Ca sĩ, nhạc sĩ Bob Dylan giành giải Nobel Văn học 2016

Thứ năm - 13/10/2016 09:28

-

-
Giải thưởng Nobel Văn học 2016 được Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố lúc 13h (giờ địa phương, tức 18h Hà Nội). Bob Dylan được xướng tên trong khi Haruki Murakami tiếp tục không có duyên với giải thưởng.
Ca sĩ, nhạc sĩ Bob Dylan giành giải Nobel Văn học 2016
 
Giải thưởng Nobel Văn học 2016 được Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố lúc 13h (giờ địa phương, tức 18h Hà Nội). Bob Dylan được xướng tên trong khi Haruki Murakami tiếp tục không có duyên với giải thưởng.
 
Bob Dylan được trao Nobel vì đã "tạo ra những biểu đạt thi ca mới bên trong truyền thống âm nhạc vĩ đại của Mỹ".
 
Giải thưởng Nobel Văn học trao cho ca sĩ, nhạc sĩ có thể khiến nhiều người ngạc nhiên. Sara Danils - Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển - lý giải với báo chí: "Nếu nhìn lại quá khứ, các bạn sẽ thấy Homer và Sappho. Họ đã viết những văn bản đậm chất thơ, được dành cho trình diễn. Nó tương tự cách của Bob Dylan. Ngày nay chúng ta vẫn đọc, vẫn yêu thích Homer và Sappho. Chúng ta cũng có thể và nên đọc Bob Dylan".
 
Dẫn chứng bằng ca khúc Blonde on Blonde, bà Sara cho rằng đó là một ví dụ tuyệt vời về tài năng của Bob Dylan trong gieo vần, tạo những điệp khúc và lối suy nghĩ xuất chúng của huyền thoại âm nhạc.
 
Ông nhận phần thưởng trị giá 8 triệu krona của Thụy Điển (hơn 900.000 USD).

 
 
Bob Dylan (Robert Allen Zimmerman, sinh ngày 24/5/1941) là ca sĩ, nhạc sĩ người Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn đến nền âm nhạc đại chúng thế giới. Ông từng nhận rất nhiều giải thưởng, trong đó có giải Grammy, Quả cầu vàng, Pulitzer... Ông được coi là tượng đài văn hóa thế kỷ 20 và được mệnh danh là "lãng tử du ca".
 
Các nhạc phẩm của ông như Blowin in the Wind, The Times They Are a-Changin... đã trở thành "thánh ca" trong các phong trào đấu tranh vì dân quyền và phản chiến. Bob Dylan cũng từng đấu tranh chống chiến tranh tại Việt Nam.
 
John Schafer, giáo sư văn chương ở Mỹ, từng viết cuốn sách chọn điểm nhìn so sánh giữa Trịnh Công Sơn và Bob Dylan.
 
Bob Dylan là người Mỹ thứ 259 giành giải Nobel và tác giả Mỹ đầu tiên thắng Nobel Văn học sau Toni Morrison năm 1993. Nước Mỹ, tính đến nay, có tổng cộng chín Nobel Văn học.
 
Do không hé lộ trước danh sách chung khảo lẫn sơ khảo, các nhà văn đều nhận giải trong sự bất ngờ. Tác giả Pháp Patrick Modiano đang ra ngoài ăn trưa cùng vợ khi ông được công bố thắng Nobel Văn học 2015, trong khi Svetlana Alexievich không giấu được kinh ngạc trên gương mặt khi phóng viên Belarus gõ cửa nhà bà năm ngoái để phỏng vấn về giải thưởng. Hiện, chưa rõ Bob Dylan ở đâu khi giải thưởng danh giá gọi tên ông.
 
Di Ca
Nguồn: http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/ca-si-nhac-si-bob-dylan-gianh-giai-nobel-van-hoc-2016-3483268.html

Trịnh Công Sơn và Bob Dylan khác nhau ở căn nguyên tôn giáo
 
"Trịnh Công Sơn và Bob Dylan: như trăng và nguyệt?" là cuốn sách của giáo sư Mỹ John C. Schafer nghiên cứu về hai nhạc sĩ Việt, Mỹ.
 
Nhà văn Nguyễn Trương Quý có dịp làm việc với giáo sư Schafer khi biên tập sách của ông. Trương Quý đồng thời cũng có những nghiên cứu về ca từ tân nhạc trong nhận diện văn hóa. Tối 31/3, anh đã có buổi nói chuyện tại Khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn hóa về công trình của giáo sư John C. Schafer.
 
- Vì sao một người Mỹ như John C. Schafer lại nghiên cứu về Trịnh Công Sơn và Việt Nam?
 
- Giáo sư không phải là người xa lạ với Việt Nam. Ông dạy tiếng Anh tại Đại học Huế cuối những năm 1960, đầu 1970. Ông dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2001. Giáo sư nghiên cứu văn học và văn hóa Việt trên một diện rộng từ cổ chí kim như Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, những tiểu thuyết thời kỳ đầu của Hồ Biểu Chánh, tạp văn Võ Phiến, truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, nghiên cứu về giới qua hồi ký của Phạm Duy và Lê Vân.
 
Đây không phải là công trình nghiên cứu đầu tiên của John về Trịnh Công Sơn. Ông có một số công trình khác như The Trinh Cong Son Phenomenon (Hiện tượng Trịnh Công Sơn), Triết học nhẹ nhàng của Trịnh Công Sơn.
 
Tôi nghĩ giáo sư John C. Schafer có mối liên hệ với Việt Nam về mặt tình cảm, vì thế sự am tường bối cảnh Việt Nam quyết định đến lựa chọn đề tài nghiên cứu Trịnh Công Sơn. Điều này cũng xuất phát từ tình cảm của ông với nhạc Trịnh.
 

Từ trái qua: Giáo sư John C. Schafer, nhà văn Nguyễn Trương Quý trong buổi gặp gỡ tại Hà Nội. Ảnh: NVCC
 
- Vì sao John C. Schafer nghiên cứu Trịnh Công Sơn trong đối sánh với Bob Dylan?
 
- Sở trường của John Schafer là văn học đối chiếu. Ông từng dạy môn ngôn ngữ học áp dụng và văn chương đối chiếu tại Đại học Humboldt, Mỹ. Ông nghiên cứu dựa trên những tương quan giữa văn học và văn hóa vượt ra khỏi những biên giới ngôn ngữ và chính trị.
 
Trong sách, John Schafer viết: “Những năm 60 của thế kỷ trước, Bob Dylan và Joan Baez là hai ca sĩ mà tôi yêu thích nhất. Vào cuối thập niên 60 đầu 70, khi tôi dạy Anh văn ở miền Trung Việt Nam, tôi lại được giới thiệu nhạc Trịnh Công Sơn qua tiếng hát Khánh Ly. Những bài ca của bốn người nghệ sĩ này đã in đậm vào ký ức của tôi: Khi nghĩ đến giai đoạn này, tôi nhớ về những bài ca của họ; khi nghe những bài ca của họ, tôi nhớ đến giai đoạn đầy biến động ở cả hai nước Việt và Mỹ”.
 
- Trịnh Công Sơn và Bob Dylan có những tương quan gì theo nghiên cứu của John Schafer?
 
- Cả hai cùng sáng tác bài hát phản chiến. Họ soạn nhạc nhưng cũng được xem như thơ, ca từ xuất chúng và nhiều khi mơ hồ khó hiểu. Cả hai đều viết những bài tình ca để đời. Có những mối liên hệ với các nữ ca sĩ và họ góp phần vào sự nổi tiếng. Trịnh Công Sơn và Bob Dylan đều nói tiếng nói của giới trẻ trong thời đại. Cả hai đều chịu ảnh hưởng và tìm cảm hứng sáng tác từ truyền thống tôn giáo.

 

Bob Dylan và Trịnh Công Sơn.
 
-Vậy đâu là điểm khác biệt giữa Trịnh Công Sơn và Bob Dylan?
 
- Số lượng và thời gian sáng tác ca khúc phản chiến của hai nhạc sĩ khác nhau. Trịnh Công Sơn có 69 bài phản chiến, trong khi Bob Daylan chỉ sáu tới bảy bài.
 
Tình ca của hai ông mang giọng điệu khác nhau: với Trịnh Công Sơn là của người bị phụ tình, còn Bob Dylan là người chủ động từ bỏ.
 
Trịnh Công Sơn viết với giọng “yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ” còn Bob Dylan viết: “Tạm biệt là chữ dùng quá nhẹ. Nên tôi chỉ nói giã từ thôi. Tôi không nói em đã đối xử tệ bạc với tôi. Em chỉ đã lãng phí thì giờ quý giá của tôi” (Don’t Think Twice, It’s All Right).
 
John Schafer đánh giá cao sự khiêm nhu, nhân hậu của Trịnh Công Sơn cả trong đời sống lẫn trong tác phẩm. Còn Bob Dylan tạo ra một hình ảnh lạnh lùng, cách biệt như thể để tự bảo vệ mình.
 
- Điều gì làm nên điểm khác biệt giữa hai ông?
 
- Theo John C. Schafer, căn nguyên lớn nhất là truyền thống tôn giáo. Ông cho rằng cả hai nhạc sĩ đều bị ảnh hưởng bởi tôn giáo. Bob Dylan là một người mộ đạo và đã ra mắt ba album nhạc chuyên về những bài ca tôn giáo. Trịnh Công Sơn là một Phật tử dù chỉ trên danh nghĩa; nhưng cả hai đều chia sẻ một sở thích chung là suy ngẫm về triết học và tôn giáo. John Schafer viết: “Tôi rất ngạc nhiên khi nhận ra hai điều này: một là ảnh hưởng sâu xa mà hai tôn giáo đã tác động tới cuộc đời và nghệ thuật của họ; hai là sự khác nhau sâu đậm giữa hai tôn giáo này”.
 
Theo John Schafer, Bob Dylan “ướt sũng Kinh thánh”. Ông viết: “Không có gì đáng ngạc nhiên khi một người sáng tác nhạc Mỹ, nhất là nhạc folk, dùng ngôn ngữ của Kinh thánh trong tác phẩm của mình”. Ông cũng cho người đọc Việt hiểu, Kinh thánh là cuốn sách căn bản của văn hóa chính thống Mỹ và tiếng Anh lại đầy rẫy những câu lấy ý từ Kinh thánh. Vì vậy khó có thể dùng tiếng Anh mà không động đến Kinh thánh.
 
Về Trịnh Công Sơn, các đề tài Phật giáo rất quan trọng và ảnh hưởng nhiều đến sự thành công của ông. Ca khúc của ông dùng nhiều từ của đạo Phật, ví dụ: từ bi, duyên, vô thường, kiếp...
 

Nhà văn Nguyễn Trương Quý. Ảnh: NVCC
 
- Theo anh, công trình nghiên cứu của giáo sư có ý nghĩa như thế nào?
 
- Về lâu về dài công trình sẽ là một mắt xích trong công tác nghiên cứu Trịnh Công Sơn. Nó lấp một khoảng trống trong nghiên cứu nước ta. Đa phần những nghiên cứu của người Việt là cảm luận, vì niềm yêu thích đơn thuần mà viết. Ở đây, bên cạnh niềm yêu thích còn có sự đối chiếu, đặt Trịnh Công Sơn vào bối cảnh toàn cầu, thế giới, tương quan với người sáng tác khác.
 
Có thể Trịnh Công Sơn chỉ nhận mình là người du ca đi qua cuộc đời này, nhưng tác phẩm đã đi xa hơn chủ kiến của tác giả. John Schafer đã chứng minh điều đó.
 
Hiền Đỗ
Nguồn: http://news.zing.vn/trinh-cong-son-va-bob-dylan-khac-nhau-o-can-nguyen-ton-giao-post638653.html

Tác giả: Tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập667
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại935,555
  • Tổng lượt truy cập57,037,192
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây