Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các kitô hữu.

Thứ tư - 28/12/2011 08:15

-

-
Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các kitô hữu bắt đầu từ 18- 25/01/2012 (Trần Văn Trí AN43).
Người Tín Hữu Kitô Cùng Đồng Tâm Tham Gia
 
TUẦN LỄ CẦU NGUYỆN CHO SỰ HIỆP NHẤT CỦA CÁC KITÔ-HỮU
Từ 18 đến 25 tháng 01-2012
 
Theo Niên Lịch Phụng Vụ, trong tháng 1-2012, có các ngày lễ đáng chú ý như:
  • 1-1 Chúa Nhật - Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Ngày Thế Giới cầu nguyện cho Hòa Bình
  • 8-1 Chúa Nhật - Lễ Hiển Linh hay Lễ Ba Vua (Lễ vào Thứ sáu 6-1, dời sang CN 8-1-2012)
  • 9-1 Thứ hai, Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.
  • 21-1 Thứ bảy, Lễ Thánh A-nê, đồng trinh tử đạo
  • Tết Nhâm Thìn (Tết Nguyên Đán Việt Nam, Trung Hoa: Mồng Một, Hai, Ba (vào 23, 24, 25-1)
  • 25-1 Thứ tư, Lễ Thánh Phaolô Tông đồ trở lại
  • 26-1 Thứ năm, Lễ Thánh Timôthêô và Thánh Titô, Giám mục
  • 28-1 Thứ bảy, Lễ Thánh Tô-ma A-qui-nô, Tiến sĩ
 1-1 Lễ Thánh Nữ Trinh Maria Mẹ Thiên Chúa
 
Ngày lễ trọng, lễ buộc tại Hoa Kỳ. Việc tôn vinh Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa đã có từ lâu đời trong Giáo Hội, nhất là Giáo Hội Hy Lạp, như tại giáo đoàn Ankiôkia, Constantinople, và đặc biệt giáo đoàn Ê-phê-xô nơi Thánh Gioan Tông đồ Thánh sử truyền giáo. Với danh hiệu “Theotokos”, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa cả về bản tính Thiên Chúa và bản tính con người. Nhưng, vào thế kỷ thứ 5, bè rối Nestorius đã chối bỏ bàn tính Ngôi Hai Thiên Chúa. Nestorius (386-451), Tổng Giám Mục thành Constantinople từ 10-4-428, đưa ra vấn đề “Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ Đức Kitô chỉ về bản tính con người” mà thôi. Do đó, Đức GH. Célestinô I (422-432, về sau được phong thánh) đã triệu tập Công Đồng Ê-phê-xô ngày 7-6 năm 431, truất chức Tổng GM Nestorius ngày 22-6-431 và tôn vinh Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ Đức Kitô Con Thiên Chúa, là Mẹ Chúa Giêsu làm Người, là Mẹ của Giáo Hội và Mẹ của cả nhân loại.
 
1-1 Ngày Thế Giới cầu nguyện cho Hòa Bình
 
Giáo Hội chọn ngày đầu năm dương lịch 1-1 làm Ngày Cầu Nguyện cho Hòa Bình Thế Giới. Ngày lễ khởi đầu từ 1-1-1967 thời Đức GH. Phaolô VI (1963-78). Nguồn gốc ý hướng cầu nguyện cho Hòa Bình Thế Giới đã có từ thời Đức GH. Gioan XXIII (1958-63), nay là Chân Phước Giáo Hoàng. Khi Công Đồng Vaticanô II khai mạc ngày 11-10-1962 thì vào trung tuần tháng 10-1962, đã xảy ra cuộc đối đầu khủng khiếp giữa Liên Xô và Hoa Kỳ: Đoàn tàu chiến Liên Xô trực chỉ Mỹ Quốc và Tổng Bí thư Liên Xô CS Nikita Khruschev đe dọa dùng Cuba để thiết lập giàn phóng tên lửa hạt nhân tại đảo Caribbean nhắm vào Hoa Kỳ. TT John Kennedy phản ứng quyết liệt, tuyên bố sẽ đáp trả ngay nếu Liên Xô không dẹp bỏ ý định điên rồ như thế. Đức GH. Gioan XXIII nổ lực vận động hai vị lãnh đạo Xô-Mỹ tự chế, vượt qua nguy cơ chiến tranh nguyên tử. Sau đó, ngày 11-4-1963, Đức GH. Gioan XXIII đã công bố Thông điệp Pacem in terris xây dựng và củng cố Hòa Bình trên Thế Giới dựa trên 4 cột trụ: Chân lý, Công bình, Yêu thương, Tự do. Ngày 1-1-1968, Đức GH. Phaolô VI nhắc bào: “Chúng tôi ước mong mỗi năm việc mừng Lễ Ngày Thế Giới cầu nguyện cho Hòa Bình là lời cầu chúc và lời hứa khởi đầu niên lịch, hầu đo lường và vạch ra con đường sự sống nhân loại với thời gian. Mong sao được thấy Hòa Bình với sự cân bằng nghiêm chỉnh và hữu ích, chế ngự sự tiến triển của lịch sử sắp đến.”
 
8-1 Chúa Nhật Lễ Hiển Linh hay Lễ Ba Vua
 
Lễ vào Thứ sáu 6-1, ngày Giáo Hội Chính Thống mừng Chúa Giêsu giáng sinh, dời qua CN 8-1.
 
Ngày lễ còn gọi là lễ Chúa tỏ mình cho dân ngoại vì, theo Tin Mừng Thánh Mat-thêu: “Khi Đức Giêsu ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà đạo sĩ (là Ba Vua Melchior, Baltazar và Gaspar), từ Đông Phương đến Giêrusalem để triều bái Người” (Mt 2: 1)
 
TUẦN LỄ CẦU NGUYỆN CHO SỰ HIỆP NHẤT CỦA CÁC KITÔ-HỮU
 
Chính yếu của Phụng Vụ Thánh trong Tháng 1 là Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Sự Hiệp Nhất của Các Kitô-Hữu, từ Thứ tư 18 đến 25-1-2012. Nghi thức cầu nguyện nầy được các Giáo Hội Kitô – Tin Lành, Công Giáo, Anh Giáo, Chính Thống Giáo, đồng thuận cùng nhau tổ chức.
 
Niềm tin vào Giáo Hội duy nhất
 
Từ kinh Tin Kính các Tông đồ tuyên xưng “Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế nầy” và Công Đồng Nicene, năm 381, xác tín “Tôi tin có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền” trong kinh Tin Kính ngày Chúa Nhật, Giáo Hội vững tin vào sự hiệp nhất Kitô-giáo. Tuy vậy, do bản tính yếu đuối của con người, sự chia rẽ thường xuyên xảy đến giữa con cái Chúa. Vì thế, Thánh Phaolô Tông đồ luôn kêu gọi các giáo đoàn hiệp nhất, cụ thể như nói với Ê-phê-sô:
 
“Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. Chì có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được ơn để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chì có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người và trong mọi người” (Ep 4: 3-6).
 
Sự chia rẽ trong Giáo Hội Chúa Kitô
 
Trong lịch sử Giáo Hội Chúa Kitô đã có nhiều khủng hoảng đáng tiếc, nặng nề nhất là vào thế kỷ thứ 11, dưới thời các GH Sylvester III (20-1/10-2-1045); Bênêđíctô IX (10-4/1-5-1045); Grêgôriô VI (1045-46); Clêmentê II (1046-47); Bênêđíctô IX (lần 3, 1047-48); Damasus II (1048), kéo dài đến Đức GH Lêô IX (1049-54, về sau được phong thánh) mới lập lại các qui củ đạo đức. Nhưng, cũng vì lủng củng trong các giáo hoàng tại Rôma, nên Đức Thượng Phụ Chính Thống Constantinople là Michael Caerularius, không nhìn nhận Giám mục Rôma là giáo hoàng mà chỉ xem là người ngang hàng với các giám mục khác. Năm 1054, Constantinople không hòa giải được với Rôma, nên Công Giáo và Chính Thống Giáo chia ly.
 
Vào thế kỷ 16, thời Đức GH Lêô X (1513-1521), Giáo Hội Kitô lại suy yếu và  cần phải sửa đổi. Vì thế sinh ra các thể thức sửa sai nghiêm nhặt do Martin Luther (1480-1546) tại Đức và Jean Calvin (1509-64) tại Pháp, dẫn tới Cải Cách Tin Lành (1517-1650) đến ngày nay, song hành với “Cải Cách” của Zwingli (1484-1531) tại Thụy Sĩ chối bỏ cả phép Rửa Tội và phép Thánh Thể. Cũng vào thế kỷ 16, vì Đức GH Clêmentê VII (1523-34) không công nhận việc vua Anh Quốc Henry VIII (1509-47) ly dị với hoàng hậu Catherine xứ Aragon để kết hôn với Anne Boleyn, nên năm 1534, vua Henry VIII tự tôn vinh làm lãnh đạo Giáo Hội Anh Quốc và từ đó Anh Giáo ly khai khỏi Công Giáo.
 
Dù vậy, từ mọi phía trong các Giáo Hội Kitô luôn luôn hướng về hiệp nhất, nhất là từ năm 1800. Đến năm 1908, Giáo sĩ Anh Giáo Paul Wattson tại Hoa Kỳ, đề nghị cầu nguyện cho Hiệp Nhất trong 8 ngày, từ 18 đến 25-1: Ngày 18-1 là ngày nhớ đến sự kiện “Tông đồ Phêrô bị bắt, bị khóa vào hai cái xiềng và có lính canh giữ nghiêm nhặt. Thế mà thiên sứ đánh thức: Đứng dậy mau đi. Xiềng xích liển tuột khỏi tay ông” (Cv 12: 6-11). Còn 25-1 là ngày “Lễ Phaolô Tông đồ trở lại”.
 
Đề nghị nầy được Giáo Hội Công Giáo nhiệt tình hưởng ứng. Sau đó, có những qui định chung của các Giáo Hội về việc tổ chức Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô-hữu, cụ thế chủ đề và tài liệu được soạn bởi Ùy Ban hỗn hợp Quốc tế gồm Hội Đồng Đại Kết Các Giáo Hội (Tin Lành, Anh Giáo, Chính Thống) và Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô-hữu của Tòa Thánh tại Vatican. Các Hội Đồng quốc gia và địa phương đưa các tài liệu áp dụng vào nghi thức cầu nguyện. Tiêu biểu là Giáo Hội Canađa và Giáo Hội Pháp tại Lyon, luôn luôn đưa ra sáng kiến tiên phong trong sự cộng tác giữa các Giáo Hội Tin Lành, Anh Giáo, Chính Thống và Công Giáo.
 
Tại sao phài Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô-hữu?
 
Nói đến hiệp nhất, Chúa Giêsu không phán bảo hay ra lệnh cho các tông đồ, mà cầu nguyện:
 
Con cầu nguyện cho họ, những kẻ Cha đã ban cho con…Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con “để họ nên một” như chúng ta” (Ga 17: 9-11)
 
Trong Tông Thư “Ut Unum Sint” (Để Họ Nên Một) ban hành ngày 25-5-1995, Đức GH Gioan Phaolô II, nay là Chân Phước Giáo hoàng, nhắc lại xác tín đã được khai triển trong “Sắc Lệnh về Hiệp Nhất” (Unitatis Redintegratio) cùa Công Đồng Vaticanô II (21-11-1964) đề cập đến ưu tiên của sự cầu nguyện cho Hiệp Nhất (UUS, 21):
 
“Sự hoán cải tâm hồn và đời sống thánh thiện làm một với những lời khẩn cầu chung hay riêng cho sự hiệp nhất các Kitô-hữu phải được coi như linh hồn của tất cả phong trào hiệp nhất và xứng đáng mệnh danh là “sụ hiệp nhất thiêng liêng”. Người Công Giáo thường có thói quen hội nhau để cầu nguyện cho Giáo Hội được hiệp nhất, lời cầu nguyện mà chính Đấng Cứu Thế trước ngày tử nạn đã khẩn khoản dâng lên Chúa Cha: “Xin cho tất cả nên một” (Ga 17: 21)
 
Trong vài trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như những dịp cầu nguyện cho Giáo Hội được hiệp nhất và trong các buổi hội thảo về hiệp nhất, chẳng những người Công Giáo được phép mà còn phải được khuyến khích hiệp nhau cầu nguyện với các anh em ly khai. Những kinh nghiệm chung như thế là phương tiện rất hữu hiệu để xin ơn hiệp nhất và tiêu biểu thực sự mối dây còn đang liên kết người Công G áo với các anh em ly khai: “Vì đâu có hai ba người nhân danh Thầy hội họp lại, thì Thầy sẽ ở gữa họ” (Mt 18: 20) (UR, Hiệp Nhất, 8)
 
Đặc biệt, mỗi năm việc cầu nguyện được giao cho một Giáo Hội có trách nhiệm chọn chủ đề và diễn giải áp dụng vào việc cầu nguyện làm sao cho phù hợp với tinh thần hiệp nhất. Ví dụ:
 
Năm 2012, Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất thứ 104 (1908-2012) được giao cho Giáo Hội tại Ba lan với Ủy Ban Đại Kết chuyên trách soạn thảo, trình bày đề tài và ý nghĩa liên hệ.
 
Chủ Đề Cầu Nguyện
 
“Tất cả chúng ta sẽ được biến đổi nhờ sự chiến thắng của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”
 
Chủ đề cầu nguyện được trích từ Thư Thánh Phaolô, Tông đồ, gởi tín hữu Corintô:
 
“Tất cả chúng ta sẽ được biến đổi trong một giây lát, trong một nháy mắt, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên. Vì tiếng kèn sẽ vang lên, và những kẻ chết sẽ chỗi dậy mà không còn hư nát; còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi. Quả vậy, cái thân phải hư nát nầy sẽ mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết nầy sẽ mặc lấy sự bất tử. Vậy khi cái thân phải hư nát nầy mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết nầy mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây:
 
Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đây là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đây là nọc độc của ngươi? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật. Nhưng tạ ơn Thiên Chúa vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Bởi vậy, anh em thân mến, anh em hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa vì biết rằng: Trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích” (1Co 15: 51-58)
 
Đề tài được chọn vì phù hợp với lịch sử cụ thể của Ba-lan, một đất nước mang dấu ấn của thất bại và chiến thắng nối tiếp nhau dẫn đến quân Xô-Viết chiếm thủ đô Kraków ngày 18-1-1945. Sau đó, nhờ lục lượng thợ thuyền tại cảng Gdansk, dưới sự lãnh đạo của ông Lech Walesa, chọn danh xưng “Solidarnosc” (Đoàn Kết) theo tinh thần của Đức GH. Gioan Phaolô II. Ngày 31-8-1980, Phong Trào Đoàn Kết được công nhận và nhờ hiệp nhất mới thoát khỏi ách độc tài vào năm 1989.
 
Thay lời kết: Hằng năm, khi trình bày về Tuần Lễ Câu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô-hữu, chúng tôi thành tâm ước mong quý độc giả khắp nơi hãy cùng Nguyệt San HIỆP NHẤT tha thiết cầu nguyện cho hồng ân hiệp nhất được thể hiện khắp nơi hầu con cái Chúa trở về cùng một Chúa.
 
Tham Khảo: Week of Prayers for Christian Unity 2012 (The Vatican & World Council of Churches)
 
Trần Văn Trí (Tháng 1-2012)

Tác giả: Trần Văn Trí AN43

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập596
  • Hôm nay84,640
  • Tháng hiện tại905,299
  • Tổng lượt truy cập57,006,936
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây