Chúa nhật 12 TN C. Giải thích Lời Chúa

Thứ hai - 13/06/2016 20:22

-

-
Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dấu chỉ rõ nét thời Mê-si-a, Đức Giê-su cho rằng thời điểm đã đến để thăm dò tư tưởng của các Tông Đồ về Ngài và cho họ thấu hiểu hơn nữa mầu nhiệm con người và sứ mạng của Ngài.
CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN

 
Chủ Đề Phụng Vụ Lời Chúa tuần này là mầu nhiệm cứu độ được thực hiện trong đau khổ.
 
Dcr 12: 10-11
 
Ngôn sứ Da-ca-ri-a loan báo rằng Đấng Mê-si-a sẽ bị giết chết, nhưng Thiên Chúa sẽ tuôn đổ Thần Khí để biến đổi lòng trí của những kẻ đã đâm thâu Ngài.
 
Gl 3: 26-29
 
Thánh Phao-lô nhắc nhở cho các tín hữu Ga-lát những ân phúc cứu độ của Đức Ki-tô, nhờ đó mọi người nhận ra tất cả đều anh em và đồng thừa tự những lời hứa ban ơn cứu độ.
 
Lc 9: 18-24
 
Tin Mừng Lu-ca tường thuật Chúa Giê-su lần đầu tiên loan báo cuộc Tử Nạn của Ngài và đó là điều tất yếu đối với những ai muốn theo con đường từ bỏ chính mình để đạt được sự sống đời đời.
 
BÀI ĐỌC I (Dcr 12: 10-11)
 
Bản văn này trích từ phần thứ hai sách Da-ca-ri-a, tuy nhiên, ngôn sứ Da-ca-ri-a không phải là tác giả. Tác giả thật sự của đoạn văn này ngỏ lời với dân thành Giê-ru-sa-lem vào những năm 520-515 trước Công Nguyên. Hai trăm năm sau này, sau những cuộc chinh phục của đại đế A-lê-xan-đê, hay giữa năm 330 và năm 300 trước Công Nguyên, một tác giả vô danh, mà các nhà chú giải gọi là “Da-ca-ri-a đệ nhị”, truyền đạt một sứ điệp mới cho cộng đồng Giê-ru-sa-lem hầu đánh thức tâm tình tôn giáo nơi họ.
 
Người ta cũng đã làm như vậy đối với tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a. Nhờ các môn đệ của vị ngôn sứ, ba bộ sưu tập đã được đúc kết thành một (Is 1-39; 40-55 và 56-66); chúng trình bày một nét chung: cả ba đều khai mở những viễn cảnh về việc thiết lập kỷ nguyên Mê-si-a.
 
Trong tác phẩm Da-ca-ri-a đệ nhị, Đấng Mê-si-a được loan báo qua ba dung mạo, cả ba đều đã được ứng nghiệm ở nơi con người Đức Giê-su:
 
- Dung mạo Đức Mê-si-a vương đế, khiêm hạ và hiền hòa.
- Dung mạo người mục tử nhân lành bị các thủ lãnh dân Ngài loại bỏ.
- Sau cùng, dung mạo mầu nhiệm của Đấng bị đâm thâu.
 
Chính dung mạo thứ ba này được nêu lên trong bản văn của chúng ta.
 
1. Đấng Mê-si-a đau khổ:
 
Đấng Mê-si-a vinh quang thuộc nhà Đa-vít danh tiếng, đó là nét nổi bật của các sấm ngôn thời xưa. Có một ngoại lệ duy nhất: ở giữa lòng những gian nan thử thách của cuộc lưu đày, ngôn sứ I-sai-a đệ nhị đã gợi lên dung mạo người tôi trung của Đức Chúa, mà những đau khổ và hy sinh của Ngài thanh tẩy muôn người: “Chính người đã bị đâm vì chúng tôi phạm tội, bị nghiền nát vì chúng tôi lỗi lầm” (Is 53: 5).
 
Sấn ngôn của ngôn sứ Da-ca-ri-a được định vị vào trong hàng này, trong đó thị kiến của I-sai-a về Đấng Bị Đâm Thâu được lập lại (được Tin Mừng Gioan nhắc lại: Ga 19: 37), cũng như việc biến đổi tấm lòng, thành quả của cái chết này: “Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53: 5b) cũng được lập lại. Nhưng ở đây ngôn sứ Da-ca-ri-a đệ nhị quy việc đổi mới tận đáy lòng nhờ Đức Chúa tuôn đổ thần khí của Ngài.
 
2. Đức Chúa tuôn đổ thần khí của Ngài:
 
“Ta sẽ đổ tràn thần khí xuống cho nhà Đa-vít và dân thành Giê-ru-sa-lem…”. Trước tiên, khi trích dẫn nhà Đa-vít, ngôn sứ Da-ca-ri-a cho hiểu rằng những lời hứa xưa kia không bị hủy bỏ. Nhưng sẽ có việc trải qua sự thử thách và thanh tẩy. Việc thần khí ngự đến và biến đổi tấm lòng con người đã được ngôn sứ Giê-rê-mi-a và ngôn sứ Ê-dê-ki-en loan báo trước đó. Đặc biệt ngôn sứ Ê-dê-ki-en diễn tả bằng những ngôn từ báo trước những ngôn từ của ngôn sứ Da-ca-ri-a đệ nhị: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần khí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thực hành…Bấy giờ các ngươi sẽ nhớ lại lối sống xấu xa và hành vi bất hảo của các ngươi. Các ngươi sẽ kinh tởm chính bản thân mình, vì các tội lỗi và những điều ghê tởm của các ngươi” (Ed 36: 26-31).
 
3. Phụng vụ sám hối:
 
Sau các biến cố, dân chúng sẽ hiểu giá trị hy sinh của Đấng bị đâm thâu: “Họ sẽ khóc than Đấng họ đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một”. Đứa con một và trưởng tử sẽ là những tước hiệu được áp dụng cho Đức Giê-su.
 
Đây là nghi lễ tang chế và sám hối nhưng cũng là thị kiến đầy tràn niềm hy vọng vào việc đổi mới tinh thần, bản văn này của vị ngôn sứ giúp chúng ta hiểu hơn rằng mầu nhiệm Tử Nạn của Đức Giê-su có thể hiểu được chỉ dưới ánh sáng của lễ Ngũ Tuần. Các Tông Đồ sẽ cảm nhận như vậy.
 
BÀI ĐỌC II (Gl 3: 26-29)
 
Đoạn trích thư của thánh Phao-lô gởi tín hữu Ga-lát này, như đoạn trích tuần trước, vừa ngắn gọn vừa súc tích ý nghĩa. Đoạn văn này thuộc vào chương nói về sự tự do của người Ki-tô hữu.
 
Các tín hữu Ga-lát cảm thấy bối rối bởi những Ki-tô hữu gốc Do thái, những người này muốn đưa vào trong Ki-tô giáo những nghi thức Do thái giáo được xem là luôn luôn có giá trị, như phép cắt bì. Thánh Phao-lô chứng minh cho các tín hữu Ga-lát rằng Luật Cựu Ước là sự nô lệ, Luật Tân Ước là sự tự do. Trong đoạn văn đi trước đoạn trích hôm nay, thánh nhân sánh ví Luật Mô-sê với một người quản giáo hướng dẫn con trẻ cho đến tuổi khôn lớn, nhưng vai trò của người này chỉ là tạm thời.
 
1. Sự tự do của người Ki-tô hữu:
 
Đức tin vào Đức Ki-tô là một hành vi tự do làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Chúng ta không còn là những kẻ nô lệ nhưng là những người con: “Nhờ lòng tin, tất cả anh em đều là con Thiên Chúa, trong Đức Giê-su Ki-tô”. Đức tin là nguyên lý biến đổi con người một cách sâu xa; phép Rửa là dấu ấn của sự biến đổi này.
 
Nhờ phép Rửa, chúng ta nên một với Đức Ki-tô: “Vì một khi đã chịu phép Rửa để thuộc về Đức Ki-tô, thì tất cả anh em đã mặc lấy Đức Ki-tô”. Thánh Phao-lô thường sử dụng hình ảnh “mặc”: anh em hãy cởi bỏ con người cũ mà mặc lấy con người mới, vân vân. “Mặc” không có nghĩa đón nhận đồ trang sức bên ngoài, nhưng đặt mình hoàn toàn dưới quyền lực của Đức Ki-tô.
 
2. Sự hiệp nhất và địa vị làm con:
 
Một trong những lời trách cứ của thánh Phao-lô chống lại Lề Luật, đó là Lề Luật gây nên sự chia rẽ; nó chia rẽ nhân loại thành hai: bên này là người Do thái, bên kia là dân ngoại. Tin vào Đức Ki-tô, không còn có sự phân biệt nữa. Trước đó, thánh nhân đã nói về sự duy nhất của Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa của hết mọi người, Ngài muốn nhân loại trở thành một dân duy nhất, dân của Ngài. Nhờ Đức Ki-tô, Thiên Ý này được thực hiện. Tin vào Đức Ki-tô, mọi hàng rào ngăn cách do chủng tộc, hoàn cảnh, giới tính…bị hủy bỏ: “Vậy không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Giê-su Ki-tô”.
 
Địa vị làm con cái Thiên Chúa và sự hiệp nhất không là hai nhưng chỉ là một thực tại bất khả phân. Tất cả chúng ta là con cái Thiên Chúa, vì tất cả chúng ta đều nên một với Đức Ki-tô. Tin chính là gắn bó với con người và sứ điệp của Ngài, niềm tin này mở ra cho hết mọi người không trừ một ai trong chiều kích ơn cứu độ phổ quát.
 
Thánh nhân, trước đây là một người Pha-ri-sêu, đã mạnh dạn hủy bỏ những đặc quyền của dân Do thái. Tuy nhiên, lập luận này đóng lại đoạn văn hôm nay, đều quan trọng là trở lên cho đến bên kia biểu thức Lề Luật, cho đến tận lời hứa, mà Thiên Chúa đã hứa với tổ phụ Áp-ra-ham là ban cho ông một dòng dõi đông như sao trên trời như cát dưới biển. Ơn gọi phổ quát của dân Ít-ra-en được ghi trong Kinh Thánh. Ơn gọi này được thực hiện cho bất cứ ai thuộc về Đức Ki-tô. Tất cả chúng ta, dù xuất thân từ dân ngoại, gắn bó với Đức Ki-tô, chúng ta đều thuộc dòng dõi tinh thần của tổ phụ Áp-ra-ham, chúng ta đều trở thành con cái của Lời Hứa.
 
TIN MỪNG (Lc 9: 18-24)
 
Ngay sau bài trình thuật phép lạ hóa bánh ra nhiều, thánh Lu-ca đặt lời tuyên xưng đức tin của thánh Phê-rô và lời loan báo đầu tiên của Đức Giê-su về cuộc Thương Khó của Ngài. Trong khi đó, thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu phân cách hai biến cố này.
 
1. Bối cảnh:
 
Về khía cạnh này, thánh Lu-ca gần với thánh Gioan. Thánh Gioan đặt ngay liền sau phép lạ hóa bánh ra nhiều diễn từ của Đức Giê-su về “bánh hằng sống” và việc nhiều môn đệ bỏ Ngài mà ra đi. Buồn rầu, Đức Giê-su hỏi nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”. Thánh Phê-rô khẳng khái trả lời: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6: 67-69).
 
Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dấu chỉ rõ nét thời Mê-si-a, Đức Giê-su cho rằng thời điểm đã đến để thăm dò tư tưởng của các Tông Đồ về Ngài và cho họ thấu hiểu hơn nữa mầu nhiệm con người và sứ mạng của Ngài.
 
2. Lời tuyên xưng đức tin của thánh Phê-rô:
 
Thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô định vị cuộc chuyện trò của Đức Giê-su với các môn đệ của Ngài trong thung lũng thanh bình dẫn đến thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, ngoài miền Ga-li-lê. Còn thánh Lu-ca thì không cho biết bất kỳ địa danh nào, nhưng mang đến một sự chính xác thuộc trật tự tinh thần: Đức Giê-su cầu nguyện một mình khi các môn đệ của Ngài gặp lại Ngài. Thánh Lu-ca không bao giờ quên kể ra việc Đức Giê-su cầu nguyện vào những giờ phút long trọng.
 
Chúa Giê-su hỏi các môn đệ, trước hết về dư luận quần chúng đối với Ngài: “Theo dư luận quần chúng, thì Thầy là ai?”, để giúp các ông hiểu rõ hơn rằng đức tin của họ phải thoát khỏi những ý kiến của quần chúng. Câu trả lời của các Tông Đồ là lập lại chính xác lời tường thuật cho Hê-rô-đê An-ti-pát, tiểu vương miền Ga-li-lê, khi ông này tra hỏi về nhân cách của Đức Giê-su: “Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: ‘Đó là ông Gioan từ cõi chết trỗi dậy’. Kẻ khác thì nói: ‘Ông Ê-li-a xuất hiện đấy!’ Kẻ khác nữa lại nói: ‘Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại’” (Lc 9: 7-9).
 
Dư luận cho rằng Gioan Tẩy Giả sống lại ở nơi Đức Giê-su thì thật lạ lùng; thật ra thánh Gioan đã chết với hào quang của vị ngôn sứ bị sát hại. Trái lại, việc ngôn sứ Ê-li-a tái lâm để là vị tiền hô của Đấng Mê-si-a là một niềm tin được chứng thực, vả lại dựa trên sấm ngôn của Ma-la-khi: “Này Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng” (Ml 3: 23). Còn về các ngôn sứ thời xưa đã sống lại, vài bản văn Kinh Thánh có lẽ gợi lên ngôn sứ Giê-rê-mi-a, vị ngôn sứ được xem là người bảo vệ dân Ít-ra-en, như trong một giấc mơ của ông Giu-đa (2Mcb 15: 14-15). Thánh Mát-thêu, trong bản văn song đối, trích dẫn câu này. Nói tóm lại, đám đông dân chúng lầm lạc giữa những giả thuyết khác nhau này; họ đã không nhận ra Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a (Đấng Ki-tô).
 
Vì thế, Chúa Giê-su muốn trắc nghiệm niềm tin của các Tông Đồ nên hỏi họ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Thánh Phê-rô nhân danh nhóm Mười Hai trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa”. Nhưng Đức Giê-su cấm ngặt các ông không được nói điều ấy với ai. Đám đông dân chúng có một quan niệm về Đấng Ki-tô không đúng; chân dung đích thật của Đấng Ki-tô Đức Giê-su sắp vén mở cho các Tông Đồ lần đầu tiên: đó là chân dung của Đấng Ki-tô chịu đau khổ.
 
3. Đức Giê-su loan báo lần đầu cuộc thương khó của Ngài:
 
“Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Vào lúc này, Đức Giê-su thận trọng tránh nói về việc Ngài bị đánh đập và chịu đóng đinh vào thập giá, nhưng chỉ đơn giản nói rằng Ngài sẽ phải chịu đau khổ nhiều và bị giết chết; đồng thời Ngài tức khắc gợi lên cuộc Phục Sinh của Ngài. Ngài sẽ kể ra cuộc Phục Sinh của Ngài trong mối liên quan với một trong những sấm ngôn về cuộc Tử Nạn của Ngài (sẽ còn có hai sấm ngôn khác nữa).
 
“Con Người phải chịu đau khổ nhiều”. Ở đây, sự tất yếu (“phải chịu”) mà Chúa Giê-su gợi lên không phải là sự tất yếu của số mạng: đây là một sự tất yếu thuộc trật tự thần học, đây là một sự tất yếu của chương trình Thiên Chúa. Cuộc Tử Nạn không là một tai nạn mà cuộc Phục Sinh sẽ đền bù, nhưng là dự phần vào mầu nhiệm cứu độ loài người. Đức Giê-su không đưa ra bất kỳ giải thích nào khác ngoài “cái tất yếu này”. Ngài cũng sẽ nói với hai môn đệ trên đường Em-mau cái tất yếu như vậy: “Nào Đức Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24: 25).
 
Khác với thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô, thánh Lu-ca không nói cho chúng ta phản ứng quyết liệt của thánh Phê-rô đối với những viễn cảnh tăm tối mà Thầy mình vén mở về số mệnh của Ngài.
 
4. Lời dạy cho hết mọi người:
 
Đoạn văn cuối được định vị vào trong cái hợp lý của điều đi trước đó nhưng không vào trong cái khả dĩ; vì không có đám đông chung quanh Đức Giê-su khi Ngài mặc khải cho các Tông Đồ số mệnh đầy đau khổ của Ngài; không có đám đông ở nơi Ngài tách riêng ra mà cầu nguyện một mình. Nhưng Chúa Giê-su liên kết các môn đệ của Ngài - và bên kia họ tất cả những ai muốn theo Ngài – với con đường từ bỏ chính mình và chấp nhận đau khổ này. Chính qua con đường này mà người ta “cứu được mạng sống mình”.
 

Tác giả: Lm Hồ Thông HT68

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập618
  • Hôm nay47,600
  • Tháng hiện tại868,259
  • Tổng lượt truy cập56,969,896
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây