Chúa Giêsu chịu Phép Rửa (Giải thích Lời Chúa).

Thứ ba - 04/01/2011 22:48

Phép Rửa.

Phép Rửa.
Vào Chúa Nhật này, chúng ta tưởng niệm việc Chúa Giê-su chịu phép rửa bởi thánh Gioan Tẩy Giả. Ngay liền sau đó, Ngài được Chúa Thánh Thần tấn phong trong một cuộc “Hiển Linh”: Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ mình ra. Đó là lý do tại sao các Giáo Hội Đông Phương cử hành việc Chúa Giê-su chịu phép rửa như một trong ba lễ Hiển Linh.

CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA

Lm Inhaxiô Hồ Thông

Vào Chúa Nhật này, chúng ta tưởng niệm việc Chúa Giê-su chịu phép rửa bởi thánh Gioan Tẩy Giả. Ngay liền sau đó, Ngài được Chúa Thánh Thần tấn phong trong một cuộc “Hiển Linh”: Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ mình ra. Đó là lý do tại sao các Giáo Hội Đông Phương cử hành việc Chúa Giê-su chịu phép rửa như một trong ba lễ Hiển Linh. Hòa nhịp với câu chuyện Tin Mừng, hai bài đọc đi trước gợi lên những cuộc tấn phong khác bởi Chúa Thánh Thần.

Is 42: 1-4, 6-7

Trước hết, bài đọc I tường thuật cuộc tấn phong của một người Thiên Chúa tuyển chọn, quý mến hết lòng và cho thần khí của Ngài ngự trên người ấy. Đây là nhân vật mầu nhiệm mà vị ngôn sứ gọi là “Người Tôi Trung của Đức Chúa”.

Cv 10: 34-38

Tiếp đó, bài đọc II, trích từ sách Công Vụ Tông Đồ, thuật lại bài diễn từ của thánh Phê-rô ngỏ lời với ông Cô-nê-li-ô, viên đại đội trưởng Rô-ma, và toàn thể gia quyến của ông, những lương dân đầu tiên được đón nhận vào cộng đoàn Ki-tô hữu qua Phép Rửa. Qua cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Ki-tô, dân thánh của Thiên Chúa được dâng hiến cho hết mọi dân mọi nước.

Mt 3: 13-17

Vào năm phụng vụ này, năm A, câu chuyện về phép rửa của Chúa Giê-su được Tin Mừng Mát-thêu tường thuật.

BÀI ĐỌC I (I s 42: 1-4, 6-7)

Bản văn này gợi lên một nhân vật được Thiên Chúa gọi là “Người Tôi Trung của Ngài”, Ngài sẽ cho Thần Khí của Ngài ngự trên người ấy, Ngài sẽ ban cho người ấy công lý và sự thật, đức tính dịu dàng và khiêm hạ, nhờ đó người ấy trở thành ánh sáng muôn dân và đem ơn cứu độ đến tận cùng trái đất.

1. Bài ca về Người Tôi Trung của Đức Chúa:

Trong tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị, vị ngôn sứ thời lưu đày Ba-by-lon vào năm 550-540 trước Công Nguyên, có bốn bài ca về “Người Tôi Trung” mầu nhiệm, nhân vật này lúc thì chỉ dân Chúa chọn, hay “nhóm còn sót lại”, lúc khác chỉ một nhân vật biệt phân đón nhận một sứ mạng đặc biệt.

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật này trích dẫn bài ca thứ nhất. Bài ca này gồm có hai phần: phần thứ nhất, Đức Chúa giới thiệu Người Tôi Trung của Ngài, và phần thứ hai, Ngài ngỏ lời trực tiếp với người ấy.

Danh xưng “Người Tôi Trung” xuất hiện nhiều lần trong Kinh Thánh. Đây là một tước hiệu danh dự mà Đức Chúa ban tặng cho những ai mà Ngài ủy quyền điều hành dân Ngài hay ủy nhiệm một sứ mạng: các ông Áp-ra-ham, I-sa-ác, Gia-cóp, Mô-sê, Đa-vít, vân vân. Danh xưng này cũng chỉ toàn thể dân Ít-ra-en.

2. Nhân vật “Người Tôi Trung” này là ai?:

Nơi nhân vật này, vị ngôn sứ nghĩ đến ai? Thật ra, dung mạo Người Tôi Trung bí nhiệm này đã được giải thích qua nhiều thời đại theo nhiều cách khác nhau. Lịch sử nối tiếp nhau đã đem đến cho dung mạo này ba câu trả lời. Đây là nét đặc trưng của những sấm ngôn, xuất phát từ những hoàn cảnh chính xác và đồng thời vượt qua những viễn cảnh đương thời.

- Vua Ky-rô, vua Ba-tư:

Người Đức Chúa tuyển chọn vừa là thẩm phán vừa là nhà giải phóng: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân”.

Người tôi trung này lãnh nhận từ Thiên Chúa ơn đặc sủng nhờ đó người ấy có thể xét xử muôn dân, làm sáng tỏ công lý, vực dậy những kẻ bị áp bức, giải thoát tù nhân, phục hồi Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài, và làm ánh sáng muôn dân.

Hoàn cảnh lịch sử chính xác là cảnh tù đày ở Ba-by-lon. Vị ngôn sứ ngỏ lời với những người lưu đày đang phải chịu một sự thử thách dài lâu và mong ước được giải phóng; ông hứa với họ Thiên Chúa sẽ ban cho họ một nhà giải phóng. Toàn thể mạch văn đều hướng về vua Ba-tư, vua Ky-rô, mà thế lực của vua càng ngày càng trải rộng trên cục diện miền Cận Đông. Chương 41 trước đó ám chỉ rất rõ nét đến những chiến thắng vang dậy của vua Ky-rô. Đức Chúa công bố rằng chính Ngài đã chọn cho dân Ngài nhà giải phóng này: “Từ phương Đông, ai đã cho xuất hiện người hùng đi mở đường cho nền công chính? Ai trao vào tay ông các dân các nước, bắt mọi vua chúa phải phục quyền? Đao kiếm của ông làm chúng hóa ra như tro bụi, cung nỏ của ông khiến chúng tán loạn tựa cọng rơm…Chính là Ta. Ta là Đức Chúa” (Is 41: 2-4). Chương 45 còn nêu đích danh: “Đức Chúa phán với kẻ Người đã xức dầu, với vua Ky-rô – Ta đã cầm tay phải nó, để bắt các dân tộc suy phục nó…Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Gia-cóp, và của người Ta đã chọn là Ít-ra-en” (Is 45: 1-6).

Những biến cố sắp tới sẽ củng cố những linh cảm của vị ngôn sứ. Vua Ky-rô mau chóng chiếm đế đô Ba-by-lon mà không phải đổ máu, không gây bất cứ thiệt hại cho kinh thành; ông sẽ dùng chính sách khoan dung nhân từ mà thu phục nhân tâm. Vua Ky-rô và những vị vua kế nghiệp ông không bao giờ bách hại ai. Vì động lòng xót thương dân Ít-ra-en sống trong cảnh lưu đày được sánh ví như “cây lau bị giập” hay “tim đèn leo lét” này, vua Ky-rô sẽ tạo cơ hội thuận tiện cho họ trở về cố hương.

- Dân Ít-ra-en:

Sau này, khi quá khứ phai mờ trong ký ức, bản văn được đọc lại và hiểu theo cách khác.

Tác giả Sách An Ủi, được gọi “ngôn sứ I-sai-a đệ nhị”, chủ ý ban tước hiệu người tôi trung cho toàn thể dân Ít-ra-en, với tư cách dân Chúa chọn để làm chứng nhân của Đức Chúa giữa muôn dân. Dung mạo “Người Tôi Trung” được xem như cá thể hóa dân Chúa chọn. Chính dân Chúa chọn này mà Thiên Chúa giải phóng khỏi bóng tối, khỏi ngục tù, khỏi xiềng xích nô lệ. Chính dân Chúa chọn này mà Đức Chúa nâng đỡ, ban thần khí của Ngài. Chính dân tộc phận nhỏ này mà Ngài đã nắm tay, đã gìn giữ, ký kết Giao Ước, và làm ánh sáng muôn dân sau khi dân này đã kinh qua thử thách và khẳng định niềm tin tuyệt đối của mình vào Thiên Chúa chân thật.

Lối giải thích tập thể và lối giải thích cá nhân không loại trừ nhau, nhưng chồng chéo lên nhau. Lối giải thích tập thể đã là lối giải thích của bản Bảy Mươi vào thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên; lối giải thích này vẫn luôn luôn là lối giải thích thuộc truyền thống Do thái.

- Đấng Mê-si-a:

Việc áp dụng sấm ngôn này vào vua Ky-rô không tát cạn sự phong phú của bản văn. Lối giải thích tập thể cũng không hoàn toàn thỏa lòng mong đợi của mọi người. Điều quan trọng là đặt bản văn trở lại giây phút nghiêm trọng, giây phút mà sứ điệp được công bố: vào thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên, thành đô Giê-ru-sa-lem bị tàn phá và bị chiếm đóng; phần lớn dân cư bị dẫn đi lưu đày; Đền Thờ bị phá hủy;  không còn vua; nền quân chủ Đa-vít đã chìm vào trong cơn bảo tố; những hy vọng về Đấng Mê-si-a dựa trên nền quân chủ này hoàn toàn bị sụp đổ. Đây là giờ thuận tiện để đưa mặc khải đến một giai đoạn mới. Thiên Chúa sẽ đích thân can thiệp không ai ngờ tới: Ngài sẽ sai “Người Tôi Trung” đầy tràn thần khí của Ngài, đến để thực hiện sứ mạng công chính. Vị này không oai phong lẫm liệt nhưng với tấm lòng nhân ái vị tha, chịu thương chịu khó, Người tỏ ra thông cảm với những yếu đuối của con người và ra sức cứu vớt con người cho dù thân phận bị dập nát như cây sậy ngã nghiêng trước gió hay niềm hy vọng mong manh như tim đèn còn bốc khói (bài ca thứ tư).

Qua những trực giác của các ngôn sứ, khoa sư phạm của Thiên Chúa tiến một bước vĩ đại. Những sấm ngôn xưa kia liên quan đến một hậu duệ vua Đa-vít cho dù không bị xóa sổ; nhưng những gì mà những viễn cảnh mới để cho thoáng thấy, đó không còn là một quyền lực trần thế nhưng một vương quốc tinh thần: muôn dân muôn nước cho đến “các hải đảo xa xăm”, nghĩa là cho đến cùng trời cuối đất, “đều mong ước giáo huấn của Ngài”.

Thánh ký Mát-thêu trích dẫn dài sấm ngôn I-sai-a này ở chương 12 để minh chứng rằng sấm ngôn này được ứng nghiệm ở nơi con người Chúa Giê-su. Dù sứ mạng của Ngài được thực hiện một cách kín đáo; tuy nhiên, ở nơi Ngài “muôn dân đặt niềm hy vọng” (Mt 12: 18-21).

Vào lúc Chúa Giê-su chịu phép rửa bởi thánh Gioan Tẩy Giả, Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống trên Ngài và một giọng nói từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. Sự kiện này rõ ràng quy chiếu đến bài ca Người Tôi Trung này. Đức Giê-su bắt đầu sứ mạng của Người Tôi Trung; Ngài sẽ chu toàn sứ mạng này khi thực hiện dung mạo Người Tôi Trung đau khổ ở nơi cuộc Khổ Nạn của Ngài.

BÀI ĐỌC II (Cv 10: 34-38)

Đoạn văn Công Vụ Tông Đồ này thuật lại một biến cố đánh dấu một khúc quanh mang tính quyết định trong lịch sử Giáo Hội tiên khởi: lần đầu tiên chấp nhận một lương dân và gia quyến của ông gia nhập cộng đồng Ki tô hữu qua Phép Rửa.

1. Bối cảnh:

Cho đến lúc đó các Tông Đồ ngỏ lời với dân Do thái, chứng minh cho họ rằng Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a và ở nơi Ngài Kinh Thánh được ứng nghiệm. Ki-tô giáo tiên khởi được định vị trong sự nối dài của Do thái giáo. Mặc dầu chiều kích phổ quát của ơn cứu độ đã được nhận biết qua các thị kiến ngôn sứ: sẽ đến ngày muôn dân muôn nước lũ lượt đưa nhau lên Đền Thánh Giê-ru-sa-lem để phụng thờ Thiên Chúa của Ít-ra-en, nhưng các Tông Đồ đã không nghĩ rằng tiến trình này lại có thể đảo ngược: chính họ phải đem Tin Mừng đến muôn dân.

Ấy vậy, chúng ta có thể nói rằng Chúa Thánh Thần thúc ép thánh Phê-rô, vị thủ lãnh Giáo Hội, tới nhà một người ngoại giáo. Một viên đại đại đội trưởng Rô-ma, đồn trú ở thành Xê-da-rê, cho người mời thánh Phê-rô đến nhà mình; trong lúc đó, thánh Phê-rô có mặt ở Gia-phô, cách thành Xê-da-rê khoảng năm mươi cây số. Lúc đó, thánh nhân đang rảo quanh một vòng thăm viếng mục vụ. Sau cuộc bách hại giáng xuống cộng đoàn Giê-ru-sa-lem non trẻ vào mùa đông 36 hay mùa xuân 37 (thánh Tê-pha-nô tử đạo đầu tiên), rồi một thời kỳ tạm yên trở lại. Thánh Phê-rô lợi dụng thời kỳ này để thăm viếng các giáo đoàn vừa mới thành lập.

Chấp nhận lời mời, thánh nhân đến nhà viên đại đội trưởng này. Đây là lần đầu tiên thánh nhân bước chân vào nhà của một người ngoại giáo, bất chấp những cấm kỵ lâu đời. Lệnh cấm không được giao tiếp với dân ngoại này không được gặp thấy trong Lề Luật, nhưng do tập quán và lời giải thích của các kinh sư. Mục đích của lệnh cấm này là tránh tất cả sự lây nhiểm của các tôn giáo khác. Đây là lần đầu tiên thánh nhân mang Tin Mừng đến cho một người ngoại giáo và gia đình của ông, một kinh nghiệm nhớ đời. Vị Tông Đồ, chắc chắn rất cảm động, hiểu được những ý định của Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ phổ quát của Ngài, lập tức mặc lấy cho hành động này mức độ thần học. Đây là phần đầu bài diễn từ của thánh nhân.

2. Ơn cứu độ phổ quát:

“Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào…”. Lời khẳng định này về sự bình đẳng hoàn toàn giữa lương dân và dân Do thái tạo nên một sự đảo lộn lớn lao, bởi vì người Do thái thường nghĩ đến những đặc quyền đặc lợi của mình với tư cách là dân Chúa chọn. Vị thủ lãnh Giáo Hội, được Chúa Thánh Thần tác động, chấp nhận sự đảo lộn này, công bố: “Hể ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận”.

Viên đại đội trưởng, ông Cô-nê-li-ô, đã là một cảm tình viên Do thái giáo, được gọi “những người kính sợ Thiên Chúa”. Sách Công Vụ xác nhận ông là “người đạo đức và rộng tay bố thí” (Cv 10: 2).

Chắc chắn Thiên Chúa đã gởi lời loan báo Tin Mừng bình an trước tiên đến dân Ít-ra-en. Vị Tông Đồ muốn giải thích cho ông và gia quyến của ông quyền ưu tiên này: dân Ít-ra-en đã lãnh nhận một sứ mạng, đó là chuẩn bị sự bình an, bình an giữa mọi người, giữa dân Do thái và lương dân. Sự bình an này được thực hiện nhờ Đức Ki tô, “là Chúa của mọi người”.

3. Thành quả của Phép Rửa:

Tiếp đó, thánh Phê-rô tóm tắt lại các chặng đường đời của Chúa Giê-su, khởi đầu bằng việc Ngài được Thánh Thần sức dầu tấn phong khi lãnh nhận phép rửa trên sông Gio-đan. Vị Tông Đồ mở ra viễn cảnh đạo lý mà sẽ luôn luôn là viễn cảnh của Giáo Hội: ân huệ Thánh Thần không đơn giản là điều gì mà người ta thủ đắc cho riêng mình, đây là một sức mạnh bùng nổ, một năng lực để chu toàn sứ mạng: “Thiên Chúa ở cùng”, “thi ân giáng phúc”, “chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kềm chế”.

TIN MỪNG (Mt 3: 13-17)

Như thánh Mác-cô và thánh Lu-ca, thánh Mát-thêu khai mạc cuộc đời công khai của Chúa Giê-su với phép rửa mà Ngài đã lãnh nhận bởi thánh Gioan Tẩy Giả trên dòng sông Gio-đan. Ngoài ra, chúng ta nên lưu ý rằng thánh ký hoàn tất tác phẩm của mình với lời căn dặn của Đấng Phục Sinh về giáo huấn tối hậu của Phép Rửa: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28: 19).

Tại thánh Mát-thêu, như tại các thánh ký khác, bài trình thuật về phép rửa của Chúa Giê-su bao gồm hai hoạt cảnh biệt phân: một hoạt cảnh về đức khiêm hạ: Đức Giê-su tự nguyện lãnh nhận phép rửa thống hối bởi thánh Gioan; một hoạt cảnh vĩ đại khác: Ngài được Chúa Thánh Thần tấn phong.

Nhưng chỉ một mình thánh Mát-thêu tường thuật cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và thánh Gioan Tẩy Giả, cuộc đối thoại hàm chứa nhiều câu trích dẫn Kinh Thánh, đây là nét đặc trưng của Tin Mừng Mát-thêu.

1. Cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và thánh Gioan Tẩy Giả:

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và thánh Gioan Tẩy Giả trên bờ sông Gio-đan không phải là không gợi nhớ đến cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ của họ: sau khi được sứ thần truyền tin, Đức Ma-ri-a vội vả đến nhà bà chị họ của mình là bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét, được Thánh Thần linh hứng, đã nhận ra ngay sự cao cả của Đức Ma-ri-a: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này” (Lc 1: 43). Cũng vậy, thánh Gioan Tẩy Giả nhận ra ngay Đấng tự nguyện đến lãnh nhận phép rửa thống hối của mình là Đấng Công Chính; Ngài không cần phép rửa này; vai trò của hai người sẽ phải đảo ngược: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi”.

Chúa Giê-su thuyết phục thánh Gioan khi nêu lên điều cần thiết: “để giữ trọn đức công chính”. Đức công chính nghĩa là bước đi theo kế hoạch của Thiên Chúa, giữ trọn đúng mọi thánh ý của Ngài. Thánh Gioan Tẩy Giả và Chúa Giê-su, chính là một nhịp cầu nối giữa Cựu và Tân Ước. Chúng ta lưu ý rằng Chúa Giê-su nói: “Chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”, vì thế, không là đoạn tuyệt nhưng là hoàn tất. Đây chính là tuyến phát triển của Tin Mừng thứ nhất.

2. Đức khiêm hạ của Chúa Giê-su:

Đức Giê-su đến từ miền Ga-li-lê. Ngài đã rời bỏ gia đình và nghề nghiệp của mình để bắt đầu dấn thân vào sứ mạng của mình. Cử chỉ đầu tiên của Ngài là xin lãnh nhận phép rửa thống hối, như một hối nhân khiêm hạ trong đoàn người hành hương từ khắp nơi tuôn đến với thánh Gioan Tẩy Giả. Cử chỉ này là yếu tố đầu tiên của công cuộc Cứu Chuộc. Kể từ lúc đó, Chúa Giê-su muốn đặt mình liên đới với nhân loại tội lỗi. Đây là bước đầu tiên sẽ dẫn Ngài đến đồi Can-vê, để chịu một phép rửa khác, phép rửa trong máu. Chính Chúa Giê-su đã sánh ví cuộc Tử Nạn của Ngài với một phép rửa: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất” (Lc 12: 50). Ngài công bố với thánh Gia-cô-bê và thánh Gioan: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10: 38). Qua động từ Hy ngữ “chịu phép rửa” có nghĩa “nhận chìm”, Chúa Giê-su muốn nói rằng Ngài sẽ bị dìm vào trong vực thẳm muôn vàn đau khổ. Quả thật, từ phép rửa trong nước đến phép rửa trong máu, đó là tiến trình cuộc sống của Chúa Ki-tô. Ở nơi hoạt cảnh sông Gio-đan ẩn hiện một hậu cảnh bi thảm.

Nước được liên kết với hình ảnh sinh hạ và tái sinh. Chúng ta gặp thấy rất nhiều tiên trưng của phép rửa được gợi ý trong Cựu Ước: từ nước trận đại hồng thủy xuất hiện một nhân loại mới bắt đầu với ông No-ê và gia đình của ông; từ nước của Biển Đỏ xuất hiện một dân mới, dân được giải thoát khỏi cảnh đời nô lệ. Cũng vậy, khi bước ra khỏi dòng nước sông Gio-đan, Chúa Giê-su khai mạc một nhân loại được tái sinh. Thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng khi bước vào sông Gio-đan, Chúa Giê-su đã chuẩn bị, một cách nào đó, tác động thần linh của nước trên người lãnh nhận Phép Rửa.

Việc dìm mình vào trong nước, tượng trưng cái chết, việc trồi lên khỏi mặt nước, biểu tượng cuộc sống mới, sẽ đón nhận ý nghĩa tròn đầy của chúng sau biến cố Phục Sinh. Sau này, thánh Phao-lô sẽ nhấn rất mạnh tính chất vượt qua của Phép Rửa (x. Rm 6: 4; Cl 2: 12; vân vân). Ngay từ thời kỳ đầu Ki tô giáo, các tân tòng lãnh nhận phép rửa vào Đêm Vọng Phục Sinh.

3. Chúa Thánh Thần tấn phong:

“Khi Chúa Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Ngài”.

Việc Chúa Thánh Thần ngự xuống được bày tỏ bởi một dấu chỉ bên ngoài: “như chim bồ câu”. Hình ảnh này nhằm “cụ thể hóa” biến cố tinh thần, như sau này, vào ngày lễ Ngũ Tuần, những hình lưỡi lửa. Chim luôn luôn biểu tượng trời: ở đây chúng ta liên tưởng đến câu đầu tiên của sách Sáng Thế: vào lúc khởi đầu công trình tạo dựng, “Thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước”. Trên dòng nước sông Gio-đan, Thần Khí thực hiện một công trình tạo dựng mới.

Cả bốn tác giả Tin Mừng đều tường thuật biến cố này; nghĩa là họ chứng thực tầm quan trọng của những giây phút mang tính quyết định này trong cuộc đời của Đức Giê-su.

Quả thật, ngay từ khi thụ thai, Đức Giê-su đã được Chúa Thánh Thần ở cùng; Ngài sinh hạ bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần; nhưng trong cuộc sống ẩn dật của mình, Chúa Thánh Thần đã không phải hiển lộ. Vào ngày Chúa Giê-su chịu phép rửa, đánh dấu khởi điểm sứ mạng của Ngài, Chúa Giê-su được bảo đảm rằng Chúa Thánh Thần sẽ phù trợ công việc mà Ngài có sứ mang phải chu toàn.

Như thánh Mác-cô, thánh Mát-thêu diễn tả sự phong phú của cuộc tấn phong này khi đan kết hai bản văn Kinh Thánh, một được trích dẫn từ Thánh Vịnh 2, thánh vịnh phong vương; một bản văn khác về việc thánh hiến Người Tôi Trung (Bài đọc I).

4. Con Thiên Chúa:

Cuộc Hiển Linh theo sau phép rửa là cuộc mặc khải công khai, chính thức, về mầu nhiệm của Chúa Giê-su, Ngài đích thật là Con Thiên Chúa.

“Đây là Con yêu dấu của Ta”. Lời này được trích dẫn từ Tv 2 ca ngợi cuộc phong vương của vị tân vương và tước vị “thiên tử” của vua. Nhưng tước vị “thiên tử” của Chúa Giê-su không là biểu tượng như tước vị thiên tử của vị tân vương. Tin Mừng Gioan không ngừng nhắc đi nhắc lại địa vị làm con này và mối liên hệ mật thiết độc nhất vô nhị của Đức Giê-su với Chúa Cha, Cha của Ngài. Tại thánh Mát-thêu và thánh Lu-ca, những phân đoạn liên quan đến thời Thơ Ấu của Chúa Giê-su đều nhấn mạnh tính xác thật của địa vị làm con này; còn Tin Mừng Mác-cô, thánh ký đặt địa vị làm con này ở đầu Tin Mừng của mình: “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa”.

Địa vị làm con này sẽ được Giáo Hội công bố trên mỗi người lãnh nhận phép rửa, họ trở thành con cái của Thiên Chúa, nghĩa tử của Chúa Cha, qua Chúa Ki-tô.

 5. Đấng Mê-si-a vương đế:

Thánh Vịnh 2 này, thuộc phụng vụ phong vương, được xem như một trong những thánh vịnh loan báo Đấng Mê-si-a. Về phương diện pháp lý, Chúa Giê-su xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít, như vậy, Ngài được thánh hiến với tư cách Đấng Mê-si-a vương đế. Nhưng Ngài sẽ chỉ công bố mình là vua khi bị xiềng xích.

6. Người Tôi Trung:

Câu trích dẫn thứ hai: “Ta hài lòng về người”, được trích từ bài ca Người Tôi Trung: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng” (Is 41: 1). Đức Giê-su được tấn phong làm Người Tôi Trung: Ngài đặt mình vào việc phục vụ nhân loại để muôn người được cứu độ: Ngài tự giới thiệu mình: “Thầy đến không để được phục vụ nhưng để phục vụ” và sẽ thực hiện sấm ngôn về Người Tôi Trung đau khổ ở nơi cuộc Khổ Nạn của Ngài.

7. Mặc khải Thiên Chúa Ba Ngôi:

Các tầng trời mở ra; Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ mình ra: Chúa Cha, Chúa Thánh Thần và Ngôi Lời nhập thể.

Quả thật, vào giây phút này, và đây là lần đầu tiên trong Kinh Thánh, Ba Ngôi Thiên Chúa đồng hiện diện cùng lúc. Đây không là một chuyện tình cờ: giờ đã đến, giờ kế hoạch vĩ đại chan chứa yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa đối với nhân loại được thực hiện.

Phụng vụ Đông Phương không lầm lẫn khi cử hành việc Chúa Ki-tô chịu phép rửa như “ngày lễ Ba Ngôi”. Chính dưới dấu chỉ Ba Ngôi mà phép rửa Ki tô giáo được ban cho, phù hợp với giáo huấn của chính Chúa Giê-su: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”

Tác giả: Lm Hồ Thông.

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập717
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm715
  • Hôm nay123,098
  • Tháng hiện tại1,035,362
  • Tổng lượt truy cập57,136,999
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây