúc ca khải hoàn nầy được sánh ví như ngày chiến thắng quân Ma-đi-an (Tl 7: 1-25), một cuộc chiến thắng quá vẹn toàn, đạt được nhờ quân số quá nhỏ bé (300 chiến binh) đến nổi chiến công nầy không hề phai nhạt trong ký ức của dân chúng như tiêu biểu cho hành động của Thiên Chúa.
 
Như vậy, Ga-li-lê, miền đất dân ngoại, có ơn gọi chiếu giải ánh sáng của Thiên Chúa đến các dân ngoại. Sấm ngôn của vị ngôn sứ đã được ứng nghiệm bảy thế kỷ sau đó, khi Đức Giê-su công bố sứ điệp của Ngài ở miền Ga-li-lê dân ngoại nầy. Đó chính là điều mà Thánh Mát-thêu, vị Thánh ký bận lòng chứng minh con người và sứ mạng của Đức Giê-su đã được các ngôn sứ loan báo, không thể nào bỏ qua.
 
BÀI ĐỌC II (1 Cr 1: 10-13, 17)
 
Bài đọc thứ hai được trích từ “Thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô” giúp chúng ta nắm bắt những nguyên do sâu xa của cuộc khủng hoảng mà Giáo Đoàn non trẻ nầy gặp phải.
 
1. Vấn đề của Giáo Đoàn Cô-rin-tô: nạn bè phái (1 Cr 1: 11-12) .
 
Bốn phe phái đối đầu với nhau ở lòng Giáo Đoàn Cô-rin-tô:
 
- Phe theo thánh Phao-lô: thánh nhân cũng có vài ủng hộ viên trong cộng đoàn nầy.
 
- Phe theo ông A-pô-lô: nhờ vào sách Công Vụ 18: 24-28, chúng ta biết rằng ông A-pô-lô là một người Do thái quê ở A-lê-xan-ri-a, thủ đô của Do thái giáo hy lạp và một trong những thủ đô trí thức của thế giới vào thời đó. Nhờ có tài hùng biện và thông thạo Kinh Thánh, ông rao giảng rất thành công ở Ê-phê-sô. Từ đó, ông đã sang miền A-khai-a dùng tài hùng biện của mình mà phục vụ Giáo Hội. Thánh Phao-lô, khi từ biệt Cô-rin-tô, đã giao phó cho ông A-pô-lô giáo đoàn non trẻ nầy. Tuy nhiên, ông A-pô-lô đã không lưu lại lâu ở Cô-rin-tô, nhưng cũng để lại ở đây một ảnh hưởng mạnh mẻ. Chắc hẳn, tài hùng biện chói sáng của ông làm lu mờ đi cách rao giảng đơn sơ và bộc trực của thánh Phao-lô (x. 1Cr 2: 1, 3, 5). Kết quả là một sự chia rẽ giữa những người theo phe ông A-pô-lô và những người vẫn trung thành với thánh Phao-lô.
 
Việc nhắc đến ông A-pô-lô ở cuối thư gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô nầy cho phép chúng ta khẳng định rằng ông A-pô-lô không để cho sự thành công lôi cuốn mình và cương quyết tự xóa mình trước thánh Phao-lô cho đến khi hoàn cảnh được tái lập: “Còn về anh A-pô-lô, tôi đã tha thiết xin anh ấy đến thăm anh em cùng với các anh em khác. Nhưng lúc nầy anh ấy nhất định không chịu đi, anh ấy sẽ đi khi có dịp thuận tiện “ (1 Cr 16: 12).
 
- Phe theo thánh Phê-rô: có thể chính thánh Phê-rô, hay một trong những cộng sự viên thân cận của thánh nhân, đã đến Cô-rin-tô. Nhưng chúng ta cũng có thể nghĩ rằng những Kitô hữu gốc Do thái tìm kiếm nơi thánh Phê-rô một điểm tựa để bênh vực những lập trường duy Do thái của họ chống lại lập trường bao dung của thánh Phao lô đối với các dân ngoại (x. Gl 2: 1-14).
 
- Phe theo Đức Kitô: Có thể đó là những Kitô hữu vẫn ở trong chính lộ (x. 1Cr 1: 13) hay những người tự phụ là mình gắn bó với Đức Kitô mà không nhận uy quyền của bất kỳ vị Tông Đồ nào.
 
2. Câu trả lời của thánh Phao-lô (1 Cr 1: 10, 13, 17).
 
Đối diện với nạn bè phái, thánh Phao-lô kêu mời khẩn thiết đến sự hiệp nhất và trình bày giáo huấn về tính bất khả phân của Đức Giê-su: tính duy nhất của hy tế thập giá, phép rửa, và Tin Mừng.
 
A-Kêu mời khẩn thiết đến sự hiệp nhất:
 
Thánh Phao-lô kêu mời các tín hữu Cô-rin-tô hãy một lòng một ý với nhau. Lời mời gọi cương quyết, nồng nàn và khẩn thiết nầy được đặt ngay ở đầu, thậm chí trước khi viện dẫn hoàn cảnh của những chia rẽ. Như vậy thánh nhân tránh bắt đầu với những lời khiển trách. Thư gởi cho các tín hữu Phi-líp-phê (Pl 2: 1-11) cho chúng ta lời giải thích lý do tại sao phải trở nên “một lòng một ý” với nhau.
 
Chính “nhân danh Đức Giê-su Kitô” mà các tín hữu Cô-rin-tô được mời gọi hiệp nhất với nhau, bởi vì những gì đụng chạm đến cộng đoàn là đụng chạm đến chính con người của Đức Kitô (Cv 9: 5). Như vậy, chia rẽ là phân chia chính Thân Thể Đức Kitô (x. 1Cr 12: 12t; Gl 3: 28).
 
B-Tính bất khả phân của Đức Kitô:
 
Sự sai lầm của các tín hữu Cô-rin-tô chính là đặt Tin Mừng trên cùng một bình diện với tất cả những khôn ngoan mà họ thường nghe các môn đệ của các triết gia nổi tiếng của họ như Platon, Aristote, Zénon… truyền bá. Đối diện với những trào lưu triết học nầy, người ta có thể tranh luận không dứt và quyết định theo phe nầy hay nhóm nọ (cf. 1Cr 3: 3-4). Tin Mừng thì hoàn toàn khác. Tiên vàn, đây là công bố một sự kiện: cái chết và sự sống lại của Đức Kitô. Đức tin không chỉ là một sự gắn bó với một giáo thuyết, nhưng còn là tận hiến chính bản thân mình cho con người của Đức Kitô. Người môn đệ loan báo Tin Mừng không gì khác hơn là một sứ đồ của Đức Kitô, vì thế, người môn đệ là môn đệ của Đức Kitô, chứ không là môn đệ của vị tông đồ nào. Người môn đệ ấy sống cuộc sống của Đức Kitô, chứ không cuộc sống của vị tông đồ nào. Người ấy được cứu độ nhờ cái chết và sự sống lại của Đức Kitô chứ không nhờ cái chết của bất cứ vị tông đồ nào. Người ấy đã được rửa tội nhân danh Đức Kitô, chứ không nhân danh một ai khác (Cv 2: 38; 8: 16; 10: 48; vân vân).
 
Để tránh triệt để sự ngộ nhận, lời dạy của thánh nhân được trình bày ngay tức khắc hoàn toàn khác với lời dạy của các triết gia hay các nhà hùng biện. Không cốt trình bày những lập luận có sức thuyết phục đối với tư tưởng nầy hay tư tưởng kia, nhưng chỉ cốt công bố mầu nhiệm của Đức Kitô chết trên Thập giá và sống lại. Vì thế, Tin Mừng không là đối tượng của sự chứng minh, nhưng ngỏ lời với đức tin.
 
Ngôn từ của thánh Phao-lô trong thư không còn là một nổ lực nhấn mạnh sự nối tiếp giữa những quan niệm ngoại giáo hy lạp như ở A-thê-na (Cv 17: 16-33), nhưng đúng hơn trình bày thẳng thắn sự điên rồ của Thập giá như sự khôn ngoan cao vời khôn sánh của Thiên Chúa tương phản với tất cả sự khôn ngoan của phàm nhân.
 
TIN MỪNG (Mt 4: 12-23)
 
Toàn bộ các chương 3 và 4 của Tin Mừng Mát-thêu được chia thành hai phần. Phần thứ nhất được phân định rõ ràng bởi “thể thức đóng khung” bằng việc lập lại lời kêu gọi khẩn thiết: “Anh em hãy sám hối, vì Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (3: 2 và 4: 17). Phần nầy, một mặt, xác định sứ vụ của Gio-an Tẩy giả (3: 1-4) với lời trích dẫn của Is 40: 3, và mặt khác, sứ vụ của Đức Giê-su (4: 12-17) với việc quy chiếu đến Is 8: 23-9: 1. Phần thứ hai đóng chức năng như vừa kết luận vừa chuyển tiếp, phần nầy bao gồm: thu nạp các môn đệ đầu tiên (4: 18-22) và tổng kết hoạt động Đức Giê-su (4: 23-25).
 
Đoạn văn được trích trong Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm gồm có bốn phần: Hoàn cảnh khởi đầu sứ vụ của Đức Giê-su ở Ga-li-lê (4: 12-16), lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giê-su (4: 17), thu nạp các môn đệ đầu tiên (4: 18-22), và sứ vụ của Đức Kitô ở Ga-li-lê (4: 23).
 
1. Hoàn cảnh khởi đầu sứ vụ của Đức Giê-su ở Ga-li-lê (Mt 4: 12-16):
 
Dấu ấn của thánh Mát-thêu in đậm nét đặc biệt trong đoạn văn nầy, nếu chúng ta so sánh với những đoạn văn liên hệ của các tác giả Nhất Lãm khác.
 
Sau khi chịu phép rửa bởi Gioan Tẩy giả (Mt 3: 13-17), đoạn chịu những chước cám dỗ trong sa-mạc (Mt 4: 1-11), và cuối cùng nghe tin “ông Gioan Tẩy giả đã bị nộp” (4: 12), Chúa Giê-su biết đã đến lúc Ngài phải bắt tay vào việc: nhiệm vụ dọn đường của Gio-an Tẩy giả đã hoàn tất, vai phụ rút lui vào hậu trường để nhường chỗ cho vai chính là Đức Giê-su. Thánh Mát-thêu cũng như thánh Mác-cô cũng sẽ dùng cùng một diễn ngữ “bị nộp” để nói về việc Đức Giê-su bị bắt. Như vậy, Gioan Tẩy giả loan báo về Đức Giê-su không chỉ bằng lời rao giảng, nhưng còn bằng cuộc sống nữa. Qua động từ: “bị nộp”, thánh ký muốn nói rằng số phận của ông Gioan Tẩy giả báo trước số phận tương tự đang chờ đợi Đức Giê-su.
 
Sự kiện Đức Giê-su lánh sang miền Ga-li-lê khi nghe tin ông Gioan Tẩy Giả bị nộp khiến chúng ta nghĩ rằng Đức Giê-su không còn cảm thấy an toàn ở miền Giu-đê. Tuy nhiên, vị vua đã tống giam Gioan Tẩy Giả là tiểu vương Hê-rô-đê An-ti-pát lúc đó cai trị xứ Ga-li-lê. Dường như lý do sâu xa của việc Đức Giê-su chuyển dời miền đất hoạt động của mình sang miền Ga-li-lê được gặp thấy trong Tin Mừng Gioan: “Nhóm Pha-ri-sêu nghe tin Đức Giê-su thâu nạp và làm phép rửa cho nhiều môn đệ hơn ông Gio-an. Biết thế, Đức Giê-su bỏ miền Giu-đê mà trở lại miền Ga-li-lê”, trong khi thánh Lu-ca nói một cách đơn giản: “Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê” (Lc 4: 14).
 
Còn thánh Mát-thêu thì trình bày quyết định của Đức Giê-su bằng những từ ngữ như quyết định của thánh Giu-se khi quay trở về từ Ai-cập đến cư ngụ ở Na-da-rét: “Khi nghe tin Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó… ông lánh qua miền Ga-li-lê… để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ” (Mt 2: 19-23). Cũng một cách thức như vậy trong bài trình thuật nầy: “Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê… để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a”. Việc kể tên hai địa danh xa xưa “Dơ-vu-lun và Nép-ta-li” rõ ràng dọn đường cho lời trích dẫn sấm ngôn của I-sai-a. Hai địa hạt nầy chiếm lấy phần lớn miền Ga-li-lê, bị đế quốc Át-sua sát nhập, bị Hy lạp hóa vào thời đại cai trị của đế quốc Hy lạp, vì thế phần lớn là người ngoại bang đến định cư. Lời loan báo của ngôn sứ I-sai-a về cuộc giải thoát được thánh Mát-thêu thấy ứng nghiệm nơi sứ vụ của Đức Giê-su.
 
Đức Giê-su đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê. Thành Ca-phác-na-um được hưởng một hoàn cảnh ưu đãi, thành phố giáp ranh giới với ba nước: Pa-lét-tin, Phê-ni-xi và Xy-ri-a: thành phố nầy là một phần của miền Ga-li-lê được gọi là “miền đất của dân ngoại”. Đức Giê-su chọn thành phố nầy làm địa bàn hoạt động của Ngài. Dân bản địa chủ yếu là những ngư phủ, thợ thủ công và tiểu điền chủ. Thánh Lu-ca nói với chúng ta rằng dân Do thái ở miền Ga-li-lê không giàu có, thậm chí không thể tự lực xây dựng một hội đường, đành phải chấp nhận sự giúp đỡ tài chánh của một viên sĩ quan ngoại quốc (Lc 7: 5).
 
Quả thật, kiểu nói: “Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại” hình thành nên trọng tâm của lời trích dẫn Is 8: 23-9: 1 và cũng của sứ mạng Đức Giê-su. Khi nói: “Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm mù mịt…” (4: 16), thánh ký ám chỉ đến tình trạng tinh thần của dân Do thái vào thời ông, trong những miền dân cư tạp chủng. Như vậy, thánh ký nêu bật Đức Giê-su muốn chia sẻ cùng một cảnh ngộ với dân Ngài, như Ngài đã làm trong suốt thời gian ẩn dật cũng như khi chịu phép rửa. Chính vì dân Ngài, Đức Giê-su được sai đi đến trước tiên với “những chiên lạc nhà Ít-ra-en” (Mt 10: 6; 15: 24), nhưng cũng gặp gỡ với dân ngoại, vì hoàn cảnh cụ thể của dân cư miền nầy đặt Ngài vào mối liên hệ với họ. Chính ở giữa “những kẻ đang ngồi trong bóng tối tử thần” nầy mà Đức Giê-su là “ánh sáng bừng lên chiếu rọi”.
 
2. Lời rao giảng của Đức Giê-su (4: 17)
 
Lời rao giảng đầu tiên của Đức Giê-su (4: 17) lập lại y nguyên lời rao giảng của Gioan Tẩy giả (3: 2). Tuy nhiên sự mới mẽ được thánh ký chỉ ra ở đầu câu nầy: “Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu…”, diễn ngữ này chỉ gặp lại ở 16: 21: “Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết Người phải đi lên Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Như thế, lời công bố Triều Đại Thiên Chúa được ghi rồi trên con đường đau khổ.
 
Hơn nữa cũng một lời kêu gọi sám hối nhưng do bởi hai nhân vật với hai vai trò khác nhau: Gioan Tẩy giả, người có sứ mạng làm phép rửa trong nước để dọn lòng cho con người đón tiếp Đức Giê-su, Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần (Mt 3: 11). Vì thế, lời kêu gọi sám hối của Đức Giê-su trở nên khẩn thiết hơn, vì Triều Đại Thiên Chúa đã khởi sự ở nơi sự hiện diện của Ngài. Cõi vĩnh hằng đã xâm nhập vào thời gian, Triều đại Thiên Chúa đã xâm nhập vào trần gian; vì thế, điều quan trọng hơn cả là con người phải quay tầm tầm nhìn của mình khỏi hạ giới mà hướng về thượng giới, đổi hướng đi để tiến gần đến Ngài. Muốn thế thì phải nghe và theo Đức Giê-su.
 
3. Thu nạp các môn đệ đầu tiên (Mt 4: 18-22)
 
Lời rao giảng của Đức Giê-su ở miền Ga-li-lê được ghi nhận là đã gặp thấy lời đáp trả tích cực ở nơi bốn môn đệ đầu tiên. Bài trình thuật của thánh Mát-thêu về ơn gọi của các môn đệ đầu tiên rất gần với bài trình thuật của thánh Mác-cô (bài trình thuật Lu-ca thì hơi khác). Câu chuyện thật đột ngột: hai anh em ông Si-mon và ông An-rê đang thả lưới bắt cá, liền bỏ nghề nghiệp của mình mà cất bước theo Đức Giê-su. Còn hai anh em ông Gia-cô-bê và ông Gioan, sự đoạn tuyệt càng mãnh liệt hơn, họ không chỉ bỏ lại nghề nghiệp của mình, nhưng còn cả người cha mà họ có bổn phận phụng dưỡng nữa.
 
Khi nghe hay đọc đoạn Tin Mừng nầy, những cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi biết rằng việc tận hiến cho Đức Giê-su đã dẫn những môn đệ tiên khởi nầy đến tận đâu: Gia-cô-bê là vị tông đồ đầu tiên phải làm chứng bằng máu: thánh nhân bị hành hình vào năm 44, thánh Phê-rô bị đóng đinh ngược ở Rô-ma, có lẽ vào năm 67. Trước đây, chỉ vọn vẹn có ba từ: “Người bỏ Na-da-rét” gợi lên việc Đức Giê-su thoát ly gia đình, bạn bè, nghề nghiệp và làng quê thân yêu Ngài, giờ đây Ngài cũng sẽ đòi hỏi các môn đệ của Ngài một đoạn tuyệt như vậy.
 
Hai anh em Si-mon và An-rê cũng như hai anh em Gia-cô-bê và Gioan ở đây chưa được gọi là môn đệ. Đức Giê-su chỉ đòi hỏi họ đi theo Ngài, như ngôn sứ Ê-li-a đã làm như thế đối với Ê-li-sa (x. 1V 19: 20-21). Tuy nhiên, chúng ta có thể đọc thấy ở đây mối liên hệ của thầy với trò rồi, như trường hợp đối với các kinh sư, nhất là khi thêm vào “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”, Đức Giê-su ngay tức khắc liên kết họ vào sứ mạng của Ngài. Bài diễn từ sai đi (ch, 10) và dụ ngôn chiếc lưới thả xuống biển (13: 47-50), cũng như cách thức Đức Giê-su cứu Phê-rô đang chìm xuống nước (14: 22-33) sẽ đem lại nền tảng vững chắc cho lời nói bí nhiệm nầy. Khi gọi những cộng tác viên đầu tiên của mình và mời gọi họ thoát ly khỏi môi trường gia đình và nghề nghiệp của họ, Ngài muốn nói với họ tầm mức biểu tượng sứ mạng của họ: tiếp nối sứ mạng của Ngài, đồng thời biến đổi hoàn cảnh phàm nhân của họ. Thánh Mát-thêu nhấn mạnh vừa sự nối tiếp lẫn sự đoạn tuyệt trong lời mời gọi theo Ngài.
 
4. Sứ vụ của Đức Giê-su ở Ga-li-lê (Mt 4: 23)
 
Sau khi đã mô tả ơn gọi của các môn đệ đầu tiên, thánh Mát-thêu lại tiếp tục trình bày sứ vụ của Đức Giê-su: “Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, loan báo Tin Mừng Nước Trời, và chữa dân chúng hết bệnh hoạn tật nguyền” (4: 23). Ở đây, chúng ta thấy ba khía cạnh sứ vụ của Đức Giê-su: giảng dạy - loan báo Tin Mừng Nước Trời - chữa lành. Chúng ta sẽ gặp lại đúng nguyên văn trình tự nầy ở 9: 35: “Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”, vào lúc kết thúc đơn vị lớn thứ nhất của sách Tin Mừng và trước “Bài giảng về sứ mạng truyền giáo” (10: 1-16).
 
Phạm vi hoạt động của Đức Giê-su được ghi nhận “khắp miền Ga-li-lê”. Ngài không tự giới hạn vào việc quy tụ một nhóm nhỏ môn đệ, một trường đào tạo, theo cách thức của các kinh sư, nhưng với tư cách một nhà giảng thuyết lưu động, Đức Giê-su muốn rằng sứ điệp của Ngài phải đến với tất cả mọi người và được lan truyền ra khắp nơi. 

Tác giả: Lm Hồ Thông HT68

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập586
  • Hôm nay89,048
  • Tháng hiện tại909,707
  • Tổng lượt truy cập57,011,344
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây