Truyện ngắn: Huyền thoại

Chủ nhật - 19/11/2017 03:09

-

-
Nghe cái giọng vừa mỉa mai, vừa khiêu khích của vợ, lão "cay" lắm đã định "phản pháo" ngay nhưng lão cũng kịp dừng lại vì lão chợt nhớ ra sáng nay lão đã trót lấy một triệu tiền của vợ đi rửa ảnh. Thôi thì "một điều nhịn, chín điều lành".
Truyện ngắn: Huyền thoại

 
Lão xoay ngang rồi lại xoay dọc những tấm ảnh vừa lấy ở hiệu về, lão nhìn ngắm chúng rất lâu và tỏ vẻ đắc ý lắm, lão hả hê đặt ảnh lên nóc tủ rồi ra bàn pha một ly cà phê, đó là thói quen mỗi khi lão cảm thấy hứng chí. Hương cà phê lan toả làm lão đê mê, cái cảm giác lâng lâng sau khi xem ảnh càng làm cho lão thấy phấn khích hơn bất giác lão hát khe khẽ. Bỗng cánh cửa đằng sau bật mở cùng giọng nói chát chúa của thị vợ:
 
- Sao có gì mà anh tưng tửng thế này? Anh lại vừa đi "sáng tác" về đấy phải không?
 
Nghe cái giọng vừa mỉa mai, vừa khiêu khích của vợ, lão "cay" lắm đã định "phản pháo" ngay nhưng lão cũng kịp dừng lại vì lão chợt nhớ ra sáng nay lão đã trót lấy một triệu tiền của vợ đi rửa ảnh. Thôi thì "một điều nhịn, chín điều lành". Nghĩ vậy lão im lặng, ngồi thản nhiên uống cà phê. Thôi mình "yếu" một tí, "lép" một tí để giữ được "hoà bình, ổn định" không hơn sao?! Xét cho cùng đó là mình nể vợ mình chứ có sao? Mình không có lỗi thì bố bảo thị dám hỗn thế này. Đang tự trấn an mình thì vợ lão lại lên tiếng mỉa mai:
 
- Anh điếc từ bao giờ đấy? Anh học đâu được thói khinh thường vợ thế hả? Ra ngoài chụp cho các em "chân dài,váy ngắn" thì sao mồm miệng rẻo kẹo thế hả ch... ồng... ? - Tiếng cuối thị kéo dài ra nghe rõ ghét.
 
- Ô hay! Em hỏi gì anh không hiểu? Mà sao hễ nói với chồng là em lại giở cái giọng ấy ra nhỉ ? Em không nói năng tử tế được sao?
 
- Con giun xéo lắm cũng quằn ! Em chẳng đã rất tử tế với anh từ bao năm nay rồi đó sao? Đã vô tích sự lại còn gàn gở ai mà chịu được.
 
- Tôi gàn gở cái gì ? Làm người cũng phải có ước mơ, có hoài bão chứ! Nếu không thì trở thành loài lợn hết à? – Nói đến đây lão thấy mình đã hơi lỡ lời.
 
- Anh bảo ai là lợn hả?Tôi nói cho anh nghe nhé nếu không có tôi thì lấy đâu ra xe máy với nhà tầng cho anh. Những đống ảnh chất đầy tủ, mốc cả ra kia. Nó là bao nhiêu tiền của tôi nào?Không cần tôi thì hãy trả lại ngay cho tôi một triệu anh vừa lấy đi để tôi nộp tiền điện bây giờ. Thời buổi người ta đổ xô vào làm kinh tế còn anh thì lúc nào cũng ảo tưởng, hão huyền!
 
- Thôi được, tiền điện tháng này để anh lo, được chưa? - Lão đành xử nhũn.
 
- Anh nói hay nhỉ, "để anh lo" thì anh phải đưa tiền cho tôi ngay đi chứ!
 
Đến nước này lão đành xuống thang cốt để đổi lấy"hoà bình". Lão thừa biết thị chỉ nói cho bõ tức thế thôi, rồi đâu lại vào đấy cả. Lão nhũn nhặn:
 
- Ấy chết! Em đòi ngay thì anh lấy đâu ra, anh trót tiêu rồi, chả là hôm qua anh vừa chụp được mấy kiểu ảnh đẹp tuyệt đúng là cơ hội ngàn năm có một đấy, và mấy thằng lại giục nộp ảnh dự thi luôn, hạn sắp hết rồi nên anh mới liều thế. Em thông cảm, lĩnh lương anh trả luôn cả thể. - Vừa nói, lão vừa tiến lại phía tủ lấy sấp ảnh mở ra cho vợ xem - Đấy em thấy không cái này là "tuyệt tác" luôn, cảnh này rất "độc" đố tay nào địch được với anh phen nay nhé. Đây nữa, cái này anh đã đặt tên rồi: "Hoà bình" đấy, em thấy ý nghĩa không? Đây nữa... đây nữa... ! Lần này anh tin mình không thể trượt được, không nhất thì nhì chứ chả chơi. Anh sẽ cho mấy thằng bạn sáng mắt ra. Các hắn phải kiềng mặt anh... Báo chí lại chả phải tốn khối giấy mực vì anh ấy chứ! Đoạt giải anh sẽ"một, đền mười"cho em... Danh tiếng mới là cái lớn lao, cái mọi người vươn tới em ạ!
 
Thực tình vợ lão cũng là con người biết nghĩ trước sau, thị rất hiểu sự đam mê của chồng, nhưng lão thất bại nhiều quá khiến niềm tin trong thị cứ mòn đi, khác nào một người bị lạc trong rừng, càng đi càng thấy mịt mù không tìm thấy lối ra, trong khi sức lực ngày một suy kiệt! Hết giải này đến giải khác, lão nuôi hy vọng mà rồi vẫn trượt. Thử hỏi như thế thì mấy ai còn có được niềm tin cơ chứ?! Hàng năm có bao cuộc thi ảnh, và cuộc thi nào lão cũng tham gia "rất nhiệt tình", bao nhiêu thời gian, công sức hễ rảnh việc cơ quan là lão lại cùng lũ bạn kéo đi "sáng tác" nhanh thì một, hai ngày, nhiều thì cả kỳ nghỉ phép luôn, trăm thứ việc đổ hết lên đầu vợ, sức chịu đựng của con người ta chứ có phải thần thánh đâu mà kiên trì mãi được...
 
Thế đâu đã hết, được đồng lương nào lão cũng nướng hết vào ảnh, người đi, miệng đi, xe đi... tiền ăn, tiền xăng, tiền in ảnh... tất tật lão đều moi từ két của vợ ra cả, cũng may là vợ lão làm phó giám đốc ngân hàng, lương bổng cũng khá nên lão được thể ỷ vào vợ. Dạo lão mới "bập" vào ảnh thị cũng rất ủng hộ vì thị nghĩ: "Đàn ông ai chả có sự đam mê, nhưng đừng rượu chè, trai gái là được, thôi thì mình có điều kiện không tạo dựng giúp đỡ chồng thì còn giúp ai?" Nghĩ vậy nên bao lần lão đòi thay máy mới, tốn đến hàng chục triệu đồng nhưng thị đều "duyệt ngay".
 
Biết lương của chồng chả đáng là bao nên không bao giờ thị hỏi tới, hai đứa con ăn học, rồi xây nhà, mua sắm mọi tiện nghi gia đình và cả việc đối nội, đối ngoại, họ hàng hai bên lão cũng phó mặc cho vợ. Thị chấp nhận lão và thị tự nhủ tuy không làm ra tiền bạc nhưng lão cũng chẳng hư hỏng gì, lão không rượu chè, không em út đua đòi gì, đàn ông thời nay giữ được thế là qúa ổn. Mấy đứa bạn cùng cơ quan vẫn khen thị là có ông chồng ga lăng mà lại "ngoan hiền". Những lúc đó thị cũng nghĩ, vợ chồng là cái "duyên nợ"chẳng mấy ai "mười phân vẹn mươi"cả...
 
Lúc này đây nghe lão thao thao nói về ảnh. Thị thấy cũng thương lão, cả đời đeo đuổi đến hao mòn, vậy mà lão chưa một lần gặp may, nhiều khi bị vợ rầy la, nhưng lão biết "thân phận" nên đều tìm cách dấu dí cho qua. Lão mê ảnh đến mụ mị cả đi, nói đến ảnh là lão quên hết mọi phận sự của mình...
 
Nghĩ đi thì thế, nghĩ lại máu trong thị lại bắt đầu sôi lên. Lấy nhau đã hai chục năm trời, quãng thời gian đó với đời người đâu có ngắn ngủi gì, lúc nào thị cũng chịu phần thua thiệt, chịu sự nhún nhường và cam chịu đủ bề với ước muốn là gia đình ấm êm, mà rồi đâu có được. Giờ thì thị nghĩ khác, thị chịu đựng lão thế là quá đủ, thị phải sống cho mình nữa chứ, khi mà quanh thị đầy những người đàn ông lịch lãm luôn tỏ ra ngưỡng mộ, săn đón và sẵn sàng chiều chuộng thị, đành "lành làm gáo, vỡ làm muôi"một phen. Nghĩ thế thị giật phắt sấp ảnh trên tay lão, thị ra sức xé vụn những tấm ảnh ra nhiều mảnh, vừa xé thị vừa gầm lên :
 
- Này thì "tuyệt tác" này! Này thì "độc"với "địa" này!Bà cho chúng ra giấy vụn hết!
 
Những tấm ảnh khổ to chỉ mấy giây trước thôi lão nâng niu, hy vọng giờ trở thành những mảnh giấy bay tung toé khắp gian nhà, mắt lão bỗng vằn lên, lão xô tới giơ tay tát mạnh vào mặt vợ, một tiếng "bốp" khô khốc kèm theo là tiếng vợ lão rú lên:
 
- Á ... anh đánh tôi à? Anh là kẻ bất tài, là đồ ăn hại! Anh cút đi!- Thị cầm những tấm ảnh đang xé dở ném vào mặt lão.
 
Lão sững người lại trước phản ứng quyết liệt của vợ, lão cúi xuống nhặt vội mấy tấm ảnh còn sót lại, rồi vơ chiếc ba lô đồ nghề và quần áo trên góc giường, lão phăm phăm bước ra khỏi cửa. Tiếng vợ lão vẫn gào lên ở phía sau:
 
- Anh cút đi! Đồ vô tích sự!
 
Lão đi như vô định, cả đêm ấy nằm một mình ở cơ quan, lão tự kiểm điểm bản thân và thấy mình đúng là kẻ vô tích sự, bao năm qua lão không mảy may làm được gì cho vợ con. Người phụ nữ dẫu có hiền lành đến mấy thì cũng không thể cam chịu mãi thế được, thị là người phụ nữ thông minh, tháo vát lại có địa vị xã hội hẳn hoi, thị có quyền đòi hỏi chồng con chứ? Bao năm qua thị hy sinh, chăm sóc cho lão từng ly, từng tý. Còn lão đã làm được gì cho vợ cơ chứ ? Vậy mà hôm nay lão đã đánh vợ. Lão thấy ân hận vô cùng. Nhưng biết làm sao, chén nước đã hắt đi thì làm sao hót lại cho đầy được nữa? Không, lão không thể để đổ vỡ được. Lão sẽ từ bỏ mọi đam mê để cứu lấy gia đình. Nghĩ đến đây lão với tay lấy mấy tấm ảnh trên đầu giường, lão quyết định đốt chúng. Lão cầm ba bức ảnh trên tay, lão lặng lẽ bật lửa châm vào tấm ảnh thứ nhất, ngọn lửa xanh lét liếm dần tấm ảnh, những nhân vật trong ảnh nhìn lão với ánh mắt nửa như giận hờn, nửa như chia sẻ họ như nói với lão: "Này anh bạn chúng tôi cảm thông và chia sẻ với anh về nỗi buồn này, nhưng cuộc đời nó nghiệt ngã thế đấy, biết làm sao, hãy quay về với vợ con anh, đấy mới là cuộc sống đích thực, tuy nhiên anh cũng chẳng nên từ bỏ những sở thích của mình, vì như thế anh đâu còn là anh nữa ?"Những hình ảnh ấy nhoè dần và tan biến vào màn khói xanh biếc. Lão nhìn tấm ảnh cháy mà như thấy chính da thịt mình đang cháy! Lão không đủ can đảm đốt tiếp, lão quăng hai tấm còn lại vào góc phòng, lão ôm mặt khóc nức nở như trẻ con. Bóng lão run rẩy, nhập nhoà trong căn phòng. Chưa bao giờ lão thấy mình cô đơn và đau khổ như thế.
 
Lão đến ở cơ quan được một tuần thì đứa con gái lớn đang học lớp 10 đến tìm lão, nó nằng nặc đòi lão về, nó bảo nếu bố không về thì nhất định nó bỏ học. Không còn cách nào khác lão đành đèo con về nhà.
 
Những ngày sau đó lão đi làm đều đặn, hết giờ lão về ngay nhà bắt tay vào việc bếp núc giúp vợ vì công việc của vợ lão dịp cuối năm rất bận nên hay về muộn. Lão lặng lẽ làm như để chuộc lại một phần lỗi lầm của mình với vợ con. Thời gian êm ả trôi đi đã 3 tháng sau sự kiện ấy. Chiều nay lão về sớm hơn mọi ngày, lão bước vào căn phòng trên gác, bộ đồ nghề treo trên tường đập vào mắt lão, đã hơn ba tháng lão không động đến nó, như một phản xạ tự nhiên lão nhẹ nhàng lấy xuống, lão giở chiếc máy ảnh ra, lão mâm mê, xoay chỉnh ống kính, lão lắp ống pêlê, giơ lên lấy "nét"... rồi chợt nhớ ra điều gì, lão lần tìm trong túi, lão lật tung mọi thứ miệng lẩm bẩm:
 
- Quái ! Mình đốt có một bức, còn hai bức, mình đã vứt lại, sao giờ không thấy ?
 
Đang lục tìm chợt có tiếng xe máy vào cổng, "thôi chết vợ về" nghĩ vậy lão vội ôm tất cả đống đồ nghề dúi vội vào dưới chăn, xong xuôi lão bước nhanh xuống cầu thang. Thấy vợ lão hỏi:
 
- Sao hôm nay mình về sớm thế?
 
- Gần 5 giờ rồi còn sớm gì nữa?
 
Vừa lúc ấy có tiếng còi ô tô ngoài cổng, lão ngó ra thì thấy trưởng phòng của lão đang lái xe vào sân, lão không hiểu có chuyện gì mà trưởng phòng lại đến. Lão vội chạy ra đón:
 
- Sao anh đến không điện cho em, nhỡ em không có nhà.
 
- Sao phải điện, từ ngày"dã từ"nghề ảnh chú còn đi đâu được nữa. Cô ấy có nhà không?
 
- Dạ mời anh vào nhà, vợ em đang nấu cơm.
 
Trưởng phòng theo lão vào nhà. Ông nói vọng xuống bếp:
 
- Cho anh báo cơm với nhé.
 
- Vâng ! Mời anh ở lại ăn cơm với nhà em.
 
- Nhất trí, nhưng em lên đây đã, xem anh mang cái gì đến cho cô chú đây!
 
- Cái gì mà quan trọng thế anh?
 
Không để cho vợ chồng lão phải chờ, ông trưởng phòng rút từ trong cặp ra chiếc giấy mời. Rồi ông nói:
 
- Đây là giấy mời của Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh, mời chú ấy đi nhận giải thưởng đấy, giải nhất hẳn hoi, trị giá cũng không nhỏ đâu nhé 50 triệu đấy! Cô chú không tin à?
 
Nói rồi ông đưa tấm giấy mời cho lão, lão đón lấy, đọc vội.
 
Kính gửi : Ông: Thành Thấn

Cuộc thi ảnh với chủ đề : "Đất Việt yêu dấu" do Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh phát động và tổ chức từ ngày... đến ngày... đã thành công tốt đẹp. Ban tổ chức vui mừng báo tin: Tác phẩm "Hoà Bình" của tác giả : Thành Thấn – Đoạt giải nhất...
 
Lão không tin vào mắt mình, lão đưa cho vợ, vừa xem giọng thị đã lạc đi:
 
- Đúng ! A. . nh... được giải... rồi !?...
 
- Thế này là thế nào em không hiểu?Thực tình em không được gửi ảnh dự thi?
 
- Chuyện là thế này. Hôm chú về, sau đó cậu Hải dọn dẹp căn phòng nó thấy có hai tấm ảnh, chú vứt ở dưới gầm giường, nó liền mang đến cho tôi, thấy đẹp tôi liền gửi dự thi luôn. Không ngờ lại được giải. Vì thế chú ngạc nhiên là phải thôi.
 
Sau khi nghe trưởng phòng nói, lão và vợ vừa ngạc nhiên, vừa xúc động. Rồi lão kể lại chuyện cái đêm lão dọn đến cơ quan... Chuyện lão đã đau khổ thế nào khi vợ chồng xô xát... Chuyện lão đốt ảnh... Chuyện lão đã khóc như thế nào... Chuyện vì sao lão quẳng hai bức ảnh lại ...
 
Nghe và biết rõ mọi chuyện, vợ lão bật khóc.
 
Đến đây ông trưởng phòng vỗ đùi nói:
 
- Hay! Quả đây là một huyền thoại ly kỳ, hấp dẫn không kém gì các huyền thoại trong cổ tích. Chỉ cần nghe kể như vậy thôi nó đã xứng đáng là một kiệt tác rồi, bởi chỉ tý nữa thì nó đã bị xé, bị đốt, rồi nó lại bị bỏ quên dưới gầm giường, nhưng cuối cùng nó vẫn đến được với cuộc thi và trở về với chủ trong niềm vinh quang. Đúng là một huyền thoại!

Tác giả: Bùi Nhật Lai

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập123
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm121
  • Hôm nay38,782
  • Tháng hiện tại554,990
  • Tổng lượt truy cập56,656,627
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây